Gã tép riu Chương 41


Chương 41
Tùng biết trong cuộc đời này, mình chỉ là gã nhãi nhép, gã tép riu. Trong ván cờ này, mình chỉ là con tốt.

Rất lạ là không phải chỉ có Tùng mà tất cả những ai đến các cơ quan Đảng đều có ngay cảm giác nghiêm trang, nghiêm cẩn. Còn đến các cơ quan chính quyền, dù có đồ sộ, bề thế, hoành tráng, sang trọng đến đâu cũng không có cảm giác ấy. Có lẽ bởi, vị thế của hai bên khác nhau. Bên lãnh đạo, bên quản lí điều hành nên một bên cao xa hơn, một bên gần gụi, thực tế hơn. Trong tâm trạng ấy, khi bước vào phòng họp thường vụ, nơi không một ai trong hầu hết các đại biểu đến dự từng đến ngoài chủ nhà, Tùng bị mất cảm giác tự nhiên. Có cái gì đó nhắc mình phải cẩn trọng, giữ gìn. Sau này trao đổi với mấy bạn đồng nghiệp báo chí, họ cùng có cảm giác ấy. Hội nghị tổng kết hoạt động báo chí xuất bản Thành phố do Ban chủ trì sáng nay, không chỉ gây nên cảm giác lạ như thế về địa điểm mà còn lạ lùng về hai vấn đề đặt ra sau bản báo cáo phát cho mọi người

Thế là có việc cho mày phản biện rồi Gã tép riu ơi. Anh cảm thấy mình luôn luôn rơi vào tình trạng thiểu số. Gần như một mình đối lập lại tất cả. Thế nên cứ luôn phải đấu tranh xem có nên nói không. Nói thì không được gì, mà mất nhiều, thậm chí mất sạch. Lại tự an ủi, chỉ mất với những người đứng ra chủ trì, với cấp trên thôi, chứ không phải với bạn bè đồng nghiệp. Nếu được ? chỉ được cho công việc, chả được gì cho cá nhân.

... Lần Hội Nhà báo Thành phố tổ chức hội thảo gần đây cũng vậy. Đọc xong báo cáo để dẫn, Tùng ngạc nhiên. Không lẽ lại có sự nhầm lẫn đến mức ấy. Sao lại coi phong cách là đạo đức, nghĩa là bàn về đạo đức người làm báo. Rồi dẫn đến vấn đề, báo chí chống tham nhũng, có làm dược không? Vì sao làm chưa thật hiệu quả?

Cũng để cho mọi người tham luận đã. Cả mấy người phát biểu trước đều hoan nghênh cuộc hội thảo, đều nhất trí với báo cáo để dẫn. Truyen8.mobi

Vị lãnh đạo to nhất Thành phố ngồi kia, không nhẽ để cho vị ấỵ nghe những điều trái tai của mình. Như thế sẽ làm cho người chủ trì không bằng lòng, vì họ sẽ bị bẽ mặt. Mà không nói thì thà đừng vác mặt đến còn hơn. Đến dự mà lại không dám nói những suy nghĩ đã chín trong đầu thì còn gì là mày nữa.

Tùng chỉ ra cái sai cơ bản là nhầm lẫn khái niệm Phong cách là nói về những nét riêng, độc đáo trong lao động sáng tạo của giới văn nghệ sĩ. Cũng có thể vận dụng vào lĩnh vực viết báo. Nhưng rất hiếm tìm được phong cách của một nhà báo, vì viết báo, tính sáng tạo hạn chế nhiều do phải đảm bảo tính chân thật khi cung cấp thông tin. Khi đã định hìng đúng thì quan trọng nhất là có kỹ năng viết tốt. Trong nghệ thuật sáng tạo và biểu diễn có hẳn một môn học gọi là phong cách học kia mà. Vì thế, không ai đặt vấn đề phong cách đối với người viết báo. Còn đặt vấn đề đạo đức nhà báo thì đúng rồi, trúng rồi! Nhưng phải nói rõ ra, nói thẳng ra.

Vấn đề báo chí chống tham nhũng thì anh cho rằng, báo chí nói chung không có vùng cấm. Đấy là về danh nghĩa, đúng như đồng chí Bí thư Thành ủy vừa nói. Nhưng nói riêng và trong thực tế, vẫn có những vùng, không có biển cấm nên vẫn được vào, nhưng không ai dám vào. Đấy chính là lãnh địa của cơ quan chủ quản. Trên lãnh địa ấy, về cơ chế, về tổ chức, và cả về đạo đức, có cho kẹo cũng không một tổng biên tập của cơ quan chủ quản nào dám bén mảng tới. Nói nôm thế này: Gì thì gì, con cái không bao giờ “đánh” cha mẹ.

Với báo chí Thành phố, tình hình ấy lại càng rõ, nhất là theo chỉ đạo của Ban, thì chỉ nên phản ánh những vấn đề địa phương mình. Do vậy, tình hình ấy lại càng nặng nề hơn. Không ai biết rõ cơ quan chủ quản bằng báo của nó. Nó ở trong chăn nên biết đến mức, có thể đếm được bao nhiêu rận kềnh, rận càng, rận ông, rận bà, rận bố, rận mẹ, rận con. Nhưng nếu nói ra thì thôi rồi tổng biên tập ơi! Thậm chí, vì trách nhiệm công dân, trách nhiệm nhà báo, nếu quá bức xúc mà tuồn tài liệu nhờ báo khác đánh cũng vẫn không thể yên thân. Đã có không ít thực tế chứng minh rồi. Không có cách gì giải quyết được, trừ hai cách.

Nói đến đấy, Tùng dừng lại hơi lâu hơn, như mỗi khi anh vẫn dừng lại lấy đà cho bước giậm nhảy:

-        ... Cách thứ nhất, là thay đổi cơ chế bổ nhiệm. Hiện vẫn là cơ quan chủ quản tìm người có đủ tiêu chuẩn, trình Bộ và Ban. Khi cả hai bên chấp thuận bằng văn bản thì thủ trưởng cơ quan chủ quản mới ra quyết định bổ nhiệm (miễn nhiệm cũng vậy). Giờ, tôi đề nghị, khi Bộ và Ban đã đồng thuận thì chính Bộ ra quyết định bổ nhiệm (hoặc miễn nhiệm). Làm như thế sẽ tháo được, hay ít nhất cũng nới được cái vòng kim cô trên đầu các tổng biên tập.

Tùng dừng lại. Vẫn đứng như chờ đợi phản ứng của mọi người. Bí thư Thành ủy băn khoăn:

-        Cách làm thế mới quá, lạ quá, chắc khó được chấp nhận, vì nó động đến luật.

Tùng phân tích:

-        Tôi nghĩ cách làm nào hiệu quả thì ta làm. Cứ đi theo lối mòn thì làm sao bứt phá được. Không biết nước ngoài thế nào, chứ nước ta làm thế thì rõ là bó chân bó tay tổng biên tập rồi. Luật ta làm ra, sai, hoặc chưa phù hợp thì sửa thôi. Vấn đề là có dám sửa không. Chắc là không dám sửa, vì ta không công nhận báo chí là cơ quan quyền lực thứ tư như các nước phát triển. Nhưng, như đã phân tích, các tổng biên tập cũng rất cần có quyền độc lập tác nghiệp như các thẩm phán, kiểm sát viên bên ngành toà án và ngành kiểm sát. Mà hai ngành ấy cũng vẫn do ngành dọc cấp trên một cấp bổ nhiệm. Các chức thẩm phán, kiểm sát viên cao cấp, các lãnh đạo hai ngành ấy ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn do Chủ tịch nước bổ nhiệm kia. Còn Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, chánh án Toà án Nhân dân Tối cao còn do Quốc hội bầu kia. chứ không phải cơ quan cấp nào quản lý thì cấp ấy bổ nhiệm.

-        Thế còn cách thứ hai ?

-        Báo cáo, có các vàng tôi cũng không nói... Bởi chỉ có thay đổi cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm mà còn không dám làm thì...

-        Ý kiến rất khác lạ, độc đáo. Tôi đồng ý với đồng chí. Đồng chí cứ nói cho tôi nghe thử, với cương vị của mình tôi cũng có trách nhiệm về việc này.

-        Dạ… bây giờ, đồng chí có tháo chiếc nhẫn vàng trên tay tặng, bảo tôi nói, tôi cũng xin trả lại thôi. Nếu đề xuất thứ nhất được chấp nhận thì lúc đó mới nói để xuất thứ hai. Xin hết ý kiến.

... Bây giờ, Tùng phải lục trong trí nhớ ra một loạt việc làm cứ liệu cho lập luận của mình. Kể ra, nhận được báo cáo sớm thì có nhiều thời gian chuẩn bị hơn. Không biết có phải tự tin, hay là vấn đề nêu ra quá dở mà lần này Tùng động viên mình phát biểu đầu tiên. Nói đầu tiên, nhưng cũng phải để cho người điểu khiển chương trình hỏi hai ba lần, mất vài phút vẫn thấy không ai hưởng ứng, anh mới đứng dậy.

-        Về cơ bản, tôi nhất trí với đánh giá trong bản tổng kết hoạt động báo chí Thành phố. Còn hai vấn đề nêu ra, tôi xin có ý kiến. Vấn đề có nên bổ nhiệm lại các cán bộ chủ chốt không phải là đảng viên không ? Hiểu thế này, không biết có đúng không: cán bộ chủ chốt không phải là đảng viên thì xin nghỉ cho khỏe, để đề bạt các đảng viên vào vị trí ấy. Chắc là để đảm bảo tính tư tưởng, tính Đảng trong chỉ đạo cũng như viết tin bài.

Tôi nghĩ, ta nên phân tích cụ thể từng trường hợp cụ thể. Nếu người ngoài Đảng mà làm tốt, có những tác phẩm báo chí hay, có sức thu hút bạn đọc thì hà cớ gì phải thay. Đưa một đảng viên vào ghế ấy, chắc gì đã hay hơn. Liệu có gì bảo đảm được bạn đọc hào hứng đón nhận?

Thời kinh tế mới, Lênin từng nói, mình sẵn sàng đổi mười đảng viên lấy một nhà buôn giỏi cơ mà!

Đồng chí Suxlốp, người phụ trách công tác tổ chức của đảng Cộng sản Liên Xô trong một thời gian dài đã nói: kinh nghiệm của tôi là, càng ngày càng không phân biệt đảng viên với người ngoài đảng.

Còn Bác Hồ thì nói với hai Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và Phan Anh, chú ở ngoài Đảng có lợi cho Đảng hơn. Chú cứ yên tâm công tác.

Bây giờ, Đảng ta đã kết nạp cả những doanh nhân vào Đảng, các công ty, doanh nghiệp tư nhân cũng có chi bộ rồi. Ta còn có một ngày gọi là ngày Doanh nhân Việt Nam. Đầu năm mới nào, Thủ tướng cũng có cuộc gặp mặt đối thoại với các doanh nhân rồi!

Chúng ta đang có, không chỉ một, mà là một số tổng biên tập là người ngoài Đảng rồi.

Vấn đề thứ hai là việc một số báo giao cho người không phải của tòa soạn tổ chức thực hiện số chuyên đề, hay số cuối tuần mà bị gọi là bán cái.

Vấn đề là những người mua cái ấy là ai ? Họ cũng là anh em làng báo ta, giờ nghỉ hưu hay vẫn đang làm việc, tay nghề họ cao lại thừa năng lượng, trong khi anh em phóng viên mới vào, tay nghề chưa vững. Có phải bán cho… cho địch đâu mà lo.

Điều quan trọng nhất là, tổng biên tập có cầm trịch được không, có đảm bảo quy trình làm báo không ? Có duyệt bài vở, ảnh, makét, bản in thử không ? Nếu vẫn cầm trịch đươc thì lo gì ?

Chính Tùng cũng ngạc nhiên, không hiểu sao trong có mấy phút ngắn ngủi lại có thể hệ thống được tất cả những chuyện như thế, thành một lập luận chặt chẽ khó lòng bắt bẻ, lại nói khúc triết mạch lạc, không vấp váp, không ngắc ngư. Chi tiết nào cũng rõ ràng, chính xác. Và điều quan trọng nhất là anh tin mình đúng, mình được ủng hộ. Trước khi ngồi xuống, anh gọn lỏn một câu:

-        Nói dài quá rồi, xin cảm ơn!

Người điểu khiển chương trình cũng cảm ơn lại, rồi lại hô hào.

-        Mời các đồng chí tiếp tục phát biểu ý kiến.

Ngó trên ngó dưới, ngó trước ngó sau, nhìn cả phòng họp không thấy bàn tay nào giơ lên. Lại mời một lần nữa. Vẫn thế. Sau lần mời thứ ba, một tổng biên tập, ngồi tại chỗ nói gióng lên:

-        Ông Xuân Tùng nói hộ anh em hết rồi. Còn gì mà nói nữa.

Mà quả thật, không còn gì để nói. Bởi vấn đề quá đơn giản. Đơn giản đến mức không cần phải bàn thêm. Đơn giản đến mức, không nên đặt ra mới phải. Chả thế, ông Trưởng Ban và cả ông Phó Bí thư Thường trực, chỉ đạo hội nghị cũng không có ý kiến gì.

Tùng là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng phát biểu về mục này.

Anh lững thững ra bờ Hồ. Ngồi xuống chiếc ghế đá quen thuộc gần khóm lộc vừng chín gốc. Thả lòng mình xuống mặt hồ phẳng lặng. Tự mình nhấm nháp tâm can mình. Đây là lần đầu tiên mình vượt qua được chính mình. Lần đầu tiên dám vượt qua nỗi sợ hãi cố hữu khi đứng trước đông người

Đông người đã sợ. Nhưng còn xa mới bằng nỗi sợ giữa đông người đang ở những cương vị lãnh đạo trong một cơ quan lãnh đạo vào loại cao nhất Thành phố, ở một nơi mà chỉ cần nhìn tấm biển, chỉ cần bước chân vào anh đã phải dè dặt giữ gìn. Lại trong một hội nghị đủ mặt quan trên trông xuống người ta trông vào thế này. Bằng cảm nhận của mình! anh biết cả hai vấn đề đặt ra đều rất duy ý chí. Đồng nghiệp, chắc nhiều người cũng nhận ra. Nhưng vì sao họ không nói ra? Họ giữ mình. Họ sợ bị cô lập. Người đời sợ nhất bị cô lập giữa tập thể, giữa cộng đồng. Trong chi bộ, nếu có bè phái, người chân chính sẽ rất dễ rơi vào tình thế bị cô lập. Phút 90 khi biểu quyết, chẳng khác gì anh đã bị phán quyết. Từ phán quyết đến “hành quyết” chỉ còn là thời gian. Đấy là gốc gác, là nguyên nhân sâu sa của tâm lí đám đông. Tốt nhất là cứ theo đa số. Đây là lần đầu tiên, quan trọng nhất anh dám bộc lộ chính kiến trước một vấn đề chính trị nhạy cảm, để từ đó, tự tin vững bước trên con đường đã chọn.

Đấy là dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc sống nội tâm con người anh, để tự khẳng định bản lĩnh trí thức của mình trước mình, chỉ mình mình biết, không cần ai biết, kể cả vợ mình.

* * *

Có tiếng gõ cửa lấy lệ. Vừa ngẩng lên đã thấy bác chạy công văn đến bên bàn làm việc. Cầm chiếc phong bì bằng hai tay đưa cho Tùng. Anh cũng vội đưa cả hai tay ra đón lấy. Phép tắc cư xử của người muôn năm cũ đấy. Cả cơ quan ai cũng quý trọng bác.

Sao lại của Thành ủy nhỉ. Mình thì có việc gì liên quan. Không thể đoán được. Bóc ra xem thì biết ngay, việc gì phải đoán, mệt người. Cái thói hay nghĩ cũng đến khổ. Một cái giấy mời. Mời gì đây ?

Hóa ra Thường vụ Thành ủy mời Tùng tham gia tổ biên tập văn kiện đại hội Đảng bộ Thành phố. Anh mang giấy mời lên báo cáo Giám đốc. Ông có vẻ khoái:

-        Thế này là mày được Thành ủy để mắt tới đấy. Không khéo tao mất người đến nơi rồi.

-        Chuyện ấy anh không phải lo. Đi hay không là quyền em.

Thê' là, những việc anh làm đều được ghi nhận. Cả cái lần ở triển lãm mà ông Trưởng ban Tuyên giáo không nói gì, cả những lần ông ấy chủ trì giao ban mà anh phát biểu,... và gần đây nhất là ý kiến anh trong hội nghị tổng kết cũng đã nằm trong bộ nhớ của ông.

Coi việc này là một sự ghi nhận hay đánh giá đều đúng. Ngay buổi họp đầu tiên Tùng đã nhận ra việc được giao không phải là biên tập. Phải có bản thảo rồi mới biên tập chứ. Thế này là biên soạn chứ không phải là biên tập. Anh đề nghị Chánh văn phòng Thành ủy mời các giám đốc mấy ngành mà mình phải đảm trách lên, cùng với bản quy hoạch phát triển ngành, nghe họ trình bày để mình tham khảo thêm. Đề nghị được chấp thuận.

Tùng phải bò ra đọc các bản quy hoạch trước. Sau đó mới nghe báo cáo trực .Chưa bao giờ làm việc này nên phải làm quen với lối văn nghị quyết. Anh mang những bản nghị quyết của trung ương ra đọc, nghị quyết của Đảng bộ Thành phố khóa trước ra xem kết cấu thê' nào, bố cục thế nào. Nghị quyết có văn phong riêng. Nó phải chung chung, không cụ thể nhưng phải thật chính xác về ngôn từ, về khái niệm, không thể hiểu hai nghĩa. Nó phải toát lên được ý chí cách mạng tiến công, bừng bừng khí thế tiến lên phía trước, nên các từ hay được dùng phổ biến là: quán triệt, triệt để, quyết tâm, kiên định, kiên quyết, nhất định, tăng cường, nỗ lực, cố gắng, nâng cao, phấn đấu,... về cơ bản... tuy vẫn còn một số hạn chế.v.v...

Nắm đường hướng phát triển từng ngành qua văn bản rồi, hiểu được ý đồ của lãnh đạo từng ngành qua báo cáo trực tiếp, Tùng bắt đầu nghiền ngẫm phần được giao. Truyen8.mobi

* * *

Cái gì đầu tiên cũng gây ấn tượng mạnh. Những người gặp đầu tiên, công việc đầu tiên được giao. Phiên họp đầu tiên của tổ biên tập văn kiện với Tùng có cái gì đó như phải nghe ngóng, thăm dò, lại phải giữ ý, chờ đợi, vì không biết nó sẽ diễn ra thế nào. Cuộc họp này, gần như toàn những người gặp lần đầu. Không biết tâm trạng của những người có mấy cái đầu tiên ấy có giống Tùng lúc này không ? Nhìn ai vẻ mặt cũng thấy nghiêm trang. Đi đứng, cử chỉ, nói năng, chào hỏi đều có vẻ vừa thận trọng vừa quan trọng. Nụ cười xã giao cũng không. Không có gì làm ta cười được. Giả dụ có ai nói nhíu xóa đói giảm nghèo thành xóa đ... giảm ngòi hay trót có một cử chỉ gì đó buồn cười, đáng cười, chắc cũng không ai dám cười. Phiên họp đầu tiên, cũng như tất cả các phiên họp sau đều diễn ra trong không khí trang nghiêm tuyệt đối như thế.

Vị lãnh đạo cao cấp thứ hai Thành phố đã bước vào phòng họp. Mọi người đứng dậy, thay cho lời chào. Hệt như học trò đứng dậy chào khi thầy giáo vào lớp. Ông mời mọi người ngồi rồi tuyên bố bắt đầu làm việc.

Quyết định của Thường vụ, mời những người có tên trong danh sách vào tổ biên tập văn kiện được ông trịnh trọng công bố. Rồi ông nói tầm quan trọng của văn kiện này đối với hoạt động của toàn Thành phố trong suốt một nhiệm kỳ, do đó việc phải có một văn kiện vừa mang tính khoa học, vừa mang tính thực tiễn sẽ là đường lối phát triển của thành phố đưa Thủ đô phát triển lên một tầm cao mới. Rồi ông phổ biến kế hoạch làm việc, thời hạn phải hoàn thành để trình lên Thường vụ.

Hóa ra, cũng đã có một cái đề cương khá chi tiết, chắc là dựa vào cái sườn văn kiện đại hội trước. Đoạn mở đầu bắt đầu bằng câu: “Hà Nội là thủ đô, là đầu não, trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế lớn, trung tâm văn hóa lớn của cả nước...

Một câu như thế, ý tứ như thế đã định hình bao năm nay, thể hiện trong nhiều văn kiện đại hội. Đúng quá đi rồi, chuẩn quá đi rồi. Việc thông qua chỉ là hình thức...

... Trước đấy không lâu, Tùng đã dự một cuộc họp rất hẹp, để giải quyết một vụ rắc rối thuộc phạm vi chuyên môn do Sở, mà cụ thể là phòng anh quản lí. Nó rắc rối đến mức, đích thân vị lãnh đạo này phải đứng ra, triệu tập một cuộc họp do ông chủ trì. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, trưởng ban Tổ chức chính quyền cũng chỉ được mời tham gia như các thành phần khác.

Đó là việc sở chủ quản một cơ quan báo chí không thừa nhận tờ báo do mình đẻ ra. Do những mâu thuẫn nội bộ, ai cũng biết, nhưng lúc này không ai tiện nói ra nên bây giờ Sở này muốn “đuổi nó đi”. Ông Giám đốc đã gặp Tùng, thuyết phục anh ủng hộ mình trong việc này. Nhưng không xong. Đơn giản, chỉ vì ông này không hề biết gì về luật Báo chí. Cứ cho rằng, tổng biên tập chỉ là cấp trưởng phòng của mình, muốn xử lí, hay thuyên chuyển thế nào chả được.

Vào cuộc họp, Vị lãnh đạo chỉ định lần lượt giám đốc và hai phó giám đốc sở chủ quản phát biểu trước. Rồi đến tổng biên tập. Lẽ ra người thứ tư phải là giám đốc Sở Tùng thì ông lại chỉ định anh. Việc này đẩy anh vào một tình thế khó xử. Đành rằng như thế là ông đặt anh vào vị trí được tôn trọng về chuyên môn hơn cả thủ trưởng anh. Lẽ ra anh phải phục tùng, nhưng như thế sẽ là rất không hay với thủ trưởng mình.

Ông có quyền chỉ định, nhưng tôi có quyền giữ nguyên tắc ứng xử của tôi. Nghĩ vậy, Tùng xin phép để thủ trưởng mình nói trước cho phải đạo. Vậy mà ông cho phép, ứng xử như thế là rất được. Nếu ông lấy lí do, tôi đã cân nhắc rồi tìi bắt buộc Tùng phải chấp hành. Và thủ trưởng anh đành chịu trận. Ông đã không làm thế. Nể đấy.

Sau Giám đốc sở anh, đến anh. Sau anh mới đến Trưởng Ban, rồi đến hai Trưởng ban Tổ chức. Cuối cùng là ông Chủ tịch Hội nhà báo.

Chỉ mỗi Chủ tịch Hội nhà báo ủng hộ ý kiến anh. Còn tất cả mọi ý kiến đều ủng hộ việc chuyển tờ báo sang hội nghê' nghiệp cùng chuyên môn. Lý do, tất cả mọi ý kiến đều đồng thuận với nguyện vọng của hai “bố con” nhà kia: “Bố” (cơ quan chủ quản) muốn đuổi “con” đi. Con (tờ báo), đi thì đi, các anh tưởng tôi thích ở lại lắm à?

Tùng lập luận:

-        Nếu hai cá nhân mâu thuẫn thì điều một trong hai người đi, thông thường là cấp dưới đi hoặc điềểu cả hai đi. Đằng này là một tổ chức, hơn nữa là một tờ báo. Nó còn phải chịu sự điều chỉnh của luật Báo chí, không thể đuổi nó sang một tổ chức khác được. Chỉ có thể giải thể nó, mà muốn giải thể nó, phải có lí do chính đáng, vì tờ báo không chỉ là của cơ quan chủ quản mà còn là của bạn đọc, của dư luận, kể cả dư luận trong nước và nước ngoài. Tổ chức nào muốn nhận nó phải xin phép được ra báo. Nếu đủ điều kiện thì mới được cấp phép ra báo. Có thể, vẫn là tổng biên tập ấy, bộ nhân sự ấy, nhưng thủ trưởng cơ quan chủ quản mới, sau khi được phép của hai cơ quan cấp trung ương là Bộ và Ban mới ra quyết định bổ nhiệm khác.

Chắc vị lãnh đạo cho rằng, một việc “vặt” thế này, của Thành phố này, mình hoàn toàn có thể đều chuyển, nhắc khỏi chỗ này, đặt sang chỗ kia được. Vì thế, ông nghe theo đa số. Bỏ ngoài tai ý kiến chuyên môn của Tùng và ông chủ tịch Hội. Nhưng kết cục, ý đồ ấy không thành. Tờ báo bắt buộc phải giải thể.

Câu chuyện ấy hiện lên rõ mồn một lúc này trong Tùng. Anh mơ hồ nhận ra một điều, ở đây, ý kiến cấp trên là quyết định. Dù vậy, anh vẫn làm một phép thử. Những cuộc họp như thế này người tham gia chỉ lắng nghe, và phục tùng. Vậy mà Tùng giơ tay. Mọi con mắt đổ dồn về phía anh. Được phép phát biểu, anh đứng lên:

-        Nghe đoạn mở đầu, tôi nghĩ, đất mẹ Việt Nam như một cơ thể con người, nói Thủ đô là đầu não. Rất đúng, nhưng có lẽ chưa đủ. Tôi đề nghị thêm vào sau cụm từ ấy hai cụm từ nữa, là gương mặt và trái tim... Đầu não chỉ huy toàn bộ cơ thể. Gương mặt là những nét đẹp nhất, đáng nhìn ngắm nhất của người mẹ Việt Nam ấy. Gương mặt ấy phải được quan tâm chăm sóc đặc biệt hơn, phải có một chế độ riêng. Trái tim đất nước nơi hội tụ tâm hồn, tình cảm, mọi người dân Việt nên cũng phải có một chế độ riêng.

Anh chưa đủ tầm nghĩ đến luật Thủ đô như sau này đặt ra, nhưng anh tin linh cảm chính trị, lập luận của mình hoàn toàn đúng.

Không ai tán thành, cũng không ai phản dối. Có lẽ mọi người đang ngầm bảo anh là thằng gàn, thằng hâm, thằng hấp, thằng liều. Còn vị chủ trì cuộc họp (cũng sẽ là Trưởng tiểu ban Văn kiện) thì không phân tích, không phản biện không phản bác, ông trả lời ngay bằng một câu đơn giản.

-        Thôi, Thủ đô là đầu não cũng đủ rồi

... Sau mấy tháng, công việc biên tập văn kiện hoàn tất. Gần như tất cả các thành viên tổ biên tập đều được đề bạt. Tùng được mời sang làm việc ở văn phòng thành ủy.

Giám đốc hỏi:

-        Ý mày thế nào ?

Anh trầm ngâm:

-        Xem cung cách làm việc như thế, với tính cách mình, sợ nhất là em không còn là em nữa

* * *

Tùng biết trong cuộc đời này, mình chỉ là gã nhãi nhép, gã tép riu. Trong ván cờ này, mình chỉ là con tốt. Một gã tiểu tốt vô danh, do chịu nghĩ, chịu vắt óc suy nghĩ, cái gì cũng nghĩ kỹ càng, kỹ lưỡng, nghĩ đến nơi đến chốn, nghĩ đến cùng kỳ lí nên đã trở thành một gã tiểu tốt... có danh. Mà đã là con tốt thì chỉ có tiến lên, không được phép lùi một bước. Con tốt này không sợ bất cứ ai, kể cả tướng, sĩ, tượng xe, pháo, mã. Không sợ bất cứ thế lực cường quyền nào, cứ tả xung hữu đột giữa bàn cờ. Ngẫm lại từ thời gian sang đây, gã đã làm đúng tinh thần, đúng cốt cách của con tốt. Dù gã biết có người đã bảo, gã chỉ làm được những chuyện chữ nghĩa lặt vặt, không làm nên nghiệp lớn, ý là không lên cao được. Thì gã có ham hố gì chuyện được đề bạt, chuyện được khen thưởng đâu. Kiểm lại những việc lặt vặt đã làm, gã thấy bằng lòng với mình, bởi lẽ, lặt vặt nhưng có ý nghĩa, có tác dụng thật sự cho Thành phố này, Đất Nước này. Thủy cứ lên đi, lên nữa cũng được. Nếu có kẻ nào so sánh địa vị của vợ chồng gã thì gã dám nói: thế các vị có so sánh sự hữu ích, hữu dụng và nhân cách của hai người không?

Nếu được mọi người tôn trọng phần nào, chính bởi cái được ấy chứ không phải quyền chức đã dành. Nhưng chắc chắn gã còn có lí do để được tôn trọng, ấy là nhân cách làm người. Gã chưa từng làm gì để phải hổ thẹn với mọi người. Cũng chưa phải hổ thẹn với chính mình. Lắm người, đi là cứ đi, cắm cúi đi, hùng hục giẫm đạp lên tất cả mà đi, cố đạt đến đích. Mà cái đích của họ thì vô cùng. Đích quyền lực là vô cùng, đích danh tiếng cũng vô cùng, đích lợi ích cũng vô cùng, mà hám sắc cũng vô cùng. Gã không có chí 3500 làm quan, không có gan làm giàu, cũng không quá hám sắc. Thậm chí còn có phần cảnh giác. Không phải chỉ vì Nguyễn Du cảnh báo, càng hồng nhan càng bạc mệnh, càng đa đoan. Lấy được vợ nhan sắc đã khó, giữ được vợ còn khó hơn. Người con gái càng chăm chút vẻ hình thức thì càng lơ là về nội dung. Có một thứ trang sức rất quý là sự im lặng thì lại rất ít người dùng. Gã chọn Thủy vì chị không quá đẹp. Chỉ ở mức kha khá. Dự cũng chỉ là cô gái có chút nhan sắc. Ngẫm lại quãng đời đã qua, gã nhận ra, mình chỉ có một thích thú đặc biệt. Nếu việc gì cho là đúng, là phải, là hữu ích thì quyết làm bằng được. Không phải cho mình mà cho xã hội. Không cốt để nổi danh đã đành, cũng không được lợi lộc gì. Gã coi kết quả của những việc ấy mới làm nên giá trị đích thực của bản thân mình, phẩm giá con người mình. Nếu lấy thang giá trị này mà so, gã có quyền tự hào hơn nhiều vị mũ cao, áo dài khác.

Chả thế, trong loạt bài phê phán Thành phố cho người nước ngoài xây khách sạn kín quanh một cái hồ thiêng, gã đã dám giật tít cho bài báo của mình: Phải chăng Hồ Tây chỉ để dành cho Tây?

Bây giờ, lại có một việc, gã đang nát óc cân nhắc xem có nên làm không. Nên thì hẳn là nên rồi, nhưng liệu có thành không? Mấy việc trước thì được. Việc này thì chưa chắc. Và một điều nữa phải tính đến là, liệu có bị quy kết là chống đối không? Đấy là điều sợ nhất đối với một công chức đảng viên. Sợ nhất, bởi dễ bị quy kết nhất. Mà đã bị quy kết thì cũng dễ bị tội nặng nhất. Lật đi lật lại, gã tự nhủ, không thể! Gã không hề chống lại việc chính quyền làm, gã chỉ đưa ra một lời khuyến nghị là không nên làm thôi. Dù chỉ là một cái bộ quèn, một trí thức quèn, nhưng gã luôn có ý thức đối lập trước những việc làm không phù hợp, không vì lợi ích lâu dài lợi ích văn hóa cộng đồng. Gã có quyền có ý kiến phản biện chứ. Các anh còn lạ gì bản chất con người gã. Gã phản đối mọi sai trái trong cuộc đời này, dù đó là sai của vợ gã, của Thủ tướng hay bất kỳ ai.

Với tư cách cán bộ, dù chỉ là cuối cán đầu binh, gã cũng là người có mẫn cảm chính trị. Với tư cách đảng viên, gã cũng là người trung thành, trung thực. Với tư cách thấp nhất, cũng là cao nhất - tư cách con người, tư cách công dân xem có nên làm không, thấy càng nên làm. Liệu có làm mất ổn định chính trị  xã  hội  trong Thành phố, như thông thường người ta vẫn quy kết không ? Cái mũ ấy rộng quá, gã không đội vừa.

Nhưng nếu lần này thua, gã sẽ mất hết. Gã thân cô thế cô, một mình chống lại tất cả, chống lại cả một hệ thống chính quyền từ thấp nhất đến cao nhất. Gã sẽ thành một kẻ thân bại danh liệt, thân tàn ma dại. Nếu không vào nhà đá thì cũng bị cách chức xuống thường dân. Không sợ. Bị khai trừ Đảng! cũng chẳng sao, chỉ mang tiếng thôi. Thời buổi này, việc khai trừ không quan trọng bằng lí do khai trừ. Gã sợ nhất là bị dư luận, bị đời này, đời sau coi khinh, nguyền rủa.

Tỉnh táo xem xét, gã thấy việc định làm thật sự nguy hiểm. Mà cũng chưa biết sẽ làm bằng cách gì cho đạt được ý mình.

Thôi, dẹp cái ý nghĩ ngông cuồng này đi. Mọi việc thế này cũng được rồi. Gã đã được mời vào tổ biên tập văn kiện. Dù không phải là đại biểu, cũng được mời dự đại hội, cũng được đeo trứơc ngực thẻ đại hội đỏ như mặt trời giữa trưa nắng. Oách rồi! Khối kẻ lác mắt. Việc bị Bộ nện một đòn bắt thu hồi xuất bản phẩm do gã cấp phép, cuối cùng cũng trắng án, bằng cớ là, trong Hội nghị Báo chí Xuất bản toàn quốc, danh sách đen ghi tên những tổ chức đơn vị vi phạm luật không có tên cơ quan gã, mà chỉ có tên tổ chức nọ, với tội danh không thực hiện đúng giấy phép được cấp.

Giờ còn mỗi việc gia đình. Cuộc trước vỡ thì cuộc sau thành. Cuộc sống vẫn thế. Nó được tạo nên bởi vô vàn những mảnh vỡ, mảnh ghép hàn gắn lại với nhau. Chỉ còn việc cứa đứt đục suốt là xong. Chuẩn bị đón đứa con ra đời. Trai gái đều được. Chỉ còn việc nuôi dạy nó nên người là vất vả thôi. Hạ cánh là vừa.

An toàn hạ cánh là ước nguyện của tất cả công chức trong bộ máy chính quyền này. Trâu chết để da, người chết để tiếng. Thiên hạ sẽ xem gã như một công chức không có điều tiếng gì. Có thể có một chút tiếng thơm. Chán vạn người quyền cao chức trọng, phải ra tòa, hay tòa gọi không ra, hoặc chỉ bị xử lí nội bộ. Chán vạn những kẻ cơ hội, không tài năng đức độ gì, chỉ giỏi xoay xỏa mà leo cao, giầu nứt đố đổ vách, không bị dư luận báo chí nhắc đến tên, nhưng trong câu chuyện của những người cùng thời, cùng cơ quan, đồng hương, đồng môn, đồng tuế vẫn cứ bị nhắc đến như những con mọt thóc, như những thằng hèn, những kẻ vô liêm sỉ. Còn gã ? Gã sẽ làm một thường dân... Khi làm cây mác cây chông/Khi thành biển cả, khi không là gì/ Thấp cao đâu có làm chi/ cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi/Ăn của đất, uống của trời/ Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin/ Ồn ào mà vẫn lặng im/ Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn/ Chỉ mong áo ấm no cơm/ chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành/ Hòa vào trời đất mà xanh/ Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.

Cứ như tác giả viết cho gã. Nó đúng với gã từng câu, từng ý. Đời vẫn thế, vẫn có những người nói hộ lòng nhau như thế. Người ta có thể nương tựa vào những điều như thế để vui sống cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay mà không phải ân hận điều gì.

Cứ tưởng thế là xong. Bẵng đi nhiều ngày, tự nhiên cô nhân viên thường trực cơ quan, thấy gã đi qua liền túm lấy ghi đông xe, hỏi một câu làm gã sững người:

-        Anh có biết, người ta sắp xây dựng một khu vui chơi giải trí ở ngay cạnh ngôi phủ thiêng bậc nhất thành phố không?

Không lẽ lại chối là không thì hèn quá. Nó làm gã đau đầu nhức óc mấy tuần rồi. Tùng đành nhận là có biết.

-        Thế sao anh không lên tiếng? - Cô ta hỏi như nhận ra một sự lạ ở con người này.

-        Anh phải lên tiếng như mấy vụ khác ở thành phố này mới phải. Ai lại để một khu địa linh đẹp nhất Thành phố, xung quanh bao nhiêu là đền chùa, phủ, miếu lại làm chỗ cho đàn bà con gái mặc một mảnh, hai mảnh, phô đùi, khoe rốn, hở hang đủ kiểu, thì còn ra thể thống gì nữa...

Không trả lời. Gã lầm lũi dắt xe vào sân, nhưng trong đầu đã bật lên một câu nói lái, mà mỗi khi vui hay bực tức gì, thế nào cũng bật ra: vui chơi giải trí gì, có chơi vui chỉ ả... thì có. Mà cái thằng ấy, một thằng học hành dang dở, chuyên đi phe vé máy bay, vốn liếng đâu mà bỏ ra cả trăm tỉ để xây dựng cơ chứ. Trong tay gã đã có một tập đơn với cả trăm chữ ký của bà con phường ấy. Một anh bạn bên Hội Cựu Chiến binh, được bà con tin cậy gửi cho. Anh ấy lại tin cậy, gửi cho gã. Đơn ấy đã gửi đi từ lâu, nhưng đã rơi tõm vào ao tù nước đọng.

Cái cô nhân viên thường trực gớm ghê này đã từng hỏi lái xe của Bộ trưởng hôm ông một mình một ngựa về Sở, là người phát ngôn không chính thức dư luận đấy. Không ch í n h thức, nhưng vẫn có giá trị, vì tính xác thực của thông tin và tính đúng đắn của thái độ. Vì thế, cô ấy hỏi cũng là dư luận hỏi mày đấy. Truyen8.mobi

Thời gian làm việc ở tổ biên tập văn kiện, được tiếp xúc với nhiều cán bộ lãnh đạo Thành phố, giờ gã có thể đến tháng các cơ quan chức năng hoặc gặp hẳn các cán bộ cao cấp, trình bày ý kiến. Liệu có nước non gì không? Hay được giải thích là, chúng tôi đã bàn bạc kỹ rồi, đồng chí nên rút lui ý kiến thì hơn.

Chắc chắn là thế.

Chỉ có một cách : châm ngòi nổ vào báo chí. Cho một tia lửa nhỏ, đốt chảy đồng cỏ rộng. Nhưng châm vào báo nào là chuyện phải cân nhắc. Báo nào cũng quen, nhưng thật ra chẳng thân báo nào, trừ tờ báo đã công tác. Tờ báo này cũng có uy tín, nhưng không phải là báo to, càng không phải là to nhất.

_ Không biết có nhiều người như gã, đi thì muốn đến nhưng miền đất lạ, mà ngồi lại chỉ thích những chỗ quen thuộc. Anh bạn ở một tờ báo to đùng và gã đã ngồi ở cái quán này từ nhiều năm nay. Vừa gần toà soạn, vừa được ngắm hồ. Chủ nhà hàng vừa xinh vừa lịch sự, mến khách. Trưa nay, gã lại gọi bạn ra đấy. Gã kể cho bạn việc mình cần cầu cứu.

Chăm chú nghe xong câu chuyện, anh bạn hỏi:

Thế dự án này, Thường vụ Thành ủy thống qua chưa? – Rồi! - Hội đồng Nhân dân thông qua chưa? – Rồi! - ủy ban trình Chính phủ chưa? - Rồi! - Chính phủ duyệt chưa? - Rồi!

-        Thế mà "bố” bảo tôi đăng để giết tôi à ? Ông có điên không đấy? - Thế thì tôi mới cần đến ông...

Bởi gã biết, đấy là một người tốt thật sự. Một trí thức đích thực, một nhà báo đích thực, coi trọng bản chất trí thức hơn chức vụ công chức ngàn lần. Rồi gã nêu tất cả lí do để lay động bạn. Nhất là, gã không hề có lợi ích gì trong ấy. Cái lợi ích nhóm này mà thành, sẽ nuốt chửng lợi ích cộng đồng, không phải chỉ của dân Thành phố này, mà là của dân cả nước. Gã nhắc lại với bạn là chính trong loạt bài về vùng văn hóa thiêng này, có bài đã đăng trên báo bạn, gã dám dùng cụm từ những kẻ lãnh cảm thẩm mỹ cộng đồng” để phê phán họ, ông còn nhớ không ? Nhưng vẫn không lay chuyển được bạn. Biết gã có lí đấy, nhưng.... Đã là công chức thì cũng phải tính đến hệ số an toàn cái ghế mình ngồi, không thể đánh đổi tất cả:

-        Tôi không thể mất hết để làm việc này cho ông được.

Có một truyện ngắn mang cái tên ấy. Bạn gã cũng là tác giả kịch bản sân khấu nên cố tình nhắc đến đây. Có thể thế thật. Mất hết. Mất sạch. Mất trắng chứ chả chơi - nếu tổ chức ra đòn. Gã nản quá. Trông bộ mặt thiểu não của gã, bạn an ủi:

-        Thôi, thiếu gì việc mà ông lại muốn vuốt râu hùm. Vuốt suốt từ hùm nhỏ tới hùm to, từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới... Nào, uống nốt cốc nước xoài đi rồi về ngủ cho khỏe. Mai nghĩ ra việc gì hay hơn nhớ!

Truyen8.mobi tiếp tục cập nhật đến bạn đọc chương tiếp theo một cách nhanh nhất. Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/16790


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận