Tương Lai Xán Lạn Chương 27


Chương 27
1975 Phong bì trắng

Họ lấy hành lý và đi qua cửa hải quan. Họ vừa bước chân ra khỏi sân bay thì Elena đã tự tin bắt chuyện với người Ý bằng một thứ tiếng Rumani và Ý pha trộn mà bà tự sáng tạo ra để hỏi đường tới trạm xe buýt vào trung tâm thành phố. Khi họ xuống xe sau một tiếng rưỡi đồng hồ, bà tra cứu chiếc bản đồ mang từ Haïfa và dẫn đường cho Jacob và Alexandru qua những đường phố trung tâm. Họ tới Văn phòng Trợ giúp dân nhập cư Do Thái mà Dorin đã cho địa chỉ và cung cấp tên họ cho một nữ nhân viên tiếp đón. Cô mời họ vào một căn phòng trang trí bằng những chậu cây trồng và tranh khắc cổ mô tả những di tích lịch sử La Mã, và được trang bị những chiếc trường kỉ hiện đại xung quanh một cái bàn thấp đầy tạp chí có bìa bóng loáng. Hai giờ. Họ nghe thấy tiếng người đi ra, tiếng sập cửa, và những tiếng "Xin chào! Hẹn gặp lại! Ciao! A presto!" ầm ĩ vang vọng trong những căn phòng trần cao. Alexandru đói lả. May là sáng nay Elena đã kịp chuẩn bị bánh mì dẹt (pita) phết hummus(1) và mang theo vài quả cam trước khi rời khỏi nhà. Bà không thể ăn được gì, nhưng bà phải có cái cho chồng con ăn.

Bốn mươi lăm phút sau, người ta gọi họ vào một căn phòng. Elena lấy làm mừng khi gặp một người phụ nữ: bà ta có thể thông cảm hơn với nỗi lo âu của một người mẹ. Bà ta có mái tóc ngắn vàng và cặp kính tròn, với dáng vẻ Đức nhiều hơn Ý, hỏi họ bằng tiếng Anh những câu hỏi đã được dự kiến trước: Vì sao họ lại di cư sang Ixraen? Vì sao bây giờ họ lại muốn di cư sang Mỹ? Họ có quan hệ nào bên Mỹ hay không?

- Vợ ông không phải người Do Thái chứ? Bà ta hỏi Jacob.

Đó là câu hỏi đáng lo ngại duy nhất. Câu trả lời thật đơn giản: họ rời Ixraen vì Elena không phải người Do Thái. Tốt hơn hết là không nên nhấn mạnh vào điểm này, vì họ đang nói với Văn phòng Trợ giúp dân nhập cư Do Thái. Người đàn bà mời họ trở lại phòng chờ trong khi người ta xem xét trường hợp của họ. Elena ra ngoài hút một điếu thuốc. Bà châm một điếu nữa bằng mẩu thuốc lá còn đang cháy của điếu thứ nhất, rồi một điếu thứ ba. Một tiếng sau, họ được gọi vào một phòng khác, và được đón tiếp bởi một thanh niên có mái tóc đen và đeo một chiếc cà vạt có tông màu tinh tế. Anh ta không mời họ ngồi.

- Xin lỗi, - anh ta nói bằng tiếng Anh với một giọng nói đặc Ý - Chúng tôi không giúp gì được.

Elena và Jacob lặng lẽ nhìn anh. Anh ta đưa mắt nhìn đồng hồ như thể sắp có một cuộc hẹn quan trọng.

- Chúng tôi nên làm gì bây giờ? Jacob hỏi.

- Các vị có thể thử đến Ủy ban cứu trợ quốc tế. Cơ quan họ cách đây không xa. Các vị có bản đồ không? Đây, nó ở


chỗ này.

Anh ta đánh dấu chữ thập vào bản đồ của Elena và tiễn họ ra cửa.

Ra tới ngoài, họ không nói với nhau một lời. Miệng Elena khô ran. Một nếp nhăn hằn sâu giữa đôi mắt bà. Bà rùng mình. Ở đây lạnh hơn rất nhiều so với Haïfa. Bỗng chốc, bà không còn chút sinh khí nào. Jacob xem bản đồ dẫn đường tới Ủy ban cứu trợ quốc tế, chỉ mất mười phút đi bộ. Alexandru theo sau. Họ bước vào một căn phòng nơi nhiều người đang ngồi chờ. Một người đàn ông và một người đàn bà quay đầu về phía họ rồi lại tiếp tục thì thầm với nhau bằng tiếng Nga. Ba cô bé tóc bím người da đen ngồi cạnh cha trên cái trường kỉ cũ ngẩng đầu lên. Elena ngồi xuống một chiếc ghế gỗ, giữa Jacob và Alexandru. Em trai của các cô bé, ngồi trên đùi mẹ, nhìn bà chằm chằm mà không đáp lại nụ cười của bà. Một cơn ho sặc sụa làm cơ thể yếu đuối của nó rung lên bần bật. Cậu bé có vẻ như đang sốt. Chỗ của nó đáng lẽ phải là phòng chờ của bệnh viện. Cha nó được gọi, ông ra khỏi phòng chờ và sớm quay trở lại với một tờ giấy trong tay. Cả gia đình ra về, người cha, ba đứa con gái, bà mẹ và đứa bé bị ốm. Tiếp theo là những người Nga, và cuối cùng cũng đến lượt họ.

- Xin lỗi, nhưng chúng tôi không thể bảo trợ quý vị được, - người Ý đầu hói, mặc bộ trang phục bằng vải lanh trắng nhàu nhĩ nói, ngay sau khi họ ngồi xuống.

- Tại sao? Elena kêu lên.

- Chúng tôi hiện nay đang rất bận với những gia đình Uganda. Các vị đến từ Ixraen. Các vị có người thân và công ăn việc làm ở đó. Trường hợp của các vị không khẩn cấp. Vì sao các vị không tìm tới Văn phòng Trợ giúp dân nhập cư Do Thái? Cách đây không xa lắm đâu.

- Chúng tôi từ đó đến, - Jacob trả lời - Chính họ đã bảo chúng tôi tới đây.

Người đàn ông nhíu mày.

- Tôi hiểu.

- Tôi không phải người Do Thái, Elena giải thích. Tôi cầu xin ông, hãy giúp chúng tôi!

Giọng bà khàn đi. Người đàn ông liếc nhìn Alexandru đang ngồi im lặng đằng sau mẹ. Ông thở dài.

- Tôi sẽ xem liệu mình có thể làm được gì không. Tôi không hứa hẹn bất cứ điều gì. Trong khi chờ đợi, các vị có thể tới chỗ này. - Ông trao cho họ một tờ giấy có in một địa chỉ.
- Đó là một tổ chức công giáo sẽ cho các vị ở trọ trong lúc
ở Rôma.

Sau một tiếng ngồi trên phương tiện giao thông công cộng, họ đã tới địa chỉ mà ông người Ý giới thiệu. Màn đêm đã buông xuống. Mặc dù trời tối, Elena vẫn nhận ra rằng họ đã sang một khu phố nghèo hơn. Những tòa nhà mặt tiền đen sạm có vẻ cũ kỹ và được bảo quản kém; khi họ bước xuống xe buýt, mùi hôi thối làm họ phải nhăn mặt: những túi rác bị thủng làm vương vãi rác khắp vỉa hè. Ông người Ý đã nhắc đến một cái “palazzo/tòa nhà” nhưng bà thấy hình như tòa nhà của Tổ chức cứu trợ công giáo cũng có vẻ tồi tàn như những tòa nhà khác. Họ cung cấp tên, điền một mẫu khai, trình hộ chiếu, và bước vào một đại sảnh rộng rãi kê san sát hàng chục dãy giường tầng bằng kim loại, tất cả được nối lại với nhau. Có vô số người giao tiếp bằng ngôn ngữ khác nhau và thậm chí đang chơi nhạc, vô số đứa trẻ hò hét, đến mức không thể nào mà nghe lẫn nhau trong không khí huyên náo này. Elena chưa bao giờ nhìn thấy nơi nào khốn khổ đến như vậy. Bà khuyên Alexandru và Jacob không sử dụng những chiếc chăn len màu ghi mà người ta đưa, chúng có lẽ không được giặt giũ thường xuyên. Nhưng trời lúc ấy lạnh và họ chỉ mang theo những chiếc áo khoác mỏng, đinh ninh rằng ở Rôma đang là mùa xuân. Alexandru nằm xuống và ngủ ngay tức thì. Jacob cũng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Cả đêm Elena trở mình trên tấm đệm mỏng, nghe tiếng lách cách của giường, tiếng cọt kẹt của lò xo, tiếng ho hắng, tiếng cười, tiếng khóc và tiếng thì thầm của những con người tội nghiệp cùng chia sẻ niềm hi vọng với họ.

Bà tỉnh dậy với một cơn đau đầu ghê gớm. Một cặp người Nga - một thầy giáo dạy toán và một nha sĩ ngủ phía trên họ đã đưa cho Alexandru một miếng bánh mì nâu - nói với họ về một ngôi nhà gần Stazione Termini, nơi có thể thuê phòng với giá phải chăng. Họ ra đi cùng hành lý và bắt xe buýt. Xung quanh nhà ga, một số người có hành vi mờ ám bắt chuyện với họ và hỏi họ có cần tìm khách sạn không. Elena rảo bước, đinh ninh đó là dân Digan và đang tìm cách ăn cắp vali của họ. Jacob đã nghĩ ra cách trả lời rằng họ đến từ Rumani, và những người đó biến mất. Alexandru và Jacob phá lên cười, nhưng Elena không thấy khôi hài khi chỉ riêng tên Rumani cũng đủ khiến bọn trộm bỏ chạy. Sau nhiều đêm không ngủ, bà cảm thấy mệt bã người. Cuối cùng thì họ cũng tới trước tòa nhà mà họ tìm, nơi có một tấm biển trên tường với hàng chữ “Quán trọ trên lầu. Tầng bốn/ Pensione Belvedere. Quarto piano.” Vải vóc và quần áo được phơi trên các sợi dây chăng giữa những ban công ở ngay trên đầu họ, che lấp cả bầu trời. Họ đi lên tầng bốn bằng một chiếc cầu thang đá xám, và bấm chuông. Một bà già trang điểm quá mức ra mở cửa cho họ.

- Một phòng ba người phải không?/Una camera per tre?, bà ta hỏi.

Bà dẫn họ vào một căn phòng chỉ đủ chỗ cho ba chiếc giường, hai chiếc ở hai bên bàn ngủ và chiếc thứ ba đặt vuông góc. Căn phòng nặng mùi thuốc lá, và cửa sổ trông ra một bức tường. Không có tủ quần áo cũng chẳng có tủ cô-mốt. Họ rất may mắn, người đàn bà cho thuê phòng nói: đó là căn phòng cuối cùng của bà. Họ thuê ngay lập tức bằng cách trả tiền phòng cho trọn một tuần. Bà lão cho họ xem phòng tắm và nhà bếp mà họ sẽ phải dùng chung với bảy gia đình khác, và chỉ cho họ nơi có một cái chợ cách đó một vài phố. Họ để vali trong phòng và đi tới đó, đã cảm thấy yên tâm hơn khi bây giờ trong túi xách của Elena đã có chiếc chìa khóa phòng của họ. Vỉa hè hẹp đến mức họ phải đi hàng một sát một bức tường màu xám xen lẫn vàng cam. Mười một giờ sáng, thành phố vô cùng náo nhiệt. Những chiếc xe đạp máy phành phạch vút qua. Những người lái xe ô tô nguyền rủa nhau qua cửa xe hạ kính. Một chiếc Vespa sượt qua Alexandru khi nó đang thích thú đi thăng bằng trên mép vỉa hè. Elena kêu lên và kéo con lùi vào phía bức tường. Tới chợ, họ mua bánh mì và gan bê, loại thịt rẻ nhất, Elena rán chúng trong chảo ngay khi họ về. Alexandru nhăn mặt khi nuốt miếng đầu tiên. Mẹ nó cau mày. - Gan bê có rất nhiều chất sắt và protein, Alexandru à. Jacob, anh bảo con đi!

Thay vì nghe theo lời chồng nài nỉ bà đi ngả lưng sau khi ăn trưa, bà dành nhiều giờ để cọ rửa từng cái xoong, từng cái đĩa, từng cái dao dĩa,, và cái quầy bằng foocmica ở bếp mà sờ đâu bà cũng thấy nhơm nhớp. Sau đó bà kiệt sức và lập tức ngủ thiếp đi. Khi bà tỉnh dậy, trời đã tối. Jacob và Alexandru đang ngủ. Bà cảm thấy buồn nôn và nhức đầu dữ dội. Nhưng rồi bà cũng ngủ tiếp.

Một cơn đau bụng đánh thức bà dậy giữa đêm. Bà chạy vội vào nhà vệ sinh. Phòng tắm đã có người. Bà gập người lại, đứng đợi sau cánh cửa đóng. Cơn đau dữ dội đến mức khắp mình mẩy và mặt bà đầm đìa mồ hôi. Bà run lên vì sốt. Liệu có phải là họ đã ăn phải thịt ôi không? Nó rất có thể gây chết người. Nhưng Jacob và Alexandru đang ngủ rất ngon mặc dù họ đã ăn nhiều hơn. Bà cảm thấy như có cái gì đó âm ấm chảy dọc theo đùi. Máu. Bà giương mắt nhìn. Bà đã không có kinh nguyệt từ hơn ba tháng, và cho rằng mãn kinh sớm là nguyên nhân của sự rối loạn ấy. Bà đã phản ứng kịp thời: bà đã không lường trước được và cũng không thể nào làm bẩn đệm. Đêm nay, bà sẽ phải dùng tới khăn tắm. Đứng trong hành lang, bà kẹp chặt đùi để máu không chảy ra sàn, không dám gõ cửa báo cho người đang ở trong đó biết bà đang đợi. Bà chợt nhớ lại lần chờ đợi trước cửa phòng tắm trên phố Ion Prokopiu, mười ba năm trước, khi bà bị vỡ ối. Cánh cửa cuối cùng cũng mở và hiện ra một gã đàn ông to lớn cởi trần giật mình khi nhìn thấy bà và làu bàu gì đó bằng tiếng Nga. Bà lao vào và ngồi xuống bệ xí. Máu tuôn xối xả ngập bồn. Bà chưa bao giờ bị kinh nguyệt ra nhiều và gây đau đớn như thế. Giống như bị xuất huyết vậy.

Cụm từ đó khiến bà chợt hiểu. Không phải kinh nguyệt! Tất cả những triệu chứng bỗng lần lượt hiện về trong đầu bà như những miếng xếp hình đã được đặt vào đúng chỗ: mất kinh ba tháng, mệt mỏi, buồn nôn, tính khí thất thường, đôi vú cương lên. Bà đã có thai. Có thai vào tuổi ba mươi chín, mười ba năm sau khi sinh Alexandru! Bây giờ mà đẻ một đứa bé thì dạy dỗ thế nào nhỉ? Thật may mắn khi cơ thể bà đã trút bỏ nó! Bà chóng mặt kinh khủng, đến nỗi, ngay cả khi ngồi, vẫn thấy chao đảo như muốn lộn về phía sau. Bà nhắm mắt lại.

Khi mở mắt ra, bà không hiểu mình đang ở đâu. Bà đang nằm dưới đất, trên sàn gạch hoa lạnh lẽo của một phòng tắm, trước cái bồn vệ sinh. Bà thấy máu trên sàn, và nhớ lại. Bà đã ngất đi. Bao nhiêu lâu nhỉ? Bà hốt hoảng nghĩ rằng một trong những khách trọ có thể nhìn thấy bà nằm dưới sàn trong bộ đồ ngủ nhuốm đỏ máu. Nếu bà chủ trọ gọi xe cấp cứu cho bà nhập viện, họ sẽ lại rơi vào vòng quản lý của chính quyền, nghĩa là sẽ phải quay về Tel-Aviv trong năm ngày nữa. Bà nhìn quanh, và thấy cái khăn lau đằng sau bồn. Bà với tay cầm lấy, mở vòi nước của bồn tắm, và quỳ xuống lau sàn. Bà đã đỡ chảy máu nhưng răng va vào nhau cầm cập và đầu đau như búa bổ. Bà giật nước, xả nước lạnh giũ khăn lau rồi vắt kiệt. Những tia nước đỏ, rồi hồng, rồi càng ngày càng nhạt dần bắn lên thành bồn tắm. Bà loạng choạng quay về phòng, Alexandru và Jacob vẫn đang ngủ say, bà cởi cái áo sơ mi bẩn ra rồi đem giấu dưới giường, mặc một chiếc áo phông của con trai và lên giường ngủ tiếp.

Sáng ra, bà bị mê sảng. Má bà đỏ bừng, cái áo phông thấm nước mát mà Jacob đặt trên trán bà hầu như không làm dịu được là bao. Da môi của bà bị nứt nẻ vì quá khô. Bà nói mê và rên rỉ trong giấc ngủ. Sáu giờ tối, bà ngồi trên giường, nhìn Jacob, gọi ông là bà ngoại và đòi ăn món mì phó mát / koltunach. Bà không còn nhớ mình có một đứa con trai. Bà không nhìn thấy bà bác sĩ tới khám bệnh và tiêm cho bà vào lúc mười giờ tối - Jacob đã gọi bác sĩ sau khi Alexandru lấy trong túi xách tay của mẹ bức thư của Dorin có ghi số điện thoại của một phụ nữ trẻ Rumani đến từ Bucarest có chồng người Ý và đang làm việc tại một bệnh viện ở Rôma. Chính cô là người làm cho Jacob biết tình trạng của vợ ông bằng cách hỏi bà có thai từ khi nào. Cô nói với ông là do Elena kiệt sức nên mới bị sốt virút chứ không liên quan trực tiếp tới vụ sảy thai và có vẻ như đã qua khỏi rồi. Khi Elena mở mắt vào hai ngày sau đó, Jacob đang ngồi trên đầu giường. Đã hết sốt, nhưng bà chưa bao giờ cảm thấy yếu ớt như vậy. Bà bảo con trai đi mua bánh mì. Alexandru vừa ra khỏi phòng thì bà bật khóc. Ông cầm lấy tay bà.

- Em đã muốn có đứa bé này phải không, Lenoush? Ông dịu dàng hỏi.

- Ôi không! Chúng ta đã già quá rồi! Nhưng anh phải tha thứ cho em, Jacob.

- Tha thứ về chuyện gì?

- Lẽ ra chúng ta không nên đi!

- Đừng lo. Chúng ta có thể quay trở lại Ixraen bất cứ lúc nào chúng ta muốn. Và anh cũng muốn khám phá đất nước Ý, ông tươi cười nói thêm.

- Không, lẽ ra ta đã không nên rời khỏi Rumani!

- Lenoush! Em không nên nghĩ thế!

Nhưng bà đã nghĩ như vậy. Trên đời này không còn chỗ cho con trai, chồng và chính bản thân bà, cũng như cho cái thai nhi mà bà đã trút bỏ đêm đó trong bồn nhà vệ sinh.

Ngày hôm sau, bà đã có thể ra khỏi nhà. Họ quay lại Ủy ban cứu trợ quốc tế. “Chẳng có gì mới cả”, nhân viên tiếp đón nói với họ sau một cuộc điện thoại ngắn lên tầng trên.

Ngay ngày hôm sau, khi thị thực của họ hết hạn, có người gõ cửa phòng họ. Elena ra mở cửa và thấy một cảnh sát. Tim bà thắt lại.

- Tôi có thể xem giấy tờ của các vị không, signora?

Bà vội vàng rút ba chiếc hộ chiếu của họ ra từ túi xách tay. Người cảnh sát /carabiniere hiển nhiên đã được báo trước bởi bà chủ trọ, hỏi vì sao họ vẫn còn ở Rôma.

“Chúng tôi là tị nạn chính trị”, Elena vừa toát mồ hôi vừa nói, mặc dù người đàn ông hỏi bà một cách lịch sự và không có vẻ ác ý.

Ông nói với họ rằng họ cần phải trình với Sở cảnh sát một giấy chứng nhận của Ủy ban cứu trợ quốc tế thì mới có thể được kéo dài thị thực. Elena nghĩ mình đã nói dối người carabiniere, nhưng một giờ sau, tại Ủy ban, họ phát hiện ra họ có tên trong danh sách được nhận giấy chứng nhận. Sau khi được cấp giấy, họ tới Sở cảnh sát gần Roma Termini và hộ chiếu của họ đã được đóng dấu. Họ đã chính thức trở thành những người tị nạn chính trị.

Trong khi họ đang đi dạo trên phố Veneto vào một ngày mà những cửa hàng lịch lãm kê bàn ở bên ngoài để mời người qua đường rượu sâmpanh và sôcôla nhân dịp lễ Phục sinh, thì một người đàn ông mặc bộ complê cài chéo màu xám đậm với những đường kẻ xám nhạt tinh tế cười với Elena và tặng bà một bông hoa hồng, với một lời khen ngợi bằng tiếng Ý, bà đã hiểu ra hai từ “phụ nữ kiều diễm/ bella donna” và “mùa xuân/ primavera”. Bà đỏ mặt và cảm ơn. Bà mặc một chiếc áo phông nilông xanh với váy loe mang đi từ Bucarest, sạch sẽ vì bà đã giặt nó hai ngày một lần; nhưng bà nhận thấy thời trang được ưa chuộng ở Rôma là những chiếc váy thẳng, ngắn và không có tay. Những chiếc áo sơ mi chưa là của Jacob và Alexandru trông có vẻ cũ kĩ. Bà nhìn chính mình và chồng con qua con mắt ông người Ý lịch lãm, tinh tế ấy. Những con người đáng thương xách túi giấy chất đầy bánh mỳ tròn xinh, những người tị nạn chính trị để lộ nguồn gốc Đông Âu bởi giày dép, quần áo và kiểu tóc của họ. Người đàn ông đó đã tặng bà bông hồng vì cảm thấy thương hại bà mà thôi.

Tối đó, khi họ về tới nhà, căn phòng đã bị bới tung, những cái đệm lật ngược lại, vali bị rạch và đồ đạc ít ỏi của họ bừa bãi trên sàn, những cái quần lót và xu chiêng của bà bị phơi bày rất chướng.

- Vì sao? Vì sao? Elena hét lên.

Bà không thể nói gì thêm nữa. Máy ảnh của Alexandru đã biến mất: chẳng còn gì khác để lấy. Kẻ trộm có vẻ như đã trèo vào từ cửa sổ mà họ đã để hé mở. Bà chủ trọ nói một cách bình thản với họ rằng những chuyện như vậy xảy ra như cơm bữa bởi ở Rôma rất nhiều kẻ cắp / ladri, và chắc họ đã bị lầm tưởng là những người Nga gốc Do Thái di cư cùng vàng bạc, trang sức. Họ không gọi cảnh sát. Hà cớ gì thu hút sự chú ý vào họ? Và có ai quan tâm đến những người tị nạn đến từ Rumani chứ?

    Một vài ngày sau, sau khi quay về từ một chuyến đi nhà thờ Saint-Pierre và nhà nguyện Sixtine, họ nhận được một lá thư của Doru thông báo với họ về cái chết của Voicu. Ông già vốn đã ốm rất nặng khi họ ra đi nên dù tin này không hoàn toàn làm họ ngạc nhiên vẫn khiến họ sốc. Ông mất đi trong giấc ngủ, Doru viết cho họ: Còn có cái chết nào đáng mong ước hơn nữa? Lá thư không hề có lời trách ngầm nào đối với Jacob khi ông vắng mặt trong thời điểm như vậy. Doru chỉ viết rằng họ nhớ Jacob, Elena và Alexandru. Zeruya rất hay hỏi về người anh họ và phòng xét nghiệm của bệnh viện vẫn đang chờ Elena đến làm nếu họ quyết định quay về. Họ lặng lẽ thay nhau đọc lá thư. Alexandru tới gần cha. Elena ngước lên và bắt gặp ánh mắt Jacob. Bà nghĩ tới cái ngày tháng Tám năm 1958 lúc họ ở công viên Cismigiu. Ông đã không chôn cất mẹ, cũng chẳng chôn cất cha. Elena nghĩ tới bà ngoại mình, nghĩ tới ngày đi bà đã ôm cơ thể nhỏ nhắn, tròn và chắc nịch vào lòng và hứa rằng sẽ đón cụ sang Mỹ ngay khi bà yên ổn bên ấy, và rồi chắc hẳn trước khi gặp lại cụ, bà sẽ nhận được tin cụ mất trong một lá thư tương tự. Bà nghĩ tới cục máu thoát ra từ người bà ba tuần trước, hình như là kết tinh của những hi vọng tiêu tan của họ.

- Anh có nghĩ chúng ta nên bỏ cuộc không, Jacob? Bà nhẹ nhàng hỏi.

Ông giật mình.

- Chúng ta vẫn còn đủ để cầm cự thêm một tuần nữa, Lenoush. Dù sao thì bây giờ cũng quá muộn để dự đám
tang cha.

Buổi sáng hôm sau, bà thức dậy, bình tĩnh và mạnh mẽ, như thể màn đêm đã xua tan hết những băn khoăn trong lòng bà. Jacob có lý. Bà không được phép chịu thua. Nếu cần phải quay về Ixraen, họ sẽ ngẩng cao đầu mà về. Và sau này, họ sẽ lại tìm cách ra đi. Trong lúc chờ đợi, họ phải khám phá Rôma, nơi mà họ có lẽ sẽ không bao giờ quay lại.

Trên đường đến biệt thự Borghèse, họ dừng lại tại Ủy ban cứu trợ quốc tế. Nhân viên tiếp đón cười với họ một cách thân thiện và bấm máy gọi như thường lệ. Ngạc nhiên thay, người nhân viên yêu cầu họ chờ một lát. Họ ngồi trong phòng chờ, rất sợ quá hi vọng rồi sẽ thất vọng ê chề. Trong chốc lát, người ta gọi họ vào phòng của ông người Ý đầu hói, không còn mặc bộ trang phục bằng vải lanh trắng nữa mà là một bộ màu vàng nhạt. Ông niềm nở tiếp họ. Trên bàn ông có một cái phong bì lớn màu trắng. Ông cầm lấy nó.

- Tôi có việc này muốn nhờ quý vị, - ông nói với Jacob - Hãy cầm thư này đến Văn phòng Trợ giúp dân nhập cư Do Thái.

Jacob chìa tay ra.

- Cách đây một tháng, tôi đã thay mặt quý vị viết thư cho Hội đón tiếp những người Mỹ mới tại New York, - người đàn ông Ý nói tiếp - Tôi đã nhận được hồi âm của họ hôm qua. Vì đối tác của họ ở Rôma là Văn phòng Trợ giúp dân nhập cư Do Thái, nên Văn phòng có trách nhiệm mở thư này ra và truyền đạt nội dung của nó cho quý vị. Chúc quý vị may mắn!

Ông ấy đã đọc lá thư ấy chưa? Liệu có phải ông ấy cảm thấy tàn nhẫn khi phải tự mình thông báo cho họ lời từ chối vĩnh viễn, và muốn đẩy việc này cho người khác? Họ không dám hỏi. Họ cảm ơn và đứng dậy bắt tay ông, rồi lặng lẽ rời khỏi tòa nhà. Alexandru cũng chẳng nói gì. Elena cầm trong tay chiếc phong bì trắng định đoạt số mệnh của họ. Một viên chức xa lạ trong một thành phố xa lạ tại Mỹ, đối với anh ta, họ chẳng khác gì một trong số hàng nghìn trường hợp đã bị ghi vào đó những từ mà tùy trường hợp sẽ quay về Ixraen hoặc bay sang Mỹ. Và câu trả lời của anh ta phụ thuộc vào những nhân tố chẳng hề liên quan tới họ: tâm trạng của anh ta và thời tiết ngày hôm đó, những gì anh ta đã ăn vào bữa trưa, quan hệ của anh ta với chủ, cuộc sống gia đình anh ta, trường hợp anh ta vừa giải quyết ngay trước đó. Nó võ đoán đến mức Elena bỗng thấy mình như một con rối mà những sợi dây được điểu khiển bởi một đứa trẻ tính khí thất thường với những ngón tay vụng về.

Jacob dẫn họ đến Văn phòng Trợ giúp dân nhập cư Do Thái, theo con đường họ đã từng đi lúc mới đến Rôma cách đây một tháng, nhưng theo chiều ngược lại. Họ bước vào tòa nhà. Cô nhân viên tiếp đón yêu cầu bà đưa chiếc phong bì nhưng Elena không chịu.

- Chúng tôi phải giao nó tận tay.

Họ lặng lẽ ngồi chờ một tiếng. Alexandru đọc cuốn tiểu thuyết của Jules Verne bằng tiếng Rumani. Nhân viên tiếp đón xuất hiện ở cửa và yêu cầu Jacob đi theo cô. Mỗi mình Jacob, có lẽ để trả thù Elena khi bà đã không chịu đưa chiếc phong bì, cứ như họ muốn chứng tỏ rằng đàn ông mới được coi trọng, chứ không phải đàn bà. Jacob đi mất, với phong bì trên tay. Mười lăm phút sau, cô nhân viên quay lại đón Elena và Alexandru. Họ đi theo cô vào một căn phòng trên tầng một nơi Jacob đang ngồi trên cái ghế bành và quay lại nhìn họ, nụ cười nở trên môi. Người đàn ông ngồi sau bàn làm việc mà họ chưa từng gặp, bắt tay Elena.

- Chúc mừng bà/ signora. Hội đón tiếp những người Mỹ mới tại New York nhận bảo trợ cho quý vị.

Alexandru sung sướng cười với mẹ. Bà ngồi xuống cạnh Jacob và lắng nghe người đàn ông Ý giải thích cho họ rằng Tổ chức sẽ giúp họ có được thị thực sang Mỹ, việc này sẽ mất vài tháng. Trong lúc chờ đợi, hàng tuần họ sẽ được lĩnh tiền trợ cấp. Khi nghe thấy con số lớn hơn rất nhiều so với số tiền họ đã tiêu hằng tuần cho tới lúc đó, Elena nghĩ rằng cuối cùng thì họ cũng có thể tìm một chỗ ở đỡ tồi tàn hơn căn phòng nhỏ tối tăm mà bà đã không còn cảm thấy an toàn, và ăn thứ gì khác ngoài món gan bê mà Alexandru vẫn ghét. Tuy nhiên, đó là một ý nghĩ hầu như còn mơ hồ và rời rạc của bà. Một khi có thị thực, họ sẽ đi New York với vé máy bay mà Văn phòng sẽ mua cho họ, người đ 9bb àn ông đã nói vậy. Một thành viên Hội đón tiếp những người Mỹ mới tại New York sẽ đợi họ ở sân bay và chăm lo cho họ.

Họ cảm ơn ông. Trước khi rời khỏi tòa nhà, họ qua gặp thủ quỹ, người trao cho họ một xấp tiền lia. Elena cất số tiền đó vào một ngăn trong túi xách mà bà đeo chéo qua vai dưới áo vét. Khi đã ở ngoài, Jacob hôn vợ và con trai.

- Xong rồi. Chúng ta đã đạt tới đích. Lenoush, em đã có lý khi cố nài nỉ!

Elena nở nụ cười gượng gạo.

- Lenoush, em không vui sao?

- Dĩ nhiên là có rồi, Jacob. Em vui phát điên lên. Nhưng em không cảm thấy được. Em không còn cảm thấy gì nữa. Em có cảm tưởng như mình là một mẩu dây chun mà người ta kéo. Có thể là tại ý nghĩ sắp phải làm lại từ đầu, ở một đất nước mới, một căn hộ mới, một mái trường mới, một ngôn ngữ mới, một việc làm mới... Em thấy mệt mỏi.

Ông choàng tay lên vai bà.

- Em nói đúng. Mọi chuyện mới chỉ bắt đầu thôi. Nhưng chúng ta sẽ làm được.

Hôm đó là một ngày xuân đẹp trời, và ánh nắng chói chang làm họ phải nheo mắt lại khi rảo bước về phía biệt thự Borghèse. Bà không để ý gì hết tới xung quanh, cả những chiếc xe Fiat bóp còi inh ỏi phóng qua, cả những tủ kính của các cửa hàng bán bột nhào tươi đủ loại và màu sắc. Bà nhìn thấy trước mặt bà một lục địa bao la, phải leo lên, giống như ta leo núi. Bà muốn nằm xuống và ngủ, nhưng bà biết rằng bà sẽ vừa leo lên từng bước một vừa chú ý xem xét nơi cắm móc sắt, và bà sẽ lên tới đỉnh.



1. Món ăn khai vị rất phổ biến của người Ixraen (ND).

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/88969


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận