VÌ VINH QUANG CỦA THẾ GIỚI VÀ CỦA KHOA HỌC
Lễ trao giải Nobel được những người khởi thảo Điều lệ Quỹ Nobel định ra vào ngày 10 tháng Chạp hàng năm, ngày mất của người lập nên Quỹ. Lần trao giải đầu tiên là năm 1901, từ bấy đến nay lễ lạt long trọng đó đã trở thành phần không thể thiếu của các tuần lễ trước Giáng sinh tại thủ đô Thụy Điển. Phố xá Stockholm trang hoàng những dải đèn nhiều màu, đầu hồi nhiều toà nhà có thắp dãy đĩa nến. Những người được giải cùng thân thích và các khách mời của Quỹ Nobel được nghỉ tại “Grand Hotel”, khách sạn tráng lệ nhất thành phố, trên nóc có cắm cờ Thụy Điển và cờ những nước có người được giải. Tại lễ trao giải, mọi người, không có ngoại lệ, đều mặc lễ phục truyền thống: đàn ông mặc bộ quần áo đuôi tôm màu đen với áo gilê, sơ mi trắng, cavat nơ cùng màu, các bà mặc bộ váy áo dạ hội màu tối. Sinh viên thành phần bình đẳng và tất yếu tham dự lễ, thì đội mũ kepi trắng viền đen và đeo chéo một giải lụa rộng vàng xanh lơ, màu của quốc kì Thụy Điển.
Ngày trao giải là đặc biệt vất vả đối với các nhân vật của nó, bởi chính những người được trao giải không chỉ hồi hộp mà còn có lo bị nhầm lẫn trong bao tiểu tiết nghi lễ. Để tránh điều đó buổi sáng ngày 10 tháng Chạp, người ta mời họ đến diễn tập ở Concert - hall, nơi đến chiều tối sẽ cử hành lễ trao giải.
Lễ trao giải bắt đầu vào 16 giờ. Gian đại sảnh rộng lớn của Concert – hall và sân khấu của nó đầy các vị khách và người xem. Chính giữa sân khấu là tượng bán thân Alfred Nobel, chếch bên phải là các ghế bành ở cung vua được chở từ cung điện tới cho buổi lễ này, và một cái bàn nhỏ trên để các tấm bằng chứng nhận bìa đỏ và các tấm huy chương vàng có hình Nobel. Sau bàn là vị đại diện quỹ Nobel, có nhiệm vụ chuyển cho nhà vua các hiện vật theo tên của người nhận giải, bên cạnh có một sinh viên giúp việc.
Đúng 16 giờ vang lên tiếng nhạc quốc ca: Tất cả đứng hát, chỉ nhà vua không hát. Sau đó, trong tiếng nhạc hành khúc Mozart, những người được giải bước ra. Họ đi qua và ngồi vào dãy ghế bành theo thứ tự giải thưởng đã ghi trong di chúc: trước tiên là vật lý, rồi đến hoá học, sinh lý và y học, văn chương. Từ năm 1969 thì có thêm giải thứ sáu về kinh tế học. Những viện sĩ, người sẽ giới thiệu những người được giải thưởng dẫn họ tới ghế ngồi. Người đầu tiên bước lên diễn đàn: cái bục có hình Nobel chạm nổi bằng đồng - là ông chủ tịch quỹ Nobel. Ông đọc lời khai mạc kỉ niệm người sáng lập giải thưởng. Ông này, cũng như các diễn giả tiếp theo, đều nói tiếng Thụy Điển. Nhưng điều đó không gây khó khăn gì vì từ trước mỗi vị khách đều đã được trao bản chương trình và các lời phát biểu dịch ra tiếng Anh.
Quá trình trao giải bắt đầu với phát biểu của vị đại diện Uỷ ban giải Nobel về vật lý. Sau đó một người bưng bộ phần thưởng gồm Bằng chứng nhận và hộp đựng Huy chương từ tốn đi tới chỗ nhà vua. Nhà vua đứng dậy. Đồng thời tất cả cử toạ cũng đứng dậy im lặng quan sát những bước đi tiến tới nhau của nhà vua và người nhận giải. Vào thời điểm họ trao nhận phần thưởng và bắt tay nhau, từ góc phải sân khấu vang lên tiếng kèn song tấu, báo hiệu đến lúc người nhận giải làm lễ cúi chào. Người nhận giải phải nhớ kĩ thứ tự cúi chào: trước hết chào nhà vua rồi các viện sĩ, trên sân khấu và cuối cùng là chào mọi người ngồi trong phòng.
Nhà vua chậm rãi trở về ghế bành, người giúp việc đội kepi, vai đeo băng vàng xanh lơ bước tới người phụ trách đang chờ anh ta gần ghế anh nhà vua. Một bộ phần thưởng tiếp theo lại tới tay nhà vua và trình tự được lặp lại… Phần đầu tiên của ngày chủ yếu của festival (lễ hội) Nobel kết thúc trong tiếng quốc ca Thụy Điển. Lần này cả nhà vua cũng hát.
