Nắng Vỡ Truyện ngắn 10


Truyện ngắn 10
Họa mi không hót nữa
1.Ngài thẩm phán vừa về đến nhà đã chạy ra vườn. Ngôi biệt thự hai tầng xinh xắn có hàng bao lơn xung quanh. Đứng từ đây có thể vừa hóng gió vừa nhìn ra con sông phía đằng xa, lại nhìn xuống khu vườn đằng sau nhà có một cây xoan đào, dưới gốc cây kê một bộ bàn ghế bằng đá tự nhiên, lối đi rải sỏi từ cánh cửa sau dẫn quanh co tách khu vườn ra làm hai. Một bên trồng toàn cây thế, một bên là hồ nước rất lớn nuôi cá cảnh có hòn non bộ đặt giữa bể. Hệ thống dẫn nước đặt giấu phía sau tảng đá phun lên những rễ cây bám chặt vào đá trông giống như những dây thần kinh bám chặt vào bắp thịt. Đài nước phun trên các bờ đá rêu phong rồi róc rách chảy xuống đàn cá chép đỏ đang bơi lội tung tăng. Cây xoan đào bóng rợp quanh năm, tán lá xòe ra che cả hai bên khu vườn.

 

2. Ngài thẩm phán có thú vui chơi chim, ông mê chim lắm! Tháng trước, có anh bạn tặng ông một con

 

họa mi, giống chim nhiệt đới sinh trưởng ở miền Nam nước Úc. Thức ăn của nó hàng tháng được gửi từ mãi New Zealand bằng máy bay, tăng bo qua rất nhiều nước, rồi lại phải qua rất nhiều thủ tục kiểm tra y tế, mà hạn sử dụng chỉ trong vòng ba mươi ngày, thành ra tháng nào ông thẩm cũng phải làm một số thủ tục bảo lãnh rất nhiêu khê. Thế mới biết "nghề chơi cũng lắm công phu". Những viên thức ăn của họa mi là những viên cám nén tổng hợp, hình trụ, màu hồng đựng trong chiếc lọ bằng inox, bảo quản rất cẩn thận. Trước khi trao con chim cho ông, người bạn dặn: "Loài chim này hót đặc biệt hay. Nhưng có điều phải chăm sóc nó thật kỹ. Thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, khoáng chất và yếu tố vi lượng và cả vác xin phòng bệnh, mỗi ngày nhớ cho ăn đủ ba viên - đúng giờ". Đón lồng chim từ tay người bạn, ngài thẩm phán thích ra mặt. Ông treo lồng chim lên cành cây xoan đào phía trên hồ nước. Từ chiếc ghế đá, ngồi thưởng thức các loại trà ngon, đồng thời vừa ngắm cá, vừa nghe chim hót thì thật tuyệt! Ông đứng ngắm nghía con chim cứ bay loạn xạ trong lồng, thò cái cổ ra kẽ nan hòng tìm đường tẩu thoát. "Rồi mày sẽ quen thôi, đến lúc tao có thả mày ra chửa chắc mày đã chịu ra ấy chứ". Ngài vừa ngắm, vừa dỗ dành nó.

 

3. Bà thẩm phán là một phụ nữ đẫy đà, trông có vẻ đoan trang, bà không dùng son phấn vẫn toát lên vẻ đẹp lạnh lùng. Bà lấy ông thẩm đã ngót ba chục năm nhưng chưa một lúc nào bà thấy suy giảm tình yêu đối với ông. Lúc còn trẻ, tình yêu cuồng nhiệt bao nhiêu thì giờ đây lại càng sâu đậm bấy nhiêu. Ngài thẩm phán bị bệnh tim bẩm sinh, bà biết thế nên chưa bao giờ bà làm cho ông phải căng thẳng, cả khi tình yêu lúc còn mới mẻ bà cũng biết cách giảm hưng phấn nơi ông. Bà để ý theo dõi ông từng li từng tí, từ chuyện cơ quan đến sinh hoạt gia đình chưa bao giờ ông bị hồi hộp hay xúc động đột ngột quá vì bà biết cách điều tiết các mối quan hệ, bà tính sao cho khi ông tiếp nhận mọi thứ thông tin thì bà đã sắp đặt cho nó bình thường đến mức chẳng có gì mà phải suy nghĩ, đắn đo, lo lắng hay tức giận cả. Hết giờ làm việc bà khóa chặt cổng, hầu như không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, vừa có lợi cho sức khoẻ lại vừa có lợi cho công tác của ông, cái nghề nắm giữ sự sống chết của những kẻ phạm tội, trong đó chứa đựng biết vô vàn những mối quan hệ phức tạp, thế mà bà vẫn thay ông hóa giải tất cả để ông không bao giờ cảm thấy bị phiền hà, khó chịu mà ảnh hưởng tới sức khoẻ. Ông thẩm cũng nhận ra điều đó và hết sức mãn nguyện về người vợ của mình. Bà như một người mẹ, người chị luôn quan tâm đến ông, ngay cả đến những thú vui, cho dù nhỏ nhất. Bà cứ duy trì cuộc sống yên ả suốt mấy chục năm nay. Ông giống như một thân dây mềm quấn quanh cái cây cổ thụ. Từ ngụm nước uống, cái tăm xỉa răng cho đến viên thuốc uống bao giờ bà cũng chuẩn bị sẵn sàng, đúng giờ và bằng giọng hết sức âu yếm: "Anh ơi, đến giờ uống thuốc rồi".

 

4. Từ ngày có con chim, gia đình ông vui vẻ hẳn lên, hình như bệnh tim của ông đỡ hẳn, da ông bớt xanh hơn, và trông kìa, mỗi lần đi làm về, ô tô chưa dừng hẳn là ông đã mở cửa xe và chạy ngay vào khu vườn. Lúc đi ngang qua cổng nơi bà ngày nào cũng đứng chực sẵn đón chồng, ông mỉm cười với bà và không quên cử chỉ rất trẻ con là béo vào hông bà một cái. Bà hết sức sung sướng nhìn theo ông rồi mới thong thả chốt cổng đi vào.

Dạo này con chim đã quen, nhìn thấy ông về, nó cuống cả lên bay vòng quanh lồng một hồi rồi cứ nhảy nhót hướng về phía ông. Ông ngắm nhìn nó một lúc rồi quay lại ngồi xuống chiếc ghế đá, tựa lưng vào thành ghế mát rượi, thong thả thưởng thức ấm trà mà bà pha sẵn. Cứ thành thói quen như thế, ngày nào cũng vậy, lúc ông đưa chén trà lên mũi ngửi hương thơm ngào ngạt, ngầy ngậy của loại chè ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Những búp chè được hái từ những cây chè mọc tự nhiên, sao thủ công bằng phương pháp cổ truyền rồi cho vào chum sành, ủ bằng lá chuối khô sau hai tháng mới được uống. Con chim chờ lúc ông chèm chẹp miệng thưởng thức mùi hương thơm, chát đầu lưỡi nhưng ngọt cuống họng mới cất tiếng hót. Ông ngây ngất chìm đắm trong tiếng chim hót ngọt ngào. Từ thưởng thức đến sự cảm nhận tinh tế vẻ đẹp của thượng đế đã ban tặng cho loài người, rồi lâu dần ông tự thấy mình có khả năng hiểu được tiếng chim. Nghe thanh đục là ông biết nó đang giãi bày nỗi thống khổ của loài chim, thanh trong là lúc nó cao hứng kể về những đỉnh vinh quang khi hót trước lũ quạ khoang, lúc khàn khàn là nó đang gặp những nỗi buồn mênh mang, lúc ríu rít thủ thỉ như hai người bạn thân hay lúc giọng nó run lên nghe âu yếm ngọt ngào như chuyện của tình nhân...

 

5. Bà thẩm đã nhận thấy sự đảo lộn cái trật tự mà bà đã sắp đặt suốt mấy chục năm qua vì đơn giản là thấy thái độ thờ ơ với vợ, lơ đãng trong câu chuyện với bà, và nhạt nhẽo cả chuyện chăn gối. Ngay cả đến giờ uống thuốc ông cũng không còn ngoan ngoãn vâng lời, khi bị giục giã nhiều quá, ông trở vào nhà cầm cái chén uống nước với vẻ mặt cau có, tính trầm hẳn xuống. Nhiều đêm ông thức giấc, bước đi nhẹ như con mèo lần ra gốc xoan đào. Con họa mi cũng nồng nhiệt đón chào chủ nhân bằng những tiếng lích - zích khe khẽ đủ cho một mình ông nghe. Ông ngồi mê mẩn dưới gốc cây, mặc cho sương đêm se lạnh. Nếu như bà thẩm không ra đỡ ông vào nhà có lẽ ông còn ngồi hết đêm. Tất nhiên mỗi lần như thế bà thẩm không quên một vài lời trách móc, phàn nàn. Nghĩ đến sự ghẻ lạnh của ông bà rùng cả mình, không phải vì ông chê bà, bà có gì mà ông chê nào? Cũng chẳng qua vì sự có mặt của kẻ thứ ba trong nhà. Nó bé nhỏ thế mà ảnh hưởng rất lớn, ghê thật! Nó như một thứ bùa mê, luôn luôn phải làm cho người ta thèm muốn, đòi hỏi và khát khao sống đến mãnh liệt, chống lại tất cả, phá nát tất cả để rồi xây cất lại trong niềm tin vào một bình minh sáng chói. Lần đầu tiên bà thấy mình sai lầm. Ông ý, cái ông thẩm ý được bao che, chiều chuộng nên mất hết kháng thể. Bây giờ mà bà rời ra là quả tim be bé của ông thẩm hết thì thụp trong lồng ngực, nấc lên một cái rồi thăng. Bà đau đớn nghĩ thế, nhưng chả tội gì, ông chết bà ở với ai? Chỉ tại nó thôi, nó đấy, chính nó! Bà nổi giận trong lòng nhưng gương mặt đẹp che lấp nó đi, chỉ có ánh mắt đầy sát khí ném vào con chim báo hiệu sự chẳng lành. Con chim yên lặng nhìn bà, cái đầu cúi xuống giấu cái mỏ vào trong bộ lông ngực như chừng muốn thanh minh với bà là lỗi không phải tại nó. Có trách thì trách cái sự dở hơi của con người, còn nó chỉ biết có phận sự mua vui cho thiên hạ, cất tiếng gọi hòa bình trong mỗi con người, ngoài ra nó có biết làm cái gì hơn ngoài sự cần mẫn, luyện tập cái giọng đến quên cả bản thân, còn chuyện đam mê vốn là cái đặc tính ương ương, dở dở của con người, không liên quan gì đến nó cả, bà chớ có hiểu lầm mà làm mất hòa khí gia đình, bà thừa trí khôn để hiểu điều đó còn gì.

 

6. Có một điều rất lạ lùng xảy ra. Từ ngày ông thẩm đưa con chim về nhà, trên cây xoan đào nhà ông xuất hiện rất nhiều các loài chim bay đến, chúng thi nhau hót, có lúc từng con một hót đối với con họa mi, có khi chúng cùng đồng loạt hót vang bài ca về bầu trời xanh thẳm, cao lồng lộng và rộng mở, tha hồ tung cánh, tha hồ hát ca, thế mới là cuộc sống! Ông thẩm thoạt đầu lặng lẽ nghe chúng tự do hót, có vẻ loạn xạ nhưng nghe kỹ mới thấy tuyệt diệu làm sao, thật là muôn hình muôn vẻ. Những âm thanh khác nhau lại mang những vẻ đẹp khác nhau, vẻ đẹp của chúng thật tự nhiên và kiêu sa, còn con họa mi của ông hót tròn trịa quá. Hay thì cũng thật là hay nhưng thiếu thốn hồn cốt. Có thật chứng kiến chúng đua nhau hót ông mới thấy buồn cho con họa mi, thế mà bao lâu nay ông vẫn khen nó hết lời, chết mê vì nó. Tận


lúc này ông mới đau đớn nhận ra một điều rằng
những con chim tự do bao giờ cũng hót hay hơn con chim trong lồng.

 

7. Bà thẩm nhận ra ông thẩm đã thay đổi nhiều quá, ông không còn yêu bà nhiều nữa. Nhiều lần đi làm ông quên hôn lên mái tóc của bà. Những ngày nghỉ cuối tuần quý báu ông cũng dành hết thời gian ngoài vườn với con họa mi và lũ chim hoang. Ông có vẻ xọm đi và trông già nua đến kinh khủng. Bà thẩm xót xa nhìn ông và liếc ánh mắt sắc lạnh về phía con họa mi, bà ghen với nó, bà thấy ấm ức trong lòng và căm tức cái loài súc sinh khốn kiếp dám tranh giành ông thẩm với bà. Bà nuốt hận trong lòng, chửi rủa: Dù gì thì mày cũng chỉ là con vật tao nuôi thôi, đồ bẩn thỉu!

 

8. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cân nhắc mãi, ông quyết định mở cửa lồng chim. Nếu thả con chim bay ra chắc ông buồn lắm, nhưng càng buồn hơn nếu ông cứ nhốt nó trong chiếc lồng kia. Nếu nó bay đi, ông còn ai làm bầu bạn? Bà thẩm ư? Dĩ nhiên rồi, nhưng mà bà đã quá cũ kỹ, bà không chịu thay đổi gì sau từng ấy năm và ông thấy chán ngấy cuộc sống nhạt nhẽo, của bà. Giờ đang có bạn bầu bí với ông, ông cũng phải tỏ lòng cao thượng cho nó về với thế giới tự nhiên thì ông lại càng được hưởng nhiều hơn chứ sao! Cái công việc chết tiệt làm cho ông luôn căng thẳng và khô héo. Cứ vài ngày là ông lại phải tuyên án một lần, nặng thì dựa cột, nhẹ thì vài ba tháng chăn kiến ở trại giam. Công việc thật sự mệt mỏi. Trước mỗi vụ án, ông cùng cộng sự làm cật lực để làm sao cho cái búa công lý vung lên phải thấu tình, đạt lý. Nhưng cứ nhìn vào gương mặt của những kẻ phạm tội ông lại liên tưởng đến con chim của ông bị nhốt trong cái lồng chật hẹp. Khi thẩm vấn, tội phạm nào cũng đưa ra muôn vàn lý do dẫn đến hành vi phạm tội mà luật pháp thì không có chỗ cho những lý giải quanh co. Đó là những sự bế tắc trong cuộc sống mà luật pháp luôn tỉnh bơ trước những trắc ẩn của con người. Khi được đối chứng âm thanh, ông thật buồn bã, con họa mi chẳng khác gì tù nhân mà ông vẫn thường ngày tống chúng vào ngục. Nó sẽ trở nên hay hơn khi tháo bỏ cái hàng rào bao quanh, còn không nó là một sự phỉ báng văn minh. Nhưng muốn nó hót cho mình nghe thì phải xiềng nó lại, cho nó ăn rồi nó trả ơn bằng tiếng hót, ông về thì nó hót cho mình ông nghe. Nhưng nghe cái thứ âm thanh nịnh hót thì ông chán quá! Ông cần một tiếng hót khác cơ, phải thật hay, nó phải làm rung động từng đường gân thớ thịt, đó mới là thứ âm thanh cuộc sống cần. Rồi ông cũng ra quyết định, một quyết định thật là khó khăn: Trả con chim được tự do.

 

9. Vô cùng bất ngờ, con chim không chịu bay ra, nó thò cái đầu ra nhìn ngắm bầu trời bao la, rồi lại ngắm cái lồng chật hẹp. Suy tính một lúc nó bay ra ngoài đậu trên cành xoan đào nghiêng ngó một hồi rồi lại bay vào và lịch thiệp đỗ lên thanh ngang, chỗ nó vẫn thường ngày đứng hót. Ông thẩm trố mắt ngạc nhiên. Con chim nhìn ông rồi cất tiếng hót, lời ca thật tha thiết nhưng cũng đượm mùi cay đắng. Nó nói rất cảm ơn ông nhưng nếu được tự do nó có thể chết vì cô đơn. Nó muốn ở đây làm bạn với ông vì có ông mới khuyến khích nó hót, nâng niu nó, lại có cái ăn sẵn. Trong lời ca của con họa mi ông thấy nó phân tích: Thực ra ở trong lồng hay ở trong bốn cái bức tường nhà ông có khác gì nhau? Nếu ông là chủ nhân của nó thì bà vợ của ông kìa, có khác gì một bà chúa ngục. Chúng ta giống nhau cả thôi, ngài thẩm phán ạ!


10. Lũ chim hoang rào rào bay đi khi thấy bóng bà thẩm đi ra vườn. Bà tiến lại chỗ lồng chim, ngắm nó một hồi, nó cũng nhìn bà. Bà thẩm với tay bẻ một cành xoan đào, vừa thò tay vào lồng xua con chim vừa mắng nhiếc: "Thật là đồ ngu xuẩn, chưa thấy loài nào dại dột như loài chim, ra đi mày, ra đi!". Đây là một cơ hội tốt cho bà, nếu không chớp lấy thì chính bà mới là kẻ dại dột. Con chim cứ bay vòng quanh trong lồng để tránh cành xoan đào, nó sợ trúng đòn của bà sẽ chết. Bà lại càng xua mạnh, bụng thầm khấn: "Cửa lồng mở suốt ngày sao mày không bay đi cho tao nhờ". Bà hí hoáy tìm cách xua con chim ra phía cửa, vừa cằn nhằn: "Tao đối xử với mày có tệ bạc gì đâu, hay là ăn lắm đẵm chuồng? Sợ ra ngoài bị chim lớn hơn nó vằm xác ra chứ gì? Thôi tao cắn cỏ tao lạy mày, được chưa? Ra đi chim. Tao cần ông ấy, đừng chia rẽ tao với ông ấy, tội nghiệp. Thôi ra đi, làm ơn đi!". Nói thế mà con chim vẫn không chịu ra, lại còn nhâng nháo, láo liên cái đầu. Bà thẩm bỗng vứt cái que xuống đất vì bà chợt nghĩ ra nếu lỡ tay đánh chết con chim thì tin chắc ông thẩm sẽ xử bà tới cấp giám đốc thẩm, quyết cho bà một cái án lạnh nhạt chung thân là cái chắc. Con chim mang từ miền Nam nước Úc xa xôi, đến thức ăn cũng kén, phải là thức ăn gốc, lại phải cho ăn đúng chế độ, đúng giờ giấc. Thật đáng ghét! Hay ho gì cái loài vật kia mà ông thẩm cứ mê mẩn như phải bùa mê. Chỉ là tiếng chim thôi chứ có gì đâu? Có cái gì mà hay nào? Đàn ông thật là một lũ quái gở.

Bà thẩm ngồi xuống ghế đá, mặt ghế lành lạnh làm cho bà tỉnh táo. Bà bỗng tủm tỉm cười rồi đứng dậy trỏ vào mặt con chim: "Được rồi, tao có cách rồi, để xem mày còn có hót được nữa không?".

 

11. Dạo này ngài thẩm phán thấy con chim của mình khang khác, gầy guộc, lông xù ra, giọng nó nghe yếu ớt, thanh đục. Ông chạy vào nhà lấy lọ thức ăn đổ ra bàn tay rồi đếm. Ngày ba viên, đếm hết còn lẻ ba, như vậy là đủ, cho ăn như thế là đúng chế độ. Mà vợ ông chăm sóc thì ông phải lo gì. Vậy thì tại sao? Ông hốt hoảng vừa chợt nghĩ ra hay là nó ốm? Ông gọi điện thoại trao đổi với các chuyên gia về động vật hoang dã, rồi ông nghe theo lời khuyên của một vị giám đốc vườn chim quốc gia. Ngày mai ông sẽ cho con chim sang Sanh-ga-po khám và chữa bệnh.

 

12. Bà thẩm vô cùng thích thú với trò chơi của mình. Thoạt đầu bà cắt khẩu phần của con chim. "Để mày rã họng ra, xem mày có hót được không! Tao sẽ làm cho mày dở sống dở chết rồi mày phải tự chán hót thôi. Hê hê...". Con chim tuy rằng đói một tý, nhưng nó hót vẫn khỏe, giọng vẫn trong trẻo. Đúng là cái đồ dở hơi, thích hót à? Bà thẩm tiếp tục giảm khẩu phần thấp nữa. "Rồi mày sẽ phải chết từ từ, tự mày sẽ phải trả giá thôi". Một ngày chỉ có một viên, khi cho ăn bà thẩm cố tình cho nó phải quỵ luỵ bà mới thôi. Lúc con chim há mỏ ra, bà giả vờ đưa thức ăn vào, lúc nó dập cái hàm dưới lên thì bà lại rút tay ra, cứ thế, đến lúc con chim gần như kiệt sức, hai cánh xã ra, run lẩy bẩy bà mới mở lòng từ bi cho nó một con đường sống. Đúng là chiêu này hay thật. "Bây giờ mày có muốn ra tao cũng không cho mày ra nữa". Rồi bà đóng sập cửa xuống. Con chim không còn sức nữa, nhưng nó vẫn tiết kiệm sức, ít vận động để dành sức đợi ông về để cố hót cho ông nghe. Nó muốn than thở với ông, tỏ lòng trung với ông. Đã hai ngày nay bà thẩm đi vắng cũng quên luôn cho nó ăn, nó không còn đủ sức đậu trên cái thanh ngang được nữa, nó ệp xuống đáy lồng, hai mắt nhắm nghiền, thiêm thiếp trong cơn đói, thỉnh thoảng nó lại nhỏm dậy uống vài hớp nước, có vẻ tỉnh táo hơn nhưng lại làm cho nó suy kiệt nhanh hơn.

 

13. Ông thẩm với bà thẩm cùng đi vào nhà, vừa đi ông thẩm vừa bảo với bà: "Hôm nay có xe đi Nội Bài, tôi gửi con chim đi bệnh viện". "Vâng". Bà thẩm cố nén tiếng thở: "Tao cũng mong cho mày mau cuốn khỏi nhà tao, chúc mày thượng lộ. Cứ ra khỏi nhà tao, mày có chết đồng chết đường là tao ngoại phạm". Bà xin phép ông rồi đi vào nhà, còn ông thẩm đi ra ngoài vườn, ông vội vã bước nhanh đến chỗ chiếc lồng định tháo cái móc xuống thì ông bỗng thấy lồng chim im ắng, đàn chim hoang đậu trên cây xoan đào cũng im lặng nhìn ông. Ông nhìn con họa mi thấy hai chân nó quặp chặt vào thanh ngang, cái cổ vươn ra, cái mỏ há to trông thật kiêu hãnh. Ông hốt hoảng nhìn con chim đứng bất động rồi nhận ra là nó đã chết. Nhưng mà cái làm cho ông thẩm xúc động nhất là cái chết oanh liệt của họa mi. Trước lúc chết nó còn cố hót đến hơi thở cuối cùng. Ông thương tâm nhìn nó, chết rồi mà lời ca vẫn đọng trên môi, chết như thế mới là đáng chết! Ông thẩm hai tay run run thò qua cửa lồng định vuốt ve nó lần cuối nhưng lại không dám động vào nó. Lúc này đàn chim hoang đậu trên cây xoan đào đã bay đi hết. Ông thẩm buồn rầu hạ cái lồng chim xuống, muốn đặt nó lên đỉnh hòn non bộ để mà chiêm ngưỡng nó lần cuối. Ông bất ngờ nhìn xuống sau tảng đá. Cái gì thế này? Đấy chẳng phải là những viên thức ăn màu hồng được mua từ New Zealand đó sao? Ông đã từ từ hiểu ra. Lúc trước ông cũng nghi ngờ nhưng khi kiểm tra lượng thức ăn thấy còn đầy đủ, không có chứng cớ. Đúng là nghề của ông làm hại chính ông, xử thế nào đây? Sao ông không điều tra cho rõ những lần mới đây nghe tiếng hót khàn khàn, ông cũng có chút ngờ vực nhưng rồi ông lại nghĩ đến chuyện con chim bị ốm, song rồi ông lại gạt bỏ yếu tố này ra khỏi trong đầu vì thức ăn của bọn nước ngoài đàng hoàng lắm! Đến người ăn còn được nữa là. Ông đau đớn nghĩ đến cái chết của con chim, nó bị chết dần không để lại dấu vết, thật là tàn độc. Nghĩ đến đây ông thẩm muốn gọi vợ ra, tội phạm đã để lại dấu vết, chứng cứ rành rành ra đây, nhưng sự đau đớn và kích động quá đột ngột khiến trái tim ông thẩm vỡ ra, miệng ông há hốc, một dòng máu tươi trào ra nơi khoé mép, ông từ từ gục xuống ghế.

Trong nhà tiếng bà thẩm vọng ra âu yếm: "Anh ơi! Đến giờ uống thuốc rồi".

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87836


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận