Không hiểu sao dạo này ông cứ đi miết. Đấy là điều xưa nay chưa bao giờ có. Bởi từ lâu ông nổi tiếng là người ít đi lại chơi bời. Chẳng những ít đi lại chơi bời, mà ngay cả khi bên nội, đằng ngoại có công to việc lớn ông cũng ít đến, hay ngại thì cũng thế. Không phải ông tài hèn lẽ mọn, thua anh kém em cái nỗi gì. Lúc còn đang làm việc, đường đường ông cũng là phó trưởng phòng hành chính Sở Nông nghiệp, một sở thời bao cấp luôn được ưu tiên hàng đầu ở tỉnh, chứ kém cỏi gì. Còn thua anh kém em thì có lẽ phải xem xem đã, chứ nội cái họ Phạm nhà ông, có lẽ ngoài ông ra, cho đến năm ấy, chưa có anh nào có máu mặt hơn cái chức phó trưởng phòng hàng tỉnh của ông. Nhưng đấy là bây giờ về hưu, mỗi khi ngồi ngẫm lại sự đời bao nhiêu năm đi bộ đội, hết đánh đấm chí mạng ở đường Chín, Khe Sanh, lại Đồng Dù, Dầu Tiếng... Cái đận pháo kích sân bay Dầu Tiếng một hai tưởng không còn lê ra được tới ngoài, chứ đừng nói tìm đường về đơn vị. Thế nhưng may lại có ông lão không biết đêm hôm ra đồng làm gì, gặp người nằm dán vào đám bèo liền cõng về nhà rửa ráy, băng bó chỗ vết thương nát bên bắp đùi trái, lại còn chăm nuôi, cất giấu dưới hầm đúng một tháng mười một ngày, đến khi đi lại chỉ còn hơi gượng gượng một tí, ông lão mới chịu dẫn du kích xã đến nhà đưa anh giải phóng đi. Sau đận ấy là ra Bắc, rồi chuyển ngành về thẳng Sở Nông nghiệp, một mạch cho đến cuối năm ngoái về hưu. Kể ra tĩnh tại một nơi ba mươi năm có lẻ, mà chỉ lẽo đẽo đến cái chức phó trưởng phòng hành chính, thì kể cũng vào loại chậm tiến. Âu cũng là số trời định đoạt, chứ nói có ngọn đèn làm chứng, không ít hơn ba lần ông nằm trong quy hoạch cán bộ nòng cốt Sở. Lần thứ nhất khỏi nói, từ nhân viên văn thư với mỗi việc vào sổ công văn đi đến, đét một cái được cất lên phó trưởng phòng, phụ trách công việc nội vụ như một thư ký giám đốc. Tưởng một hai rồi lên trưởng phòng, thay bà trưởng phòng về hưu, ai dè trước ngày bà ta cầm quyết định hưu, thì lại có cô kĩ sư ở dưới trại lợn ngoại Tràng Cát, được giám đốc ký quyết định bổ nhiệm thẳng chức trưởng phòng hành chính. Hy vọng cái chức trưởng phòng đến đấy tưởng là tắt, thì bỗng lại lóe lên tia sáng cuối đường hầm, khi ông giám đốc Sở bị tỉnh điều lên làm chuyên viên Ban tổ chức tỉnh ủy, mà thực chất là ngồi chơi xơi nước chờ đến tuổi hưu. Người được tỉnh bổ nhiệm về thay là một phó tiến sĩ bảo vệ luận án ở Liên Xô, với đề tài đưa cây thầu dầu vào vùng nước mặn ven biển. Dạo mới về, giám đốc cũng kết phó trưởng phòng hành chính ra phết, nhưng sau không hiểu sao tự nhiên lại ngãng ra. Anh em có ai quan tâm rào đón hỏi thì ông chỉ nói, giám đốc bận. Mới lại khách khứa đã có trưởng phòng. Nữ họ tiếp đón vẫn chu đáo, tiện lợi hơn nam giới. Rồi đến đợt lấy phiếu tín nhiệm bổ sung một phó giám đốc phụ trách hành chính - tổ chức, thay ông phó giám đốc phụ trách khối này về hưu. Với lợi thế cán bộ lâu năm, lại không chơi bời, vây bè kết cánh với ai, mà cũng chẳng ai hằn thù, oán ghét với mình, ông tự nhiên nhi nhiên lọt vào tốp hai người có số phiếu tín nhiệm cao nhất, người kia là trưởng chi cục thú y, một chủ nhiệm hợp tác xã nổi tiếng thời bao cấp, được cất nhắc lên. Đời ông có lẽ chỉ có mỗi lần ấy là tột đỉnh vinh quang. Chẳng thế ngay chiều hôm lấy phiếu tín nhiệm, chưa biết nếp tẻ ra sao, nhưng hẵng cứ mừng đã. Ông đạp xe mười tám cây số, lại vượt đò qua sông Khuể, về đến nhà đã lên đèn, vẫn giục vợ đun nước bắt con gà trống to nhất làm thịt, nhà còn gạo nếp thì nấu một ống, không thì chạy sang bên cậu vay. Đã thắp hương kính cáo tiên tổ bằng thịt rượu là phải có đĩa xôi, chứ có phải ngày giỗ đâu mà cơm tẻ cũng được. Tối ấy nhà ông chẳng khác tối ba mươi Tết, hai chiếc đèn soi cá một treo gian giữa nhà, một treo đầu sân cho dễ đi lại, cứ lung linh ánh vàng ánh bạc trong nhà, ngoài sân. Bà vợ mới đầu nghe chồng giục đun nước giết gà cũng hơi ngớ ra, định hỏi hôm nay làm gì mà giết gà? Nhưng khi nghe chồng giục, nhà hết gạo nếp thì sang cậu vay, biết là có việc hệ trọng, không dám hỏi nữa, cứ lặng lẽ làm theo chỉ dẫn của chồng. Đến lúc bưng cơm canh lên, vẫn thấy chồng lầm rầm khấn vái. Nhưng cũng chỉ nghe câu được câu chăng, đâu như họ Phạm nhà ta đến ngày phát đất, chức trọng quyền cao đến với người nhà này rồi! Nghe là nghe vậy, chứ biết đâu vào đâu mà dám hỏi; nhưng trong lòng cũng thầm đoán ra cái gì đang đến với chồng. Bà vợ bất giác nhìn ông chồng đang chắp hai tay trước mặt, miệng lẩm bà lẩm bẩm mà bỗng thấy man mác niềm vui. Nhưng nếu đấy là niềm vui, ít ra là với bà, thì đúng là ở đời không biết thế nào. Chỉ ba bảy hăm mốt ngày sau, giữa lúc trong li ti huyết quản ông vẫn còn râm ran niềm vui là một trong hai người có phiếu tín nhiệm cao nhất, không những thế, xét về mặt nào ông cũng hơn đứt tay chi cục trưởng thú y, thâm niên công tác, kể cả bộ đội, là ba mươi bảy năm, tuổi Đảng ba mươi năm có lẻ, chính trị đã qua lớp tại chức trường hành chính Trung ương, cũng coi như có chuyên môn về quản lý nhà nước. Thế mà... Biết nói thế nào nhỉ, chỉ biết đét một cái chức phó giám đốc phụ trách hành chính lại rơi vào tay cái cô giám đốc nhà máy chế biến thức ăn gia súc, mà đám cán bộ trẻ ở Sở hay khôi hài gọi là "giám đốc cám", có lẽ bởi cô ta trạc tứ tuần vẫn chưa lấy chồng, hay chưa lấy được chồng thì cũng thế, thỉnh thoảng lên Sở hễ gặp ai là nam giới đều chào anh tuốt tuồn tuột, bất kể người già người trẻ, nghe chối bỏ mẹ. Hận chẳng đã, nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt để làm tròn trọng trách một phó trưởng phòng hành chính, đến lúc hưu vẫn tròn vo như quả bột gạo giã nhuyễn, lại vo đều tay của các bà làm bún làng ông. Thế nên, những năm còn làm việc nhà nước, ông rất ít chơi bời la cà chỗ này chỗ kia cũng là điều dễ hiểu. Mỗi tuần sáu ngày sáng phóng xe đi, chiều tối phóng xe về nhà, tắm rửa, cơm nước xong là ngồi trước màn hình xem thời sự, hết Trung ương lại đến đài tỉnh. Ông hầu như không đi chơi bời nhà ai trong anh em họ hàng, lối xóm, kể cả những ngày nghỉ cũng chỉ luẩn quẩn ở nhà tỉa tót chậu cảnh, lau bàn ghế, đánh rửa cốc chén, họa hoằn lắm cũng giúp bà lau cái nhà, nhặt mớ rau gọi là. Thế nhưng từ khi về hưu, hình như chỉ đỗ chân ở nhà được ba bảy hăm mốt ngày, là ông lại đi, đi tối ngày, đi không kể giờ kể buổi. Lúc bảo đi thăm người bạn thân từ hồi còn đánh Mỹ, khi lại bảo đến mấy người làng. Có hôm chập choạng tối mới về, hỏi ông đi đâu mà về muộn thế, đã cơm nước gì chưa, thì lại tuế tóa, tôi lên trên phố Minh Khai, ngồi trong nhà, lại mất điện, chẳng biết sớm tối thế nào, hai anh em cứ ngồi nói chuyện, đến khi con dâu đi làm về gọi cổng, mới té ra đã chiều muộn. Bà vợ chẳng biết thực hay hư, giọng rin rít qua kẽ răng, anh em nào, ông hay bà, mà làm gì có ông nào quen ở trên Minh Khai ấy, hay lại gặp em nào quen rồi đưa nhau vào đâu đến giờ mới về thì cứ bảo, đây cần thật lòng, chúa ghét thói lửng lơ. Nhưng đến khi nghe ông bảo đến chơi ông Thông, cái ông Thông hồi vợ con còn ở quê, ông làm trên Sở Thương nghiệp tỉnh, dễ cả tháng mới về nhà một, hai lần, chiều thứ bảy đạp xe về, chiều chủ nhật lại đạp xe đi, nhưng cấm bao giờ ngủ ở nhà lấy một đêm, cứ ra nhà thằng em ở rìa đầm sen ngủ. Không biết thích ngủ bên đầm sen cho thoáng mát, hay con vợ thằng em xinh đẹp như tranh, gái nhà quê mà da dẻ lúc nào cũng trắng như trứng gà bóc, lại quý ông anh chồng dễ còn hơn quý chồng, hễ thấy ông anh đạp xe về là làm gì thì làm cũng vất đấy, hớt hải vào hỏi thăm ông anh đã. Còn ông anh thì không biết có ý tứ gì với cô em dâu, mà lần nào về cũng khi thì cái quai nón bằng thứ vải mỏng như tơ, khi thì cái khăn mùi soa, bánh xà phòng thơm, toàn những cái thời hàng hóa mua bằng tem phiếu quý như vàng. Cặn kẽ đến thế bà vợ mới nhớ ra, ừ thì hôm nay đến nhà ông Thông, mai ông nghỉ chân ở nhà một hôm, chứ người ta bảo người già đi nhiều không tốt đâu. Ối dào, bà cứ nói thế, đấy là người ta khuyến cáo cho người bảy tám mươi cơ, chứ mình mới sáu mươi đâu đã gọi là già. Thế nhưng cũng được một, hai hôm ông ở nhà cho đỡ chồn chân mỏi gối, như lời bà khuyên, rồi đâu lại hoàn đấy. Cứ ăn sáng xong lại lọc cọc cái xe đạp đi tối ngày. Những tưởng bao nhiêu năm đi làm việc nhà nước ít thì giờ chơi bời, thì nay về hưu ông đi nơi này, nơi kia gặp gỡ người quen, bạn bè, thân hữu năm bữa nửa tháng cho khuây khỏa để quên đi cái nếp sống khô cứng nơi công sở. Nào ngờ hàng tháng ròng ông cứ đi miết, trước còn cách ngày cách buổi, chứ rồi ra ngày hai buổi hôm nào cũng đến chiều tối mới dắt chiếc xe lọc cọc vào ngõ. Đến nỗi anh con trai, là kĩ sư nhà máy đóng tàu mà mồm miệng chậm chạp quá con gái, cũng phải lên tiếng, đường phố xe cộ đông, bố đi lại in ít thôi, không lại khốn! Ông chỉ cười, may rủi có số cả, mình cứ đúng đường mà đi thì chẳng sợ gì. Còn cô con gái, giáo viên tiểu học, lấy chồng ngay cạnh nhà, có vẻ hiểu bố hơn, thì bảo, cứ để bố đi cho khuây khỏa, chỉ cần bố về đúng bữa, cho mẹ con ở nhà khỏi chờ nguội cơm canh là được. Nhưng chỉ được vài hôm lại đâu đóng đấy, cứ ăn sáng xong là ông lọc cọc cái xe đạp đi, đến nỗi bà là người hiểu ông hơn ai hết cũng không thể cứ đến bữa lại ngồi chờ, người đi không bực bằng người chực nồi cơm mãi được nữa. Thế nên, chiều mưa rả rích, bà sốt ruột xách cái ghế tựa ra ngồi ngoài hiên, ngóng ra đường phố lố nhố xe cộ qua lại đến hàng tiếng đồng hồ cũng không thấy ông về. Tự nhiên bà thấy lo lo, ruột gan như lửa đốt. Vừa thấy thằng cháu đi học về đến ngõ, bà định bảo nó ở nhà trông nhà để bà chạy đến mấy nhà quen xem có thấy ông ở đấy không. Thì hạnh ngộ sao, đã nghe tiếng ông như nấp ngoài ngõ từ bao giờ, vừa rảo bước dong xe vào cổng vừa bảo, có cái thân tôi đây. Đoạn, ông nhìn cậu cháu đích tôn cười, Hùng hôm nay vận bộ đồng phục mới trông cao lớn hẳn! Bà đang bực ông đến chết về nỗi mưa gió thế này mà cũng đi suốt từ sáng đến giờ mới về, nhưng nghe ông xởi lởi khen thằng cháu thế, bà bỗng tan ngay cục giận án ngữ trong cổ. Bà nhìn ông hỏi, ông đi đâu mà mấy ngày nay cứ đi miết thế? Mưa dầm lâu ướt áo, mình có tuổi rồi, nhỡ chẳng may gió máy nằm đấy thì khổ, ông ạ! Ông bảo, bà không phải nhắc. Tự tôi biết sức khỏe mình thế nào chứ. Bà nhìn ông bằng đôi mắt của người đàn bà đã ngoài năm nhăm mà nét đẹp con gái vẫn còn hiện trong đôi mắt đen lóng lánh, ấy là tôi cứ nói phòng xa thế. Nhưng mà ông ơi, dạo này xóm phố hay đồng môn, đồng ngũ có việc gì mà xem ra ông có vẻ tất bật thế, hả ông? Ông lẳng lặng một giây, ra ý đắn đo, rồi bảo, có việc gì đâu, chả là về hưu có thì giờ thì cũng muốn đi đây đi đó, anh em, bạn bè gặp nhau câu trò câu chuyện cho vui ấy mà. Tưởng ông nói thế là ra thế, nào ngờ mấy ngày sau ông đi đâu cả buổi sáng, trưa tặt cũng không về ăn cơm. Mãi chiều thấy dẫn về hai ông bạn nữa, ông có cái xe Pơ-giô Pháp trông quen quen như đã đến nhà này vài lần; còn ông cao to, đi cái xe Thống Nhất màu xanh cũ cũ thì đúng là lần này mới gặp lần đầu. Ô kìa, bà nhìn lại đi, xem có phải ông Thông nhà ở trên phố Minh Khai hôm trước tôi đi thăm về kể chuyện với bà đấy thôi. Ối giờ, đúng là bác Thông rồi. Bây giờ còn hay đến nhà chú em ngắm đầm sen nữa hay thôi. Ông Thông biết bà này nói cạnh nói khóe mình hồi trẻ đây, nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, xưa còn chẳng sợ nữa là giờ. Đến chứ, anh em ruột thịt sao lại thôi được. Nhưng phải cái vợ chồng chú ấy vẫn ở trong quê; mới lại, đầm sen giờ làm gì còn sen nữa mà ra, hử bà. Nghe ông Thông nói, bà bỗng ngửa cổ lên trời cười ngặt nghẽo như thời còn con gái. Nhưng lại thấy ông chồng cầm tay bà kéo ra, như kiểu vợ chồng trẻ cầm tay nhau dung dăng dung dẻ đi đâu đấy. Thì ra ông kéo bà ra để giới thiệu, đây là ông Thông bà biết rồi, còn ông này, ông chỉ tay vào người đàn ông cao lớn đi cái xe đạp cũ cũ vào ban nãy, bà có khi không biết ông này, vì khi bà lấy tôi thì ông Lận, tên ông bạn đang được ông chủ nhà giới thiệu với bà vợ, đã tái ngũ vào chiến trường miền Nam rồi, bà giờ mới biết mặt cũng là phải. Ông ấy cũng người xóm Đông ta, nhưng giờ đang ở mãi trên Thượng Lý với cô con gái thứ ba lấy chồng bên ấy, nhưng chồng chẳng may bị tai nạn mất năm kia, bỏ lại cho vợ một nách hai đứa con nhỏ, nên ông ngoại phải lên ở với để làm cây cột cho ba mẹ con nó dựa dẫm khi trái gió trở trời. Đến đây thì bà vợ bỗng thấy dào lên một tình cảm mới lạ, như chính hai người bạn già mà ông chồng vừa dẫn về đều là người thân thích ruột rà với người nhà này. Bà chớp chớp hàng mi, rồi nhìn cả ba người đàn ông ân cần hỏi, tôi hỏi khí không phải, hai ông đây với nhà em đã cơm nước ở đâu chưa? Để em đi làm cơm mời các bác dùng tạm nhá! Ông Thông ngó vào cái bàn chỏng chơ chiếc ấm pha trà và bộ chén tuềnh toàng mỗi nơi một chiếc, bảo cơm nước bà khỏi lo, có nước sôi pha cho anh em tôi ấm trà đặc là được rồi. Trong khi bà đi bật bếp ga đun nước, thì ông và hai người bạn ngồi chỗ bàn trà chuyện trò say sưa lắm. Bà cứ đi ra đi vào, có ý nghe lỏm mấy ông chuyện gì mà rôm rả thế. Lúc thấy ông chồng xòe cả hai tay ra đếm đếm. Lúc lại thấy ông Thông ghi ghi cái gì vào quyển sổ để trước mặt, như kiểu ghi biên bản họp hành gì ấy. Còn ông Lận thì miệng cứ lẩm bà lẩm bẩm, chẳng còn hiểu là đếm hay đọc cái gì trong đầu nữa. Khi bà mang phích nước sôi ra, cũng định kiếm cớ ngồi lại giây lát trên chiếc ghế còn bỏ trống, nghe xem mấy ông bày đặt chuyện gì, hay lại đơn từ kiện cáo ai chăng. Thôi chết, có khi thế, không thì sao ông ấy cứ đi miết, rồi giờ dẫn về hai ông bạn, chụm đầu vào nhau thì thầm to nhỏ, người nói người ghi, có khi là đơn từ kiện cáo gì thật. Bỗng nhiên bà thấy lo lo. Chẳng là năm ngoái, dạo ông ấy chưa về hưu, phường này đã có vụ mấy ông hưu ở khu Hai viết đơn, trực tiếp cầm lên Ủy ban tỉnh, đòi gặp bằng được chủ tịch, ít nhất cũng phó chủ tịch thường trực, để đưa đơn tận tay và trình bày rõ chi tiết những ai những ai, ở ban ngành nào trên tỉnh, dưới quận thông đồng với lãnh đạo phường, cắt bao nhiêu mét vuông đất ở dự án tái định cư, cấp cho bao nhiêu người sai đối tượng. Vụ kiện ầm ĩ một dạo, tưởng một hai chuyến này bí thư Đảng ủy, chánh phó chủ tịch và cán bộ địa chính phường đi tù một loạt, nhưng đến giờ họ vẫn nhởn nhơ, quyền hành, quát lạt còn hơn cả trước. Chỉ có mấy ông làm đơn, ký tên là thiệt, vợ con, cháu chắt có việc gì ra đến phường họ hạnh hoẹ, hẹn lên hẹn xuống chán rồi có ký cho thì mới ký. Nhưng không hiểu sao, đang ngồi, bà lại chợt nghĩ, mình là đàn bà, lại ngồi "chầu rìa" mấy người đàn ông thế này, xem ra cũng không được tư thế cho lắm. Bà lặng lẽ đứng lên, cố không để tiếng dép khua trên nền gạch men, làm đứt mạch toan tính gì đó của chồng và hai ông bạn, trong bụng thầm định khi nào hai ông kia về, thể nào cũng phải bảo ông ấy trông gương cái vụ mấy ông hưu bên khu Hai đấy, ai làm gì mặc họ, chứ ông, đừng có dây vào đơn từ kiện cáo gì, ông nhá. Mình cống hiến bao nhiêu năm rồi, giờ được nhà nước cho về nghỉ thì cứ nghỉ cho thoải mái, cốt sao sống lâu, sống khỏe là được rồi, còn ham hố gì nữa. Bà lặng lẽ đứng lên đi vào nhà trong lấy cái làn đi chợ chiều, đầu thơ thẩn nghĩ. Nhưng khi bà ở chợ về thì không thấy hai ông bạn của chồng đâu nữa, hỏi, ông bảo, các ông ấy về cả rồi. Sao ông không giữ các ông ấy ở lại chơi, ăn bữa cơm mà để về nhanh thế. Bao nhiêu năm mới gặp nhau, ông đã vậy, còn tôi, các ông ấy không biết lại cho là nhà mình ki bo, có bạn cùng quê lâu ngày mới đến mà không nỡ giữ ở lại xơi miếng cơm nhạt. Ông chồng cười cười, chỉ sợ rồi bà không có cơm mời cả làng thôi. Ông này nói năng buồn cười, làng làm sao người ta phải kéo nhau ra tận nhà ông ăn bữa cơm. Nói thế mà cũng nói, bức vách có tai cả đấy, ông ạ! Ông chồng biết mình nói hớ, làm vợ hiểu lầm, vội giảng giải, chúng tôi đang định đầu tháng tới họp toàn thể bà con, anh em người làng ta đang làm ăn, sinh sống trong thành phố tại nhà mình đây. Thế chả phải tất tật người làng đang ở phố tụ tập về nhà mình là gì. Lúc ấy, bà chả giữ họ cũng ở. Liên hoan cầy tơ bảy món đấy, bà nhá! Ông nói xong khùng khục cười. Còn bà bỗng thấy bất ngờ, vội hỏi, thế ra họp đồng hương à! Ừ, họp đồng hương. Cuộc họp này cực kỳ quan trọng, cũng coi như đại hội thành lập hội đồng hương làng ta ở thành phố, có phương hướng hoạt động, bầu ban chấp hành, cử chủ tịch, phó chủ tịch hẳn hoi nhá. Ông chẳng còn gì mà phải úp mở như mấy hôm trước nữa, mọi việc bàn với ông Thông, ông Lận coi như là xong, địa điểm được ấn định, giờ giấc, thể thức đại hội, ông đã thành quen mồm từ lúc nào, không gọi là họp mà cứ gọi là đại hội đồng hương, được sắp xếp gọn, bữa liên hoan do ông bỏ tiền chi, chỉ khác chó không phải mổ và ra thịt, pha chế, nấu nướng tại nhà, mà đặt ngoài nhà hàng Thành khèo, có món rựa mận cực kỳ, dễ không kém rựa mận đất Tiên Lãng, quê ông. Bà vừa nghe thủng lại vội ngỡ ngàng, hội đồng hương huyện, xã đều có cả rồi, giờ lại hội đồng hương làng nữa, làm gì lắm thế, hả ông. Đồng hương huyện to quá, những mấy nghìn người, từ ngày thành lập đến nay có họp toàn thể được lần nào nữa đâu, khác gì tự giải tán. Còn hội đồng hương xã thì có khác gì huyện, mấy trăm con người họp hành lích kích, bao nhiêu năm không gặp nhau được một lần, mỗi khi có người ốm đau hay cha già mẹ héo cũng chẳng thấy đồng hương đồng khói đâu, còn hội hè mà làm gì. Nên mấy anh em bàn nhau đứng ra lập hội đồng hương làng cho bé khau mau tát, dễ bảo ban nhau thì tình cảm mới mặn nồng thắm thiết lâu bền được. Với lại cái chính là người cầm cờ có phất hay không, chứ cứ cầm để đấy gọi là có danh có chức thì hội xã, hội huyện, chứ hội tỉnh cũng chỉ là hữu danh vô thực. Bà nghe ông nói, chỗ hiểu chỗ không, nhưng hiểu hay không cũng mặc, ngay chủ nhật ấy, gần trăm con em người làng đang sống trong thành phố lục tục kéo đến nhà văn hóa phường, do chính ông đứng ra thuê, để đại hội thành lập hội đồng hương. Người tuyên bố lý do và tiếp đó là đọc bài diễn văn viết sẵn khai mạc đại hội ai cũng tưởng là ông, người hăng hái nhất trong việc vận động thành lập hội đồng hương làng, nhưng té ra lại là ông Thông. Tiếp sau là báo cáo phương hướng hoạt động của hội trong nhiệm kỳ thứ nhất, cũng lại không phải ông, mà là ông Tuân, người xóm Đầm, trước làm trưởng ban Tuyên giáo huyện, tưởng một hai lên phó bí thư, chủ tịch huyện, nhưng không hiểu sao, tách một cái tỉnh lại điều lên Ban Thi đua khen thưởng, làm cái chân chuyên viên nhì nhằng. Mãi đến lúc bước sang phần bầu bán mới thấy ông bước lên bục, với cặp kính lão có đôi gọng vàng sáng lóe trên hai bên thái dương luôn giật giật. Ông giải thích về sự cần thiết phải có một ban chấp hành hội đồng hương làng với bộ phận thường trực là chánh phó chủ tịch để điều hành công việc, dẫu không nhiều, nhưng mỗi khi có người yếu đau, hay cha già mẹ héo, cũng phải có người đứng ra tổ chức đoàn đi thăm hỏi, phúng viếng chứ, rắn nào rắn chẳng có đầu. Ông vừa dứt lời, một người ngồi dãy ghế giữa đứng ngay dậy, cứ tưởng nhất trí trăm phần trăm ý kiến ông, nhưng nghe ra lại không hẳn thế. Giọng người kia mỗi lúc một oang oang, đầu tiên là những lời phụ họa, thế là đúng quá rồi, đồng hương huyện, đồng hương xã bấy lâu nay nằm im không động tĩnh gì, có người quên cả tình đồng hương, nghĩa đồng bào cũng là vì lãnh đạo không đến nơi đến chốn. Nhưng bà con nghĩ kỹ xem, có cần thiết phải bầu một ban chấp hành với những mấy phó chủ tịch, chủ tịch theo hình thức bỏ phiếu kín cho nhiêu khê, hay chỉ cần cử ra một ban liên lạc với một trưởng ban và hai hoặc ba phó trưởng ban là được rồi. Chứ người nước ở đâu, đều trong một làng cả, làm gì mà phiếu kín phiếu hở, ban nọ ban kia cho ca cách. Nghe thế, ông vội đứng lên giải thích thêm, một khi đã thành lập hội thì tất phải có ban chấp hành, ban thường trực, chứ không thể à uôm được. Không những với bà con ta ở ngoài phố, mà còn đại diện cho hội đồng hương mỗi khi về làng, làm việc với bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn. Thế tất phải có tổ chức chặt chẽ, mà tổ chức là phải có ban bệ, danh có chính thì ngôn mới thuận. Nào, còn ai có ý kiến nữa, không thì mời ông Lận thay mặt ban vận động thành lập hội đồng hương làng lên điều hành phần bầu cử ban chấp hành. Ông Lận lên nói đôi lời, rồi tổ bầu cử phát phiếu bầu, nửa tiếng sau đã công bố danh sách những người trúng cử ban chấp hành, rồi chủ tịch, phó chủ tịch hội. Cuộc họp đồng hương làng, mà ông quen gọi là đại hội, chỉ khoảng trăm người, ngồi chưa được nửa hội trường nhà văn hóa phường, nhưng lúc nghe công bố danh sách ban chấp hành vừa được bầu, ông cứ nôn nao, chao đảo như người đi trên sóng biển, đầu óc căng dễ muốn đứt tung. Lúc mọi người lục tục ra về, ông Thông thấy ông bạn mà mình và ông Lận định nhắm vào chức chủ tịch hội, vẫn ngồi ngay như phỗng trên chiếc ghế tựa ở đoàn chủ tịch, như thể chưa hề biết họp đã tan, liền vội vàng quay lại. Còn ông Lận thì không biết có phải vì hân hoan được lĩnh cái chức chủ tịch hội đồng hương làng hay không, mà quên cả ông bạn gần hai tháng nay sốt sắng còn hơn cả mình, đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động ghi tên vào hội đồng hương, mà sao họp tan rồi vẫn chưa ra. Ông Lận vội quay lại, mới đến sân đã thấy ông Thông với ông, người nọ như bám vào người kia thập thững đi ra. Nhưng hai ông vừa về đến nhà, thấy trong nhà ngoài hiên mâm nào mâm ấy mọi người đã ngồi kín, tiếng nói, tiếng cười, rượu vào lời ra chao chác, quyện với mùi riềng mẻ, mắm tôm thịt chó như thốc vào mũi đến ngạt thở. Chẳng biết có phải những thứ mùi ấy thốc vào mũi đến ngạt thở, mà ông vừa bước chân lên bậc hiên nhà, bỗng gục xuống, người gập lại như con gà vừa bị chọc tiết, còn vất đấy chưa kịp làm lông. Mọi người buông bát dừng đũa nhao nhao cả lên, làm sao thế nhỉ, bị cảm gió à, hay huyết áp cao. Chết, nếu đã có chứng huyết áp cao phải cẩn thận, không xuất huyết não đấy. Bà ơi, có tiếng một người gọi vỏng xuống bếp, ông nhà có huyết áp cao bao giờ không. Bà tất bật chạy lên, tí nữa thì xô vào một người đang bê bát nước xáo cũng từ trong bếp đi ra. Vừa lên bà đã ôm choàng lấy ông lay lay, gọi gọi, nhưng chỉ thấy người ông đờ ra, mắt vẩn những lòng đỏ long sòng sòng như thể tức giận điều gì không nói ra được. Thấy thế, ông Thông, rồi ông Lận rối rít quay ra hỏi ai có điện thoại di động gọi hộ cho chú Tu, giám đốc bệnh viện, hỏi xem ông thế này là thế nào tí. Còn thế nào gì nữa, một người đang ngồi bên mâm cỗ ngoài hiên đứng vụt dậy vẻ lõi đời, chẳng qua là bố ấy bị sốc vì không trúng ban chấp hành hội đồng hương, chứ có gì đâu. Bà vợ nghe thế liền đổ gập đầu lên ngực ông, nước mắt bỗng ráo hoảnh, giọng nói trở nên non nỉ ngọt ngào, tôi đã bảo ông từ mấy tháng trước, mình già rồi, nửa ngày về sáng cũng chẳng thấy đâu, nữa là giờ đã xế chiều còn ham hố làm gì cho nhọc lòng. Thôi, ông cứ nằm nghỉ, chân tay duỗi thẳng ra cho lưu thông huyết quản, quên mẹ nó mọi thứ chức quyền danh lợi đi là đầu óc tự khắc thư giãn thôi. Còn các người, bà quay ra nhìn những người đang kẻ đứng người ngồi lố nhố trong các mâm, xin các người cũng bớt bớt chuyện trò, ăn uống gì thì ăn cho mau cho chóng đi, để ông ấy nhà tôi được yên tĩnh, giời ạ!