Tại sao có sự sống trong vũ trụ
Sự sống mà bạn đang thấy trên trái đất chỉ là một sự kết hợp ngẫu nhiên, một xác suất cực nhỏ trong vô số các dạng thức kết hợp của các định luật vũ trụ. Đó là tổng kết của các nhà khoa học trong Hội nghị Vật lý Thế giới ở Cambridge (Anh) vừa qua.
Việc xuất hiện sự sống như trên trái đất phụ thuộc vào vô số điều kiện bắt buộc. Chẳng hạn, nếu không có các thiên hà, vì sao và hành tinh thì cũng không có lực hút, trọng lượng, ánh sáng mặt trời... và tất nhiên, không có những cơ thể sống như chúng ta. Sự xuất hiện các thiên hà và ngôi sao lại phụ thuộc vào 3 hằng số cơ bản của vũ trụ: Hằng số về lực hấp dẫn, lực hạt nhân yếu và lực từ trường điện.
Nếu chỉ một trong ba hằng số này xê dịch chút ít, thì ngay lập tức các ngôi sao sẽ không tồn tại nữa. Chúng sẽ bị bay ra khỏi quỹ đạo, bùng nổ hoặc biến mất. Cả hệ mặt trời cũng vậy. Chính vì sự sống hình thành rất khó khăn và mong manh như vậy, nên nhiều người theo học thuyết nhân sinh (coi sự sống làm trung tâm) cho rằng, phải có một đấng tạo hoá đã “sắp đặt” tất cả.
Một số nhà vật lý, thiên văn khác cho rằng, dưới lớp vỏ “ngẫu nhiên” của vũ trụ còn nhiều định luật mà chúng ta chưa phát hiện ra. Một lý thuyết tổng hợp các quy luật hiện nay sẽ tìm ra phương trình vũ trụ, qua đó giải thích được tất cả mọi bí mật của sự sống. Đại diện cho trường phát này là những người theo lý thuyết siêu string và thuyết M.
Các nhà vũ trụ lượng tử lại tìm cách giải thích sự sống theo một con đường khác. Nhà vật lý nổi tiếng Andrei Linde quan niệm rằng: Vũ trụ không những trường tồn mà còn là một quá trình tự sinh vĩnh cửu. Theo đó, các vũ trụ mới đã, đang và sẽ xuất hiện liên tục. Mỗi vũ trụ sinh ra đều có các hằng số tự nhiên khác nhau. Vũ trụ của chúng ta với các hằng số và dạng thức sống như hiện nay chỉ là một trong vô số những vũ trụ ấy. Giữa muôn vàn xác suất như vậy, vũ trụ của chúng ta, chỉ vì “may mắn”, đã hội tụ đủ điều kiện cho một dạng sống ra đời. Tóm lại, chúng ta “đến đây” chỉ là ngẫu nhiên. Không cần giải thích gì thêm nữa.
Nhà vật lý người Đức Richard Gott, ngoài việc tiếp nhận lý thuyết của Linde, còn có tham vọng lớn hơn là giải thích triệt để sự hình thành của vũ trụ. Đầu tiên, Gott giả định, có một vũ trụ mẹ với các hằng số tự nhiên cố định. Sau đó, vũ trụ mẹ này “sản xuất, ra vô số các vũ trụ con với những “đột biến” khác nhau. Trong số các vũ trụ con này lại có ít nhất một cái có tính chất giống hệt mẹ. Trong một dải thời gian nhất định (nhiều tỷ năm), vũ trụ con sẽ có khả năng tự tái sinh, sản xuất ra các vũ trụ con tiếp theo. Và cứ tiếp tục như vậy. Tóm lại, theo Gott, sẽ có rất nhiều nơi có sự sống, chúng đều có dạng thức giống nhau. Cơ hội để chúng ta bắt gặp những dạng thức sống tương tự trong vũ trụ là rất cao.
(Theo dpa)