Văn bản pháp luật: Quyết định 104/2003/QĐ-BTM

Mai Văn Dâu
Toàn quốc
Công báo số 15/2003;
Quyết định 104/2003/QĐ-BTM
Quyết định
08/02/2003
24/01/2003

Tóm tắt nội dung

Ban hành Quy chế xây dựng và quản lý chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia

Thứ trưởng
2.003
Bộ Thương mại

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Ban hành Quy chế xây dựng và quản lý chương trình xúc tiến thương mại

trọng điểm quốc gia


BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ về một số giải pháp để triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2002,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xây dựng và quản lý chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký./.


QUY CHẾ

XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

TRỌNG ĐIỂM QUỐC GIA

(Ban hành kèm theo Quyết định số 104/2003/QĐ-BTM ngày 24/01/2003

của Bộ trưởng Bộ Thương mại)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểmquốc gia

Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia (sau đây gọi tắt là chương trình) là chương trình xúc tiến thương mại được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đề nghị của Bộ Thương mại nhằm phát triển xuất khẩu và nâng cao sức mạnh cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, tập trung cho các hàng hoá trọng điểm và thị trường trọng điểm.

Hàng năm Bộ Thương mại công bố Danh mục các hàng hoá trọng điểm và thị trường trọng điểm.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc đề xuất, thẩm định và quản lý việc thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

1. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo các quy định của pháp luật và được xác định là đơn vị tham gia chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia.

2. Các tổ chức xúc tiến thương mại thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ; các Hiệp hội ngành hàng; các tổng công ty ngành hàng được chỉ định làm đầu mối chủ trì thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia.

Điều 4. Yêu cầu đối với chương trình

1. Nhằm mục đích tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam; phù hợp với định hướng phát triển xuất khẩu quốc gia trong từng thời kỳ; ưu tiên cho các hàng hoá trọng điểm và thị trường trọng điểm được công bố hàng năm.

2. Phù hợp với nội dung hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm theo hướng dẫn tại Mục 1 Phần II Thông tư số 86/2002/TT-BTC ngày 27 tháng 9 năm 2002 của Bộ Tài chính.

3. Khả thi và hợp lý trên các phương diện: phương thức triển khai: thời gian, tiến độ triển khai; nguồn lực về con người, tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật.

4. Đối với một số hoạt động dưới đây, ngoài những yêu cầu quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này, còn phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm tại nướcngoài.

- Đối với hội chợ, triển lãm đa ngành phải có quy mô tối thiểu 20 gian hàng tiêu chuẩn (3m x 3m) hoặc 18 doanh nghiệp tham gia

- Đối với hội chợ, triển lãm chuyên ngành phải có quy mô tối thiểu 10 gian hàng tiêu chuẩn hoặc 8 gian doanh nghiệp tham gia.

b) Tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm trong nước:

- Đối với hội chợ, triển lãm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phải có ít nhất 350 gian hàng tiêu chuẩn hoặc 300 doanh nghiệp tham gia.

- Đối với hội chợ, triển lãm tại các địa phương khác phải có ít nhất 250 gian hàng tiêu chuẩn hoặc 200 doanh nghiệp tham gia; Riêng hội chợ, triển lãm tại các địa phương có đường biên giới với các nước láng giềng phải có quy mô tối thiểu là 120 gian hàng tiêu chuẩn hoặc 90 doanh nghiệp tham gia.

c) Tổ chức hoặc tham gia đoàn khảo sát thị trường, giao dịch thương mại ở nước ngoài:

- Đối với đoàn đa ngành phải có tối thiểu 18 doanh nghiệp tham gia.

- Đối với đoàn chuyên ngành phải có tối thiểu 8 doanh nghiệp tham gia.

d) Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và kỹ năng kinh doanh xuất khẩu cho doanh nghiệp phải có tối thiểu 50 học viên.

Điều 5. Cơ quan chủ trì chương trình

1. Cơ quan chủ trì chương trình là tổ chức được chỉ định làm đầu mối xây dựng và chủ trì việc thực hiện chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Cơ quan chủ trì chương trình phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Là các tổ chức xúc tiến thương mại thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; các hiệp hội ngành hàng; các Tổng công ty ngành hàng được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.

b) Có bộ máy đủ năng lực để tổ chức thực hiện chương trình.

c) Thực hiện chương trình nhằm mang lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp, không nhằm mục đích lợi nhuận.

Điều 6. Đơn vị tham gia chương trình

Đơn vị tham gia chương trình là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, được thành lập theo các quy định của pháp luật.

Chương II

XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

Điều 7. Đề xuất chương trình

Các tổ chức xúc tiến thương mại thuộc Bộ, cơ quang ngang Bộ; các hiệp hội ngành hàng; các Tổng công ty ngành hàng là cơ quan đầu mối đề xuất chương trình gửi về Bộ Thương mại (nội dung đề xuất chương trình theo mẫu quy định tại Phụ lục kèm theo Quy chế này).

Chương trình năm sau được gửi về Bộ Thương mại trước ngày 30 tháng 8 của năm trước năm kế hoạch.

Điều 8. Tiếp nhận và thẩm định chương trình

1. Bộ Thương mại giao cho Cục Xúc tiến thương mại tiếp nhận đề xuất chương trình của các cơ quan đầu mối đề xuất chương trình và tổng hợp báo cáo.

2. Bộ Thương mại thẩm định, đánh giá và xây dựng chương trình trên cơ sở đề xuất của các cơ quan đầu mối đề xuất chương trình và tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chương III

QUẢN LÝ VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNGTRÌNH

Điều 9. Trách nhiệm thực hiện chương trình

Cơ quan chủ trì chương trình có trách nhiệm thực hiện chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ, kinh phí được cấp và đóng góp của doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và theo đúng qui định của Nhà nước.

Điều 10. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình

1. Bộ Thương mại giao cho Cục Xúc tiến thương mại kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình của cơ quan chủ trì chương trình để đảm bảo chương trình được thực hiện theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ, đảm bảo hiệu quả và theo đúng qui định của Nhà nước.

2. Cơ quan chủ trì chương trình phải cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin liên quan đến chương trình và tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Thương mại thực hiện việc kiểm tra, giám sát.

Điều 11. Bổ sung và chấm dứt chương trình

1. Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Thương mại trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung chương trình. Trình tự xây dựng, bổ sung chương trình được thực hiện như việc xây dựng chương trình hàng năm.

2. Trường hợp phát hiện cơ quan chủ trì chương trình có sự sai phạm trong việc thực hiện mục tiêu, nội dung, tiến độ chương trình hoặc xét thấy nội dung chương trình cần có sự thay đổi, Bộ Thương mại đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấm dứt hoặc điều chỉnh chương trình.

Điều 12. Báo cáo việc thực hiện chương trình

1. Cơ quan chủ trì chương trình phải gửi văn bản báo cáo tình hình thực hiện, đánh giá hiệu quả của chương trình và kiến nghị (nếu có) về Bộ Thương mại, Bộ Tài chính chậm nhất là ngày 30 tháng 11 hàng năm và 15 ngày sau khi hoàn thành chương trình.

2. Bộ Thương mại giao cho Cục Xúc tiến thương mại theo dõi, tổng hợp trình Lãnh đạo Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 13. Quyết toán chương trình

1. Cơ quan chủ trì chương trình có trách nhiệm quyết toán với cơ quan tài chính và các doanh nghiệp tham gia chương trình theo hướng dẫn tại Thông tư 86/2002/TT-BTC ngày 27/9/2002 của Bộ Tài chính.

2. Cơ quan chủ trì chương trình phải gửi báo cáo quyết toán về Bộ Thương mại chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày hoàn thành quyết toán với Bộ Tài chính.

Chương IV

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Xử lý vi phạm

Các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm quy chế này tuỳ theo mức độ bị xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký và áp dụng cho các chương trình đến hết năm 2005.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=17265&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận