Nhặt Dũng Cảm Lên Ta Làm Lại Máy bay bà già xinh đẹp

Máy bay bà già xinh đẹp
Tháng trước, tôi tham gia khóa học chủ đề “Nền tảng của kinh tế thị trường”, dành riêng cho các nhà báo TRẺ.

Hãy khoan lật trang, bởi những điều dưới đây hoàn toàn không dính líu gì tới “kinh tế” hay “thị trường”! Tôi chỉ muốn nhấn mạnh chữ “TRẺ”. Theo yêu cầu khóa học, tuổi tối đa của ứng viên phải là ba mươi. Nếu “già” hơn, dù tài giỏi đến đâu, thành tích dày cỡ nào cũng bị out. Nên cỡ đầu hai đít chơi vơi như tôi, dẫu tự xưng là trẻ măng, nhưng khi đứng trước đám đàn em kém năm, sáu tuổi, tôi cũng không khỏi “mặc cảm”.

Trong đoàn, có một cậu nhóc kém tôi ba tuổi, từ Sài Gòn bay ra, để cùng chúng tôi khăn gói lên Mộc Châu “sinh hoạt và học tập” bốn ngày. Chàng có giọng nói trầm ấm và tiếng hát hay quên sầu. Hoặc cũng có thể, chàng trai nào đến từ mảnh đất ấy đều như vậy, nhưng do các “bà cô già” trong đoàn “hám của lạ” nên cứ nhiệt tình xán vô. Nào là em cười cũng thấy duyên, nào là ít nói cũng có vẻ lạnh lùng của ít nói, ngồi ăn cũng dành chỗ cho “hotboy”, chụp ảnh nhất định phải làm dáng với chàng “người yêu trẻ tuổi”. Lắm phen tôi thấy cậu nhóc ngượng ngùng, nhưng của đáng tội, người đâu mà dễ thương và ngoan quá thể. Lũ chúng tôi chỉ còn nước nửa đùa nửa thật mà giành nhau anh chàng này.

Ngày kết thúc khóa học, cậu nhóc đứng lên phát biểu đủ thứ trên đời. Nhưng bộ nhớ của tôi chỉ còn lọc lại: “Tham gia khóa học này, ngoài kiến thức hiện đại và có tính ứng dụng cao, em còn có cơ hội phát hiện ra rằng ngoài Bắc có rất nhiều máy bay chất lượng cao ạ!”. Cả đoàn vỗ tay rần rần. Nói “máy bay” nghĩa là giữa chúng tôi có những khoảng cách lớn, là khoảng cách giữa phi công trẻ và máy bay... bà già. Nhưng có hề gì, chúng tôi là máy bay chất lượng cao cơ mà!

Nói đến chuyện phi công trẻ - máy bay già, tôi nhớ cô bạn thân học cùng lớp hồi cấp ba. Hồi ấy, chúng tôi học chuyên Văn, nàng lại rất thân với vài chàng lớp Toán, nhưng các chàng học dưới chúng tôi một khóa. Những ngày rảnh rỗi, tôi hay thấy nàng “mở lớp” dạy Ngữ văn và tiếng Anh cho mấy đàn em đó. Thảng hoặc, tôi còn ghen tị với chúng vì cô nàng nhất định hủy cuộc hẹn đi ăn với tôi chỉ vì ngày mai bọn chúng có bài kiểm tra và cần được ôn tập thêm lần nữa. Những tưởng câu chuyện chỉ dừng lại ở sự quan tâm và thân thiết từa tựa mức... chị em một nhà. Nào ngờ, khi chúng tôi đang học năm hai, còn các “hoàng tử bé” bắt đầu trở thành sinh viên, nàng và một trong số những hoàng tử ấy “nên duyên”. Họ công khai hẹn hò trước bàn dân thiên hạ. Chàng cao ráo, ra dáng chín chắn lắm. Còn cô bạn tôi thì trẻ con và rất vô tư. Ấy thế mà chẳng bao lâu, chuyện tình của họ chấm dứt. Lí do rất nhạt, vốn là trước đây, để che giấu “thân phận”, chàng và nàng chỉ dám đánh tiếng bằng ánh mắt và một vài tin nhắn hỏi thăm, bày tỏ cảm tình, xưng hô thì nhất mực là chị - em. Tới khi hẹn hò, chàng nàng vẫn không sao bỏ được cách xưng hô đó, dù đã cố. Thành ra, tình cảm dẫu đậm sâu nhưng biểu hiện vẫn gượng gạo. Gồng mãi không nổi, thế là chia tay. Đợt ấy tôi bảo bạn khờ, ai cấm chi mà phải giấu. Ngay từ đầu cứ xưng bằng tên thì đã chết ai.

Rồi chính tôi cũng không ngờ được là năm thứ hai đại học, tôi lại cảm nắng và đổ đứ đừ một cậu bạn cùng lớp. Cậu ta đi học đúng tuổi, nghĩa là kém tôi một năm. Hồi đó, tôi thi đại học lần hai mới đỗ. Khi tôi và chàng đi bên nhau, ai cũng nghĩ tôi còn kém tuổi chàng. Biết rõ lợi thế bản thân, hồi mới nhập học, tôi đã chủ động xưng “tớ” với hội cùng lớp thay vì để cả lũ tấn công tôi bằng chữ “chị”. Tôi chắc mẩm mình có thể tránh được sai lầm xưng hô của bạn tôi.

Yêu một chàng trẻ, nghĩa là tôi phải trẻ hơn. Con gái bằng tuổi trông đã trưởng thành hơn con trai, huống chi tôi còn hơn tuổi chàng. Thế là “công cuộc hồi xuân” của tôi chính thức bắt đầu. Tôi ăn mặc xì tin, tôi trang điểm sáng rực rỡ, tôi học vài từ lóng, bông đùa mà chàng và bạn chàng hay dùng. Càng cố thu hẹp “khoảng cách tuổi tác” thì tôi càng cảm giác rõ ràng khoảng cách của... một năm tuổi. Tôi cố gắng quá trời để rồi kết quả là cuối cùng chúng tôi đường ai nấy đi.

Chàng bảo, chàng không còn nhận ra tôi nữa, tưởng như đang yêu một cô nhóc hơn là một cô gái đã ngoài hai mươi tuổi. Tôi thảng thốt, có phải tôi đã thay đổi quá đà không? Tôi biết mình đã sai khi cố biến bản thân thành người khác, kẻ hoàn toàn xa lạ với chàng. Kẻ mà ngay cả tôi cũng thấy vất vả để sắm vai.

Trở lại ba chữ “chất lượng cao” mà chàng phi công trẻ đến từ Sài Gòn của chúng tôi đã nói. Tôi không nghĩ “chất lượng cao” là phẩm chất gì đó xa xôi, vì chúng tôi không là ai khác ngoài chính chúng tôi, khi ở bên chàng.

Thực ra phụ nữ khi yêu, dù yêu ai, tầm tuổi nào, đều trẻ ra đến vài tuổi và tin rằng đất trời này chỉ thuộc về riêng họ. Vậy thì tại sao phải “xoắn”? Ông nội tôi kém bà nội hai tuổi. Và đã hơn năm mươi năm trôi qua kể từ ngày cưới, hai người vẫn sống hạnh phúc. Rất nhiều chàng phi công trẻ đã “lái” chiếc máy bay bà già yêu quý của mình nhiều thập kỉ trong hạnh phúc.

Một chàng phi công trẻ tôi biết đã viết hồi kí blog về mối lương duyên của chàng với cô nàng máy bay bà già xinh đẹp của mình. “Khi anh được mẹ sinh ra tại bệnh viện phụ sản vào khoảng ba giờ chiều, thì em đang ăn quà chiều ở trường mẫu giáo cách đó hai cây số. Riêng chuyện đó thôi, anh đã nghĩ chúng ta thật là có duyên với nhau... Nếu đã yêu anh, thì em chấp làm gì chuyện em đã đến sớm hơn anh bốn năm trong cuộc đời này (Nếu là anh, thì anh sẽ không than phiền đâu). Anh hứa sẽ đợi em trang điểm cả đời để bù lại, thế là được chứ gì...”.

Phải rồi, nếu đã yêu, thì quan trọng chi những ngày ta đến trước trong đời và chờ đợi...

Nguồn: truyen8.mobi/t118531-nhat-dung-cam-len-ta-lam-lai-may-bay-ba-gia-xinh-dep.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận