Tài liệu: Hãy đồng ý... Không phải với tôi mà với Logos

Tài liệu
Hãy đồng ý... Không phải với tôi mà với Logos

Nội dung

“HÃY ĐỒNG Ý… KHÔNG PHẢI VỚI TÔI, MÀ VỚI LOGOS”

 

Những bài toán do các nhà tư tưởng Miletus đặt ra đã tiếp tục được giải quyết bởi một triết gia, mà ngay thời cổ đại đã có biệt danh là ''Ông tăm tối'', không chỉ bởi lúc về già ông bị mù, mà còn vì học thuyết của ông rất khó hiểu. Đó là Heraclitus ỏ thành phố Ephesus. Ông sinh khoảng năm 544 tr.CN và chết khoảng năm 483 tr.CN. Sau khi đọc tác phẩm triết học buồn chán của ông, được đặt tên, giống như các tác phẩm của Anaximandre và của Anaximenes, là ''Về Tự nhiên'', Socrates đã nhận xét:

''Điều tôi hiểu ra được thì thật tuyệt vời. Còn điều tôi không hiểu được cũng thế. Vả lại để làm việc này cần phải có thợ lặn''. Thực vậy, để hiểu được tầm sâu sắc tư duy Heraclitus phải, ''lặn lội'' rất sâu.

Vấn đề chính mà nhà triết học này muốn giải quyết, có thể diễn tả ở dạng nghịch lý của sự sinh thành''. Cái mới phát sinh lấy từ đâu ra? Nếu từ cái cũ thì đâu có mới gì. Còn nếu không từ cái cũ, ắt phải từ hư vô. Nhưng từ cái không có gì (hư vô) chẳng thể xuất hiện cái gì hết. Vậy thì cái mới không thể có!

Thực sự cái mới chỉ là cái mà trước đó chưa từng có. Nhưng cái mới cũng cần được chứa đựng sẵn bên trong cái cũ nếu không thì lấy gì làm cơ sở để nó sinh thành? Nghĩa là cái không hề có - cái phi tồn tại - phải tham dự trong cái tồn tại đang có, để cuối cùng, lại cũng là cái tồn tại. Vậy nên cái tồn tại và cái phi tồn tại phải song hành, nhờ đó mà cái mới được sinh ra. Theo Heraclitus, ''tất thầy đều đang tồn tại, đồng thời cũng không tồn tại, vì rằng mọi thứ đều đang trôi đi, mọi cái đều đang biến cải''.

Heraclitus đã khép lại một vấn đề chưa từng được các nhà tư tưởng Miletus giải quyết (đơn giản vì họ chưa đi tới đó). Vậy còn với sự thống nhất của thế giới thì làm thế nào? Nhà triết học này đã tiến thêm một bước như sau trên con đường của các nhà thông thái Miletus: Ông tuyên bố rằng có một định luật thống nhất cho sự chuyển đổi từ cái tồn tại thành cái phi tồn tại, và ngược lại - đó là Logos. Mọi thứ diễn tiến có quy luật tuân theo cái Logos của Vũ Trụ, là cái mà bản thân nó luôn bất biến. Không ai có thể thay thế hay cải sửa nó, kể cả thần linh cũng không làm nổi. Chính Logos gắn kết Vũ Trụ thành một Cosmos duy nhất có quy luật có trật tự và biến đổi không ngừng.

“Dấu hiệu của sự thông tuệ là hãy đồng ý, không phải với tôi, mà với Logos - rằng tất thẩy là thống nhất”. Heraclitus phán định. Ông nhận ra sự thống nhất của thế giới không chỉ ở khởi nguyên vật chất của mọi thứ đang tồn tại, mà cả ở tính quy luật chung của mọi biến đổi và khác biệt trong nó. ''Chỉ các cái biến đổi theo quy luật là luôn vĩnh cửu'', ''Vũ trụ này chỉ có một là như nhau cho tất thẩy cái tồn tại mà không do ai, dù là người hay thần tạo ra mà nó luôn luôn đã và đang là và sẽ là ngọn lửa vĩnh cửu, lúc đượm lúc yếu…” Ngọn lửa không ngừng thay đổi ấy của Heraclitus là hình ảnh tượng trưng tính biến hoá có quy luật thường xuyên của tất thẩy sự vật và cả cái cơ sở vật chất của nó.

''Mọi thứ bị đổi thành lửa, và lửa đổi thành mọi thứ, giống như vàng đổi lấy hàng hoá và hàng hoá đổi lấy vàng''... sự thay đổi có đường lên, đường xuống, và theo đó thế giới vận động''... “Lửa đông đặc thành hơi ẩm, nén lại thành nước, còn nước thì chèn chặt biến thành đất,… đó là đường đi xuống. Mặt khác đất tơi ra, từ nó sinh ra nước từ nước sinh ra mọi thứ khác... đó là đường đi lên. Thực ra đường đi lên hay đi xuống cũng chỉ là một''.

Ngọn lửa thấm đẫm Logos ấy “cai quản” thế giới và ''phán xử'' nó. “Sự phán xử thế giới và hết thẩy mọi thứ trong nó đều được thực hiện qua ngọn lửa. Ngọn lửa mai sau sẽ phán xử và kết án tất thẩy''… “Đám cháy thế giới sẽ xảy ra, trong đó mọi thứ bị thiêu huỷ, và sau đó hồi sinh cứ thế mãi mãi...''

Hiểu biết Logos là sự thông tuệ tối cao, nhưng không phải dành cho bất cứ ai. Cosmos lên tiếng thông qua những con người được chọn lựa, Heraclitus coi có mình trong số ấy: “Heraclitus coi mỗi lời phát biểu của mình là lời sấm nên ông trình bày rất bí hiểm và đặt thành các câu cách ngôn ngắn gọn xúc tích và thâm thuý''. Ví dụ: “con lừa thích rơm hơn là vàng”. “Trên cùng dòng sông không thể tắm hai lần” (vì luôn có dòng nước mới chảy qua).

Cũng giống như dòng sông ấy, mọi vật theo Heraclitus, đều đổi thay, trôi đi và đồng thời lại bất biến... ''Trong ta có sống và chết, thức và ngủ, trẻ và già... Mọi vật vì thế là một thống nhất của tính khả biến và tính bất biến: trong nó có cái được bảo tồn (cái bất biến của nó), có cái không được bảo tồn. Nếu cái bất biến của sự vật bị tiêu huỷ thì bản thân nó biến mất, dù cho cái ''xác'' vật chất của nó là không thể bị phá huỷ, là vĩnh hằng''. Cái khả biến và cái bất biến là các mặt đối nghịch, cho nên mọi vật là thống nhất trong khi luôn có tranh đấu giữa các cái đối nghịch, vì chúng không thể cùng tồn tại hoà bình. ''Cần phải biết rằng chiến tranh là cái phải chấp nhận và sự thù địch là chuyện thông thường của sự vật và tất thẩy đều sinh ra thông qua sự đối kháng lẫn nhau'', nghĩa là cái này là do cái khác, và ngược lại. “Homer cầu nguyện cho sự thù địch xen vào cuộc sống của thần linh của loài người mà không hiểu rằng ông đã nói lời điềm báo vận vào cuộc sống. Bởi lẽ... nếu không có mâu thuẫn và tranh đấu giữa các mặt đối lập, thì không thể có vận động và biến cải, không thể có gì mới được sinh ra…




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1117-02-633396235700000000/Logic-cua-vu-tru/Hay-dong-y-Khong-phai-vo...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận