VẬT LÝ HỌC ARISTOTLE: TÁN THÀNH VÀ PHẢN ĐỐI
Nhà văn, nhà phổ Biến khoa học Pháp Bernard Le Bovier Fontenelle, một trong những người đặt tiền đề cho ''thế kỉ ánh sáng'' (còn gọi là thời đại Khai sáng) vào năm 1686, đã viết: ''Không gì mạnh mẽ để kìm hãm được sự tiến bộ, không gì đáng sợ để trói buộc nổi trí tuệ, bằng lòng sùng kính dư thừa thời cổ đại. Bởi vì các thế hệ sau đó đã sùng bái Aristotle và đi tìm chân lý chỉ trong các văn bản bí hiểm của ông ta; mà chẳng hề tìm trong tự nhiên học, nên không chỉ triết học không có một sự phát triển nào, mà hơn thế nó bị sa lầy vào vũng bùn của sự hồ đồ và những ý niệm không thể hiểu được mà để lôi nó lên phải mất những nỗ lực khổng lồ.
Aristotle chưa bao giờ là nhà triết học thực sự cả, nhưng ông ta đã đàn áp nhiều người đáng lẽ ra sẽ thành triết gia chân chính nếu như họ được phép làm việc đó.
Điều tai hại là những thứ lý luận huyễn hoặc ấy, một khi đã được quyền tồn tại giữa loài người, thì nó bám chặt mãi ở đó, chừng nào lý trí chưa được giải thoát khỏi chúng, phải hàng nhiều thế kỷ, thậm chí chỉ sau khi người ta nhận ra được sự lố bịch của chúng!''
Thái độ như vậy đối với Aristotle và học thuyết về tự nhiên của ông đã diễn ra phổ biến vào buổi bình minh của thế kỉ ánh sáng. Trong sách giáo khoa vật lý học thế kỷ XIX - XX, người ta có nhắc tới Aristotle có lẽ chỉ là để từ các sai lầm của ông sẽ giúp học sinh nhanh chóng hiểu ra các nguyên lý cơ bản của cơ học Galilei - Newton.
Quả thực con người thời nay làm sao có thể chấp nhận các luận điểm sau đây của Aristotle, chẳng hạn: không khí giúp cho chuyển động của hòn đá được ném đi chếch một góc so với đường nằm ngang vật nặng hơn luôn rơi nhanh hơn vật nhẹ; chuyển động thẳng đều của mọi vật không thể xảy ra nếu không có ngoại lực luôn tác dụng lên nó; các tầng không khí trên cao có thể kết tụ lại và cháy sáng thành cái tưởng là sao băng... Phải chăng không có lấy một điều trong vật lý học Aristotte là đúng đắn?
Không phải là ngẫu nhiên mà nhiều nhà bác học và nhà sử học khoa học ngày nay coi Aristotle chỉ là ''cha đỡ đầu'' của vật lý học (chính ông đặt cái tên ''physica'' đang dùng làm gốc chữ trong nhiều ngôn ngữ châu Âu ngày nay để gọi vật lý học), chứ không phải là cha đẻ (người sáng lập) của nó. Trong các khảo luận của nhà tư tưởng này nhan đề ''Vật lý học'', ''Về bầu trời'', ''Về sự sinh thành và huỷ diệt'', “Khí tượng học”... đôi khi đã thực hiện những khái quát hoá rất táo bạo mà khoa học, nói chung không đủ sức làm, vì còn thiếu dữ kiện thực nghiệm (như trường hợp Galilei cho rằng ''khoa học của loài người sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề Vũ Trụ là hữu hạn hay vô hạn!''). Quả thực những khái quát hoá là cần thiết để Aristotle tạo dựng bức tranh hoàn chỉnh của thế giới, điều này là nét đặc trưng của triết học tự nhiên chú không phải là của vật lý học.
Từ góc nhìn của các bài toán mà khoa học thời cận đại phải giải quyết thì vật lý học của Aristotle có vẻ như hoàn toàn bất lực, vô dụng và ngây ngô. Ở đó đầy rẫy những điều vô lý đến nỗi không thể hiểu nổi làm sao mà suốt bao nhiêu thế kỉ Aristotle được coi người có uy tín vĩ đại nhất trong khoa học về tự nhiên! Nhưng chính Aristotle là người đầu tiên đặt cơ sở cho vật lý học như một khoa học dựa trên quan sát tỉ mỉ và lý giải chặt chẽ. Ông căm ghét lối suy diễn tưởng tượng của các triết gia, lối xét đoán nông nổi của họ đưa nhận thức đến ngõ cụt vì không thể phân biệt điều chân lý với điều bịa đặt. Ông là người đầu tiên kiên trì quan điểm không bỏ qua các sự kiện quan sát và phép lôgic, đạt đến sự kết hợp hài hoà của chúng, để từ đó lộ ra những đường nét của Vũ Trụ. Sau ông 17 thế kỉ, Newton đã tìm thấy cảm hứng từ chính cái mạch nguồn ấy - niềm say mê nắm bắt bản chất kỳ diệu của toà kiến trúc Vũ Trụ. Aristotle từng nhận xét: ''Chỉ khi có được dủ nhiều các quan sát thiên tượng người ta mới có thể tìm ra các minh chứng cho một học thuyết về các tinh tú. Sự làm việc cũng hệt như vậy trong mọi môn nghệ thuật và khoa học khác''. Aristotle thường “hạ gục” các đối thủ tranh biện với mình bằng cách vạch ra các sự kiện không ''chui vừa'' lý luận của họ: ''Những ai hiểu biết các hiện tượng tự nhiên tốt hơn thì có thể đề xuất ra nhanh hơn những luận điểm khỏi nguyên liên kết dược nhiều sự vật. Ngược lại những ai mê say những suy luận dông dài mà không chịu quan sát sự vật diễn biến ra sao thì chỉ phơi bày sự thiển cận về quan điểm của mình mà thôi''.
Chẳng hạn khi nghiên cứu nguyệt thực Aristotle đã tìm thấy một xác nhận quan trọng cho ý niệm về hình dạng cầu của Trái Đất: Bóng Trái Đất in lên Mặt Trăng luôn luôn có viền hình tròn mà chỉ hình dạng cầu thì mới có bóng hình tròn như vậy dưới mọi góc độ chiếu sáng.
“Quan sát các ngôi sao, - Aristotle viết - minh chứng rất rõ không chỉ rằng Trái Đất hình cầu, mà còn điều này nữa: nó có kích thước không lớn. Chỉ cần ta di chuyển một chút về phía Bắc hay về phía Nam thì đường chân trời đã khác hẳn: bức tranh bầu trời sao trên đầu ta đã thay đổi đáng kể và khi lên Bắc, xuống Nam ta không thấy cùng một số những ngôi sao... Vậy nên rõ ràng là Trái Đất không những có hình cầu, mà còn là một quả cầu không lớn. Nếu không thì chúng ta đã không nhận ra những đổi thay ấy nhanh đến thế, chỉ cần chúng ta di chuyển không nhiều''.
Cố công tìm ra mọi cơ sở chắc chắn cho mọi thứ trong thực nghiệm và phép lôgic, chứ không phải tha hồ tưởng tượng, chính Aristotle đã đặt ra một truyền thống mà về sau Newton đã làm theo. Newton đã lấy câu nói sau đây làm phương châm: ''Tôi không bịa ra các giả thuyết''. Tuy nhiên nhiều luận điểm của Aristotle chỉ được phát biểu một cách giả định vì còn thiếu cơ sở thực nghiệm, được ''giáo lý hoá''. Các môn đồ của những nhà khoa học vĩ đại thường khăng khăng trong suy luận hơn cả những bậc thầy của họ! Chính Aristotle viết: ''Một khi nói tới các hiện tượng mà giác quan ta không với tới, thì sự chứng minh có thể được xem là có đủ cơ sở nếu ta đưa được nó đến với các nguyên nhân khả dĩ''.
Aristotle còn là người sáng tạo ra một thể thức trình bày sáng tạo khoa học gọi là ''khảo luận'' (tractate) - ngày nay còn gọi là ''báo cáo công trình''. Trước ông, hình thức truyền thống của tác phẩm triết học chỉ là các bài thơ hoặc đối thoại mà thôi! Những công trình khoa học ngày nay đều được trình bày theo kiểu Aristotle. Phải có phần đặt vấn đề nói về điều sẽ được đề cập. Sau đó là phân tích, mổ xẻ các ý kiến của những người tiền bối và cùng thời về chủ đề đó, vạch rõ chỗ đúng, sai của các ý kiến ấy (với Aristotle, hầu như ông nêu những khiếm khuyết là chủ yếu, vì trong số ý kiến những người đi trước hay cùng thời với mình, ông tìm được chẳng bao nhiêu cái đúng, theo quan điểm của ông). Chỉ sau khi đã làm cái việc mà ngày nay ta thường gọi là nêu tổng quan tư liệu đã có, tác giả mới trình bày lập luận của chính mình về vấn đề đặt ra.
NHIỆM VỤ CỦA KHOA HỌC LÀ GÌ?
''Sự ngạc nhiên kích thích con người ta triết lý - Aristotle viết - Ai cũng từ thiên nhiên tiến tới tri thức''; Hơn nữa, ''người ta bắt đầu tiến đến tri thức để hiểu biết, chứ không phải để mưu cầu lợi lộc gì''.
Tri thức tối cao là sự thông tuệ mà chỉ Thượng Đế mới có được, con người thì chỉ có thể tiến gần đến nó, chính điều này là định mệnh của họ và khiến họ khác các loài vật. Bản tính tự nhiên của con người là nó phần nhiều là ''kẻ yêu sự thông tuệ'' (nghĩa gốc Hi Lạp của từ triết gia trong nhiều ngôn ngữ châu Âu hơn là chính người thông thái thực sự. ''Tôi biết là tôi không biết gì'' - Socrates nói, và thêm: ''Nhưng tôi muốn biết”.
Theo Aristotle, sự thông tuệ thực sự - tự nó đã là một giá trị. Vì thế những tri thức mà không phải là mục đích, và chỉ là phương tiện để mưu cầu lợi lộc, không thể là trí thông minh thực sự. Suy ra rằng, ở đâu mà lợi ích xuất hiện, nơi đó là chấm hết khoa học sự thiêng liêng. ''Tri thức tối cao và lợi ích, đó là hai thứ không thể đồng hành''. Mặc dù khoa học quả thực bắt đầu từ sự ngạc nhiên, mục đích của nó - là giải toả điều không hiểu, tức là hết ngạc nhiên. Những ai dấn thân vào con đường nhận thức, sẽ từng bước tiến gần tới sự bình định thực sự, sự chiêm ngưỡng bi thảm và cao cả về Vũ Trụ hài hoà.
Sự ngạc nhiên là khởi nguồn của nhận thức, đối với cả những người sáng lập triết học châu Âu cận đại, như Francis Bacon và René Descartes. Nhưng họ lại đặt cho khoa học những mục tiêu hoàn toàn khác. Mục tiêu cốt yếu trong số đó là làm chủ tự nhiên làm cho Tự nhiên tuân phục con người, biến sức mạnh to lớn ẩn giấu trong tự nhiên, thành đầy tớ thoả mãn nhu cầu của con người. Chính lợi ích thực sự đã trở thành tiêu chuẩn của chân lý mà con người với tới. Tự nhiên chẳng qua thành một cỗ máy khổng lồ, cần học cách điều khiển. Nhà khoa học có thể không biết gì tới cấu tạo thực sự của thế giới, điều quan tâm chủ yếu của ông ta là sự phù hợp của mô hình lý thuyết với dữ kiện quan sát, khi đó có thể lấy lý thuyết làm nền tảng cho các nghiên cứu ứng dụng. Nhà triết học, nhà bách khoa toàn thư nổi tiếng thế kỷ XVIII Denis Diderot đã viết: ''Chúng ta hầu như không biết gì hết,... tất cả do tính lợi ích quyết định''.
Aristotle thì ngược lại. Ông nhìn thấy nhiệm vụ của nghiên cứu khoa học nằm ở khả năng thoả mãn khát vọng chiêm ngưỡng sự hoàn hảo tuyệt vời của thiết chế thế giới chứ hoàn toàn không phải là ở việc sử dụng tri thức tự nhiên để phát triển kĩ thuật. Chính hoạt động suy tưởng của trí tuệ như là một khả năng cao cấp của con người cho phép nó giống với thần linh. Như vậy phê phán vật lý học Aristotle về sự bất lực của nó trừ các bài toán mà nó chưa từng đặt ra, thì thật là vô nghĩa. Vả chăng các thành tựu khoa học châu Âu cận đại đối với Aristotle có vẻ như quá ít giá trị và “phi khoa học”, có khác nào các ý niệm của ông bị Bacon và Descartes coi là phi khoa học.
Tuy nhiên ở thời cận đại và sau này nữa đã từng có các nhà tư tưởng không chia thế giới quan có tính chất cơ khí về Vũ Trụ. Nhà thơ nổi tiếng thế kỷ XIX Feodor Ivanovi Tiutchev luôn giữ quan điểm gần với quan điểm của Aristotle về thế giới:
''Tự nhiên ơi không phải Người suy tưởng: Không mù quáng, vô hồn.
Tâm hồn Người là đây - Tự do
Tình yêu Người ban cho - Tiếng gọi.''
Ngay ở thế kỷ XX nhà triết học Aleksei Fyodorovich Losev đã viết: ''cơ học Newton được xây dựng trên giả thuyết không gian đồng nhất và vô hạn. Thế giới là không có giới hạn, tức là không có hình dạng. Với tôi, điều đó có nghĩa là thế giới bất thành dạng. Thế giới không gian thống nhất tuyệt đối. Đối với tôi đó có nghĩa là thế giới tuyệt đối bằng phẳng, không hiển hiện, không lồi lõm... Buồn chán biết bao cho cái thế giới như thế. Hãy thêm vào đó bóng đêm tuyệt đối và sự lạnh giá không hồn người của các khoảng trống giữa hành tinh nữa... Khi đọc sách giáo khoa thiên văn, tôi cảm thấy như bị ai đó xua đuổi mình ra khỏi căn nhà của mình và sẵn sàng nhổ cả vào mặt nữa. Tại sao vậy?''. Nói đúng ra những đòi hỏi của Losev dành cho, không phải Newton, mà là cho những người kế tục ông. Ở thế kỷ XIX cơ học Newton đã được lý giải theo tinh thần cơ khí, gần gũi với phái Descartes. Đặc trưng cho điều đó có thể dùng lời của nhà vật lý, thiên văn, toán học Pháp Pierre Simon de Laplace nói với Hoàng đế Napoléon Bonaparte: Khi xây dựng hệ thống thế giới, thần đã không cần tới giả thuyết có Chúa tồn tại''. Trong khi đó chính Newton khi nghiên cứu Tự nhiên, mong muốn trước tiên là nắm bắt được bóng hình của Thượng Đế. Không phải ngẫu nhiên ông không gọi khoa học của mình là vật lý học, mà lại gọi là triết học tự nhiên. Vật lý học của Aristotle cũng là triết học tự nhiên, mà không đơn thuần là một bộ môn của khoa học tự nhiên.