TẠI SAO TUYẾT BẨN CHÓNG TAN HƠN TUYẾT SẠCH?
Chúng ta biết rằng, tuyết nóng chảy nhanh hay chậm là do nhiệt lượng mà tuyết hấp thu được nhiều hay ít quyết định. Tuyết bẩn có thể hấp thu được nhiều nhiệt lượng từ ánh sáng mặt trời hơn so với tuyết sạch, do đó tuyết bẩn thường nóng chảy nhanh hơn so với tuyết sạch.
Tại sao tuyết bẩn có thể hấp thu được nhiều nhiệt lượng? Thực ra, khi bất kỳ vật thể nào bị ánh sáng mặt trời chiếu vào, chúng chỉ có thể hấp thụ một phần ánh sáng và một phần nhiệt lượng, ánh sáng và nhiệt lượng còn lại sẽ bị vật thể phản xạ ra. Các vật thể hấp thu ánh sáng và nhiệt lượng càng nhiều, mắt chúng ta nhìn thấy sẽ cảm thấy càng tối, càng đen hơn. Ngược lại, các vật thể phản xạ ánh sáng và nhiệt lượng càng nhiều thì mắt ta càng nhìn thấy càng sáng, càng trắng hơn. Vào mùa đông, mọi người thường dùng cụm từ như ''một khoảng trắng xoá'' hay ''trắng như bạc'' để miêu tả cảnh tuyết bên ngoài. Màu trắng bạch và sáng mà tuyết sạch hiện ra đã chứng minh cho ta thấy bản lĩnh phản xạ rất mạnh của chúng, vì vậy mà dưới sự chiếu xạ của ánh sáng mặt trời, vật mà phản xạ ánh sáng và nhiệt lượng tương đối nhiều sẽ không dễ bị nóng chảy. Ngược lại, tuyết bẩn không trắng như tuyết sạch. Vì vậy khả năng hấp thu ánh sáng và nhiệt lượng của chúng lớn hơn nhiều so với tuyết sạch, khi bị ánh sáng mặt trời chiếu xạ, tuyết bẩn sẽ dễ bị nóng chảy.
Mùa hè chúng ta mặc quần áo màu trắng hoặc màu nhạt là để ánh sáng mặt trời phản xạ bớt đi, tránh cho cơ thể khỏi bị mặt trời quay nóng; còn khi mùa đông để có được càng nhiều ánh sáng và nhiệt từ mặt trời, mọi người hay mặc quần áo màu đậm, thậm chí là màu đen để cơ thể luôn được giữ ấm.