Tài liệu: Thuỵ Sĩ - Chương trình và việc đánh giá học sinh

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Một chương trình chung đã được thực hiện từ năm học 1994 - 1995 trong tất cả các bang nói tiếng Pháp
Thuỵ Sĩ - Chương trình và việc đánh giá học sinh

Nội dung

CHƯƠNG TRÌNH VÀ VIỆC ĐÁNH GIÁ HỌC SINH

Một chương trình chung đã được thực hiện từ năm học 1994 - 1995 trong tất cả các bang nói tiếng Pháp. Ở nhiều bang nói tiếng Đức các giáo viên mẫu giáo theo một chương trình do hiệp hội chuyên môn của họ đề ra. Cả hai dạng chương trình này đều bao gồm những mục tiêu chung là phát triển nhân cách của trẻ, giúp cho trẻ nắm được các kỹ năng sơ đẳng và các thói quen xã hội. Trẻ có được một môi trường phong phú và đầy hào hứng với các trò chơi, những vật liệu thủ công, sách ảnh, v.v...

Nguyên tắc sư phạm quan trọng nhất của các bang nói tiếng Pháp là sự giáo dục đa năng, trong khi ở những bang nói tiếng Đức là cách tiếp cận mang tính toàn cầu. Một số bang có một hệ thống kiểm tra hoặc báo cáo đánh giá về khả năng của từng trẻ. Ngoài ra còn có những lớp được gọi là ''lớp mở rộng'', trong đó chương trình của năm thứ nhất trong giai đoạn cưỡng bách giáo dục được trải ra trong vòng hai năm học tại đây.

GIÁO DỤC TIỂU HỌC

Ở giáo dục Tiểu học, mỗi bang đều có những luật lệ riêng về giáo dục. Trong 20 bang ở Thụy Sĩ giáo đục tiểu học kéo dài trong vòng 6 năm, trong 4 bang khác chương trình này chiếm 5 năm và ở 2 bang khác là 4 năm. Độ tuổi trung bình khi học sinh hoàn tất cấp tiểu học là 12 tuổi 7 tháng.

Cấu trúc của nền giáo dục tiểu học ở tất cả các nơi trong Thụy Sĩ đều giống nhau. Giáo dục tiểu học là cưỡng bách và miễn phí cho mọi học sinh (kể cả học sinh nước ngoài). Ngoài một số ngoại lệ, không có sự phân biệt xếp lớp khác nhau theo trình độ học sinh. Sĩ số của một trường tiểu học khác nhau, từ trường chỉ có một lớp độc nhất ở những vùng thôn quê xa xôi cho đến những trường có vài trăm học sinh ở các vùng thị trấn. Một số trường tiểu học có thể được gắn liền với một trường đại học sư phạm để giáo sinh có thể thực tập.

Trong năm học 1994-1995 sĩ số trung bình của một lớp tiểu học là 20 học sinh. Có khoảng 80% các lớp tiểu học ở Thụy Sĩ chỉ có một trình độ. Tuy nhiên, ở những vùng thưa dân với các trường tiểu học rất nhỏ, có thể có tình trạng một lớp học bao gồm nhiều lớp khác nhau với độ tuổi chênh lệch nhau từ hai đến ba tuổi hoặc nhiều hơn nữa.

Năm đầu tiên ở cấp tiểu học mỗi ngày học sinh học khoảng 3 tiếng rưỡi, và mỗi tuần khoảng 20 bài học; và đến năm thứ 5 và năm thứ 6 mỗi ngày học khoảng hơn 5 tiếng và mỗi tuần có từ 34 đến 36 bài học. Học sinh học cả hai buổi sáng và chiều. Ở một số bang học sinh được nghỉ cả ngày thứ Bảy, trong khi ở một số bang khác chúng phải học buổi sáng thứ Bảy nhưng lại được nghỉ vào một ngày khác trong tuần. Tùy theo từng bang, năm học có từ 36,5 tuần đến 40 tuần. Kỳ nghỉ hè kéo dài từ 5 đến 9 tuần. Thường thì học sinh về nhà vào buổi trưa. Đối với những học sinh ở xa trường, thành phố hay thị trấn đó sẽ tổ chức và giám sát bữa ăn trưa tại trường. Trong những năm gần đây có khuynh hướng các học sinh ở lại trường vào buổi trưa, đặc biệt là ở các vùng đô thị.

Chương trình học

Chương trình học do chính quyền từng bang đặt ra. Mỗi bang đều có chương trình riêng cho từng môn hay từng nhóm môn học, trong khi đề cương vẫn giữ những nét chung. Giáo viên có một quyền tự do đáng kể trong việc quyết định nội dung của đề cương chương trình, ngoại trừ đối với môn toán, ngoại ngữ và một số mặt trong ngôn ngữ mẹ đẻ của học sinh. Giáo viên cũng được đảm bảo quyền tự do lựa chọn phương pháp giảng dạy. Ở cấp tiểu học giáo viên sẽ dạy tất cả các môn, và có thể có sự hỗ trợ của các giáo viên chuyên ngành đối với một số môn như thể dục, nghệ thuật, v.v... Mỗi bang có toàn quyền quyết định những loại giáo cụ được cho phép sử dụng hay bắt buộc phải sử dụng. Chi phí về giáo cụ do bang và thành phố tài trợ. Những loại giáo cụ bắt buộc phải sử dụng thường là cho các môn toán, ngoại ngữ và ngôn ngữ mẹ đẻ của học sinh.

GIÁO DỤC TRUNG HỌC CẤP THẤP

Trong tổ chức của giáo dục trung học cấp thấp, sự đa dạng trong hệ thống các bang là nổi bật nhất. Bởi vì đây là một phần của 9 năm giáo dục cưỡng bách, thời gian học khác nhau tùy theo thời gian của cấp tiểu học. Đối với đa số các bang thời gian này và 3 năm (học sinh từ 12 hoặc 13 tuổi đến 15 hoặc 16 tuổi). Đối với một số bang khác thời gian này là 4 năm (từ độ tuổi 11 hoặc 12 đến 15 hoặc 16), hoặc thậm chí 5 năm (từ độ tuổi 10 hoặc 11 đến 15 hoặc 16). 

Ở hầu hết các bang, ngoại trừ bang Ticino và Geneva và một phần của Valais, trung học cấp thấp được chia thành các ban khác nhau dựa trên các nhóm môn học khác nhau. Do đó việc tuyển sinh mang tính chọn lọc cao. Có nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau, tùy theo từng bang, như tổ chức kỳ thi, dựa vào kết quả học tập, dựa vào việc thảo luận với trường tiểu học, hay dựa trên ý kiến của phụ huynh, v.v...

Ban có những yêu cầu cơ bản chuyên đào tạo học sinh với nội dung hướng nghiệp đơn giản. Có một phần ba số lượng học sinh theo học ban này, với số nam sinh nhiều hơn nữ sinh. Những ban có yêu cầu cao hơn chiếm khoảng hai phần ba số lượng học sinh. Ở hầu hết các bang những ban này lại được chia thành hai dạng: ''ban trước lớp 6'' và ban phổ thông. Nói chung những ban có yêu cầu cao chuẩn bị cho học sinh vào đại học, và những ban có yêu cầu ở mức tiêu chuẩn có mục tiêu chuẩn bị cho học sinh và trung học cấp cao và thường là vào các lớp đào tạo hướng nghiệp.

Sự phân bổ học sinh giữa các ban có yêu cầu cao có sự khác biệt giữa bang này với bang khác. Số lượng học sinh của từng trường cũng khác biệt (từ dưới một trăm cho đến vài trăm học sinh), tùy thuộc vào địa điểm của trường và ở thị trấn hay vùng quê hoặc miền núi. Thường thì các trường này cớ đủ tất cả các ban và học chung cả nam lẫn nữ. Trong năm học 1994-1995 số lượng trung bình của một lớp ở trung học cấp thấp và 19,1 học sinh.

Chương trình học

Các cơ quan chính quyền phụ trách về giáo dục của từng bang sẽ thảo ra chương trình cho giáo dục trung học cấp thấp. Ở một số vùng (chẳng hạn như khu vực nói tiếng Pháp), chương trình này thường được soạn thảo qua sự phối hợp với những bang khác. Do đó có một sự đa dạng không thể tránh được về nội dung chương trình, vốn lại càng được nhấn mạnh thêm bởi bản thân của việc chia ban. Ngôn ngữ mẹ đẻ được dạy ở tất cả các ban, cùng với toán, một ngôn ngữ quốc gia thứ hai (tiếng Pháp ở những bang nói tiếng Đức, tiếng Đức ở những bang nói tiếng Pháp), khoa học tự nhiên, địa lý, lịch sử, công dân, âm nhạc, nghệ thuật và thể dục. Ở các ban với yêu cầu cơ bản, trọng tâm cũng được đặt vào môn thủ công. Ở những ban với yêu cầu cao hơn, học sinh có thể học một ngôn ngữ thứ ba (chủ yếu là tiếng Anh), kế toán, đánh máy, vẽ kỹ thuật, hoặc thêm tiếng Lã Tinh và Hy Lạp. Một số môn trong số này là bắt buộc, và một số môn khác thuộc diện tùy chọn. Số lượng giờ học cũng khác nhau tùy theo từng bang, nhưng thường học sinh được học từ 30 đến 35 bài học trong một tuần. Các phương pháp giảng dạy cũng khác nhau rất nhiều, nhưng nói chung cuộc cải cách giáo dục trong mấy thập kỷ vừa qua có ảnh hưởng đến cấp tiểu học nhiều hơn là cấp trung học. Về nguyên tắc, việc chọn lựa sách giáo khoa đều được qui định theo từng bang, nhưng các trường và các giáo viên cũng có một số tự do nào đó trong việc chọn lựa tài liệu học tập cho học sinh.

GIÁO DỤC TRUNG HỌC CẤP CAO

Trường Trung học Cấp cao Phổ thông

Chứng chỉ

Theo truyền thống, những trường trung học cấp cao phổ thông là những cơ sở chính cung ứng một nền giáo dục tổng quát và rộng rãi để học sinh có thể vào học tiếp ở đại học. Cơ sở và mục tiêu của những trường này xuất phát từ mô hình khoa học và mô hình của chủ nghĩa nhân văn mới của thế kỷ 19, với một số điểm cập nhật để đáp ứng cho nhu cầu xã hội hiện nay.

Nói chung, dạng ''trường lớp 6'' của Thụy Sĩ này có tính chọn lọc rất cao. Các yêu cầu để vào học tại những trường này khá gắt gao. Những trường này có một sự độc quyền đối với ngưỡng cửa vào đại học. Đây là một yếu tố quan trọng trong chính sách giáo dục, bởi vì tất cả các bang đều có giáo dục trung học cấp cao, nhưng chỉ có 8 bang là có trường đại học. Do đó các bang không có trường đại học phải quan tâm duy trì những chuẩn mực quốc gia để đảm bảo cho những học sinh của mình có thể vào đại học.

Hiện nay có năm loại chứng chỉ trung học phổ thông được chính quyền liên bang công nhận. Các chứng chỉ này bao gồm: ban A: cổ điển học (tiếng La Tinh và Hy Lạp), ban B: các ngôn ngữ hiện đại và tiếng La Tinh, ban C: toán và khoa học, ban D: các ngôn ngữ hiện đại, ban E: kinh tế học. Có một sự phân biệt rạch ròi giữa các ban này và về nguyên tắc không thể kết hợp chúng với nhau. Ở hầu hết các bang đều có đủ các loại chứng chỉ, nhưng đối với từng trường học thì không nhất thiết như vậy. Ngoài năm loại chứng chỉ do liên bang công nhận, còn có một số loại được công nhận ở cấp độ từng bang, chẳng hạn như chứng chỉ của ban nghệ thuật, ban xã hội-sư phạm, v.v...

Cơ cấu về thời gian để học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn khác nhau tùy theo từng bang, nhưng theo những điều khoản của luật liên bang năm 1968, thời gian này tối thiểu là 12 năm. Nói chung, học sinh sẽ bắt đầu chương trình giáo dục của trung học cấp cao phổ thông khi chúng đã hoàn tất giai đoạn cưỡng bách giáo dục, mặc dù ở một số bang thời điểm này có thể sớm hơn.

Chương trình học

Theo các luật lệ hiện hành, chương trình của nhà trường do chính quyền các bang qui định, nhưng theo đạo luật năm 1968, những trường trung học cấp cao phổ thông phải có chương trình kéo dài ít nhất 4 năm. Theo chương trình này, có những kỳ thi do liên bang công nhận, và những môn thuộc diện bắt buộc phải được tiến hành nghiêm ngặt. Chương trình này bao gồm ba môn cơ bản (tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ quốc gia thứ hai và toán), 6 môn bắt buộc (lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh vật, âm nhạc/nghệ thuật) và 2 môn chuyên biệt của từng ban (A: tiếng La Tinh và Hy Lạp, B: tiếng La Tinh và ngôn ngữ quốc gia thứ ba hoặc tiếng Anh, C: toán ứng dụng và ngôn ngữ quốc gia thứ ba hoặc tiếng Anh, Đ: tiếng Anh và ngôn ngữ quốc gia thứ ba hoặc tiếng Nga, Tây Ban Nha, E: kinh tế học và ngôn ngữ quốc gia thứ ba hoặc tiếng Anh). Môn thể thao là bắt buộc đối với tất cả các ban.

Số lượng giờ học trung bình dành cho các môn bất buộc trong vòng 4 năm học được tính trong khoảng từ 3.000 đến 4.000 giờ, tùy theo từng ban do học sinh chọn và tùy theo từng bang cụ thể trong nước. Trung bình mỗi tuần học sinh sẽ học 36 giờ và một năm học có ít nhất 38 tuần.

Về nguyên tắc, việc chọn lựa tài liệu học tập rất cởi mở và do từng trường tự quyết định. Không có một cơ quan nhà nước nào qui định tài liệu sử dụng trong chương trình này. Theo luật mới, chương trình học do từng bang chuẩn y và ban hành sẽ dựa trên một khuôn mẫu đã được đưa ra từ năm 1994 cho cả nước Thụy Sĩ. Khuôn mẫu này đề ra những mục tiêu học tập tổng quát và qui định mục đích về giáo dục và tri thức của trường trung học cấp cao phổ thông.

Nội dung chương trình tập trung vào 4 anh vực chính: ngôn ngữ, nhân văn, khoa học và toán, nghệ thuật và thể dục. Chương trình này bao gồm 7 môn cơ bản, các môn tùy chọn đặc trưng và các môn tùy chọn bổ sung. Những môn cơ bản là: ngôn ngữ thứ nhất; ngôn ngữ quốc gia thứ hai; một môn ngôn ngữ thứ ba, có thể là ngôn ngữ quốc gia thứ ba, tiếng Anh hay một ngôn ngữ cổ điển; toán; khoa học, bao gồm các môn bắt buộc như sinh vật, hóa học và vật lý; nhân văn, trong đó bao gồm các môn bất buộc như lịch sử và địa lý, kinh tế học và luật; nghệ thuật trực quan và âm nhạc. Môn tùy chọn đặc trưng được chọn trong số 8 môn học, và môn tùy chọn bổ sung được chọn trong số 13 môn học. Ngoài ra học sinh phải thực hiện một dự án cá nhân hay dự án theo nhóm.

TRƯỜNG TRUNG HỌC KỸ THUẬT

Ngay trước và sau Thế chiến thứ II, một số bang và thành phố đã thành lập những trường trung học cấp cao cung ứng một nền giáo dục tổng quát nhưng yêu cầu thấp hơn các ''trường lớp 6''. Những trường này được gọi là trường kỹ thuật, trường trung học tổng quát, trường trợ y, trường du lịch hay quản trị, v.v... Và những học sinh tốt nghiệp từ những trường này sẽ ra làm các công việc về chăm sóc xã hội, chăm sóc y tế nhà trẻ, du lịch hay vận tải. Thời đó không có sự đồng bộ giữa các trường này, cả về mặt cấu trúc chương trình và thậm chí cả thời gian của chương trình học. Đến năm 1987, sau 15 năm thảo luận, một thỏa thuận đã đạt được giữa các bang, và các văn kiện như ''Hướng dẫn cho việc công nhận các loại chứng chỉ'' và ''Cơ cấu chương trình cho các trường trung học kỹ thuật'' đã ra đời.

Những trường trung học kỹ thuật này đã lấp đầy khoảng cách về giáo dục trong cấp độ trung học cấp cao. Những trường này nhắm vào đối tượng học sinh ngày càng gia tăng trong vòng từ 10 đến 15 năm qua, và đáp ứng được yêu cầu của xã hội là cung ứng cơ hội cho một bộ phận to lớn trong dân chúng để hoàn tất một chương trình giáo dục tổng quát và học hỏi về những hoạt động chuyên nghiệp cho tương lai (thay vì đào tạo hướng nghiệp theo ý nghĩa thật của nó). Những trường này đã thỏa mãn cho nhu cầu của những người không có điều kiện hoặc không cần thiết phải học ở các “trường lớp 6”, nhưng vẫn cần đến một sự đào tạo tổng quát đề có thể học tiếp ở các trường hướng nghiệp phi đại học.

Chương trình học

Mô hình chung mà mỗi trường kỹ thuật phải đưa trên đó để hoạt động bao gồm một dải rộng các loại hoạt động được chia thành hai nhóm: những môn cốt lõi chung và sự chọn lựa những môn về kỹ thuật. Các môn tổng quát bao trùm 6 lĩnh vực, gồm có các môn: tiếng mẹ đẻ, những ngôn ngữ khác trong đó có ít nhất một ngôn ngữ quốc gia khác, toán, khoa học, nhân văn, nghệ thuật và thể thao. Những môn tùy chọn về kỹ thuật tùy thuộc vào lĩnh vực mà học sinh chọn học và bao gồm các môn chẳng hạn như trợ y, công tác xã hội hoặc quản trị.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2229-02-633501745802031250/Giao-duc/Chuong-trinh-va-viec-danh-gia-ho...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận