Tài liệu: Khoa học về tự nhiên ở La Mã cổ đại

Tài liệu
Khoa học về tự nhiên ở La Mã cổ đại

Nội dung

KHOA HỌC VỀ TỰ NHIÊN Ở LA MÃ CỔ ĐẠI

 

Đế quốc La Mã chiếm vị thế không tốt đẹp mấy đối với tiến bộ khoa học. Có lẽ nào nền văn minh La Mã, rực rỡ với các nhà thơ, nhà soạn kịch, kiến trúc sư, diễn giả và luật gia kì tài của mình, lại không thể chứng minh một định lý mới nào, không phát kiến một quy luật mới nào...? Bản thân sự bành trướng của nó đã để lại những dấu ấn đáng buồn trong lịch sử nhân loại (ví dụ như sự việc quân đội của họ giết chết Archimedes khi chiếm thành Siracuse năm 212 tr.CN, hay vụ thiêu huỷ thư viện Alexandria năm 47 tr.CN...) Tại xứ sở La Mã cổ đại đã bắt đầu giai đoạn dừng lại trong tiến trình phát triển khoa học tự nhiên kéo dài ở châu Âu suốt 1000 năm đầu Công nguyên!

Trên cái nền buồn thảm chung của khoa học La Mã, nổi bật tên tuổi một nhà thơ: Titus Lucretius Carus (thế kỷ I tr. CN). Mặc dù ông không đạt tới một kết quả đặc sắc nào, song ông có vai trò quan trọng do những luận giải chính xác đầy tính tu từ về các quan điểm của các bậc tiền bối người Hi Lạp của mình.

Về tiểu sử Lucretius Carus thực sự không còn biết được gì. Một nhà văn nhà thần học Kitô giáo, là Hieronim Eusebius (khoảng 342 – 420 CN), từng viết về ông như sau: ông sinh năm 94 tr. CN, lớn lên bị ngộ độc vì nước uống tình yêu và mất trí. Vào những lúc tỉnh táo hiếm hoi ông viết một số sách; ông tự tử năm 44 tuổi.

Lucretius đã trình bày cơ sở triết học của Epicurus trong bài thơ ''Về bản Chất sự vật”. Theo quan điểm khoa học về tự nhiên thì trong thơ ông có hai ý tưởng rất quan trọng: thuyết nguyên tử - học thuyết cho rằng vật chất gồm có khoảng trống và các nguyên tử chuyển động không ngừng, và thuyết bất khả tri (agnosti- cism - nghĩa là luận thuyết không thể nhận thức được Vũ Trụ về nguyên tắc và không thể đạt tới chân lý.

Ví dụ bằng quan sát những thay đổi của Mặt Trăng có thể đưa ra 3 lý giải: Mặt Trăng chiếu sáng không phải bằng ánh sáng riêng của nó mà nó phản xạ ánh sáng Mặt Trời, Mặt Trăng chiếu sáng - bằng ánh sáng của chính nó, nhưng xung quanh nó có một vật thể không nhìn thấy, chuyển động tuần hoàn che lấp nó hoàn toàn hay từng phần; thứ ba có thể cho rằng Mặt Trăng mỗi ngày lại sinh ra mới và có hình dạng khác. Theo Lucretius, cả ba cách lý giải đều có quyền tồn tại và không thể nhận biết cái nào là đúng. Vì thế đành phải bằng lòng và chấp nhận sự bất khả tri như một thực tế.

Thực ra nếu đĩa Mặt Trăng nhìn thấy được bị che bởi một thiên thể nào khác, thì đường giới hạn phần sáng của đĩa phải giữ nguyên hình dạng của mình. Thực tế là bóng tối luôn đi qua các điểm đối diện qua tâm của đa nhìn thấy được, và vì vậy độ cong viền bóng tối luôn thay đổi.

 

THÁNH THẦN VÀ THUẬT NGỮ

Trong bài thơ ''Về bản chất sự vật'' Lucretius khẳng định rằng nguyên nhân của bất kì hiện tượng nào cũng đều nằm ở các quy luật của Tự nhiên. Có thể hoàn toàn hiểu chúng bằng trí tuệ nếu không sợ thánh thần nổi giận:

Xua tan đi bóng tối

Đuổi hết  niềm lo ngại

Là việc của ánh trời

Màu nắng tươi tự tại

Ngay trong cái Tự nhiên

Cái công trình vô biên

Ta hiểu ra nền tảng

Theo ý chí thần linh

Chẳng có gì tạo nên

Từ hư vô được cả

Mọi tồn tại sinh thành từ vật chất và các tính chất của nó: ''Mọi thứ lớn lên bằng vật chất của mình và sống bởi nó''. Ý nghĩa chủ yếu của bài thơ Lucretius là ở chỗ đã viết ra những thuật ngữ khoa học bằng tiếng La tinh. Chính ông luôn than phiền là không đủ chữ.

Ôi học thuyết Hi Lạp

Đầy huyền bí diệu kỳ

Quả không dễ một khi

Ta đi tìm chữ nghĩa

Chuyển thành thơ La Tinh

Ôi từ ngữ lung linh

Chạy trốn hoài ta đó

Khái niệm mới thật khó

Đặt sao cho sáng tỏ

Từ La Tinh thật rõ

Thế giới thêm rực rỡ!

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1120-02-633396299269218750/Tu-co-dai-toi-phuc-hung/Khoa-hoc-ve-tu-nh...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận