Mưa Ở Kiếp Sau Truyện ngắn 3


Truyện ngắn 3
Ngọc Lan

 

Ngày hôm đó mẹ tôi có thư từ Huế. Không phải thư của ông ngoại. Mẹ nói thư của em của mẹ, dì Lan. Dì sắp ra Hà Nội thăm hai mẹ con. Ngày mẹ tôi ra đi, dì Lan mười lăm tuổi.

Tôi hỏi mình phải làm gì để đón dì. Mẹ tôi nói không làm gì cả, và cũng không cần phải xôn xao. Mẹ tôi nói vậy nhưng buổi tối tôi thấy mẹ tôi soi gương và băn khoăn lo mình tàn tạ trước tuổi. Tôi chải tóc cho mẹ, tìm cách buộc tóc phía sau hơi lỏng, để lơi những sợi tóc phía trước buông xuống để làm mềm mại bớt khuôn mặt khô khan vì quá gầy. Ngày mai, tôi sẽ đi mua cho mẹ một chiếc áo.

Hôm đó năm giờ ba mươi tàu đến, mẹ tôi phải đi bán, nhờ tôi ra đón dì. Tôi không biết mặt, viết tên Ngọc Lan lên tờ giấy, tôi cầm tờ giấy đứng chờ dì ở sân ga. Khi dì bước đến, tôi thấy dì là một người đàn bà đẹp. Giống như bức ảnh bà ngoại, dì cũng có đôi mắt dài và hàng lông mày kẻ rất kỹ. Dì nói tiếng Huế, nghe lạ. Dì Lan gọi taxi. Trong xe, tôi mải nhìn ra ngoài cửa sổ để dì đừng hỏi chuyện. Tôi không hiểu hết những câu dì nói bằng giọng Huế và cũng ngại không dám hỏi lại mãi.

Trước khi đi đón dì tôi đã xuống sân xách nước cho dì rửa mặt trên gác, không phải xuống chờ ở cái vòi nước tập thể. Tôi đặt cái thau ở góc phòng, đổ nước vào đấy. Tôi đặt một cái ghế con dưới đất cho dì ngồi. Tôi mang cho dì xà phòng và một chiếc khăn nhỏ.

Dì Lan rửa mặt xong cởi áo để dùng chiếc khăn nhỏ lau hai cánh tay và phần trên cơ thể. Lau xong dì xổ tóc ra và gọi tôi mượn cây lược. Tôi đến đứng sát bên dì nhìn xuống đôi vai trần và những lọn tóc mềm buông xuống làn da còn ẩm ướt. Lúc dì Lan ngước lên để cầm cây lược, tôi thấy hai bầu ngực dì tròn và trắng, thật hoàn hảo. Không hiểu sao sự ngọt ngào bất chợt đó làm tôi nao nao buồn. Cũng có một thời mẹ tôi đã trẻ như vậy, ngực mẹ đã tròn đầy, mịn màng êm ái, như hai bông hoa quỳnh nở trắng ngần trong đêm - và héo đi trong bóng tối không ai nhìn thấy. Bây giờ mẹ gầy, người mẹ khô dần, không ai biết rằng mẹ đã đẹp và còn giữ điều ấy trong ký ức. Không ai nhớ tình yêu với mẹ, với cô gái có chiếc áo tím và hai bông hoa quỳnh trắng muốt.

 Mẹ tôi nghỉ chợ sớm. Khi bước mẹ bước vào cửa, dì Lan gọi:

"Chị Liên."

