MỌI THỨ ĐỀU LÀ NƯỚC
Vào khoảng năm 600 tr.CN nhà thông thái nhất trong số bảy nhà thông thái xứ Hellas, tên là Thales đã đưa ra một điều khẳng định bí hiểm: “Mọi thứ đều là nước''. Mọi thứ sinh ra từ nước và sau khi chết lại biến thành nước. Điều Thales khẳng định rõ ràng là mâu thuẫn với kinh nghiệm hàng ngày, quả là điều ngược đời. Lẽ nào đất, trời, núi và mây, cây cối và động vật... đều là nước? Nhà thông thái của thành phố Miletusl một triết gia kiêm khoa học gia đầu tiên của lịch sử muốn ngụ ý gì?
Về Thales ta còn biết quá ít. Trước tác của ông chẳng còn truyền được đến ngày nay. Chỉ còn một vài luận văn ít nhiều đáng tin là do chính ông viết ở dạng tản văn, như ''Về các nguyên lý'', ''Về các tiết chỉ”, “về các tiết phân'', ''Chiêm tinh hàng hải''. Có thể phỏng đoán rằng Thales đã đi tới những quan điểm khác thường trong con đường lập luận lôgic mà ai cũng hiểu được, và điều cấm kị duy nhất là cấm viện đến một sự kiện siêu nhiên nào để giải thích sự sinh thành thế giới.
Từ cái không có (hư vô) thì không thể sinh ra thế giới được, vì đó là phép mầu. Thế giới có thể xuất hiện chỉ từ một thế giới khác nào đó. Nếu giữa các thế giới ấy không hề có một cái gì chung thì sự chuyển cái này thành cái kia cũng lại là phép mầu, chẳng khác nào sự sinh thành từ hư vô. Bởi thế phải tồn tại một cái cơ sở chung nào đó, gắn kết thế giới cũ với thế giới mới đang sinh ra từ nó.
Cái cơ sở duy nhất đó phải khác với cả thế giới cũ lẫn thế giới mới, nếu không thì chẳng có gì là mới phát sinh từ cái cũ (cũ theo sự so sánh với cái sẽ có). Vậy thì cái cơ sở chung cho mọi thế giới, khả dĩ có thật, về nguyên tắc, là cái không thể quan sát được!
Vì vậy không thể hình dung được cái cơ sở đầu tiên duy nhất của mọi thứ phát sinh, dù cho nó là hiểu được đi nữa. Thế là có sự khác biệt giữa “cái hình dung được”, với ''cái hiểu được''. (Học phái Ionia Miletus lần đầu tiên đưa ra khái niệm chất nguyên thuỷ duy nhất, có tên là “protyle”).
Để dễ hiểu điều không thể hình dung, hay sử dụng một sự tương tự. Ví dụ ta ''mượn'' một thứ vật chất nào đó chẳng hạn, mà một mặt nó càng ít bộc lộ có tính chất càng tốt, rõ ràng mặt khác nó lại có thể chuyển hoá từ trạng thái này sang trạng thái khác. Vai trò một chất như thế thì chỉ có nước là thích hợp hơn cả. Nó không màu, không mùi, vị và không hề có một hình dạng nhất định. Nước có thể chuyền từ dạng lỏng sang rắn, cũng có thể bay hơi.
Hình tượng nước linh hoạt nhường ấy cho phép ta suy luận: “nước” như là một khái niệm, mô phỏng cái cơ sở đầu tiên duy nhất của mọi trạng thái của một thế giói đang biến đổi. Đó không phải thứ nước ta vẫn uống hoặc chảy trên sông hay chứa trong biển, mà đó là một phạm trù triết học, một khái niệm trừu tượng, không tương ứng với hình dung hiển nhiên nào, nhưng nó cùng với các phạm trù khác làm thành cơ sở cho nhận thức khoa học. Bằng cách ấy, mệnh đề ''Mọi thứ đều là nước'' là sự thể hiện đầu tiên của tư tưởng về sự thống nhất của thế giới. Nếu không chấp nhận tính thống nhất của mọi hiện tượng quan sát, thì đâu có được một thế giói, mà chỉ có một tập hợp ngẫu nhiên của các hình hài chẳng liên hệ gì với nhau, chỉ có những ảo giác và giấc mơ rời rạc với các chủ đề kế tiếp nhau một cách vô trật tự. Kiểu triết lý như thế đã từng ra đời ở Ấn Độ cổ đại.
Còn người Hi Lạp đã nhận ra thông tuệ tối cao ở việc đi tìm ra cái cơ sở đầu tiên (khởi nguyên) hay chất nguyên thuỷ của tất thẩy, để hiểu cho ra mọi thứ là biểu hiện của chỉ một cái gì đó. Sau Thales người ta từng gọi ''chất nguyên thuỷ'' của thế giới là lửa, có lúc lại là không khí... Nhưng cái sức mạnh nào làm cho các vật hiện hình ra từ nước, chất nguyên thuỷ? Nguyên nhân của chuyển động, biến đổi, sinh thành và huỷ diệt phải là hằng có ngay bên trong vật chất, phải thấm nhuần nó nhưng đồng thời phải có gì đó riêng biệt. Còn là cái gì khác hơn là ''linh hồn thế giới''? ''Mọi thứ trên thế giới đầy ắp thần linh'' - Thales đã nói vậy ngụ ý nói về tính có hồn của mọi sự vật. Trong linh hồn thế giới có nguồn gốc đầu tiên của chuyển động và mọi biến đổi nói chung. Vì vậy ''nước'' của Thales là có hồn, nó sống và chứa đựng nguyên nhân biến đổi của mình trong chính mình.
Quan niệm thế giới như thế đã được gọi, vào thế kỷ XVII là ''hylozo-ism'' (từ tiếng Hi Lạp ''hyle'' là ''gỗ'', ''vật chất'' và zoe'' là ''sự sống''), ta dịch là ''thuyết vật hoạt''. Trong số môn đồ thuyết vật hoạt từng có Giordano Bruno, Denis Diderot, Johann Wolgang Goethe...Theo thuyết vật hoạt thì ''vật chất không bao giờ có thể tồn tại và vận động nếu không có linh hồn và linh hồn cũng vậy nếu không có vật chất'' (J. W. Goethe). Học thuyết này ngay thuở ban đầu đã coi tất thẩy vật chất là có linh hồn. Thales chính là ''triết gia vật hoạt'' đầu tiên. Ông cho rằng tính hút sắt của nam châm là ví dụ sáng chói của biểu hiện tính có hồn của vật chất. Nam châm là ''có hồn''.
Khi lý giải các hiện tượng quy mô Vũ trụ và Trái Đất theo sự tương tự với những cái đã biết từ kinh nghiệm hàng ngày, Thales và các học trò của ông Anaximandre và Anaximenes đã cống hiến cho lịch sử hàng ngàn năm một phong cách tư duy khoa học lý giải điều chưa biết qua cái đã biết. Các nhà vật lý các thế kỷ XVII - XX cũng tương tư duy theo lối mòn đó. Ví dụ như nhà bác học Anh William Thomson, tức Lord (Huân tước) Kelvin (1824 – 1907), hàng mấy chục năm trước phát minh phản ứng hạt nhân đã cố gắng giải thích bản chất năng lượng Mặt Trời theo lý thuyết nhiệt động lực học: Mặt Trời, theo ông, đang co lại và vì thế phải phát ra nhiệt.
THALES Ở MILETUS
Tất thấy tác gia cổ đại đều gọi Thales ở Miletus là ông tổ của triết học và khoa học cổ đại và nói chung của cả châu Âu. Theo các nhà lịch sử triết học hiện đại thì chính Thales là người đã mở cánh cửa tri thức tích luỹ bởi các giáo sĩ Ai Cập và Babylon, cho người Hi Lạp cổ đại biết tới chúng.
Thales vốn thuộc một trong những dòng dõi nổi tiếng nhất xứ Phênixi - gia tộc Thelid. Có lẽ gia tộc Thelid đã bị đuổi khỏi xứ Phênixi và nhà triết học đã sống suốt đời tại thành phố Miletus ở vùng Tiểu Á. Là một công dân nổi tiếng và giàu có, ông đi buôn bán nhiều nơi, cả Phênixi, Ai Cập và Babylon.
Dân Phênixi, nhất là thương gia, đều giỏi toán học. Thiên văn học và hình học thì ông học hỏi được từ các giáo sĩ Ai Cập và Babylon, rồi chính ông lại làm cho người cùng xứ sở hiểu được các khoa học ấy. Tiếc rằng giờ đây ta chút có thể phán đoán về những gì chính ông đã viết ra trong số di cảo được gán cho ông, và những gì ông đã học hỏi được ở phương Đông. Số đông các tác gia cổ đại cho rằng ông là người đầu tiên đề nghị tính tháng là 30 ngày, còn năm là 365 ngày; người đầu tiên mô tả các tiết chí (Hạ chí, Đông chí) và các tiết phân (Xuân phân, Thu phân); phát kiến chòm sao Tiểu Hùng (chòm sao Cái Xe). Ông đã mô tả chuyển vận năm (niên quỹ) của Mặt Trời trên nền các sao, và đã cho rằng Mặt Trăng do Mặt Trời chiếu sáng nên ta mới nhìn thấy được. Thales đề nghị chia bầu Trời (thiên cầu) thành 5 vòng tròn mà ông gọi là ''vành'' hay đới: Đới Bắc cực - gồm các định tinh luôn luôn nhìn thấy; Đới chí tuyến - mùa hè, Đới phân chí, - Đới chí tuyến mùa đông, - gồm các sao mọc lên và lặn đi, Đới Nam cực gồm các sao không nhìn thấy. Ông đã ước tính được đường kính Mặt Trời là 720 lần nhỏ hơn quỹ đạo của nó. Nhưng ông được người đương thời công nhận thực sự là nhờ sự giải thích và tiên đoán nhật thực năm 583 tr CN (có tư liệu ghi là năm 585).
Thales là một trong những nhà hình học đầu tiên. Khi đặt cơ sở cho việc giải quyết các bài toán thực tiễn ông đã tìm ra nhiều chứng minh. Tỉ như khi xác định khoảng cách từ bờ tới con tàu trên biển, Thales đã tìm ra định lý hình học nổi tiếng mà sau này mang tên ông. Nhà bác học còn đề nghị một phương pháp đơn giản để xác định chiều cao của Kim tự tháp. Ông ghi thời điểm mà bóng nắng của con người bằng với chiều cao con người, và lúc đó chỉ cần đo độ dài cái bóng của Kim tự tháp. Thales là người đầu tiên dựng được vòng tròn nội tiếp tam giác bằng compa và thước kẻ (ông giết bò cúng thần để tỏ lòng biết ơn về việc này). Mặc dù bản thân Thales không được giao quyền binh, nhưng người cùng xứ sở vẫn lắng nghe mọi lời khuyên của ông. Ông thuyết phục được người Miletus không đứng về phe vua xứ Lydia là Croesus chống lại Ba Tư, và nhờ đó đã cứu được cả thành phố: quân đội Croesus bị vua Ba Tư Cyrus II đánh bại. Theo truyền thuyết thì Thales giúp cho Croesus đưa quân vượt sông Halys bằng cách bày cho nhà vua sai quân đào một con hào sâu hình trăng lưỡi liềm, khiến sông đổi dòng, binh lính qua được sông không cần bắc cầu. Nhà bác học từng là bạn thân của vua Trasibul ở Miletus. Mặc dù vậy ông không có hứng thú tham dự chính trị và tránh việc triều chính. Về đời tư của ông hầu như ta không biết được gì, ngoài điều, theo một sử gia, rằng ông có vợ và một người con, tên là Kibist, và theo người khác, thì ông sống độc thân, nhận con người chị em gái làm con. Người ta kể rằng thời còn trẻ, ông bị bà mẹ là Cleobulina bắt phải cưới vợ, ông trả lời ''con chưa có thời gian''. Về sau, lúc đã có tuổi, ông trả lời ''không còn thời gian nữa''… Người đương thời rất khâm phục tài trí của Thales, song không bỏ qua cơ hội nào để chế riễu thói đãng trí của nhà triết học mê say khoa học.
Một lần khi ra khỏi nhà quan sát bầu trời, ông bị ngã xuống hố. Đáp lại lời ca thán của ông, người hầu gái nói kháy: ''Ôi Thales, Đến cái hố dưới chân mình còn không thấy, thế mà đòi biết trên trời có gì ư?!”
Nhưng nhà bác học đâu có kém cỏi đến thế. Aristotle đã kể câu chuyện như sau: ''Những kẻ ác ý chế nhạo Thales, bảo ông rằng, việc nghiên cứu triết học của ông không kiếm ra tiền, nên là vô tích sự. Ông bèn quyết chứng minh cho người trêu chọc là đâu phải thế. Khi quan sát thiên văn ông đã biết rằng năm tới dầu ôliu được mùa. Mùa đông ông bỏ chút ít tiền thuê rẻ hết mọi xưởng ép dầu ăn ở Miletus và ở Chios; Đến mùa bội thu, nhu cầu ép dầu tăng vọt, Thales bèn cho thuê lại các xưởng với giá rất cao do ông quy định, thu về rất nhiều tiền. Ông đã chứng minh rằng nhà triết học nếu muốn có thể làm giầu dễ dàng. Ông thọ 78 tuổi, hoặc 90 tuổi, do các tư liệu ghi chép không giống nhau. Ông chết vì bị đám đông khán giả xô đẩy dẫm lên tại các cuộc thi thể thao. Trên mộ ông khắc dòng chữ. ''Hãy ngắm ngôi mộ này, nó bé nhỏ, nhưng vinh quang của Thales thông thái thì cao vút trời''.
Quả thực Thales không phải nhà vật lý theo đúng nghĩa ngày nay của từ này. Công lao chủ yếu của ông là ở chỗ ông thuộc số người đầu tiên cố gắng lý giải các hiện tượng Tự nhiên, mà không dựa vào thần thoại. Dựa vào những kinh nghiệm phong phú về quan sát thực nghiệm mà ông mang từ Phương Đông về, nhà triết học đã lần đầu tiên trong lịch sử khoa học tạo ra được những nền tảng lý luận.
ANAXLMANDRE (khoảng 610 - sau 547 tr. CN.)
Là học trò của Thales, Anaximandre (tiếng Anh: Anaximander, tiếng Hi Lạp: Anaximandros; tiếng Pháp: Anaximandre) là người đầu tiên đưa ra tư tưởng về tính vô hạn của Vũ Trụ và về luận điểm nhiều thế giới. Có cơ sở để cho rằng ông là người đầu tiên đề xuất giả thuyết Vũ Trụ, và có thể là cả Trái Đất (theo bằng chứng của nhà văn trứ danh Diogenes ở Laertes sống ở nửa đầu thế kỷ III của CN), có hình cầu. Có lẽ ông có thể tranh được quyền sở hữu phát hiện ấy với Pythagoras và Parmenides, mặc dù có cả tư liệu nói ông coi Trái đất có hình trụ, mà con người sinh sống ở phía trên mặt. Ông còn được coi là tác giả đồng hồ Mặt Trời, người vẽ bản đồ địa lý đầu tiên, và người hệ thống hoá các mệnh đề hình học. “Chất nguyên thuỷ'' của Vũ Trụ ông gọi là apeiron có nghĩa là ''vô cực'', “vô hạn'' theo tiếng Hi Lạp. Apeiron bản thân nó không có một đặc tính nào, định tính cũng như định lượng, nó vĩnh cửu và vô hạn trong không gian. Không có cơ sở để cho rằng cái thế giới tạo ra từ apeiron lại không tựa như hình cầu. Thực vậy, làm sao toà thiên nhiên lại không đối xứng tâm nếu như apeiron không có một hướng ưu tiên nào? Hơn nữa nó không có một điểm ưu tiên nào, và vì thế thế giới không thể chỉ có một, mà phải là nhiều cái, bằng không lại là một thế giới từ apeiron có điểm ưu tiên ở tâm. Tóm lại phải có nhiều thế giới và mỗi cái đều có dạng hình cầu.
Anaximandre đã tạo ra một bức tranh, lý giải hầu như mọi thứ trong Vũ Trụ. Thoạt đầu từ apeiron vĩnh cửu chia thành nóng và lạnh, sinh ra một quả cầu lửa, mà ở tâm của nó là Trái Đất với các lớp vỏ nước và không khí. Sau đó quả cầu lửa bị rách rồi gắn lại thành vài vành tròn, chứa đầy không khí đục và đặc. Trong các lớp vỏ không khí của các vành tròn xuất hiện các lỗ sáng mà người ta cảm nhận là Mặt Trời, Mặt Trăng, các hành tinh và các ngôi sao. Nhật thực, nguyệt thực, cũng như các pha của Mặt Trăng được giải thích là do sự đóng, mở của các lỗ sáng ấy. Vành Mặt Trời lớn hơn của Trái Đất 27 lần, còn vành Mặt Trăng lớn hơn 19 lần. Ở gần nhất là các vành của các “ngôi sao lang thang'' tức là các hành tinh (bằng cách nào Anaximandre thu được các số liệu ấy thì không rõ).
Mặt Đất ban đầu bao phủ đầy nước, do bốc hơi nên đến nay nước chỉ còn lại ở các chỗ trũng, làm nên biển cả... Bị khô đi vì nóng, mặt đất bị nứt nẻ, qua kẽ nứt không khí lọt vào, gây ra động đất. Các động vật đầu tiên xuất hiện ở nơi ẩm ướt, thân thể phủ đầy vảy gai. Chúng dần dần tiến lên cạn, từ đó phát triển thành động vật trên cạn, cuối cùng là giống người.
ANAXIMENES
Năm sinh và năm mất của Anaximenes (viết theo tiếng Anh, Hi Lạp; tiếng Pháp: Anaximene) chỉ được biết rất mơ hồ (có lẽ là khoảng 588 - 525 tr. CN). Không loại trừ việc ông còn sống đến lúc Miletus bị quân Ba Tư tàn phá, vào năm 494 tr. CN. Sách vở của ông, theo lời các tác giả đời sau, được viết bằng một ngôn ngữ giản dị và dễ hiểu, đã không còn tới ngày nay. Anaximenes không gọi chất nguyên thuỷ của thế giới là “apeiron” như ông thày Anaximandre, mà gọi là ''không khí”. Có lẽ ông muốn nhấn mạnh tính sống động của ''chất nguyên thuỷ'' ngay ở trong tên gọi của nó; bởi trong tiếng Hi Lạp các chữ không khí và hơi thở là có chung gốc từ. Cũng có thể Anaximenes cho rằng apeiron của Anaximandre quá trừu tượng, không gợi được tương tự của cảm quan, vì thế không hoàn thành được vai trò làm hình tượng cho chất nguyên thuỷ, giúp người ta dễ hiểu. Không khí thì, theo bản tính của mình, là đủ bất định: phân bố đều khắp và bất động, không nhận thấy được bằng cảm quan; nhưng sẽ trở thành cái cảm nhận được một khi nó chuyển động, co lại hoặc loãng ra. Chẳng hạn, gió là không khí đặc chuyển động. Còn mây là gió hoá đặc. Cái lạnh là không khí co, còn nóng là không khí loãng ra. Nếu người ta thổi không khí qua miệng, kẽ chúm môi sẽ làm nén không khí, thì nó sẽ lạnh; khi mở rộng miệng mà thổi, không khí bị loãng ra, nó bị nóng lên.
Anaximenes cho rằng Mặt Đất phẳng như cái đĩa bay lượn trong một bầu không khí vô giới hạn. Mặt Trời, Mặt Trăng, các hành tinh chuyển động vì có gió Vũ Trụ. Các ngôi sao (định tinh) thì bị gắn chắc vào vòm trời pha lê quay xung quanh Mặt Đất. Các thiên thực cũng như các pha của Mặt Trăng được ông giải thích bằng việc các thiên thể, lúc thì hướng phía sáng, khi lại hướng phía tối về Mặt Đất. Mưa đá là do nước hoá băng tạo ra trong mây. Mưa rơi từ không khí bị co. Sấm chớp phát sinh vì gió xé rách các đám mây. Cầu vồng là do các tia sáng từ Mặt Trời, Mặt Trăng chiếu xuống mây làm cho một phần mây bị nóng đỏ, phần khác vẫn bị tối. Động đất là do mặt đất khô nứt nẻ, hoặc khi phần đất nào đó bị ẩm nhão mạnh nên sụt xuống.