Mười phút để các vị khách đi sang Tòa Thị chính tráng lệ trên một trong những hòn đảo lởm chởm đá của Slockholm. Được xây từ đầu thế kỷ XX theo phong cách kiến trúc gôtic Trung thế kỉ, nó như cỗ máy thời gian, chuyển dần từ tính hiện đại Tân cổ điển của Concert - hall vào Thời đại hiệp sĩ. Tại lâu đài toà Thị chính thường diễn ra tiệc giải Nobel truyền thống.
Chính giữa sảnh đường Xanh là chiếc bàn tiệc chính cho 88 người: ở giữa là chỗ cho Vua và hoàng gia, người được giải và vợ chồng họ. Những chỗ còn lại dành cho ban lãnh đạo quỹ Nobel và các cơ quan xét giải họ hàng của Nobel, đại sứ các quốc gia có người được giải. Xung quanh bàn chính còn đặt 65 chiếc bàn tiệc kích thước khác nhau cho khách, tổng cộng trong phòng có chỗ cho 1268 người trong đó có 200 chỗ cho sinh viên.
19 giờ kèn đồng cử hành khúc chiến thắng. Từ vị trí phía trên cửa phòng (nơi thường dành cho ban đồng ca) bắt đầu đoàn khách và chủ đi ra. Đi đầu là một viên quan chức rao lễ tay cầm cây gậy bạc dài. Sau đó là nhà vua khoác tay một phụ nữ - người được trao giải đi ra (nếu năm nào không có phụ nữ được giải, nhà vua sẽ đi cặp với phu nhân của người được giải vật lý trong quyết định của viện hàn lâm hoàng gia). Tiếp đến là hoàng hậu cùng người tháp tùng là vị chủ tịch Quỹ Nobel.
Lần nâng cốc thứ nhất là chúc sức khoẻ nhà vua do vị chủ tịch Quỹ đề xướng. Tất cả đứng dậy nâng li rượu sâm banh. Lần nâng cốc thứ hai, để ghi nhớ Alfred Nobel, do nhà vua tuyên bố. Phần xã giao qua đi tiếp đêm, phần thưởng thức tự nhiên các món ăn kì thú (thực đơn được giữ kín cho đến phút chót). Cùng với cà phê người ta mời sôcôla - những hình tròn bọc trong vỏ màu bắt chước mặt trước của Huy chương Nobel. Quý khách nào không sài hết cũng có thể lượm một ít vào túi hay sắc để làm kỷ niệm. Bữa tiệc kết thúc bằng lời phát biểu đơn của những người được giải. Tiếng kèn đồng báo hiệu mỗi lần phát biểu ấy.
Tiếp theo trên tầng hai, trong Sảnh Vàng của toà thị chính, diễn ra vũ hội trong tiếng nhạc của dàn nhạc sinh viên. Cho đến đêm khuya. Tại gian riêng sau tấm bình phong thanh thoát nhà vua và hoàng hậu tiếp những người được giải. Trong tủ kính trưng bày các tấm Bằng và Huy chương của những người chủ mới. Tấm bằng không đơn giản là chứng chỉ. Mặt trong tờ bìa bên trái, được hoạ sĩ trình bày một bản duy nhất hình tượng biểu thị công lao của người được giải đối với khoa học hoặc văn chương mà giải Nobel ghi nhận. Một thi vị riêng của tuần lễ lạt là ngày 3 tháng Chạp - ngày Nữ Thánh Lucia - người nữ tín đồ Cơ đốc tuẫn tiết năm 304. Từ năm 1927 một tờ báo Stockholm khéo léo biến ngày đó thành ngày lễ toàn Thuỵ Điển, bao gồm cả cuộc thi Hoa hậu, các hoạt động tù thiện…
Quỹ Nobel không bỏ qua cơ hội sử dụng cuộc lễ truyền thống mới phục hồi ấy để hoàn tất tốt đẹp cuộc viếng thăm Stockholm của những người được giải. Vào 8 giờ sáng ngày 13 tháng Chạp bắt đầu cuộc diễu hành Thánh Lucia qua từng phòng của ''Gian hotel'' – nơi ở của các nhân vật giải Nobel của festival. Được dặn dò từ trước, những người được giải Nobel đã sẵn sàng đón chào đoàn diễu hành trong tư thế đắp chăn trên giường, nhưng đã mặc quần áo chỉnh tề… Thánh nữ Lucia mời chào họ bước vào một ngày mới - ngày ánh sáng Mặt Trời quay trở lại trên Trái Đất, chúc những thành tích mới vì hoà bình và hạnh phúc trên hành tinh đầy khổ đau này, vì những thành tựu sáng tạo mới.
Chính Alfred Nobel từng mơ ước điều ấy khi cống hiến toàn bộ khoản tiền khổng lồ do chất nổ đinamit đem lại cho các mục tiêu tốt đẹp và cao cả ấy.
BÁO CÁO NHẬN GIẢI NOBEL
Theo đúng mục 9 điều lệ của Quỹ Nobel mỗi người được giải thưởng buộc phải ''nếu không bị trở ngại gì thì trong vòng 6 tháng sau khi nhận giải thưởng, phải đọc bài giảng công khai về công trình đã giành được giải''. Trong những thập kỷ cuối thế kỷ XX ngày truyền thống đọc ''Báo cáo giải Nobel'' được tổ chức vào ngày 8 tháng Chạp. Còn một yêu cầu nữa với người được giải là trước đó họ không được quyền phát biểu, thông báo trước công chúng tại Thụy Điển.
Các báo cáo (bài giảng) Nobel về các khoa học diễn ra tại phòng họp Viện hàn lâm khoa học hoàng gia, tại giảng đường Trường đại học tổng hợp Stockholm, Học viện bách khoa, Học viện y học giải phẫu Caroline, vào nghe tự do (không mất tiền). Vào dự bài giảng ta thấy các giáo sư đạo mạo lẫn sinh viên và học sinh phổ thông lớp trên. Những người nhận giải văn chương sẽ đọc báo cáo tại phòng khánh tiết Viện hàn lâm Thụy Điển. Báo cáo về giải Nobel hoà bình được tổ chức cũng ở phòng như vậy của Tòa thị chính Oslo Na Uy, nơi diễn ra lễ trao giải hàng năm vào ngày 10 tháng Chạp.
Nếu một giải tặng cho hai hoặc ba người, họ sẽ lần lượt đọc báo cáo, theo thứ tự tên tuổi ghi trong quyết định của cơ quan trao giải. Mỗi người phát biểu 40 phút, và đôi khi gặp chuyện khó xử với quy tắc. Viện sĩ I. M. Frank nhớ lại là người cùng được giải thưởng với ông năm 1958, viện sĩ I. E. Tamm bị lôi cuốn, đã nói ra ngoài báo cáo chuẩn bị sẵn, và đề cập đến các câu hỏi vượt khỏi đề tài của bài giảng về công trình giải Nobel. Chợt nhớ ra, ông xin Frank nhường cho ông 10 phút, là điều mà Frank không thể làm được(do tiếng Anh hạn chế, Frank không thể không ''đọc từng chữ của báo cáo viết sẵn). May mắn là vị chủ tịch đã cho phép Tamm tiếp tục bản báo cáo rất hay của mình.
Khi chuẩn bị báo cáo những người được giải cố truyền đến thính giả những thành tựu khoa học mới nhất của mình. Niels Bohr vào năm 1922, đã trì hoãn bài giảng, để đợi bức điện từ Copenhagen khẳng định những phát hiện nguyên tố mới - hafni - của trường phái Bohr. Không còn đợi được nữa ông đành bước lên bục giảng. Tại đây ông lại bị thêm ''tai hoạ'': không tìm thấy trong cặp mình bản báo cáo chuẩn bị sẵn! Như các báo chí ngày hôm sau đã hài hước đưa tin: Bohr không vì thế mà lúng túng, thay vì một giờ, ông nói liền một mạch hai tiếng đồng hồ. Cử toạ chẳng ai dám ngắt lời nhà bác học nổi tiếng nhất thế giới này!
Trên kia đã nói rằng đề tài báo cáo Nobel phải phù hợp với nội dung công trình được trao giải. Nhưng được biết có một trường hợp ngoại lệ, mang tính chất tỏ thái độ rõ ràng. Viện sĩ P. L. Kapitsa được tặng giải ''vì những sáng chế và phát minh cơ bản trong lĩnh vực nhiệt độ thấp” ông tiến hành những năm 30 - 40 của thế kỷ XX Ngay từ năm 1946 nhà vật lý Anh Paul Dirac, giải Nobel năm 1933, đã lần đầu tiên đề cử Kapitsa cho giải Nobel. Nhưng vì những lý do và hoàn cảnh nào đó Kapitsa mới được trao giải khi ông đã 85 tuổi. Con người ấy đủ thẳng thắn để tỏ thái độ về sự công nhận muộn màng đến thế. Kapitsa tuyên bố, trước khi mở đầu báo cáo, trong lễ đường chật ních của Viện hàn lâm khoa học hoàng gia: ''Những công trình ấy tôi hoàn thành từ 40 năm trước, nay đã không nhớ được nữa. Vậy nên ở đây tôi sẽ kể về những gì tôi hiện đang làm''. Cả hội trường, hiểu rõ điều ông ám chỉ, tiếp đón lời của ông bằng những tràng vỗ tay và nụ cười đầy thiện chí. Còn P. L. Kapitsa, thay cho bản báo cáo Nobel, bắt đầu đọc bài giảng về “plasma và phản ứng nhiệt hạt nhân có điều khiển'' -những thành tựu thuộc cùng nhiệt độ rất cao!