Cao Lỗ bước xuống bờ tường. Tự thấy mình là người có tội, mà lòng tràn uất ức, không biết nói sao. Phải đi. Làm thế nào bây giờ? Đã chập tối. Các phường trong thành, đâu cũng rực rỡ ánh đuốc. Tiếng trống, tiếng cồng âm vang dồn dập. Ngày hội thắng trận nô nức đã bắt đầu từ Kẻ Chủ ra các cõi. Cao Lỗ nhìn vào trong thành. Những ô cửa đã lên đèn, soi tỏ cả nghìn vừng trăng trắng bạch cùng một lúc mọc đều. Tưng bừng từ thành nội...
Nhưng mà trong nơi cung cấm ấy có những người suốt đời chỉ được nhìn cái vui thiên hạ rồi chết già ở đấy. Đấy là đời những nàng hầu, như đời Tàm. Đời Tàm, bao nhiêu gian truân éo le! Năm ấy, Tàm chỉ mới trạc năm, sáu tuổi. Mở mắt ra lúc nào cũng thấy mặt nước sông Lú đầu bè. Nhà Tàm ở trên mặt nước, xung quanh mái phên, lủng lẳng lắc lư những chân lưới hòn cuội va vào cục đất nung. Nhà bè áp bờ ghép gỗ kê trên mặt ống bương, rồi giát mai. Xa trông như một khoảng bãi đất kéo dài ra mặt nước. Có lẽ vì cả tám đứa con với bố mẹ quanh năm sống nhờ sông nước, nên phải ở bè cho tiện, Tàm cũng không hiểu. Tàm bé nhất nhà. Suốt ngày, mọi người mò lặn dưới nước. Bố với mấy anh nhớn vác chũm đi úp ven bờ. Có ngày câu chạch, kéo tôm, có ngày đi bắt ốc. Những hôm rỗi rãi, mẹ lại dắt con lên bãi hái dâu. Dọc bãi trồng dâu nuôi tằm, trồng chuối và dứa dại lấy sợi dệt.
Đêm hôm ấy, trăng đầu tháng như chiếc lá lúa phơ phất góc trời. Ngôi sao le lói cũng lặn rồi. Sáng sớm, mặt đất mặt nước còn mù mịt, lẫn lộn. Nghe một tiếng rền cuồn cuộn như cơn sấm chuyển động từ chân núi ra. Tiếng người tiếng ngựa hay cả bao nhiêu voi đàn loạn rừng lồng xuống bãi. Hay mưa ống bão ống ập tới. Bố mẹ và các con ngồi dựng dậy, ngơ ngác. Không trông thấy gì, nhưng lập tức biết đấy là quân Tần tràn về. Thôi thế là không kịp trốn vào núi được. Cái bè chơ vơ trên mặt nước sương mù. Một đám người lố nhố nhảy xuống đầu sàn. Bọn quân quan đi nã lương.
- Trâu đâu? Trâu!
- Không có trâu dưới nước.
- Không...
Lập tức, những mũi giáo xỉa xuống. Cả nhà, bố mẹ con cái chết rụi giữa đống tay nải và gánh ống cơm lam dựng bên vách. Quân Tần đốc lương lại sùng sục đi nơi khác. Tiếng người hấp hối, có lúc rống lên, có lúc rên rỉ. Tiếng máu chảy ghê rợn, óc ách mạn bè. Bỗng bé Tàm chui ra từ trong đống xác người. Tàm nhìn xuống không biết bố mẹ, các anh các chị đâu. Chỉ thấy một gò máu. Tàm trèo lên bờ, chạy vào trong sương. Hai tay ôm mặt. Cứ mở mắt, Tàm lại thấy đống máu và những mũi giáo xoàn xoạt xỉa xuống. Tiếng người thét, người khóc. Tàm gào lên. Không biết đã mấy ngày mấy đêm, bao nhiêu ngày đêm. Tàm cứ chạy, chạy mãi. Một ngày kia, Tàm mở mắt. Tàm thấy mình nằm bên một tảng đá, cỏ cao kín mít. Trông lên, bối rối cỏ xanh ngập quanh mặt. Nhưng nhìn kỹ, lại thấy trên ngọn cỏ thấp thoáng những con mắt đen láy. Những con mắt đen lay láy, nhiều quá, lung lay trên các ngọn cỏ. Tàm chống tay, ngồi dậy. Những con mắt hốt hoảng chạy giãn. Tàm thấy đấy là một đàn vượn lông đen mượt. Những con vượn mẹ bước lưng gù gù. Đàn con lóc nhóc theo. Vượn mẹ ngồi quay mặt lại. Vượn con xúm quanh mẹ.
Vượn mẹ cứ ngồi ngắm Tàm. Tàm nhìn vượn mẹ với đàn con ríu rít loanh quanh. Vượn con trèo thoắt lên vai mẹ. Hai con mắt ngấp nghé. Tàm bỗng nhớ mẹ. Tàm ứa nước mắt. Những con vượn mẹ thấy nước mắt giàn giụa trên mặt Tàm, nhìn trân trân. Vượn mẹ có biết đấy là những giọt nước mắt. Rồi hoàng hôn xuống lặng im. ánh nắng còn hắt lên vàng rực một góc rừng. Những con vượn kiếm ăn rải rác các rừng tụ lại, kéo nhau lên ngủ trên hang đá cao. Vượn gọi nhau, chốc lại đứng hai chân trước, hú một hơi dài. Ngộ còn con nào mải kiếm ăn cũng phải biết nghe hiệu mà về theo đàn. Còn con vượn nào vẩn vơ dưới rừng. Không biết. Chỉ thấy một mình Tàm ngồi đấy.
Những vượn mẹ đã đứng dậy, bước đi. Vượn con vớ đuôi mẹ leo tót lên cổ. Vượn mẹ không để ý. Bước thủng thỉnh, thong thả. Cả mấy vượn con lúc lỉu đánh đu trên vai trên lưng. Xung quanh lặng ngắt. Tàm đứng dậy. Tàm chạy theo đàn vượn. Những vượn con, đã quen mắt nhìn Tàm từ bao giờ, không để ý có người đi cùng với. Vượn mẹ vẫn thủng thẳng, thong thả bước. Đêm ấy, Tàm ngủ trên hang đá. Đàn vượn chúi vào nằm khe nào, Tàm không trông thấy. Trong bóng tối, có lúc nghe tiếng gừ gừ. Không biết vượn mẹ mắng con hay vượn con ngủ mê. Rồi Tàm cũng ngủ thiếp. Có một lúc, tiếng rít réo đinh tai. Tàm giật mình thức dậy. Xung quanh vẫn tối mịt. Nhìn mãi mới nhận ra khoảng cửa hang mờ mờ. Thói quen, vượn thường ngủ từ chập tối, dậy sớm. ở trong hang mà dường như đánh hơi được mặt trời sắp mọc phía nào, có hơi ấm má bên trái hay bên phải. Thế là gọi nhau xuống rừng. Tiếng hú, tiếng rít vang động các vách đá từ lúc còn tối đất, chưa trông thấy mặt trời đâu. Tàm cũng theo đàn xuống rừng. Chẳng mấy lâu, có Tàm trong đàn, vượn thường đến kiếm ăn cánh rừng ấy. Chốc chốc Tàm lại khóc. Đấy là những khi Tàm nhìn đàn vượn con tíu tít trèo leo lên vai lên cổ vượn mẹ. Nước mắt Tàm chảy vệt hai bên má. Những lúc ấy, vượn mẹ, vượn con không hiểu thế nào, chạy lùi ra xa. Con mắt lơ láo nhìn, lạ lùng. Cứ đứng đấy, đến lúc thấy má Tàm đã khô nước mắt, mới lại cùng nhau đi hái quả ăn. Đương mùa ngõa. Quả ngõa chín đỏ thậm. Lá ngõa tròn che thành tàn tán một vùng mênh mông xanh liền cây nọ cây kia. Quả ngõa to bằng nắm tay, bằng quả bưởi, chi chít từ gốc cây lên đến cành la, trĩu từng chùm. Cánh rừng thơm nức mùi ngõa. Các loài ăn quả ăn cỏ lượn lờ đi lại rối rít như người đi hội làng. Từng đàn hươu nai kéo đến. Con hươu sao rướn cổ nhìn quanh, rồi hục vào gốc ngõa, rứt cả chùm ra nhai tóp tép. Chốc chốc, ngứa khoeo, lại đạp hai guốc chân sau. Cái đá hậu đụng vào con nai khác vừa đi tới. Nai giật mình nhảy dựng đứng hai chân trước. Thế là bao nhiêu hươu nai trong rừng ngõa chồm lên, đá trước đá hậu loạn xạ rồi cất cẳng giỡn đuổi nhau đi tận đâu xa. Hôm sau mới thấy quay lại. Nhưng không biết có phải vẫn đàn hươu đàn nai ấy không. Những con gấu lầm lì nằm như lợn, hai chân trước quơ một ôm quả ngõa, cả quả xanh quả chín, nhá rau ráu. Hết ngõa ở gốc này, gấu lần sang gốc khác. Đêm nằm nhai tới khuya. Rồi ngủ luôn đấy. Có lẽ cho tới khi gốc cây chỉ còn lại vết nhựa ngõa sần sùi, những con gấu mới chui ra khỏi rừng ngõa. Đến khi một đàn voi ập tới, cả cánh rừng rung lên như gặp cơn bão cạn xoáy trong khe núi ra.
Vòi voi quật tan hoang, trống hốc. Cả quả, cả chùm, cả từng tàu lá, cành lá cuốn tuột vào miệng. Những đàn khỉ, đàn vượn vào rừng ngõa, như những con chim chích lẳng lặng và tưởng như chẳng thấy đâu rung chuyển. Cánh tay dài khéo léo, vượn nhẹ nhàng bứt một quả rồi trèo lên ngọn cây, hai bàn tay bưng, cắn ăn. Có khi tìm được tảng đá thoáng, cả đàn đem bày đống ngõa ra. Tay bê một quả, đưa lên miệng. Hàm nhằn thật nhanh, thật nhanh. Cây ngõa cổ thụ, gốc to như con trâu đầm giữa vũng bùn. Những cành lá trĩu ngay trên đầu. Tàm với tay lên, đâu cũng được. Tàm chọn quả ngõa to bằng cái đấu, chín đỏ lịm, thơm nức. Tàm đem ngõa ra ngồi trên tảng đá. Cùi ngõa đỏ lừ. Cục mật giữa ruột trong như mật ong
- N gọt mát hơn mật ong.
Tàm nhai thong thả. Thỉnh thoảng, Tàm bẻ miếng cùi, đưa cho vượn con. Lại cho vượn mẹ cục mật ngõa ngọt lự. Chẳng bao lâu, Tàm đã thân thiết với đàn vượn. Có lúc vào rừng ngõa rồi, mà cả đàn cứ đi theo Tàm. Tàm biết vượn muốn ăn quả ngõa chín. Quả Tàm hái ngọt hơn quả vượn hái lấy. Tàm chọn quả ngõa chín, chìa cho cả đám. No rồi, nằm ềnh ra cỏ. Lơ mơ him mắt phơi nắng ấm. Có khi đàn vượn quẩng mỡ, vui chạy giỡn lên. Tàm bỗng cười khanh khách. Tiếng cười giòn như tiếng nước reo trên đá. Thế nhưng đàn vượn không ngơ ngác chạy lùi ra như lúc trông thấy nước mắt Tàm chảy trên má. Vượn vẫn múa hai tay dài nghêu lên đầu Tàm và tiếng cười của Tàm vòng quanh. Hết mùa ngõa đến mùa dưa đất. Rồi mùa trám, mùa mơ... Tàm đi kiếm ăn theo đàn. Cứ thế, không để ý biết đâu được ngày tháng khác nhau thế nào. Đôi khi chợt trời mưa, trời nắng mới nhận ra trời đất đã đổi mùa khác nhau. Đêm ở hang giá buốt. Nhưng Tàm đã biết tìm đá đánh lấy lửa. ở nhà, mỗi người đi đâu đều có hòn đá đánh lửa giắt cạp khố. Tàm đã biết được cách đánh đá. Tàm dọi đá cuội vào nhau thành lửa, sưởi. Những con vượn lông dày đen mướt, không biết rét, ở khe nào cứ đứng nguyên chỗ ấy. Những con gấu yếu chịu lạnh đã lù lù vào nằm một góc. Con rắn, con trăn lặng lẽ quấn mình quanh vấu đá gần lửa, im lìm ngủ vùi. Có hơi lửa, hang đá ấm hẳn hơn. Rồi lại tới những ngày ẩm ướt. Các loài chim ở đâu về kêu râm ran trên vòm lá xanh tơ. Đằng kia, hoa ban trắng mờ hơi sương. Ngoài rừng, bướm bay đàn rập rờn. Ngỡ ban rụng từng cánh, ban vàng, ban tím khác nhau. Mới lại sực nhớ trời đã ấm, chim non sắp ra ràng. Rét buốt hay mưa ẩm ướt lầy lội, đàn vượn cũng cứ đúng lệ, trời còn tờ mờ chưa dựng sáng đã hú gọi nhau xuống rừng tìm cái ăn. Tàm cũng quen thế. Tàm theo đàn vượn xuống rừng từ tinh mơ.
Váy áo vướng đá vướng gai đã vương đâu từng mảnh rách tươm hết. Ngày ở nhà, Tàm còn bé, thường theo mẹ lên bờ xe rọi đánh sợi tơ dứa, tơ chuối. Tàm lấy lá dứa ngâm xuống suối, phơi nỏ. Bã lá dứa tơi thành đệp trắng nõn. Tàm kết lại, quấn lên lưng, lên vai. Trời lạnh, ấm chẳng khác mặc váy áo. Xa trông, Tàm hệt con vượn trắng đầu tóc đen, như con vượn bạch đốm lông đen hai má. Tàm đi giữa vượn mẹ, cao bằng vượn mẹ. Nhưng khác màu hẳn, vượn mẹ đen tuyền, hai má đốm trắng. Thế là Tàm lại thuộc nếp sinh sống mới, đi đâu cũng có đàn. Chỉ phải cái vào mùa lạnh, rừng hiếm quả ăn được. Đàn vượn vẩn vơ đi tìm quả trám, có khi phải ăn nắm lá thờn mát, lá ngót mấy ngày. Tàm không kiếm được gì để ăn. Làm thế nào bây giờ? Tàm chưa biết đan lưới săn. Tàm không đẽo được nỏ. Không có gạo làm cơm, làm bánh dày, bánh lắng. Không có mật mía làm bánh mật. Không có thóc rang làm bỏng. Ngồi nhớ lại, Tàm cũng chưa nhớ ra được mọi cách, chưa biết tên hết các bánh mẹ đã làm. Mẹ ơi! Ngày trước, chỉ mới được trông mẹ nặn bánh, nấu bánh. Biết làm thế nào. Phen này chết đói mất. Tàm nhớ ra cái bánh ngói còn dễ làm. Mọi lần, Tàm vẫn xem mẹ làm. Những khi chơi nhởi trong bãi, các chị cũng hay tìm đất hun làm bánh ngói ăn. Tàm dần dần nhớ... -ờ, bánh ngói, bánh ngói...
Bánh ngói chỉ bằng đất thì chắc làm được. Chỗ rừng ẩm ấy có thể đào được đất làm bánh ngói. Tàm tìm đá nhọn, lấy cây hóp mài đốt cho sắc một đầu, rồi đào. Suốt ngày, được một hố ngang bụng. Tàm lại đào. Tàm đã khoét lên được một mảng đất thó dẻo. Ngửi hệt mùi đất bánh ngói rồi. Mảnh đất xám tro, mặt vân lên vệt gân nâu non đỏ như son. Thật mịn, mềm, nhấm không thấy sạn. Nhưng vẫn còn hơi ủng mùi bùn lá chết. Tàm xắn được một đống đất thó lên rồi nặn ra từng thỏi bằng ngón tay. Nhớ có lần mẹ đã vê vê thế. Những khi bắt đầu mùa lạnh, lại có mưa dầm rả rích, hôm nào không đi kiếm cái ăn dưới nước được, mẹ làm bánh ngói cả nhà ngồi nhấm nháp. Tàm phơi một lượt miếng đất trên mặt đá. Tàm đem những vỉ nứa, đặt ghếch cho đất mau khô cả hai mặt. Đất đã bay hơi, ngả màu xám trắng. Nếm bùi bùi đầu lưỡi. Dễ thường Tàm đương thèm mà nghĩ thế hay sao. Vượn mẹ xán lại, nghé nghiêng, nhòm vỉ đất thó. Tàm đưa mẩu đất. Vượn giơ hai tay cầm, cũng đưa lên mũi, như Tàm vừa làm. Nhưng vượn mẹ không thè lưỡi nhấm miếng đất mà vượn mẹ cứ cầm khư khư, không dám bỏ xuống. Những con vượn con ngồi đông đầy quanh Tàm. Tàm đoán vượn con muốn được bắt chước làm như vượn mẹ. Tàm đưa miếng đất thó. Những con vượn tranh nhau cầm ngửi rồi lại ôm miếng đất xuống ngực. Quanh quẩn chơi nặn đất với vượn thế, Tàm cũng khuây khỏa. Tàm tìm các búi cỏ, lấy về một ôm cỏ tế và cành sim đã khô. Những thỏi đất được xếp bằng xuống mặt hố, lót cỏ tế, trên phủ cành sim. Tàm đánh bùi nhùi lửa châm vào đống rấm. Khói bốc quẩn trong hố hun những thỏi đất, rồi khói nhạt đi. Tàm cầm từng miếng lên. Miếng đất bánh ngói nóng thoảng ngậy mùi oi khói. Tàm đưa lên miệng, cắn một mẩu. Ngói bùi bùi, khê khê. Tàm bỗng dưng lại ứa nước mắt. Mọi khi, mẹ vẫn làm thế này cho các con ăn. Tàm bọc một ôm, đem về hang. Mỗi tối lấy ra nhấm nháp hai ba miếng.
Ăn đất chóng đầy bụng, chỉ đỡ nhạt miệng. Nhưng lại bần thần nhớ. Tai Tàm văng vẳng nghe những tiếng ồn ào ngoài cửa rừng. Quân Tần trảy hay là núi đổ. Tàm ôm tay lên mặt. Giữa đêm trong hang, Tàn khóc gào một lúc, rồi ngủ thiếp đi. ở rừng thế này đã lâu lắm thì phải. Không làm sao tính ra bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm. Chỉ thấy những lứa vượn con đã lớn rồi đi theo đàn khác. Vượn mẹ, hai bịu má nhăn nheo chảy xuống, vai gầy nhô đầu xương. Phía chân sau, ngồi nhiều, lông rụng trơ từng mảng. Mấy lứa vượn con đã lớn, mấy lứa vượn con đi theo đàn khác, Tàm cũng không nhớ. Tàm lân la ra cửa rừng. Cũng không biết cửa rừng xa hay ở phía nào. Bấy lâu ở với đàn vượn, Tàm quen nhởn nhơ rừng sâu như vượn. ở rừng ngủ núi như nhà mình rồi. Nhiều lần trông thấy con hổ đứng gườm gườm đằng kia. Tàm cũng không biết sợ. Mà có nhẽ hổ cũng tưởng Tàm là con vượn. Hổ hay vượn, rồi mỗi con lại đi kiếm ăn về một phía. Vượn đi phía nào cũng kéo một lũ. Có Tàm bước lênh khênh giữa bọn. Những vượn con lứa này đã lại cao vóng ngang vai mẹ rồi. Sắp lớn, lại sắp đi đàn khác. Tàm đứng tha thẩn nhìn đầm lầy. Những ngọn cỏ nở hoa xòe trên mặt nước. Tàm nhấc một bông lên. Hoa vàng nhạt, cuống dài như cỏ xước. Tàm nhận ra đấy không phải hoa cỏ. Đấy là bông lúa ma. Tàm nhớ có lần mẹ vào cửa rừng, cả mấy chị em theo. Mẹ con đi bứt lúa ma mọc trên mặt bãi bùn. Không ai hái lúa ấy, mỗi mùa lúa chín rụng, lúa cứ ken dày mãi, hạt lúa mọc sùi ra như hoa cau, hoa dừa đến độ chín vàng. Tàm luống cuống hẳn lên. Gặp được cơm ăn rồi. Tàm ngắt từng bông lúa. Những con vượn đứng lố nhố trên bờ. Không dám lội bùn, nhưng cứ xúm xít đấy. Tàm ném lên một bông lúa. Vượn tranh nhau cướp, nhằn nhằn từng hạt. Ăn xong lại ngẩng mặt, hí hửng tìm nữa. Lúa ma lấy về phơi, giã. Hôm ấy, đã đủ gạo. Tàm làm được ống cơm trong hang đá. Cơm chín tới, khói thơm tỏa trên đầu ống nứa tươi. Những con vượn hếch mũi, giơ tay bâng quơ, muốn khều lấy mùi thơm. Tàm hớt một mảy cơm bỏ xuống mặt đá. Tay vượn hấp tấp chụp lấy. Nhưng lại rụt ngay. Hạt cơm nóng rát. Chốc, cơm đã đi hơi. Vượn rụt rè nhặt một hạt. Vượn đưa lên miệng từng hạt. Những con vượn khác đã đánh hơi biết thức ấy ăn được, chen đến kiếm chỗ mặt đá còn mùi cơm nóng. Tàm và đàn vượn ăn sạch ống cơm lam dài bằng bắp chân. Ăn hết, lũ vượn chạy đi chạy lại hú, kêu rối rít. Vui quá. ý chừng muốn ăn nữa. Nhưng nước mắt Tàm lại ứa ra. Ăn cơm, nhớ mẹ. Thấy thế, đàn vượn nhảy lùi, mắt hấp háy nhìn Tàm. Đến khi Tàm quệt khô hết nước mắt trên má, đàn vượn mới lại mon men tới gần. Một ngày kia ấm trời. Suốt các cánh rừng, đã đến mùa hoa nở rực rỡ. Không biết những hoa gì, nhiều thứ quá.
Chỉ thấy lao xao những hồng, những bạch, những tím, bạt ngàn. Lại không biết đằng xa đương tới, từng đàn bướm giập giờn hay những mảng hoa gió đưa qua lẫn lộn, lung linh lay động khắp các bụi cây, các bãi cỏ. Gió nồm ấm thổi vào rừng, mọi vật đều cảm thấy phởn phơ, phổng phao, ngứa ngáy, nhấp nhổm. Con gấu núp trong hốc đã bước ra nhặt trám. Đàn hươu sao và những con nai kéo lũ đến nhảy giỡn trên đám cỏ non xanh mởn. Những con gà rừng con vồng làn đuôi đỏ biếc mượt mà lên. Những con voi, những đàn lợn động cỡn, chạy rào rào qua. Các cánh rừng bỗng dưng nghiêng ngả như có cơn bão cạn từ các khe núi luồn ra giữa ngày lấp lánh nắng. Tàm và đàn vượn đã ra cửa rừng từ sáng sớm. Tàm giã sẵn gạo, bỏ vào ống, xuống ngồi lam cơm ngay trên bờ đầm lầy. Vượn thích ăn cơm, lại ăn tham, nhai phồng căng cả bìu cằm. Tàm đóng cọc, dựng một dãy ba ống nứa to. Một mình Tàm, ăn cố cũng chỉ hết một ống. Hai ống cơm kia để chia cho đàn vượn. Khói đốt ống lam đã thơm lừng. Đàn vượn vui, chạy quăng chân như múa trên bãi cỏ. Vượn biết sắp được ăn, đua nhau hú đinh tai.
Đến lúc ăn xong, người và vượn cùng nằm him mắt, sưởi nắng. Những con vượn ăn no, ườn ra phơi nắng, gối lên nhau. Vượn con nằm nghếch lên đầu gối, lên bụng Tàm. Tàm nhìn lên khoảng trời xanh ló ra giữa cánh rừng. Lâu quá, quen rồi. Những sọt thóc để trữ ăn mùa chưa có lúa. Bây giờ thì ở mãi đây được. Tàm không nghĩ khi nào Tàm đi đâu. Đi đâu. Đã mờ mờ dần, đi đâu? Tàm ở với đàn vượn cũng giống ngày trước ở với cả nhà dưới bè trên mặt sông. Đàn vượn như anh em chị em nằm sưởi nắng chen nhau quanh Tàm. Tàm áp má xuống cỏ, ngủ say. Không biết bao nhiêu lâu. Một lúc, Tàm nghe tiếng rít, tiếng hú. Tàm đã quen tai nghe vượn gọi nhau như thế. Tàm từ từ mở mắt. Tàm trông thấy đàn vượn nhảy choi choi giơ chân trước, há miệng gào quanh Tàm. Chưa trông thấy đàn vượn đùa lạ thế bao giờ. Tàm lặng lẽ nhìn vượn mẹ, vượn con. Những tiếng rít, tiếng rống lộng óc. Những hàm răng vượn nghiến kèn kẹt. Tàm không hiểu thế nào. Rồi thình lình cả đàn chạy biến mất vào rừng. Tàm lẩm bẩm:
- À mẹ con nhà vượn rủ mình đi kiếm quả ăn.
Nhưng giữa lúc ấy, Tàm chợt cảm thấy là lạ. Tàm quay mặt ra phía rừng hôm trước có đàn phượng hoàng đất bay ra. Tàm trông thấy một đám người lố nhố vào. Tàm thoáng nhớ, Tàm nhớ ra đàn vượn đã đánh hơi biết khác, đã rủ Tàm chạy. Mà Tàm không biết. Tàm đứng phắt dậy. Tàm chạy. Những tiếng kêu đuổi theo.
- Có phải người đấy không? Phải người đấy không?
- Đừng chạy! Đừng chạy!
Một bọn đã chắn ngang phía rừng trước mặt. Đã lâu không nghe tiếng người. Tiếng vỡ oang oang, không biết ai hét, ai nói. Tàm líu chân lại, không bước được. Tàm đứng sững ra đấy. Người các phía kéo đến. Tàm dần dần nhớ ra nhận ra hình như những người đấy là bọn phường săn. Phường săn lưới, cả săn nỏ. Những cánh nỏ, những ống tên dài vút. Tàm là con nai, con hươu, lưới và nỏ quây quanh. Tàm chợt nhớn nhác, co chân, lại toan chạy. Một ông lão tóc bạc phơ, quấn khăn chàm, bước ra, nói:
- Đừng sợ! Đừng sợ!
Những ngày nắng ấm, vua chủ thường về đi săn với các phường làng ở những cánh rừng ven sông. Toàn quân phường săn với người làng kéo vào rừng hôm ấy, từ đằng xa, đã trông thấy đàn vượn, trong đàn có con vượn trắng. Vượn trắng thật hiếm. Chẳng ai đã được thấy vượn trắng. Chỉ nghe nói người đời trước có lễ nộp vua Tần phải đi lùng rừng tìm vượn trắng. Năm nào, vua Tần cũng đòi cống vượn trắng. Thế là các lưới quây lại con vượn trắng của hiếm. Vào gần đến nơi, mới nhìn ra không phải vượn trắng. Mà đấy là người. Trong phường săn có nhiều người ở bờ sông Lú, nhưng không ai còn có thể nhận ra, cũng không ai ngờ được đấy là con bé cái Tàm ngày trước sống sót đã chạy được vào rừng. Phường săn các ngả mỗi lúc kéo tới một đông. Họ đứng quây quanh. Bây giờ, thật là đứng trước một người, ngang lưng quấn những đệp tơ dứa, tơ duối trắng bạch lô xô như mớ rạ. Người con gái đẹp lồ lộ. Tay lấm bùn đến khuỷu mà cánh tay nuôn nuốt trắng ngần. Người con gái lắp bắp, run rẩy, ú ớ:
- Quân... Tần... Phường... săn...
Những người xung quanh nghe không rõ. Lâu lắm, Tàm không nói tiếng người, tiếng nhớ tiếng quên mất rồi. Mà những người trẻ cũng không còn mấy ai nghe nói đến quân Tần, cũng chưa nghe ra thật. Chỉ có ông già phường cả đã nghe rõ, chợt hiểu, bèn nói to:
- Không, không phải quân Tần...
- Quân Tần...
Ông già lại nói:
- Không, không. Ta là phường săn.
Tàm lắc đầu.
- Cháu chạy vào rừng từ năm giặc Tần à?
Tàm gật đầu. Ông lão thở dài.
- Đã ngoài mười năm rồi. Các chú này không nhớ mấy đâu. Đến ngày được bình yên, tưởng người các làng ở rừng đã ra hết cả rồi. Cháu là con cái nhà ai?
Tàm đã bạo hơn lúc nãy và nghe lại tiếng người cũng đã quen, nhớ dần.
- Cái Tàm...
Ông lão vỗ trán, rồi hỏi to:
- Nhà Tàm ở bè à? Nhà cháu chết cả rồi mà...
Tàm không biết trả lời thế nào. Chỉ nói buông gióng một:
- Không.
Một toán quân nữa kéo đến. Cả nhiều người làng. Nhưng cũng chỉ còn có mấy ông già mang máng biết tung tích đứa trẻ ngày trước mà thôi. Mọi người cứ trố mắt, lạ lùng thấy một cô gái như tiên sa đứng giữa rừng. Lại băn khoăn không thể hiểu được đây là người hay là ma, hay đây thật là cô tiên trên trời sa xuống. Dần dần, nhiều người run sợ, không biết thế nào. Mấy người vác đến một sọt trầm, đổ xuống bên tảng đá còn lỏng chỏng mấy ống nứa lam cơm. Khói trầm dâng lên, thơm ngào ngạt. Mọi người cùng sụp ngồi, rạp đầu xuống vái cô tiên. Những người khác vào rừng chặt tre, buộc được cái kiệu, có đòn bốn người khiêng. Ông lão nói:
- Thuyền vua chủ ta đậu ngoài bờ sông.
Đám người dắt Tàm ngồi lên kiệu rồi chạy thoăn thoắt ra cửa rừng. Tàm hớt hải quay đầu lại. Không trông thấy đàn vượn đâu. Tàm bưng mặt khóc. Những người khiêng kiệu vẫn phóng đi như ngựa. Tàm không thò chân nhảy xuống được. Đống trầm trong cửa rừng còn lui hui khói. Đi đâu thế này. Tàm ơi, người ta mang mày đi đâu. Tàm hốt hoảng ôm mặt khóc rưng rức. Chẳng biết đàn vượn kia vẫn đương bíu nhau, ngấp nghé trong rừng nhìn ra. Hay còn hãi người săn quá, đã ẩn lên tận vách đá nào.
* * *
Đêm trăng xuống mờ mờ. Cạnh bức tường đất thành ốc lượn tròn, có một bóng người cắm cúi bước lên. Đến một chỗ trống, trông rõ đấy là Cao Lỗ. Vai Cao Lỗ đeo chiếc tay nải. Như người đường xa lỡ chân khuya mới về, còn len lỏi tìm xuống phường bên kia hỏi nhà chứa trọ. Cao Lỗ lần theo vòng thành xoáy dần lên cao. Đến một đầu tường, chỗ có ụ canh bỏ không. Cao Lỗ đứng lại. Phía trước mặt, bên rặng bờ rào xương rồng mọc chằng chịt, nổi lên bóng một bức tường đầu nhà. Cao Lỗ rút ở tay nải đeo vai ra một ống sáo. Tiếng sáo thanh thảnh, véo von giữa trời nước mịt mùng bát ngát. Tiếng sáo làm cho ánh trăng bỗng nõn nà. Dường như làm cho người nghe thấy lại dưới trăng trời đất rộn ràng năm nao, những đám trai gái trong thành ngoài cõi đương tấp nập kéo đá ong, đội đất đắp thành. Tiếng sáo làm gợn dần lên trên bức tường đen sẫm một khoảng tròn trắng mờ như có một vừng trăng nữa ai mới cời lên treo cao cao ở đấy. Cao Lỗ bước tới chỗ chân tường dưới song cửa tròn, có vòng sáng ánh đèn trong cửa vừa rạng. Tiếng hát đâu đây, rập rờn như sóng nước. Ai đi nhớ Về thương Ai nhớ ai thương ai. Im lặng một lúc. Tiếng người cách tường, phảng phất. Bóng Tàm ló ra trên cửa, nhìn xuống.
- Mình khăn gói đi đâu kia?
- Tôi phải đi đi cho khuất mắt vua chủ.
- Đi đâu?
- Tôi phải đi.
- Mình nói sao?
Tàm khóc. Tiếng Cao Lỗ như giục giã:
- Chúng mình cùng đi.
- Em từ thuở bé, ở rừng lớn lên, rồi vào cung cấm, coi như đời người đã bỏ đi rồi.
Tiếng gà gáy eo óc. Trăng đã xế xuống dải bãi ngô bên kia sông. Bóng nước lẫn vào lá ngô óng ánh, lẫn lộn.
- Mình đi, thì ai người can ngăn vua chủ bây giờ? Không, mình đừng nên đi.
Im lặng.
- Mình ơi, mình đừng đi.
Cao Lỗ đứng im, ngước mắt. Nhưng không trông thấy vòng cửa sáng tròn trên đầu. Một lúc lâu. Cao Lỗ tần ngần rồi nhấc tay nải, khoác lên vai, bước lấp bóng xuống những bậc thành lúc nãy vừa lên.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!