Văn bản pháp luật: Quyết định 93/2006/QĐ-BVHTT

Lê Doãn Hợp
Toàn quốc
Công báo số 09 & 10 - 12/2006;
Quyết định 93/2006/QĐ-BVHTT
Quyết định
22/12/2006
16/11/2006

Tóm tắt nội dung

Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam

Bộ trưởng
2.006
Bộ Văn hoá - Thông tin

Toàn văn

QUY?T Đ?NH C?A B? TRU?NG B? VAN HÓA - THÔNG TIN

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN

Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của

Ban quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN

Căn cứ Nghị định số 63/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 06 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá - Thông tin;

Căn cứ Quyết định số 15/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 1 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam;

Theo đề nghị của Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo - và thay thế Quyết định số 82/1999/QĐ-BVHTT ngày 24/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ

LÀNG VĂN HÓA - DU LỊCH CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 93/2006/QĐ-BVHTT

ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin)

Chương I

NHỮNC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ban quản lý) được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 142/1999/QĐ-TTg ngày 16 tháng 06 năm 1999 và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ câu tổ chức tại Quyết định số 15/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2006 là cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Ban Quản lý là cơ quan tương đương Tổng cục, có tư cách pháp nhân, sử dụng con dấu hình quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng; là một đầu mối kế hoạch đầu tư và ngân sách trực thuộc Trung ương (đơn vị dự toán cấp I), được quyết định thu chi ngân sách thuộc các lĩnh vực đầu tư phát triển, hành chính sự nghiệp, các chương trình mục tiêu và các lĩnh vực khác thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Phạm vi quản lý của Ban quản lý được xác định bởi vị trí, ranh giới khu đất (gồm cả đất có mặt nước) để xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo các Quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Ban quản lý có tên giao dịch quốc tế là The Management Board of Vietnam National Village for Ethnic Culture and Tourism. Tên việt tắt là VinaCulto.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 5. Ban quản lý có nhiệm vụ xây dựng để Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thông tin trình Thủ tướng Chính phủ quyết định:

1. Quy hoạch, kế hoạch phát triển hàng năm và dài hạn đối với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, bao gồm:

a) Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam;

b) Quy hoạch, kế hoạch đầu tư, phát triển của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm;

c) Các quy hoạch, kế hoạch khác thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tưởng Chính phủ.

2. Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phù hợp với điều kiện phát triển thực tế trong từng thời kỳ, bao gồm:

a) Các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam;

b) Các cơ chế, chính sách khác trong từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện phát triển thực tế.

3. Phương án phát hành trái phiếu công trình, trái phiếu Chính phủ đáp ứng yêu cầu phát triển của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

4. Báo cáo đầu tư xây dựng công trình các dự án nhóm A tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Điều 6. Ban quản lý có nhiệm vụ xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin phê duyệt:

1 Các dự án đầu tư nhóm A thuộc Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo quy định của pháp luật, bao gồm:

a) Quyết định đầu tư, quyết định điều chỉnh các dự án đầu tư nhóm A tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam;

b) Kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu và kết quả đấu thầu các công trình xây dựng thuộc dự án nhóm A tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam;

c) Phê duyệt quyết toán các công trình thuộc dự án nhóm A đầu tư tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

2. Quy chế tổ chức và hoạt động, các quy chế quản lý và khai thác của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

3. Các cơ chế, chính sách khác thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin;

Điều 7. Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, Ban Quản lý có các nhiệm vụ quyền hạn sau:

1. Được giao đất một lần để tổ chức xây dựng và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

2. Chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây tiến hành điều tra, khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính diện tích đất được giao.

3. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai (bao gồm cả mặt nước) trong phạm vi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

4. Chỉ đạo lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất, mặt nước đối với diện tích đất, mặt nước được giao tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

5. Tổ chức giao lại đất, đất có mặt nước có thu tiền sử dụng, giao lại đất, đất có mặt nước không thu tiền sử dụng, cho thuê đất, đất có mặt nước và chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư theo quy định của Luật Đất đai.

6. Tổ chức phê duyệt giá đất trong khung giá của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; tổ chức đấu thầu về quyền sử dụng đất thuộc phạm vi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

7. Tổ chức giám sát việc sử dụng đất cũng như các diễn biến về sử dụng đất trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư. Phát hiện, xử lý các vi phạm vê đất đai trong phạm vi thẩm quyền.

Điều 8. Trong lĩnh vực quản lý quy hoạch - kiến trúc, Ban Quản lý có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Căn cứ quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chỉ đạo lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu chức năng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam;

2. Được thuê các đơn vị, tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia lập, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam;

3. Tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu chức năng thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam;

4. Tổ chức quản lý và giám sát thực hiện các quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt bao gồm:

a) Xây dựng và ban hành điều lệ quản lý quy hoạch

b) Tổ chức cắm mốc giới, chỉ giới quy hoạch

c) Công khai quy hoạch, giới thiệu địa điểm

d) Cấp, điều chỉnh, thu hồi các chứng chỉ quy hoạch

e) Thỏa thuận quy hoạch kiến trúc

5. Kiểm soát, giám sát việc xây dựng theo quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa từng khu chức năng với hệ thống cơ sở hạ tầng chung của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Kiểm tra việc xây dựng cảnh quan môi trường theo quy hoạch và định hướng kiến trúc; xử lý các vi phạm về quy hoạch, kiến trúc theo thẩm quyền.

Điều 9. Trong lĩnh vực quản lý đầu tư và xây dựng, Ban Quản lý có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Căn cứ Quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết các khu chức năng, lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục các dự án đầu tư trong đó phân định rõ nguồn vốn, giai đoạn, thứ tự ưu tiên, phù hợp vời lộ trình tổng thể đã được phê duyệt.

2. Đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách:

a) Quyết định chủ trương đầu tư và chỉ đạo lập các dự án đầu tư nhóm B,C đầu tư tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam;

b) Tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư nhóm B,C đầu tư tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam;

c) Phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu và kết quả đấu thầu các công trình xây dựng thuộc dự án nhóm B,C;

d) Tổ chức, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư;

e) Thẩm tra, phê duyệt quyết toán các công trình thuộc dự án nhóm B,C.

3. Đối vời các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách:

a) Tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư; chủ động tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật bao gồm cả các khoản vay tín dụng để phục vụ cho việc đầu tư phát triển Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

b) Tổ chức hướng dẫn, làm đầu mối giúp các nhà đầu tư giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đẩu tư theo nguyên tắc một cửa, tại chỗ.

c) Tổ chức bộ máy, quy định trình tự, thủ tục để thực hiện cấp, điều chỉnh, thu hồi các giấy phép, giấy chứng nhận theo phân cấp, ủy quyền của các cơ quan có thẩm quyền, bao gồm:

- Giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có quy mô vốn đầu tư đến 40 triệu đô la Mỹ (trừ những dự án không phân cấp theo quy định của pháp luật);

- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư trong nước vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam;

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân thành lập và quản lý doanh nghiệp trong Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam:

- Giấy phép xây dựng công trình trong Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo quy định của pháp luật;

- Giấy phép lao động cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc, hoạt động đầu tư tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo quy định của pháp luật;

- Các giấy phép, chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật.

4. Được thuê các chuyên gia, tổ chức tư vấn trong và ngoài nước quản lý dự án theo quy định của pháp luật.

5. Hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

6. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, quảng bá, giới thiệu ở trong và ngoài nước phục vụ cho việc đầu tư, xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật.

7. Ký các hợp đồng BOT, BTO, BT đối với các dự án nhóm B, C. Trực tiếp nhận vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

Điều 10. Trong lĩnh vực quản lý bảo vệ tài nguyên, môi trường, Ban quản lý có các trách nhiệm và quyền hạn sau:

1. Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Quản lý, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường trong Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

3. Xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định về bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Điều 11.Trong lĩnh vực quản lý, khai thác và sử dụng các công trình Ban quản lý có các trách nhiệm và quyền hạn sau:

1. Quản lý thống nhất các hoạt động khai thác, kinh doanh, dịch vụ, sử dụng các công trình đầu tư trên địa bàn Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Trực tiếp tổ chức khai thác, kinh doanh và sử dụng hiệu quả các công trình do Nhà nước đầu tư và các công trình do Bộ Văn hóa - Thông tin giao.

2. Ban hành các quy chế, quy định về quản lý, khai thác và kinh doanh đối với từng công trình, từng lĩnh vực hoạt động dịch vụ, kinh doanh tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.

3. Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, các chủ đầu tư đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và thực hiện nếp sống văn hóa trong quá trình xây dựng và quản lý khai thác các công trình trong Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

4. Được thu các loại phí, lệ phí và quản lý sử dụng theo quy định của pháp luật.

5. Được hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong các lĩnh vực liên quan đến quản lý, khai thác Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Điều 12. Trong lĩnh vực kế hoạch - tài chính, Ban quản lý có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Tổ chức bộ máy kế hoạch, tài chính phù hợp với đơn vị dự toán cấp I; hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng bộ máy kế hoạch, tài chính các đơn vị cấp dưới trực thuộc.

2. Hàng năm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng, lập kế hoạch và chấp hành dự toán thu chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước đổi với đơn vị dự toán cấp 1.

3. Tiến hành lập phương án phân bổ, giao dự toán thu, chi ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm tra.

4. Quyết định giao dự toán ngân sách nhà nước cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc.

5. Chỉ đạo, quản lý, giám sát việc sử dụng ngân sách của các đơn vị trực thuộc đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước.

6. Thẩm tra, phê duyệt quyết toán ngân sách hàng năm của các đơn vị trực thuộc; tổng hợp lập báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách hàng năm báo cáo cơ quan có thâm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trong lĩnh vực tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, Ban quản lý có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin nhằm quảng bá, giới thiệu, phổ biến và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

2. Nghiên cứu, sưu tầm, phố biến và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Thực hiện các đề tài, chuyên đề nghiên cứu khoa học phục vụ cho hoạt động phát triển của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

3. Thu thập thông tin, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để phục vụ cho hoạt động của Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

4. Được hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc nghiên cứu, sưu tầm, báo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc phục vụ cho hoạt động và phát triển Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Điều 14. Trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Ban quản lý có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Quản lý và tổ chức việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động và phát triển Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

2. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Điều 15. Các nhiệm vụ khác

1. Tổ chức và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý các vi phạm hành chính về quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, môi trường, đất đai và các lĩnh vực khác tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo thẩm quyền được giao hoặc được ủy quyền.

2. Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật.

3. Báo cáo định kỳ Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, các Bộ, cơ quan có liên quan về tình hình triển khai quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin giao.

Chương III

TỔ CHỨC BỘ MÁY

Điều 16. Ban Quản lý có Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, bộ máy giúp việc các đơn vị sự nghiệp và công ty.

Trưởng ban do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Phó Trưởng ban do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin bổ nhiệm theo đề nghị của Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Điều 17. Khung tổ chức bộ máy của Ban quản lý:

1. Bộ máy giúp việc

a) Văn phòng;

b) Thanh tra (bao gồm công tác pháp chế);

c) Ban Tổ chức Cán bộ;

d) Ban Kế hoạch - Tài chính;

đ) Ban Quy hoạch, Kiến trúc và Môi trường;

e) Ban Nghiệp vụ văn hóa dân tộc

g) Ban Đối ngoại và Xúc tiến đầu tư

h) Ban Bảo vệ

2. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc:

a) Trung tâm Thông tin - Dữ liệu

b) Ban quản lý dự án

3. Công ty đầu tư phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

4. Trên cơ sở khung bộ máy tổ chức, Trưởng ban quản lý quyết định việc thành lập sáp nhập hợp nhất, chia tách, giải thể các đơn vi trực thuộc theo quy định của pháp luật.

5. Căn cứ nhu cầu phát triển và tình hình thực tế, Trưởng Ban quản lý trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép thành lập thêm các đơn vị trực thuộc khác.

Điều 18.

1. Biên chế thuộc bộ máy quản lý hành chính của Ban Quản lý do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin giao trong tổng biên chế hành chính của Bộ Văn hóa - Thông tin;

2. Biên chế sự nghiệp của Ban Quản lý do Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam quyết định theo phân cấp.

Điều 19. Trưởng Ban Quản lý có các trách nhiệm và quyền hạn sau:

1. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ máy giúp việc và các đơn vị trực thuộc.

2. Ban hành Quy chế làm việc nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật và của quy chế này; thực hiện chế độ thông tin vê quản lý bằng các hình thức phù hợp.

3. Quyết định việc phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.

4. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chính sách chế độ đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc Ban Quản lý theo quy định của pháp luật, bao gồm:

a) Xây dựng kế hoạch biên chế, kế hoạch tiền lương hàng năm của khối quản lý nhà nước trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tô chức thực hiện.

b) Chỉ đạo lập, phê duyệt kế hoạch biên chế, kế hoạch tiền lương; hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý biên chế, quản lý tiền lương của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc;

5. Xây dụng cơ cấu công chức, viên chức, quy hoạch cán bộ công chức, tiêu chuẩn chức danh cán bộ công chức trong cơ quan và các đơn vị trực thuộc theo phân cấp và quy định của pháp luật.

6. Tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch, quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, chuyển ngạch công chức, viên chức từ ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm các chức danh Trưởng, Phó các ban, Trưởng, Phó các đơn vị trực thuộc và tương đương; điều động, biệt pháp, khen thưởng, kỷ luật cán bộ công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.

7. Quyết định việc nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn; giải quyết chế độ chính sách, thôi việc, hưu trí, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

8. Ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và hợp đồng chuyên môn tạm thời từ 12 tháng đến đủ 24 tháng; hợp đồng thuê khoản đối với những công việc không cần thiết bố trí biên chế thường xuyên; hợp đồng với các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước để thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan.

9. Quyết định cử cán bộ từ cấp Trưởng các Ban, Trưởng các đơn vị trực thuộc và tương đương trở xuống đi công tác nước ngoài.

10. Xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cả trong và ngoài nước cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

11. Tổng hợp, thống kê số lượng, chất lượng, quản lý hồ sơ cán bộ công chức, viên chức, người lao động, báo cáo Bộ Văn hóa - Thông tin theo quy định.

Việc bố trí, sử dụng cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại Ban quản lý phải theo đúng chức danh, tiêu chuẩn và cơ cấu ngạch, đảm bảo tinh gọn, hợp lý, phát huy năng lực, sở trường của cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Công tác quản lý cán bộ công chức, viên chức, người lao động thực hiện theo phân cấp của Bộ Văn hóa - Thông tin và Pháp lệnh công chức của Nhà nước.

Chương IV

MỚI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 20. Mối quan hệ công tác giữa Ban quản lý với Bộ Văn hóa Thông tin

1. Ban quản lý chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, có trách nhiệm báo cáo định kỳ về kết quả đầu tư xây dựng, quản lý khai thác và các hoạt động khác của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo chế độ quy định; báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền của Ban quản lý hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.

2. Trưởng ban quản lý chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin và trước pháp luật về các hoạt động quản lý đầu tư xây dựng, quản lý khai thác và các hoạt động khác tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

3. Đối với các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng và các đơn Vị trực thuộc Bộ Văn hóa -Thông tin, Ban quản lý chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và phối hợp công tác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Điều 21. Mối quan hệ công tác giữa Ban quản lý với các Bộ, Ngành, tỉnh Hà Tây và các địa phương có liên quan

1. Ban quản lý được trực tiếp làm việc với các Bộ, Ngành có liên quan trong các lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền.

2. Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, Ngành theo từng lĩnh vực được các Bộ, Ngành phân cấp, ủy quyền.

3. Đối với tỉnh Hà Tây, Ban quản lý chủ trì, phối hợp với UBND các cấp của tỉnh Hà Tây và các đơn vị có liên quan trên địa bàn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai và bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội cho các công trình thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

4. Đối với các địa phương khác có liên quan, Ban quản lý hoạt động theo cơ chế phối hợp (có quy chế riêng) để sưu tầm, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc phục vụ cho hoạt động của Làng văn hóa.

Điều 22. Mối quan hệ giữa Ban quản lý với các nhà đầu tư

1. Ban quản lý có trách nhiệm công bố công khai các quy hoạch, kế hoạch, chế độ chính sách và hồ sơ trình tự thủ tục hành chính, thời gian giải quyết, cơ quan giải quyết, các loại phí, lệ phí để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư

2. Thực hiện cơ chế "một cửa, tại chỗ", từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến trả lại kết quả đều thông qua một đầu mối là Ban quản lý.

3. Thực hiện các công tác hỗ trợ khác đối với nhà đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng và kinh doanh tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Điều 23. Quy định chức danh và mối quan hệ công việc giữa các đơn vị trong Ban quản lý

1. Văn phòng Ban quản lý có Chánh Văn phòng và các Phó Chánh Văn phòng. Thanh tra có Chánh Thanh tra và các Phó Chánh Thanh tra. Các Ban chuyên môn, nghiệp vụ có Trưởng ban và các Phó Trưởng ban. Các Ban quản lý dự án, Trung tâm thông tin dữ liệu, doanh nghiệp trực thuộc có Giám đốc, các Phó Giám đốc, Chủ tịch Công ty hoặc các chức danh tương đương (gọi chung là Trưởng các đơn vị trực thuộc).

2. Trưởng các đơn vị trực thuộc giải quyết công việc theo phạm vi trách nhiệm của đơn vị mình, trình Lãnh đạo Ban xem xét quyết định theo thẩm quyền; tham gia ý kiến với đơn vị khác để xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị đó, nhưng có liên quan đến lĩnh vực đơn vị mình phụ trách; tham gia giải quyết công việc chung của Ban quản lý theo sự phân công của Trưởng Ban.

3. Khi giải quyết các vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị khác trưởng đơn vị cần tham khảo ý kiến của đơn vị có liên quan. Trưởng đơn vị được hỏi ý kiến có nghĩa vụ trả lời và phải chịu trách nhiệm về nội dung trả lời. Đối với những vấn đê vượt ngoài khả năng và thẩm quyền của mình phải báo cáo Lãnh đạo Ban để giải quyết.

Chương V

CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM

Điều 24. Chế đặc trách nhiệm

1. Trưởng Ban quản lý là người lãnh đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin và trước pháp luật về các hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

2. Ngoài các trách nhiệm với tư cách là Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ theo các quy định tại Quy chế hoạt động của Bộ Văn hóa Thông tin, Trưởng Ban - quản lý chịu trách nhiệm cụ thể trong từng lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền theo các quy định của pháp luật.

3. Các Phó trưởng Ban là người giúp việc cho Trưởng Ban, được phân công phụ trách một (hoặc một số) lĩnh vực công tác của Ban quản lý và chỉ đạo hoạt động của một (hoặc một số) đơn vị trực thuộc Ban quản lý. Các Phó trưởng Ban chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban và trước pháp luật về những công việc, lĩnh vực được phân công.

4. Trưởng đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm trước Trưởng ban và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của đơn vị do mình phụ trách và về những nhiệm vụ khác do Trưởng Ban phân công.

5. Phó trưởng đơn vị là người giúp việc cho Trưởng đơn vị, thay mặt Trưởng đơn vị điều hành công việc khi Trưởng đơn vị đi vắng hoặc được uỷ quyền, chịu trách nhiệm trước Trưởng đơn vị và trước pháp luật về những công việc được giao.

6. Các cán bộ, công chức, nhân viên các đơn vị có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ do Trưởng đơn vị phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng đơn vị và trước pháp luật về những công việc được giao.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Trưởng Ban quản lý có trách nhiệm phổ biến Quy chế này cho các tổ chức, cá nhân, cán bộ công chức, viên chức và người lao động thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để tổ chức thực hiện.

Điều 26. Trong quá trình thực hiện có điều nào chưa phù hợp, cần thay đổi, Trưởng Ban quản lý báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin để điều chỉnh, bổ sung./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=14686&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận