Nhưng tôi đã gạt đi vì trước hết, nếu đứa trẻ đó tồn tại thì nó sống ở đâu? Có thể là nó được một gia đình nào đó nhận nuôi, nhưng trong trường hợp đó thì chắc chắn nó phải được khai sinh ở một nơi nào đó, chắc chắn phải có một dấu vết nào đó về sự tồn tại của nó. Không làm gì có chuyện có người nhận con nuôi mà không có giấy tờ gì cả. Thế mà trong hồ sơ lại nói rõ rằng cảnh sát điều tra không tìm thấy một thông tin nào về việc này. Tôi không nghĩ rằng có ai đó dám làm việc hoàn toàn bất hợp pháp là nuôi một đứa trẻ không tồn tại về mặt pháp lý trong vòng mười
Càng nghĩ thì tôi lại càng cảm thấy rằng túm tóc được gửi đến trong phong bì là một dấu hiệu đáng lo ngại. Có ai đó biết sự thật và nhắc lại điều đó cho Giselle Leguerche bằng cách này. Nhưng với mục đích gì?
Lúc tôi xong việc thì đã là bốn giờ sáng. Dường như xe ôtô của tôi tự lái về hướng quảng trường Nation, dường như nó đưa tôi đến nơi mà tôi có những mong muốn không thể nói ra.
Đó là giờ mà trên các màn hình máy camera chỉ có những hàng xe ôtô đỗ đều tăm tắp. Không có một bóng người trong hầm để xe ở quảng trường Nation. Phòng thường trực lắp cửa kính ở ngay sát cửa ra vào hầm xe, gần chỗ máy trả tiền tự động. Ông Leguerche nửa nằm nửa ngồi trong một cái ghế bành có chân xoay, quay lưng về phía cửa và đang chăm chú xem một quyển tạp chí có ảnh màu lòe loẹt. Tôi gõ nhẹ vào cửa kính để ông ta quay lại.
- Ông Leguerche à?
Ông ta đứng dậy. Vẻ mặt ngỡ ngàng của ông ta cho thấy rằng ông ta nhận ngay ra tôi.
- Chị muốn gì?
- Ông mở cửa ra được không? Tôi muốn hỏi chuyện ông mấy phút thôi…
Ông ta mặc một bộ áo liền quần màu xanh đậm có kéo khóa phía trước, chân đi một đôi giày cao cổ to và nặng. Ông ta chậm rãi gấp tờ tạp chí lại, mở ngăn kéo ra, cho tờ tạp chí vào ngăn kéo, và đóng lại. Chắc hẳn ông ta muốn tỏ ra rằng ông ta không việc gì phải tuân theo lệnh tôi. Sau đó, ông ta vặn chìa mở khóa cánh cửa chịu lực nặng nề rồi nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi giọng lạnh tanh:
- Có việc gì vậy?
- Tôi nghĩ rằng người ta đã báo cho ông bà biết rằng con gái ông bà đã được chuyển đến bệnh viện.
Ông ta im lặng hàng mấy phút liền, chắc là để suy đi tính lại thông tin vừa nhận được đó. Cuối cùng thì ông ta quyết định tuyên bố:
- Không, chúng tôi không được biết. Dù sao đi chăng nữa thì chúng tôi cũng không được phép đến thăm cho đến khi lệnh này hết hiệu lực và chúng tôi không có tin tức gì cả.
Tôi thấy rõ là cứ lòng vòng thế này thì sẽ chẳng có kết quả gì, nhưng khác với lần trước, bây giờ tôi không muốn chơi trò chơi này nữa.
- Ông Leguerche, chúng tôi có bằng chứng là chị Giselle con gái ông có một đứa con. Ông có biết nó ở đâu không?
Ông ta lắc đầu:
- Tôi cũng nghe thấy chuyện này rồi, từ lâu rồi. Nếu nó có con thì tôi không biết được là nó có lúc nào và ở đâu. Mà cảnh sát cũng không tìm thấy gì cả.
- Đúng như vậy. Nhưng chúng tôi có những bằng chứng mới, nhất là một tấm ảnh của cô Giselle đang mang thai.
- Thế tại sao bà lại đến nói chuyện này với tôi vào lúc bốn giờ sáng thế này? Tại sao bà lại không đến như lần trước để thông báo trước mặt vợ tôi? Tôi thừa biết mánh khóe này rồi. Bà định chia rẽ chúng tôi để mỗi người kể cho bà một chuyện chứ gì! Nhưng thật ra chẳng có gì cả. Chẳng có đứa trẻ nào cả, nó chỉ tồn tại trong đầu óc bà mà thôi!
- Anh bạn trai cũ của cô Giselle cũng biết là cô ấy có thai…
- Thế thì sao nào? – Ông ta gầm lên. - Thế thì có gì can hệ đến tôi nào?
-Vấn đề là anh ta đã trở nên một phần tử nguy hiểm. Anh ta có thể có ý định trả thù.
Ông ta nhìn tôi với một vẻ hoàn toàn miệt thị:
- Bà không cần phải lo cho tôi đâu. Tôi biết phải làm gì với bọn đó! Tôi sẽ không để chúng đến đây quấy rầy đâu!
- Tôi chắc rằng ông có súng?
- Tôi có giấy phép. Làm nghề của tôi thì cũng nên có súng.
- Thế bà Leguerche có giấy phép không?
- Tại sao bà lại nghĩ rằng vợ tôi có giấy phép mang vũ khí nhỉ?
- Thế ông không sợ rằng người ta có thể làm hại bà ấy à? Đêm nào ông cũng vắng nhà, muốn làm gì cũng thật dễ.
Vẻ mặt tái nhợt đi vì giận dữ, ông ta nhìn tôi chằm chằm như muốn đập nát đầu tôi. Có lẽ là tôi đã quá tự tin khi quyết định một mình đến đây. Ông ta không phải là một ông già trồng cây tỉa hoa để chờ tuổi về hưu. Đứng trước mặt tôi là một người đang sẵn sàng nổ tung.
- Bà nghe tôi nói này, - ông ta hằn học nói nhưng không hề lên cao giọng. – Tôi hoàn toàn không hổ thẹn! Tôi hoàn toàn không hổ thẹn về những gì tôi đã làm đâu! Nếu thời đó người ta để cho chúng tôi làm xong việc thì giờ này bọn chó má đó đâu vẫn yên vị ở đấy!
Tôi lùi lại một bước. Tôi không hiểu rõ lắm điều ông ta ám chỉ, nhưng những từ ngữ đó làm cho tôi nghĩ đến điều gì đó. Tôi thử hỏi cho chắc:
- Ông Leguerche, ông đã tham gia chiến tranh ở
Algérie à?
- Tao ở trong đội nhảy dù đấy. Làm gì được tao nào, con mẹ kia!
- Tại sao ông lại nói thô lỗ như vậy? Ở chiến trường thì có gì là phải xấu hổ đâu?
Ông ta nhìn tôi với vẻ nghi ngờ trước khi hiểu rằng tôi sinh ra sau cuộc chiến này và đối với tôi thì nó không còn có ý nghĩa gì nữa.
Ông ta ngồi phịch xuống ghế.
- Cô còn trẻ quá, cô làm sao mà biết được… Cô làm sao mà hiểu được tâm trạng của người ở chiến trường khi về đến quê hương và thấy rằng chẳng ai quan tâm đến cuộc chiến đó cả. Ai cũng chỉ tay kết tội những người lính như tôi, và bọn Ả Rập thì đầy rẫy ra như trêu ngươi. Chúng nó đến đây hàng đoàn hàng lũ, bằng tàu biển, cứ như là đất nước chúng ta để lại cho chúng không đủ rộng, chúng còn muốn cả đất nước của người khác nữa cơ. Tôi thề với cô rằng như thế cũng đủ để hết muốn làm người Pháp…
Tôi nhớ lại cuộc nói chuyện ở nhà ông ta. Như vậy chính ông ta là người đã không chịu đựng nổi quan hệ giữa Giselle với Amar Zitoun. Tôi không muốn phá vỡ không khí đối thoại này nên lấy giọng đều đều:
- Thế thì chắc là ông phải sốc lắm khi được biết rằng cô Giselle có thai với một người gốc Ả Rập?
- Không, nó không có thai với một thằng Ả Rập!
- Thế thì với ai?
- Nếu nó có thai với một thằng Ả Rập thì tôi đã giết thằng bé đó rồi.
Tôi cố gắng nói một cách thật nhẹ nhàng và hết sức thận trọng bằng cách dùng lại những từ mà ông ta vừa nói:
- Nếu thế thì ông đã giết nó rồi... Nhưng ông đã không làm điều đó…?
Im lặng. Tôi chờ câu trả lời trong khi ông ta quay ghế, mở ngăn kéo và bắt đầu giở tờ tạp chí ra xem với vẻ hoàn toàn không để ý gì đến tôi nữa.
Tôi nhìn trang tạp chí với rất nhiều ảnh vũ khí các loại, từ những khẩu súng tự động cho đến những con dao găm và những vũ khí vô cùng kỳ lạ mà ông ta có vẻ như đang nhìn ngắm một cách say sưa.
- Ông Leguerche à.
Ông ta ngẩng đầu lên một giây ngắn ngủi và nhắc lại:
- Tôi không giết đứa bé ấy.
Ông ta đá mạnh vào cánh cửa để đóng sập trước mặt tôi. Tôi không còn việc gì khác nữa là đi về nhà và cố gắng ngủ.
Khi tôi mở cửa sổ ra thì bên ngoài là nắng mùa thu rực rỡ. Một màn nắng ấm phủ bụi mờ lên Paris trong khi tôi ngủ khiến chiều Paris nắng như mùa hè. Ngày hôm nay là một ngày trời đẹp đến nỗi người ta tự nhủ là cần phải sống đã, ưu phiền bỏ hết sang một bên. Một ngày mà việc phải đi đám tang là một điều vô cùng khó khăn, nhất là khi ta biết rằng ta không phải là người được chờ đón.
- Nhưng mà cô đừng quan tâm đến điều đó làm gì! - Victor, ông hàng xóm của tôi mặc kimônô như một con bướm khổng lồ lượn đi lượn lại trong phòng khách bé tí. - Phớt đi!
Một trong những câu quen dùng của Victor là "Phớt đi" để thể hiện việc ông hoàn toàn coi thường ý kiến xã hội.
Tôi nhìn Victor hoa chân múa tay với một con mắt mệt mỏi. Tôi không thuật lại việc đã đi thám hiểm đến tòa tháp khu Defense. Tôi biết rằng Victor chắc chắn sẽ bắt tôi đi kiện, mà tôi thì hoàn toàn không có ý định phải giải thích này nọ. Tình hình đã quá phức tạp, không cần có người can thiệp thêm vào nữa.
Tôi tần ngần nghĩ rằng từ hôm qua tới giờ tôi không gặp Hugo, rằng anh ấy không tìm cách gặp tôi, rằng anh ấy không để lại tin nhắn. Đây là lần đầu tiên kể từ hai năm nay, từ hồi chúng tôi quen nhau đến giờ, mới có chuyện không dàn xếp được như vậy. Điều đó làm tôi có cảm giác hụt hẫng và buồn bã.
- Cô phải nghe theo cảm tính, - Victor cố thuyết phục. - Cảm tính của cô nói rằng phải đi dự đám tang thì cô phải đi. Cái ông Fabrice ấy muốn nghĩ gì kệ ông ta! Cô đến dự là tình cảm với người bị nạn cơ mà!
- Thật ra thì không phải tình cảm đâu, mà là cảm giác tội lỗi. Em xử sự thế là để cho lương tâm đỡ cắn rứt, trong khi đáng lẽ trước hết em phải quan tâm đến Hugo. Em đã làm anh ấy đau khổ nhiều rồi!
- "Làm đau khổ" à? – Victor tỏ ra quan tâm.
- Nhưng thế không có nghĩa là em nuối tiếc điều gì nhé, - tôi vội vàng nói.
Thật ra trong lòng tôi cũng không tin chắc lắm. Giá mà tôi có thể đi ngược lại thời gian, trở lại cái đêm đặc biệt ở cạnh máy pha cà phê ở sảnh chờ của bệnh viện Garches. Giá như khi đó tôi không nói đến việc mổ lâm sàng với anh lái xe trẻ tuổi đang khủng hoảng đó, mà chỉ hỏi anh ta có tiền xu để mua cà phê không thì sẽ ra sao nhỉ?
Nhưng rất may là Victor không nhận thấy vẻ bối rối của tôi.
-Thật tuyệt vời, - ông hàng xóm của tôi reo lên. – Tôi hy vọng là cô không nuối tiếc gì thật! Cô đã làm việc đúng với lương tâm của mình, cũng như tôi sẽ xử sự giống như thế nếu gặp phải một trường hợp như vậy, và chúng ta sẽ tống thằng cha đó vào tù!
- Bao giờ thì anh phải đến gặp thẩm phán?
- Ngày 16 vào lúc 16 giờ! Thế chẳng phải là một điềm báo trước là gì?
Tôi nhún vai, vẻ nhẫn nhục.
- Cô nghe này, cô không cần phải lên đứng ở hàng trên cùng với gia đình. Ta đứng ở phía cuối phòng, hoặc ở giữa cùng với bạn bè.
Tôi mở to mắt:
- Anh cũng đi à?
- Tất nhiên rồi! - Victor vừa tuyên bố vừa nhướn đôi lông mày được vẽ rất nghệ thuật. - Tôi thì hoàn toàn không có vấn đề lương tâm gì cả! Cách xử thế của tôi thì vô cùng đơn giản! Cô thì khác, cô yêu ông em của lão độc tài, như thế mới phức tạp…
Tôi chỉ nghe anh ta ba hoa một cách lơ đãng. Liệu tôi có thật yêu Hugo hay không? Cách đây hai ngày thì chắc chắn tôi đã thề là đúng như thế. Nhưng từ tối hôm qua thì tôi lại băn khoăn. Những lời trao đổi trong phòng làm việc của tôi làm cho tôi có điều gì đó khó chịu. Mà có điều lạ là tôi không thể không ngăn mình thầm so sánh giữa Hugo và Hakim. Tôi cố tự bảo mình là như thế thật không phải, rằng tôi gần như không biết gì về người kia, rằng ở tuổi này rồi mà tôi còn yếu đuối như một cô gái mới lớn, nhưng sự thật là Hugo không so được với anh.
Victor dừng lại trước ngưỡng cửa và quay lại vẫy tay:
- Cố gắng lên nào! Ta thay quần áo đi thôi, chứ nếu không sẽ bị muộn đấy.
Nhà Markovich làm gì cũng rất long trọng. Nhà thờ Saint-Cloud chật kín người đến dự đám tang từ khi quan tài còn chưa được đưa đến. Victor quyết định chọn chỗ chúng tôi sẽ phải đứng để sao cho phù hợp với lương tâm đạo đức của chúng tôi. Ông chen chỗ nọ chỗ kia, đẩy mấy người lùi ra đầu kia hàng ghế. Kết quả là chúng tôi có chỗ đứng ngay sát lối đi chính giữa, ngay giữa nhóm bạn bè, nếu như những người có mặt ở đây là bạn của Solange. Tóm lại là ai cũng bắt buộc phải thấy hai chúng tôi.
Đám tang diễn ra một cách trang trọng với một nhịp độ khá chậm cho phép tôi có thể quan sát một cách kín đáo những người đến dự. Sau khi thử "đo nhiệt độ" của gia đình Markovich đứng ở hàng đầu, tôi cố gắng đoán xem ai có vẻ đau khổ thực sự. Kết quả của việc điều tra quan sát này không mấy khả quan. Không ai trong cử tọa khóc cả, nhưng điều đó cũng không có ý nghĩa gì mấy. Tôi đoán là những người có mặt chủ yếu là những người quen, những người cùng chơi tennis, những người được mời đến nhà ăn cơm. Liệu ai biết được sự thật? Ai đã thử làm một việc gì đó?
Victor bấm tay tôi, nhưng tôi từ chối không đi lên vẩy cành dương trên quan tài, bởi tôi đã không có đủ can đảm để làm điều gì đó cho Solange khi chị còn sống. Nếu tôi lại còn làm thủ tục đó nữa thì thật là một điều hài hước không thể chấp nhận nổi. Tuy nhiên, tôi không thể không mỉm cười khi Victor làm dấu bằng cành dương nhúng nước thánh xong thì ngẩng lên nhìn Fabrice với một vẻ buộc tội. Tôi ngạc nhiên nhận thấy rằng Fabrice cúi đầu lẩn tránh. Victor đi về chỗ như một người chiến thắng với mái tóc trắng tết chặt đằng sau lưng.
Bên ngoài, mặt trời tỏa nắng sưởi ấm đoàn người từ nhà thờ ra. Hugo nói gì đó với Fabrice, đồng thời theo dõi những người mang quan tài ra ôtô. Hugo trông trắng nhợt, căng thẳng đến nỗi người khác có thể tưởng nhầm anh là người chồng mất vợ. Khi nhìn thấy tôi đến gần, anh ngừng nói và nắm tay tôi, nhưng không ôm hôn và bảo:
- Anh xin em, đừng làm chuyện gì to tiếng ở đây.
Tôi rút nhẹ tay ra:
- Anh nghĩ em là người thế nào vậy? Anh tưởng là em đến đây để làm chuyện đó à?
Hugo liếc nhìn ra phía sau, vẻ căng thẳng, dường như muốn chắc chắn là Fabrice đang bận việc gì đó. Tôi cảm thấy bị xúc phạm và hỏi:
- Fabrice bảo anh gì à?
Hugo nói với giọng năn nỉ:
- Anh xin em, đừng đến nghĩa trang làm gì.
- Nhưng em cũng có ý định ấy đâu!
Hugo nhìn tôi với một nụ cười gượng gạo:
- Anh xin lỗi em. Không phải lỗi của anh đâu, em biết quá còn gì. Nhưng Fabrice không muốn gặp em, mà bố mẹ cũng vậy…
- Em rất hiểu. Anh cứ yên tâm, không sao đâu.
- Cám ơn em, - Hugo nói nhanh với vẻ biết ơn. – Cám ơn em đã có lòng đến đây.
Tôi gật đầu và cảm thấy như đang rơi vào một trạng thái hụt hẫng hoàn toàn mới. Thật là buồn vì một người yếu đuối và vụng về như Hugo. Anh có vẻ muốn làm vừa lòng tất cả mọi người, đến nỗi tôi phải tự hỏi mình là anh liệu còn có ý kiến riêng nữa hay không.
- Anh sẽ gọi cho em, - Hugo nói thầm thì và hôn nhanh vào má tôi như một sự ban ơn.
Tôi nhìn theo Hugo đi theo anh trai và bố mẹ lên xe ôtô riêng, trong khi xe chở quan tài chuẩn bị lăn bánh. Victor ra hiệu muốn ra về. Tôi quan sát một lần cuối những người đang dần dần ra về.
Ai trong số họ biết sự thật?