Lịch Sử Tình Yêu Chương 9


Chương 9
Chúng ta ở đây bên nhau

Vào buổi sáng cuối cùng ở Ba Lan, sau khi người bạn kéo vành mũ sụp xuống che hai mắt và biến mất sau góc phố, Litvinoff bước trở lại phòng mình. Phòng đã trống không, đồ đạc đã được bán hoặc cho đi. Những chiếc va li của ông dựng ở cửa. Ông lấy ra gói giấy màu nâu ông đã mang phía trong áo khoác. Gói giấy gắn xi và ở mặt trước, với nét chữ quen thuộc của bạn ông, có viết: Giữ cho Leopold Gursky đến tận khi gặp lại cậu ấy. Litvinoff nhét nó vào ngăn của chiếc va li. Ông bước tới cửa sổ và nhìn ra mảnh trời vuông bé nhỏ lần cuối cùng. Xa xa tiếng chuông nhà thờ ngân như đã từng ngân hàng trăm lần trong lúc ông làm việc hay ngủ, thường xuyên đến mức chúng có vẻ giống như hoạt động của chính đầu óc ông. Ông miết những ngón tay khắp tường, lỗ chỗ những vết ghim nơi trước đây thường treo những tấm ảnh và bài ông cắt ra từ báo. Ông ngừng lại một chút để quan sát kỹ chính mình trong gương để sau này ông có thể nhớ chính xác ngày hôm đó trông mình ra sao. Ông cảm thấy nghẹn trong cổ họng. Đến lần thứ bao nhiêu rồi chẳng nhớ nổi, ông thò tay vào túi kiểm tra hộ chiếu và vé. Rồi ông liếc đồng hồ đeo tay, thở dài, nhấc những chiếc va li lên và bước ra khỏi cửa.

Nếu ban đầu Litvinoff không nghĩ nhiều về bạn mình, thì lý do là trong đầu ông có quá nhiều việc. Qua những toan tính của cha ông - người có ơn với một người quen biết một người nào đó, ông được cấp thị thực của Tây Ban Nha. Từ Tây Ban Nha ông sẽ tới Lisbon, và ông dự định đi tàu từ Lisbon tới Chile - nơi em họ của bố ông sống. Khi đã lên tàu, những thứ khác chiếm hết sự chú ý của ông: những cơn say sóng, nỗi sợ hãi của ông trước làn nước đen thẫm, những trầm tư khi ngắm đường chân trời, những phỏng đoán về sự sống dưới đáy biển, những lúc nỗi nhớ nhà ập đến, việc trông thấy một con cá voi, việc trông thấy một cô gái Pháp da đen tuyệt đẹp.

Khi rốt cuộc tàu tới cảng Valparaíso và Litvinoff run rẩy lên bờ (“quen sóng,” ông tự nhủ, ngay cả nhiều năm sau, khi đôi lúc cơn run rẩy trở lại mà chẳng thể nào giải thích nổi), có những điều khác choán tâm trí ông. Những tháng đầu tiên của ông ở Chile dành để làm bất kỳ công việc gì ông có thể tìm; trước tiên trong một nhà máy xúc xích - nơi ông bị sa thải vào ngày thứ ba khi ông bắt nhầm xe điện và đến muộn mười lăm phút, và sau đó là một cửa hiệu tạp hóa. Một lần trên đường đến nói chuyện với viên quản đốc mà người ta bảo sẽ thuê ông, Litvinoff bị lạc và thấy mình đứng bên ngoài phòng làm việc của tòa báo thành phố. Các cửa sổ mở, ông có thể nghe thấy tiếng lách cách của máy chữ bên trong. Ông cảm thấy niềm khao khát dội lên. Ông nghĩ tới những đồng nghiệp của mình ở tờ nhật báo, điều đó làm ông nhớ tới chiếc bàn làm việc của mình với những nhúm cỏ và đất lẫn trong gỗ mà ông thường sờ vào để giúp suy nghĩ tốt hơn, làm ông nhớ tới chiếc máy chữ của mình với phím C bị kẹt nên bản của ông luôn có những câu như cccái ccchết cccủa ông để lại một khoảng trống trong cccuộc đời những người ông đã giúp đỡ, làm ông nhớ tới mùi xì gà rẻ tiền của ông chủ mình, làm ông nhớ tới việc được thăng chức từ nhà báo tự do thành người chuyên viết cáo phó, khiến ông nhớ tới Isaac Babel, đó là mức ông tự cho phép mình nghĩ tới trước khi ông dừng nỗi khao khát ở chỗ của nó rồi vội vã bỏ đi trên phố.

Cuối cùng ông kiếm được việc trong một cửa hàng dược phẩm - cha ông đã từng là dược sĩ, Litvinoff đã học hỏi đủ để giúp việc cho ông già Đức gốc Do Thái, chủ của một cửa hiệu sạch sẽ ở khu yên tĩnh của thành phố. Chỉ đến lúc ấy, khi ông có đủ tiền thuê một phòng riêng cho mình, rốt cuộc Litvinoff mới có thể mở những chiếc va li. Trong ngăn của một chiếc, ông thấy gói giấy màu nâu với chữ viết tay của bạn ông ở mặt trước. Một cảm giác buồn bã vỡ òa trong ông. Chẳng vì lý do nào, ông đột ngột nhớ ra chiếc sơ mi trắng ông đã để quên phơi trên dây quần áo trong khoảnh sân ở Minsk.

Ông cố gắng nhớ xem gương mặt mình trong gương trông thế nào vào ngày cuối cùng đó. Nhưng không thể. Nhắm hai mắt, ông dụ cho ký ức trở lại. Nhưng tất cả những gì trở lại là cảm xúc trên gương mặt của bạn ông khi người ấy đứng ở góc phố. Thở dài, Litvinoff bỏ chiếc phong bì trở lại chiếc va li rỗng, kéo khóa vào và đặt nó lên giá của gian chứa đồ.

Dù còn lại bao nhiêu sau khi chi trả tiền phòng và ăn uống, Litvinoff đều dành dụm để đưa em gái Miriam sang. Là hai anh em gần nhau nhất cả về tuổi tác và ngoại hình, hồi còn nhỏ họ hay bị nhận nhầm nhau, dù Miriam trắng hơn và đeo kính đồi mồi. Cô đã học trường luật ở Warsaw cho tới khi bị cấm vào lớp.

Khoản duy nhất Litvinoff cho phép tiêu cho bản thân là một chiếc đài sóng ngắn. Hàng đêm ông xoay núm dò sóng giữa các ngón tay, rà hết lục địa Nam Mỹ cho tới khi ông tìm thấy đài mới - Tiếng nói Hoa Kỳ. Ông chỉ nói được chút ít tiếng Anh, nhưng thế là đủ. Với tâm trạng hoảng sợ, ông nghe nói về bước tiến của quân phát xít. Hitler đã phá vỡ hiệp ước ký với Nga và đã xâm lược Ba Lan. Mọi thứ từ tệ hại đã biến thành khủng khiếp.

Những lá thư ít ỏi từ bạn bè và họ hàng xuất hiện ngày càng hiếm hơn, thật khó biết chuyện gì đang diễn ra. Gập trong lá thư áp chót ông nhận được từ em gái mình - trong đó cô bảo ông rằng cô đã yêu một sinh viên luật khác và tổ chức lễ cưới - là một tấm ảnh chụp khi cô và Zvi còn nhỏ. Phía sau cô viết: Chúng ta ở đây bên nhau.

Buổi sáng, Litvinoff vừa pha cà phê vừa nghe tiếng chó lạc cắn nhau trong ngõ. Ông đợi xe điện, từ sáng sớm không khí đã nóng như rang. Ông ăn trưa ở gian sau của hiệu thuốc, bao quanh bởi những thùng thuốc viên, thuốc bột, xi rô màu đỏ và các ruy băng quấn tóc, đến đêm, sau khi đã lau sàn nhà và cọ rửa các bình, lọ tận tới lúc ông có thể nhìn thấy gương mặt em gái mình trong đó, ông trở về nhà. Ông không kết bạn nhiều. Ông không còn tâm trí kết bạn nữa. Lúc không làm việc, ông nghe đài. Ông nghe cho tới khi mệt mỏi ngủ quên trên ghế, và ngay cả khi nghe, những giấc mơ của ông vẫn hình thành quanh âm thanh của chương trình. Có những người tị nạn khác xung quanh ông cùng cảm thấy những nỗi sợ hãi và tuyệt vọng nhưng Litvinoff không thấy bất kỳ sự an ủi nào từ việc ấy bởi trên thế giới có hai kiểu người: những người thích buồn giữa những người khác, và những người thích buồn một mình hơn. Litvinoff thích buồn một mình. Khi người ta mời ông tới ăn tối, ông cáo từ với lý do nào đó. Một lần, khi bà chủ nhà mời ông dùng trà vào Chủ nhật, ông bảo bà rằng ông phải hoàn thành thứ ông đang viết. “Anh viết hả?” bà hỏi, ngạc nhiên. “Anh viết gì vậy?” Đối với Litvinoff, lời nói dối này cũng chỉ như lời nói dối khác nên chẳng cần nghĩ ngợi nhiều, ông đáp: “Thơ.”

Thế là bắt đầu tin đồn ông là nhà thơ. Và Litvinoff, thầm sung sướng vì điều ấy, không làm gì để xóa tan nó. Thậm chí ông còn mua một chiếc mũ thuộc loại mà Alberto Santos-Dumont - người mà dân Braxin tuyên bố đã thực hiện chuyến bay thành công đầu tiên từ xưa đến nay và là người có chiếc mũ panama mà Litvinoff nghe nói là cong đi do được dùng để quạt cho động cơ máy bay - thường đội, và tới giờ vẫn phổ biến trong giới văn sĩ.

Thời gian trôi qua. Ông già Đức gốc Do Thái mất trong khi ngủ, cửa hàng dược đóng cửa, và - một phần do sức mạnh của những tin đồn về sự tinh thông văn học của ông - Litvinoff được thuê làm giáo viên cho một trường Do Thái dạy ban ngày. Thế chiến kết thúc. Dần dần Litvinoff biết được những gì đã xảy ra với em gái Miriam, cha mẹ mình và bốn người anh chị em khác (điều đã xảy ra với ông anh cả Andre, ông chỉ có thể ghép nhặt từ các giả thiết). Ông học cách sống chung với sự thật. Không phải chấp nhận nó mà sống chung với nó. Cứ như thể sống cùng một con voi. Căn phòng của ông nhỏ xíu, hằng sáng ông đều phải rúm người quanh sự thật chỉ để tới được nhà vệ sinh. Để với lên tủ lấy một chiếc quần lót, ông phải bò bên dưới sự thật, vừa bò vừa cầu nguyện nó sẽ không chọn thời điểm đó để ngồi lên mặt ông. Ban đêm, khi ông nhắm hai mắt, ông cảm thấy nó lù lù hiện phía trên người mình.

Ông sụt cân. Mọi thứ ở ông dường như đều thu lại trừ đôi tai và cái mũi - những thứ này chùng xuống và dài ra, khiến ông trông sầu muộn. Năm ông bước sang tuổi ba mươi hai, tóc ông rụng từng búi. Ông bỏ chiếc mũ panama cong queo đi và đi đâu cũng mặc một chiếc áo khoác nặng trịch, trong túi là một miếng giấy nhăn nhúm mà ông đã mang suốt nhiều năm và đã bắt đầu rách ở những nếp gấp. Ở trường, sau lưng ông, bọn trẻ nhìn nhau với ánh mắt ghê tởm nếu ông chạm phải chúng.

Chính trong tình trạng ấy, Rosa bắt đầu nhận thấy Litvinoff ở quán cà phê ven sông. Ông tới đó vào các buổi chiều với lý do đọc tiểu thuyết hay tạp chí về thơ (ban đầu vì gánh nặng do danh tiếng của mình, sau vì sự quan tâm ngày càng tăng). Nhưng thực sự ông chỉ muốn đánh cắp thêm chút thời gian trước khi ông lại phải về nhà - nơi sự thật đang đợi. Ở quán cà phê, Litvinoff tự cho phép mình quên đi một chút. Ông trầm tư ngắm các con sóng và nhìn đám sinh viên, đôi khi nghe trộm những cuộc tranh luận của họ - hệt những cuộc tranh luận ông đã tham gia khi còn là sinh viên cả trăm năm trước (đúng ra là mười hai năm). Ông thậm chí còn biết tên một số người bọn họ. Trong đó có cả tên Rosa. Sao ông lại không biết chứ? Người ta luôn gọi cái tên ấy mà.

Buổi chiều cô bước tới bàn ông và thay vì tiếp tục bước qua để chào một thanh niên nào đó thì cô lại dừng lại với vẻ duyên dáng bất ngờ và hỏi liệu cô có thể ngồi cùng ông, Litvinoff nghĩ đó là trò đùa. Mái tóc cô đen nhánh và ngắn qua cằm, tôn cái mũi khỏe khoắn. Cô mặc một chiếc váy xanh lá cây (sau này Rosa sẽ cãi rằng nó màu đỏ, màu đỏ có chấm bi đen nhưng Litvinoff không chịu phủ nhận ký ức về bộ váy chiffon không tay màu ngọc bích). Chỉ khi sau khi cô đã ngồi cùng ông nửa giờ và các bạn cô đã hết quan tâm và trở lại với những câu chuyện của họ, Litvinoff mới nhận ra rằng cử chỉ của cô là thực lòng. Có một khoảng ngừng khó xử trong cuộc nói chuyện. Rosa mỉm cười.

“Tôi thậm chí vẫn chưa tự giới thiệu,” cô nói.

“Cô là Rosa,” Litvinoff nói.

Chiều hôm sau, Rosa có mặt cho cuộc gặp thứ hai đúng như cô đã hứa. Khi cô liếc đồng hồ đeo tay và nhận ra đã muộn thế nào rồi, họ bàn về buổi thứ ba, và sau đó không cần phải nói rằng sẽ có cuộc gặp thứ tư. Lần thứ năm họ gặp nhau - do tính tự nhiên trẻ trung của Rosa, họ đang dở cuộc tranh luận nóng bỏng về việc nhà thơ nào vĩ đại hơn, Neruda hay Darío - Litvinoff thấy ngạc nhiên với chính bản thân mình khi đề nghị rằng họ cùng đi dự một buổi hòa nhạc. Khi Rosa ngay lập tức đồng ý, ông nhận thấy rằng nhờ có phép lạ của những phép lạ, có lẽ cô gái đáng yêu này thực sự đang có cảm xúc với ông. Cứ như thể ai đó đang gõ mạnh vào ngực ông. Cả cơ thể ông dội lên vì cái tin ấy.

Vài ngày sau cuộc hẹn xem hòa nhạc, họ gặp nhau ở công viên và cùng có một buổi picnic. Sau sự kiện này, Chủ nhật tiếp theo là một buổi đi chơi bằng xe đạp. Cuộc hẹn thứ Bảy là một buổi xem phim. Khi phim hết, Litvinoff dạo cùng Rosa về nhà cô. Họ đang đứng bên nhau bàn về tài năng diễn xuất của Grace Kelly so với sắc đẹp không thể tin nổi của cô thì đột nhiên Rosa ngả người về trước và hôn ông. Hay ít nhất cô đã cố hôn ông, nhưng Litvinoff, do phản xạ tự vệ, lùi lại sau, để cho Rosa chồm về trước theo một góc khá lạ, cổ vươn ra. Suốt thời gian trước đó trong buổi tối ấy ông đã theo dõi sự thay đổi về cự ly giữa cơ thể của họ với niềm vui ngày càng gia tăng. Nhưng những khoảng cách liên tục thay đổi trước đó nhỏ đến mức pha tấn công đột ngột này của mũi Rosa khiến ông chùng xuống đến suýt nhỏ nước mắt. Nhận thấy sai lầm của mình, ông chìa đại cổ ra. Nhưng đến lúc đó Rosa đã thấy được thất bại của mình và lùi lại vùng lãnh thổ an toàn hơn. Litvinoff tiến thoái lưỡng nan. Đủ thời gian cho một chút mùi nước hoa của Rosa làm cho mũi ông thấy ngứa, và rồi ông vội vàng rút lui. Hoặc có thể nói ông bắt đầu vội vàng rút lui thì Rosa, không muốn chờ thêm cơ hội nào nữa, đẩy đôi môi mình vào khoảng không gian tranh chấp, trong chốc lát quên đi phần phụ ấy - cái mũi của cô - thứ mà cô chợt nhớ ra một tích tắc sau đó khi nó chạm phải mũi của Litvinoff đúng khoảnh khắc đôi môi ông ép vào môi cô, thế nên với nụ hôn đầu tiên của họ, hai cái mũi trở thành ruột thịt của nhau.

Trên xe bus về nhà, Litvinoff ngây ngất. Ông nở nụ cười với bất kỳ ai nhìn về phía mình. Ông vừa đi vừa huýt sáo suốt dọc con phố mình ở. Nhưng khi ông tra chìa vào ổ khóa cửa nhà, cảm giác lạnh băng ùa vào trái tim ông. Ông đứng trong căn phòng tối mà không bật đèn. Vì Chúa, ông nghĩ. Lý trí mày để đâu rồi? Mày có thể đem lại gì cho một cô gái như thế, đừng có ngu ngốc, mày đã để cho người mày vỡ ra, các mảnh thất lạc, và giờ thì chẳng có gì để trao, mày không thể che giấu được mãi, sớm muộn cô ấy cũng biết được sự thật: mày là lớp vỏ của một con người, tất cả những gì cô ấy phải làm là gõ vào mày để phát hiện ra rằng mày rỗng tuếch.

Trong một lúc lâu, ông đứng đó, đầu tựa vào cửa sổ, nghĩ về mọi chuyện. Rồi ông cởi bỏ quần áo. Lần mò trong bóng tối, ông giặt sạch quần lót và phơi nó trên lò sưởi. Ông xoay núm chiếc đài, nó nhấp nháy và bắt đầu hoạt động, nhưng một phút sau nó lại tắt và một điệu tango tắt lịm. Trần truồng, ông ngồi trên ghế. Một con ruồi đáp xuống cái của quý nhăn nheo của ông. Ông lầm bầm mấy từ gì đó. Và vì thấy thoải mái khi lầm bầm, ông lầm bầm thêm chút nữa. Đó là những từ ông đã thuộc lòng bởi ông đã mang chúng trên một mảnh giấy gập trong túi ngực áo ông kể từ cái đêm ấy, nhiều năm trước, khi ông trông chừng người bạn của mình, cầu nguyện cho ông ấy không chết. Ông đã nói chúng rất nhiều lần, ngay cả khi ông không biết mình đang nói, đến mức đôi lúc ông thực sự quên rằng những từ đó không phải của mình.

Đêm ấy, Litvinoff vào gian chứa đồ và lấy chiếc va li xuống. Thò một tay vào trong ngăn, ông lần tìm chiếc phong bì giấy dày. Ông lôi nó ra, ngồi trở lại ghế rồi đặt lên lòng. Dù ông chưa bao giờ mở nó, tất nhiên ông vẫn biết trong đó là gì. Nhắm hai mắt để tránh ánh sáng, ông với tay lên và bật đèn.

Giữ cho Leopold Gursky đến tận khi gặp lại cậu ấy.

Sau này, bất kể đã bao lần ông cố chôn vùi câu đó vào thùng rác, dưới những vỏ cam và túi lọc cà phê, dường như nó luôn trở lại trên cùng. Vậy nên một buổi sáng, Litvinoff lôi ra chiếc phong bì không - ruột của nó lúc ấy đã an toàn nằm trên bàn ông. Rồi, cố ghìm nước mắt, ông bật một que diêm và nhìn chữ viết tay của bạn mình bốc cháy.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/29525


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận