QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Và xã hội về việc ban hành Quy chế khen thưởng
về công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ và các cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 7/12/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ quy định hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp;
Căn cứ Quyết định số 931/2001/QĐ-LĐTBXH ngày 14/9/2001 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy chế khen thưởng về công tác lao động thương binh và xã hội;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài và Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng của Bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế khen thưởng về công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
KHEN THƯỞNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG VÀ CHUYÊN GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1247/2002/QĐ-BLĐTBXH
ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội)
Điều 1. Quy chế này quy định đối tượng, tiêu chuẩn, hình thức và thủ tục hồ sơ khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích về xuất khẩu lao động và chuyên gia.
Điều 2. Đối tượng khen thưởng:
2.1. Tập thể và cá nhân người Việt Nam:
1. Tập thể:
- Doanh nghiệp có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia;
- Tổ chức, đơn vị của các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
2. Cá nhân:
- Cán bộ, nhân viên thuộc các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và chuyên gia;
- Cán bộ, công chức, viên chức thuộc các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;
- Lao động và chuyên gia Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
2.2. Tổ chức và cá nhân người nước ngoài.
Điều 3. Tiêu chuẩn khen thưởng:
1. Đối với tập thể và cá nhân người Việt Nam:
1.1. Tập thể:
a) Doanh nghiệp có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia đạt các tiêu chuẩn sau:
- Trong một năm, đưa đi được từ 1000 lao động trở lên ra nước ngoài làm việc;
- Thực hiện tốt các quy định hiện hành của Nhà nước về đăng ký hợp đồng, công tác tuyển chọn, đào tạo giáo dục định hướng cho lao động trước khi đi và cung ứng lao động, chuyên gia cho phía nước ngoài;
- Thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về tài chính trong xuất khẩu lao động;
- Thực hiện tốt các biện pháp quản lý, xử lý kịp thời và có hiệu quả mọi phát sinh đối với lao động;
- Tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng và lao động đã hết thời hạn hợp đồng mà không về nước (nếu có) dưới 3%;
- Bản thân doanh nghiệp và cán bộ, nhân viên thuộc doanh nghiệp không có sai phạm, xử lý từ mức khiển trách trở lên trong thời kỳ xét khen thưởng;
- Thực hiện đúng chế độ báo cáo.
b) Tổ chức, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đạt các tiêu chuẩn sau:
- Có nhiều đóng góp trong việc cung cấp, thông tin về thị trường, mang lại kết quả tích cực về khai thác, mở thị trường mới; góp phần củng cố, mở rộng và phát triển thị trường lao động ngoài nước;
- Có đóng góp tích cực vào công tác quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và doanh nghiệp của Việt Nam ở nước ngoài.
c) Các tổ chức, đơn vị khác: Có đóng góp tích cực và có hiệu quả cho hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia.
1.2. Cá nhân: có thành tích xuất sắc, có đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia.
2. Đối với tập thể và cá nhân người nước ngoài đạt các tiêu chuẩn sau:
- Có nhiều đóng góp trong việc tiếp nhận và sử dụng lao động Việt Nam;
- Tuân thủ thoả thuận quy định và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của lao động Việt Nam.
Điều 4. Hình thức khen thưởng: Căn cứ vào thành tích đóng góp, các tập thể và cá nhân được xem xét đề nghị khen một trong các hình thức sau:
- Giấy khen của Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài;
- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Huy chương vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội (chỉ tặng cho cá nhân);
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, sẽ được xem xét đề nghị Nhà nước khen các hình thức cao hơn.
Điều 5. Mức tiền thưởng:
- Tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ được áp dụng mức tiền thưởng theo Thông tư số 25/2001/TT-BTC ngày 16/4/2001 của Bộ Tài chính.
- Huy chương vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội: mức thưởng: 200.000 đồng.
- Giấy khen của Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài:
+ Mức thưởng: 100.000 đồng đối với cá nhân;
+ Mức thưởng: 300.000 đồng đối với tập thể.
Điều 6. Nguồn chi khen thưởng: lấy từ nguồn quỹ khen thưởng do cấp có thẩm quyền giao trong dự toán hàng năm.
Điều 7. Thủ tục hồ sơ đề nghị khen thưởng:
1. Thủ tục hồ sơ đề nghị Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài khen đối với người lao động và chuyên gia gồm:
- Văn bản đề nghị của Trưởng ban (Bộ phận) Quản lý lao động Việt Nam có ý kiến của Đại sứ (hoặc trưởng Văn phòng đại diện) Việt Nam ở nước ngoài (kèm theo bản thành tích của cá nhân đề nghị khen thưởng);
- Văn bản của doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp đưa đi và quản lý người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài (kèm theo bản thành tích của cá nhân đề nghị khen thưởng);
2. Thủ tục hồ sơ đề nghị Bộ khen:
a) Cá nhân, tập thể:
- Tờ trình của Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài;
- Danh sách cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng;
- Văn bản đề nghị khen thưởng của Thủ trưởng đơn vị có ý kiến của cấp trên trực tiếp quản lý;
- Báo cáo tóm tắt thành tích của cá nhân, tập thể có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị;
- Văn bản hiệp y của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với tập thể, cá nhân thuộc địa phương); của Bộ, Ban, Ngành (đối với tập thể, cá nhân thuộc cơ quan Trung ương).
b) Riêng đối với doanh nghiệp xuất khẩu lao động và chuyên gia, ngoài thủ tục quy định tại điểm a trên đây, còn phải có:
- Xác nhận về thực hiện nghĩa vụ, chính sách quy định trong thời kỳ xét khen thưởng.
3. Thủ tục hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen theo quy định tại Nghị định số 56/1998/NĐ-CP của Chính phủ.
4. Đối với tập thể và cá nhân người nước ngoài gồm:
- Tờ trình của Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài;
- Văn bản đề nghị khen thưởng của doanh nghiệp Việt Nam gửi Cục Quản lý lao động với nước ngoài nêu rõ những đóng góp của tập thể, cá nhân đối tác nước ngoài và hình thức đề nghị khen;
- Văn bản thẩm định của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại.
Điều 8. Thời điểm xét khen thưởng:
- Khen thưởng vào dịp tổng kết năm, 5 năm và theo chuyên đề về xuất khẩu lao động.
- Thời gian Bộ nhận hồ sơ khen thưởng: Từ ngày 1/12 đến 31/1 năm sau.
- Tập thể và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc sẽ xét khen thưởng đột xuất theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài.
Điều 9. Cục trưởng Quản lý lao động với nước ngoài chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ khen thưởng trình Bộ và tổ chức thực hiện thi đua khen thưởng theo đúng quy chế này./.