Tài liệu: Mục tiêu cao cả của vật lý học

Tài liệu
Mục tiêu cao cả của vật lý học

Nội dung

MỤC TIÊU CAO CẢ CỦA VẬT LÝ HỌC

 

Đã trải qua nhiều thế kỉ phát triển, vật lý học quả nhiên không thể có lý do nào để lớn mạnh nếu không có một mục tiêu đủ cao cả phía trước: tạo ra bức tranh khoa học thống nhất của Vũ Trụ. Từ lâu lắm rồi đã manh nha những lý thuyết (hay trước kia gọi là hệ thống) cho phép mô tả toàn thể mọi thứ trong Vũ Trụ trên cơ sở mấy định luật, mà bằng phép lôgic thuần tuý có thể từ đó suy ra mọi biểu hiện phong phú của Vũ Trụ vật lý. Từng mơ ước về mục tiêu như thế của khoa học tương lai, có thể kể đến Leibniz, người đã cho rằng trên con đường tiến tới đó, chính nhận thức loài người sẽ tiếp cận tới cái linh thiêng thần thánh, tới sự hoàn thiện tối thượng.

Có lúc hình như bài toán đó về nguyên tắc đã được giải quyết bằng bức tranh cơ học Newton của thế giới, cho đến khi người ta nhận ra rằng khuôn mẫu Newton không bao quát được tất cả các hiện tượng, chẳng hạn như hiện tượng điện từ. Người ta đã thay thế nó bằng một khuôn mẫu mới: khuôn mẫu lượng tử tương đối tính. Nhưng các nhà vật lý phần lớn hiện nay, không còn tin rằng trong khuôn khổ của khuôn mẫu ấy lại có thể có được một lý thuyết trường thống nhất (của các hạt cơ bản). Mục tiêu hình như ngày càng cao càng xa hơn.

Nhưng mục tiêu như thế - mục tiêu mô tả thế giới bằng một khởi nguyên thống nhất của mọi sự vật - từng được siêu hình học đặt ra suốt mọi thời kì lịch sử. Siêu hình học từ thời cổ đại đã tạo dựng nên các thành tựu toán học và những nguyên lý của tư duy lôgic để tiến tới mục tiêu do nó đặt ra ấy.

Nhà triết học lôgic học kiêm toán học Anh Bertrand Russell ( l872 - 1970) đã xác định mục tiêu của siêu hình học thế này: đó là ''cố gắng bao gọn thế giới như một toàn thể bằng tư duy”. Có thể chăng mục tiêu cao cả luôn trượt khỏi tầm nhìn của nhà vật lý, vì nó là không thể với tới thằng phương tiện chỉ của một mình vật lý học và nếu không có phương pháp mới về nguyên tắc?

Sự phát triển vật lý học hiện đại minh chứng rằng nó đã dấn thân vào con đường thoả hiệp với siêu hình học và tín ngưỡng. Nhận thức thế giới một cách khoa học và thế giới quan tín ngưỡng là bổ sung cho nhau và cần thiết đối với nhau. Có thể là trong tương lai sẽ có sự tổng hợp của hai chân lý sâu sắc - vật lý và tín ngưỡng - vì sự nghiệp tạo dựng bức tranh thống nhất của thế giới.

Sự hợp nhất của hai chân lý ấy sẽ dẫn tới sự làm giàu lẫn nhau, cả cho vật lý học, cả cho tín ngưỡng, là điều đã từng được nói ra bởi một nhà nghiên cứu tự nhiên, nhà tư tưởng và hoạt động xã hội lừng danh Vladimir lvanovich Vernadsky (1863 - 1945): ''Sự lớn mạnh của khoa học không tránh khỏi sẽ gây ra sự bành trướng khác thường của ý thức triết học và tín ngưỡng... Tín ngưỡng và triết học, một khi tiếp nhận những tư liệu đạt được bằng thế giới quan khoa học sẽ mở ra ngày càng xa hơn những bí mật sâu xa của ý thúc con người''.

Vậy nên vật lý học và tín ngưỡng, sau bao thế kỉ tách biệt nhau sẽ trở lại trạng thái ban đầu, nơi chúng đã từng gắn bó keo son, vì rằng chúng có cùng một mục tiêu chung và nó còn đang ở phía trước!




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1134-02-633397022121875000/Vat-ly-hoc-va-ton-giao/Muc-tieu-cao-ca-cu...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận