người cầm lái chỉ cần đặt nhẹ bàn tay là con thuyền cứ thẳng hướng mà vun vút lao đi. Những trường hợp học sinh chậm tiến như Phan Trừng đều chuyển biến cả. Mai Du đã tưởng sẽ không còn phải lao tâm tổn sức với lớp nữa. Vậy mà bỗng xảy ra một chuyện. Trong Hội đồng giáo dục, đã có những ý kiến khắt khe buộc Mai Du phải đuổi học cả hai học sinh của lớp. Lòng Mai Du nặng trĩu băn khoăn: cái Tân và thằng Miễn có đến nỗi phải chịu hình phạt nặng nề nhất của đời học sinh không? Thằng Miễn ở đầu phố huyện, là con một gia đình thợ may, thuộc vào hạng dân ngụ cư mới từ trên tỉnh kéo về đây, sau hòa bình lập lại. Trên gác hai nhà nó, dầu chật chội bộn bề, vẫn có hai cái góc thật tĩnh lặng: một là góc học tập của Miễn và hai là cái am nhỏ thờ Phật, để cho bà nội Miễn sáng chiều mỗi ngày vài lượt gõ mõ nện chuông cầu kinh. Miễn cao dong dỏng, trắng trẻo khôi ngô. Con gái xứ Đạo biết tiếng cậu thư sinh, mỗi buổi đi lễ nhà thờ ngang qua đầu phố huyện không khỏi đưa mắt kiếm tìm cậu ta. Những đêm trăng thanh gió mát, Miễn ôm đàn ghi ta lên sân thượng gẩy. Âm thanh dịu ngọt sâu lắng từ trên lầu cao vọng xuống, lan xa, làm thổn thức xao động biết bao thiếu nữ dậy thì. Ở trường, Miễn rất ít nói, nhưng là một cậu học trò thông minh. Miễn giải toán rất nhanh và nhiều khi cậu còn đưa ra những cách giải độc đáo, những phát hiện bất ngờ cho cả chính thầy giáo. Miễn viết chữ đẹp, lại thêm những nét đá như bay lượn. Sách vở của cậu chẳng những đ y đủ đến mức chuẩn mà còn được trang trí bằng những dòng chữ kẻ kiểu cách thật đẹp mắt. Miễn còn biết làm thơ, những vần thơ buồn buồn.
Tân là con một gia đình dòng dõi Đạo gốc, ở mé trái nhà thờ thôn Đông, một thôn công giáo toàn tòng, cách nhà Miễn một cái cầu khỉ bắc qua con kênh đào nhỏ chạy vòng theo phố huyện. Theo địa dư, Miễn và Tân được phân vào một nhóm học tập, nhưng mẹ Tân đã cấm bặt không cho hai đứa đến nhà nhau. Thành thử chúng chỉ còn cách sinh hoạt nhóm ở trường và gửi vào sách vở của nhau đôi dòng tâm sự. Một hôm, bà mẹ tình cờ nhặt được trong quyển vở hát của con gái có mẩu giấy nhỏ với những dòng chữ bay bướm:
"Anh là con chim nhỏ
Đậu trước ngõ nhà em
Đôi mắt huyền lung linh em đang mải kiếm tìm
Thì anh đã đến rồi, bên cửa sổ
Sức mạnh của tình ta
Sẽ vượt qua dông tố...".
Vừa lẩm nhẩm đánh vần được mấy câu thơ, bà mẹ tái mặt, hoảng hốt kêu lên: "Giê-su-ma, lạy Chúa tôi"!. Nghi nghi hoặc hoặc, bà lo sợ rằng con gái bà có quan hệ bất chính với cái thằng "đi Đời", rồi nó sẽ bỏ Đạo, nó sẽ không đến nhà thờ! Bà liền bắt con gái đi xưng tội, không cho nó đi học nữa, và xăm xăm cầm mẩu giấy chạy ra ngoài trường học. Bà tố cáo thằng con trai kia dám rắp tâm làm tổn hại đến dòng dõi họ Đạo nhà bà. Xem mẩu giấy, chẳng khó gì mà không nhận ra chính là nét chữ của Miễn. Đã có mấy thầy cô giáo bực dọc lên án chúng nó dám yêu nhau ở tuổi học trò. Lòng Mai Du nặng trĩu băn khoăn! Đuổi học chúng nó thì thật là đáng tiếc! Đuổi học nó thì nghĩa là nhà trường xã hội chủ nghĩa của chúng ta sẽ mất đi hai con người. Thằng Miễn học giỏi nhưng chưa hết bậc phổ thông thì liệu sẽ làm được gì? Còn cái Tân bỏ học thì lại sẽ trở về với hội Fatima của nó, nơi mà năm trước Mai Du đã bỏ bao công sức để kéo cho bằng được cái Tân ra. Cái Tân lại trở về với dàn đồng ca của nhà thờ và giữ chân lĩnh xướng! Mai rày, những buổi sinh hoạt văn nghệ của trường sẽ thiếu vắng một giọng nữ trung trầm trầm, sâu lắng, ngọt ngào của Tân, cô học trò có đôi mắt ướt mơ màng và khuôn
Trước Hội đồng giáo dục, Mai Du phân tích ngọn ngành, rành rõ thiệt hơn rồi đưa cả sinh mệnh chính trị của mình để bảo lãnh cho hai đứa học trò: "Tôi tin rằng, từ nay các em ấy sẽ tập trung vào học tập và không làm gì tổn hại đến danh dự của nhà trường!". Mai Du quả quyết. Rồi ngày ngày cô lại đến thuyết phục bố mẹ Tân cho con gái đến trường. Cô hứa sẽ quan tâm chăm sóc dạy bảo Tân nhiều hơn nữa để nó mãi mãi là con ngoan, trò giỏi, nó sẽ không bỏ đạo, nó vẫn đi nhà thờ. Nể cô giáo, người đàn bà sùng đạo dần dà cũng nguôi ngoai, yên tâm. Mai Du bảo với hai đứa học trò tội nghiệp: "Tình yêu chân chính quả là có sức mạnh, nó làm cho người ta tốt hơn lên, hữu ích hơn lên. Nhưng, đối với các em thì chưa phải lúc. Hãy biết dừng lại, tập trung vào học cho giỏi". Miễn và Tân lại đến trường. Miễn càng ít nói và Tân càng buồn. Nhưng cả hai dường như đều có ý thức vươn lên kết quả học tập thật cao để khỏi phụ lòng của cô giáo chủ nhiệm.
Mai Du thêm vui vì cô lại nhận thư từ CHDC Đức. Vốn tính hay đùa mà chân thành, Phú viết:
"... Bài thơ CHUYỆN VỀ MỘT CON CHIM của Mai Du có phần thiếu tính hiện thực, nhưng lại tràn đầy lạc quan. Một mũi tên độc "trúng tim con chim nhỏ" nhưng rồi "tim vẫn còn nguyên vẹn (?)" và "chim bay cao cất tiếng hát say sưa! Mừng cuộc sống đang lên tràn ánh sáng!". Ở hoàn cảnh của Mai Du, hẳn ai cũng sẽ làm như thế.
Mai Du thân yêu! Nhận lá thư vừa rồi của Mai Du, mình không cười cũng không khóc, chỉ thấy mình là người chiến thắng mà không cần phải "đấu súng". Bởi đã từ lâu mình vẫn tin rằng mình không thể mất Mai Du được"...
Mai Du đọc lá thư của Phú một lần nữa rồi gấp cẩn thận, bỏ vào phong bì và đánh một cái dấu cộng bằng mực đỏ như đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tình bạn của hai người.
*
* *
Đã mấy hôm rồi không thấy Hy đến lớp, cô Mai Du băn khoăn. Cậu học trò nhỏ của cô vốn chăm chỉ và rất có kỷ luật. Nhà xa trường bốn, năm cây số, cuốc bộ đi về mà không hề bị trễ giờ. Cậu lại có năng khiếu vẽ và tinh thần trách nhiệm cao. Đầu năm ngoái, đi họp trên tỉnh về, cô Mai Du mua cho cậu một hộp thuốc vẽ màu và mấy cái bút lông. Hy hăng hái nhận ngay chân làm báo. Qua mấy đợt thi, tờ báo tường của lớp do Hy phụ trách lúc nào cũng giật giải nhất. Sức hấp dẫn của nó không chỉ là ở chỗ Hy khéo vận động để các bạn viết nhiều bài mà trước hết là ở nét bút cứng cáp mà chân phương, màu sắc thanh nhã, hài hòa. Hy viết giấy xin phép nghỉ học một ngày vì chị ốm. Hôm nay đã sang ngày thứ tư rồi! Hay là chị Hy ốm nặng? Mai Du bước vội trên con đường liên xã gồ ghề, tìm đến nhà cậu học trò mồ côi bố mẹ từ rất sớm. Tất cả việc học hành ăn mặc của Hy trông cậy ở đôi bàn tay bà chị gái hơn Hy ba tuổi, làm thợ dệt cửi bên thôn Trung. Nếu như chị của Hy có mệnh hệ nào...!
Trên chiếc chõng tre cũ kỹ, Hạnh, chị gái Hy nằm đó, thiêm thiếp rên. Hy đang quỳ bên cạnh chị, nài nỉ chị uống một thứ thuốc lá gì đó mà cậu vừa sắc được. Cơn sốt ác tính làm Hạnh đang dần kiệt sức. Mai Du thấy phải đưa Hạnh lên bệnh viện huyện ngay. Cô cử các học trò gái
thay nhau chăm sóc chị của Hy và giao cho Miễn giúp Hy học bài.
"Với 55 đồng bạc lương mỗi tháng, cô không giúp chị em Hy được là bao!" - giờ sinh hoạt, Mai Du tâm sự với cả lớp 9B nỗi băn khoăn ấy. Thì cả lớp bỗng nảy ra sáng kiến: Mỗi người tùy khả n ăng, cùng đóng góp giúp Hy. Đó chính là đề xuất của Phan Trừng, rồi cậu ta rút trong túi ra mấy tờ giấy bạc, bỏ vào một chiếc mũ nan. Các bạn làm theo. Những hôm sau nữa, nào bút, nào giấy, nào vở, nào tiền, ai có gì góp nấy. Bọn con gái đưa mấy thứ học phẩm ra hàng xén, bán lấy tiền cho Hạnh thuốc thang và cho Hy ăn học, dễ còn nhiều hơn tiền lương cô giáo mỗi tháng. Phan Trừng vui mừng, lấn thêm: "Ta có thể vận động quyên góp của toàn trường, cô ạ".