SỰ KÌ DIỆU HI LẠP
Nhà nước trên lãnh thổ Hi Lạp đã từng xuất hiện hai lần, ở các thế kỷ XII và thế kỷ VIII tr. CN, theo các kết luận dựa trên chứng cứ khảo cổ học. Lần đầu tiên là trên nền tảng của văn hoá Êgiê (theo tiếng Anh: Aegean; tiếng Pháp: Egée khoảng các năm 2800 - 1100 tr.CN, còn được gọi tên là văn hoá Cret - Mixen (lấy tên đảo Cret - và thành thị Mixen). Nền văn hoá này có nhiều nét khác bệt với các nền văn hoá cổ đại phương Đông láng giềng. Chẳng hạn như nghệ thuật Êgiê mang sắc thái thế tục hơn, phổ biến hình tượng vĩ cầm, nhiều tượng phụ nữ khoả thân,v.v…
Vào thế kỷ XV tr.CN đã xảy ra thiên tai thảm khốc, rồi đến thế kỷ XIII – XII tr.CN nền văn hoá này đã bị suy thoái nặng nề và thầm lặng sau những cuộc tàn phá triệt để của các bộ tộc dã man (người Đori).
Sau ba, bốn thế kỉ mà lịch sử gọi là ''những thế kỉ đen tối'' (quay trở lại hình thái xã hội nguyên thuỷ), chính trên mảnh đất ven Địa Trung Hải nơi từng có nền văn minh Cret - Mixen xưa kia đã ra đời một xã hội mới mẻ, không giống với bất kì xã hội nào trước đó. Hiện tượng lịch sử đặc biệt này được nhiều người gọi là ''sự kì diệu Hi Lạp''. Cư dân xứ Hellas (tên của Hi Lạp cổ: người Hy Lạp từ khoảng thế kỷ VIII - VII tr.CN gọi đất nước mình là Hellas tức Hy Lạp và dân tộc mình là Hellen), tính ra còn ít hơn dân số một thành phố ngày nay, như Moskva chẳng hạn, nhưng họ đã cống hiến cho thế giới hàng trăm nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà điêu khắc xuất sắc cùng với những ý tưởng và bao nhiêu vấn đề mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự của mình.
Tinh thần Hi Lạp thời đại Hellen này thật là khác thường đối với thời cổ đại. Do kết quả tranh đấu thắng lợi của bình dân đối với quí tộc, cho nên sự khát khao của con người độc lập tự lực đã trở nên có vai trò chủ đạo mạnh mẽ hơn hẳn lòng tín ngưỡng - tôn thờ sức mạnh thần linh. Sức sáng tạo cá nhân trở thành giá trị cao trong xã hội. Nếu trước kia giá trị xã hội của con người chủ yếu là do dòng dõi quý tộc và sự giàu có đem lại thì nay sự hiểu biết ngày càng trở nên một phẩm chất cao ngất sở hữu riêng của mỗi con người dẫn đến ý thức bình đẳng giữa người với người vì đều là ''con đẻ của Tự nhiên''.
Sự tự do về tư tưởng và lối sống rất đỗi kinh ngạc vào thời cổ đại (ở nhiều khía cạnh còn đáng kinh ngạc cả đối với thời nay), đã thịnh hành ở các thành bang dân chủ xứ Hellas. Người Hi Lạp say mê tham gia các cuộc tranh luận bất tận về mọi chủ đề diễn ra ở ngay các quảng trường thành phố cũng như ở nơi dinh thự của người giàu có. Mọi quyết định đều được biểu quyết – là thứ mà không một nền văn minh Đông phương nào có thể tưởng tượng nổi!
Một nét đẹp cố hữu, có tính truyền thống của tinh thần Hi Lạp - đó là các ''đấu trường'', nơi mà năm 776 tr.CN đã diễn ra cuộc thi tài thể thao Olympic và thần Zeus, thần của các thần được coi là người bảo trợ. Còn có nhiều cuộc thi tài khác như Isthmian dành cho thần biển Poseidon,… Việc thi đấu được xem như trò rút thăm xem ai được thần linh lựa chọn hoặc ưu ái hơn. Bởi thế, các nhà vô địch Olympic được tôn vinh như những người được thần linh bảo trợ; Không ít trong số họ đã trở thành người cai trị của các thành bang ở Hi Lạp, hay làm tướng lĩnh của quân đội…
Điều kì lạ là các giáo sĩ chỉ được coi như tầng lớp thứ yếu trong xã hội văn minh của người Hellen. Các giáo sĩ chỉ là nhân viên phục vụ trong các nghi lễ tôn giáo; thường thì chủ trì các lễ nghi này là vị đại diện chính quyền thế tục, là quan lại hay các dân biểu. Người đứng đầu quốc gia ở Hi Lạp không đồng thời là người có phẩm trật tôn giáo cao nhất, như từng có ở Ai Cập hay Babylon. Quả là các thần linh đa sự và ngộ nghĩnh Hi Lạp khác hẳn các thần linh vĩ đại độc đoán của Phương Đông. Đặc điểm quan trọng bậc nhất của tinh thần Hi Lạp - đó là niềm say mê nhận thức sự thống nhất của tự nhiên con người - xã hội. Thế giới quan thần thoại, nền tảng ý thức hệ và quyền lực của giới quý tộc, dòng dõi quân phiệt,… lúc bấy giờ phải nếm trải khủng hoảng. Người bình dân đòi hỏi một ý thức hệ mới làm cơ sở cho thành công bằng của thiết chế dân chủ của xã hội. Ý tưởng về một thế giới quan duy nhất cho tất thẩy mọi người, dựa trên sự hiểu biết đã tỏ ra đáp ứng tốt nhất đòi hỏi đó. Thế giới quan ấy phải là khách quan không phụ thuộc ý chí hay sở thích của riêng người nào hay thần nào. Chính lúc đó và nhờ điều đó mà nguyên lý về sự thống nhất thể giới phải được ra đời. Những triết gia Hi Lạp đầu tiên mà uy tín sánh ngang các giáo sĩ thời đại trước kia đã cống hiến mình cho sự nghiệp đó. Gắn liền với bối cảnh ấy - đặc điểm đóng vai trò quan trọng nhất của tinh thần Hi Lạp, đối với số phận của khoa học - đó là sự trân trọng dành cho phép lôgic về phép chứng minh. Phép lôgic đã thực sự chinh phục người Hi Lạp thậm chí cả khi nó dẫn đến những điều mâu thuẫn với thói thường. Điều quan trọng không chỉ là kết quả, mà còn là chính con đường đi tới kết quả ấy. Con đường thậm chí còn được coi trọng hơn, vì cho tới thế kỷ III tr.CN, các kết quả ứng dụng tri thức toán học và vật lý học có được nhờ phép chứng minh còn quá hiếm, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vào thuở ban dầu của khoa học Hi Lạp, phương diện ứng dụng đã kém phần quan trọng, điều này khác hẳn với khoa học cổ đại của văn minh Phương Đông.
Vậy nên Thales (khoảng 625 - khoảng 547 tr.CN) khi tìm cách xác định khoảng cách tới một đối tượng ở xa không đến được đã đồng thời tiến hành chứng minh định lý nổi tiếng của mình - định lý Thales, và hàng loạt mệnh đề hình học hoàn toàn hiển nhiên. Phương pháp đó có lẽ không hoàn toàn xa lạ vói các giáo sĩ Ai Cập. Để lập bản đồ vịnh gần Miletus (thành phố cổ Tiểu Á, ta thường gọi theo tiếng Pháp là Milet), họ cũng phải dùng phương pháp tương tự, nhưng khỏi cần một sự chứng minh nào hết. Hơn nữa, trước Thales chẳng ai đi chứng minh những điều hiển nhiên cả!
Vì sao ở Hi Lạp bấy giờ trọng tâm vấn đề lại rơi vào bản thân việc chứng minh chứ không phải vào kết quả? Chủ yếu là vấn đề uy quyền của người đưa ra tri thức. Ở Babylon và Ai Cập tri thức là do các giáo sĩ ban bố, mà lời dạy của họ được đồng nhất với ý chí thần linh. Còn ở Hi Lạp lúc này, thì các giáo sĩ ''kiểu cũ'' đã không còn nữa, kể từ sau các cuộc xâm lăng của người Đorit; mà các giáo sĩ ''mới'' thì đã mất quyền quyết định sinh hoạt xã hội. Còn nhà thông thái, cũng là con người trần tục thì cần phải đưa ra lập luận cho những khẳng định của mình, bằng cách mà Thales - một nhà buôn kiêm nhà chính trị - đã làm. Vậy là lần đầu tiên trong lịch sử, tiêu chuẩn chân lý là thuộc về sự chứng minh chứ không phải do uy quyền của thần thánh nào quyết định. Được giải thoát khỏi giáo điều thần bí, xã hội Hi Lạp cơ hồ được tung bay tới tự do! Đã ra đời một thế giới quan mới, dựa vào tư duy lành mạnh, thoát khỏi mọi định kiến hay thế lực siêu nhiên, thoát khỏi các phép màu hay uy quyền giáo sĩ. Có một sự kiện là nhật thực toàn phần ngày 28 tháng 5 năm 585 tr.CN, xảy ra ở Miletus, đúng theo tiên đoán từ lâu của Thales, gây nên ấn tượng mạnh mẽ cho người Hi Lạp. Họ hiểu rằng những bí mật lớn đến thế như nhật thực, nguyệt thực là hoàn toàn hiểu được đối với người bình thường, không cần cầu xin gì ở tri thức thánh thần nào hết. Vậy thì trí tuệ con người đủ sức đạt tới nhiều hơn cái đã biết. Có thể là chỉ có điều chưa biết, chứ không có điều không thể biết.
Một thế giới quan mới mẻ đã được sinh ra trên nền của tri thức thần bí và trong cuộc đấu tranh với nó, mặc cho phải sử dụng hay tái chế tư liệu tri thức thần bí. Câu khẳng định của Thales ''Mọi thứ đều là nước'' đã trở thành tuyên ngôn đặc sắc của thời đại, ý nghĩa của nó bộc lộ rõ rệt sự đối lập với các giáo điều kiểu như mọi thứ đều do thần linh''. Học thuyết Thales là nền móng đầu tiên cho ý tưởng về sự thống nhất của thế giới, trở thành cơ sở ý thức hệ của nền dân chủ cổ đại! Học thuyết ấy đã tôn vinh sức mạnh trí tuệ con người, cho họ quyền năng khám phá bí mật vĩ đại về thế giới, cái sức mạnh không thể không trang bị, cái quyền năng không thể không cổ vũ! Cả một dân tộc tràn trề hào hứng thanh xuân đã xốc tới dựng xây hệ thống thế giới và xã hội trên những nền tảng hoàn toàn mới mẻ,
''Mọi thứ đều là nước''
Lời Thales cao minh
Lịch trình các hành tinh
Không cần hỏi giáo sĩ.
Ta vén màn thần bí
Tự ta làm cho ta
Vũ trụ chính là nhà
Tự do thay nhân loại! ...
A. Gryaznov
Mọi phép mầu nhiệm đều bị bác bỏ, như bác bỏ mọi cái gì mâu thuẫn với bản chất sự vật. Mọi thứ trên đời, kể cả thần tinh, đều phải tuân theo các quy luật của Tự nhiên. Đã ra đời một khái niệm mới: Tự nhiên. Theo tự nhiên, có nghĩa là đương nhiên, là đúng đắn, là phù hợp quy luật của thế giới và xã hội. Tự nhiên đã gắn kết Vũ trụ với Con người làm một. Công việc là phải tìm hiểu các Tự nhiên ấy, hoặc giả là phải chỉ ra con đường đi tìm nó. Chính Thales đã chỉ ra điều đó khiến ông đạt ra được vinh quang là nhà thông thái bậc nhất của xứ Hellas.
Ông đã hiến tặng cho đời một phong cách triết luận - phát biểu và chứng minh rõ điều khẳng định ngược đời bộc lộ ý tưởng về sự thống nhất của thế giới. Quá trình nhận thức khởi đầu từ cái ngược đời rồi tư duy biến nó thành hữu lý, bằng cách chúng minh, và nó được gia nhập vào kho tàng trí khôn vĩ đại. Từ đó mới có câu châm ngôn nổi tiếng của Aristotle học được ở ông thầy platon của mình - là ''Tri thức bắt đầu từ sự ngạc nhiên''.
Do vậy nẩy sinh ra câu hỏi về điều kiện của việc chứng minh: ta có thể chứng minh được điều gì đó như thế nào và dựa trên cơ sở nào? Khoa học Hi Lạp, khởi đầu từ Thales đã đi từng bước theo con đường tìm ra các điều kiện khiến cho việc chứng minh có thể thực hiện được. Những đại biểu của trường phái triết học Miletus (gọi theo tên thành phố cổ còn có tên là trường phái Ionia, gọi theo tộc người) Iaà Thales, Anaximandrel Anaximenes... khi suy luận về thế giới và dựa vào phép lôgic, đã thực sự xây dựng nên một hệ thống tư duy lôgic về Tự nhiên. Họ đã lập ra và hoàn thiện các phạm trù lý thuyết Tự nhiên học tương lai. Luận đề: ''Mọi thứ đều là nước'' đã trở thành tư tưởng đầu tiên của Tự nhiên học.
THÂN THỂ VÀ TRÍ TUỆ - CHÀNG PLATON
Chàng trai trẻ Sống bằng gì Thân hình khỏe
Tóc đen xoăn Cái đĩa kia Bắp thịt săn
Da tươi hồng Vung đầu gối Xoa dầu thơm
Tới trường đấu Đổ mồ hôi Chàng nổi bật
Chàng hiểu thấu Thì ôi thôi Rảo chân bước
Thế giới này Chẳng đáng mặt Giữa hò reo
Triết gia đây Chàng thắng rồi Ôi thể thao
Cũng phải biết Vòng nguyệt quế Nhà thông thái
Giỏi là khác Theo chàng trẻ Ai cũng thấy
Đấu thể thao Óc suy tư Chàng Planton
Và bắn cung Chàng lắng nghe Người anh hùng
Không tập luyện Tiếng vũ trụ Thê từng trải
Thì tư tưởng Thêm thông thái…
(E.M. Vinokurov: Thân thể, trong tuyển tập “Bản thể” – 1984)
CUỘC SỐNG THỰC NGHIỆM HI LẠP
Solon – nhà lập pháp, nhà cải cách Athens
Đã xuất hiện như thế nào một hình thái xã hội không truyền thống ấy, với những định hướng hoàn toàn mới mẻ ấy, so với những nền văn minh cổ đại nhất của Phương Đông và Châu Âu? Làm sao có thể nảy sinh một xã hội công nhận những năng lực cá nhân và chỉ phần nào thôi những ưu ái của thần linh và quý trọng tính độc lập sáng tạo hơn hẳn giá trị kế thừa họ tộc? Phải chăng đóng một vai trò quan trọng trong đó chính là cái thảm hoạ đã giáng xuống Cộng đồng Cret - Mixen tươi đẹp thuở nào?
Văn tự hình que Achaea
Dân cư Hi Lạp thẩy đều là dân nhập cư, cả dân Achaea, cả dân Hellen. Khoảng năm 1600 tr.CN, theo nhiều sử gia, các bộ tộc Achaea xâm nhập vùng lục địa Hi Lạp. Họ lập nên các quốc gia nho nhỏ xung quanh các khu dân cư cổ đại - gần Mixen, Tiryns, Orchomenos. Khoảng năm 1470 tr.CN các trọng tâm văn hoá Cret - Mixen lâm nạn phun trào núi lửa Thera và Santorini. Dư âm của nó còn vọng tới ngày nay qua thần thoại về hòn đảo hay lục địa Atlantis bị chìm đắm. Tổn thất đặc biệt nghiêm trọng giáng xuống đảo Cret (Kriti). Người Achaea bèn xâm nhập miền đất Cret đang tàn lụi, làm sống lại và làm giàu có cho nền văn hoá địa phương. Đặc biệt là nhờ đó mà dân cư Cret học được chữ viết hình que của người Achaea, định hình cho thứ chữ viết Hi Lạp cổ nhất.
Bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XIII tr. CN nhà nước Achaea đã vài lần chịu những cuộc tấn công huỷ hoại của những người Đorit là những nhóm ''dân biển'' - các bộ tộc này tràn qua khắp Hi Lạp, từ Bắc chí Nam... Hậu duệ dân Đorit đã lập ra thành phố Sparta, dân Achaea thì lập ra thành bang Athens. Trục Athens - Sparta sẽ trở thành cột trụ của cả tiến trình lịch sử Hi Lạp sau này. Những kẻ xâm lăng Đorit đã cướp phá các thánh đường, tàn sát giáo sĩ, gây nên một thời loạn lạc - các thế kỉ đen tối''. Cư dân Achaea với nền văn hoá Cret - Mixen đã bị mất các lãnh tụ tinh thần - các giáo sĩ - và cùng với họ là tri thức và chữ viết. Bởi thế mà các trường ca (hơn 28 ngàn câu thơ) ''IIiad'' và ''Odyssey'' của Homer, thấm đẫm kí ức lịch sử Hi Lạp, một thời gian dài chỉ tồn tại qua chuyện kể truyền miệng. Kinh tế suy sụp, khắp nơi nghèo đói, phát sinh các luồng di dân, chiếm đất các hòn đảo ven bờ Địa Trung Hải, Hắc hải làm thuộc địa.
Xã hội Hi Lạp đòi hỏi tìm kiếm những nền móng mới cho sự ổn định. Chính người Hi Lạp đã khởi đầu một thực nghiệm xã hội vĩ đại. Họ chia đất vốn thuộc Nhà nước cho toàn dân. Mọi người trở thành bình đẳng và tự do. Xuất hiện những luật lệ mới, không phải do thần linh, mà do những người được tín nhiệm, gọi là các bậc thông thái, xây dựng nên. Trong số họ nổi tiếng nhất là Licurgus (thế kỷ IX - VIII tr.CN) người xứ Sparta và Solon (khoảng 640/635 - khoảng 559, tr. CN) người xứ Athens. Vai trò quan trọng xây nên nền dân chủ thành bang ấy là chữ viết mới kiểu bộ chữ cái, làm cho mọi người bình đẳng hơn: từ đó trở đi họ không phải tốn nhiều năm để học hết hàng vạn kí tự tượng hình.
DI SẢN HI LẠP
Tất thẩy cuộc sống văn minh của chúng ta: hành vi, tư duy, cảm giác... của chúng ta gắn liền với một kiểu tâm thức hình thành từ cổ đại... Đến thời Kitô giáo (còn gọi là đạo Cơ đốc, về sau chia ra thành Chính giáo ở Hi Lạp và Thiên Chúa giáo ở La Mã), tâm thức ấy phải chịu biến đổi sâu sắc; để cuối cùng lúc hết thời Trung thế kỉ, tâm thức con người như hoà nhập cả hai - sự sùng đạo Kitô giáo với tự do tinh thần từ cổ đại, muốn bao trùm toàn bộ thế giới như một thế giới thống nhất của Thượng đế, đã trải qua những cuộc khám phá địa lý và sự phát triển khoa học tự nhiên và kĩ thuật làm thay đổi hẳn bộ mặt của thế giới ấy. Về đại thể, trong mọi lĩnh vực cuộc sống hôm nay, khi ta đi tìm về bản chất, ta lại đụng chạm với những cấu trúc tinh thần bắt nguồn từ các thời Cổ đại hoặc Cơ đốc giáo.
Những dân tộc và nền văn minh khác trên thế giới cũng tài giỏi trong hoạt động thực tiễn như người Hi Lạp nhưng từ ban đầu tư duy Hi Lạp đã tỏ rõ sự khác biệt, với lối tư duy của các dân tộc khác - đó là năng lực thâu tóm mọi vấn đề về đúng vị thế có tính nguyên lý của nó, và chọn một vị thế để từ đó có thể xếp đặt kho kinh nghiệm đa dạng nhiều vẻ và làm cho nó dễ hiểu đối với tư duy con người. Ai đã từng tìm hiểu triết học Hi Lạp đều nhận ra cái khả năng đặt vấn đề có tính nguyên lý như thế. Cho nên đọc người Hi Lạp ta học tập được cách làm chủ một thứ vũ khí trí tuệ đầy sức mạnh, cái đã làm nên tư duy Tây Âu.
Nền văn hoá Tây Âu bắt nguồn từ mối liên kết khăng không khít giữa cách đặt vấn đề có tính nguyên lý với hoạt động thực tiễn. Đó là di sản của Hi Lạp. Mọi sức mạnh văn minh của thời đại chúng ta cho đến nay là khai thác cái mạch nguồn giàu có ấy. Ngay cả giờ đây, hầu như mọi thành tựu của chúng ta đều bắt nguồn từ đó.
(Theo sách: ''Những bước vượt khỏi đường chân trời" của W. Heisenberg)