TÍN NGƯỠNG VŨ TRỤ
Tín ngưỡng là một trọng thái bình thường của con người: đôi khi nó được coi như dấu hiệu phân biệt con người với toàn bộ thế giới sinh vật khác: con người là sinh vật có tín ngưỡng. Nhưng động cơ dẫn con người đến lòng tin tôn giáo thì có thể rất khác biệt.
Một thời gian dài từng ngự trụ một ý thức hệ cho rằng mọi tín ngưỡng và tôn giáo sinh ra chỉ vì nỗi sợ hãi của con người nguyên thuỷ trước các hiện tượng thiên nhiên mà học không hiểu nổi. Tín ngưỡng là “sự phản ánh hoang đường trong đầu óc con người hình ảnh các sức mạnh bên ngoài chi phối họ”, theo lời Friedrich Engels (1820 - 1895). Vậy thì làm sao lại sính ra một ý thức tín ngưỡng trong đầu nhà khoa học như Newton người đã đưa ra sự giải thích các lực tác dụng trong Tự nhiên?
Thậm chí ở các bộ tộc tiền sử tín ngưỡng cũng phát sinh không phải bao giờ cũng vì nỗi sợ hãi thiên nhiên. Quan điểm như thế về nguồn gốc tín ngưỡng xuất hiện từ Thế kỉ Khai sáng, đã thành lạc hậu từ sau những nghiên cứu khoa học về thần thoại cổ đại. Nhà tâm lý học kiêm nghiên cứu thần thoại cổ đại Thụy Sĩ Carl Gustav Jung (1875 - 1961) đã chỉ ra rằng thần thoại không là cái phản ánh thiên nhiên, mà đó là sự phản ánh tâm hồn con người, sự chiêm nghiệm nội tâm của con người.
Kant đã biện luận cho lòng tin bằng một tiên đề (định luật đạo đức tuyệt đối) mà có thể chấp nhận hay không chấp nhận. Điều đó tạo ra lý do để nhà triết học tín ngưỡng Nga V.S. Soloviev (1853 - 1900) phê phán ''lòng tin lý trí” của Kant. Trong vấn đề biện giải lòng tin Soloviev ủng hộ siêu hình học về kinh nghiệm nội tâm'' của nhà thần học Kitô giáo Augustlne xứ Hippo (Thánh Augustine) (354 - 430): “Thực tại của Chúa Trời không phải được tiếp nhận nhận như một tiên đề, mà được khám phá như một sự thật. Chúa Trời là sự thật của kinh nghiệm thành tín nội tâm. Tính xác thực về sự tồn tại của Người không đòi hỏi phải biện giải tổng lý trí: Chúa hiện hữu trong ta, nghĩa là Ngài hiện hữu'' (V. S. Soloviev).
Luận chứng nào của lòng tin có tính thuyết phục hơn, Kant hay Soloviev? Bằng chứng hoá theo kiểu của Soloviev cũng không tránh khỏi khiếm khuyết. Nó hoàn toàn là chủ quan và vì thế không thể có tính xác thực nhất thiết cho tất thảy mọi người. Theo lời của Francisco de Goya “giấc mơ của lý trí sản sinh ra quái vật” - vậy từ đâu ta có thể biết cái ta đạt được bằng kinh nghiệm bên trong chính là Chúa Trời, mà không phải trò chơi của tiềm thức, cũng không phải bản rập khuôn của ngoại cảnh? Thay chỗ của Chúa có thể là bất cứ một bóng ma nào, từ đó sản sinh ra dị đoan hay hoang tưởng.
Lòng tin ''thuần khiết'' của Kant, ngược lại, có thể truyền cho bất kì ai, vì hoàn toàn dựa trên lý trí: ''Lòng tin tín ngưỡng thuần túy, chỉ một mình nó có thể biện giải cho một Giáo hội phổ quát vì chỉ có nó là thứ lòng tin có lý trí có thể truyền bá nó cho người khác một cách chắc chắn''. Và ngoài ra, lý tin là liều thuốc giải độc chống lại mọi thần tượng quái dị của lòng tin của mù quáng và ngu muội.
Luận chứng hoá lòng tin thành hiển nhiên đối với bất cứ ai, là điều không thể có: mỗi người có con đường riêng đến với lòng tin. Nhưng con đường nào đến lòng tin gần nhất đối với nhà vật lý?
Không có cách trực tiếp nào xác định được Chúa Trời hay Thượng đế là gì. Chỉ có thể nói cái gì không phải là Chúa: Chúa không phải cái thần tượng tự tạo, Chúa không phải là lửa, Chúa không phải là Tự nhiên. Song như nhà tư tưởng Pháp Blaise Blaise đã nói có thể biết rằng Chúa là có, dù cho không biết Ngài là thế nào. Có thể nắm được sự hiện hữu của Chúa theo những cái mà ta đã sáng tạo ra, theo cái Thế giới mà ta đang thấy. . .
Con đường tiếp cận Chúa như thế là rất điển hình cho nhà vật lý đang tìm hiểu Thế giới tự nhiên quan sát được. Ngay người Cổ Hi Lạp, khi cảm nhận Thế giới như một cái toàn thể cấu tạo hài hoà đã cho rằng ''lý trí dẫn dắt thế giới'' (Anaxagoras), rằng thế giới xây nên theo một kế hoạch có lý tính kế hoạch đó là toán học ''Chúa luôn là một nhà hình học'' (Platon). Gottfried Wilhelm Leibniz thì cho rằng ''bản thân Tự nhiên bằng thiết chế hợp lý của mình chứng thực cho ý tưởng về người sáng tạo có lý trí của mình'' (khảo luận ''Bằng chứng của Tự nhiên chống lại người vô thần''). Leonhard Euler cũng cho rằng khám phá các quy luật toán học nghĩa là chứng thực trí tuệ không nói ra thành lời của Đấng tối thượng: ''Thế giới chúng ta được xây nên bằng cách hoàn hảo nhất và là tác phẩm của Đấng Sáng tạo toàn năng''.
Vật lý học thế kỷ XX không những không vứt bỏ, mà còn kiên trì giữ vững ''bằng chứng Tự nhiên chống lại người vô thần''. Albelt Einstein viết: ''Tôi không thể tìm được chữ nào tốt hơn chữ ''tín ngưỡng'' để biểu thị lòng tin vào bản chất hợp lý của thực tại''. Einstein nói về “lòng tin” chứ không về ''hiểu biết''. Có lần ông thổ lộ điều khó hiểu nhất với ông trong thế giới này - đó là có thể hiểu được thế giới! Cái thế giới của kinh nghiệm cảm quan của chúng ta là có thể nhận thức được - nhà khoa học khẳng định ở một chỗ khác - Chính cái tính khả tri ấy là rất kì diệu''. Điều kì diệu ấy là có thể, vì rằng khả năng tư duy của chúng ta được cấu trúc sao cho chúng ta có thể hiểu được Tự nhiên. Nhà vật lý lý thuyết, một trong những người sáng lập cơ học lượng tử người Đức Werner Heisenberg, chẳng hạn, đã xác định rằng: ''Chính những thế lực trật tự hoá đã tạo nên Tự nhiên dưới mọi dạng thức cũng là những thế lực chịu trách nhiệm xây dựng linh hồn chúng ta, kể cả khả năng tư duy của chúng ta''. Nói cách khác, chỉ cái Vũ Trụ mà từ đầu chí cuối đều là tác phẩm của Lý trí tự do mới chịu phục tùng sự nhận thức khoa học.
Cái kiểu ngoan đạo rất ''khoa học tự nhiên'' đặc biệt đó được Einstein gọi là ''tình cảm tín ngưỡng Vũ Trụ''. Đó chính là sự thành tín: không phải sự nhận thức về Chúa Trời, mà là lòng tin vào tồn tại của Ngài, xuất phát - theo lời Einstein - từ ''niềm tin cảm động sâu sắc vào tính cân đối lôgic thượng đẳng của thiết chế Vũ Trụ''. Tín ngưỡng Vũ Trụ là có lý trí và vì thế không mù quáng không mê muội: nó xua đuổi mọi ma quái và loại trừ hoang tưởng. Tín ngưỡng đó là cao cả: ''không biết đến những giáo điều, không biết đến Thượng đế, được sáng tạo ra theo hình tượng tạo con người'', nó gây ra cho Einstein cùng một ''nỗi run rẩy thần bí cũng như Kant - theo lời ông – đã trải nghiệm lúc ý thức được (giác ngộ) quy luật đạo đức trong tâm hồn và khi chiêm ngưỡng bầu trời sao trên đầu.
Không phải chỉ có Einstein nói về ''tình cảm tín ngưỡng Vũ Trụ'' . Theo ý kiến của nhà toán học Đức Hermann Weyl (1885 - 1955), vật lý đã mở ra cho con người biết tư duy một con đường đến với Chúa Trời bởi vì nó cung cấp ''tầm nhìn sự hoà điệu tuyệt vời phù hợp với một nguyên nhân cao cả''. Cả Max Planck, cả Niels Bohr và Werner Heisenberg đều có chung tình cảm ấy.
Einstein không chỉ một lần tuyên bố rằng ông tin không phải vào vị Chúa biết ''thưởng và phạt”. Những lời nói này của ông thường được giải thích theo nghĩa là nhà vật lý thiên tài không tin vào Chúa Trời như một cá thể, tức là một sinh vật. Vì thế Einstin được xếp vào nhóm người theo phiếm thần luận (pantheism), đồng nhất Chúa Trời với Vũ Trụ, mà phiếm thần luận, như người ta nói, chỉ là hình thức lịch duyệt của chủ nghĩa vô thần. Nhưng Einstein chỉ thực sự chống lại các tư tưởng nhân hình Chúa Trời (tức là gán cho Chúa Trời những tính cách hình ảnh của con người) mà thôi.
LÒNG TIN CÓ LÝ TRÍ
Vị thủy tổ triệt học cổ điển Đức Immanuel Kant (1724 - 1804) đã chỉ ra sự bất lực của kì vọng lý trí nắm biết mọi điều và đưa ra thuyết bất khả tri nổi tiếng của ông. Trước hết điều đó liên quan đến một đối tượng của niềm tin là Chúa Trời. Tại song đề tương phản (antinomia) thứ tư Kant khẳng định: lý trí thuần tuý không thể lý giải được câu hỏi về Chúa - không thể, dù chứng minh hay bác bỏ, sự tồn tại của Chúa trời. Nhà triết học Đức đã ''tới hạn tri thức để dọn chỗ cho niềm tin'' bằng cách chứng minh rằng có những vấn đề mà mãi mãi không thể giải quyết được bằng lý trí thuần tuý.
Lòng tin và lý trí, liên quan tới những lĩnh vực khác nhau của thế giới tâm hồn con người, bổ sung lẫn cho nhau: lý trí thì đi tìm các chân lý sâu xa trong phạm vi nhận thức, còn lòng tin - thì ở phạm vi các nguyện vọng, hành vi và lựa chọn tự do. Do vậy sẽ không thể đúng đắn cả việc lý trí cố công kiểm soát niềm tin (cố chứng minh hay cố phủ định sự hiện hữu của Chúa và linh hồn bất tử chẳng hạn) hay là việc niềm tin cố công bắt con người phải từ bỏ lý trí của mình. Đối tượng của niềm tin có thể là một sản phẩm phi lý - như trường hợp mê tín dị đoan hoặc hoang tưởng tôn giáo.
Đó là vì sao Kant, trong khi hạn chế tham vọng của lý trí trong lĩnh vực tín ngưỡng, lại tuyệt đối không tước bỏ của nó quyền đạt đến tín ngưỡng bằng phương tiện lý trí. Lý trí có khả năng định hướng trong lãnh địa niềm tin dù cho không thể nắm biết tất cả chiều sâu chân lý của nó.
Vấn đề là ở chỗ lý trí tự ban đầu đã hàm chứa trong mình một chút niềm tin tối thiểu là khả năng của con người là một thực thể có lý trí. Đó là lòng tin tự nhiên của trí tuệ rằng con người có thể không phải là nô lệ của hoàn cảnh hay những đỏng đảnh bẩm sinh của chính mình, mà là chủ nhân ông và người lập pháp cho hành vi của mình, tức là một thực thể có đạo lý và tự do chân chính. Nhưng mục tiêu của lý trí, đó là vươn tới một phẩm hạnh cao hơn - chỉ có được ý nghĩa khi đi cùng với niềm tin tồn tại vô biên (sự bất tử của linh hồn), cũng như vào vai trò nhà lập pháp có đạo đức tuyệt đối và là vật đảm bảo cho việc thực hiện cái thiện của Đức Chúa Trời.
Vậy là Kant đã biện giải cho tôn giáo từ quan điểm của lý trí, hay là “niềm tin có lý trí”: ấy là một đức tin, vì rằng Chúa lẫn linh hồn bất tử là không thể đạt tới bằng nhận thức kinh nghiệm và đức tin – là có lý trí, bởi lẽ Chúa và linh hồn bất tử chính là do lý trí đem đến và cần đến. Kant đã không chứng minh tín ngưỡng là chân lý nhưng đã chỉ rõ, bằng cách nào và với điều kiện nào thì nó có thể phù hợp với lý trí. Lý trí không chỉ khai mở cho con người quy luật đạo đức luân lý, mà còn tạo ra động lực (sự kích thích nội tâm) đến với lòng tin.
VẬT LÝ VÀ TRIẾT HỌC
Triết học trong các ngôn ngữ phương Tây bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp nghĩa là ''yêu chân lý'', nhưng bằng cách nào nó đạt đến chân lý nếu không có quan hệ với các đối tượng nào? Thế giới chỉ có một mà vì đâu các lý giải triết học về nó lại không hoàn toàn phù hợp nhau? Phải chăng dù đã mất hàng ngàn năm nỗ lực triết học vẫn chẳng đạt được gì tức là không thu được một kết quả có ý nghĩa chung nào được mọi người chấp nhận?
Trong khi đó, các ngành khoa học chính xác không tranh cãi về chân lý mà đi tìm kiếm và chứng minh nó. Ở đó người ta không tranh luận có phải chân lý hay không những điều như tổng các góc trong tam giác là bằng 1800 hay vật dẫn có dòng điện thì sinh ra từ trường... Những điều ấy được chứng minh bằng thực nghiệm và lôgic. Sau đó thì chúng không thể bị phủ nhận bởi bất kể ai, chúng trở nên tri thức khoa học, và không còn là triết học nữa. Tỷ như ý tưởng về bảo toàn năng lượng qua bao thế kỉ chỉ là một nguyên lý triết học (''bảo tồn thực thể''). Sau khi được Julius Mayer và Hermann Helmholtz đặt cơ sở định lượng (thế kỷ XIX) nó đã thôi là một phần của triết học mà trở thành một định luật vật lý học.
Vậy thì nếu hỏi bất cứ nhà vật lý nào, triết học có cần cho anh ta không, anh ta sẽ có đủ cơ sở xác đáng để trả lời: không, nếu như không nảy sinh một số nghi vấn nào đó.
NGƯỜI CHỈ ĐƯỜNG CỦA VẬT LÝ HỌC
Thứ nhất là về mặt lịch sử, vật lý học sinh ra trong lòng triết học như một phần hợp thành của nó: vật lý học cổ đại nhất đã được sáng tạo bởi các nhà triết học, như Aristotle, và được gọi là triết học tự nhiên. Ngôn ngữ của nhà vật lý cũng là ngôn ngữ lấy của nhà triết học: chính họ đưa vào những khái niệm cơ sở của vật lý học như ''thời gian'', ''không gian'', ''năng lượng'', ''đại lượng (thực thể) được bảo tồn''.
Vật lý học và toán học của thời Cận đại cũng đã do những nhà triết học tạo dựng. Những nhà sáng tạo toán học cơ học vĩ đại Ren Descartes, Gottfried Wilheilm Leibniz, Blaise Pascal, Isaac Newton... đã đi vào lịch sử như các triết gia vĩ đại nhất. Khi xây dựng lý thuyết hấp dẫn, Newton đã sử dụng một phương pháp triết học mới: phép quy nạp. Nó cho phép ông phổ quát định luật sức hút trọng trường của mình lên mọi vật thể của Vũ Trụ (mà vị tất ông có thể ý thức được tất cả chúng). Còn phương pháp diễn dịch của Descartes thì lại thành một phương pháp khoa học khi toán học hoá vật lý.
Thứ hai, mọi thời điểm then chốt đối với vật lý đều gắn liền với triết học: các cuộc cách mạng khoa học khi tri thức không chỉ nhiều lên về số lượng, mà có biến đổi về chất lượng. Như các nhà lịch sử khoa học thường nói, là diễn ra sự thay thế có tính nguyên lý của khuôn mẫu khoa học hay là của bức tranh vật lý về thế giới. Gây ra sự thay đổi khuôn mẫu đó không phải do sự xuất hiện những cái mới chưa từng có trong lý thuyết đang tồn tại: thường thường chúng vẫn có thể được giải thích theo cách nào đó bởi bức tranh về thế giới đang ngự trị. Nhân tố cách mạng chủ yếu chính là sự thay đổi thế giới quan triết học của các nhà khoa học: họ bắt đầu lĩnh hội thế giới theo một cách khác - đặc biệt là đưa vào khái niệm cũ một cách hiểu mới. Chính quan điểm triết học thần bí của Newton đã cho phép tạo ra cơ học - cái cầu nối giữa những điều mà người Hi Lạp tưởng chừng không thể nối kết được: chân không và tương tác. Quan niệm về một không - thời gian tuyệt đối như là một ''cảm tính'' của Chúa Trời giúp Newton thoát ra khỏi ngõ cụt nhiều thế kỉ. Hình học của ông đã là ''vĩnh cửu'' không gì lay chuyển được và là duy nhất: đó là hình học do Euclid xây dựng lên.
Theo vật lý hiện đại các tính chất của không gian và thời gian, trái lại, chỉ là tương đối: chúng phụ thuộc vào chuyển động của người quan sát cũng như vào sự phân bố và chuyển động của các vật thể. Còn hình học đã không phải duy nhất nữa, cho nên cái tình thế “khỏi bàn cãi” trước kia về tổng các góc trong tam giác đã không còn như thế nữa. Sự thay đổi của hình mẫu lại bắt đầu từ những ý tưởng triết học mới: nhà triết học vật lý học Áo Ernst Mach từng đòi phải đuổi khỏi vật lý học tất cả những gì không thể quan sát được, kiểu như không - thời gian tuyệt đối của Newton. Sự phê phán ấy đã trực tiếp dẫn đến lý thuyết tương đối!
Còn sự chuyển sang khuôn mẫu lượng tử đã triệt để cách mạng, đến nỗi cả Einstein không chịu công nhận nó. Trước đó nhận thức được xem là khách quan (tức là phản ánh các tính chất bên ngoài không phụ thuộc vào chúng ta). Các phương trình cơ học lượng tử thì gây ngạc nhiên cả cho những người tạo ra chúng khi cho thấy rằng lý tính chất của khách thể vi mô lại phụ thuộc vào phương tiện quan sát chúng, còn kết quả thực nghiệm thì phụ thuộc vào tương tác của khách thể với người quan sát. Vật lý học còn có thể cung cấp tri thức khoa học (nhất thiết như nhau) được hay không, một khi kết quả của nó lại tuỳ thuộc vào điều khách thể được nghiên cứu như thế nào và trong điều kiện nào?
Để giải quyết vấn đề nan giải ấy, Niels Bohr phải tìm đến triết học của Immanuel Kant, theo đó chủ thể nhận thức không phản ánh thế giới một cách mù quáng, mà chủ yếu là áp đặt các tính chất cho tự nhiên được nó nghiên cứu.
Nhận thức luận của Immanuel Kant thực hiện một cuộc cách mạng trong triết học. Nó lần đầu tiên nêu câu hỏi làm thế nào để tri thức khoa học là có thể? Hình như một tri thức mới được xuất hiện nhờ tích luỹ các sự kiện. Song nhận thức mọi sự kiện thì nhà khoa học không thể làm nổi. Suy luận khoa học chỉ bắt đầu từ thông sự kiện riêng lẻ, nhưng bản thân nó (suy luận khoa học) lại phải là phổ quát và tất yếu. Chính bởi vì các định luật vật lý là phổ quát nên không thể suy ra nó từ các sự kiện thực nghiệm riêng lẻ. Để trí tuệ có thể sản sinh tri thức mới, nó cần phải có khả năng nhận thức nào đó, không tuỳ thuộc vào tính ngẫu nhiên của thực nghiệm.
Kant nhận xét rằng bản thân thí nghiệm là không thể có nếu thiếu các khái niệm không gian, thời gian cố hữu ở chúng ta. Không có chúng thì chúng ta đã không thể lĩnh hội được các đối tượng và những thay đổi diễn ra với chúng. Không gian và thời gian là những ý niệm được cung cấp cho ta trước thực nghiệm và ngoài thực nghiệm và vì thế không thể thu được bằng cảm giác: chúng là ý niệm tiên thiên (a priori - tiếng La tinh), cũng gọi là tiên nghiệm.
Hơn nữa, bản thân việc nhận thức thế giới là dựa trên quy luật nhân quả: mỗi hiện tượng có nguyên nhân của mình. Nhưng do đâu ta biết được quy luật đó? Những sự kiện thực nghiệm cho thấy chỉ một điều là những hiện tượng này thì diễn ra tiếp sau những hiện tượng kia, mà điều đó chưa cho chúng ta cơ sở thiết lập mối liên hệ nhân quả giữa chúng. Ngày luôn luôn tiếp sau đêm - nhưng vị tất đêm đã là nguyên nhân của ngày? Quy luật nhân quả cũng không phải là một sự kiện nhận thức, mà là điều kiện tiên thiên của nó, Quy luật ấy không suy ra từ thực nghiệm mà là được gán cho nó. Tính nhân quả nói chung tồn tại không ở trong các hiện tượng, mà là trong lý trí của chúng ta. Chỉ có lý trí mới thiết lập nên mối liên hệ nhân quả giữa sự bắt đầu một ngày với sự quay Trái Đất.
Không gian, thời gian và nhân quả (cũng như ý niệm bảo toàn vật chất) chính phương tiện tiên thiên của chúng ta để nhận thức Tự nhiên, thuộc loại công cụ trí năng. Nhờ có chúng mà thực nghiệm không là mớ hỗn tạp các cảm quan, mà là cái gì đó có trật tự và vì thế là có thể nhận thức được. Các quy luật tổng quát nhất của Tự nhiên theo Kant, là những điều kiện cho tính khả thi của thực nghiệm. Phát hiện các công cụ trí năng, xác lập các giới hạn khả năng nhận thức của trí tuệ con người - đó là nhiệm vụ của triết học.
SIÊU HÌNH HỌC TRONG VẬT LÝ
Ngay người Hi Lạp cổ đại đã từng băn khoăn: Thế giới thực sự có đúng như nó có và như vậy hay không, và từ sự nghi ngờ ấy đã ra đời triết học. Họ cố công tìm kiếm cái bản thể nguyên thuỷ (arche trong tiếng Hi Lạp) hoặc sự khởi nguồn của mọi sự vật không nhìn thấy và không cảm thấy, mà mọi cái nhìn thấy và cảm thấy trên đời chỉ là biểu hiện của nó. Các học thuyết của Pythagoras về con số, của Đemocritus về nguyên tử, của Empedocles về bốn nguyên chất, của Platon các về ý niệm (eidos) của Aristotle về động cơ nguyên khởi của Vũ Trụ... là như thế.
Những triết gia ấy tạo nên các học thuyết siêu hình về tồn tại. Chữ siêu hình (metaphysics) chuyển từ tiếng Hi Lạp có nghĩa là ''hậu vật lý học'' hay ''phía bên kia của vật lý học''. Nỗ lực nhận định cái thế giới ngoài phạm vi đạt tới, ẩn giấu ngoài cảm thụ của chúng ta, làm thành cái, như lời của Kant, ''đòi hỏi không nguôi'' của tâm hồn con người, bởi vì ''kinh nghiệm không bao giờ hoàn toàn thoả mãn trí tuệ''.
Vật lý học hình thành như một khoa học chính là khi từ bỏ việc giải các bài toán siêu hình học (như lời Newton: ''Tôi không bịa ra các giả thuyết). Lịch sử vật lý học, tuy nhiên, cho thấy rằng nếu không có các cơ sở siêu hình học thì nó cũng không thể tồn tại Cơ học Newton đáng lẽ đã không thể sinh ra như một khoa học nếu không có không gian và thời gian tuyệt đối.
Lý thuyết tương đối đã vứt bỏ không gian và thời gian tuyệt đối, nhưng cũng lại đưa vào một thứ tuyệt đối khác - là không - thời gian - hoặc thế giới bốn chiều của Einstein. Cái thế giới kỳ lạ với thời gian ảo ấy, lại còn bị cong đi (khi mô tả hấp dẫn), không bao giờ có thể xuất hiện trên cơ sở kinh nghiệm, vì nó không thể quan sát được, dù là bằng mắt hay là bằng máy móc. Nó cũng không thể là một dạng tiên thiên của nhận thức, bởi vì không gian và thời gian trong nó là tương đối và tuỳ thuộc vào chuyển động của vật thể. Độ cong của thế giới bốn chiều ấy quyết định tất cả các chuyển động quan sát được của các vật thể.
Bản chất không nhìn thấy được cũng bộc lộ ở cơ học lượng tử. Trạng thái của các hạt trong thế giới vi mô được mô tả bởi một đại lượng không quan sát được - hàm sóng . Khi xác định tất cả phổ bức xạ của nguyên tử, hàm sóng không thể xác định đơn trị theo các đại lượng quan sát được.
Vậy là thế kỷ XX đã làm thay đổi những khái niệm quen thuộc về đối tượng của vật lý học. Ngày nay nó thâm nhập vào các bản chất không nhìn thấy được, không thuộc về thế giới của thực nghiệm theo cách hiểu trước kia. Vật lý đang nghiên cứu cái mà Kant đã cho là không thể với tới đối với nhận thức vật lý. Cả độ cong R lẫn hàm sóng là không thể cảm thụ được bằng giác quan của chúng ta, hay máy móc thiết bị cũng vậy thôi (máy móc chỉ là giác quan được hoàn thiện hơn lên). Tuy nhiên những bản chất lý tưởng hoá, không thể quan sát ấy lại quyết định mọi cái nhìn thấy được mọi cái là vật chất trong thế giới tự nhiên: từ chuyển động của các hành tinh đến bức xạ các nguyên tử.
Đã thay đổi ý nghĩa của chữ ''nhận thức'' trong vật lý học. Nếu trước kia ''hiểu'' có nghĩa là ''đưa cái chưa biết đến cái đã biết, đã quen'', thì trong vật lý hiện đại điều đó thành ra không thể. Ví như sự mô tả minh bạch về không - thời gian của các quá trình xảy ra trong nguyên tử là điều không thể vì có hệ thức bất định của cơ học lượng tử. Những quá trình đó không còn là các đối tượng của thực nghiệm trực tiếp nữa như vật lý cổ điển. Song chúng có thể hiểu được như đối tượng của nhận thức khoa học mới, bao gồm cả những nhân tố ngoài phạm vi cảm thụ không quan sát được. “Nguyên tử - đó không phải là sự vật” - Werner Heisenberg đã từng viết và Niels Bohr cũng đồng tình với ông. Nguyên tử - đó là một hiện thực siêu hình đã bị vật lý học hiện đại nắm bắt.
Nhà vật lý có thể không phải triết gia khi lý thuyết đã xây xong và có sẵn một kỹ thuật cho việc tính toán các hiện tượng. Khi đó dễ dàng quên đi các gốc gác triết học, được dùng để tạo ra lý thuyết, quên đi các tiền đề siêu hình của nó không với tới bởi một sự quan sát nào. Nhưng trong những giai đoạn bước ngoặt của sự phát triển vật lý khi tạo ra một khuôn mẫu mới, thì sự lý giải triết học có vai trò then chốt. Chỉ khi nào thay đổi cách nhìn nhận thế giới và các phương tiện nhận thức nó, nhà vật lý mới có thể đổi mới tư duy về các sự kiện đã biết và đẩy khoa học lên mức cao hơn.
TÍN NGƯỠNG VÀ ĐẠO ĐỨC CỦA NHÀ KHOA HỌC
Nhà khoa học sống không chỉ trong môi trường thiên nhiên: như một cá nhân tư duy, anh ta còn có sự tự do ý chí. Trong môi trường tự nhiên tồn tại các hiện tượng, còn trong môi trường của tự do là hoạt động. Các hiện tượng thi không thể bị loại bỏ, nhưng hành vi thì có thể thực hiện hay không thực hiện. Bản thân nhà khoa học, đôi khi không thích, vẫn phải đứng trước một sự lựa chọn đạo đức phục vụ cái thiện hay cái ác? Cái gì là thiện, cái gì là ác? Khoa học không dạy anh ta lời giải đáp loại câu hỏi ấy, anh ta không thể lấy lời khuyên từ chính khoa học của anh ta. Đó là vấn đề của lòng tin, chứ không phải của nhận thức.
Khoa học nghiên cứu thế giới là như thế nào và khảo sát những gì là có. Tôn giáo thì nói về cái phải có và do vậy, về việc chúng ta phải cư xử thế nào. Môi trường, tôn giáo thiết lập nên các giá trị mà con người khép mình theo, rèn rũa phẩm cách và quyết định hành vi của mình cho phù hợp với chúng. Theo ý nghĩa đó lòng tin tôn giáo phục vụ con người giống như chiếc la bàn giúp định hướng nơi biển lạ. Werner Heisenberg cũng từng nói về lòng tin cá nhân, vì nó như ''cái la bàn mà ta cần phải tuân theo để tìm con đường của mình giữa cuộc đời'' ở nơi mà tri thức của chúng ta là bất lực.
Đối với con người sự lựa chọn của lòng tin có vai trò vô cùng quan trọng: một lựa chọn đã rồi sẽ quyết định quan hệ anh ta với thế giới và loài người. Nói riêng, điều ấy quan hệ đến nhà vật lý mà phát minh của anh ta (ví dụ sáng chế bom nguyên tử và bom khinh khi) có thể bị kẻ ác lợi dụng. Một thời chủ nghĩa vô thần có vai trò tích cực của mình - như là một phản ứng chính đáng chống lại ý niệm nô dịch về Chúa Trời (ý tưởng nhân hình hoá). Nhưng cái quan niệm thấp kém ấy về Chúa cần phải thay thế, không phải bằng sự phi tín ngưỡng, mà bằng ý niệm cao cả hơn về Chúa. Sự phi tín ngưỡng không thể là trạng thái thường trực ở con người: con người luôn luôn thành tín, và ở chỗ gọi là phi tín ngưỡng thì lòng tin xấu có thể lấn tới thế nào. Ví dụ lòng tin vào các thần tượng, mà theo một ý nghĩa rộng lớn hơn, khiến cho con người có thể bị cuốn hút vào hố sâu không đáy của sự cảm thụ thế giới một cách, tiêu cực. Con người như thế, không phân biệt thiện và ác, dễ dàng bị lợi dụng làm công cụ cho kẻ ác, dù cá nhân anh ta thuộc loại thông minh đầu bảng.
Lịch sử vật lý học từng biết tấm gương các nhà khoa học xuất chúng, bị mất cái la bàn tín ngưỡng, nên tài năng của họ đã bị kẻ ác sử dụng. Những người được giải Nobel Johannes Stark và Philipp Eduard Anton Lenard đã tự nguyện phụng sự chủ nghĩa phát xít. Họ từng tuyên cáo về thứ vật lý học Quốc xã chân chính, phủ nhận lý thuyết tương đối như thứ tà đạo Do thái.
VẬT LÝ HỌC THỰC SỰ HAY VẬT LÝ HỌC GIẢ HIÊU
Chắc chắn rằng không có một đồ vật nào thuộc tiện nghi của con người thế kỷ XX được làm ra hay được hoàn thiện mà không có tham gia của vật lý học. Thông lin liên lạc, giao thông vận tải, năng lượng, máy tính điện tử, thiết bị y tế... Ngoài ra vật lý học còn cung cấp hiểu biết về thế giới ta đang sống. Những thành tựu vật lý học làm con người tin tưởng ở lý tính và tính khả thi của thế giới. Các nguyên lý phương pháp luận sáng tạo và kiểm chứng bởi những nhà vật lý được vận dụng cả vào nhiều ngành tri thức khác.
Song vật lý học không chỉ cống hiến rất nhiều cho xã hội, mà còn tiêu tốn không ít. Chi phí cho các thiết bị vật lý hiện đại sánh ngang được với ngân sách quốc gia của nhiều nước. Hơn thế, xã hội tiêu tiền cho khoa học mà không hề được bảo đảm chắc chắn, chỉ có niềm hy vọng vào kết quả hữu ích trong tương lai. Bởi thế trong khoa học không thể không có sự cạnh tranh giành lấy nguồn tài trợ và sự tín nhiệm của xã hội. Trong cuộc cạnh tranh ấy có sự tham gia của không chỉ những đại diện phương hướng khoa học khác nhau, mà cả những kẻ giả danh khoa học.
THẾ GIỚI GIẢ KHOA HỌC
Giả khoa học cố công làm giống như khoa học, đeo mặt nạ khoa học, nhưng mục tiêu và phương pháp thì hoàn toàn khác. Một trong các mục tiêu phổ biến nhất của giả vật lý phải kể đến việc nhận tiền bạc và vinh dự từ Nhà nước. Đề tài truyền thống là ''siêu vũ khí”, ví dụ như sử dụng thần giao cách cảm để liên lạc với các tàu ngầm, việc tạo ra ''các cửa sổ trong khí quyển'' để lọt bức xạ vũ Trụ xuống thiêu chết mọi sinh vật trên Mặt Đất,... Có khi các quan chức cộng sinh với những kẻ giả danh khoa học phát biểu lèo lái việc phân bổ ngân sách và ăn chia ''phần trăm'' với người nhận tiền nhận đề tài... Hệ thống thẩm định độc lập, sự bài trừ tham nhũng và thói ba hoa khoác lác về tư tưởng của chính quyền sẽ ngăn ngừa sự bành trướng tệ nạn này trong một xã hội dân chủ.
Hệ tư tưởng có thể nuôi béo giả khoa học. Nhà nước có khi can thiệp vào những thảo luận khoa học (như từng xảy ra trong cuộc đấu tranh với di truyền học, với điều khiển học, với thuyết tương đối và cơ học lượng tử ở Liên Xô cũ). Sử dụng đến các ''phép tắc của mình (như tù đày), nhà nước đã gieo mầm giả khoa học và tiêu diệt khoa học chân chính.
Một mục đích khác của giả khoa học là nhắm tới sự thoả mãn các tham vọng cá nhân. Nó thường gặp hơn cả trong các tìm tòi ''khoa học'' thuộc lĩnh vực những vấn đề khoa học phức tạp và cơ bản nhất. Đó có thể là cả bài toán thực chưa giải được và cả cái đã giải quyết rồi (tìm lời giải đơn giản, ''dễ hiểu''), cả những bài toán mà tính không thể giải được của nó từng được chứng minh và, cuối cùng, là loại bài toán được dựng nên khá là mờ mịt, đến nỗi không thể gọi nó là một bài toán nữa. Các ví dụ kinh điển như giải thích bản chất của lực hấp dẫn, cầu phương đường tròn, chế tạo động cơ vĩnh cửu, giải thích cấu tạo Vũ trụ...
Có loại giả khoa học nhằm vào lợi nhuận thương mại. Đề tài truyền thống của nó là vấn đề sức khoẻ. Giả y học đưa ra rất nhiều phương pháp hoàn toàn mới, hiệu quả phi thường, điều trị nhanh chóng và tuyệt đối an toàn. Để gia tăng dáng vẻ khoa học và độ tin cậy thì các thuật ngữ vật lý thường được lạm dụng: ví dụ nói tới các đường sức từ trường đi ra từ góc tường nhà nào đó. Người ta ''sài'' thứ kiến thức đã quên một nửa, bất cần biết rằng đường sức từ không thể ''có'' ở một chỗ này trong phòng, mà ''không có'' ở ngay cạnh đó... Một thành phần quan trọng của giả khoa học thương mại là xuất bản hàng đống sách về các chủ đề như làm sao để trẻ hơn, sử dụng sức mạnh con mắt thứ ba, du lịch Vũ Trụ trong nháy mắt, kê giường sao cho đúng cách (theo kinh tuyến hay vĩ tuyến)...
Không hiếm giả khoa học gia hoàn toàn ý thức được tư thế kẻ lừa bịp của mình, như Ostap Bender thời hiện đại, nhưng kém duyên hơn nhiều. Trong các trường hợp khác, đó là một người quá say mê công việc của mình, như chế tạo động cơ vĩnh cửu, và không nhận biết được tình huống thực sự của mình. Anh ta ít khi viết bài này nọ, nhưng những phóng viên chuyên săn tìm ấn tượng mạnh sẽ tự mò ra anh ta và sẽ thích thú viết về một phát minh vĩ đại'': ''Trong cái kho bỏ hoang ấy một nhà phát minh khoa học thiên tài không được khoa học chính thống đầy cao ngạo công nhận chính thức đã chế tạo thành công chiếc đông cơ vĩnh cửu của mình và đã kể cho phóng viên của chúng tôi về điều đó... ''
CÔNG CHÚNG VỚI GIẢ KHOA HỌC
Cái gì xô đẩy con người vào vòng tay của các phù thuỷ thế hệ thứ ba, các chuyên gia về các trò ma giáo, hứa hẹn thành công trong 500% trường hợp...
Công chúng đặc biệt sẵn lòng tin tưởng vào mọi điều kì diệu, (đĩa bay, sự tự bay không cần sức, lực thuật chữa khỏi bệnh tức thì...) vào những lúc khó khăn bế tắc, khi bài toán đặt ra trước con người hay xã hội quá mức phức tạp. Như các nghiên cứu xã hội học thời chuyển giao hai thế kỷ XX - XXI chỉ rõ sự quan tâm đến thần bí ở Nga hiện đứng ở hàng đầu thế giới, bỏ xa các nước phương Tây.
Một điều khác còn tồi tệ hơn: con người quen thu nhận mọi thứ mà không phê phán, mất thói quen suy nghĩ bằng đầu của mình, sẽ thành mồi ngon cho đủ loại kẻ lừa gạt: hứa làm ra tiền ngay tại chỗ từ không khí, xây thiên đường ngày mai trên đất này, chỉ cần 10 giờ để học được đủ mọi kiến thức, dù là karate hay là quản trị kinh doanh,...
Mối nguy sát sườn phải kể trước tiên là hậu quả đủ vẻ do giả y học đem đến. Những ai được chữa trị bởi những ''phù thuỷ cao tay ấn'', ''bậc thầy năng lượng dưỡng sinh''... có ngày không thày không thuốc nào cứu kịp.
PHÂN BIỆT KHOA HỌC VỚI GIẢ KHOA HỌC
Làm điều đó không phải bao giờ cũng đơn giản. Một số lý thuyết mà giờ đây coi là giả khoa học, đã từng một thời là khoa học. Ví dụ điển hình như lý thuyết chất nhiệt và ête thế giới, đã từng có những hệ quả kiểm tra được. Nhưng những lý luận ấy đã bị khoa học đào thải với thời gian, ngay từ đầu đã không có những đặc trưng vốn có của giả khoa học: chúng không mâu thuẫn với trình độ hiểu biết đạt được vào thời điểm đó, không sử dụng các từ ngữ bác học mà không hiểu ý nghĩa của chúng, không bỏ qua các sự kiện và kết quả khoa học đã biết.... Với thời gian những lý thuyết mới được tạo ra, giải thích được số lớn hơn các sự kiện - đó là tình trạng bình thường trong tiến trình khoa học.
Một khía cạnh khác của vấn đề đó là một lý thuyết mới không mấy khi lập tức được chấp nhận, ban đầu có thể bị coi là giả khoa học, chẳng hạn như lý thuyết tương đối chất được công nhận hàng chục năm sau khi ra đời. Nhưng việc phân tích tỉ mỉ cho thấy rằng các lý thuyết mới nổi lên trong khuôn khổ khoa học thì cũng không mang dấu hiệu của thứ giả khoa học, vì nó không phải do các tay ''nghiệp dư” khoa học đề xuất. Nếu tác giả ý tưởng mới không được xếp vào ''tôn ti đẳng cấp'' khoa học thì cũng không có nghĩa anh ta là tay nghiệp dư. Chính Einstein mới chỉ là nhân viên cục sáng chế. Hạng nghiệp dư thì không biết đến các sự kiện đã thiết lập chắc chắn, không muốn sắp xếp kết nối những tìm kiếm của mình với tìm tòi chung diễn ra trong khoa học, và thiếu những kiến thức cần thiết.
Vật lý cũng như bất kì khoa học nào khác tạo ra tri thức về thế giới, luôn tăng trưởng và không tồn tại dưới dạng những phát hiện riêng lẻ, mà ở dạng một hệ thống các khẳng định, các quy luật và nguyên lý gắn kết nhau. Độ xác thực của mỗi cái trong chúng là hệ quả và nguyên nhân của độ tin cậy của cái khác. Mọi công trình mới trong vật lý là sự phát triển kết quả nào đó của những công trình trước đó (hoặc sử dụng, hoặc tranh luận về chúng). Lý thuyết vật lý phải là sự giải thích đơn giản nhất của tư liệu thực nghiệm trong số mọi giải thích khả dĩ đưa ra, dù cho luôn luôn có thể nghĩ ra các lý luận phức tạp hơn. Bất kì kết quả nào cũng phải chịu sự phê bình và kiểm chứng, càng mới mẻ và độc đáo thì sự phê bình càng kịch liệt. Vật lý học cho phép các kĩ sư chế tạo các thiết bị mà độ tin cậy của chúng được ta nghiệm chứng từng ngày: mỗi khi ta nói chuyện điện thoại, nghe máy ghi âm hay xem ti vi, là chúng ta đã có sự xác nhận thực tế của các định luật vật lý, từ Newton, Ohm đến Einstein. Cuối cùng, vật lý học tích luỹ tập quán xây dựng lý thuyết, công nghệ nghiên cứu, công cụ nhận thức, tạo ra ngôn ngữ của mình và hệ thống đào tạo...
Giả khoa học làm thoả mãn cả các tham vọng của tác giả của chúng lẫn nỗi thèm khát của những ai muốn giải thích mọi thứ trên đời một cách dễ dàng, nó khác hẳn với khoa học, tuy cố bắt chước khoa học. Ở đây người ta cũng viết sách, nhưng không tạo ra được hệ thống tri thức. Những người đó chế tạo ''máy móc, thiết bị'' (chẳng hạn như cái khung dây hay con lắc để tìm nước ngầm), nhưng khi ai đó bắt đầu kiểm tra nghiêm chỉnh thì thấy chúng không hoạt động nữa còn người chế tạo thì tuyên bố: người kia phát ra ''cảm xạ kém'' hoặc ''hôm nay là ngày kị''...Trong giả khoa học không chấp nhận việc tranh biện hay thảo luận kết quả. Bởi vì thực chất sự việc không phải là tìm hiểu cho ra vấn đề, mà là quảng cáo cho mình. Một trong các nguyên tắc của nó là cấm chê bai: ''Hãy sống và để người khác sống!'' hoặc ''Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, khỏi phải lôi thôi! Ai lo phận nấy!''
Với một con người đã quên cả kiến thức phổ thông thì khoa học chỉ còn là những từ ngữ chắp vá đầu Ngô mình Sở (ảnh toàn ký, điện tử, trường lượng tử, chân không...) và các tên tuổi, danh vị. Vì thế giả khoa học sử dụng các diễn giảng kiểu khoa học đầy ắp thuật ngữ, viện dẫn một cách mập mờ, cắt xén rất nhiều ý kiến của viện sĩ này, chuyên gia kia, báo cáo mật nọ... và để gia tăng mức oai phong người ta ưa dùng những chức vị thật kêu. Xét cho cùng, ai có thể ngăn cản một người tự xưng mình là tiến sĩ, thậm chí viện sĩ?
BIẾT ĐÂU CÓ ĐIỀU GÌ ĐÓ THỰC SỰ MỚI MẺ?
Trong vật lý học thường xảy ra trường hợp các số liệu đo mới ''không ăn nhập'' với lý thuyết cũ. Vấn đề là ở chỗ ta nói về lý thuyết cụ thể nào và sự khác biệt giữa đo đạc với tính toán là bao nhiêu. Nếu đó là lý thuyết tương đối, đã qua vô số lần kiểm chứng thực nghiệm, thì không còn phải nói. Còn nếu ai đó thấy điện trở thấp ở mẫu gốm chế từ ôxit đồng và lan tan, chẳng hạn, thì quả là rất lạ (chất gốm thường là cách điện) và cần kiểm tra kĩ lưỡng. Bù lại, người không bỏ qua hiện tượng đó thì có thể phát minh được siêu dẫn nhiệt độ cao. Tính bất ngờ trong khoa học là có, hơn thế nữa trong những kết quả bất ngờ còn có vẻ quyến rũ đặc biệt. Song chính cái kết quả ''giật gân'' gây đứng tim lại càng phải kiểm chứng đặc biệt kỹ lưỡng.
Như vậy là vật lý, cũng như mọi khoa học, trước tiên là thứ lao động bền bỉ cực nhọc. Niềm vui được biết Thế giới cấu tạo ra sao, không phải được cho không. Còn cái cảm giác xúc động mà nhà nghiên cứu được nếm trải khi vừa phát hiện ra ở Thế giới một cái gì thực sự mới mẻ, chưa ai từng biết tới, ngoài chính anh ta lại càng không tự đến mà không phải bỏ bao công sức vào đó.