Người Đi Bỏ Mặc Câu Thề Truyện ngắn 1


Truyện ngắn 1
Con hươu sao ngơ ngác

Tôi lên trại Hươu đúng vào mùa tình.

Buổi đi làm đầu tiên với tư cách là công nhân trại Hươu tôi thực sự ngạc nhiên vì Quỳnh Hương cũng đã lên đây làm việc. Gặp tôi ngay đoạn cua vào trại, em reo lên thảng thốt:

- Trời! Anh Tiểu Thiên, anh cũng lên đây à?

- Lên chứ, anh lên... tìm em...

- Anh thì... khi nào cũng đùa được.

 Vừa nói Quỳnh Hương vừa nhìn tôi, hai má ửng lên như trái đào chín. Lạ thật sau những biến cố tang tóc của gia đình, sau một mùa đông đầy u ám đói rách, oan ức, tủi hờn vậy mà mùa tình đến, Quỳnh Hương trổ mã phô phang sắc đẹp đầy thách thức của con gái tuổi dậy thì. Mùa Đông trước, Quỳnh Hương có vẻ đẹp lành lạnh, buồn buồn ne nép để hợp với cảnh tang biến của gia đình. Vẻ đẹp đó của em đã bắt tôi bao lần khi không có việc cũng cố tình đi ngang trước ngõ nhà em. Giờ đây, giữa núi đồi trang trại, bạt ngàn rừng rú trong miên man gió mùa tình, em làm tôi chóng mặt. Đứng gần em trong tôi có cảm giác y như cái lần đầu tiên được làm anh thợ bắt đầu, lần đầu tiên chứng tỏ với mọi người sự trưởng thành và sức mạnh đàn ông. Tôi mạnh dạn nhìn lại Quỳnh Hương, em ngoảnh mặt đi, hơi thở lỗi nhịp làm cho hai cái chóc hươu trên cặp ngực thanh tân cứ phập phồng như đang cựa quậy. Lẽ nào nơi tận cùng của chốn đi lại là nơi tôi tìm thấy hạnh phúc. Thấy tôi như người mộng mị, Quỳnh Hương hỏi:

- Thế anh ở tổ nào?

- Anh chưa biết. Sau cái đận ấy, nhà Hương thế nào?

- Người ta chia quả thực hết anh ạ, thôi nhắc lại làm chi mà buồn, em ở tổ chăn nuôi.

- Anh mới lên không biết họ phân công ở tổ nào, chắc là tổ kỹ thuật thôi. Thế ai là trại trưởng? Dễ sống không?

- Anh cu Tỉn.

- Trời... cu Tỉn...

- Làm gì mà anh thảng thốt vậy, người làng thì dễ sống hơn, em thấy anh ấy cũng quan tâm đến em... À không, quan tâm đến người làng lắm...

- Thì cứ nói là quan tâm đến em cũng có sao đâu.

Lạ thật, mới nghe Quỳnh Hương nói lỡ lời có vậy mà máu trong người tôi đã bốc lên tận mặt. Tôi nói mát với Hương một câu rồi đi về dãy nhà của chỉ huy trại. Đúng là anh cu Tỉn làm trại trưởng, khi thấy tôi bước vào phòng, điệu bộ của anh rất lạ, nửa khệnh khạng, nửa khúm núm, chắc thời gian đổi đời mới ngắn ngủi quá nên chưa thể biến được một anh đầy tớ thành một ông chủ. Có sao đâu, khổ khó chịu, sướng mau quen. Khi tôi chào đến tiếng thứ hai anh mới giật mình mời tôi ngồi xuống ghế hắng giọng hỏi:

- Tình hình nhà cửa ổn cả rồi chứ? Thôi, người làng với nhau cả, tôi cũng phải lên đây huống hồ là nhà anh, chúng ta đều đi xây dựng một vùng kinh tế mới. Rồi đây cả nước, cả thế giới sẽ biết đến chúng ta nhờ những con hươu đang ở trong chuồng kia. Gia đình anh có nhiều kinh nghiệm nuôi hươu, anh về tổ kỹ thuật được không?

- Tùy các anh thôi, nhưng tôi sợ cách nuôi cũ của chúng tôi không còn hợp với thời đại mới.

- Mới gì cũng phải đi từ cái cũ, anh cứ yên tâm, rồi đây sẽ có các kỹ sư học hành bài bản về làm quản lý cái tổ kỹ thuật của anh, không phải lo.

- Thế cụ thể tôi phải làm gì?

- Anh thấy đó, mùa tình đến rồi, anh chuẩn bị cho lứa cắt nhung mới, cưa và người cắt thì tôi đã điều bên tổ thợ mộc. À mà này, không bắt bộ đâu nhé, mạng người là vốn quý, đã có người bắt dây, khi con hươu phục xuống rồi anh mới nhảy vào ôm đầu.

- Được thôi, còn ngoài việc đó ra?

- Là canh cho phối giống, trước mắt thì cứ cho hươu với hươu đã, sau này anh và tôi phải nghiên cứu kỹ việc này, tôi thấy con dê cũng giông giống con hươu, lại... máu lắm... hề hề... khoản đó thì con dê là phải biết. Sừng dê lại chả có ích quốc lợi gia gì, cho mấy chú dê cụ làm cái khoản ấy với hươu là hợp nhất... Còn hươu đực nghỉ cho khoẻ, còn lên nhung chứ.

- Anh nói thật hay đùa vậy? Cho dê phối hươu... liệu rồi nó ra cái con gì... .

- Thì cứ cho nó ra cái gì đã rồi tính, có nhiều thứ cứ ngồi mà nghĩ thì có thấy nó hình thù gì đâu, cứ làm rồi sửa, rồi sai rồi lại sửa. Sai thì sửa có sao đâu.

- Tùy anh vậy, tôi là lính anh sai thì tôi làm.

Buổi đầu tiên đến trại nhận công tác như thế là tạm ổn. Chiều đó, thấy tôi vừa về đến nhà, cha đã hỏi ngay:

- Thế nào, họ cho con làm việc gì?

- Con vẫn là thợ bắt đầu cha ạ.

Nghe tôi nói vậy, mắt cha sáng rỡ lên, cha hỏi dồn:

- Thế cha vẫn là thợ cắt nhung chứ? Ừ, họ cũng không đến nỗi nào con nhỉ!

Không muốn dập tắt đi mối hy vọng mới nhen lên trong mắt cha, nhưng không thể nào khác được, tôi muốn cha đừng có hy vọng quá để tuổi già mà thất vọng đau thì tủi nên tôi nói.

- Không cha ạ, bây giờ họ trọng người hơn, họ sợ con bắt bộ có sơ sẩy nên sẽ có người đưa thòng lọng vào chân sau của hươu, giật cho ngã sau đó con chỉ vào tóm lấy đầu đè xuống.

Nghe tôi nói, mặt cha ban đầu đỏ tía lên, sau đó chuyển sang tái nhợt. Khi tôi nói xong, cha lẫm nhẩm trong miệng.

 

- Nhưng hươu là linh vật, đối xử với linh vật bằng cách xỏ lá vậy sao...

- Ở đây không có linh vật cha ạ...

- Ừ... vô thần, vô thần mà... Nhưng còn cưa nhung thì sao... cha vẫn làm việc đó chứ... ?

- Không họ nói mấy anh thợ mộc làm việc này tốt hơn cha, thợ mộc chỉ cần lấy cái bút chì, vanh một cái quanh cội đế thế là cứ theo đó mà cưa, chả cần nửa hạt gạo chồng đứng hay trước mỏng sau dầy, lấy tay làm khấc cho nó rách việc.

Nghe đến đó, cha tôi không còn đứng vững được nữa, ông vuốt cột nhà ngồi xuống bên mấy cái đầu đày vừa thiến ra từ mấy cái chân cột nhà còn tươi, lòng hoang hoải ông phóng mắt vô hồn về phía ngọn Ba Mụ, nơi đó chỉ có sớm mấy bước mà đàn hươu của nhà tôi đang thung thăng đùa giỡn với đại ngàn, với suối, với cỏ, với cây. Chúng đã tìm được cuộc sống của chính tổ tiên chúng đã từng sống. Cũng có thể bây giờ đàn hươu đã có hàng trăm con và những con hươu đực trưởng thành đã lại tách đàn, đem theo bên mình mấy con hươu cái làm thê thiếp. Nhưng cũng có thể do lệ thuộc vào con người quá lâu, khó thích nghi với tự nhiên, bản năng hoang dã mất dần nên không phát triển, đàn cứ cùn mòn dần rồi đi đến tuyệt diệt. Nhưng dù gì thì trước khi chết, trước khi tan nhòa vào với cỏ cây, những chú hươu từng là hươu nhà cũng một lần biết đến đại ngàn, biết đến sự tự do.

Ngồi nhìn hút về phía núi Ba Mụ một lúc, cha hỏi tôi mà như tự hỏi mình:

- Hay con xin họ đừng bắt đầu nữa được không con?

- Sợ không được cha ạ, trước đây hươu của mình muốn làm thì làm không làm thì thôi, giờ của tập thể, con đang là công nhân, người của tổ chức.

- Người của tổ chức thì không được làm theo những gì mình thích và mình thấy đúng. Ông bà mình thấy đúng hả con?

- Không cha ạ, ý chí tập thể là trên hết.

- Nhưng cha sợ, chúng ta không công bằng với linh vật, đối xử không đúng với linh vật. Hươu là linh vật của làng con ạ, chưa khi nào hươu là hàng hóa cả. Cắt nhung mà cưa bằng cưa thợ mộc, động óc hươu chịu sao thấu.

- Con cũng biết điều đó, nhưng ...

 

Nghe tôi nói và bỏ lửng giữa câu, cha không hỏi gì thêm nữa, mái tóc cha mới qua mấy biến cố đã không còn một sợi đen giờ đang rũ xuống lòa xòa trước mặt. Nhìn cha, dù ai có giỏi tưởng tượng đến mấy thì cũng không thể nghĩ trước đây cha đã từng là thợ bắt đầu, đã từng là đô vật số một của làng. Nhìn cha, tôi chợt rùng mình, cha có cái nét gì đó rất giống ông nội những ngày cuối đời, chả lẽ cái điều đó đến sớm vậy sao? Không thể, qua biến cố này rồi cha sẽ trở lại phong độ như xưa thôi. Tôi đang tính, có một ngày nào đó rảnh, cha con tôi sẽ đi vào tận núi Ba Mụ để xem đàn hươu giờ sinh sống ra sao.

 

*

*    *

 

Đoàn cán bộ xuống kiểm tra trại Hươu đúng vào giữa mùa tình, mùa cắt nhung hươu. Khi anh cu Tỉn dẫn đoàn Kiểm tra xuống khu vực thả hươu thì bất ngờ có một sự kiện hi hữu xẩy ra. Khi thấy ông Trưởng đoàn kiểm tra lại gần, như có một mệnh lệnh không lời, cả đàn hươu bỗng đứng phắt dậy, giương những cặp mắt ngày thường vốn ngơ ngác giờ đây đã đỏ đòng đọc nhìn chằm chằm ông Trưởng đoàn. Rồi cũng bất ngờ như hành động đứng dậy, con hươu đực đầu đàn toác lên một tiếng đanh như xé vải rồi bất thần lao thẳng về phía ông Trưởng đoàn. Nhung non sao đọ được với lim già, nó bị gióng chuồng lim hất bật trở lại làm cho bổ chửng. Cặp nhung ba tuần tuổi trên đầu nát choe choét, máu phun phùn phụt ra cả nền chuồng, phun ướt áo, ướt mặt ông Trưởng đoàn. Sau cái hành động bất ngờ của con đầu đàn, cả đàn hươu như có mệnh lệnh ngầm lại lồng lên, con đầu đàn mặc cho máu phun đầy mặt vẫn cứ tiếp tục lùi ra rồi lại lao thẳng vào gióng chuồng phía ông Trưởng đoàn đang đứng. Trong chuồng một vài con hươu đực nữa đang lùi lại lấy đà. Trưởng đoàn thấy thế vội vã rút khỏi chuồng hươu. Tôi nhìn họ rồi lại nhìn đàn hươu và giật mình, sao biểu hiện của đàn hươu này giống với đàn hươu nhà tôi mấy năm về trước vậy, cái ngày vì không nghe lời cha dặn trong lần bắt đầu đầu tiên, tôi đã há mồm uống những sợi huyết nóng phụt ra từ vết cắt nhung của con đực cồ, sau đó con thú bản năng trong tôi nó gào thét, cắn xé vật vã đòi được thỏa mãn chuyện ái ân. Không thể nhốt được con thú bản năng lại trong lòng, buộc tôi phải chiều theo nó. Chỉ một lần thôi mà tôi đã mang bệnh. Nguy hại hơn là tôi không nghe lời cha mà nỡ phạm vào điều cấm kỵ nhất của người thợ bắt đầu trong cái làng nghề nuôi hươu. Kể từ lần đó, mỗi khi thấy bóng tôi, đàn hươu trong chuồng cũng có biểu hiện như thế này. Không còn cách nào khác, cha tôi đã phải thả cả đàn hươu vào rừng, tôi phải trả lại cái thiên chức làm thợ bắt đầu cho người có thiên lương hơn tôi. Chả lẽ? Tôi lại nhìn đàn hươu một lần nữa, nhìn con hươu đầu đàn mắt đang long lên sòng sọc vác hất cái mặt đầy máu lên như đang thách thức và sẵn sàng đâm sầm vào ông Trưởng đoàn nếu ông ta quay lại. Tôi nhìn nó và như không tin vào mắt mình, đứng trước tôi là con đực cồ với cái bờm cước đang dựng ngược lên và cái cần cổ như cái áo tơi mà tôi đã từng một lần được ôm vào lòng trong cái lần bắt đầu đầu tiên. Tôi đang đứng mê mẩn mặc cho ký ức xưa quay về thì Quỳnh Hương đến bên khẽ nói:

- Có cách gì cầm máu cho nó không anh? Trông thảm quá.

- Ừ thảm quá! Phải vào bắt thôi, nhưng giờ không có nhung, bắt rất khó.

- Nhưng thương nó quá, ngày nghe ba tiếng súng bắn cha em ngoài bãi soi, nó cũng đã toác lên ba tiếng và cũng đâm dập cặp nhung đang non như thế này.

- Hóa ra nó là hươu của nhà em à?

- Nó tên Rừng, một nửa đàn hươu trong trại là của nhà em.

- Vậy thì em lên gặp giám đốc trại liền đi, kêu người bắt rồi còn cưa cho gọn để cầm máu cho nó.

- Nhưng em sợ anh ấy đang tiếp khách quan trọng, không để ý gì đến hươu đâu.

- Khách đến đây cũng vì đàn hươu, thế thì khách quan trọng hay hươu quan trọng? Đi nhanh đi kẻo không kịp, chỉ có em nói may ra anh Tỉn mới nghe.

Tôi vừa nói vừa đẩy vào lưng Quỳnh Hương, trước khi chạy đi em còn quay lại nguýt tôi một cái sắc lẻm.

Quỳnh Hương chạy được một lúc thì đoàn người lúc nãy quay lại. Mới thấy họ đầu xa, đàn hươu đồng thanh ngửa cổ lên trời toác những tràng đầy ai oán, tuyệt vọng. Con Rừng toác kép một hồi và lại nghênh cái mặt máu lên. Tức giận làm cho máu con Rừng vọt mạnh hơn, những tia máu mảnh như sương li ti đậu trên mặt, trên áo những người đứng xung quanh chuồng. Tôi chạy lại nói với ông Trưởng đoàn:

- Ông đừng lại gần chuồng nữa, chúng hung hăng, vật vã mà chết mất.

- Tôi muốn đến để xem các anh bắt cầm máu cho nó.

- Máu đang chảy mà tức giận thì không thể cầm được, tôi xin ông.

Trưởng đoàn nhìn tôi một lượt từ đầu tới chân rồi hỏi anh Tỉn:

- Anh này là...

- Dạ, nó tên Tiểu Thiên, thợ bắt đầu có tiếng một thời gian gia đình nhiều kinh nghiệm nuôi hươu ạ.

- Thôi được... thật chả ra làm sao cả, có ai phá không? Kinh nghiệm, kinh nghiệm mà không biết bảo con hươu nó đứng yên được à?

Nói xong Trưởng đoàn ngảy một cái rồi đi vào nhà khách của trại ngồi chờ. Trại trưởng Trần Văn Tỉn hô mọi người tách con Rừng chuồng cắt. Nhưng nhìn nó đang lên cơn điên, không ai dám xông vào. Trại trưởng hô hào khản cả cổ mà mọi người vẫn cứ đứng nhìn nhau, con Rừng vẫn đứng chính giữa chuồng thả, mắt gườm gườm, máu vẫn phun như sương bay nhuộm đỏ hết mặt mũi quần áo của nhưng người đứng xung quanh. Thấy mọi người chần chừ, nóng ruột quá, Quỳnh Hương nói to: - Để tôi! Mọi người chưa kịp phản ứng gì thì Quỳnh Hương đã mở cửa chuồng lách vào. Khi đó, anh cu Tỉn mới kịp định thần lại, khẩn nài:

- Quỳnh Hương ơi, em ra ngay đi, nó đang


điên đấy!

- Kệ tôi, đồ hèn.

Thấy Quỳnh Hương vào, con Rừng cúi nhanh đầu xuống, triển cơ cổ làm cho cái bờm cước dựng đứng lên, miệng nó méo vẹo sang một bên, lưỡi thè ra phun phì phì phì như rắn hổ mang. Đám đàn ông nìn thở. Máu vẫn phun như những vòi sương lên người Quỳnh Hương. Máu nhuộm cái áo phin trắng những chấm ly ti hồng, máu đọng trên làn da mặt trắng mịn của Qùynh Hương. Hương vẫn thận trọng đi từng bước nhón nhỏ tới trước mặt con Rừng. Bỗng con Rừng lùi nhanh một bước rồi cất cao cái đầu và hai chân trước lên. Mọi người đều nín thở thất kinh, tôi dợm bước tính mở cửa xông vào cứu Quỳnh Hương. Nhưng thoảng như một hơi thở nhẹ, Quỳnh Hương nài nỉ: "Rừng... ngoan nào... muốn thoát thì ngoan nào...”. Nghe Quỳnh Hương gọi đến tên, con Rừng bỗng khựng lại, hai chân trước rơi xuống tại chỗ. Biết nó đã nghe lời, Quỳnh Hương tiếp tục nhẹ nhàng đi từng bước nhỏ tới, con Rừng lùi dần, lùi dần... Mọi người vẫn hồi hộp dõi theo từng động tác của Quỳnh Hương và con Rừng. Đến trước cửa chuồng cắt, con Rừng không chịu chui vào, nó đứng lại thủ thế như ban đầu, Quỳnh Hương nhẹ nhàng nhưng vẫn bước nhỏ đều đến trước mặt nó, vừa đi vừa nói: "Rừng ơi, ngoan nào... chị thương... vào chuồng cắt đi..." Mọi người vẫn nín thở đứng nhìn. Con Rừng lại toác lên một tràng ai oán, toác xong miệng méo xẹo, lưỡi thè ra phun phì phì. Giám đốc Trần Văn Tỉn năn nỉ: - Thôi Quỳnh Hương ơi, em ra đi, còn có cách khác mà. Như không nghe tiếng của giám đốc nói, Quỳnh Hương vẫn dấn bước đi tới, con Rừng lại chồm lên, lần này bỗng dưng Quỳnh Hương thét lên một tiếng làm cho cả hươu và người đứng ngoài đều giật mình: "Rừng, quay lại!” Con Rừng đang đứng trên hai chân sau, giật mình vì tiếng thét của Quỳnh Hương vội ngoải người một cái, oặt ra sau và cả người nhảy gọn vào trong chuồng cắt. Nhanh như bản năng vồ mồi của loài thú ăn thịt, một bước nhảy Quỳnh Hương đã áp sát chuồng cắt với tay đóng sập cửa lại. Mọi người trút được hòn đá tảng đang đè trên ngực. Giám đốc Trần Văn Tỉn hô:

- Dây đâu, cưa đâu chuẩn bị, Tiểu Thiên đi lối cửa sau bắt đầu.

- Không! Nếu bắt dây tôi không bắt đâu.

- Buổi này không phải để đôi co, chết con Rừng thì anh cũng khó sống.

- Chết tôi cũng chịu.

- Thôi được, cất dây đi, bắt bộ... nhớ đấy.

Sau quyết định của giám đốc trại, tôi lựa mấy người trước đây đã từng bắt bộ với tôi ráp lại thành một tổ, nhanh chóng tiếp cận con Rừng. Tôi bảo mọi người đồng loạt mở cửa và vào cùng một lúc để phân tán sự chú ý của con Rừng. Đúng như dự định của tôi, con Rừng trừng trộ, trừng trạo như ác vô trộ đó, mắt đảo liên hồi như rang lạc, đầu quay tứ phía đều gặp người đang tiếp cận. Máu trên đầu nó vẫn phun mạnh chứng tỏ nó đang còn trường sức lắm. Tôi nhích lên nhỉnh hơn mọi người một bước, ngay lập tức con Rừng quay người lại, đâm sầm tới. Đợi cho đầu con Rừng cách người tôi một cái với tay, uyển chuyển như loài hổ, chân tôi xuống tấn nhưng người lại né sang một bên, khi đầu con Rừng đã nằm gọn trong nách phải, tôi liền triển chặt tay lại. Theo đà đâm, con Rừng kéo theo cả người tôi rầm một phát vào gióng chuồng. Không ai hô mà đồng loạt bảy người bắt bộ đã tiếp cận, tóm gọn các vị trí trên mình con hươu vào trong những bàn tay chắc như mỏ quặp của mình. Toác lên một tiếng bi ai, như người anh hùng thất thế, con Rừng ngoan ngoãn nằm xuống nền chuồng đầy phân và máu. Anh cu Tỉn nhanh chóng lòn thau rượu vào chuồng. Thấy thế, Quỳnh Hương gào lên:

- Đến nước này mà còn hứng huyết nữa à?

Bị bất ngờ, anh cu Tỉn trở lại bản chất của anh nông dân cục cằn vô học, anh quát lại Quỳnh Hương một câu rất tục.

 

- Không hứng huyết hươu thì lấy máu l... của cô cho cán bộ uống à?

Quỳnh Hương giận tím người thét lên: "Đồ mọi rợ, dã man” thét xong rồi ôm mặt chạy đi.

 

*

*    *

 

Sáng hôm đó chúng tôi còn phải cắt thêm bốn cặp nhung nữa. Khách đông, huyết hươu có hạn, nên chỉ có chai rươu huyết để trên bàn ông Trưởng đoàn là có màu đỏ của đá Ru bi, còn lại các chai rượu của các bàn khác chỉ oe hoe lấy màu. Thế cũng còn tốt chán, đã lâu không được nếm mùi huyết hươu nên ai cũng háo hức uống. Quỳnh Hương và tôi chui vào ngồi một góc hờ hững nhìn mọi người hả hê trong bữa tiệc máu. Nhìn những cái miệng đỏ lòm huyết hươu đang ngoác ra cố uống lấy được cái chất tinh tuý, cái lộc trời cho dân làng tôi mà bỗng dưng tôi thấy rùng mình. Tôi không thể tưởng tượng, không thể so sánh được xem cái tiệc nhung hươu hôm nay có liên quan gì, gần gũi gì với cái lễ tinh phộc của làng tôi trước đây. Chắc Quỳnh Hương cũng đang có những suy nghĩ như tôi nên khi tôi đang tính rủ em ra ngoài ngồi cho thoáng thì em đã cầm tay tôi kéo đi. Đến bên gốc mít sau hồi nhà ăn, hai đứa tôi ngồi xuống. Tôi cầm lấy bàn tay ấm nóng của Quỳnh Hương an ủi, em để nguyên tay em trong bàn tay thô ráp của tôi, vừa nhìn về phía đại ngàn xa xanh, Quỳnh Hương vừa nói:

- Em thương con Rừng quá, đáng lẽ chỗ của nó là trong kia, nơi bố nó đang sống.

- Em nói sao, con Rừng là lai hươu rừng?

- Hươu rừng độc hẳn hoi.

- Thế con hươu cái nhà em sổng chuồng xông vô rừng tìm hươu đực à?

- Không phải, ngày đó đàn hươu trong chuồng nhà em bắt đầu thoái hóa, cho nhung nhỏ dần, cận huyết, có con vừa mới đẻ ra đã bị chết, nguy cơ tan đàn đến nơi. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cha em đã công phu vào quây một cái ràng lớn dưới chân núi Ba Mụ thả vào đó hai con hươu cái và canh cả tháng. Em được cha cho đi theo cơm nước.

- Nhưng làm sao mà dụ được hươu rừng, phát hiện có hơi người dễ gì chúng đến.

- Điều đó không khó, trước khi đi, quần áo của hai cha con phải chôn xuống đất cùng với lá mục, sau đó khoác lên người, nằm sương hết ba đêm cho bay hết mùi người rồi mới dám vào rừng. Vào đến nơi thì lựa theo hướng gió ngồi phía dưới. Vậy mà năm lần bảy lượt thấy đàn hươu rừng mon men ra uống nước, cha đều khéo léo cho hai con hươu nhà ra lấy giống nhưng không được, cứ thấy con hươu rừng đến gần là hai con hươu nhà trốn tiệt vào trong ràng, không những trốn, chúng còn nằm ệp xuống, mặt khinh khỉnh nhìn lũ hươu rừng hôi mù. Chờ lâu đã nản, cha tính thu ràng gánh hươu về. Nhưng rồi sự kỳ diệu đã đến. Đúng vào đêm tiết nghinh xuân, cha con em đang rầu rầu nhìn trăng giữa tháng nhưng vẫn còn vết đen lại còn trốn chui trốn lủi sau những đám mây mà buồn thì bỗng dưng nghe một tiếng toác rung trời chuyển núi. Mây toạc ra cho vừng trăng vằng vặc chiếu rọi cả đại ngàn vốn dĩ thâm u. Trăng soi tỏ cả những gân lá còn đọng sương đêm. Chưa hết bàng hoàng thì trước mắt cha con em đã thấy lừng lững một con hươu đực lực lưỡng trên đầu đội cặp nhung to trắng hồng như hai cụm thạch nhũ, đế nhung to như cái bát yêu. Con hươu đực đứng nhìn cha con em một lúc rồi thản nhiên như không thấy người, nó nhún phốc một cái gọn hơ vào trong ràng với hai con hươu cái. Sau một lúc đi vòng quanh ngắm nghía kỹ hai con hươu nhà, con hươu rừng đến bên một trong hai con hươu cái rồi nhanh như chớp, nó giơ một chân trước lên cao, cha con em chỉ nghe một tiếng rốp giòn tan, thì trước mắt đã thấy một con hươu cái ngã vật xuống nền rừng, tai, mắt, mũi máu trào ra, chân giật giật mấy cái rồi nằm yên bất động. Đập chết con hươu cái kia xong, con hươu rừng mới lượn cái thân mình uyển chuyển núi non ve vãn con hươu cái còn lại. Như không còn có trời đất, rừng núi với sự hiện diện của con người, chúng xoắn xuýt lấy nhau bên cái xác còn ấm của con hươu cái xấu số. Rồi nhân một giây trăng lui, con hươu đực chồm lên lưng con hươu cái, hai tiếng thét xé rừng cùng một lúc, muông thú túa ra chạy ràn rạt gãy răng rắc cây rừng. Rồi trắng lại sáng, con hươu đực đứng ngẩn ngơ nhìn con hươu cái đang khuỵu hai chân sau xuống đánh dấu lên nền rừng cái mốc cuối cùng của sự thanh tân. Sau đó như có sự thôi miên, con hươu đực cứ thơ thẩn đi lại gần rồi cúi xuống liếm bằng sạch vạt đất nhuộm máu của con hươu cái. Rồi trăng lại tạm lui đi cho con hươu đực chồm lên lưng con hươu cái một lần nữa, khi trăng sáng, cha con em đứng ngơ ngác nhìn, trên nền chuồng chỉ còn lại một con hươu cái đang đứng khuỵu hai chân sau xuống, mặt ngửa lên trời cười hềnh hệch. Đúng là nó cười hềnh hệch anh ạ- bên cạnh xác con hươu cái xấu số đang lạnh dần.

Bảy tháng sau con hươu cái đó đẻ con, em đặt cho con hươu mới đẻ tên là Rừng. Từ ngày có con Rừng, đàn hươu nhà em phát triển tốt, cho nhung to. Nhưng cũng chính vì yêu hươu quá, phát triển nhiều quá cha em mới mang hoạ, mới trở thành địa chủ cường hào ác bá...

Nghe Quỳnh Hương nói, tôi không biết an ủi gì thêm, gia cảnh nhà tôi nào cũng có khác nhà Hương là mấy. Tôi chỉ biết nắm chắc tay em trong tay tôi như thầm hứa cùng nhau sẽ vượt qua tao đoạn này.

 

*

*    *

 

Khi tôi và Quỳnh Hương quay lại nhà ăn thì thấy mọi người đã tàng tàng say, Ông Trưởng đoàn đang giơ cao ly rượu hỏi:

- Tôi đố mọi người, huyết hươu nó có mùi vị giống với huyết con gì?

Tùy theo vị huyết mỗi người được nếm trước đó mà nhao nhao đưa ra sự so sánh. Một người nói:

- Giống huyết dê.

Người khác nói:

- Giống tiết canh vịt.

Ngươi khác lại nói:

- Tôi thấy giống huyết thỏ.

- Ừ đúng đấy giống tiết canh thỏ.

- Không phải, tôi thấy đỏ, thơm và hơi tanh tanh như huyết chim bồ câu.

- Chim sao mà giống thú được, giống tiết canh lợn.

 Đợi cho mọi người cãi nhau chán, cuối cùng ông Trưởng đoàn đứng dậy vừa lấy một tay xoa bụng vừa làm động tác cho mọi người im lặng và đưa ra lời phán quyết cuối cùng.

 - Huyết hươu giống... giống máu... .người!

 

Nghe lời phán quyết đó, tất thảy mọi người đều kinh ngạc. Nói vậy thì chịu! Nói xong câu đó, Trưởng đoàn lại đưa ly rượu lên bảo mọi người cùng uống. Nhưng không còn được hào hứng như trước nữa, đã có những cái ly ngập ngừng khi đến gần sát miệng. Không cần để ý đến những điều nhỏ nhặt đó, như để tăng thêm cái đức tính cởi mở, xuề xoà, gần dân của mình. Trưởng đoàn nói tiếp sau khi đã chổng đít ly vào mặt hết thảy quan khách:

- Không những giống từ màu sắc, mùi vị mà còn giống đến cả công dụng của nó nữa. Tối về thì... phải biết. Tôi là tôi có kinh nghiệm lắm, chẳng có huyết gì có thể lấy lừa tôi là huyết hươu được đâu, chỉ có máu người may ra là tôi nhầm... Cũng lạ thật, máu người nó giống máu hươu kỳ lạ, khó mà nhận ra.

Nghe Trưởng đoàn nói thế, 1414 mọi người đều thầm đưa mắt cho nhau và im lặng. Tiệc cũng tàn dần, trên bàn đây đó vẫn còn những cốc rượu huyết hươu uống dở.

 

*

*    *

 

Đang giữa mùa tình vậy mà đàn hươu ăn chơi biếng nhác, hươu cái không còn ngúng nguẩy những cái đuôi ngắn ngủn ướt chèm nhẹp gọi mời, hươu đực đêm đêm không còn hậm hực phá chuồng mong sang với đàn hươu cái để giải tỏa nỗi bức xúc, rậm rực bao giờ cũng thường trực trong mùa tình. Riêng con Rừng, kể từ đận ấy, nó không hề động đến một ngọn cỏ nào, hàng ngày chỉ nấp vài ngụm nước do chính tay Quỳnh Hương đưa đến. Nhịn ăn đã một tuần, người con Rừng bây giờ chỉ còn lại bộ xương. Anh cu Tỉn đã báo cho thú y về khám rồi tiêm rồi xông đủ cả, nhưng con Rừng không ăn vẫn hoàn không ăn. Cuối cùng không còn cách nào khác, anh Tỉn phải trực tiếp đến nhờ cha tôi. Dù đang ốm, nhưng khi nghe con Rừng có thể nguy, ông vội vàng đến trai hươu. Vừa nhìn thấy con Rừng, ông đã buồn bã lắc đầu. Thấy thế, anh Tỉn hỏi:

- Liệu có cách nào cứu được con Rừng không ông?

- Khó đấy, tôi chưa bao giờ chữa bệnh cho hươu của người khác cả.

 

- Ngày xưa nuôi cá thể thì đã đành vậy, bây giờ của tập thể, của toàn dân, ông phải có trách nhiệm chứ.

- Tôi già rồi, một mình thằng Thiên có trách nhiệm với cái trại nay là được rồi.

- Thế không còn cách gì à?

- Còn đấy.

- Ông nói nhanh đi.

- Anh hãy bán con Rừng này cho tôi.

- Không được, tù chết, đòi cá thể lại à?

- Không được thì thôi, chào anh tôi về.

Vừa nói cha tôi vừa quay người dợm bước buộc anh Tỉn phải xuống nước.

- Thôi được bây giờ tôi bàn thế này, cứ coi như con hươu này là của ông, ông mua nó với giá một tấn thóc, khi ông chữa khỏi cho nó, trả về trại, trại sẽ trả dần dần thóc cho ông.

- Nếu tôi chữa không lành mà nó chết?

- Thì Tiểu Thiên làm việc ba năm không công.

- Tôi đồng ý.

Chúng tôi sắm võng, đòn bắt con Rừng trói lại trên võng, tôi gánh một đầu, đầu kia Quỳnh Hương gánh. Con Rừng chỉ còn lại có bộ xương nên bước đi của chúng tôi nhẹ lắm nhưng trong lòng thì nặng trĩu lo âu. Trăng giữa tháng đã le lói sau đỉnh Ba Mụ, chúng tôi cứ lầm lũi bước mỗi người mãi đuổi theo một suy nghĩ. Đến ngã ba rẽ về nhà, như quên cả đường về, cha cứ lầm lũi đi thẳng vào rừng, không dám gọi, chúng tôi cũng lầm lũi gánh con Rừng đi theo. Đi qua khoảnh rừng thứ, lội qua ba con suối cạn, khi đến bên bờ con suối thứ tư thì cha bảo dừng lại. Chúng tôi đặt con Rừng nằm xuống bên bờ suối. Mắt nhìn hút vào đại ngàn, cha nói:

- Con mau cởi trói cho nó.

- Cởi trói lỡ nó chạy lung tung làm sao mà bắt cha?

- Cha chỉ sợ nhốt lâu quá, ốm yếu quá nó không còn chạy được nữa, còn nếu nó vẫn chạy được thì còn có phúc con ạ.

Tôi và Quỳnh Hương hí húi mở trói cho con Rừng. Khi các dây trói đã được lấy ra khỏi chân, con Rừng run rẩy, lập cập đứng dậy rồi đi xuống phía suối, khi đến mớm nước, nó cúi xuống uống mấy lưỡi nước rồi dò dẫm lội sang bên kia suối, khi gần đến bờ, thấy mấy cành cây chân chim xoã lòa xòa xuống gần mặt nước, nó đưa lưỡi ra cuốn vội lấy cho vào mồm nhai bõm bẽm. Tôi nhìn Quỳnh Hương, Quỳnh Hương nhìn cha, cha nhìn con Rừng... Trăng giữa tháng đã lên ngay đỉnh đầu, rờ rỡ tròn soi tỏ những nếp nhăn trên mặt cha tôi đang giãn dần. Không biết tự khi nào, tôi đã cầm lấy bàn tay ấm nóng của Quỳnh Hương, em để yên tay em trong tay tôi tin cậy. Chúng tôi cùng nhìn theo bóng con Rừng đang lẩn khuất giữa đại ngàn. Tôi và em cùng nhau nhìn về một hướng.

 

NTH

Nhà số 4 tháng 7-2008

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87490


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận