TỪ TẤN CÔNG BẦU TRỜI TỚI CHIẾM LĨNH MẶT ĐẤT
Từ Thales tới Platon, các nhà tư tưởng Hi Lạp đã sáng tạo ra các phương tiện tư duy đồ sộ. Họ ra sức giăng lưới, hốt gọn thế giới vào một mẻ - một nguyên thể duy nhất, mà rồi thế giới ấy lại lọt khỏi tầm tay họ. Platon đã hoàn tất giai đoạn hai thế kí tấn công lý luận vào các vấn đề khởi nguyên của thế giói. Để giải quyết vấn đề ấy cần phải thoát khỏi sự mê tín vào các phép màu, đặc trưng của thời mông muội, bước tới một tri thức vững chắc khả làm nền tảng cho xã hội Hi Lạp. Sau khi đánh tan cuộc xâm lược của các vua Ba Tư Darius I (522 - 480 tr.CN) và con ông ta là Xerxes I (480 - 465 tr.CN) người Hi Lạp đã hầu như tin vào ưu thế văn hoá của mình trước tất cả các dân tộc khác. Có lẽ còn cần thêm một bước tiến để giải quyết toàn bộ các vấn đề lý luận sau đó đạt tới được sự ổn định về chính trị và xã hội. Platon đã tiến xa hơn người khác theo phương hướng đó, nhưng các phát kiến của ông không cứu vãn được xã hội Hi Lạp khỏi bị khủng hoảng. Hi Lạp với vô số cuộc nội chiến do những người Ba Tư xúi bẩy (họ đã không chiến thắng nổi người Hi Lạp trong chiến tranh công khai) lại ''nồi da nấu thịt'', để cuối cùng bị mất nền độc lập của mình. Platon đã bị chậm một thế kỉ trong công việc tổng hợp lý thuyết của mình. Suốt thời gian này người Hi Lạp chưa giải quyết được các vấn đề xuất hiện trong thế giới quan của họ nên ở trong tình trạng bế tắc về chính trị và luân lý.
Triết học Platon là cơn mê say cái tuyệt đối cái vĩnh cửu và thánh thần. Ông đã đi hết chặng đường tìm kiếm chân lý tư biện, hợp nhất tất cả các mặt mạnh của những học thuyết trước đó. Không còn có thể bay cao được hon nữa. Platon ví thất bại của các bậc tiền bối như ''mùa chạy thuyền'', còn triết học của mình thì ông gọi là ''mùa thứ hai'': Người đi biển thời cổ khi gió lặng, phải dùng mái chèo, người ta gọi đó là ''mùa chạy thứ hai''. Những ''làn gió'' triết học trước Platon thổi lung tung nhiều hướng, khiến con thuyền triết học bị quăng quật tứ phía, không thể tiến lên. Platon cho rằng cách ''dùng mái chèo'' của ông đã thúc đẩy được con thuyền triết học vượt qua ''điểm chết''. Nhưng kết quả thật là thảm hại: rốt cuộc rõ ràng là tính vẹn của thế giới chỉ có thể được biểu thị một cách huyền thoại. Những huyền thoại như thật đó là giới hạn vươn tới của năng lực trí tuệ con người! Những người ''yêu thích sụ thông thái'', có hướng đến đó không? Không! họ chống lại học thuật thần bí khẳng định quyền năng của lý trí. Thế là tinh thần Hi Lạp trong chủ nghĩa Platon đã tự phủ định mình.
Điều đó bộc lộ đặc biệt rõ trong học thuyết về nhà nước. Nếu có tồn tại cái tuyệt đối, độc lập với con người, là một lợi ích vũ trụ cao cả thì mọi thứ trên đời, kể cả sinh hoạt nhà nước, phải hướng tới nó. Từ đó Platon đưa ra bức tranh ''nhà nước lý tưỏng'' giống hệt một trại lính khổng lồ. Nó khiến nhiều người ghê tởm, nhưng điều chủ yếu là các bài toàn của xã hội Hi Lạp đã không thể giải quyết bằng một cuộc cải cách không tưởng của các thành bang. Xã hội Hi Lạp thời Platon đã không còn giống thời Thales. Chỉ có một chiến thắng mới, thật vang dội trước các bộ tộc mọi rợ mới hòng đưa Hi Lạp ra khỏi bế tắc. Chủ nghĩa Platon, trong bối cảnh đó, thành ra già cỗi. Đáng lẽ không nên loay hoay tìm kiếm chân lý, mà phải từ tầm cao của chân lý đã biết nhìn bao quát thế giới và chiếm lĩnh lấy thế giới ấy. Thời đại đang đòi hỏi một triết học mới hướng tới hoạt động thực tiễn chứ không phải hướng tới việc đào sâu và mở rộng tri thức. Không phải là đối thoại giữa những kẻ kiếm tìm chân lý, mà là các công trình diễn giải và vận dụng chân lý, đó là cái mà xã hội Hi Lạp lúc này đang cần. Các thứ Apori, phải ''quăng vào gầm giường'', phải đưa ra câu trả lời dứt khoát cho vấn đề bức xúc và tạo ra một hệ thống khoa học làm nền tảng cho đời sống xã hội.
Sau Platon khoa học đã phải tiến tới theo một phương hướng chiến lược mới. Chính Aristotle, học trò tài ba nhất của Platon, đã tìm ra được lối thoát. Ông đã từ bỏ cách nhìn thế giới “từ trên xuống” mà thay nó bằng cách nhìn ''từ dưới lên'': không phải đi từ lý thuyết tới sự vật, mà là đi từ sự vật tới lý thuyết. Thời đại tư biện thuần tuý đã cáo chung, cần phải dựa trên các sự kiện đáng tin cậy không bỏ qua một sự kiện nào. Sự kiện - từ một phía, lôgic - từ phía kia, phải gắn kết chúng lại mới đạt được tri thức vững chắc về tự nhiên. Platon là một minh chứng tiêu biểu rằng vật lý học, với những ''huyền thoại giống như thật'' đã không thể trở thành một khoa học. ''Platon là bạn tôi, nhưng chân lý còn quý hơn'' – lời nói này được truyền tụng là của Aristotle - người đã sáng lập môn khoa học vật lý, thu phục gần như hết thảy các nhà vật lý học suốt hai ngàn năm.
Ở Aristotle vật lý học chiếm vị thế vẻ vang bằng quan điểm nhất quán về Vũ Trụ, con người và xã hội. Người học trò vĩ đại của ông - Alexandre xứ Maxêđônia - người đã thống nhất Hi Lạp và chinh phục Phương Đông trong sức mạnh, đã không chỉ chế ngự thế giới bằng thanh gươm, mà còn bằng cái lớn lao hơn, đó là thế giới quan sáng sủa và nhất quán.
PLATON - BUỒI HOÀNG HÔN CUỘC ĐỜI
Thời trẻ Platon từng gặp được Socrates và trở thành học trò tin cẩn của triết gia này, người tuy không viết một dòng mà đạt tới vinh quang bằng những đối thoại của mình. Đối với Athens, và cả toàn Hi Lạp, thì đó là thời kì nặng nề của cuộc chiến tranh Peloponnese huynh đệ tương tàn (431 - 404 tr. CN). Kéo dài hơn 20 năm, nó kết thúc bằng thất bại của hạm đội Athens ở ngay cửa sông Egospotama, nơi 62 năm trước vào thời của Anaxagoras, một thiên thạch nổi tiếng đã rơi xuống đó. Sau khi Athens đầu hàng, người Sparta đã xóa bỏ dân chủ tại đó, đưa ''ba mươi tiếm chủ'' đứng đầu là Critias - một học trò của Socrates - lên nắm chính quyền. Ít lâu sau cuộc nội chiến, người ta phục hồi nền dân chủ, nhưng Critias đã làm Socrates liên lụy: chỉ 5 năm sau, ông bị kết tội báng bổ thần linh và bị treo cổ.
Hoang mang vì cái chết của người thày, nhiều năm Platon lánh xa Athens. Ở miền Nam Italia ông kết bạn với một người phái Pythagoras là Archytas ở Tarentum (khoảng 428 - 365 tr.CN), nhà toán học và thiên văn học nổi tiếng, từng vài lần được bầu làm người đứng đầu xứ Tarentum. Có tài liệu nói Platon từng viếng thăm Philolaus lúc này đã quá già và nhận sách của ông này (vậy nên chắc rằng người học trò của Platon là Aristotle cũng quen biết họ). Vào cuối chặng bôn ba Platon, đã 40 tuổi, xuất hiện ở cung điện của tiếm chủ Siracuse là Dionysius Bố. Ông đã lỡ có điều gì đó làm bạo chúa giận, thế là Dionysius Bố đã ra lệnh đưa Platon ra đảo Aegina.
Ở Aegina, bấy giờ đang chống lại người Athens, có luật lệ: bất kì người Athenss nào bước chân lên đất của họ đều bị bắt làm nô lệ. Nhưng Platon đã khá nổi tiếng nên có người đứng ra chuộc nhà triết học rồi thả ông ra. Bạn bè Athenss cũng gom tiền gửi cho ông và để ông trở về. Cũng nhờ khoản tiền này ông đã mua được một khoảnh đất ngoại ô Athens và tại đó Platon lập ra ngôi trường nổi tiếng. Để tôn vinh người anh hùng Academe (tiếng Hy Lạp: Akademos) nên khu vực này có tên là Academia, về sau trở thành tên gọi của trường học của Platon.
Palaton đã hai lần ghé thăm Siracuse theo lời mời tha thiết của Dionysius Con, người lên thay Dionysius Bố đã chết. Nhưng cả hai lần công việc đều kết thúc bằng tranh cãi và xua đuổi, có điều lần thứ hai này thì nhà triết học 60 tuổi Platon được Archytas cứu thoát khỏi bị trừng trị.