Hồi Ký Tâm Si-đa Vượt Lên Cái Chết Chương 1


Chương 1
Hồi ký Tâm si-đa

Cuộc đời chị Tâm gắn với những người có HIV/AIDS. Cũng vì lẽ đó, không có gì ngạc nhiên khi chị bảo rằng đã “chết danh” với cái tên Tâm si-đa.  

Vươn lên từ vũng tối cuộc đời, chị Tâm đã làm được nhiều việc có ích cho đời. Nhưng bản thân chị, đã hơn 55 tuổi vẫn chưa một lần được chạm đến tấm giấy chứng minh nhân dân. Bao nhiêu thỉnh cầu của chị như rơi vào chốn thinh không. Gần suốt cuộc đời, chị chịu biết bao cay đắng trong thân phận một-công-dân-không-quốc-tịch…

Ngày ngày, chị vẫn chăm lo chu đáo cho các con, vẫn dấn thân không mệt mỏi trong những công việc xã hội. Có ai hay rằng, đêm đêm chị nơm nớp lo sợ căn bệnh nan y ấy bất thình lình đem mình đi, để những đứa con của chị thêm lần nữa bơ vơ. Dẫu vậy, chị luôn tâm niệm, còn sống giây phút nào trên đời là trái tim còn rộng mở yêu thương - như chính cái tên của chị: Hồng Tâm.

--------------------------

Thật may mắn cho tôi khi được chị Trương Thị Hồng Tâm tin cậy trao bản thảo hồi ký này từ những ngày chị viết từng chặp, từng hồi dang dở. Chị bảo tôi hãy cứ tùy nghi chỉnh sửa. Nhưng tôi chỉ dám thò bút sửa những lỗi chính tả hoặc ngắt câu, chủ yếu là ngắt đoạn. Chị nói nửa đùa nửa thật: “Hồi trước bỏ nhà đi bụi, chị đi bộ một mạch từ chợ Cầu Muối đến Chợ Lớn, không thèm nghỉ xả hơi. Câu văn của chị cũng lòng thòng như vậy đó”. Còn phần nội dung, tôi hoàn toàn tôn trọng. Chị Tâm có khiếu mô tả và cách kể chuyện lôi cuốn. Hơn nữa, đây là hồi ký của chị. Những điều được viết ra đều là gan ruột, là những gì xảy ra trong cuộc đời bể dâu, thăng trầm của chị.

Tôi nghĩ, sự chân thành xuất phát từ trái tim, tự thân nó đã có sức lay động trái tim người khác.

Tôi quen chị Tâm khoảng mười năm nay. Chị là một trong những giáo dục viên đường phố tận tâm, bền bỉ theo sát những con người bất hạnh sống lăn lóc ngoài đường để giúp đỡ họ. Từ khi nhận chăm sóc và nuôi dưỡng những đứa trẻ nhiễm HIV/AIDS như con ruột, chị đã phải thay đổi chỗ trọ, chỗ học cho con rất nhiều lần để tránh cảnh kỳ thị. Khi phát hiện mình mắc bệnh nan y, chị suy sụp, nhiều lần còn nghĩ đến cái chết. Nhưng sau một thời gian ngắn, chị đã hồi phục tinh thần. Chúng tôi lại thấy chị nói cười hoạt bát, khoe rằng đang cộng tác cho nhóm Nụ Cười - nhóm chăm sóc trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều người kinh ngạc về nguồn năng lượng dồi dào và nghị lực phi thường ẩn chứa bên trong một người nhỏ nhắn này. Dù cuộc sống bộn bề, thiếu trước hụt sau, chị vẫn âm thầm dành thời gian đi tiếp cận, chăm sóc cho một số bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối phải sống trong sự ghẻ lạnh của chính người thân.

Cuộc đời chị Tâm gắn với những người có HIV/AIDS. Cũng vì lẽ đó, không có gì ngạc nhiên khi chị bảo rằng đã “chết danh” với cái tên Tâm si-đa.  

Vươn lên từ vũng tối cuộc đời, chị Tâm đã làm được nhiều việc có ích cho đời. Nhưng bản thân chị, đã hơn 55 tuổi vẫn chưa một lần được chạm đến tấm giấy chứng minh nhân dân. Bao nhiêu thỉnh cầu của chị như rơi vào chốn thinh không. Gần suốt cuộc đời, chị chịu biết bao cay đắng trong thân phận một-công-dân-không-quốc-tịch…

Ngày ngày, chị vẫn chăm lo chu đáo cho các con, vẫn dấn thân không mệt mỏi trong những công việc xã hội. Có ai hay rằng, đêm đêm chị nơm nớp lo sợ căn bệnh nan y ấy bất thình lình đem mình đi, để những đứa con của chị thêm lần nữa bơ vơ. Dẫu vậy, chị luôn tâm niệm, còn sống giây phút nào trên đời là trái tim còn rộng mở yêu thương - như chính cái tên của chị: Hồng Tâm.

Quyển sách này đến tay bạn đọc là nỗ lực lớn của chị Tâm, của những tấm lòng nhân ái, những bằng hữu thân quen cũng như những người chưa từng gặp chị song vẫn nhiệt tình quyên góp, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để cuốn sách được ra đời.

Nhà báo Như Lịch

(Báo Thanh Niên)

--------------------------

Đầu năm 2010 là thời gian tôi thấy mình hạnh phúc nhất. Không hạnh phúc sao được khi bỗng dưng các con, trai có gái có, đem về tặng má Tâm đủ thứ quà ngày Tết. Nào hoa, nào trái cây, ôi thôi thì các loại bánh mứt. Rồi nữa, nào là bạn bè, ân nhân đến thăm viếng, tặng quà. Tất cả đều đến với tôi bằng những tình cảm yêu thương, đầy ắp nghĩa tình. Đối với tôi như thế là quá đủ!

Đúng ra tôi không dám viết cuốn hồi ký này, bởi cuộc đời tôi không lấy gì tốt đẹp. Những khó khăn và tồi tệ nhất trên đời, tôi đều đã trải qua. Chỉ mới 10 tuổi đầu, tôi đã ở đợ hết nơi này đến nơi khác, cực khổ trăm bề. Rồi những năm tháng sống cùng dì ghẻ phải chịu cảnh đòn roi, khiến tôi thêm hận người, hận đời. Hận thù và nông nổi đã giết chết tuổi trẻ của tôi! 14 tuổi tôi đã nghiện bạch phiến, lớn một chút thì bán “trinh”, rồi làm gái mại dâm… Tôi sống cuộc sống không phải của con người. Mãi cho đến năm 34 tuổi, lúc tôi đã không còn hình người, bất ngờ tôi được gặp một nhóm thanh niên trẻ. Ngay trên vỉa hè đường phố, họ dần “gột rửa” tôi, giúp tôi tìm lại chính mình. Tất nhiên, bản thân tôi cũng phải cố gắng vươn lên, nỗ lực rất nhiều để có thể trở về cuộc sống và để được sống như bao phụ nữ bình thường khác.

Tôi từng có dịp gặp chị Petrangười Đức, trong dịp chị sang Việt Nam làm việc tại Ủy Ban Phòng Chống AIDS thành phố Hồ Chí Minh. Biết được quá khứ của tôi, chị Petra động viên tôi nên viết hồi ký. Chị còn nói nếu tôi viết xong, chị sẽ cho in thành sách với nhiều thứ tiếng, chị sẽ bán giùm tôi, để tôi có tiền mua một căn nhà nhỏ cho tôi và các con cùng ở. Tôi không biết có đạt đến điều như chị Petra nói hay không. Nhưng dẫu sao tôi cũng muốn kể những gì xảy ra trong cuộc đời của tôi, bởi tôi hy vọng có thể giúp được ai đó tránh những va vấp như tôi trước đây.

Các bạn tôi ai cũng khuyến khích khi nghe tôi nói về dự định viết hồi ký. Vậy là tôi bắt đầu ôn lại quá khứ để viết những trang hồi ký này. Dù lời văn còn vụng về, còn sai nhiều lỗi chính tả (phải nhờ bạn bè sửa giúp), nhưng đó là sự thật câu chuyện đời tôi - một con người từ tận cùng dưới đáy xã hội, đã may mắn được những tấm lòng nhân ái dang tay giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi làm lại cuộc đời. Khi tôi viết lời kết cho quyển hồi ký này, tôi tin là linh hồn cô Nguyễn Thị Oanh vui lắm, vì khi còn sống cô từng nói với anh Nguyễn Văn Hùng – bạn tôi rằng: “Nếu Hồng Tâm chịu khó viết nhật ký công tác ngày, cô tin Tâm sẽ giỏi trong công tác xã hội”. Giờ đây, cô không còn nữa, anh Hùng cũng đã đi xa mãi không về. Và với những người còn lại, tôi tin là Cha Lê Ngọc Thanh, em Trần Công Bình… cũng sẽ hài lòng về tôi. Bởi hai mươi năm nay, tôi vẫn cố gắng sống tốt, làm tốt công tác xã hội mà cuộc đời đã giao trọng trách.

Trong suốt quãng thời gian tham gia công tác xã hội, trực tiếp tiếp cận với trẻ em đường phố, tôi tổng hợp một vài nguyên nhân khiến cho đường phố ngày càng nhiều trẻ em sống lang thang như sau:

 Một là: Cha, mẹ nuông chiều con quá mức. Họ không nhận ra con mình đang dần có những thay đổi bất thường: kết bạn xấu, đua đòi, ăn chơi trác táng... tất cả đều để chứng tỏ với bạn bè rằng mình là con cưng của gia đình, muốn gì được nấy và có quyền xài tiền như nước.

Hai là: Cha, mẹ lo làm giàu và cho con mình xài tiền quá sớm. Họ cho tiền mà không cần biết con sử dụng đồng tiền đó như thế nào. Đa phần họ cho rằng, trước đây gia đình khó khăn, con cái thiệt thòi, vì thế khi có của ăn của để, họ cần tạo mọi điều kiện để con cái không bị thua kém bạn bè. Có nhiều tiền một cách dễ dàng, trẻ nhanh chóng rơi vào con đường xấu, tụ tập hút chích ma túy… Đến khi cha mẹ phát hiện ra thì quá muộn!

 Ba là: Chính cha, mẹ có cuộc sống ăn chơi buông thả. Bày ra trước cặp mắt ngây thơ của con cái họ là những cảnh rượu chè, cờ bạc, trai gái, đĩ điếm... Cuộc sống của họ là “tấm gương” để con cái họ bắt chước làm theo, thậm chí chính họ còn hướng con cái theo lối sống của họ - một lối sống bệ rạc, thích tiêu xài và lười lao động.

 Bốn là: Cha, mẹ hành nghề bất chính. Người ta gọi đó là nghề “cha truyền con nối”. Những “nghề” buôn bán ma túy, chứa mại dâm… của cha mẹ được “truyền” lại cho con cháu họ một cách cố ý, hoặc giả không muốn thì cũng khó tránh việc chúng học theo bởi “gương treo trước mắt”. Tôi từng tiếp cận một gia đình trong khu vực “Cây da xà”, Quận 6. Cả nhà toàn làm chủ chứa mại dâm: từ cha, mẹ đến con trai, con dâu, con gái, con rể… tất cả đều “nổi danh” trong lĩnh vực này. Những người dân bình thường sống gần đều dè chừng gia đình họ. Không ai dám đụng chạm vì sợ vạ lây.

 Năm là: Cha, mẹ ly hôn. Cha và mẹ lo tìm hạnh phúc riêng, mạnh ai nấy sống, con cái mất điểm tựa. Mái ấm gia đình không còn chính là nguyên nhân đẩy các em ra đường phố. Các em lấy vỉa hè làm nhà; làm bạn với những đứa trẻ giống mình; “cha mẹ” là ma cô, chủ chứa; “nghề nghiệp” là trộm cướp, mại dâm... Vào tù ra khám là chuyện bình thường. Và càng vào tù ra khám, các em càng lọc lõi hơn, nhiều mánh khóe hơn để tồn tại trong cuộc sống nơi vỉa hè, đường phố.

Ngoài năm nguyên nhân trên - đó là theo cách nghĩ của tôi - có thể còn những nguyên nhân khác nữa. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là: Rồi từ đây, cuộc sống các em sẽ đi về đâu?

Sống trên đường phố bữa đói, bữa no, mạnh được, yếu thua. Các em phải sống dựa vào những tay anh chị, rồi tập tành hút chích, rồi trở thành đệ tử “nàng tiên nâu” lúc nào không hay. Trộm cướp, giựt dọc, giết người... là những hành vi khó tránh. Con đường các em gái dễ dàng bước vào là con đường mại dâm. Và như một điều tất yếu, các em nhiễm các căn bệnh xã hội, dẫu tuổi đời chỉ mới mười bốn, mười lăm.

Tôi từng chăm sóc nhiều em bị bệnh AIDS giai đoạn cuối đang sống ở vỉa hè hay công viên. Các em chỉ có một mơ ước duy nhất là khi chết đi có người thân bên cạnh. Dù nguyên nhân nào khiến các em rời bỏ gia đình, dù các em có cố gắng che giấu cảm xúc bằng vẻ mặt bất cần đời, thì các em vẫn không thể giấu đi niềm khao khát: khao khát được yêu thương trong mái ấm gia đình.

Và đây chính là lý do tôi quyết không bỏ cuộc. Tôi muốn các em có một “mái nhà”, được có giây phút sống trong không khí gia đình dẫu rằng cuộc đời của các em ngắn ngủi. Vì thế, tôi vẫn và sẽ tiếp tục công việc này, tiếp tục nuôi dạy những đứa trẻ bị AIDS và mồ côi vì AIDS. Xã hội đã dang rộng vòng tay bảo bọc tôi, tôi không có gì để đền đáp ơn nghĩa ấy. Tôi chỉ biết là mình phải cố gắng làm tốt công việc hiện tại. Đó là cách tôi trả ơn đời!

Tôi chỉ có một nỗi lo duy nhất: Các con tôi sẽ ra sao nếu một mai không có má Tâm bên cạnh? Tôi rất lo vì tôi biết sức khỏe của mình. Tôi cố gắng che đậy bằng những nụ cười khi ở bên các con. Tôi muốn quên đi nỗi đau của chính mình. Càng buồn, tôi càng tìm đến với những trẻ em thiếu may mắn. Tôi sẵn sàng chia sẻ những gì tôi có được với các em. Nhìn các em vui, tôi thấy lòng mình ấm áp lạ kỳ. Mặc kệ người đời, có kẻ nói vô người nói ra, có kẻ quan tâm có người ghét bỏ. Tôi chỉ nghĩ đơn giản: tôi dùng ruột gan tôi, kinh nghiệm xương máu cuộc đời tôi để dạy cho các em – những đứa trẻ bị bỏ rơi - tự biết cách đề phòng, bảo vệ cuộc sống của chính mình, không để người khác xâm hại đến thân thể mình, dù vì bất kỳ lý do gì.

 Mời các bạn theo dõi tiếp!

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/73890


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận