Chuyến xe bus và những con người Đôi lời tác giả: Tôi không biết nên bắt đầu câu chuyện này bằng cách nào, đây không giống một câu chuyện, nó giống như là những mẩu đối thoại. Sẽ không có gì quá nổi bật, không quá gay cấn hay nhiều nước mắt. Đơn giản chỉ là một câu chuyện như bao câu chuyện trong xã hội này. Đây là một lần đi xe bus của tôi, tôi đã được gặp những con người đó, và lúc này đây tôi muốn chấp bút viết nên một câu chuyện về họ, trong này tôi xin giữ lại những từ ngữ địa phương mà nhân vật đã nói, không thay đổi gì cả. Tôi không chắc là có thể khiến người đọc đồng cảm cùng nhân vật trong câu chuyện nhưng điều tôi muốn nói chỉ là: Xin đừng đọc bằng mắt mà hãy dùng cả trái tim để đọc.
Một ngày bình thường của một học sinh lớp 10 được bao quát trong ba từ ăn, ngủ và học, còn nếu rảnh rỗi thì lang thang trên các trang mạng xã hội.
Và... một ngày như bao ngày bình thường khác, ít nhất là đối với tôi. Từ nhà ra trạm xe bus, cái mp3 đang play bài Forever của một ca sĩ nào đó mà tôi không nhớ tên. Tôi lẩm nhẩm hát theo.
Phương tiện đi học của tôi là xe bus, và tôi thích đi xe bus. Thích cái cách xe bus đi lòng vòng, thích được ngồi gần cửa sổ ngắm nhìn mọi vật bên ngoài dù đó là những đoạn đường mà tôi đã đi qua nhiều lần, đối với người khác sẽ trở nên nhàm chán. Nhưng với tôi thì không, mỗi ngày tôi đều phát hiện ra một điều lý thú trên đoạn đường quen thuộc đó. Cảnh vật hôm nay làm tôi nhớ đến câu nói của một nhân vật mà tôi đã đọc trong một câu chuyện, tôi nhớ người con gái đã hỏi chàng trai rằng: “Anh ơi, tại sao trên đường không có cỏ?”. Và anh đã trả lời cô rằng: “Trên đường không có cỏ vì con người không muốn cỏ cản bước chân mình.”. Có lẽ là đúng, con người bây giờ lúc nào cũng vồn vã trong cái nhịp sống quay nhanh đến chóng mặt này nên trên đường đi họ không muốn bất cứ thứ gì cản bước chân mình cả.
Tôi nhìn đồng hồ. Tôi hôm nay đi học sớm hơn mọi khi. Đảo mắt nhìn xung quanh tôi nhìn thấy một người đàn ông trung niên với bộ dạng bần hàn, nhưng đó không là điều tôi quan tâm, tôi nhìn thấy đôi mắt của chú ấy... chú ấy bị mù. Cái gậy trên tay là vật duy nhất dẫn dắt chú ấy đi. Chú ngồi xuống, đôi bàn tay mò mẫm xung quanh để xem mình ngồi đúng chỗ không, theo tôi nghĩ là thế.
Khi đã chắc chắn với vị trí của mình, người đàn ông ấy lại lôi xấp vé số ra đếm. Tôi giật mình, chẳng phải tôi nhìn người ta hơi nhiều sao? Thu tầm mắt lại, tôi ngồi nghe nhạc phát ra từ chiếc mp3.
Xe bus tới, chú ấy mò mẫm đứng dậy và hỏi chú bên cạnh:
- Xe số mấy vậy anh?
- Số 5 anh.
Chú ấy lên xe một cách khá lâu và hơi có chút khó khăn, tôi bước lùi một bước để nhường cho chú ấy. Đó là điều tôi nên làm!
Tôi chọn ghế ngồi hai người ở phía sau, không như mọi lần ngắm nhìn cảnh vật tôi lại quan sát người đàn ông mù ấy. Có một người phụ nữ ngồi ghế trên trò chuyện với chú ấy, chắc là bạn cùng bán vé số. Tôi lại đoán già đoán non lần nữa.
Chuyến xe bus tới trạm gần trường tôi, tôi bước xuống và hai người kia xuống cùng. Tôi mới nhận ra là người phụ nữ ấy cũng bị mù. Tự dưng một ý nghĩ là muốn trò chuyện với họ chợt nảy ra trong đầu tôi. Tần ngần một lúc, nửa muốn tiến tới nửa không. Sau một hồi suy nghĩ, tôi tháo tai nghe ra bỏ vào ba-lô và tiến về phía họ.
- Chào cô! - Tôi cất tiếng bắt chuyện.
Có gì không chị?
Người phụ nữ ngó quanh để xem tiếng nói đó phát ra ở đâu, người phụ nữ đáp một cách lễ phép. Tôi giật mình, người phụ nữ cách xa tôi đến cả mười mấy tuổi mà gọi tôi là chị, chắc là do cô ấy không nhìn thấy nên mới xưng hô thế.
- Cô cứ xem cháu như con cháu thôi, cháu chỉ mới có mười sáu tuổi à!
- Đâu được chị. Chị là người bình thường, còn em chỉ là con mù. Đâu dám đứng trên chị như thế! - Người phụ nữ nói.
Tôi sững người, chẳng lẽ vì mình không bình thường như bao người khác mà họ lại có thể hạ thấp danh dự của bản thân để gọi một cô nhóc mười sáu tuổi như tôi bằng cái danh xưng “chị”. Cuộc sống đã biến họ thành người tự hạ thấp mình một bậc so với xã hội?! Tôi lại cất tiếng nói:
- Cô à, cô đừng phân biệt bản thân mình như thế! Cứ gọi cháu là được rồi!
Người phụ nữ đưa đôi tay quờ quạng giữa không trung để tìm kiếm điều gì đó. Rồi... bất chợt người người phụ nữ đó nắm lấy tay tôi, đôi tay còn chai sạn hơn cả tay của mẹ tôi, ngay đến cả một cái nắm tay sao cũng trở nên khó khăn đối với họ.
- Chị tốt quá! Bây giờ ít người đối xử với chúng em như vậy lắm. Em đội ơn chị!
Giọng người phụ nữ có chút nghèn nghẹn, đôi mắt không bình thường như đang cố ép nước mắt chảy ra nhưng không được. Hai từ “đội ơn” nghe sao quá nặng nề. Ở một khoảng cách gần, tôi nhìn vào mắt người phụ nữ ấy. Một bên mắt phải hoàn toàn nhắm tịt lại còn bên mắt trái với một kẽ hở nhỏ, tôi nhìn vào bên trong... Trong đôi mắt ấy... không phải là con ngươi màu đen hay tròng trắng của mắt... mà chỉ là một khối thịt hồng hồng che lấp đi hoàn toàn ánh sáng trong đôi mắt ấy. Tôi khẽ rùng mình.
Sự khắc nghiệt của số phận và sự bươn chải đã trao cho người phụ nữ ấy một làn da rám nắng, mái tóc đã bị cháy nắng phân nửa. Khuôn mặt với tàn nhang rõ nét không được một công nghệ make-up nào để che đi. Những nếp nhăn cũng hiện lên chồng trên những vết tàn nhang.
- Cô đâu cần phải gọi đến thế đâu ạ! Cháu đã làm gì giúp cô đâu?!
- Dạ…chị…
Ấy, lại nữa. Cô cứ gọi bằng cháu đi, gọi “chị” nghe già quá!
Tôi gãi đầu nói.
- Dạ...
- Cháu có thể hỏi cô một vài chuyện được không?
- Dạ, chị cứ hỏi.
- Ưm... cô cho cháu hỏi là cô bị căn bệnh mắt này do bẩm sinh hay là mới gần đây?
- Bẩm sinh từ trong bụng mẹ.
- Vậy quê cô ở đâu?
- Ở Phú Yên.
- Cô vào đây khi nào?
- Mới đây nữa là hai năm.
- Cô vào đây với gia đình hay đi một mình?
- Đi với hai vợ chồng.
- Đây là chồng cô? - Tôi chỉ sang người đàn ông bên cạnh, người đã gián tiếp tạo nên cuộc trò chuyện này.
- Dạ! Chị còn một người chị nữa, chồng bán vé số còn chị thì đi ăn xin.
- Ăn xin? Chị cô cũng bị như cô hả?
- Không, chị bình thường.
Tôi ngạc nhiên, bình thường mà phải đi làm ăn xin. Hay do không thể tìm việc nhỉ? Tôi hỏi tiếp:
- Cô đi bán vé số có cực không ạ?
- Bị mất miết à!
- Chắc là bị lừa hả cô?
- Bị lừa, toàn quân mất dạy! - Người phụ nữ phẫn nộ nói.
- Cô có thể tâm sự cho cháu một chuyện trong một lần cô đi bán vé số được không ạ?
- Chị thì có gì kể đâu em. Đi bán cứ mất miết rồi không đủ phải đi xin...
- Đại lý vé số có nói gì không cô?
- Có chứ. Mất thì phải đền chứ sao!
- Cực quá cô ha! - Tôi buông câu cảm thán.
- Ừ!
- Nói với cháu chứ, giờ ra đường thì nghĩ người ta cũng bán vé số thì mình cũng nghĩ là thôi thì chỉ bán có một tờ vé số. Thì bán cho nó rồi nó bảo đưa cho nó lựa số, mình thì không thấy đường cũng đưa nó lựa số, nó lựa thì không lựa mà lấy luôn vé số rồi bỏ chạy. Nhiều lúc chú chờ đến mười hai giờ trưa mà không thấy nó đưa số, người xung quanh bảo là bị lừa rồi. Có lần nó lấy số bỏ chạy chú túm lại áo kịp thời bị nó uýnh túi bụi. Đau lắm, cháu ạ!
Người chồng sau câu nói là tiếng thở dài não lòng, còn người vợ thì lấy tay áo lau đi những giọt nước mắt được ép ra một cách khó khăn. Tôi lặng im không biết nói gì. Đời sống cơ cực đến thế sao? Xã hội không thiếu những kẻ bất lương như thế, số phận của đôi vợ chồng này sao lênh đênh quá!
Tôi tự hỏi, đã bao giờ họ hiểu hết được khái niệm của từ “ăn sung mặc sướng” chưa? Hay chỉ là những tháng ngày cơ cực, sáng mở mắt dậy đã phải lo nghĩ hôm nay bán như thế nào, có bị lừa nữa không? Đêm về thì lại lo lắng về tương lai sau này? Rồi đôi lúc lại tự than thở rằng “cuộc sống này có hai chữ 'công bằng' hay không?”
- Vậy khi bán thì làm sao cô chú nhận biết được mệnh giá của tờ tiền?
- Mình phải hỏi chớ... Hỏi: chị ơi, tờ này bao nhiêu? Anh ơi, tờ này bao nhiêu? Rồi bao nhiêu họ sẽ nói.
- Nhưng mà cô ơi, lỡ mình gặp phải kẻ lừa đảo thì sao cô?
- Thì phải chịu chứ sao. - Người phụ nữ thở dài nói.
Tôi lặng thinh không biết nên nói gì tiếp theo, người phụ nữ không thấy tôi nói liền tiếp lời:
- Khổ lắm chứ! Nhiều lúc đền cắm đầu luôn, không đủ phải lấy tiền lời ra mà bù chứ. Mình không bình thường như người ta thì phải chấp nhận thôi.
- Sao cô chú không tham gia vào hội người mù ạ?
- Hồi trước, chú ở Ninh Hòa có tham gia nhưng làm một tháng ăn không đủ. Mỗi tháng chỉ có tám mươi ngàn à, mà mình thì cũng muốn như người ta cũng muốn lấy vợ mà làm như thế một mình ăn chưa đủ thì làm sao nuôi vợ, nuôi con. Chú vào đây và đi bán vé số là thế. - Chú ấy kể.
- À, hồi nãy cháu thấy cô bán vé trên xe bus đưa cô tờ hai mươi ngàn, không biết cô có nhận ra đó là bao nhiêu không?
- Không.
- Sao cô không thử đo độ dài của tờ tiền.
- Có chứ! Nhưng có mấy tờ đo được à!
- Những tờ nào đo được cô?
- Như tờ năm ngàn thì nhỏ hơn tờ mười ngàn. - Chú ấy nói.
- Mà bé có quen ai không? Giúp chị giùm đi, chứ giờ chị khổ quá. Đã vậy có con vi trùng trong bụng, không chữa thì thành ung thư. Năm ngoái, tích cóp tiền được một ít mẹ chị dẫn vào bệnh viện tỉnh khám thì họ bảo có con vi trùng trong bao tử. Chị khổ quá bé ơi!
Tôi im lặng không nói, khẽ thở dài. Giúp ư? Với độ tuổi ăn ngủ này, quan hệ ngoại giao hạn hẹp thì giúp đỡ được ai. Một lời đề nghị bỗng trở nên khó khăn với tôi.
- Cô có con không? - Tôi lảng sang chuyện khác.
- Có, đứa con năm tuổi.
- Em nó có bị bệnh như cô chú không?
- Không biết nhưng nghe bà ngoại nói mắt nó yếu.
- Em nó đi học chưa cô?
- Tiền ăn còn không có thì tiền đâu mà cho nó đi học em.
Trên gương mặt với làn da đen đúa ấy lại xuất hiện một giọt nước mắt, bao nhiêu cảm xúc chẳng thể diễn tả được một cách bình thường. Chắc hẳn chị đã bao lần ước ao được nhìn thấy gương mặt của giọt máu mủ đã đứt ruột đẻ ra. Người chồng đã bao lần ước ao được nhìn thấy gương mặt người vợ đầu ấp tay gối với mình. Và hai vợ chồng cũng đã bao lần ước được nhìn thấy cuộc sống này như thế nào, ước được nhìn thấy những con đường mình đã đi qua, được nhìn thấy dấu chân của mình trên con đường. Và một điều đơn giản hơn là có thể ngắm mình trong gương như bao người bình thường khác làm hằng ngày.
Họ chỉ muốn sống một cuộc sống của một con người bình thường!
Đời trớ trêu thay!
- Giờ cô đi đâu?
- Về nhà em! Nếu không còn gì thì chị về trước nhé!
- Dạ, để cháu đưa cô chú qua đường!
- Thôi, hai kẻ mù này không dám phiền cháu. - Người chồng từ chối.
- Để em cho chị, em biết nhà hai người này ạ!
Một thằng nhóc khoảng chùng mười tuổi, khuôn mặt lanh lợi chạy tới nói với tôi. Mồ hôi vẫn lấm tấm trên trán cậu bé, tôi mở ba-lô đưa cậu bé một tờ khăn giấy bỏ túi và nói:
- Em lau mồ hôi đi!
- Cái này thơm quá ha chị?!
- Ừ! - Tôi bật cười với câu nói ngớ ngẩn của cậu bé.
- Em đi trước nha chị?
- Vậy chị nhờ em nhé!
- Dạ!
Rồi bóng ba người cách xa dần tôi, tôi vẫn đứng đó nhìn theo bóng dáng họ. Chợt nhận ra họ đang đùm bọc lẫn nhau, cái tình cảm mà con người trong xã hội hiện đại đang dần đánh mất đi. Dù cơ cực thế nào, họ vẫn dành cho nhau một chút, một ít trong trái tim mình.
Xã hội ngày càng phát triển, con người dần trở nên vô tâm, họ luôn giữ trong mình tư tưởng “tôi còn lo chưa xong thì lo cho ai”.
Tôi không trách ai khi thốt lên câu đó, ngay cả bố mẹ tôi cũng đã từng nói như thế. vì họ đều phải bận bịu mưu sinh, mà trong thời đại bão giá như thế này sẽ chẳng bao giờ là thấy đủ cả. Lòng tham con người, trở nên vô đáy mà!
Thầy tôi đã từng nói: “Tất cả chúng ta đang học cách biến mình thành những con robot. Và tất cả các em, cũng đều tự biến mình như thế và tôi cũng đang dạy những con robot.”. Có lẽ thầy tôi nói đúng, cuộc sống hiện đại con người dần đánh mất đi câu nói “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” mà thay vào đó câu “đèn nhà ai nhà đó sáng”. Đến bao giờ họ lại đùm bọc yêu thương như ngày xưa đây, đến bao giờ từng thành viên trong từng gia đình của mỗi căn nhà trong một khu phố ngồi lại rồi hỏi han nhau. Hay chỉ là ánh nhìn thờ ơ khi thấy một gia đình gặp nạn và cái nhìn khinh miệt khi họ gặp phải chuyện ngoài ý muốn.
Các bậc cha mẹ ngày nay phần vì do cuộc sống đầy lo toan, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện một ký thịt là bao nhiêu tiền hay chỉ là lo lắng cho chuyện bán mua tình cảm, kiến thức. Đâu giữa nhịp sống quay cuồng ta bắt gặp được cảnh những con người đùm bọc lẫn nhau?
Tôi lại nghĩ đến đôi vợ chồng mù ấy. Rồi về đâu những mảnh đời không tìm được bến bờ, về đâu khi họ chẳng còn thể tìm ra được ánh sáng cho bản thân mình. Tôi cũng là một trong những “con robot” mà thầy tôi nói, bởi vì tôi không thể giúp được cho họ. Bản thân họ bị bó buộc trong một không gian chật chội, tối tăm. Ngày mai, ngày kia rồi bao nhiêu ngày trong tương lai đều phải bon chen, mưu sinh. Rồi sẽ gặp phải bao nhiêu kẻ bất nhân trong đời? Người tốt sẽ chẳng bao giờ là một khái niệm tồn tại trong họ?!
Tôi tự hỏi, nếu một ngày tôi giống như họ, không nhìn thấy được cuộc sống này như thế nào. Cái cảm giác chắc khó chịu vô cùng.
Tôi nhìn đồng hồ một lần nữa rồi quay đi về hướng trường học. Cái nắng gay gắt vẫn chiếu xuống thành phố Nha Trang nhỏ bé.
*** Không biết là có ai nhận ra không? Trong câu chuyện này tôi không để cho nhân vật có một cái tên nhất định vì đây không phải là câu chuyện của riêng họ - những con người đã giúp tôi tạo nên câu chuyện này mà câu chuyện này là của tất cả những con người đồng cảnh ngộ. Một phút thôi, tôi chỉ xin những ai có thể đọc được tác phẩm này một phút thôi, hãy lắng lòng và lặng nhìn cuộc sống và bạn sẽ thấy cuộc sống này không thiếu những mảnh đời bất hạnh. Không thể làm việc gì to tát cho họ nhưng hãy để lại cho họ vài đồng lẻ nằm trong khả năng, đừng nhìn những đứa trẻ hay ông/bà cụ ăn xin bằng đôi mắt thờ ơ. Nhẹ đặt vào tay một vài đồng lẻ hay thứ gì mà bạn không dùng chứ đừng ném vào mặt họ. Tôi mong những ai có thể đọc tác phẩm này không phải là “những con robot”.