Ai cũng bảo Thoa, con gái ông Kha là điểm hội tụ tất cả những nét xấu của bố mẹ. Mặt bánh đúc. Mũi tẹt. Miệng cá ngão. Chân voi. Duy chỉ có nước da trắng bóc và đôi mắt đen hạt nhãn là không biết của ai. Nước da đã cứu lại cái dáng thô kệch. Còn đôi mắt thì như hai điểm hút đầy ma lực. Chỉ cần nhìn sâu vào đôi mắt ấy, các chàng trai sẽ như bị bỏ bùa mê, quên hết mọi sự khiếm khuyết trên khuôn mặt cô.
Bù lại sự tai ác của tạo hóa, Thoa lại có món hồi môn ít tiểu thư cành vàng lá ngọc nào có được: Một trang trại trồng chè và cây ăn quả rộng hai héc ta, cộng với một ngôi nhà nghỉ cuối tuần ở gần khu công nghiệp Hòa Lạc. Đây là món quà biếu của một đệ tử hồi ông Kha còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty X, một Tổng công ty hàng đầu chuyên nhập xe ô tô và xe máy secondhand của Nhật đầu những năm 90. Giá đất ngày ấy rẻ như bèo. Một cây vàng mua được cả một khu đồi. Gã đệ tử thắng một "quả" nhập bốn côngtenơ xe bãi và linh kiện điện tử nhờ cái côta nhập khẩu của ông Kha cho, liền trả ơn bằng hai héc ta đất đồi trên Hòa Lạc. Ôi chao, cái bà Thuần, vợ ông Kha, dân nhà máy cháo Thái Bình, suýt làm hỏng việc. Ai đời, người ta cầm văn tự mua đất đến dúi tận tay, mà bà ấy cứ giãy lên đành đạch: "Chú cho cái gì thì anh chị nhận, chứ đất cát thì anh chị xin gửi lại. Cả đời chị cắm mặt xuống đất, bán lưng cho giời, năm ngoái mới được anh đón lên đây trông coi cửa nhà. Chị hãi đồng ruộng lắm rồi. Với lại, ai lên trên ấy mà trông?". "Dạ, thưa chị, chỉ cần anh nhận cho em vui lòng. Còn chuyện trông coi, em đã bàn tính cả rồi. Ông anh rể em ở quê, là thương binh bậc hai, đang không có việc làm. Nếu anh chị đồng ý em sẽ điều ông anh em lên trông đất, nhân thể giao cho anh ấy trồng ít cây ăn quả, ít chè, để cuối năm anh chị có chút hoa lợi". Gã đệ tử nài nỉ mãi mà cái bà vợ hơi "bị ngu lâu" của ông Kha vẫn không nghe ra. Bực mình, ông Kha phải quát lên: "Cái bà này hay nhỉ. Cũng phải biết nể cái lòng tốt của chú ấy một tí chứ. Bà không ở thì cho con Thoa. Thằng nào sau này làm rể tôi, tôi cho hẳn quả đồi ấy làm của hồi môn". Gã đệ tử xoa tay sung sướng: "Em sẽ làm giấy sang tên ngay cho cháu Bùi Kim Thoa. Báo cáo anh, được anh chiếu cố thế này là em rất mãn nguyện..."
Cái gã đệ tử dâng đất để đổi lấy "côta" ấy, không ngờ sáu năm sau vào tù về tội buôn lậu ti vi, tủ lạnh. Còn quả đồi hai héc ta gã biếu làm của hồi môn cho Thoa, giờ đã có người vật nài xin mua với giá hơn một tỷ đồng.
"Ông nhà tôi, nếu không vướng tuổi, thì năm Tỵ vừa rồi có khi mà Trung ương điều lên làm bộ trưởng, thứ trưởng - Sau vụ đất hồi môn này, bà Thuần càng được dịp tâng bốc ông chồng lên mây xanh - Tôi chịu cái tầm nhìn "sơ lược" của ông ấy. Mình nông dân mà không hiểu giá trị của đất. Nếu không có ông ấy quyết, thì bây giờ con Thoa nhà tôi làm gì có khoản hồi môn ba tỷ đồng".
Đáng lẽ nói là "chiến lược" thì bà Thuần nói "sơ lược" Đáng lẽ chỉ nên nói một tỷ đồng thì bà nói vống lên ba tỷ. Những người tiếp xúc với bà Thuần, ai cũng tưởng bà thật thà, bụng để ngoài da. Rất hiếm người hiểu cái thâm ý "quảng bá" và "tiếp thị" cho ông chồng đầy mưu mẹo và cô con gái đẹp cỡ Chung Vô Diệm của bà.
Buồn một nỗi là con gái ông Kha quá xấu. Ai đó độc mồm còn ví Thoa như Thị Nở. Vì thế mấy năm nay bà Thuần lo phát sốt lên vì sợ con gái quá lứa lỡ thì. Người hiểu rõ nỗi lo ấy của bà Thuần là ông Xung, quản gia trông coi hai héc ta đất hồi môn của cô Thoa, ông anh rể của gã đệ tử dâng đất cho ông Kha năm nào. Ông Xung vốn là bộ đội hậu cần thời chống Mỹ. Mười bốn năm ở rừng Trường Sơn, ông chỉ có một việc duy nhất là xây dựng các kho quân lương rồi ở miết trong rừng sâu đại ngàn để bảo vệ kho lương ấy. Có một giai đoạn lâu đến bốn năm, Xung và hai đồng đội nữa sống biệt lập giữa rừng. Tưởng như ba người lính và cái kho lương của họ bị bỏ quên. Mãi đến khi máy bay Mỹ phát hiện ra, phóng rốc két và thả bom na pan xuống cánh rừng, Xung lăn xả cứu kho, đến mức bị bỏng nặng. Lúc người ta phát hiện ra Xung trong đám cháy cũng là lúc anh được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện dã chiến rồi được chuyển ra Bắc.
Phẩm chất của một người giữ kho quân lương ấy đã giúp Xung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản gia trông coi trang trại cho ông Kha. Gần chục năm, một mình Xung đã trồng hơn một héc ta chè và tám trăm gốc vải thiều. Năm ngoái, ông Kha mua từ Hòa Bình một khung nhà sàn về dựng lên một ngôi nhà nửa cổ, nửa kim, nửa Kinh nửa Mường, ông Xung kiêm thêm chức quản lý khu nhà nghỉ cuối tuần.
Từ ngày có khu nhà nghỉ cuối tuần, bà Thuần và cô Thoa hay lên thăm trang trại. Có nhiều hôm họ kéo cả mấy gia đình bạn bè thân quen lên đánh bóng bàn, câu cá, leo núi rồi mua dê về thui, đốt lửa trại ăn uống, nhảy múa suốt đêm. Nhiều hôm hai mẹ con còn ngủ lại. Khung cảnh thiên nhiên hữu tình, không khí trong lành, thức ăn rẻ, hợp khẩu vị... đó là những lý do hiển nhiên. Riêng ông Xung còn ngầm đọc thấy một nguyên nhân nữa khiến bà chủ và cô tiểu thư càng ngày càng thích lên trang trại, ấy là sự xuất hiện của Phong, con trai ông.
Khác hẳn với bố, Phong là một chàng trai cao một mét bảy mươi, đẹp trai, một hình mẫu lý tưởng của nhiều cô gái. Thi hai năm không đỗ đại học, Phong học nghề làm thợ xây rồi theo các tổ thợ trong làng ra Hà Nội hành nghề. Vốn sáng dạ, chỉ vài ba tháng Phong đã tách thành một nhóm, nhận thầu riêng các công trình. Chính nhóm thợ của Phong đã tự xây dựng gần chục biệt thự ở Hà Nội. Trong một lần lên thăm bố ở trang trại, Phong gặp mẹ con bà Thuần lên nghỉ cuối tuần. Ngay lập tức, anh nằm trong vòng ngắm của mẹ con bà chủ.
- Trời ơi, mày có để ý thằng con ông Xung không. Bố thì cóc cáy thế kia mà sinh con quý tử.
Tiểu thư Bùi Kim Thoa từ lúc thấy Phong xuất hiện ở trang trại mặt cứ tươi như hoa thài lài...
- Mẹ đừng có săn đón, vồn vã để người ta lên mặt.
Bà Thuần liếc xéo mặt con gái, cười ruồi:
- Gớm cô. Đạo đức giả. Cứ nhìn mắt cô là tôi biết. Có thích thì để tôi nói chuyện với ông Xung, sang nhượng cái trang trại này cho bố con ông ấy.
Bị đánh trúng tim đen, tiểu thư Bùi Kim Thoa bỗng ôm choàng lấy mẹ, cù vào sườn mẹ. Cả hai cùng cười khanh khách.
- Mẹ cứ hay vơ vào. Con hơn cậu ta những hai tuổi.
- Bố cô. Sao mà đã biết tuổi cậu ấy? Mà thế lại càng hay. Gái hơn hai, trai hơn một. Đẹp đôi quá đi rồi.
*
* *
Dường như cuộc trò chuyện của hai mẹ con, và nhất là ý tứ cử chỉ của họ không lọt khỏi tai, không qua khỏi mắt ông Xung. Thì ra cuộc mai phục ngấm ngầm mười năm trời của ông ở cái trang trại này, cuối cùng đã được đền đáp. Điều này, khi nhận lời cậu em vợ lên trông nom trang trại, ông chưa nghĩ đến. Nhưng rồi, với từng vạt chè, từng gốc vải do chính tay ông cắm xuống mảnh đất này, trong ông dần hình thành một thứ tình cảm gần như là sự chiếm hữu, sự gắn bó máu thịt với đất đai cây cỏ ở nơi đây. Cứ nghĩ đến một ngày nào đó ông sẽ giao hết mấy đồi chè kia, mấy trăm gốc vải, giũ trắng tay để về quê, là lòng ông lại quặn thắt. Và ông bỗng nảy ý nghĩ, trù tính đến sự chuyển nhượng. Ông nghĩ đến cô con gái út của ông bà chủ, nghĩ đến thằng Phong con trai ông. Phải. Ông Xung nhớ ra rồi, có lẽ từ cái mùa hè thằng Phong học hết lớp mười một. Lần ấy cả hai mẹ con nó cùng lên ở với ông một tuần. Vợ ông than thở: "Học hành ngày càng tốn kém. Sang năm lên lớp 12, lại thêm hàng trăm khoản đóng góp. Mà với sức học của thằng Phong, làm sao vào nổi đại học. Hay là thầy nó cho con lên đây trông nom trang trại cùng. Nhà mình bây giờ tất tật chỉ còn biết trông vào trang trại này...". "Ơ cái bà này. Cả đời tôi mơ ước cho con tôi vào đại học. Hai chị nó là gái, đi lấy chồng là một nhẽ. Một mình thằng Phong, bằng giá nào cũng phải học hết lớp 12, rồi tiếp tục theo học đại học. Với lại cái trang trại này là của người ta. Tôi làm quản gia, đủ rồi. Không đời nào tôi đẩy con tôi thế vào cái chân đi giữ đất thuê...".
Vợ Xung không nói gì. Chị gối đầu lên vồng ngực đá gan gà của chồng, mắt nhìn ra đồi chè rời rợi ánh trăng mà vẫn không giấu được những giọt nước mắt chảy ướt một bên ngực Xung.
- Ơ, khóc cái gì? Làm sao mà phải khóc?
- Tự nhiên em thương cậu Tuấn. Đáng lẽ cái trang trại này là của cậu ấy. Giá hồi ấy mua được khu đất này, cứ để mà chăn nuôi trồng trọt, không đem biếu xén, không lao vào buôn bán nữa, thì đâu đến nỗi phải vào tù.
- Tôi sẽ có cách lấy lại trang trại này - Tự nhiên Xung lóe lên một ý nghĩ và ông thốt lên với vợ. - Tôi sẽ lấy lại. Với một điều kiện mình phải động viên thằng Phong tiếp tục học lớp 12 và vào bằng được đại học. Mình nên nhớ rằng không phải ngẫu nhiên mà tôi đặt tên nó là Phong. Tôi Xung, nó Phong. Bố con tôi chỉ một, một ý chí xông lên tuyến đầu.
Vợ ông ngơ ngác, không hiểu. Ông Xung nói toạc hết những mưu mô chợt lóe trong đầu ông:
- Ông Kha có cô con gái út, hơn thằng Phong nhà mình hai tuổi. Con bé này xấu như Chung Vô Diệm, một người đàn bà xấu nhất Trung Quốc thời cổ đại. Nhưng bù lại, nó là chủ sở hữu của trang trại này. Muốn lấy được cái trang trại, chỉ đơn giản là cưới con ông chủ cho con trai mình. Nhưng cưới như thế nào thì mình phải tính. Tôi nghĩ có ba cách. Một, thượng sách: thằng Phong phải vào đại học, trở thành kỹ sư, thậm chí tiến sĩ. Bố con tôi sẽ ở thế thượng phong, vừa lấy con gái ông Kha, vừa lấy trang trại như trở bàn tay. Hai, trung sách: nếu Phong trượt đại học, tôi sẽ nhờ công đoàn ở VINACONEX xin cho nó đi xuất khẩu Hàn Quốc. Trước khi đi, tôi hỏi con Thoa cho nó. Sau khi có một ít tiền, một tí danh từ Hàn Quốc về, cưới con ông Kha và sang tên luôn cả cái trang trại này. Thứ ba, hạ sách: thằng Phong không vào được đại học, không đi nổi Hàn Quốc, đành phải điều lên phụ với tôi, trông nom trang trại rồi dùng kế của Trọng Thủy ngày xưa, lọt vào nhà Mỵ Châu để thực hiện kế sách gửi rể, kỳ thực là giả vờ lấy người để lấy đất...
Ba kế sách của ông Xung, mà cả vợ chồng ông cùng âm mưu nhen nhóm và ngấm ngầm thực hiện suốt từ cái đêm trăng ấy, nào ngờ cho đến bây giờ, hầu như bị phá sản. Cả thượng sách, trung sách đều không thực hiện được, vì sức học của thằng Phong có hạn, hai năm ôn thi nhưng không đỗ. Phải có tiền, muốn đi Hàn Quốc cũng phải thế chấp ba chục triệu. Ước mơ trở thành người sang trọng không thành. Tình thế bắt buộc ông Xung phải thực hiện kế sách cuối cùng: điều thằng Phong lên trang trại.
Nhưng chính thằng con đã phá vỡ mọi ý đồ của ông. Nó không chịu giam mình, suốt ngày lủi thủi trên vùng đồi này, mà nhất quyết theo chúng bạn đi làm thợ xây ngoài Hà Nội.
Có nhiều đêm ông Xung gần như thức trắng. Giữa vùng đồi mênh mông, một mình trong căn nhà sàn bốn bề gió lộng, ông càng không thể chợp mắt. Ông lo cô Thoa sẽ đi lấy chồng. Xấu nhưng giàu vẫn khối người lấy. Thoa lấy chồng thì mọi ước mơ dự định mà ông ấp ủ gần chục năm trời trên cái vùng đồi trống vắng này sẽ thành công cốc. Suốt đời ông sẽ chỉ là một gã quản gia khốn khổ. Cô Thoa sẽ lấy chồng. Chồng cô sẽ chỉ là một gã mổ thịt lợn, một gã đâm thuê, chém mướn, hoặc một lão trán hói bụng phệ. Họ sẽ lên đây nghỉ tuần trăng mật và bảo với ông rằng: "Chúng tôi đã thuê người khác thay ông. Từ mai, ông có thể về quê". Ôi chao, gần mười năm trần lưng cuốc đất. Mồ hôi, và thậm chí cả máu, nước mắt của ông dồn lại, có thể ướt đẫm những vạt chè, những gốc nhãn, cam chanh kia... ai ngờ, bỗng chốc trắng tay.
Sự xuất hiện của Phong vào đúng ngày hai mẹ con bà Thuần lên thị sát công việc thu hái lứa cam đầu của trang trại đã thổi bùng lên cái hy vọng bấy lâu nay của ông Xung tưởng đã tắt. Liếc nhìn thấy ánh mắt của cô tiểu thư như muốn xơi ngấu nghiến con trai mình, ông Xung chỉ muốn chạy giữa vạt đồi mà gào lên, hát lên cho hả. Nhưng bất ngờ hơn, "tuyệt cú mèo" hơn, là lời đề nghị đột ngột của bà Thuần lúc hai mẹ con chuẩn bị về:
- Có việc này, chỉ có cháu Phong giúp cô mới yên tâm. Cô mong rằng cháu đừng từ chối. Về công xá, bao nhiêu tiền là do cháu tự đặt. Công việc chỉ đơn giản thế này:
- Ôi, việc ấy thì cháu nó làm ngon lành. Chị cứ yên tâm về tay nghề thợ xây của cháu. Nếu cần, tôi sẽ cùng phụ giúp với cháu. - Ông Xung nói vội vì sợ Phong từ chối.
Hình như giữa hai mẹ con đã có sự bàn bạc từ lúc nào. Thoa vỗ vỗ vào cái túi xách của mẹ. Bà Thuần sực nhớ, rút ra một xấp tiền năm mươi ngàn còn nguyên giấy niêm phong, dúi vào tay Phong.
- Đây, cô đưa trước tiền để Phong mua vật liệu. Thừa thiếu bao nhiêu sẽ tính sau. Cô hẹn nhé. Đúng sáng mai cô và em Thoa sẽ chờ để Phong đến đo đạc trù tính phương án sửa chữa.
Phong hoàn toàn bất ngờ. Anh bỗng bắt gặp một đôi mắt hạt nhãn đen ngợp. Lần đầu tiên gã con trai nhà quê nhìn thấy một đôi mắt nhìn mình đầy ngưỡng vọng, tin cậy, yêu thương và khích lệ, khiến gã chỉ còn biết mỉm cười đầy ngượng nghịu và phục tùng.
Công việc sửa chữa vết nứt thành bể và xây lại chiếc cổng, lẽ ra chỉ làm trong ba ngày. Nhưng Phong và ông thợ phụ vừa điếc vừa nói lắp, dây dưa đến cả chục ngày. Không nói ra, nhưng cả chủ cả thợ đều sợ công việc kết thúc chóng vánh. Riêng Phong, không hiểu từ lúc nào, cậu bỗng trở thành ca sĩ. Và bài hát duy nhất, nói chính xác hơn là câu hát duy nhất mà Phong véo von suốt từ nóc tầng năm xuống cổng, lúc thì bằng lời, lúc thì bằng huýt sáo, là mấy câu của một "nhạc sĩ tài danh" thời thượng: "Yêu nhau ném đá vỡ đầu nhau ra".
- Không ngờ anh Phong lại là ca sĩ. - Tiểu thư Bùi Kim Thoa nhìn Phong với đôi mắt hút hồn, rồi nài nỉ - Bài hát tuyệt vời. Yêu thế mới là yêu chứ. Anh chép cho em bài hát ấy nhé.
Phong đờ đẫn vì đôi mắt. Rất tự nhiên, gã bị cô gái dắt lên căn phòng sực nước hoa Pháp đắt tiền đầy bí ẩn ở tầng ba.
- Nhưng tôi biết có mỗi một câu.
- Một câu cũng được. Anh cứ chép vào đây. Em cũng chỉ cần một chữ của anh, giống như chữ ký của những người nổi tiếng thôi mà.
Bằng một cử chỉ rất dịu dàng và đầy nữ tính, Thoa ấn Phong ngồi xuống chiếc ghế xoay trước bàn trang điểm của cô, rồi dúi vào tay anh chiếc bút dạ và một trang vở mở sẵn.
Bàn tay của anh chàng thợ xây bỗng run lên khi cảm giác thấy một bên vai mình nóng rát.
Từ lúc nào, bộ ngực ngồn ngộn trắng ngần của cô gái đã áp sát vào Phong.
- Đây, viết vào chỗ này cơ... - Thoa càng cúi sát hơn, giọng ngạt đi.
Phong đánh rơi chiếc bút. Anh xoay người. Và bằng một cử chỉ mạnh mẽ của gã trai cường tráng, anh vòng tay ôm gọn cái thân hình mềm, nóng như đang lên cơn sốt của cô gái vào lòng. Lần đầu tiên anh thấy Thoa đẹp. Một vẻ đẹp đầy bản năng và nữ tính.
*
* *
Ba tháng sau. Vào đúng ngày ông Táo lên chầu trời, hai mươi ba tháng Chạp, khi Phong đang đứng chót vót trên giàn giáo tầng ba một ngôi biệt thự ở Trung Hòa, thì Thoa đột ngột xuất hiện dưới chân công trình.
Thoa gọi với lên tầng cao, gương mặt rạng ngời hạnh phúc. Đợi Phong xuống, cô kéo anh ra một góc khuất,
và bảo:
- Em "có" rồi.
Phong ngây thơ hỏi lại:
- Có gì?
Thoa nguýt một cái rõ dài:
- Còn vờ vĩnh nữa. Cái hôm anh chép bài hát cho em đó, coi như em chính thức thảo văn tự tặng anh toàn bộ trang trại hồi môn trên Hòa Lạc. Còn bây giờ, em sẽ tặng anh một thằng Phong con...
Nói rồi nàng Chung Vô Diệm thời nay cầm tay Phong đặt lên bụng mình.
Chàng thợ xây cảm thấy từ nơi đầu ngón tay mình một cái gì xa xôi, mơ hồ, nhưng rất đỗi thiêng liêng truyền lan khắp cơ thể. Phong bỗng nhớ đến cha. Anh ước gì có phép lạ chạy ào lên trang trại nói với ông rằng, những gì ông gieo trồng trên vùng đồi gần mười năm qua, mùa xuân này đã bắt đầu kết trái.
Xuân Nhâm Ngọ, 2002