Nhặt Dũng Cảm Lên Ta Làm Lại Ừ thì cô đơn!

Ừ thì cô đơn!
Mười chín tuổi, buồn đến tê lòng khi mối tình đầu ra đi.

Tôi dùng tiền tiết kiệm mua vé tàu lên Sapa. Phố núi đón tôi dịu dàng, dang tay ôm trọn niềm đau và nỗi cô đơn của tôi vào lòng. Đất trời bảng lảng sương trắng, vẳng xa xôi tiếng sáo da diết buồn. Hai lăm tuổi, vượt cả ngàn dặm để theo đuổi và nắm giữ hạnh phúc của mình, tôi có ngờ đâu một buổi sáng nọ giữa năm dài tưởng đâu luôn là hạnh phúc, tôi lại tìm thấy mình trong mớ bùng nhùng có tên gọi “cô đơn”, để rồi sau đó là những tiếng thở dài không dứt.

Mười chín tuổi, tôi tự thấy mình lạc lõng bởi tình yêu (tôi từng cho là) quan trọng nhất của cuộc đời đã rời bỏ tôi mà đi. Hai lăm tuổi, vẫn là cảm giác lạc lõng ấy, nhưng không phải xuất phát từ trạng thái “bị đá” nữa, mà lạ lùng thay, tôi chơ vơ giữa một mối quan hệ hạnh phúc, giữa một cuộc hôn nhân dường như chẳng có gì để thở than, phàn nàn.

Bạn tôi bảo, tuổi tác thường khiến người ta có những cách nghĩ khác nhau về cùng một khái niệm, phạm trù đơn giản trong cuộc sống. Tôi gật gù. Mười chín tuổi, tôi còn quá trẻ để biết cách mỉm cười đối diện với cảnh đổ vỡ. Hai lăm tuổi, những thăng trầm trong cuộc sống chưa nhiều nhưng cũng đủ để tôi học được cách làm lành với chính mình, hệt như cách Elizabeth Gilbert đã “Làm lành với hôn nhân”.

Cách đây không lâu, trong khoảng thời gian chồng tôi đến cơ quan làm việc, tôi ngồi thừ trước tấm gương rộng, hết nhìn ra ngoài cửa sổ lại nhìn chính mình trong gương, rồi tự hỏi: “Sao mình chẳng thể tìm thấy một mối liên quan nào hữu hình giữa mình và những thứ xung quanh mình?”, “Sao mình cứ cảm thấy trống vắng là lạ?”, “Sao Ed không dẫn mình đến bar mỗi cuối tuần?”, “Sao Ed chẳng bao giờ về nhà sớm hơn thường lệ?”... Cứ thế, đến hết buổi chiều, chồng tôi trở về. Tiếng động cơ ô tô nhỏ dần rồi tắt hẳn trong ga-ra, một nụ hôn vào gáy từ phía sau. Tôi vào bếp và nấu nướng. Vợ chồng nói chuyện, như thể những mẩu độc thoại hồi chiều của tôi chưa từng tồn tại. Rất nhiều ngày trôi qua như thế, tôi nhìn ra hàng cây trụi lá trước nhà. “Chắc tại mình đang dần quen với cảm giác này!” – tôi độc thoại – “Nhưng cảm giác này là cảm giác nào mới được chứ? Lạc lõng? Cô đơn? Chán nản?... Gì thế chứ? Mình đang hạnh phúc cơ mà, Ed yêu mình lắm cơ mà...”. Rồi tôi thiếp đi trong tiếng thở đều đều của người nằm bên cạnh. Mùa đông ở Oregon không có tuyết, nhưng trong phòng vẫn cảm giác lạnh lẽo đến gai người.

Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy từ rất sớm. Tôi nướng bánh mì, chuẩn bị bữa sáng cho Ed. Lúc kiễng chân giúp Ed chỉnh lại chiếc cà vạt, tôi nói, “Hôm qua, em đã chính thức dịch xong đống bản thảo phải hoàn thành của tháng này. Em muốn đi đâu đó nghỉ ngơi một chút!”.

“Ừ, để vài ba ngày nữa, anh thu xếp công việc rồi đưa em đi!” – Ed cúi người, hôn lên trán tôi.

“Không cần đâu. Em sẽ tự bắt xe lên Portland rồi bay tới Chicago. Em sẽ bay về vào Chủ nhật” – tôi trình bày kế hoạch của mình, rành mạch và chậm rãi, không trông đợi một sự phản đối hay đồng tình.

Hôm đó là thứ Ba. Và vé máy bay khứ hồi đã được tôi đặt trước, trong đêm.

“Em cảm thấy buồn chán đến thế sao?” – Ed nhìn tôi, mắt anh đột nhiên sâu thăm thẳm như một đại dương.

Tôi gật, và nghĩ anh có thể hiểu và thông cảm cho quyết định này của tôi, sau rất nhiều ngày thấy tôi vật vờ với đống bản thảo cần dịch, với công việc nội trợ, với những người hàng xóm mỗi lần gặp mặt chẳng bao giờ nói với nhau nhiều hơn ba câu.

Chồng tôi không phản đối. Anh chỉ thở dài. Hoặc, đó chỉ là tưởng tượng của tôi.

“Anh sẽ gọi cho em sau, khi em tới nơi” – anh nói trong lúc khởi động ô tô.

Ngoài trời rất nhiều gió, tôi chợt nghĩ, không biết Ed có còn lo lắng tôi bị gió thổi bay mỗi khi ra đường, như những ngày đầu tiên chúng tôi quen nhau không nữa.

Rất nhiều lúc trong cuộc đời này, tôi cảm thấy biết ơn chính mình khi quyết định cưới một người đàn ông Mĩ – một người thương yêu tôi hết mực, và cũng là một người rất “Mĩ”, nghĩa là độc lập, và luôn tôn trọng quyền riêng tư của người khác. Tôi tự hỏi, nếu giây phút ấy anh bảo tôi đừng đi, tôi có chấp nhận ở nhà không. Tôi không biết nữa. Chỉ nhớ, buổi sáng muộn của ngày hôm ấy, tôi đã xách theo chiếc va-li nhỏ và ra khỏi nhà. Đoạn đường từ Salem đến Portland không xa, đống quần áo mang theo cũng không nhiều. Nhưng chẳng hiểu sao chiếc va-li vẫn cứ nặng trịch. Chắc tại nỗi cô đơn...

Chicago là một thành phố phát triển. Song hơn một ngày ở đây lại khiến tôi có cảm giác nó giống hệt phố núi Sapa, nơi tôi đã đến năm mười chín tuổi. Những mảnh đất xa xôi, những con người xa lạ, giọt nước mắt vô tình rơi trên má trong lúc lững thững bước đi trên đường. Chỉ có điều, nếu như Sapa cho tôi cảm giác êm ái và dịu dàng để khóc một trận thật to, thật đã thì Chicago cứ lặng lẽ dõi theo, bỏ mặc tôi trong nỗi cô đơn của mình.

Bỏ đồ đạc vào khách sạn, tôi đến bar nhạc Jazz. Tôi không thích những điều ồn ã, tôi mê đắm những điều nhẹ nhàng. Người đàn ông ngồi bên cạnh hỏi, “Em đi một mình?”. Tôi toan gật, nhưng rồi lại lắc, “Chồng tôi vừa ra ngoài nghe điện”. Nói rồi, tôi đứng dậy ra về. Chẳng hiểu sao lại thấy nhớ Ed nhiều đến thế. Chắc tại nỗi cô đơn.

Ed gọi điện, đưa tôi địa chỉ một quán cà phê nằm bên bờ Tây thành phố. Tôi gọi taxi, thong dong đến nơi. Người phụ nữ lạ mặt đột ngột xuất hiện, ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Lí do rất đơn giản và chẳng có gì để phàn nàn: quán đã kín chỗ. Tôi cắm cúi đọc cuốn sách mang theo, người phụ nữ ấy đọc tin trên iPad.

Một lúc sau, chị ta ngẩng mặt lên và hỏi, “Những lúc cảm thấy cô đơn, chị thường làm gì?”.

Chúa ơi, có phải ai sống trên đất Mĩ đều cảm thấy cô đơn không?

“Tôi không thường cảm thấy cô đơn. Nhưng mỗi lần rơi vào cảm giác tồi tệ ấy, tôi thường đến một mảnh đất xa lạ, nơi chẳng ai biết tôi là ai cả, làm vài điều điên rồ chẳng ai bận tâm, bỏ lại đó những điều chẳng muốn nhắc đến nữa”.

“Tại sao phải đến một nơi xa lạ? Chị không thể làm những điều ấy ở chỗ của mình sao?”.

“Tôi không chắc, có lẽ bởi chưa thử”.

“Sáng nay tỉnh giấc, tôi đột nhiên thấy cô đơn kinh khủng. Ngay cả khi chồng tôi vẫn đang nằm bên cạnh, đặt tay lên bụng tôi dịu dàng”.

“Tôi cũng thế! Tôi đến từ Portland. Chồng tôi rất tốt, anh ấy chẳng làm gì sai cả. Chúng tôi yêu nhau, rất nhiều. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, tôi thấy cô đơn, rất nhiều!” – tôi thở dài. Đó là lần đầu tiên tôi NÓI CHUYỆN với một người Mĩ thực sự, về một điều gì đó không phải là “Xin chào”, “Chị khỏe không?”, “Chúc mọi người một ngày vui vẻ”.

“Đó là lí do chị bay đến đây? Mọi thứ có khác không?”.

“Tôi không chắc. Có lẽ tôi chưa thấy”.

“Những điều chị có thể làm ở đây, chị đều có thể làm ở Oregon. Tôi hoàn toàn chắc chắn về điều đó. Quan trọng là chị có muốn làm điều gì đó để thay đổi không. Như là kéo chồng chị ở nhà thêm một chút vào buổi sáng thứ Hai, thay vì miễn cưỡng để anh ta đi làm và hai vợ chồng sống như trầm cảm cả tuần sau đó. Cuối tuần, hai người có thể đi chơi đâu đó thật xa. Cuộc sống yên bình quá dễ khiến người ta có cảm giác cô đơn. Chị biết đấy! Chúng tôi mới kết hôn được ba năm thôi, nhưng mọi thứ cứ rệu rã. Tôi vừa đọc báo thấy nhiều cặp vợ chồng đi vòng quanh thế giới. Chắc tối nay tôi sẽ đề nghị chồng tôi bán nhà và xe ô tô để bắt đầu vòng quanh thế giới như họ”.

Cuộc nói chuyện giữa tôi và người phụ nữ ấy không kéo dài lâu. Điện thoại tôi rung nhẹ, Ed nhắn tin thông báo tuyết bất ngờ rơi ở Oregon. “Và anh chẳng thích phải ngủ một mình chút nào! Đột nhiên, anh hiểu ra cảm giác của em những lúc ở nhà một mình và chờ đợi anh. Về đi em, anh sẽ đưa em đi chơi, và hứa sẽ không bao giờ để em phải cô đơn nữa...”.

Tôi gọi điện xin đổi chuyến bay ngay sau đó. Bên ngoài cửa sổ máy bay, bầu trời vẫn ảm đạm xám ngắt, nhưng một điều gì đó thật tươi sáng như một hạt mầm mới hé mở trong lòng tôi. Có lẽ, năm hai lăm tuổi, tôi đã không chỉ biết cách làm lành với nỗi cô đơn, mà còn biết kéo người đàn ông của mình cùng rơi vào nỗi cô đơn ấy. Mà hai người, thì chẳng bao giờ là cô đơn cả, đúng không?

Nguồn: truyen8.mobi/t118528-nhat-dung-cam-len-ta-lam-lai-u-thi-co-don.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận