Tài liệu: Trung Quốc - Nhà Chu

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

(Từ thế kỷ 11 đến năm 711 trước Công nguyên) \r\nSau khi đánh bại nhà Thương, Chu Võ vương, đóng đô ở đất Cảo, tỉnh Thiểm Tây. Các nhà sử học gọi thời kỳ này là Tây Chu. \r\n
Trung Quốc - Nhà Chu

Nội dung

NHÀ CHU

Tây Chu

(Từ thế kỷ 11 đến năm 711 trước Công nguyên)

Sau khi đánh bại nhà Thương, Chu Võ vương, đóng đô ở đất Cảo, tỉnh Thiểm Tây. Các nhà sử học gọi thời kỳ này là Tây Chu.

Cũng giống như các vua nhà Thương, các vua nhà Chu cũng thờ cúng tổ tiên, nhưng ngoài ra họ còn thờ Trời. Có một mối quan hệ mật thiết giữa Trời và nhà vua, và người ta gọi vua là “Thiên Tử”, con trời. Trời ủy nhiệm cho nhà vua cai trị cho đến khi nào còn sự tín nhiệm của nhân dân. Chẳng hạn như vua Trụ đời nhà Thương đã trở nên sa đọa và độc ác nên Trời đã rút lại sự ủy nhiệm để trao vào tay vua nhà Chu.

Để bình định lòng người và củng cố chế độ mới, nhà Tây Chu đã đưa vào chế độ phong kiến, tất cả đất đai và con người đều thuộc về nhà vua. Đất đai và con người được nhà vua đem phân phát cho những người đứng ra thành lập các nước chư hầu. Những nước chư hầu này phải tuân theo các mệnh lệnh của nhà vua. Điều này dẫn đến việc các nước chư hầu phải chuẩn bị binh mã để chiến đấu và hàng năm phải triều cống cho nhà vua. Với hệ thống như vậy, nhà Tây Chu đã trở nên một quốc gia sở hữu nô lệ hùng mạnh với đất đai rộng lớn. Những bài học quý giá đã được rút ra từ triều đại nhà Thương, và nhà Tây Chu đã đặt ra những luật hình sự và duy trì một đội quân hùng mạnh hơn thời nhà Thương.

Nhà Tây Chu đã đạt được những thành tựu lớn hơn nhà Thương trong lĩnh vực kinh tế xã hội. Nô lệ được khai thác triệt để ngõ hầu làm ra nhiều của cải vật chất cho chủ. Hàng thủ công mỹ nghệ cũng tiến triển hơn và đặc biệt quan trọng là đồ đồng. Các nhà khảo cổ học đã khai quật được những món đồ đồng với kỹ thuật sản xuất cao trong thời kỳ này. Trong nông nghiệp, các loại công cụ bằng sắt lần đầu tiên được sử đụng, giúp tăng thêm cho năng suất lao động. Hàng tạp hóa được bày bán ở các chợ lớn với vải lụa, vũ khí, trâu bò và cả nô lệ nữa. Chữ viết ở thời này cũng được sử dụng rộng rãi hơn. Người ta không những chỉ khắc chữ trên mu rùa mà còn khắc lên những đồ đùng bằng đồng, phản ánh đời sống xã hội lúc đó.

Những vị vua thời Tây Chu đã trị vì hơn hai thế kỷ. Giống như thời nhà Thương, nhà Tây Chu đã trải qua thời thịnh trị của nó. Tuy nhiên, qua thời gian, các nước chư hầu bắt đầu bán đất đai do nhà vua trao cho họ. Vì các vua nhà Chu không phải là chủ sở hữu độc nhất của đất đai, quyền lực nhà vua và các nước chư hầu suy yếu dần. Thêm vào đó, nhà Chu không phải cai trị toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa, mà còn có một số hoàng thân nửa tự trị. Cùng lúc, quân Khuyển Nhung, một bộ tộc sống ở vùng Tây Bắc luôn đem quân quấy nhiễu. Lại thêm cảnh U vương si mê nàng Bao Tự, bỏ bê việc triều chính. Thế là đến năm 771 trước Công nguyên, khi một số nước chư hầu đứng lên nổi loạn, quân Khuyển Nhung đã giết Ư vương, chấm dứt nhà Tây Chu.

Năm sau, Bình vương dời đô đến Lạc Dương, mở đầu thời kỳ Đông Chu.

Đông Chu

(Từ năm 770 đến năm 221 trước Công nguyên)

Trong giai đoạn đầu của nhà Tây Chu, chính quyền đủ mạnh để kiểm soát các nước chư hầu: Thế nhưng đến khi Bình vương dời đô đến Lạc Dương để thành lập nhà Đông Chu, ảnh hưởng của nhà Chu bắt đầu thoái hóa. Mặc dù nhà vua vẫn giữ ngai vàng, nhưng không thể kiểm soát các hoạt động của những nước chư hầu. Sự mất quân bình về kinh tế có nghĩa là một số nước giàu hơn những nước khác. Điều đó dẫn đến tình trạng những nước mạnh tuyên chiến với những nước yếu và thôn tính lãnh thổ của những nước này, bất chấp sự ngăn cấm của nhà Chu.

Do đó, từ đầu đời nhà Đông Chu đến khi nhà Tần thống nhất đất nước, Trung Quốc phản ánh sự chia rẽ và xung đột. Về mặt lịch sử, thời kỳ này được chia thành 2 giai đoạn: Thời Xuân Thu (770 - 476 trước Công nguyên) và Thời Chiến Quốc (476 - 221 trước Công nguyên).

Thời Xuân Thu (770 đến 476 trước Công nguyên)

Thời kỳ này được đặt tên theo một quyển sách của Khổng Tử. Sau khi Bình vương dời đô, một số nước chư hầu đã tiến bộ về kinh tế xã hội. Những nước này mạnh dần lên, trong khi nhà Chu dần dần mất quyền kiểm soát họ. Trong Thời Xuân Thu có 150 nước cùng tồn tại với nhà Chu, trong đó có các nước như Tề, Tần, Yên, Sở, Ngô, ... là mạnh hơn. Những nước này dựa vào thực lực quân sự và kinh tế của mình, đã gây chiến để mở mang bờ cõi, buộc các nước nhỏ phải theo họ.

Trong khoảng đầu đến khoảng giữa Thời Xuân Thu, năm ông vua của năm nước, gồm có Hoàn Công của nước Tề, Tương Công của nước Tống, Văn Công của nước Tấn, Mục Công của nước Tần và Trang Vương của nước Sở, được gọi là Ngũ Bá, đã đấu tranh giành lấy quyền cai trị. Cuối cùng hai hòa ước đã được thỏa thuận giữa nước Tấn và nước Sở vào năm 579 và năm 546 trước Công nguyên, tạo được thời gian hòa bình ngắn ngủi cho vùng Trung nguyên.

Trong cuộc đấu tranh giành quyền thống trị vùng Trung nguyên, có nước Ngô và nước Việt nổi dậy. Đầu tiên, bị nước Ngô đánh bại vua nước Việt đã trở về củng cố lại binh bị và cuối cùng đánh thắng nước Ngô, trở thành vị vua cuối cùng, trong thời Xuân Thu. Theo ghi chép của sử sách, trong thời kỳ này có tất cả 36 vị vua bị giết và 52 nước chư hầu bị sụp đổ.

Kết quả của thời kỳ này và vài trăm nước đã hợp nhất lại thành bảy nước. Trung Quốc bước vào thời Chiến Quốc.

Thời Chiến Quốc (Từ năm 476 đến năm 221 trước Công nguyên)

Sau thời gian chiến tranh kéo dài, bảy nước Tề, Sở, Yên, Hán, Triệu, Ngụy và Tần trở thành bảy nước mạnh nhất, được gọi là Thất Hùng. Để mở mang bờ cõi của mình, bảy nước này một mặt củng cố binh bị, một mặt giao chiến với nhau và sát nhập các nước khác.

Nước Tần ở xa nhất về hướng Tây, là một nước được Bình vương cấp thái ấp vì đã có công phò tá nhà vua dời về phía Đông. Trong thời Xuân Thu, Tần đã sát nhập mười hai nước khác, mở rộng đất đai của mình. Trong thời Chiến Quốc, vì vị trí ở quá xa, đã bị thua kém các nước ở vùng Trung nguyên. Nhưng sau đó nhờ những chính sách cải cách ruộng đất và công trình tưới tiêu của mình, đã dần dần trở thành một nước mạnh, tạo nền móng cho cuộc thống nhất sau này của Tần Thủy Hoàng.

Vào cuối thời Chiến Quốc, vương triều của nhà Chu chỉ tồn tại về mặt hình thức. Năm 256 trước Công nguyên, nước Tần đã xuất quân lật đổ nhà Đông Chu. Đến năm 221 vua nhà Tần thống nhất Trung Hoa, chấm đứt thời Chiến Quốc.

Trong thời kỳ hỗn lọan này, mỗi vị vua đều thi nhau xây dựng quân đội và kinh tế ngõ hầu đánh thắng các đối thủ của mình. Các nhà cai trị từ đó tìm đến các bậc sư phụ và những nhà chiến lược. Những người có học, ngoài việc dạy học còn đóng vai quân sư cho các vị vua về phương thức cai trị, chiến tranh và các thể thức ngoại giao. Điều này đã thúc đẩy những hoạt động về tư tưởng, học thuật. Đây một trong những thời hoàng kim của Trung Quốc. Đạo Khổng và Đạo Lão lúc này rất thịnh.

Trong số nhiều trường phái học thuật ở Trung Quốc lúc bấy giờ, trường phái gây được nhiều ảnh hưởng nhất là của Khổng Tử. Khổng Tử (551 - 479 trước Công nguyên) và người giữ một chức quan nhỏ ở nước Lỗ, đã khuyên nhà vua nên tu thân để làm gương cho dân  chúng và cai trị bằng đức độ để chinh phục lòng dân. Ông chủ trương rằng “nhân chi sơ tính bản thiện” và mỗi con người khi sinh ra đều có khả năng nhận định những điều phải quấy.

Cùng với đạo Khổng, đạo Lão cũng rất thịnh hành trong thời kỳ này. Trong khi Khổng Tử cho rằng đạo là những điều con người nên làm trong cuộc sống của mình thì Lão Tử lại cho rằng đạo là con đường thiên nhiên nói chung. Theo đạo Lão, con người không nên qúa quan trọng hóa chính mình vì đời sống loài người chỉ là một phần nhỏ của thiên nhiên, và cách duy nhất để con người hành động có ý nghĩa là sống theo các quy luật của thiên nhiên.

Ngoài Khổng Tử và Lão Tử, thời kỳ này còn có Khuất Nguyên, một nhà thơ đã để lại những tác phẩm mà cho đến ngày nay vẫn còn được nghiên cứu, đó là Sở Từ và Li Tao.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2291-02-633501844081406250/Lich-su/Nha-Chu.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận