Anh Nghĩa là bạn vong niên của tôi, hơn tôi đúng một giáp. Chơi được với nhau, ngoài sự hòa đồng về mặt tính cách, sở thích, giữa chúng tôi còn có bao nhiêu kỷ niệm ngày ở chiến trường.
Tôi có may mắn hơn Nghĩa trên bước đường công danh. Năm 1972 thoát chết ở thành cổ Quảng Trị, tôi được ra Bắc học đại học rồi về làm phó ban biên tập của một tờ báo. Vợ tôi đẹp, con gái xinh ngoan, lại được phân một căn hộ hai mươi tám mét vuông ở trung tâm thành phố, so với đồng đội cùng đi chiến trường, nhất là so với Nghĩa, số tôi son.
Còn Nghĩa, đúng là cái số bốc mả. Mãi năm 1979, đánh xong biên giới Tây Nam, bị chấn thương sọ não, anh mới được xuất ngũ. Trâu chậm uống nước đục. Đảng viên, có thâm niên chiến trường, nhưng văn hóa thấp, lại không có người đỡ đầu, tài thánh cũng chẳng xin nổi việc. Đã thế, mụ vợ đẹp và lẳng lơ của anh lại bất ngờ bỏ đi theo một gã buôn đồ cổ, để lại ba đứa con, căn nhà tranh xiêu vẹo ngoại thành và một đống nợ, vừa thóc, vừa tiền, vừa vàng.
Đó là những ngày cực nhục nhất của Nghĩa. Đến chơi, thấy anh đen đúa, gầy guộc, đang trần lưng múc từng gàu bùn từ cái ao bé tẹo như vũng trâu đằm lên mảnh vườn nhỏ chỉ bằng hai vạt chiếu, tôi không cầm nổi nước mắt.
- Không còn cách nào nữa ư anh Nghĩa? - Tôi nhìn vào đôi mắt trũng sâu của anh, lòng se thắt.
- Bằng cách nào? - Nghĩa nhổ toẹt một bãi nước bọt, mắt vằn những tia máu - Con mụ động hớn nó nợ khê sản phẩm bốn vụ liền, hợp tác người ta cắt ruộng. Bốn bố con, giờ có hơn sào phần trăm, ăn gì?
- Cung cách làm ăn như mấy năm vừa rồi, đến Thần Nông cũng phải khê đọng sản phẩm. - Tôi nói - Chị ấy cũng là người đảm đang đấy. Một mình nuôi cho anh ba đứa con hơn chục năm trời.
- Thì vẫn biết thế... Giá như mụ ấy... - Nghĩa bỏ lửng câu nói và thở dài.
- Anh vẫn tiếc chị ấy lắm phải không? Chỉ tại anh chọn phải một người đàn bà quá đẹp.
- Đẹp thì cũng chỉ để... - Nghĩa bỗng văng một câu tục tĩu và dứ dứ tay vào mặt tôi - Dẹp, dẹp. Tao cấm chú mày, lần sau còn đến chơi với tao nữa thì đừng bao giờ được nhắc tới con đĩ ấy.
Tôi biết Nghĩa đang sắp nổi cơn điên, nên lặng lẽ đứng dậy vào nhà.
Chiếc giường cá nhân gãy chân kê ở góc nhà năm nào bỗng đập vào mắt tôi, ùa vào tôi một kỷ niệm thời chiến tranh. Đêm ấy trăng muộn nhưng sáng lạ lùng. Tôi nằm ở chiếc giường gãy kia. Nóng khủng khiếp, muỗi như trấu. Tôi vén chiếc màn sô cháo lòng lên cho thoáng, cởi thêm chiếc áo quân phục, nhưng vẫn phải để nguyên quần dài vì ở gian bên kia là Thi, vợ Nghĩa cùng hai đứa con nhỏ. Thực ra tôi hoàn toàn không có ý định ngủ lại nhà Nghĩa đêm ấy. Từ Thanh Hóa, nơi đơn vị tập kết để chuẩn bị vượt đường mòn Hồ Chí Minh, tôi được cấp trên cho tranh thủ nghỉ phép năm ngày, thế là vù ngay. Tất nhiên tôi phải mang thư và một vài thứ quà vặt đến cho vợ Nghĩa, vì chính anh là người có công tổ chức cho tôi chuyến đi phép đặc cách này.
Chị Thi, hơn ba mươi tuổi, hai con, nhưng quả là một người đàn bà đẹp. Một vẻ đẹp dân dã, không lộng lẫy, nhưng xinh giòn, có sức quyến rũ của một bông hoa phù dung đang dậy hồng lúc ban trưa. Ở đại đội, nhiều người thường xầm xì khen đại đội phó Nghĩa có cô vợ đẹp, quả không ngoa. Thú thực là suốt cả bữa cơm chiều, ngồi trước Thi mà tôi không dám nhìn chị. Đôi mắt lá răm sắc như dao cau, nhìn là như bắt lấy hồn người khác. Chiếc áo ngủ màu hoa cà để lộ chiếc cổ cao, vừng ngực đầy và đôi tay chắc lẳn, trắng ngần. Thi đang ở độ sung mãn nhất của sắc đẹp đàn bà. Hơ hớ thế kia, chồng đi xa, làm sao mà chịu đựng nổi?
Chín giờ tối, tôi xin phép Thi đi ngủ trước, để mai kịp ra tàu sớm. Thi dọn giường chiếu, rẩy vài giọt nước hoa lên chiếc giối trắng, buông màn cho tôi rồi ra chiếc giếng khơi đầu nhà dội nước ào ào. Nằm trong màn mà tôi nôn nao không ngủ được. Phần vì trời quá nóng, phần vì tiếng giội nước ào ào và mùi hương sả, hương bồ kết từ ngoài giếng bay vào như kích thích, như trêu chọc. Tôi nằm sấp, vén một góc màn nhìn ra. Trăng vừa nhú khỏi ngọn tre. Ánh trăng như rọi thẳng vào khoảng giếng. Trời ơi, một tượng thần Vệ nữ khỏa thân đang nồng nỗng dưới trăng. Có thể là Thi không biết tôi đang lén nhìn ngắm chị. Có thể là chị biết nhưng cứ muốn "trêu ngươi" tôi xem sao. Khổ thân cho tôi, một chàng trai mười chín tuổi, chưa hề có một mảnh tình nào, chưa hề được hôn một cô gái chứ đừng nói gì đến sự biết mùi đàn bà, làm sao mà chịu đựng nổi. Tôi toan đứng dậy chạy thẳng ra ngoài giếng. Nhưng lý trí đã kịp giữ tôi lại. Tôi nghĩ đến anh Nghĩa, người đại đội phó rất ân tình đã chăm sóc bảo ban tôi trong những ngày mới nhập ngũ. Và tôi nằm vật ra giường, thở dài thườn thượt.
Nhưng quái ác thay, Thi vẫn không chịu buông tha tôi. Cho tới lúc tôi đã thiêm thiếp trong một giấc ngủ đầy lý trí, thì không hiểu người đàn bà ấy bằng cách nào đã tiến đến sát bên chỗ tôi nằm.
- Không ngủ được ư chú Hảo? Nóng quá phải không? - Thi ngồi xuống bên mép giường, đôi cánh tay trắng ngần chống sát người tôi.
Tôi bật ngồi dậy, nhưng Thi đã doài người ngăn lại, một động tác hoàn toàn ngẫu nhiên nhưng sau này thì tôi hiểu rằng từng cử chỉ của Thi đã được tính toán sẵn. Bởi vì lúc ấy, cùng với cánh tay xoải ra là hơi thở nóng ấm đàn bà, là múi tóc nồng thơm bồ kết và đôi bầu vú để trần qua làn áo mỏng, mây mẩy, núng nính áp sát vào người tôi.
- Để tôi vén màn lên cho thoáng... Tưởng lính tráng các chú phải dễ ngủ chứ. Nằm bên kia tôi thấy chú cứ trằn trọc suốt. Trời chẳng có một tí gió. Mà muỗi thì như trấu...
Thi nói rời rạc. Rõ ràng chị không ý thức được các câu nói của mình. Người tôi bỗng toát mồ hôi. Không phải cái nóng do thời tiết, mà là một cái nóng gì đó từ bên trong.
Tôi rơi vào một tình thế khó xử. Chỉ cần choàng cánh tay là ôm gọn lấy người Thi. Và chắc chắn, cả tấm thân ngần trắng ngồn ngộn kia sẽ đổ xòa xuống người tôi, vùi lấy tôi trong một cơn thèm khát đến mê cuồng. Tôi nuốt nước bọt khan và nằm quay vào tường.
- Chị đi ngủ đi... Mai nhớ gọi em dậy sớm kẻo nhỡ tàu... À mà chị nhớ viết cho anh Nghĩa vài chữ. Anh ấy dặn em nhắc chị viết thư...
Tôi nghe thấy tiếng Thi thở dài. Rồi chị lê bước về phía giường mình.
Suốt từ lúc ấy tôi không sao ngủ được. Tôi nghĩ thương cho Thi, một người đàn bà trẻ đầy sinh lực, đầy khao khát mà bị sống trong cảnh xa chồng. Tôi nghĩ thương cho Nghĩa. Đời Nghĩa rồi sẽ khổ. Chắc chắn rồi Thi sẽ chẳng thể giữ trọn vẹn cho đến ngày anh trở về...
*
* *
Điều dự cảm trong đêm ấy của tôi, không ngờ đã thành sự thật. Nghĩa trở về với quân hàm thiếu tá, với thâm niên mười lăm năm chiến trường, nhưng rút cục vẫn hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp. Và đau đớn nhất, đau đớn hơn cả những kẻ phải gửi lại một phần xương thịt của mình ở chiến trường là cái mất mát của một thằng đàn ông, đó là nỗi đau bị vợ cắm sừng, nỗi đau của một kẻ có vợ bỏ theo trai.
Biết hoàn cảnh của Nghĩa, anh em trong đơn vị cũ của tôi ai cũng thương anh. Vợ thì anh sẽ phải tự lo lấy. Nhưng còn công ăn việc làm, còn ba chiếc tàu há
Thật may cho Nghĩa. Đúng cái lúc anh ở tình trạng bi phẫn nhất thì người anh họ của tôi xin được cho anh một chân gác nghĩa trang thành phố. Cái nghĩa trang to đẹp như một công viên, bốn bề tường bao, ốp đá gra-ni-tô, có phòng riêng ăn, ngủ cho thường trực và nhân viên bảo vệ, lại ở gần nhà, đối với Nghĩa, quả là một hạnh phúc.
Hôm Nghĩa nhận chức gác nghĩa trang, tôi đi công tác vắng không đến dự được. Sau này, nghe bạn bè kể lại, hôm ấy Nghĩa thịt hẳn một con cầy tơ, tự nấu một nồi rượu gạo nếp cái hoa vàng, mời tất cả các chiến hữu thân thiết với anh ngày ở chiến trường đến đánh chén no say ngay tại nhiệm sở nơi anh nhận chức. Vào lúc say sưa nhất, anh bảo:
- Từ nay chúng mày cứ gọi tao là Nghĩa trang để phân biệt với các thằng Nghĩa khác. Ha ha. Đánh nhau với tử thần mười lăm năm, bây giờ lại về coi sóc người chết, số tao có duyên nợ với âm phủ. Nhưng thế này vẫn là hên chán. Chỉ thương cho những thằng nằm lại trong kia. Giá như chúng nó được chuyển về đây mà nằm với tao, vừa mát mẻ lại vừa đẹp đẽ. Mà này, nói nhỏ điều này nhé. Riêng với các chiến hữu thân cận, tao có một biệt đãi thế này: Nếu vợ con, bố mẹ đứa nào có ý muốn mang hài cốt nó về đây với tao, tao sẵn sàng dành một góc trong nghĩa trang này cho nó nằm.
Tưởng Nghĩa nói vui. Vì cái nghĩa trang mà Nghĩa bảo vệ đâu phải dành cho cấp phó thường dân, ai muốn vào là được. Ở đây là nơi nối tiếp các thứ bậc của các nhà chức sắc trong địa hạt. Tôn ti trật tự chặt chẽ lắm, không thể đùa được. Vậy mà, không biết bằng cách nào Nghĩa đã mang được hài cốt của thằng Họp, bạn tôi, một anh binh nhất hy sinh ở miền tây Khe Sanh năm 1969 về an táng ngay giữa nghĩa trang thành phố.
Chuyện này mãi mấy năm sau tôi mới biết. Hóa ra đây là cả một câu chuyện ly kỳ, một thiên tình sử của Nghĩa.
Họp là người cùng xã với tôi, đi chiến trường trước tôi hai năm. Ngày tôi về đơn vị Nghĩa thì tình bạn giữa Họp và Nghĩa đã thân thiết lắm. Trong một chuyến đi gùi hàng, chúng tôi đụng ổ phục kích. Cả đơn vị chưa kịp bơi qua sông thì bọn thám báo từ bờ sông bên kia liền bắn chéo cánh sẻ. Tiếp đó, một bầy cán gáo đến yểm trợ. Đơn vị tôi bị đánh tan tác, gần như bị xóa sổ. Trong những người hy sinh ngay từ loạt đạn đầu tiên hôm ấy có Họp. Khi phát hiện thấy trực thăng, nó liền lao ra giữa sông để thu hút hỏa lực địch.
Cái chết của Họp là nỗi đau đớn nhất đối với tôi và Nghĩa. Chúng tôi không tìm thấy xác nó. Sau này, có lúc nào đó ngồi lại với nhau, chúng tôi thường nhắc đến cái chết của Họp. Nghĩa bảo: "Không tìm thấy hài cốt thằng Họp, tao không thể sống thanh thản được". Và Nghĩa đã làm đúng theo những điều anh nghĩ. Anh đã bỏ ra hai đợt phép năm để về lại chiến trường miền tây Khe Sanh ấy. Vào đợt nghỉ phép thứ ba, Nghĩa về làng Họp. Vợ Họp lúc ấy vẫn chưa tái giá. Chị sống với đứa con gái mười hai tuổi, âm thầm và cô đơn, tưởng chừng như tuổi xuân của chị đã để lại xa lắc ngày xưa rồi.
Vào một ngày hanh heo, Nghĩa và Mận, vợ Họp, bỗng sánh vai nhau lên chuyến tàu Thống Nhất vào Đông Hà, Quảng Trị. Họ mang theo một chiếc va ly da mới nguyên. Trông họ, ai cũng nghĩ rằng đó là một cặp vợ chồng đi nghỉ phép, hoặc đi du lịch.
Hai người thuê xe lam đi ngược đường Chín. Rồi họ lặn lội xuyên rừng lên tít thượng nguồn sông A Sầu, đến một bản người Vân Kiều. Nơi đây là một khúc ngoặt của sông A Sầu. Trên đó, khoảng bốn cây số là điểm diễn ra cuộc vượt sông của đơn vị Nghĩa hơn mười năm trước. Thì ra xác Họp đã trôi suốt từ trên đó về đây. Những người dân Vân Kiều đã chôn anh ngay nơi mà họ đã phát hiện ra xác anh dạt vào.
Chiếc va ly da mới chính là cái hộp đựng hài cốt của Họp. Họ thay nhau ôm chiếc va ly như một bảo vật. Và cũng chính vì cái hành động có vẻ khả nghi ấy mà họ đã bị theo dõi ngay từ lúc vừa bước chân lên tàu ở ga Đông Hà. Cho tới lúc tàu dừng ở ga Thượng Lý, thì đội công an kinh tế và thuế vụ xuất hiện.
- Đề nghị anh chị cho kiểm tra chiếc va ly này. - Ánh mắt của đồng chí công an nhìn xoáy vào Nghĩa và Mận.
- Không có gì đâu các đồng chí ạ. Đây là một va ly tư trang - Nghĩa nói.
- Tư trang cũng đề nghị mở ra. Chúng tôi đề nghị anh chị hãy chấp hành...
Mặt Nghĩa nóng bừng. Hai mắt anh đỏ đọc như hai hòn than. Còn Mận thì như đu lấy người anh mà kéo xuống.
Lời qua tiếng lại. Cả toa tàu cùng đổ xô đến. Chiếc va ly bị giằng khỏi tay Nghĩa. Anh chồm tới giật lại, một tay anh giật mạnh, đứt hết hàng cúc áo.
- Có giỏi thì bắn tao đây, chứ đừng hòng mở chiếc va ly ấy ra đâu. Hài cốt của bạn tao trong đó. Hơn mười năm nay nó bị ném lăn lóc trên rừng...
Hành động dữ dằn và quyết liệt của Nghĩa đã làm cho các nhà chức trách phải dừng tay lại. Nhưng suốt từ đó cho tới lúc về tới ga cuối cùng, người Nghĩa rũ ra như một kẻ mất hồn.
Chờ tới ba ngày sau, khi mà Nghĩa và Mận đã bí mật giấu chiếc va ly hài cốt ngay cạnh đầu giường anh, rồi cũng lại bí mật mua về một chiếc tiểu sành, chuyển hài cốt từ va ly sang, họ lặng lẽ đào một chiếc huyệt nhỏ ở ngay góc vườn hoa trong nghĩa trang thành phố. Lúc ấy là nửa đêm một đêm trăng mờ. Lợi dụng phiên trực của mình, Nghĩa dùng xẻng và xà beng bình tĩnh đào một cái huyệt sâu ngang ngực người. Chiếc xẻng quân dụng năm nào giờ mới đắc dụng. Bằng kinh nghiệm của một người lính, Nghĩa chỉ đào trong hơn tiếng đồng hồ. Chiếc huyệt vừa xinh như một chiếc hố chiến đấu cá nhân. Hôm ấy, Mận là một người đàn bà hết sức khác lạ. Trong đôi mắt chị vừa phảng phất nỗi buồn của người đàn bà góa trong ngày cải táng cho chồng, vừa ánh lên vẻ rỡ ràng, náo nức của người phụ nữ vào tuổi hồi xuân. Buổi chiều chị nhờ đứa em lai xe máy từ trong quê ra. Mận đun một siêu nước trầm rửa từng đốt hài cốt chồng xếp vào chiếc tiểu sành. Chị đun nước thơm tắm gội mình sạch sẽ, mặc bộ đồ mới ướp nước hoa thơm phức. Chờ cho Nghĩa đào huyệt xong, chị cùng anh đưa chiếc tiểu sành xuống huyệt, lấp đất. Nấm mộ không cao hơn vạt đất xung quanh, bởi họ không muốn cho ban quản lý nghĩa trang phát hiện ra. Nó chỉ hơi gồ lên một chút. Chính giữa mộ, họ đã đào sẵn một cây hồng nhung đang trổ hoa trồng lên phiến đá có khắc tên và ngày tháng năm sinh, năm mất của Họp.
Đốt một bó hương lớn, cả Nghĩa và Mận đều kính
cẩn quỳ xuống khấn thầm. Mận lặng lẽ khóc. Nghĩa
trầm tư như hóa đá. Chợt Mận òa lên, giọng như vỡ ra từ lồng ngực:
- Họp ơi, anh tha lỗi cho em. Mười hai năm em giữ mình thờ anh. Em đã gắng nuôi con của chúng mình khôn lớn. Bây giờ anh đã về được đây rồi, anh đã ở gần em rồi, em xin anh, nếu...
Đang khóc, Mận bỗng quay nghiêng nhìn Nghĩa, cái nhìn không phải đang nói với người chết mà là nói với người sống, cái nhìn chờ đợi, trao gửi.
Nghĩa biết đây là giờ phút hệ trọng. Suốt cả đợt đi đưa hài cốt Họp về đây, dường như cả hai người cùng kìm nén, cùng né tránh cái điều mà bây giờ, cùng một lúc họ đều nghĩ đến.
- Em! - Nghĩa đưa tay quàng qua vai Mận. Mận như đổ vào người anh. Họ hôn nhau dưới ánh trăng mờ, bên bó hương đang bắt gió cháy rừng rực.
Đêm ấy Mận ở lại với Nghĩa trong căn phòng của người trực nghĩa trang. Chị trở thành vợ Nghĩa từ đó.
*
* *
Họ sống với nhau thật hạnh phúc. Mận đưa con gái về ở với Nghĩa. Rồi họ sinh thêm một cháu trai. Hai vợ chồng nuôi năm đứa con, có lúc thiếu thốn, có lúc phải chạy ăn từng bữa, nhưng tuyệt nhiên họ chẳng có điều gì phải phàn nàn về nhau. Những lúc lên chơi với vợ chồng anh, Nghĩa thường chỉ vợ, nháy bảo tôi:
- Chú Hảo xem, gái năm con mà trông vẫn mòn con mắt đấy chứ. Cái số trông mả của tớ thế mà lại được ma phù hộ. Vợ thì cứ phây phây... Hà hà, bà ấy ăn theo tớ ở cái nghĩa trang mà thu nhập còn hơn cả một điền chủ. Chú đã thấy, những luống hoa với hệ thống hàng rào rau ngót của bà ấy chưa? Mỗi tháng vài trăm ngàn đấy chứ đừng đùa.
Tôi gật đầu ngắm cả anh cả chị và mừng thầm cho họ. Quả thật mấy năm nay kinh tế gia đình Nghĩa dư dật lên nhiều. Vốn là một anh lính nông dân căn cơ, chịu khó, lại được quản cả một khu đất nghĩa trang rộng mênh mông, nên họ tha hồ khai thác phần đất thừa, đúng cái nghĩa tấc đất, tấc vàng. Cái nghĩa trang thành phố vốn đã đẹp, giờ lại càng mang dáng dấp một công viên. Hoa tươi nở khắp các lối đi, hoa đơm vồng bên các phần mộ. Từng dãy dài rau ngót được xén tỉa như những hàng rào cây xanh. Sáng nào Mận cũng tỉa hoa, tỉa rau ngót mang vào thành phố bán. Đôi khi bắt gặp Mận đi bán hoa, chính tôi cũng ngơ ngẩn. Số cái anh chàng Nghĩa trang này thế mà tốt. Trông Mận có kém gì Thi ngày xưa.
Nhưng rồi bỗng một hôm Nghĩa hớt hải đến tìm tôi.
- Hảo ơi, mày phải cứu tao. Dân báo chí chúng mày to mồm, may ra bịt được vụ này.
- Vụ gì? - Tôi hỏi và kinh ngạc nhận ra gương mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng của Nghĩa.
- Họ đã phát hiện ra ngôi mộ của thằng Họp... Cả tao với Mận mấy hôm nay đều như muốn phát điên lên. Có cách nào để giữ lại mộ Họp trong nghĩa trang không? Chỉ cần một chỗ ở sát góc nghĩa trang thôi cũng được.
- Sao lại có ngôi mộ nào của thằng Họp ở đó? Nó chết mất xác ở miền tây Khe Sanh cơ mà... - Tôi hỏi dồn Nghĩa. Tôi cứ nghĩ rằng chính anh đang bịa tạc ra một câu chuyện hoang đường nào.
Và Nghĩa đã phải thú nhận hết với tôi cái câu chuyện chỉ có riêng anh và Mận biết mà tôi đã kể lại trên kia.
Tôi ngồi thần một lúc lâu rồi thở dài:
- Anh đã phạm một sai lầm là dám đụng đến bát hương của các Thành hoàng. Một ông từ giữ đền như anh không bao giờ được quyền mang một bát hương của người thường vào trong đền. Đó, tội của anh tương tự như thế. Phiền toái lắm đấy. Để tôi cố tìm cách. Nhưng anh đừng hy vọng. Tình thế này, tôi chỉ mong anh không bị kỷ luật là may.
Suốt một tuần, tôi chạy các cửa, nhờ các đồng nghiệp làm báo, nhờ các cơ quan có thế lực giúp Nghĩa. Nhưng đều không có kết quả. Sự cố đầu tiên là người ta đã kiên quyết bắt vợ chồng Nghĩa phải dời ngôi mộ Họp ra ngoài nghĩa địa của xã. Tiếp theo, cơ quan quản lý nghĩa trang thành phố buộc Nghĩa phải nghỉ việc để làm kiểm điểm, chi bộ có cuộc họp bất thường kiến nghị cấp trên xét kỷ luật đảng đối với anh, tổ bảo vệ nghĩa trang ra quyết định nghiêm cấm gia đình anh không được sử dụng đất thừa trong nghĩa trang vào mục đích sản xuất kinh doanh...
Nghĩa gầy rộc và phờ phạc như một ông già. Mận đang đẫy đà là thế mà giờ bỗng xanh rớt như người hậu sản. Vào thăm anh, tôi ngao ngán quá. Tôi lựa lời an ủi vợ chồng Nghĩa:
- Thôi, anh chị cứ coi như một lần nữa cải táng cho Họp. Cái được nhất là anh chị đã tìm Họp và mang anh ấy về đây. Để ở chỗ nào cũng chẳng quan trọng...
- Không quan trọng à? - Đang ủ rũ, Nghĩa bỗng vùng lên vung cái điếu cày như muốn giáng thẳng vào mặt tôi - Mày nói ngu bỏ mẹ. Không quan trọng thì cứ để đấy, hà cớ gì mà đào người ta lên? Thằng Họp nó còn xứng đáng hơn chán vạn đứa. Đã là ma rồi mà còn phân đẳng cấp thì còn ra cái chó gì? Tao đã nói toẹt những điều này ở trên công ty và cả trên thành phố nữa. Họ căng lắm, nhưng tao vẫn cứ nói. Cùng lắm thì về vườn. Đây đã ở với ma chán ra rồi, muốn ở với người cho nó tử tế kia...
Nói thì hung hãn thế, nhưng đến khi guồng máy tổ chức thò cái bàn tay sắt ra nhót lấy cổ anh, thì anh bỗng rúm ró lại.
- Khốn nạn cho tao quá Hảo ơi. Họ bắt tao phải nghỉ hưu. - Một buổi tối Nghĩa ủ rũ lê bước đến nhà tôi, nói như muốn khóc - Không ngờ chỉ mỗi cái mộ của thằng Họp mà tổ chức họ làm găng đến thế.
- Họ không sa thải là may - Tôi đáp thủng thẳng, làm như mình đã lường hết được mọi chuyện rồi - Mà hôm nọ chính anh cũng chấp nhận sẵn sàng nghỉ hưu rồi cơ mà.
- Uất lên thì nói thế thôi. Chứ nghỉ hưu thì biết làm gì? Dẫu sao, cái nghĩa trang ấy nó cũng nuôi mình. Được sống bám vào những người chết danh giá cũng là một hạnh phúc đấy Hảo ạ. Chẳng nói giấu gì chú, từ ngày được trông coi nghĩa trang, mình thấy như đổi đời. Ở với ma đấy nhưng còn hơn chán vạn ở với người...
Những lời bộc bạch chân thành của Nghĩa bỗng làm tim tôi nhói đau. Chao ơi, người hùng một thời chiến trận của tôi giờ lại thảm hại đến vậy sao? Chẳng những anh bằng lòng với cái nghề coi nghĩa trang hèn mọn, mà lại còn cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện nữa. Thế ra cái nhân sinh quan của con người đôi khi cũng hết sức trần tục và tầm thường. Nó nhỏ mọn và ti tiện như chính tiếng sôi réo của cái dạ dày những khi người ta bị đứt bữa.
- Nghỉ hưu rồi thì anh tính sao? - Tôi hỏi.
- Trước hết chú lại phải giúp tôi. - Nghĩa nhìn tôi bằng cái ánh nhìn của một kẻ đang sắp chết đuối. - Bằng mọi giá, thằng Ân nó phải thế cái chân của tôi khi tôi về hưu. Chú phải nói giúp với ông giám đốc công ty của tôi. Con em trong ngành phải được kế tục nghề nghiệp của bố mẹ. Mà tôi cũng sẽ kiên quyết đến cùng. Chừng nào thằng Ân được vào nghĩa trang làm việc thì tôi mới chịu nghỉ...
Vừa nói Nghĩa vừa nắm bàn tay lại đấm nhẹ xuống bàn để tỏ rõ khí thế, khiến tôi không nhịn được cười.
- Anh không cho thằng Ân thi vào đại học nữa ư? - Tôi hỏi.
- Thi thố cái gì nữa. Hai năm ôn luyện công toi rồi. Mà chú còn lạ gì cái thằng Ân nhà tôi. Học thì dốt mà ăn diện, hút sách cờ bạc, trai gái đủ thứ. Thanh niên bây giờ chúng nó hư quá chú ạ. Chẳng biết thương gì bố mẹ. Coi tiền như rác. Chú có biết thằng Ân nói với tôi thế nào không? "Nếu con mà được quản một cái nghĩa trang như bố thì con sẽ có cách đưa nó vào kinh doanh dịch vụ". Nó bảo như thế. Tức là nó cũng rất thích cái nghề của tôi đấy chú ạ. Chú giúp nó nhé. Nó mà được vào coi nghĩa trang thì tôi mới yên tâm về hưu được.
Nghĩ mà thương anh Nghĩa. Nhưng nghĩ cho cùng, cái nguyện vọng ấy của anh cũng chí phải. Coi nghĩa trang dù sao cũng là một nghề nghiệp chắc chắn. Và tôi đã giúp anh đạt được nguyện vọng. Trước khi anh về hưu, thằng Ân, con trai cả anh đã được nhận làm việc, thế
chân bố.
*
* *
Bẵng đi mấy tháng, tôi không gặp anh Nghĩa. Nhân một chuyến đi công tác xa về, tôi đến thăm anh. Điều là 7a39 m tôi ngỡ ngàng là căn phòng của vợ chồng Nghĩa giờ đổi mới nhiều quá. Một chiếc tủ gương ba buồng, một bộ xa lông mới, tất cả đều gỗ lát loại hảo hạng. Lại thêm một chiếc JVC 17 hệ, một chiếc cát-sét Sony hai cửa băng có giàn loa thùng. "Ông bà này ghê thật. - Tôi thầm nghĩ - Của nả giấu ở đâu mà bây giờ về hưu mới tung ra. Điệu này phắt cái lên ngôi nhà ba tầng lúc nào không biết đây".
Thấy tôi vừa ngắm nghía vừa gật gù, anh Nghĩa cười thật thà:
- Chẳng nói giấu gì chú, thằng Ân nó kiếm được đấy chú ạ. Mới thay chân tôi mấy tháng mà nó hái ra tiền. Số nó có lộc. Người chết phù hộ cho nó.
- Anh nói đùa. - Tôi nhếch miệng cười, không tin - Một tháng có chục đám ma. Cứ cho rằng nó bao thầu từ khâu đào huyệt đến khâu xây mộ thì mỗi tháng cũng chỉ đủ cho nó tiêu xài...
- Chú lạc hậu quá rồi. Lớp trẻ bây giờ chúng nó làm kinh tế giỏi hơn cánh ta nhiều. Ngay hôm chính thức được nhận vào coi nghĩa trang nó đã bảo với tôi thế này: "Cái nghĩa trang này có giá trị không kém gì một công viên. Chỉ để người chết hưởng thôi thì phí quá. Phải biến nó thành nơi hưởng thụ của người sống. Lũ bạn con khi biết tin con được vào làm thay bố, chúng nó đã bàn với con hướng tổ chức dịch vụ. Phen này chúng con nhất định sẽ vào cầu lửa. Một tháng bét nhất con cũng kính biếu bố nửa triệu". Mà nó làm được thật chú ạ. Ngẫm ra lý luận của nó cũng đúng. Người chết không được hưởng thụ đều thì phải dành cho người sống nữa. Thằng Họp nó không được hưởng thì tôi với thằng Ân và mọi người phải được hưởng. Phải phân phối cho nó công bằng...
- Nhưng người sống thì hưởng cái gì ở nghĩa trang? - Tôi hỏi.
Nghĩa nháy mắt. Tôi chợt phát hiện ra ít lâu nay Nghĩa có cái nháy mắt rất quỷ quái. Nó vừa có vẻ lọc lõi ranh ma vừa có gì rất thớ lợ.
- Tối nay mời chú ra nghĩa trang, chú sẽ biết... Tôi phục bọn trẻ đấy chú ạ...
Cái nháy mắt và những câu nói lấp lửng của Nghĩa khiến tôi thật sư bị tò mò. Tôi cố mường tượng ra những trò dịch vụ của bọn thằng Ân, nhưng chịu không đoán
ra nổi.
Buổi tối, Nghĩa dẫn tôi ra nghĩa trang.
Ngoại ô mờ trăng và bàng bạc hơi sương. Dọc con đường chúng tôi đi, từng đôi trai gái lai nhau trên xe đạp, từng cặp ôm eo nhau phóng xe cúp vụt qua.
- Chú đã thấy không khí dịch vụ chưa? - Nghĩa bảo - Toàn dân nội thành kéo nhau ra cả đấy. Trong ấy bức bối ngột ngạt. Hàng vạn người tranh nhau thở hít một nhúm không khí bụi bặm. Ra ngoài này thoáng mát. Vừa có khí trời lại vừa có thiên nhiên. Ôi, những đêm trăng thì thật là tuyệt. Chú có biết không, có những đêm trăng tôi đi lang thang suốt dọc những ngôi mộ. Tôi ngồi trên một ngôi mộ ốp đá hoa cương như ngồi trên chiếc ghế đá sang trọng và tự nói chuyện với mình, tự suy ngẫm về cuộc đời. Có những đêm tôi ngủ mê chú ạ. Tôi mơ thấy từ những ngôi mộ, những ông già mặc áo Tôn Trung Sơn, đội mũ cối, đi dày Côsưghin cùng tiến lại phía tôi. Họ chào tôi là "đồng chí". Trông họ đạo mạo, nhưng mà xanh xao gầy yếu quá. Tôi hỏi: "Vì sao mà các vị ốm yếu thế?". Họ bảo: "Hồi này dưới âm phủ cũng bãi bỏ chế độ tem phiếu rồi. Ở các nghĩa trang khác người trần cúng viếng nhiều, có nhiều lộc. Ở đây kín cổng cao tường, lạnh lẽo quá". Nghe các vị ấy nói, tôi khóc, chú ạ. Thế là tôi bừng tỉnh và vội vã đi kiếm nhang thắp một lượt tất cả các ngôi mộ...
- Anh sống với những người âm lâu nên tính tình anh có vẻ cũng hơi khác rồi đấy. - Tôi nói.
- Khác thế nào? - Nghĩa nhìn tôi rồi bỗng bật cười - Có thể chú đúng. Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy mà. Tôi có vẻ tinh quái và thớ lợ hơn có phải không? Chỉ tiếc rằng khi tôi biết khôn ra thì phải về hưu mất rồi. Nhưng mà đã có thằng Ân nó thay tôi chú ạ. Kia, chú có thấy cổng nghĩa trang đang rộng mở đón khách không? Có khi mà chú phải đăng cho bọn thằng Ân một cái quảng cáo. "Dịch vụ nghĩa trang. Một công việc đặc biệt dành cho các bạn trẻ. Văn minh, lịch sự, thoải mải. Giá cả phải chăng". Ha, ha... Quảng cáo như thế, được không?
Tôi hơi khó chịu vì cái sự đùa cợt không phải lối của Nghĩa. Nhưng rồi tôi nhận ra mình lầm. Nghĩa không đùa cợt chút nào. Đúng là những đôi trai gái đang lũ lượt kéo nhau vào nghĩa trang. Cái cổng sắt nặng nề, rộng vừa một chiếc xe Hải Âu đi, mọi khi vẫn đóng im ỉm, giờ bỗng mở hết cỡ để đón khách. Và, ngay phía trong cánh cổng sắt, trước khu nhà thường trực là cả một bãi để xe, đủ loại từ xe đạp đến Batetta, kích, cúp... Rồi cả một quán giải khát với bia, cà phê, nước ngọt, thuốc lá.
- Hóa ra bọn thằng Ân nó làm dịch vụ công viên thật hả anh? - Tôi hỏi Nghĩa.
- Chú tưởng tôi đùa? Nhà báo mà quan liêu thì vứt. Tôi đề nghị nhân dịp này chú làm một cái phóng... gì nhỉ. Không cần phải phóng đại, chỉ cần phóng ra sự thật. - Nghĩ thế nào, Nghĩa chợt nắm tay tôi, giọng nghiêm trang lại - Mà đùa thế thôi. Chú cứ để yên cho bọn thằng Ân nó làm ăn. Rùm beng lên, thành phố họ biết, họ xì tốp thì đúng là số bốc mả.
Nhác trông thấy tôi, thằng Ân đã ào ra đón. Mới mười chín tuổi mà nó già quá. Râu ngạnh trê, răng vàng xỉn khói thuốc, mắt, miệng cười toàn những ngoặc đơn ngoặc kép.
- Bố với chú uống bia lon nhé. - Ân kéo ghế mời chúng tôi rồi đưa tay ra hiệu. Lập tức một cô gái trẻ ôm ra sáu hộp Heniken.
- Làm công tác nghĩa trang có phấn khởi không? - Tôi vỗ vai Ân, hỏi.
- Báo cáo chú, cũng tạm được.
- Tạm được là thế nào? Nghe nói thu nhập khá lắm phải không?
- Dạ... Có bia lon mời chú thế này, chắc là cũng không đến nỗi yếu.
- Nhưng sao không bán vé? Ở các công viên người ta đều có bán vé vào cửa.
- Dạ, vì đấy là công viên, nơi chính thức dành cho người sống vui chơi. Chỗ chúng cháu đây là của người chết, người sống có vào chơi thì cũng là vào chui, vào lậu. Bán vé thì ai người ta dám vào. Với lại chắc chú đã biết, phàm những nơi dành cho người cõi âm thì bao giờ cũng mở rộng cửa. Chùa chiền, đền miếu chẳng hạn. Những người phục vụ cõi âm thường không có lương mà chỉ hưởng lộc. Mấy năm nay biết bao người giàu lên vì kinh doanh đình chùa. Chúng cháu làm dịch vụ cũng theo cái phương châm ấy...
Tôi cụng đánh cốp hộp bia lon với thằng Ân để mừng cho cái trí tuệ thương gia của nó. Nhưng mà ngụm bia uống vào đắng ngắt. Không hiểu sao tôi bỗng xỉu buồn. Để mặc Nghĩa ngồi lại với mấy cậu bảo vệ, tôi kéo thằng Ân đi ra thăm các phần mộ.
Dưới trăng, những ngôi mộ nằm san sát, trắng rợn. Từng hàng, từng hàng ốp đá gra-ni-tô, phần bia mộ nhô cao, trông như những hàng ghế xa lông khổng lồ. Đây đó có một bụi liễu, một hàng trắc bách diệp. Ở những phần mộ có những khóm cây đó, thấp thoáng bóng những đôi trai gái đang tình tự với nhau.
Trời ơi! Tôi định kêu lên và đứng sững lại. Phía trước mặt tôi, cách khoảng năm ngôi mộ, một đôi trai gái gần như lõa thể đang quấn riết lấy nhau.
- Có lộc rồi, chú ơi. - Ân bỗng níu lấy tay tôi, nói nhỏ - Chúng cháu thả vó cả đêm, chỉ mong rình chộp được những mẻ như thế này. Chúng nó vào đây chỉ cốt để làm cái việc kia thôi chú ạ. Chúng cháu sẽ bắt quả tang và bắt nộp phạt. Một ca như thế kia hữu nghị lắm cũng thu được năm chục ngàn. Chú ngồi nấp ở đây nhé. Đừng làm động mà chúng nó chuồn mất. Để cháu về gọi mấy thằng bạn cháu nó ra làm việc.
Như con cáo nhác thấy bầy gà, thằng Ân nhẹ nhàng lủi đi rình chộp. Tôi đứng lại một mình, vừa run lên vì tò mò, vừa nhão ra vì chán ngán thất vọng. Chao ơi, cái dịch vụ kinh doanh của bọn thằng Ân lại là thế này sao?
Hoá ra bọn chúng đã lợi dụng cái nghĩa trang có dáng dấp công viên này để làm cái bẫy, bẫy những kẻ trốn chúa lộn chồng, bẫy những đôi trai gái hư hỏng.
Tôi lê bước trở về chỗ ngôi nhà thường trực. Ở đó, Nghĩa và hai cậu bảo vệ có súng đang đứng bao quanh một đôi trai gái. Người đàn ông trạc bốn mươi, mặc quần đùi, chiếc áo sơ mi vừa khoác vội vào người chưa kịp cài hết khuy. Người đàn bà khoảng ba nhăm, trắng trẻo và mập mạp. Chị ta cũng chỉ vận độc chiếc áo sơ mi trùm lên chiếc quần lót, cặp đùi trắng rợn không gì che chắn cứ khép lại, khuỵu xuống, trông thật tội nghiệp.
Lại một đôi trai gái bị trúng "bẫy dịch vụ". Tôi thầm nghĩ và đi nhanh đến chỗ họ.
- Đưa quần cho họ mặc vào. - Tôi nói với cậu thanh niên, dáng chừng là bạn của Ân.
- Sao? - Cậu thanh niên ném vào mặt tôi một cái nhìn xấc xược - Làm gì có chuyện dễ dàng thế? Đưa năm sọi nộp phạt thì mới được mặc quần áo, nếu không chúng tôi sẽ lập biên bản và giải lên công an.
Tôi hiểu năm sọi, tức là năm chục ngàn, cái giá tối thiểu phải nộp cho "dịch vụ nghĩa trang".
- Anh Nghĩa. - Tôi nhìn xoáy vào mặt Nghĩa cái nhìn chắc là dữ dội lắm, vì ngay lúc ấy anh không chịu nổi cái nhìn của tôi, phải quay mặt đi - Anh hãy nói với các cậu này đưa quần áo cho người ta. Tôi xin bảo lãnh.
Cặp nhân tình khốn khổ đổ dồn mắt vào tôi, mắt họ cùng sáng rực lên như kẻ chết đuối vớ được cọc. Giọng người đàn ông ríu lại:
- Báo cáo anh, chúng em nói mãi mà các đồng chí bảo vệ đây đều không tin. Chính hai đứa chúng em là vợ chồng chứ không phải bồ bịch gì đâu ạ.
- Thôi, đừng giở cái giọng ấy ra nữa. Ai mà tin được. - Một cậu bạn của Ân bĩu môi - Vợ chồng sao không có giấy tờ chứng nhận?
- Khổ quá, nhà chúng em gần ngay đây. - Người đàn bà phân trần - Không tin, em xin ở lại đây để nhà em về nhà lấy đăng ký kết hôn.
Câu chuyện mỗi lúc lại làm tôi kinh ngạc. Tôi giơ hai tay lên, tự đóng vai trò trọng tài hòa giải:
- Chúng ta hãy tin hai anh chị này là vợ chồng. Nhưng xin được hỏi một câu hơi tò mò: Anh chị nói là vợ chồng, vậy thì phải có nhà cửa, việc gì phải kéo nhau ra đây làm cái chuyện kia?
Người đàn bà bỗng ôm mặt. Đôi vai chị rung lên bần bật. Mãi sau chị mới nói trong tiếng thổn thức:
- Trời ơi... Có sung sướng cái nỗi gì? Nằm với nhau mà cứ chập chờn bóng người chết, cứ nơm nớp sợ mình sẽ đẻ ra quái thai.
- Nói ra thì nhục lắm... - Người đàn ông nói trong tiếng thở dài - Nhà em quá chật. Một bà mẹ già, hai vợ chồng, hai đứa con mà chỉ có một gian phòng chưa đầy mười lăm mét vuông. Chúng em ngại bà cụ, chúng em không muốn để các cháu nó biết... Vì thế mới phải đưa nhau ra đây...
Chúng tôi cùng lặng người. Dường như có một màn ám khí nặng nề bịt lấy từng đôi mắt. Nghĩa phá tan sự im lặng, giọng anh gắt lên:
- Đủ rồi. Đưa quần áo cho người ta đi!
Vừa lúc đó thằng Ân và một thằng bạn nữa của nó chạy bổ vào. Nghĩa quay phắt lại. Anh đưa tay chộp lấy cổ áo thằng con trai, rồi với tất cả sức mạnh của sự phẫn nộ, anh đẩy ngửa nó về phía sau.
- Đồ khốn. Hãy dẹp ngay cái trò này. Sống trên mồ hôi của người sống đã là khốn nạn. Sống trên xương cốt của người chết thì thật khốn nạn đến nghìn lần. Mày đừng có làm tao điên lên.
Nghĩa thở dốc rồi lao phăm phăm ra phía những ngôi mộ. Tôi chạy đuổi theo anh.
- Thôi anh Nghĩa, về đi.
- Hả? - Nghĩa bỗng đứng sững lại, nhìn tôi. Trong đôi mắt anh đọng đầy hai ngấn nước.
Tôi nhìn Nghĩa và nhìn khắp lượt những hàng bia mộ. Hình như Nghĩa rất muốn nói một điều gì đó với những người chết.
Chuyện tình cuối thế kỷ
Đ |
úng rằm tháng Chạp ta, vợ chồng anh Cu Sến bỗng thây Cường cưỡi Honda từ tỉnh về. Với vẻ mặt quan trọng, Cường mở chiếc cặp da to kềnh đưa
cho anh Cu Sến tờ giấy có những dòng chữ mờ nhạt không dấu.
- Đây là bức thư điện tử gửi qua đường Internet từ quận Cam, Hoa Kỳ gửi về sáng nay, ông chú tôi bảo phải đưa khẩn cấp về quê.
Anh Cu Sến, và tất nhiên cả chị Cu Sến cùng lũ con gái năm đứa suýt soát trang lứa xúm lại, giành nhau xem tờ thư điện ấy nó như thế nào. Nghe Cường giải thích đấy là những dòng chữ từ trên giời, bay một mạch từ bên Mỹ, vượt qua Thái Bình Dương, hoặc cũng có thể vòng qua con đường Đại Tây Dương, nhưng chỉ trong tích tắc đã đến Việt Nam, chỉ cần mở máy vi tính, bấm cái nút có tên người nhận, v.v... Cả hai vợ chồng anh Cu Sến đều tròn xoe mắt trầm trồ.
- Nhưng mà trong thư nói thế nào? - Anh Cu Sến hỏi, vẻ sốt ruột vì anh đánh vần mãi vẫn không hiểu nổi những dòng chữ không dấu ấy nói gì.
- Dịch vắn tắt thôi nhé. Đây, nội dung đại thể: Bảo bố mẹ Sến cứ cho làm thủ tục đăng ký. Lễ kết hôn sẽ lùi lại qua ngày ông Táo chầu trời. Luân đang làm thủ tục về ăn Tết ở Việt Nam. Nếu không đăng ký kịp thì cuộc hôn nhân đành hủy bỏ.
- Sao? Hủy bỏ à? Anh đọc lại xem nào - Chị Cu Sến có vẻ hoang mang.
- Nếu không đăng ký kịp thì cuộc hôn nhân có thể hủy bỏ. Ông chú tôi là người rất tin tử vi, bói toán. Bên ấy ông ta xem mấy ông thầy tử vi đều nói nếu không đăng ký trước ngày 23 tháng Chạp thì sẽ rơi vào tình trạng
"Đại kỵ hiệp hôn", tức là hai người không thể lấy nhau được nữa.
Anh Cu Sến chau mày ra vẻ nghĩ ngợi rất lung, rồi anh quay sang vợ, hắng giọng:
- Ý mẹ mày thế nào?
- Tùy bố nó. Hay là sang hỏi ông bà xem sao?
Anh Cu Sến lại hắng giọng:
- Con mình, cần phải hỏi ai. Thôi, lẽ ra vợ chồng tôi đợi anh Luân từ Mỹ về mới cho anh chị làm đăng ký và tổ chức lễ cưới. Nhưng hoàn cảnh khó khăn cách trở thế này, cũng phiên phiến đi. Tôi đồng ý cho con Lim lên Ủy ban đăng ký trước khi anh Luân về.
- Kìa bố nó - Chị Cu Sến khẽ kêu lên - Con nó về kia, thì bố nó cũng thử hỏi con nó một tiếng xem.
Cường nhìn ra ngõ. Đúng là Lim vừa đi cấy về, đôi bắp chân trần tròn lẳn còn láng ướt. Trong nắng hanh vàng rực, Lim non tơ và ngon lành như một trái cấm đang thì.
*
* *
Cái câu chuyện tếu táo đùa cợt hai tháng trước, tưởng chỉ trêu chọc Lim, nào ngờ đang sắp thành sự thật.
Số là Cường có ông chú tên là Luân, Việt kiều từ Mỹ về thăm quê hương. Hôm ấy, hai chú cháu về quê vợ Cường chơi, tình cờ khi xe dừng thay lốp ở bên đường, hai chú cháu bỗng phát hiện ra Lim đang giặt bên cầu ao. Trời ơi, cái dáng thiếu nữ bên ao hồ, bao giờ cũng là đề tài của thơ, của họa và nhất là của nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông Việt kiều Luân nhảy ra khỏi xe, cầm chiếc máy Nikon bấm lia lịa hết một cuốn phim Kodak. Ban đầu Lim nhất định không chụp. "Không, cháu ngượng lắm". Chính cái vẻ e ngại rất thôn nữ ấy lại có sức gợi, tạo hứng thú cho người nghệ sĩ. Cường ra sức vỗ về. Thế rồi Lim bị kéo vào cuộc từ lúc nào.
Theo gợi ý của Luân, cô nghiêng người, mắt nhìn như đốt lửa vào ống kính, một cánh tay xắn quần cao quá gối một tay đưa lên vén tóc. Chao ôi, một bức ảnh nghệ thuật tuyệt vời. Mấy ngày sau, Cường và Luân lại về quê tặng Lim tấm ảnh. Tuần sau nữa chỉ mình Cường về tặng Lim cả một tờ bìa tạp chí có ảnh của Lim cỡ to bằng thếp giấy học trò. Lim sướng tê người. Lim bắt đầu mơ mộng. Thế rồi theo lời rủ rê của Cường, Lim để Cường lái xe lên phố huyện. Nơi đó, tại một quán cà phê vườn đậm chất dân dã, Luân đã đợi sẵn.
Dĩ nhiên, một người như Luân, hơn năm mươi tuổi, tóc muối tiêu, dẫu đi hấp nhuộm vẫn lòi ra những chân tóc trắng lóe, làm sao có thể cưa kéo nổi một thôn nữ trong trắng ngây thơ như Lim. Để bù lại sự thiếu hụt này, Luân biết mình có một sức mạnh bất khả kháng. Ấy là ông ta đang có nhiều đô la. Sang Mỹ gần ba mươi năm, số tiền ông ta kiếm được đủ sánh với các tỷ phú trong nước, nhưng ông lại thiếu tình, thiếu tới mức hầu như trắng tay sau ba cuộc tình với ba người đàn bà, trong đó có hai người đàn bà Việt, một người đàn bà gốc Italia. Bởi thế, về Việt Nam lần này, Luân không giấu giếm ông cháu họ cái ý định sẽ cưới một cô vợ trẻ bằng mọi giá và sẵn sàng ở lại làm ăn ở Việt Nam. Biết được ý đồ đó của ông chú Việt kiều, Cường liền nhảy vào giữ chân môi giới. Nếu đám ông chú Việt kiều với cô thôn nữ Lim thành công thì chí ít Cường cũng có một chiếc Dream.
Và Cường đã lao vào "cuộc làm ăn" này với tất cả tài thao lược và thủ đoạn nhà nghề. Đầu tiên Cường "hót" về ông chú Việt kiều như một ca sĩ sành điệu hát những bài hát nhạc sến. Nào là ông chú là người Hà Nội gốc, sang Mỹ ba mươi năm, có một nhà máy ba trăm công nhân, một xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc, năm tiệm cơm phở loại sang trọng chuyên phục vụ giới thượng lưu người Việt ở Mỹ; rằng ông chú buồn vì không có con trai để trao món gia tài kếch xù khi về già; rằng ông chú mê Lim ngay phút đầu tiên khi nàng giặt bên cầu ao...
Mới đầu Lim nghe như một cô bé thích thú và tò mò nghe chuyện cổ tích. Rồi sau Lim bắt đầu bị hấp dẫn bởi chiếc dây chuyền một cây vàng do ông Việt kiều gửi tặng qua ông cháu. Dần dần Lim trở thành một cô bé mê muội, bị dẫn dắt như bị bùa ngải, thôi miên.
- Nếu em đồng ý, lễ cưới sẽ được tổ chức ngay đầu năm 2000. Ông chú anh muốn có một kỷ niệm thật ấn tượng ở quê hương trong cái năm đáng ghi nhớ này - Cường tiếp tục "phiên dịch" cho Lim những điều Luân muốn nói.
- Em chỉ sợ bố mẹ em không đồng ý. Vì anh Luân có vẻ già hơn cả bố em - Lim băn khoăn.
- Xong béng - Cường nói - Anh sẽ thu xếp việc này. Rồi Cường nói với Lim cái ý định của mình: Chú Luân có cậu em út giống chú như lột, có điều trẻ hơn tới hai mươi tuổi. Cường sẽ rủ ông chú ấy về ra mắt bố mẹ Lim, nói đây là chú rể tương lai.
Quả nhiên, cái thủ thuật ma mãnh ấy của Cường đã thành công. Vợ chồng anh Cu Sến như vớ được vàng. Còn gì tuyệt vời hơn, khi sáu con vịt giời của vợ chồng anh chưa đủ lông cánh thì con chị cả đã chuẩn bị bay đi. Mà bay đi những Mỹ kia đấy. Lấy một anh Việt kiều giàu có. Con chị nó đi sẽ kéo theo các con dì đang lớn. Rồi cả nhà anh Cu Sến sẽ sang Mỹ, sẽ trở thành Việt kiều tất tật. Ôi, cứ nghĩ đến đã ngây ngất cả người.
Việc đăng ký thiếu vắng chú rể, cũng chẳng khó khăn gì. Bởi người phụ trách con dấu và làm thủ tục đăng ký ở xã là chú Tư Thoan, con bà cô của anh Cu Sến. "Cháu chú lấy chồng Việt Kiều ở Mỹ thì mát mặt cho cả họ nhà mình. Chú cứ ký và cho anh chị cái dấu", Cu Sến nói với Tư Thoan thế, kèm theo cái phong bì lót tay năm chục ngàn, thế là có ngay cái giấy đăng ký với con dấu đỏ chót cho con gái và chàng rể Mỹ Việt kiều.
Sau ngày ông Táo lên chầu trời, Cường cưỡi hẳn một chiếc taxi trắng toát về làng.
- Mời cô chú và em Lim ra ngay sân bay Nội Bài. Chú Luân cháu, tức chồng em Lim sẽ đáp chuyến máy bay từ Mỹ về ăn Tết Việt Nam trưa nay. Chú Luân fax về sẽ tổ chức lễ cưới và ra mắt hai họ tại một khách sạn sang trọng nhất Hà Nội.
Cả nhà anh Cu Sến cuống cuồng lên. Chị Sến như người bị ma làm, lúc cười thì lại như mếu, lúc cầm dao thì lại tưởng cái lược chải đầu.
Năm đứa em tranh nhau đi Hà Nội đón anh rể. Nhưng xe taxi không thể chở quá năm người. Bọn trẻ đành tiu nghỉu đứng vẫy chiếc taxi lăn bánh xa dần.
Chính lúc Cường đưa cô dâu ra Hà Nội, cũng là lúc chú rể Luân người Mỹ gốc Việt từ Hà Nội đáp xe buýt sang sân bay Nội Bài. Theo thỏa thuận với ông cháu ranh ma, Luân sẽ vào phòng bán vé máy bay rồi từ đó đi ra khi vợ chồng anh Cu Sến và Lim tới sân bay đón.
Kia rồi, đúng là Cường đang mở cửa xe ô tô dắt Lim ra kia. Luân bồi hồi sung sướng như một chú rể mới hai mươi tuổi, như ba mươi năm về trước, ngày còn ở Sài Gòn, Luân ngượng ngùng, ngất ngây trao chiếc nhẫn cưới cho người vợ đầu tiên trong đời.
- Kìa chạy đến với chú Luân đi - Cường giục và dúi bó hoa vào tay Lim. Cô làm theo như một cái máy, chạy về phía cửa nhà ga, nơi Luân trong bộ comple đen sang trọng đang tiến lại phía họ.
Vợ chồng anh Cu Sến ngớ người, đứng như trời trồng. Người đàn ông mà con gái họ đang ào tới không phải là chàng trai Việt kiều mà Lim đưa ra mắt bố mẹ hôm nào. Ông ta trông già hơn cả anh Cu Sến.
- Ông cụ thông gia với vợ chồng mình - Chị Sến bảo chồng.
- Cái gì? Thông gia nào?
- Thì tôi bảo kia là bố chồng con Lim. Chắc chồng nó, cái thằng Luân con rể ông ấy, còn đang trên máy bay thu xếp đồ đạc sẽ ra sau.
Cả anh chị Cu Sến cùng ngoái cổ ngóng tít vào trong sân bay, nơi đông nghịt những đoàn người từ Pháp, Úc, Mỹ, Canada về quê ăn tết.
Tội nghiệp cho vợ chồng anh Cu Sến. Phía nơi đỗ xe kia, cô con gái yêu của họ đã cùng "Ông thông gia" chui tọt vào một chiếc taxi và trao vội cho ông ta một nụ hôn trước năm Rồng.