Ít nhất thì tôi đã tin như vậy cho tới chín giờ tối.
Thôi nào,” Jaz nói, mở nắp một chai bia Corona, “đâu có tệ đến thế' Cô ấy nốc một ngụm và ngồi xuống sau quầy bar không người. Được một lúc, cô ấy quay ra tiếp tục lật giở tờ tạp chí chuyên về các minh tinh.
“Cậu nghĩ vậy à?” Nhưng lời tôi nói bị nhấn chìm trong tiếng rít kinh hồn khi một cái micrô cổ lỗ của quán giở chứng giữa bài Nine to Five. Cô gái tội nghiệp đang hát - một trong bốn người khách ở đây tối nay - rúm người nhìn về phía các bạn của mình với vẻ hối lỗi.
Jaz vắt một miếng chanh vào chai bia của mình. Tối nay cô ấy mặc váy được trang trí bằng những tờ giấy ghi chú nhỏ xíu cùng những chữ thập màu đen vẻ chồng lên nhau - tôi khen ngợi nỗ lực của cô ấy dù chẳng có ai ở đây để tán thưởng chúng.
“Xem này.” Cô ấy nhấc tờ tạp chí lên và chỉ cho tôi một bài báo tràn hai trang liền.
Tôi ngó vào. “Gớm quá!”
Ở khắp khu Soho, các quán bar và câu lạc bộ như của chúng tôi đang tìm mọi cách lôi kéo khách hàng và hốt bạc. Jaz và tôi thì đang săm soi một cô công chúa nhạc pop biểu diễn trên chương trình truyền hình buổi sáng mặc bộ đồ làm toàn bằng tóc người, chúng tôi bận như thế đấy.
Lần cuối cùng tôi đặt chân vào Hát Nhạc Xưa là khoảng bốn tháng trước, vào dịp sinh nhật mẹ tôi. Suốt tối đó, tôi ẩn trong bóng tối, giấu mình trong khoang dành cho khách, không bao giờ ở yên một chỗ quá lâu - sự thực là, tôi nhớ có lúc mình đã trốn đằng sau buồng để chơi với Lou, ăn bim bim và than phiền về chuyện Lawrence không tới được... Tôi đã làm mọi việc để tránh bị bố mẹ lôi lên cái sân khấu đó. Đặc biệt là vào cuối buổi tối hôm dó, bố nắm tay mẹ, quỳ xuống, ngay trước mặt mọi người và ngâm nga một bài hát của Stevie Wonder, với cái đầu lắc lư và đủ thứ khác. “Đủ thứ” tức là bố còn nhắm mắt lại. Chúa ơi, đúng đấy, bố thực sự hát hết cả bài trong khi mắt nhắm tịt. Trời ạ.
Nhưng ít ra tối đó nơi này còn đông người. Được rồi, đó không phải là một thứ bảy điển hình và khách khứa đều là bạn bè của bố mẹ tôi, nhưng ít ra hôm đó còn có không khí.
Tôi nhìn quanh. Tình cảnh của Hát Nhạc Xưa thật đáng lo ngại. Giờ thì trời đã tối hẳn nhưng hai trong số các đèn pha trên cao đã bị nổ, khiến cho có những chỗ trong phòng gần như chìm trong bóng tối hoàn toàn. Thỉnh thoảng, ánh sáng lờ mờ từ một quả cầu gương sứt mẻ miễn cưỡng lướt qua, nhuộm xám tất cả mọi thứ. Ở sát tường là nơi đặt các khoang dành cho khách, những cái nệm ghế màu mù tạt đã cũ và vấy bẩn. Những cái đèn có tua rua ngồi chồm hỗm khốn khổ trên bàn, mỗi cái mang tên một bài hát của thập niên tám mươi (Mẹ và bố nghĩ rằng đó là một cách thay thế tài tình cho việc đánh số bàn, vào cái thời phù phiếm khi họ tính tới việc sẽ mở hẳn một bếp phục vụ đồ ăn). Các bức tường dán giấy màu đỏ hoa mĩ nhân và giấy đang bong ra như da bị cháy nắng. Những tấm gương rạn vỡ có khung màu hồng chia cắt không gian; một cái gương cực lớn, giống như ở các trường dạy múa, được lắp đằng sau khu vực nhô cao lên được gọi là sân khấu. Có ai lại muốn thấy chính mình đang hát chứ? Chẳng phải chỉ nghe không thôi đã tệ lắm rồi sao?
Một người đàn ông đang giơ cốc bia lên - anh ta là thành viên trong nhóm bộ tứ độc nhất đó đã cầm lấy mic. Anh ta đang gào thét tàn tệ bài Here I Go Again của Whitesnake, chứng minh cho giả thuyết của tôi rằng đây là đoạn duy nhất của bài hát này mà ai cũng biết đó là “Giờ đây tôi lại một mình" mà, đối với một giọng ca cô độc, nghe chừng hơi tẻ. A, anh ta lại bắt đầu nữa rồi. Và lại nữa. Làm ơn, không phải lại nữa đấy chứ). Cứ mỗi mười giây cái micrô lại bị mất tiếng và tiếng kim loại rè rè ầm ĩ vang khắp quầy bar. Tôi thấy như đang ở dưới bọn người máy ba chân trong phim War of the Worlds'.
"Mic!” Một gã khác hét lên, rồi thì cầu gì đó như là “Mic dở quá”. Tôi đã sẵn sàng đón nhận chỉ trích và hoàn lại khoản tiền nhỏ nhoi chúng tôi kiếm được từ họ thì chợt nhận ra rằng anh ta đang gọi tên anh chàng đang hát.
Khía cạnh hay ho trong việc hát karaoke dở là hầu hết mọi người quá say nên chẳng lấy làm phiền.
Tôi thở dài thườn thượt. “Chúng ta sẽ phải đi một chặng đường dài đấy Jaz ạ.
Cánh cửa sau quầy bar mở ra và Simon trở lại với một sọt đựng cốc đã rửa. Sau buổi họp của chúng tôi, anh ấy và Jaz đã thuyết phục tôi tôi thị sát một dịp cuối tuần điển hình của Hát Nhạc Xưa để có được một hình dung sơ bộ về thử thách mà chúng tôi đang phải đương đầu. Với nỗ lực đầu tiên để tiết kiệm tiền, tôi cho chú Archie và Ruby nghỉ tối nay: tôi đã linh cảm rằng chúng tôi không phải hoạt động hết công suất mà.
“Vui lên đi bạn, rồi sẽ tốt đẹp cả thôi.” Simon toét miệng cười khi anh xếp nó lên giá.
Tôi mỉm cười đáp lại. “Có gì mà anh vui vẻ đến vậy?”
Anh nhún vai. “Không có gì.” Rồi anh nói, theo một cách hơi quá vô tình so với bình thường, “Lou thế nào?”
Nụ cười của tôi lăm le ngoác ra nhưng tôi kìm lại được. "Vẫn đang học hành chăm chỉ lắm.”
Anh lật ngược các li rượu và thành thạo luồn chúng vào giá. “Tâm lí học, phải không?”
Tôi rất mừng vì Simon đã để tâm - tôi thậm chí chẳng hề nhớ đã nói với anh điều đó. “Vâng,” tôi nói trong tiếng nhạc cọt kẹt của bài I Will Always Love You. “Anh biết đấy, cô ấy đang nghiên cứu cái môn đọc ý nghĩ của người khác.”
Simon nhăn mặt giễu tôi khi anh lách người đi qua Jaz, còn cô nàng vẫn đang chìm đắm trong bài báo nào đó về trang trí nội thất trong nhà của YVAGs. “Tâm lí học khác với thần giao cách cảm, Maddie ạ.”
“Giống mà!” Tôi nói dối. “Đặc biệt là với nam giới. Cô ấy có thể nói chính xác điều gì đang xảy ra trong đầu họ. Có vẻ tất cả đều lộ ra ở mắt, kiểu như anh chớp mắt bao nhiêu lần khi nói chuyện với một cô gái. Này, em sẽ hỏi cô ấy vào lần tới khi có đủ mặt cả hai người!”
“Đừng mà,” anh vội nói. “Ý anh là anh không muốn làm cô ấy khó xử.”
Trong khi anh ấy làm ra vẻ bận rộn, tôi tự nhủ rằng nếu có cái học trình như thế thật thì tôi sẽ đỗ điểm cao. Simon quá thích Lou!
“Nói xem, em thấy sao?” Anh ấy hỏi, nhanh chóng đổi chủ đề.
Tôi nhíu mày. “về chuyện gì cơ?”
“Tối nay. Có tệ như em hình dung không?”
“Còn tệ hơn.”
Simon nhún vai. “Vậy nghĩa là sự phục hồi nhất định sẽ tốt hơn?”
“Nhất định rồi.”
Thời gian hai tiếng của nhóm bộ tứ đã hết. Trong khi họ chếnh choáng mặc áo khoác và loạng choạng đi ra ngoài, một cô gái vấp ngã ở sân khấu, cười khúc khích khi ngồi phịch xuống đất.
“Chào nhé. Chúc ngủ ngon.” Tôi vẫy tay với họ, cố kìm nén để khỏi chạy tới ôm chầm lấy họ, những người hiếm hoi vui lòng trao cho chúng tôi đồng tiền mà họ phải vất vả mới kiếm được.
Thật ra thì vẫn còn một người khách nữa. Một lúc sau, theo một truyền thống có chết cũng không đổi, người đàn ông ở đầu kia quầy bar dứng dậy và phủi bụi trên người. Ông ta đã ở đây suốt tối, thứ bảy nào cũng vậy, ẩn trong bóng tối và lặng lẽ uống rượu Morgans Spiced. Ông ta có dáng người thấp đậm với mái tóc màu nâu hơi dài lưa thưa rủ xuống cái cổ áo sơ mi rất cầu kì. Bộ ngực ông ta to như thùng rượu và mấy cái cúc phải gổng mình để giữ ông ta lại bên trong áo. Ông ta mặc quần da màu đen.
Loaf.
Ông ta vẫn còn sống cơ à? ông ta đã ngồi bên quầy bar theo cái cách sởn gai ốc này từ đời thuở xa xưa mà tôi còn nhớ được, và từ phản ứng chán chường của Simon và Jaz, tôi có thể thấy rằng thói quen của ông la chẳng hề thay đổi. Simon chỉ đảo mắt một cái rồi tới dọn mấy cái cốc vại trên bàn trong khi Jaz điều nhạc - luôn như vậy: Bat Out of Hell. Có vẻ như Loaf chưa bao giờ mua cả một giờ ca hát cho ra hồn vậy nên đây hẳn phải là một kiểu ưu đãi cho sự lui tới không ngừng nghỉ của ông ta. Tôi không muốn mang tiếng là tàn bạo, nhưng đây là kiểu Ưu đãi mà Hát Nhạc Xưa rất vui lòng được xóa bỏ. Ông ta nên tận dụng hết sức đi khi còn có thể.
Và tai tôi cũng sẽ rất mừng khi được dẹp bỏ cái kiểu ưu đãi đó - nếu chúng chưa chảy máu. Trong khi Simon dọn dẹp, tôi sững sờ chứng kiến cảnh Loaf phi nước đại qua đoạn điệp khúc đầu tiên, đấm vào bộ ngực đầy thịt với vẻ đam mê, quỳ sụp xuống nhanh đến nỗi suýt làm quần rách toạc, còn tôi co rúm người lại. Có một thời điểm máy karaoke bị vấp, vậy là nó cứ mắc lại ở câu “Dơi-dơ-dơi dơi dơi dơi” tới khi tự vượt qua được. Loaf chẳng có vẻ phiền - nếu có gì thì nó chỉ tiếp thêm sức cho màn biểu diễn khi ông ta co giật và rùng mình theo nhạc.
Vài phút sau, mọi việc đã qua. Một sự im lặng tới điếc tai. Tôi cảm giác như chúng tôi vừa ra khỏi một cái ống gió. Tóc Jaz trông còn rối hơn bình thường, như thể cô ấy vừa bị điện giật.
Loaf đứng dậy, vuốt thẳng lại áo xống và quẳng ít tiền lên quầy bar. Chộp lấy áo khoác, chẳng hé nói một lời, ông ta đi ra cửa.
“Gã đó là ai vậy?” Tôi hỏi khi ông ta đã đi khỏi.
Simon nhún vai.
“Anh không nghĩ chuyện đó thật lạ sao?” Tôi nói. “Ý em là, chẳng ai trong chúng ta biết tí gì về ông ta?”
Jaz bỏ cái kẹo cao su vào mồm. “Maddie, xin giới thiệu khách hàng thường xuyên duy nhất của chúng ta.” Cô ấy cầm lấy tờ 50 bảng. “Miễn là ông ta chẳng đợi lấy tiền thừa, còn thì tớ mặc xác ông ta là ai.”
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!