Jên Erơ Chương 20


Chương 20
Tôi đã quên không kéo màn cửa như thường lệ, và cũng không hạ mành xuống.

Đêm hôm ấy đẹp trời. Kết quả là khi vầng trăng tròn vành vạnh, sáng ngời, nhô lên khoảng trời đối diện với cửa sổ phòng tôi, và ngó nhìn tôi qua những ô cửa kính không che, thì ánh trăng vằng vặc làm tôi bừng tỉnh. Thức dậy trong đêm tịch mịch, tôi mở mắt ngắm vầng trăng trắng như bạc, trong vắt như pha lê. Thật là đẹp, nhưng cũng thực là trang trọng. Tôi nhỏm dậy, với tay kéo màn xuống.

Trời ơi, một tiếng kêu ghê gớm làm sao!

Một tiếng kêu man rợ, the thé, rít lên, phá tan cảnh đêm trường tịch mịch, vang khắp lâu đài Thornơfin.

Mạch máu tôi như đông lại, tim ngừng đập; cánh tay của tôi cứng đờ ra. Tiếng kêu đã tắt, không vang lên nữa. Thực vậy, dầu là ai đi nữa đã phát ra tiếng kêu khủng khiếp ấy cũng không thể kêu tiếp liền ngay được. Ngay cả con thần ưng khổng lồ nhất ở dãy núi Anđơ cũng không thể phát ra nổi liên tiếp hai lần một tiếng gào rít như thế, từ từng mây bao quanh tổ nó. Muốn cố gắng kêu lên như vậy lần sau, thế nào cũng phải nghỉ lấy hơi một lát đã.

Tiếng kêu phát ra từ tầng gác ba, vì nó vọng ở trên đầu tôi. Và cũng ở phía trên đầu - đúng, ngay trong căn phòng trên phòng tôi - lúc ấy tôi nghe có tiếng vật lộn; cứ theo tiếng động thì hình như là cuộc vật lộn sống chết, rồi có tiếng hổn hển kêu:

- Cứu tôi với! Cứu tôi với! Cứu tôi với! Ba lần liên tiếp.

Tiếng kêu lại tiếp: "Không có ai đến ư?" và trong khi những tiếng chân lảo đảo và giậm thình thịch lại tiếp tục mạnh hơn lên, tôi nghe rõ tiếng gọi vọng qua ván trần nhà:

- Rôchextơ! Trời ơi, lại đây mau!

Có tiếng cửa mở; một người nào đó chạy ra hoặc lao ra dọc theo dãy hành lang. Một tiếng chân khác dậm mạnh lên sàn trên gác và có vật gì đổ sầm xuống; rồi im lặng.

Mặc dù chân tay run bần bật vì sợ, tôi mặc áo vào, bước ra khỏi phòng. Mọi người đang ngủ cũng dậy cả.

Buồng nào cũng có tiếng kêu, tiếng rì rầm sợ hãi; các cửa buồng lần lượt mở toang; hết người này đến người khác ló đầu ra, hành lang đã đầy người. Các ông các bà khách đã rời khỏi giường; những câu hỏi lao xao tứ phía: "Ồ, cái gì thế?" - "Ai bị thương đấy?" - "Việc gì đã xảy ra vậy?" - "Thắp đèn lên nào!" - "Cháy nhà à?" - "Có trộm sao?" - "Chạy đâu bây giờ?". Nếu không có ánh trăng thì mọi người đã ở trong bóng tối mù mịt. Họ chạy tứ tung, túm lại với nhau; người khóc thút thít, kẻ vấp ngã; cảnh tượng hết sức hỗn loạn.

- Ông Rôchextơ đi quái đâu không biết? - đại tá Đen kêu lên, - tôi vào giường ông ấy tìm cũng không thấy.

- Tôi đây! - Tôi đây! - có tiếng trả lời vang lên. - Mọi người hãy bình tĩnh, tôi đến đây.

Và cánh cửa cuối hành lang mở toang, ông Rôchextơ tiến ra tay cầm cây nến. Ông vừa từ trên gác xuống. Một người chạy xổ lại, nắm lấy cánh tay ông; đó là cô Ingram.

Cô hỏi:

- Có việc gì kinh khủng xảy ra thế? - Nói đi! Cho chúng tôi biết ngay sự thể đi!

Nhưng chớ níu tôi ngã hoặc làm tôi chết ngất như vậy! Ông đáp, vì ngay lúc đó các cô Extơn đã túm lấy ông; hai bà quả phụ mặc áo rộng trắng toát cũng chạy về phía ông, trông như chiếc thuyền buồm căng gió. Ông Rôchextơ kêu lên:

- Có gì đâu! Có gì đâu! Đó chỉ là diễn tập lại vở kịch "Chẳng có gì mà lắm chuyện"(1). Nào các bà, xin lui ra hộ, không thì tôi phát khùng lên đây này.

Trong lúc ấy ông có vẻ dữ tợn thật, đôi mắt đen láy quắc lên. Cố gắng tự kìm hãm, ông nói tiếp:

- Một chị người làm trong nhà ngủ mê bị bóng đè, có thế thôi. Chị ấy là một người thần kinh dễ bị xúc động. Chị ta nằm mơ nhưng lại cho là thấy ma hiện hồn, hay một việc gì tương tự nên hoảng hốt đấy thôi. Bây giờ ai về buồng nấy, vì nếu trong nhà chưa yên tĩnh thì chưa thể nào săn sóc trông nom chị ấy được. Các quý ông, xin vui lòng làm gương cho các bà theo. Cô Ingram, tôi tin rằng cô sẽ vui lòng chiến thắng được sự sợ hãi không đâu này. Cô Amy và Luida, hãy quay về tổ của các cô, như đôi chim bồ câu đi. Và các bà nữa (quay về phía hai bà quả phụ) thế nào các bà cũng sẽ bị cảm lạnh, nếu các bà còn đứng ở ngoài hành lang giá rét này.

Và cứ như vậy, lúc thì dỗ dành, lúc thì ra lệnh, ông làm cho mọi người ai về buồng ấy. Không đợi ông phải ra lệnh, tôi kín đáo trở về phòng, cũng kín đáo như khi tôi bước ra.

Tuy nhiên, tôi không đi nằm; trái lại, tôi mặc áo vào cẩn thận. Những tiếng động và những câu nói tiếp sau tiếng kêu chỉ riêng tôi nghe thấy, vì đều phát ra từ căn buồng ngay trên buồng tôi; nhưng khiến tôi tin chắc đây chẳng phải là một giấc mơ của người hầu gái nào đã làm cho cả nhà náo động và khủng khiếp, và lời giải thích của ông Rôchextơ chỉ là một chuyện bịa đặt để làm yên lòng các vị khách. Cho nên tôi mặc áo để được sẵn sàng trước mọi sự cấp bách xảy ra. Mặc xong, tôi ngồi một lúc lâu bên cửa sổ, nhìn ra khoảng vườn tĩnh mịch và cánh đồng loáng ánh trăng bạc, cũng không hiểu mình chờ đợi sự gì. Tôi cảm thấy sau tiếng kêu kỳ dị, với cuộc vật lộn và tiếng gọi nọ thể nào cũng phải có một sự gì xảy ra.

Nhưng không, sự lặng lẽ trở lại; những tiếng rì rầm dần dần tắt hẳn, và độ một giờ sau, lâu đài Thornơfin lại im lìm như ở nơi sa mạc. Hình như giấc ngủ và đêm tối lại khôi phục quyền thống trị. Trong khi ấy vầng trăng xế dần, sắp lặn. Ngồi trong bóng tối lạnh lùng đã chán, tôi định cứ mặc nguyên cả áo như thế ngả mình xuống giường. Tôi rời khung cửa sổ và nhẹ nhàng bước qua tấm thảm; trong lúc tôi cúi xuống tháo giày, bỗng có tiếng khe khẽ gõ cửa. Tôi hỏi:

- Ai gọi đấy?

- Cô thức đấy chứ? Giọng hỏi lại là giọng nói mà tôi vẫn chờ đợi, nghĩa là giọng của ông chủ.

- Vâng, thưa ông.

- Vẫn mặc áo đấy chứ?

- Vâng.

- Thế thì cô ra ngoài này, khe khẽ chứ!

Tôi bước ra. Ôông Rôchextơ đứng ngoài hành lang, tay cầm đèn. Ông nói:

- Tôi cần đến cô, đi lối này; cứ thong thả không vội, và đừng làm cho có tiếng động.

Giày của tôi mỏng có thể bước lên trên sàn trải thảm nhẹ như chân mèo. Ông Rôchextơ rón rén đi qua hành lang, lên gác, và dừng lại ở chỗ hành lang tối om của tầng gác ba bất hạnh, tôi đi theo và đứng quan sát ngay bên ông.

Ông thì thầm hỏi tôi:

- Trong buồng cô có miếng bọt bể nào không?

- Có, thưa ông.

- Cô có muối không, muối xông ấy mà?

- Có.

- Cô về phòng và đem cả hai thứ lên đây.

Tôi quay về buồng tìm bọt bể trên bàn rửa mặt, muối xông trong ngăn kéo, rồi lại theo lối cũ lên gác. Ông Rôchextơ vẫn đợi tôi, tay cầm một chiếc chìa khóa; ông tiến lại gần khung cửa nhỏ, màu đen, và tra chìa khóa vào ổ.

Ông ngừng tay và lại hỏi tôi:

- Trông thấy máu cô không sợ chứ?

- Tôi chắc là không sợ; tuy tôi chưa hề gặp lần nào.

Trong khi trả lời tôi rùng mình, nhưng tôi không thấy rợn, cũng chẳng khiếp đảm.

- Cô đưa tay đây cho tôi, không thể để cho cô ngất đi được.

Tôi đưa tay cho ông nắm, "tay ấm và vững chắc", ông nói rồi quay chìa khóa trong ổ mở cửa.

Tôi thấy một gian buồng mà tôi nhớ trước đây đã có lần bà Fefăc chỉ cho tôi, khi bà dẫn tôi đi xem khắp nhà. Buồng có căng thảm; nhưng những tấm thảm bây giờ đã được vén lên một bên, vì thế lộ rõ ra một cái cửa mà dạo trước bị che lấp. Cửa để ngỏ, ánh sáng buồng trong chiếu ra. Tôi nghe trong ấy có tiếng gầm gừ, như tiếng chó cắn nhau, ông Rôchextơ đặt cây nến xuống bảo tôi: "Đợi một phút nhé", rồi ông đi thẳng vào buồng trong. Một tiếng cười bật lên đón chào ông, lúc đầu oang oang rồi kết thúc bằng những tiếng ha! ha! ma quái của Grêxơ Pun. Thì ra chị ta ở đây. Ông Rôchextơ thu dọn cái gì đấy nhưng không nói gì; tuy nhiên tôi vẫn nghe có tiếng người nói khe khẽ với ông. Ông ra khỏi buồng và khép cửa lại gọi: "Lại đây, cô Jên".

Tôi đi vòng đến mé bên kia một chiếc giường rộng màn buông rủ, che hẳn một phần lớn căn phòng. Gần đầu một chiếc ghế bành, một người quần áo chĩnh chệ chỉ thiếu có áo ngoài chưa mặc, ngồi trên ghế. Ông ngồi không nhúc nhích, đầu ngả về phía sau, mắt nhắm nghiền, ông Rôchextơ soi cây nến vào người kia; qua bên mặt tái nhợt hầu như không còn sinh khí tôi nhận người lạ mặt, ông Maxơn. Tôi cũng nhìn thấy một bên thân áo và một cánh tay áo đẫm máu.

Ông Rôchextơ bảo: "Cầm hộ cây nến, cô". Tôi cầm nến. Ông lại bàn rửa mặt lấy một chậu nước, ông lại bảo "Cầm cái này". Tôi theo lời. Ông lấy miếng bọt bể nhúng vào nước, rồi xoa xoa lên bộ mặt nhợt nhạt như xác chết, ông bảo tôi đưa lọ muối xông, rồi đặt miệng lọ kề sát mũi ông Maxơn. Ngay sau đấy, ông Maxơn hé mắt rên rỉ. Ông Rôchextơ cởi sơ mi của người bị thương ra; cánh tay và vai đã được băng bó, ông thấm máu đang rỉ chảy.

- Có nguy kịch lắm không? ông Maxơn lẩm bẩm.

- Ồ! có gì đâu, đó chỉ là một vết sây sát; đừng có lệt bệt thế, phải cứng cỏi lên chứ! Tôi đi mời thầy thuốc cho anh bây giờ đây, chính tôi đi. Tôi hy vọng sáng mai anh sẽ lên đường được. Này, cô Jên! - ông nói tiếp.

- Dạ, thưa ông.

- Tôi phải để cho cô ở lại đây với ông khách chừng một hoặc có thể là hai tiếng đồng hồ; khi nào máu lại rỉ ra, cô thấm đi, y như tôi đã làm đây. Nếu thấy ông ấy lả đi, cô hãy lấy cốc nước để kia, đặt lên môi ông, và cho ông ấy ngửi muối. Cô không được nói chuyện với ông ấy, bất cứ vì cớ gì - và Risa, nếu anh nói một câu tức là nguy hiểm đến tính mạng đấy, chỉ cần anh hé môi hay cử động, thế là tôi không chịu trách nhiệm gì về hậu quả đâu nhé.

Con người khốn khổ lại rên rỉ; trông ông ta hình như sợ không dám cử động. Vì sợ chết hoặc sợ một điều gì đó, ông ta gần như liệt hẳn đi. Ông Rôchextơ đưa miếng bọt bể đẫm máu cho tôi, và tôi thấm máu như ông đã làm. Ông ngắm nhìn tôi một giây, rồi bảo: "Nhớ nhé, không được nói chuyện!". Ông bước ra khỏi buồng. Tôi thấy một cảm giác kỳ lạ khi nghe tiếng chìa khóa quay trong ổ, và tiếng chân ông xa dần rồi tắt hẳn.

Thế là lúc này tôi ở trên tầng gác ba, bị nhốt kín trong một căn buồng bí hiểm; đêm tối bao trùm quanh tôi. Trước mắt tôi, dưới tay tôi là một cảnh tượng nhợt nhạt và đẫm máu. Tôi chỉ gọi là cách biệt với một mụ sát nhân có một cánh cửa, vâng, thật là kinh khủng - ngoài ra tôi có thể chịu đựng được hết; nhưng nghĩ đến chuyện Grêxơ Pun nhảy xổ vào tôi, tôi thấy rùng mình.

Tuy nhiên tôi cứ phải ở nguyên tại chỗ; tôi cứ phải ngó cái bộ mặt xác chết kia, đôi môi xám xanh mím chặt không được hé ra kia, hai con mắt lúc nhắm lúc mở khi đảo quanh khắp buồng, lúc lại chằm chằm nhìn tôi, nhưng bao giờ cũng đờ đẫn vì khiếp đảm. Tôi cứ phải luôn luôn dúng tay vào chiếc chậu nước pha lẫn máu để thấm những giọt máu ri rỉ chảy ra. Tôi cứ phải nhìn cái ánh sáng yếu dần của ngọn nến không được cắt bấc soi cho công việc tôi làm; bóng tối thẫm dần trên những tấm thảm cổ kính ở quanh tôi, trở thành đen kịt dưới những diềm của chiếc giường cũ rộng mênh mông, và rung rinh một cách kỳ dị trên những cánh cửa của chiếc tủ lớn kê đối diện; mặt tủ phân làm mười hai ô, có chạm hình mười hai cái đầu của các thánh tông đồ, trông thực kinh khủng; mỗi cái đầu được chạm vào một ô tủ riêng như một cái khung. Phía trên những cái đầu này dựng một cây thánh giá bằng gỗ mun có hình đức Chúa đang hấp hối.

Tùy theo bóng tối chập chờn bao phủ hoặc ánh sáng lung linh soi rọi đây đó, lúc thì ông Luck, vị thầy thuốc rậm râu cúi đầu xuống, lúc thì mớ tóc dài của thánh Jôn xõa phất phơ; rồi bộ mặt khủng khiếp của Juda nổi bật lên khỏi ô tủ, hình như sống lại và đe dọa biến thành tên trùm phản bội - tên quỷ Sa-tăng - dưới hình thù của tên thủ túc.

Giữa tất cả những vật ấy, không những tôi phải trông mà còn phải lắng nghe, nghe những cử động của con thú dữ hoặc con quỷ trong cái hang bên kia. Nhưng từ lúc có ông Rôchextơ đến thì nó như bị yểm bùa, suốt đêm tôi chỉ nghe thấy có tiếng động cách quãng khá lâu - tiếng chân bước cọt kẹt trên sàn, tiếng gầm gừ như tiếng chó và một tiếng người rền rĩ âm thầm.

Rồi những ý nghĩ của tôi lại dằn vặt tôi. Tội ác này lại thế nào mà lại hiện thành xương thịt, cứ sống ở trong ngôi nhà cô quạnh này, mà đến chủ nhân của nó cũng không kiềm chế nổi hoặc xua đuổi được? Sự bí mật này là thế nào cứ bùng ra lúc thì thành lửa, lúc thì thành máu, vào những giờ phút im lìm nhất của đêm tối? Nhân vật này là gì mà ẩn nấp dưới hình hài một người đàn bà bình thường, để phát ra tiếng kêu khi thì của loài quỷ giễu cợt, lúc thì của loài chim tìm mồi trong những xác chết!

Còn người đàn ông này, mà tôi đang cúi nhìn đây - một người lạ mặt bình thường, trầm lặng, làm sao ông ta lại bị lôi kéo vào mạng lưới khủng khiếp này? Tại sao sự hung bạo lại giáng xuống ông ta? Cái gì run rủi ông ta mò đến chỗ này, giữa đêm hôm khuya khoắt trong khi lẽ ra ông ta phải ngủ bình tĩnh trên giường? Tôi đã nghe thấy ông Rôchextơ chỉ cho ông ta căn buồng ở dưới nhà kia mà, cái gì xua ông ta lên đây? Và bây giờ tại sao ông ta lại bình tĩnh thế, trước sự hung bạo hay sự phản bội trút lên đầu ông? Tại sao ông lại lặng lẽ phục tùng ý muốn của ông Rôchextơ buộc ông phải im? Tại sao ông Rôchextơ bắt ông giữ bí mật chuyện này? Vị khách của ông bị xúc phạm và chính ông mới đây đã bị người ta âm mun sát hại một cách gớm ghiếc; vậy mà cả hai lần mưu hại này đều bị ông dìm đi và chìm trong sự quên lãng? Vừa rồi tôi thấy ông Maxơn phục tùng ông Rôchextơ; ý chí cương quyết của người này đã hoàn toàn ngự trị tính lì xì của người nọ, chỉ vài câu trao đổi giữa hai người đủ cho tôi khẳng định điều đó. Hiển nhiên là trong sự giao thiệp trước đây giữa hai người, tính thụ động của ông Maxơn đã quen bị cái khí lực hoạt động của ông Rôchextơ thống trị. Nhưng tại sao khi nghe thấy nói ông Maxơn đến, ông Rôchextơ lại hốt hoảng. Tại sao mới mấy giờ trước đây, chỉ riêng cái tên của con người không biết kháng cự là gì kia - bây giờ đây một lời nói của ông Rôchextơ đủ chế ngự ông Maxơn như một đứa trẻ thơ - cũng tác động đến ông Rôchextơ như một tiếng sét giáng xuống cây sồi?

Ôi! Làm sao tôi quên được cái nhìn và vẻ mặt xanh xám của ông khi ông thì thầm: "Cô Jên, tôi đã bị choáng váng, cô Jên ạ". Làm sao tôi quên được cánh tay run rẩy của ông vịn vào vai tôi; chẳc chắn có vấn đề gì nghiêm trọng mới có thể khiến cho một người tinh thần cương quyết, thân thể cường tráng như ông Fefăc Rôchextơ, xúc động đến thế được.

"Bao giờ ông mới trở về? Bao giờ ông mới trở về?", tôi tự nhủ thầm như vậy trong khi đêm thâu vẫn đằng đẵng, trong khi người bị thương mất máu mà tôi trông nom, vẫn lả đi, rên rỉ, kiệt lực; vậy mà chẳng thấy ai đến cứu chữa, trời cũng còn lâu mới sáng. Tôi cứ phải luôn luôn đưa cốc nước lên đôi môi nhợt nhạt của ông Maxơn, luôn luôn cho ông ngửi muối kích thích, nhưng mọi cố gắng đều hầu như vô hiệu. Hoặc vì thân thể đau đớn hoặc vì tinh thần lo lắng, hoặc vì mất máu, hoặc vì cả ba nguyên nhân, bệnh nhân rất chóng kiệt sức. Ông ta rên rỉ, trông yếu đuối, đờ đẫn, không còn sức sống, đến nỗi tôi lo ông chết đến nơi, vậy mà ngay đến nói, tôi cũng không được phép nói gì với ông!

Cuối cùng, ngọn nến lụi dần và tắt hẳn; cũng vừa lúc ấy tôi trông thấy một ánh sáng lờ mờ chiếu qua rìa tấm màn che cửa sổ, trời đã tang tảng sáng. Liền đấy tôi nghe tiếng con Pilôt sủa xa xa ở dưới sân, từ trong cũi của nó; niềm hy vọng lại nhóm lên. Và không phải là không có căn cứ, chừng hơn năm phút sau, có tiếng chìa khóa quay trong ổ, báo cho tôi biết nhiệm vụ của tôi đến đây là hết. Mới chưa quá hai tiếng đồng hồ mà tưởng lâu hàng mấy tuần lễ.

Ông Rôchextơ bước vào cùng ông thầy thuốc đi mời về. Ông nói:

- Nào, Cactơ, phải làm gấp ngay; tôi chỉ hạn cho ông nửa tiếng để băng bó vết thương và vực bệnh nhân xuống gác, thế thôi.

- Nhưng liệu ông ta có thể đi được không, thưa ông?

- Chắc chắn được, không có gì trầm trọng đâu; thần kinh ông ta dễ bị xúc động, cần phải kích thích thần kinh ông ta. Nào, bắt tay vào việc thôi.

Ông Rôchextơ vén tấm màn dày, kéo màn cửa lên để cho thật nhiều ánh sáng tràn vào. Tôi vui mừng và ngạc nhiên thấy bình minh đã rạng từ lâu; khoảng trời đông đã bắt đầu rực hồng ánh sáng.

Ông Rôchextơ bước lại gần ông Maxơn, lúc này đã ở trong tay ông thầy thuốc.

- Thế nào, anh bạn quý, ông hỏi, anh thấy trong người ra sao?

Maxơn trả lời yếu ớt:

- Tôi sợ chết vì tay cô ấy mất.

- Không đâu! Can đảm lên! Chỉ trong mười lăm ngày là anh lại hoàn toàn bình thường thôi; anh chỉ mất một chút máu, chứ có sao đâu. Cactơ, ông hãy nói cho anh ấy yên tâm là không có gì nguy hiểm đi.

- Tôi có thể vững dạ mà nói như thế, - ông Cactơ nói, trong khi ông đã cởi xong băng - có điều giá tôi lại sớm được chút nữa thì ông ấy không mất nhiều máu thế. Nhưng làm sao thế này? Thịt ở vai không phải bị chém mà còn bị xé nữa. Vết thương không phải là bị dao chém mà còn bị răng người cắn nữa đây!

- Cô ấy cắn tôi! - Maxơn lẩm bẩm, - cấu xé tôi như một con hổ cái, lúc ông Rôchextơ giằng được con dao ở tay cô ấy.

Ông Rôchextơ nói:

- Đáng lẽ anh không việc gì phải nhường nhịn; đáng lẽ anh phải vật lộn với nó ngay từ đầu kia.

Maxơn trả lời:

- Nhưng trong trường hợp như thế, biết làm thế nào được? Ôi, thật là kinh khủng! - Ông nói thêm, người run rẩy. - Và tôi cũng không ngờ như vậy, lúc đầu trông cô ấy thật bình thản.

- Tôi đã bảo trước anh rồi kia mà; ông Rôchextơ đáp, tôi đã dặn anh phải cẩn thận khi lại gần nó. Vả lại anh có thể đợi đến ngày mai và có tôi cùng đi. Đến gặp nó ngay đêm nay, mà lại đi có một mình thì thật là hoàn toàn điên rồ.

- Tôi tưởng có thể làm được việc gì tốt.

- Anh tưởng! Anh tưởng! Phải, nghe anh nói tôi đâm bực mình, nhưng dù sao thì anh cũng đã bị đau đớn, và có lẽ sẽ còn bị đau khá nhiều vì đã chẳng nghe lời khuyên của tôi. Vậy nên tôi không nói gì thêm nữa Cactơ, mau lên! Mặt trời sắp lên rồi, và tôi phải đưa ông ấy đi ngay.

- Ngay lập tức, thưa ông; vết thương ở vai vừa băng xong. Tôi còn phải xem vết thương ở cánh tay nữa. Tôi thấy ở đây cũng có vết răng của cô ta thì phải.

- Cô ấy hút máu, cô ấy bảo muốn hút cạn máu trong tim tôi, Maxơn nói.

Tôi thấy ông Rôchextơ rùng mình. Nhưng nét biểu lộ sự ghê tởm, khủng khiếp, căm ghét làm cho mặt ông nhăn lại; nhưng ông chỉ nói một câu:

- Thôi Risa, hãy yên lặng, và chớ quan tâm đến những câu nói vớ vẩn của nó; đừng nhắc lại nữa.

- Tôi cũng mong có thể quên đi được.

- Rồi anh sẽ quên khi anh rời khỏi xứ này, khi anh quay về Xpanixt Tao; anh có thể tưởng tượng nó đã chết, và được chôn cất rồi - hoặc tốt hơn, anh chẳng cẩn nghĩ đến nó làm gì nữa.

- Quên làm sao được cái đêm nay!

- Không phải là không quên được đâu; phải có nghị lực chứ, anh bạn. Cách đây hai tiếng đồng hồ anh cứ nghĩ là mình chết đứt đuôi rồi còn gì, thế mà bây giờ anh vẫn sống như thường và đang nói chuyện đấy. Kìa! Ông Cactơ đã băng bó cho anh xong hoặc cũng gần xong. Tôi sẽ mặc áo cho anh ngay tức khắc. Cô Jên (từ lúc vào phòng, bây giờ ông mới quay lại phía tôi) - cô cầm chìa khóa này xuống phòng ngủ của tôi, đến thẳng phòng thay quần áo, mở chiếc ngăn kéo trên cùng của tủ áo, lấy cho tôi một chiếc sơ mi sạch và chiếc cổ cồn đem lên đây, mau lên.

Tôi xuống nhà, tìm đến chiếc tủ theo lời ông bảo và lấy những thứ đó đem lên.

- Bây giờ tôi thay áo cho ông ấy, ông nói, cô hãy tránh sang phía bên kia giường, nhưng đừng ra khỏi buồng; có thể lại cần đến cô nữa đấy.

Tôi lánh đi theo lời ông.

Liền đó ông Rôchextơ lại hỏi:

- Lúc cô xuống nhà dưới đã thấy ai dậy chưa, cô Jên?

- Không, thưa ông, im lặng như tờ.

- Anh Đích, chúng tôi phải lặng lẽ đưa anh đi khỏi nơi đây; như thế vừa có lợi cho anh vừa có lợi cho cả con người khốn khổ ở trong buồng kia nữa. Từ lâu tôi đã cố tránh không để lộ chuyện, nên tôi không muốn cuối cùng lại bị lộ. Đây, Cactơ, anh hãy mặc áo giúp ông ta. Còn áo choàng lót lông của anh, anh để đâu rồi? Tôi biết anh không thể đi nổi một dặm đường mà không mặc áo ấy trong cái khí hậu giá lạnh chết tiệt này. Trong buồng anh à? Cô Jên, cô chạy xuống buồng ông Maxơn, ngay cạnh buồng tôi ấy, và lấy hộ chiếc áo cô sẽ thấy ở trong đó.

Tôi lại chạy xuống nhà, và mang lên một chiếc áo rộng thùng thình có lót và viền lông thú.

- Bây giờ tôi lại nhờ cô một việc khác - ông chủ không biết mệt của tôi lại nói, - cô lại phải xuống dưới buồng tôi lần nữa. Cũng may, cô Jên, cô lại đi giày nhung êm! Trong trường hợp này một sứ giả đi nặng chân thì không làm được việc gì. Cô hãy mở chiếc ngăn kéo giữa bàn rửa mặt của tôi, lấy cái lọ con và chiếc cốc nhỏ ở trong đấy đem lên đây, mau lên!

Tôi chạy vụt đi đem ngay những thứ đó lên.

- Tốt lắm! Nào, thưa ông thầy thuốc, bây giờ tôi mạn phép cho bệnh nhân một liều thuốc nước, và tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tôi mua thứ rượu bổ này ở La Mã của một anh lang băm người Ý - một anh chàng mà ông sẽ muốn đã cho một cái, ông Cactơ ạ. Đây không phải là thứ rượu dùng thiếu thận trọng được, nhưng có những trường hợp dùng nó rất tốt, 5b00 chẳng hạn như trường hợp này. Cô Jên, cho tôi ít nước.

Ông chìa chiếc cốc con ra, tôi cầm cái bình nước trên bàn rửa mặt rót vào đấy nửa cốc.

- Thôi đủ rồi, bây giờ làm cho ướt đều miệng lọ đi.

Tôi làm theo lời ông; ông nhỏ vào cốc đủ mười hai giọt nước đỏ thắm và đưa cho ông Maxơn.

- Risa, uống đi, nó sẽ cho anh thêm sức mạnh tinh thần cần thiết trong một hoặc hai giờ đồng hồ.

- Nhưng thuốc ấy có hại không? Uống nó có háo không?

- Uống đi! Uống đi! Uống đi!

Maxơn ngoan ngoãn nghe lời, vì rõ ràng là có cưỡng cũng chẳng được nào. Lúc này ông đã mặc áo vào rồi. Trông ông ta hãy còn tái ngắt, nhưng không đến nỗi bê bết máu me nữa. Để cho ông ta ngồi yên chừng ba phút sau khi uống thuốc, ông Rôchextơ cầm lấy tay ông ta nói:

- Bây giờ chắc chắn anh có thể đứng dậy được rồi, thử xem sao.

Maxơn đứng dậy.

- Ông Cactơ, xốc hộ tôi bên vai kia. Nào, Risa, cố gắng lên, bước đi nào... được đấy!

Maxơn nhận xét:

- Tôi thấy dễ chịu hơn thật.

- Tôi biết chắc mà! Bây giờ, cô Jên, cô hãy đi trước chúng tôi, bước nhẹ đến gần cầu thang; mở cửa bên ra cô sẽ thấy bác đánh xe trạm ở sân, hoặc ở ngoài cổng - vì tôi đã dặn bác ta đừng đánh xe lên mặt đá tảng cho tôi xuống bây giờ đây. Và này, cô Jên, nếu thấy có người nào ở đấy, thì đến ngay cầu thang ra hiệu cho chúng tôi biết.

Lúc ấy vào khoảng năm rưỡi sáng, mặt trời sắp mọc, nhưng nhà bếp vẫn tối mò và không một tiếng động. Cánh cửa bên vẫn đóng. Tôi cố mở thật nhẹ nhàng; ngoài sân im lặng như tờ, nhưng cánh cửa lớn mở toang và bên ngoài đỗ sẵn một cỗ xe trạm đóng ngựa sẵn sàng, bác xà ích ngồi chễm chệ trên xe. Tôi lại gần báo cho bác biết là các ông ấy sắp ra; bác ta gật đầu, còn tôi thì thận trọng nhìn xung quanh, nghe ngóng. Sự im lìm của buổi sớm tinh mơ bao trùm cảnh vật. Các tấm cửa sổ buồng gia nhân còn buông kín. Những con chim nhỏ bắt đầu hót líu lo trên cây đầy hoa nở rộ trắng phau, cành lá thấp xuống như những vòng hoa trắng rủ trên mặt đường bao quanh một phía sân. Mấy con ngựa kéo xe thỉnh thoảng nện móng cồm cộp trong chuồng còn đóng kín; ngoài ra tất cả đều im lặng.

Các ông đã bước ra; Maxơn được ông Rôchextơ và thầy thuốc mỗi người xốc một bên nách, đi có vẻ khá thoải mái, hai người đỡ ông lên xe. Ông Cactơ cũng đi cùng.

- Hãy trông nom ông ấy cẩn thận! - ông Rôchextơ dặn người thầy thuốc - và nhớ giữ ông ấy ở nhà cho đến bình phục hẳn. Độ một hai hôm nữa tôi sẽ đi xe ngựa đến xem sức khỏe của ông ta ra sao - Risa, bây giờ anh thấy trong người thế nào?

- Không khí mát mẻ làm cho tôi tỉnh táo, anh Fefăc ạ.

- Để cửa sổ ngỏ phía ông ấy ngồi, Cactơ ạ, không có gió đâu. Thôi, tạm biệt Đích nhé.

- Anh Fefăc...

- Nào, còn gì nữa?...

- Hãy săn sóc tới cô ấy, đối xử với cô ấy thật dịu dàng, hãy để cô ấy... nói đến đây ông ta ngừng lại và khóc nấc lên.

- Tôi xin làm hết sức mình; tôi đã từng làm như thế và sẽ làm như thế! - ông Rôchextơ trả lời, rồi đóng cửa xe, và xe chuyển bánh.

"Nhưng cũng cầu trời cho mọi chuyện này chấm dứt!" ông Rôchextơ nói thêm trong khi ông đóng cánh cổng nặng nề và tra then ngang vào. Đóng xong, vẻ lơ đãng, ông thong thả bước đến cái cửa dẫn vào vườn quả. Tôi nghĩ ông không cần đến tôi nữa, nên định bước lên nhà, nhưng lại thấy ông gọi "Cô Jên". Ông đã mở cánh cửa lớn và đứng ở đó, đợi tôi.

- Ra đây hưởng không khí mát mẻ một lát đã, ông nói, cái nhà này ngột ngạt như một nhà tù cô không cảm thấy thế ư?

- Thưa ông, tôi thấy nó có vẻ là một tòa lâu đài rất đẹp.

- Cô ít từng trải nên không thấy đấy thôi; cô đã nhìn nó qua một tấm gương thần kỳ. Cô không nhận thấy được vàng son chỉ là bùn đất và những tấm thảm lụa chỉ là mạng nhện, đá cẩm thạch chỉ là đá đen thảm hại, và những mặt gỗ bóng loáng chỉ là thứ mảnh vỏ cây xù xì và gỗ vứt đi. Trái lại, chỗ này (ông chỉ lùm cây rậm rạp mà chúng tôi vừa bước vào) tất cả đều là chân thực, êm đềm và trong sạch.

Ông bước lần theo một con đường giữa hai dãy bụi cây một bên toàn những cây táo, cây lê, cây anh đào, còn bên kia là một dọc cây đầy hoa; hoa đinh tử, dương quy, từ dạ lan chen lẫn những đóa dã tường và nhiều thứ cỏ thơm ngát. Tất cả đều tươi mơn mởn sau những trận mưa rào và những ngày nắng tháng tư, tiếp theo là một buổi sáng mùa xuân duyên dáng. Vừng dương vừa nhô lên ở phía trời đông điểm mây trắng, ánh bình minh chiếu vào những cây đượm móc sương trong vườn quả và rọi xuống các lối đi yên tĩnh dưới vòm cây.

- Cô Jên, cô muốn có một bông hoa không?

Ông hái đưa cho tôi một đóa hồng mới chúm chím nở, đóa hoa đầu tiên của cụm hồng.

- Cám ơn ông.

Cô ưa cảnh mặt trời mọc này không, cô Jên? Cô có ưa bầu trời kia với những làn mây xán lạn, cao ngất, chắc chắn sẽ tan đi trong không khí nóng của ban ngày? Cô có ưa làn không khí bình ngát hương này không?

- Vâng, tôi thích lắm.

- Cô vừa qua một đêm kỳ lạ phải không, cô Jên?

- Vâng, thưa ông.

- Nó làm cho cô trông xanh đi. Khi tôi để cô ở lại một mình với Maxơn, cô có sợ không?

- Tôi sợ có một người nào từ buồng trong bước ra.

- Nhưng tôi đã khóa cửa và giữ chìa khóa trong túi. Nếu tôi để một con cừu non yêu quý của tôi - ngay cạnh hang chó sói, mà không đề phòng gì cả, thì chẳng hóa ra tôi là một chú chăn cừu lơ đãng lắm sao? Cô đã được đề phòng cẩn thận.

- Chị Grêxơ Pun vẫn cứ ở mãi đấy ư, thưa ông?

- Ồ, đúng thế. Cô đừng bận tâm về chị ta làm gì, chớ nghĩ đến chuyện chị ấy nữa.

- Nhưng hình như tôi thấy ông khó lòng sống yên ổn nếu chị ấy vẫn còn ở đây.

- Cô đừng ngại; tôi phải đề phòng cho bản thân tôi chứ.

- Sự nguy hiểm mà ông lo ngại đêm qua hiện giờ đã hết rồi chứ, thưa ông?

- Tôi không thể nói chắc được điều này, khi Maxơn còn chưa rời nước Anh; và cả khi ông đã đi rồi nữa. Song, cô Jên ạ, đối với tôi là đứng trên miệng một ngọn núi lửa, nó có thể nứt toác ra và phun lửa không biết lúc nào.

- Nhưng ông Maxơn có vẻ là một người dễ điều khiển.

Rõ ràng là ảnh hưởng của ông tác động mạnh đến ông ta, ông ta sẽ không bao giờ dám thách thức ông hoặc cố ý làm tổn thương đến ông.

- Ồ, không! Maxơn sẽ không thách thức tôi; và cũng chẳng cố ý làm hại tôi đâu; nhưng vô tình, trong một phút nào đó, ông ấy có thể vì một câu nói sơ ý, nếu không làm hại đến đời sống thì ít ra cũng hại tới hạnh phúc suốt đời tôi.

- Ông hãy dặn ông ta phải thận trọng; bảo cho ông ta biết, ông sợ những điều gì, và chỉ cho ông ta cách tránh khỏi sự nguy hiểm.

Ông cười chua chát, vội vàng nắm lấy tay tôi, rồi lại vội vàng buông ngay ra.

- Cô bé ngây thơ ơi, nếu tôi có thể làm như thế thì mắc hơn nữa. Cô là cô bạn nhỏ của tôi, có phải thế không?

- Tôi muốn phục vụ ông, thưa ông, và vâng lời ông trong tất cả những điều gì hợp lẽ phải.

- Đúng thế, tôi đã thấy điều đó, tôi đã thấy cô vui vẻ một cách thành thực trong dáng điệu, trong thái độ, trong ánh mắt và vẻ mặt những khi cô giúp đỡ tôi, và làm cho tôi vui lòng, những khi cô làm việc vì tôi, như cô vừa nói rõ, "trong tất cả những điều gì hợp lẽ phải". Vì nếu tôi bảo cô làm một việc mà cô cho là sai trái, thì hẳn cô sẽ chẳng có thể cất bước đi nhanh nhẹn, bàn tay cũng sẽ mất cả khéo léo và cô sẽ chẳng còn ánh mắt sáng ngời và vẻ mặt tươi tỉnh nữa. Cô bạn của tôi sẽ quay lại bảo tôi, vẻ mặt xanh xao, bình thản: "Không, thưa ông, không thể được, tôi không thể làm điều đó, vì nó sai trái", và cô sẽ trở nên bất di bất dịch như một định tính. Đấy, cả cô nữa cũng có một mãnh lực đối với tôi, và có thể làm cho tôi thương tổn; tuy nhiên tôi không dám chỉ cho cô thấy nhược điểm của tôi ở chỗ nào, sợ rằng, dù cô có lòng trung thành và tình thân ái đối với tôi, cô cũng đâm xuyên qua người tôi ngay lập tức.

- Nếu ông không phải sợ ông Maxơn hơn sợ tôi, thì thưa ông, ông rất an toàn rồi.

- Cầu trời được như thế! Cô Jên, đây có một vòm lá, cô ngồi xuống đây.

Vòm lá là một vòng cung ăn vào tường, phủ những cành trường xuân, ở dưới một chiếc ghế thô sơ. Ông Rôchextơ ngồi xuống một bên, dành một chỗ cho tôi; nhưng tôi vẫn đứng trước mặt ông.

- Ngồi xuống, cô; ghế khá dài đủ chỗ cho hai người. Cô không ngại ngồi bên tôi chứ? Như thế có gì sai trái không, cô Jên?

Để trả lời câu hỏi của ông, tôi ngồi xuống, vì cảm thấy từ chối là không đúng.

- Cô bạn nhỏ của tôi ơi, trong khi mặt trời đang hút sương mai, trong khi ở khu vườn cổ này mọi loài hoa đang tỉnh giấc nở tung cánh, và chim chóc đang bay khỏi lâu đài Thornơfin, tìm bữa ăn sớm cho đàn con và đàn ong siêng năng đang bắt đầu công việc, thì tôi muốn nói với cô một chuyện; cô hãy cố gắng coi vấn đề này như của chính bản thân cô. Nhưng trước hết cô hãy nhìn tôi và bảo rằng cô thấy dễ chịu, chứ không lo sợ tôi giữ cô ở đây là một điều sai trái, hoặc cô ngồi lại đây là một điều không chính đáng.

- Không, thưa ông, tôi rất vui lòng.

- Được, thế, cô Jên, cô hãy nhờ trí tưởng tượng giúp cô; hãy giả sử rằng cô không phải là một thiếu nữ có giáo dục và nền nếp, mà là một cậu con trai ngang ngạnh, được nuông chiều từ nhỏ; cô hãy tưởng tượng ở một xứ lạ xa xôi, phạm một lầm lỡ ghê gớm, không cần biết là sự việc và nguyên nhân ra sao, nhưng hậu quả của nó lẵng nhẵng theo đuổi cô suốt đời và đầu độc cả cuộc sống của cô. Nên nhớ là tôi không nói một tội ác đâu; tôi không nói đến chuyện đổ máu hoặc một hành động tội lỗi nào khác khiến thủ phạm có thể bị đưa ra pháp luật; tôi chỉ dùng tiếng "lầm lỡ". Những hậu quả của việc cô đã làm một ngày kia khiến cô không thể nào chịu đựng nổi. Cô tìm biện pháp làm cho vơi nỗi đau đớn, những biện pháp khác thường nhưng không phải là bất hợp pháp hoặc sai trái. Tuy nhiên cô vẫn khổ sở, vì niềm hy vọng của cô đã tắt ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời. Vầng dương của đời cô ngay giữa buổi trưa đã tối vì bị nhật thực và cô cảm thấy chỉ đến khi nào mặt trời lặn nhật thực mới hết. Trí nhớ của cô chỉ được nuôi dưỡng toàn bằng những kỷ niệm chua cay, bỉ ổi. Cô lang thang đây đó, mong tìm sự an ủi trong cuộc đời tha phương, tìm hạnh phúc trong thú vui, tôi muốn nói những thú vui không tình cảm, thú vui xác thịt, nó làm mụ trí thông minh, và làm cho cảm xúc cằn cỗi đi. Trái tim mòn mỏi, tâm hồn khô héo, cô trở về mái nhà xưa sau những năm dài tự đày ải mình; rồi cô gặp một người - gặp gỡ thế nào, ở đâu, điều đó không cần biết, cô thấy ở con người ấy nhiều đức tính tốt đẹp sáng ngời, mà cô đi tìm suốt hai mươi năm trời và trước đó chưa từng được gặp; những đức tính ấy tươi mát, lành mạnh, không vết tì ố. Một cuộc giao du như thế làm cho cô phấn khởi, như sống hẳn lại; cô cảm thấy những ngày tươi sáng trở lại với cô, những mơ ước thanh cao hơn, những tình cảm trong sạch hơn. Cô mong muốn làm lại cuộc đời, và sống nốt chuỗi ngày còn lại một cách xứng đáng hơn với một con người không bao giờ chết. Để đạt tới mục đích ấy, liệu cô có quyền chính đáng vượt qua một trở lực của tập quán không, một trở lực thuần túy có tính cách quy ước, mà lương tâm cô không chấp thuận, và trí phán đoán của cô cũng chẳng tán thành?

Nói đến đây ông Rôchextơ ngừng lại đợi trả lời, nhưng tôi biết trả lời thế nào đây? Ôi! Giá có một vị thần tốt bụng nào hiện tới, gợi cho tôi một câu trả lời chí lý và thỏa đáng nhỉ! Thật là một sự mong ước hão huyền! Gió tây xào xạc trong bụi trường xuân ở quanh tôi, nhưng không có vị thần Arien(1) hiền hậu nào xuất hiện mượn hơi gió để đem lời nói đến tai tôi; chim hót vang trên những ngọn cây, nhưng tiếng hót mặc dù trong trẻo, cũng chẳng nói gì với tôi hết.

Ông Rôchextơ lại hỏi nữa:

- Liệu người đàn ông lang thang, tội lỗi, giờ đây hối hận và tìm sự nghỉ ngơi ấy, có quyền bất chấp dư luận người đời mà ràng buộc mình mãi mãi với con người xa lạ, hiền thục, duyên dáng kia không? Và như thế để đảm bảo cho tâm hồn mình được bình thản, cho cuộc đời mình sống lại?

Tôi trả lời:

- Thưa ông, một kẻ lang bạt tìm sự nghỉ ngơi hoặc một kẻ tội lỗi muốn xây dựng lại cuộc đời, theo tôi không bao giờ nên tùy thuộc vào người đồng loại. Người đời ai cũng chết; nhà triết học có khi thiếu tinh khôn và người có đạo thiếu lòng từ thiện; nếu người nào ông biết đó đã đau khổ và lỡ lầm hãy nên khuyên người ấy nhìn cao hơn những người đồng loại để tìm lấy sức mạnh cải tạo, và tìm lấy nguồn an ủi để hàn gắn vết thương.

- Nhưng còn phương tiện... còn phương tiện...? Thượng đế sáng tạo tất cả, ban cho cô ta phương tiện. Bạn thân tôi - xin nói thẳng với cô, không loanh quanh gì nữa - đã là một kẻ ăn chơi, một lãng tử, một kẻ tâm bất tại, và tôi tin rằng tôi đã tìm được phương tiện tự chữa cho mình ở con người.

Ông ngừng lại, chim chóc vẫn ca ríu rít, lá cây vẫn thì thào nhè nhẹ. Tôi hầu như ngạc nhiên không hiểu sao tiếng chim kêu, tiếng lá lao xao không ngừng lại để nghe lời tâm tình sắp bộc lộ, nhưng có lẽ chúng còn phải chờ lâu, vì sự im lặng cứ kéo dài mãi. Sau cùng tôi ngước nhìn ông Rôchextơ lặng lẽ, ông đang nhìn tôi đăm đăm.

- Cô bạn nhỏ của tôi - giọng ông khác hẳn đi, vẻ mặt ông cũng thay đổi; tất cả những nét dịu dàng nghiêm trang mất hẳn và trở nên cứng cỏi mỉa mai - cô đã biết tôi có tình ý với cô Ingram, cô có nghĩ rằng nếu tôi kết hôn với cô ta thì cô ta sẽ có thể làm cho cuộc đời tôi sống lại hoàn toàn không?

Ông lập tức đứng dậy, đi đến cuối con đường; lúc quay lại thấy ông đang hát khe khẽ.

- Jên, Jên! - ông đứng dừng lại trước mặt tôi nói, - cô xanh đi vì thức đêm; cô không nguyền rủa tôi vì đã làm cô mất giấc ngủ chứ?

- Nguyền rủa ông ư? Ồ, không đời nào.

- Thế hãy bắt tay để xác nhận lời nói đó. Ngón tay cô mới lạnh làm sao! Đêm hôm qua lúc đứng trước cửa gian buồng bí mật, tôi nắm lấy tay cô thấy ấm áp hơn nhiều. Cô Jên, còn bao giờ cô lại thức đêm với tôi nữa không?

- Bất cứ khi nào tôi có thể giúp ích cho ông.

- Thí dụ đêm trước ngày kết hôn! Chắc chắn là đêm ấy tôi sẽ thao thức không ngủ được. Cô có hứa là sẽ thức cùng với tôi cho có bầu có bạn không. Với cô, tôi có thể nói về người yêu của tôi được, vì bây giờ cô đã trông thấy và đã biết cô ấy.

- Vâng, thưa ông.

- Cô ấy là người hiếm có nhất trên đời, phải thế không cô Jên?

- Vâng, thưa ông.

- Một người sức lực, cô Jên ạ, to lớn, nước da nâu tươi vui, và tóc dài đúng như tóc phụ nữ ở Cartagiơ.

Trời! Kìa ông Đen và Lyn ở trong chuồng ngựa! Cô hãy đi vào theo lối cây um tùm, qua cái cửa nhỏ kia.

Chúng tôi đi mỗi người một ngả, và tôi thấy ông vui vẻ nói to lên trong sân:

- Sáng hôm nay ông Maxơn dậy sớm hơn tất cả các ông, và đã đi từ lúc mặt trời chưa mọc. Tôi phải dậy từ bốn giờ để tiễn ông ta.



1. Tên một vở kịch của W. Sêchxpia (Much ado about nothing).

1. Một vị thần hay vui đùa trong kịch "Cơn bão" của Sêchxpia (NXB).

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84534


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận