Tam giác quỷ Bermuda là sản phẩm của bọt khí
Một nhóm khoa học Mỹ đã chứng minh rằng, bọt khí ở đáy biển có thể nhấn chìm vật thể nổi bên trên. Nếu đúng, các bong bóng khí mê tan thoát ra từ bồn trầm tích dưới đại dương có thể là thủ phạm của những vụ mất tích thuyền bè bí ẩn trên tam giác quỷ Bermuda và biển Bắc.
Nhà toán học người Hy Lạp Archimedes từ xưa đã nhận ra rằng, với những vật thể nổi, tỷ trọng của nó phải nhỏ hơn tỷ trọng của chất lỏng bên dưới. Vì vậy, một cách lý giải đơn giản là nếu bạn nhồi đủ bong bóng xuống dưới lớp chất lỏng này để làm giảm tỷ trọng trung bình của nó, vật thể nổi bên trên sẽ nặng hơn và chìm xuống. Theo phỏng đoán của nhiều nhà khoa học, rất có thể quá trình này là “sát thủ giấu mặt” sau các vụ biến mất bí ẩn của vô số thuyền bè. Chúng đã đắm mà không rõ nguyên nhân khi giong buồm qua đây.
Tuy nhiên, Bruce Denardo tại Trường Sĩ quan Hải quân cao cấp ở Monterey, California lại hoài nghi cách lý giải đó. Ông chỉ ra rằng bọt khí thường cuốn theo các dòng nước nổi lên, tác dụng một lực đẩy hướng lên trên vào vật nổi. Với những bọt khí không quá mãnh liệt, quá trình kéo ngược này đủ để duy trì trạng thái nổi của vật.
Denardo và cộng sự đã quyết định thử nghiệm giả thuyết này. Họ đổ đầy 4 lít nước vào một cốc thí nghiệm, rồi sục khí dưới đáy với các tốc độ khác nhau. Sau đó, lần lượt thả vào đó những quả cầu thép trong có chứa nước hoặc không khí với khối lượng thay đổi để xem khả năng chìm của chúng. Kết quả là, khi bọt khí không nổi lên, quả cầu luôn lơ lửng trên bề mặt. Ngược lại, khi bật công tắc sục khí, các quả bóng đều chìm.
Tuy nhiên, theo Denardo, đây chỉ là thí nghiệm ở quy mô rất nhỏ, nên không mô phỏng được các dòng nước hướng lên. Ngoài đại dương, các vùng nước trồi (nước hướng lên bề mặt) rất dễ xuất hiện trong vùng có bọt khí, nhưng ở cách đó không xa lại là các dòng nước đi xuống. Ban đầu, nước trồi sẽ giúp con tàu nổi lên. Nhưng nếu tàu bị nghiêng nhẹ sang một bên, nó có thể lạc vào dòng nước đi xuống và biến mất trong đại dương bao la. Kết luận của Denardo: “Không thể loại trừ giả thuyết mê tan về sự mất tích các tàu ở vùng tam giác quỷ Bermuda”.
Mặt khác, nếu các bọt khí thực sự có thể đánh đắm các con thuyền, quân đội có thể sử dụng chúng như là một loại vũ khí Michael Stumborg, một nhà nghiên cứu tại Đại học Hàng hải Mỹ ở bang Rhode Island, đã đề nghị chế tạo các quả “bom nổi”, thu thập và nhả bọt khí, đánh đắm mục tiêu. Theo Denardo, một thiết bị dưới nước sẽ hút bọt khí từ các trầm tích dưới đáy biển, sau đó nhả ra ở đáy các con tàu định đánh chìm. Mê tan giải phóng ra sẽ tạo ra một lực đẩy con tàu và có thể đánh chìm nó.
(Theo New Scientist)