Tôi thấy họ bắt đầu ứa nước mắt. Tôi bước đến cửa sổ, nhìn qua những thanh sắt uốn cong xuống mảnh sân nhỏ. Từ phía sau lưng, tôi nghe mẹ và dì Lan nói chuyện với nhau bằng giọng Huế. Tiếng nói lạ, tôi thấy mẹ tôi cũng lạ, như mẹ là một người khác. Mẹ đổi giọng Bắc, nói với tôi rằng hai dì cháu trông rất giống nhau. Dì Lan nói chị cứ nói tiếng Huế với con gái cho nó quen, nó cũng là người Huế mà. Thứ tình nối tôi với cái quê hương đó đã mất rồi, cuốn theo sông trôi ra biển còn đâu. Tôi chưa bao giờ thực sự là người Hà Nội, nhưng tôi cũng không phải là người Huế. Tôi không có quê hương, và tôi chẳng cần. Tôi nói con có việc, rồi bỏ ra ngoài đường đi lang thang.

Khi tôi trở lại, mẹ và dì Lan đang nấu ăn. Họ thái thịt mỡ xào với mắm ruốc Huế. Và họ đang nói chuyện về mùa nắng, mùa mưa và mùa gió ở miền Trung. Họ đang lang thang qua những nơi chốn tôi không biết. Hai chị em đi ngang qua hàng sầu đâu dọc con đường ra bến đò. Hai chị em ngồi dưới mái thuyền nhìn ra trời mưa trắng sông. Hai chị em bước nhấp nhô trên những dải cát ngoài phá Tam Giang. Hai chị em ngồi trong ngôi trường xưa. Hai chị em mặc áo dài trắng đi qua cầu.

Mẹ tôi bỏ quê nhà đã lâu. Đi mãi, đi mãi không bao giờ quay đầu lại. Mẹ đi hai mươi hai năm tưởng đã ngút xa, ai ngờ chỉ chớp mắt một cái mẹ đã về chỗ cũ. Quê hương là một thứ gì rất lạ lùng.

 

 

 

Dì Lan ngủ cùng với mẹ. Tôi nằm trên tấm ván kê cạnh cửa sổ, trên mảnh thuyền nhỏ. Nửa đêm, tôi nghe có lưng bàn tay ai chạm vào má. Tôi cựa mình, tấm ván hơi chông chênh và tôi cũng chông chênh ở giữa ý thức và mộng mị. Tôi thức dậy, thấy gần sát mặt tôi là một đôi mắt rất dài, rất đen, rất lạ. Một khoảnh khắc sau tôi nhận ra dì Lan đang ngồi trên chiếc thuyền đêm của tôi và đang nhìn tôi.

"Dì ngủ không được, dì qua ngồi nhìn mi cho kỹ xem mi nhìn lâu có đẹp hay không."

Tôi không biết trả lời thế nào với câu nói lạ lùng đó. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng thở dài rất dài của dì Lan.

"Dì có chuyện gì buồn?"

"Nếu dì không mang con em của mi đi thì giờ đây nó còn sống, cũng đẹp như mi."

"Con em nào? Dì mang nó đi đâu?"

Dì Lan không trả lời tôi. Tôi níu tay dì kéo về phía mình.

"Con là con một. Mẹ con chỉ sinh có một lần, rồi ở vậy nuôi con. Dì nói con em nào? Con không hiểu nửa đêm dì nói cái gì lạ lùng vậy?"

Dì Lan vẫn không trả lời. Tôi chỉ thoáng thấy đôi mắt dài của dì nhắm lại, hình như có một chút ánh sáng long lanh như nước mắt ứa ra, nhưng tôi không kịp nhìn thấy giọt nước mắt. Dì Lan đã rút tay về và bước xuống khỏi con thuyền của tôi. Dì đi về nằm lại bên cạnh mẹ tôi. Sau đó chỉ còn một sự yên tĩnh lạ thường, tôi không nghe cả tiếng dì trở mình trên giường. Tôi thấy sợ, chỉ còn mình tôi trên tấm ván thuyền nhỏ và dòng sông bây giờ đen như mực, nó đã ngưng trôi, ngưng thở. Tôi nằm như vậy trong bóng tối, trong nỗi im lặng lạ thường. Lâu lắm giấc ngủ mới trở lại.

Trong đêm tôi thấy tôi đứng cạnh cửa sổ lúc cửa chưa có cái khung sắt có hoa văn, tôi nhìn xuống sân, thấy một đứa con gái đi qua bên dưới, rồi biến mất giữa những bức tường tối. Tôi tự hỏi tại sao có đứa con gái nào đi qua sân vào lúc nửa khuya. Nhưng trong lúc tự hỏi như vậy, tôi thấy mình là đứa con gái đó, tôi thấy tôi đi trong sân và tôi thấy sợ vì sân không có lối ra, mà tôi không thể  quay đầu trở lại con đường mình đã đi vào được. Tôi nhìn thấy những bức tường ở trước mặt, tôi biết những bức tường không thể cản được tôi, tôi có thể ngang qua những bức tường, vì chúng nằm trong bóng tối, mà tôi thì luôn luôn có thể đi ngang qua bóng tối. Tôi thấy sợ, vì tôi có cảm giác có ai đang nhìn tôi, một đứa con gái đang nhìn tôi. Tôi tự hỏi tại sao có đứa con gái nào không ngủ vào giờ này, mà đứng ở cửa sổ trên cao rình rập tôi. Rồi tôi đi vào những bức tường tối. Rồi không còn tôi nữa.

Trong một khoảnh khắc, hình như tôi biết hết tất cả. Sự thật ở bên trong tôi. Nhưng nó không có lời. Một câu chuyện không có lời giống như một cơn mưa không có những giọt nước từ trời. Tôi sẽ đi tìm lời cho những gì tôi biết. Dù cho mất bao nhiêu năm hay cả một đời, tôi cũng sẽ đi tìm.

 

 

 

Chủ nhật mẹ nhờ tôi đưa dì Lan đi chơi hồ Tây. Chỉ còn con đường ngắn đi ngang chùa Trấn Quốc là còn những khoảng trống để nhìn ra hồ. Nhà cửa ở chung quanh làm cho hồ không còn mơ màng như ngày tôi còn bé.

Tôi đưa dì Lan đến ngồi ở một quán cà phê ở lưng chừng con dốc nhìn xuống mặt nước.

"Đêm qua dì có nhắc tới em của con. Con có em sao?"

"Dì có nhắc tới em nào của mi đâu."

"Có. Dì nói: Nếu dì không mang em của con đi thì bây giờ nó còn sống…"

"Dì có nói vậy sao? Mi nằm mơ."

"Không. Con không mơ. Dì đến ngồi cạnh con lúc con ngủ, dì nhìn con."

"Ai làm chi kỳ rứa?"

"Thật mà, dì mặc áo trắng."

"Hôm qua đi ngủ dì mặc áo cánh màu vàng."

"Trong đêm thì áo vàng trông như trắng thôi."

Có thể tôi mơ. Hay có thể nửa đêm dì Lan đến ngồi cạnh tôi trong lúc mộng du. Nhưng dù tôi hay dì là người nằm mơ tối qua thì tôi cũng không quên giấc mơ đó được. Có một sự thật nào đó chưa có lời đang ở trong tôi.

 

 

 

Tôi thường nghĩ cha tôi sẽ đến với tôi vào một ngày mưa. Lúc dì Lan và tôi đang qua phố Hàng Mành, trời chợt đổ cơn mưa lớn. Chúng tôi đứng trú mưa dưới mái hiên bên đường. Chỉ một lúc sau, dưới mái hiên của những căn nhà khác cũng đã đầy người. Tôi nghe tiếng dì Lan nói trong tiếng mưa:

"Mẹ của mi không còn nuôi mi đi học hoài được đâu. Đồng tiền kiếm không ra. Việc thì nặng, mà chị Liên thì yếu."

Tôi lặng yên. Tôi muốn tiếp tục đi, nhưng trời vẫn mưa lớn, tôi đành đứng yên.

"Nếu dì có tiền, dì sẽ gửi ra phụ lo cho mi đi học. Nhưng dì cũng nghèo. Cha của dì có của, có tiền ở Mỹ gửi về, nhưng cha đang lo sửa nhà và cất nhà thờ họ. Dì xin tiền cho mi, nhưng cha không cho."

"Dì nói với con làm gì?"

"Dì nghĩ hay là mi hỏi cha mi?"

Tôi thảng thốt quay lại nhìn dì Lan.

"Biết cha ở đâu mà tìm?"

"Mi phải hứa với dì không bao giờ, không bao giờ nói với mẹ là dì cho mi biết tên của cha mi…"

"Tại sao?"

"Mẹ mi nghĩ mi chưa đủ lớn để biết."

"Con hai mươi hai tuổi rồi."

"Nếu mi có lớn bằng hai bây chừ mi vẫn chưa đủ lớn. Mẹ nghĩ mi không bao giờ có thể biết được hết sự thật, và hoàn toàn không biết thì tốt hơn là biết sai, hoặc biết một phần…"

"Vâng, con hứa sẽ không bao giờ nói gì với mẹ về cha."

 

 

 

Hai hôm sau dì Lan dẫn tôi tới một căn nhà ở Tuệ Tĩnh. Đó là căn nhà ngày xưa cha tôi đã ở. Dì bảo tôi về nhà trước, dì sẽ đi tìm các giấy tờ xem cha tôi đã chuyển đi đâu.

Bảy ngày sau dì Lan trao cho tôi mẩu giấy ghi một cái tên và một cái địa chỉ ở Sài Gòn. Tôi không có gì hơn.

"Dì biết cha của con?"

"Không. Dì không biết anh ấy."

"Sao dì lại có địa chỉ ở Tuệ Tĩnh?"

"Dì có đến căn nhà ấy gặp cha mi một lần."

"Vậy thì dì biết cha của con chứ. Dì kể cho con nghe về cha đi."

"Ừ thì biết, nhưng cũng như không biết."

"Ít ra dì cũng phải biết qua gương mặt, tiếng nói. Và cha làm gì, tính tình ra sao?"

"Cha mi là người học nhiều, có chức vị cao. Dì chỉ biết có vậy. Vì học cao dì chắc cha mi tôn trọng sự học, không để  cho mi phải bỏ học, dù là con gái…"

Câu dì nói không hết. Hoặc là nó đã dài hơn cần thiết.

"Cha con có phải là người tốt không?"

"Dì không biết chắc. Có một việc đáng tiếc đã xảy ra làm cho dì nghĩ cha mi là người không tốt. Nhưng dì không biết đâu. Chắc là dì sai."

"Việc đáng tiếc đó là việc gì?"

"Thật ra cũng là lỗi của dì. Mà năm đó dì mới có mười lăm tuổi, nào có biết tính toán gì."

"Dì đừng nói lỗi của ai mà hãy nói cho con biết chuyện gì đáng tiếc đã xảy ra."

Dì Lan không trả lời tôi, lấy khăn ra chùi nước mắt. Tôi không hỏi được gì thêm.

Ngày đưa dì Lan về Huế, tôi hỏi:

"Hôm trước con hỏi cha con là người tốt hay xấu, dì nói có một việc đáng tiếc đã xảy ra khiến dì nghĩ cha con là người không tốt. Việc gì đã xảy ra?"

Dì Lan suy nghĩ rồi nói:

"Anh ấy làm cho mẹ con mang bầu rồi gặp trở ngại không cưới. Đó là một việc đáng tiếc. Nhưng không có việc đáng tiếc đó thì không có mi. Nếu mi tha thứ được, thì hẵng đi tìm cha."

"Có cha có mẹ thì mới có con. Con không phải là người buộc tội hay tha thứ. Con đang cần có cha."

Lúc tàu mang dì Lan đi rồi, vẫn còn một câu tôi chưa hỏi. Tại sao dì nói đó cũng là lỗi của dì? Tại sao dì nói dì mới mười lăm tuổi nào biết tính toán gì?

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86797


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận