TẠI SAO ĐỒNG LẠI CÓ NHIỀU MÀU KHÁC NHAU?
Đồng mặc dù không được sử dụng rộng rãi như sắt, nhưng nó cũng có nhiều đặc điểm mà sắt và thép không bì được.
Màu của đồng nguyên chất là màu tím. Tính năng dẫn điện, truyền nhiệt của nó rất tốt, trong số các kim loại, ngoài bạc ra, thì khả năng dẫn điện của đồng được xem là mạnh nhất. Trong ngành công nghiệp điện khí, dây điện, công tắc điện, quạt điện, chuông điện, điện thoại... đều phải cần đến một lượng đồng lớn. Đồng tím đều là nguyên chất, thường dùng phương pháp chế tạo đồng bằng điện giải thô để điều chế.
Đồng rất mềm, một giọt đồng nguyên chất thông thường có thể kéo thành sợi mỏng dài 2000m, còn có thể dát thành những lát đồng còn mỏng hơn cả giấy, thậm chí còn trong suôt nữa, hễ có gió thổi là liền bay lên.
Có một số dụng cụ chơi nhạc cũng được làm bằng đồng, nói chính xác hơn thì là làm bằng đồng thau. Đồng thau là hợp kim của đồng và kẽm còn gọi là hoàng đồng. Trung Quốc ngay từ thời Hán đã biết chế tạo đồng thau rồi. Đồng vàng được gọi như vậy là do nó có màu vàng, cùng với việc hàm lượng kẽm khác nhau mà màu sắc của đồng thau cũng khác nhau. Ví dụ, khi hàm lượng kẽm là 18% - 20%, nó sẽ có màu vàng đỏ, hàm lượng kẽm 20 - 30% thì nó có màu vàng nâu, hàm lượng kẽm 30 = 42%, có màu vàng nhạt, hàm lượng kẽm 42 - 50% có màu vàng, hàm lượng kẽm 50- 60% có màu trắng vàng. Đồng thau dùng trong công nghiệp thường dùng đồng có hàm lượng kẽm dưới 45%.
Trước một số công trình kiến trúc cao và lớn thường dựng bức tượng đồng màu đen sẫm và trang nghiêm, đó là do dùng đồng đen. Đồng đen là hợp kim của đồng và thiếc, có lúc cũng chứa kẽm. Rất nhiều kim loại khi gặp lạnh thì co lại, còn đồng đen sau khi gặp lạnh thì lại nở ra. Do đó, những bức tượng đúc bằng đồng đen thì mắt và lông mày rất rõ ràng, các đường cong rất chuẩn xác. Đồng đen cũng chịu được mài mòn, những trục chế tạo bằng đồng đen là ''trục chịu mài mòn'' nổi tiếng trong ngành công nghiệp.
Những đồ dùng làm bằng đồng trắng sáng bóng và rất đẹp, hơn nữa không dễ để sinh ra màu xanh đồng, trên thực tế nó là hợp kim đồng - niken, cho một ít niken vào trong đồng để chế tạo ra. Trung Quốc ngay từ thế kỷ 1 trước công nguyên đã biết chế tạo đồng trắng. Đến thế kỷ 18, đồng trắng mới từ Trung Quốc xâm nhập vào Châu Âu. Lúc đó, người Đức đã học phương pháp của người Trung Quốc để chế tạo với quy mô lớn. Trước đây, có người gọi đồng trắng là ''bạc Đức'', thực quả là gốc ngọn lộn ngược.