Thông tư THÔNG TƯ
CỦA THANH TRA NHÀ NƯỚC SỐ 3/TTNN NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 1991 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ THANH TRA VIÊN
- Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 1-4-1990 và quy chế Thanh tra viên ban hành kèm theo Nghị định số 191/HĐBT ngày 18-6-1991 của Hội đồng Bộ trưởng;
Tổng Thanh tra Nhà nước hướng dẫn thực hiện quy chế Thanh tra viên như sau:
I. NGUYÊN TẮC CHUNG
1. Quy chế Thanh tra viên chỉ áp dụng đối với công chức thuộc các tổ chức thanh tra Nhà nước được thành lập theo quy định của Pháp lệnh Thanh tra ngày 1-4-1990, Nghị định 244/HĐBT ngày 30-6-1990 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 124-TT-TTr ngày 18-7-1990 của Thanh tra Nhà nước.
2. Những người làm công tác thanh tra ở xã, phường, thị trấn và Thanh tra nhân dân không áp dụng quy chế này.
3. Người được bổ nhiệm Thanh tra viên phải bảo đảm tiêu chuẩn quy định tại điều 3 của Quy chế Thanh tra viên ban hành kèm theo Nghị định 191-HĐBT ngày 16-8-1991 của Hội đồng Bộ trưởng và tiêu chuẩn nghiệp vụ chung của từng cấp Thanh tra viên quy định tại quyết định số: 134-QĐ-TTNN ngày 9 tháng 11 năm 1991 của Tổng Thanh tra Nhà nước.
4. Khi xét bổ nhiệm Thanh tra viên cần tính đến đặc điểm của đội ngũ cán bộ thanh tra hiện nay và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của mỗi tổ chức thanh tra. Cùng với việc áp dụng quy chế Thanh tra viên phải tiến hành kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ, xây dựng quy hoạch, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và bổ nhiệm Thanh tra viên.
II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC XÉT BỔ BỔ NHIỆM T.T.V
Đối tượng được xét bổ nhiệm Thanh tra viên là công chức thuộc các tổ chức thanh tra Nhà nước bao gồm những người thực hiện quyền thanh tra Nhà nước và quản lý Nhà nước về công tác thanh tra.
Người được bổ nhiệm Thanh tra viên phải có phẩm chất chính trị tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh, khách quan và bảo đảm tiêu chuẩn nghiệp vụ của cấp Thanh tra viên được bổ nhiệm quy định tại quyết định số 143-QĐ-TTNN ngày 9 tháng 11 năm 1991 của Tổng Thanh tra Nhà nước. Đối với các tổ chức thanh tra Nhà nước thuộc Bộ thì áp dụng tiêu chuẩn nghiệp vụ Thanh tra viên do Bộ trưởng ban hành trên cơ sở tiêu chuẩn nghiệp vụ chung của từng cấp Thanh tra viên.
Khi áp dụng tiêu chuẩn nghiệp vụ của từng cấp Thanh tra viên cần chú ý các trường hợp sau đây:
- Những người đang làm công tác thanh tra có phẩm chất tốt, trong hoạt động thực tiễn chứng tỏ có năng lực hoàn thành nhiệm vụ nhưng chưa tốt nghiệp đại học, chưa qua trường lý luận chính trị cao cấp, trung cấp, chưa qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra thì vẫn bổ nhiệm Thanh tra viên lần đầu, nếu xét bổ nhiệm Thanh tra viên ở cấp cao hơn thì phải bảo đảm tiêu chuẩn quy định.
- Những người đang làm thanh tra có đủ tiêu chuẩn cán bộ, có năng lực tương ứng với tiêu chuẩn nghiệp vụ Thanh tra viên ở cấp nào thì xét bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên cấp đó không lệ thuộc vào mức lương đang hưởng.
*
* *
Chánh thanh tra căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của tổ chức thanh tra để xác định đúng đối tượng được xét bổ nhiệm Thanh tra viên, hướng dẫn cho đối tượng được xét bổ nhiệm Thanh tra viên nắm vững các tiêu chuẩn cán bộ và tiêu chuẩn nghiệp vụ của từng cấp Thanh tra viên.
Chánh thanh tra Bộ, Chánh thanh tra tỉnh xem xét từng trường hợp cụ thể, bảo đảm tính khách quan công khai, dân chủ, trên cơ sở tiêu chuẩn quy định và năng lực thực tiễn của cán bộ thanh tra, làm văn bản đề nghị bổ nhiệm Thanh tra viên. Danh sách đề nghị bổ nhiệm Thanh tra viên được công bố công khai trước khi gửi cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.
Đối với những người không phù hợp với công tác thanh tra, không có khả năng bồi dưỡng nâng cao trình độ hoặc phẩm chất cán bộ, không bảo đảm quy định thì cho chuyển công tác hoặc giải quyết theo chế độ hiện hành của Nhà nước.
III. PHÙ HIỆU, BIỂN HIỆU, THẺ THANH TRA VIÊN,
CÁC CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THANH TRA VIÊN
Phù hiệu, biển hiệu, thẻ Thanh tra viên do Tổng Thanh tra Nhà nước cấp thống nhất trong cả nước. Chánh Thanh tra có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc sử dụng phù hiệu, biển hiệu, thẻ Thanh tra viên theo thẩm quyền.
Phù hiệu, biển hiệu, thẻ Thanh tra viên chỉ sử dụng khi thi hành nhiệm vụ thanh tra, trường hợp sử dụng phù hiệu, biển hiệu, thẻ Thanh tra viên để thực hiện hành vi trái pháp luật thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thanh tra viên có trách nhiệm bảo quản phù hiệu, biển hiệu, thẻ Thanh tra viên được cấp phát. Trường hợp mất phù hiệu, biển hiệu, thẻ Thanh tra viên thì Thanh tra viên phải báo cáo ngay cơ quan công an nơi gần nhất và thủ trưởng tổ chức thanh tra, Chánh thanh tra Bộ, tỉnh có trách nhiệm báo cáo lên Tổng Thanh tra Nhà nước để giải quyết. Khi thôi giữ chức danh Thanh tra viên thì Thanh tra viên phải trả lại phù hiệu, biển hiệu, thẻ cho tổ chức thanh tra. Khi bị tước chức danh Thanh tra viên thì Thanh tra viên đó phải trả lại cho tổ chức thanh tra các phù hiệu, biển hiệu, thẻ đã được cấp phát. Thủ trưởng tổ chức thanh tra trực tiếp quản lý Thanh tra viên đó có trách nhiệm thu hồi các phù hiệu, biển hiệu, thẻ Thanh tra viên. Chánh Thanh tra Bộ, Tỉnh có trách nhiệm báo cáo với Tổng Thanh tra Nhà nước.
Chế độ cấp phát trang phục và nguồn kinh phí mua sắm trang phục, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ thanh tra thực hiện theo Thông tư số 1-TT-LB ngày 16-9-1991 của Liên Bộ Thanh tra Nhà nước và Bộ Tài chính.
Chế độ tiền lương của Thanh tra viên thực hiện theo thông tư số 2-TT-LB ngày 28-10-1991 của Liên Bộ Thanh tra Nhà nước và Bộ Lao động - TBXH.
Căn cứ vào Thông tư này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thuộc HĐBT, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc thực hiện quy chế Thanh tra viên ở các tổ chức thanh tra Nhà nước theo thẩm quyền quản lý của mỗi cấp, mỗi ngành.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc đề nghị trao đổi với Thanh tra Nhà nước.