HỘI HỌA VÀ THƯ PHÁP
Dưới các triều vua, hội họa và thư pháp là những môn nghệ thuật được ưa chuộng nhất trong chốn cung đình, và được thực hiện bởi những người nghiệp dư - những nhà quý tộc và những quan lại, học giả - là những người có thời gian nhàn rỗi để hoàn thiện kỹ thuật và có đủ cảm xúc cho những tác phẩm lớn. Thư pháp được coi như hình thức cao nhất và tinh túy nhất của hội họa. Dụng cụ để thực hiện là bút lông làm lông thú và mực đen làm từ bồ hóng gỗ thông và keo động vật. Vào thời cổ, việc viết và vẽ được thực hiện trên vải lụa. Nhưng sau khi giấy được phát minh vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, vải lụa đã được thay thế bằng loại vật liệu mới và rẻ tiền hơn. Những chữ viết bởi các nhà thư pháp nổi tiếng đã được đánh giá cao khắp nước và được dán lên thanh gỗ và treo lên tường, giống như tranh vẽ vậy.
Hội họa theo kiểu truyền thống có kỹ thuật giống như thư pháp và được thực hiện bằng bút lông nhúng vào mực đen hoặc mực màu; dầu không được sử dụng ở đây. Cũng giống như thư pháp, những bức họa nổi tiếng nhất được vẽ trên giấy hoặc vải lụa. Tác phẩm đã hoàn thành được dán lên những thanh gỗ, để có thể treo lên hoặc cuộn lại. Hội họa truyền thống còn được vẽ thành tập, vẽ trên tường, trên sơn mài, hoặc bằng những phương tiện khác.
Bắt đầu từ thời nhà Đường, những chủ đề chính của hội họa là phong cảnh, được biết tới với cái tên sơn thủy. Trong những bức tranh này, thường là đơn sắc và nét lất thưa, mục đích không phải là tái hiện y như thật phong cảnh thiên nhiên, mà chỉ nắm bắt cảm xúc hoặc không khí để từ đó ghi lại 'nhịp điệu' của thiên nhiên. Vào thời Tống, phong cảnh tế nhị hơn xuất hiện: những khoảng cách xa được thể hiện bằng đường nét mờ, đường viền của những trái núi biến mất trong sương mù, cùng với việc xử lý ấn tượng các hiện tượng thiên nhiên. Người ta đặt trọng tâm vào giá trị tinh thần của bức họa và vào khả năng của họa sĩ khi diễn đạt sự hòa hợp nội tại giữa con người và thiên nhiên, theo như nhận thức của đạo Lão và đạo Phật.
Bắt đầu thừ thế kỷ thứ 13, có truyền thống vẽ các vật đơn giản - một cành cây với trái cây trên đó, một vài bông hoa, hoặc một hay hai con ngựa - Lối vẽ tả chân với gam màu phức tạp hơn và bố cục rườm rà hơn thời nhà Tống, rất thịnh hành vào thời nhà Minh. Dưới thời này xuất hiện quyển sách đầu tiên được minh họa bằng tranh khắc gỗ. Vì kỹ thuật in màu đã được hoàn thiện, những quyển sách dạy vẽ có minh họa đã bắt đầu được xuất bản.
Vào thời kỳ Phong trào Văn hóa Mới, những họa sĩ Trung Quốc bắt đầu áp dụng kỹ thuật phương Tây. Cũng vào thời kỳ này tranh sơn đầu được du nhập vào Trung Quốc. Sau khi thành lập nước, cùng với sự phát triển của giới hội họa chuyên nghiệp còn nở rộ nghệ thuật của những nông dân miêu tả cuộc sống hàng ngày, được vẽ trên tường hoặc trưng bày trong các cuộc triển lãm ngoài trời.