Thầy Lang (Znachor) Chương 10

Chương 10
Cuộc sống vẫn bình lặng trôi đi ở cối xay bột của ông lão Prô-cốp Sa-pi-en, thường được gọi là Prô-cốp Mi-en-nhich.

Bầu trời xanh thắm thanh bình soi bóng xuống mặt nước phẳng lặng của những cái đầm chứa tĩnh mịch, những cây gia toả ngát mùi mật thơm lừng, dòng nước - nguồn sống tốt lành - tuôn chảy thành một luồng khoẻ khoắn óng ánh sáng, vào guồng của cối xay, hệt như một dòng thuỷ tinh không bao giờ cạn, vỡ tung ra trong những cánh guồng thành nhiều mảnh vụn trong suốt ngả màu lục nhạt mỗi lúc một rõ hơn, một trắng hơn, rồi tuôn xuống cái hốc trào bọt trắng xóa, trong những tiếng rào rào róc rách không ngớt.

Dưới này là tiếng rào rào, còn trên kia là tiếng rì rầm đơn điệu, no ấm, mãn nguyện của những hạt lúa được đưa vào cối, để rồi dòng bột quý giá, mượt mà tuôn chảy xuống theo các máng. Chỉ cần đặt bao hứng vào dưới dòng bột mì ấy mà thôi.



Vì đã gần cuối vụ giáp hạt, cối xay cũng không có mấy việc. Chừng ba giờ chiều, anh thợ làm công Vi-ta-lix hạ tấm chắn và bánh xe quay chậm dần lại, dưới sức nặng của nước và đà quay, nó còn cố quay thêm một hồi hai vòng nữa, nghiến ken két trên các trục bằng gỗ sồi, va chạm lanh canh trong những bánh răng bằng sắt, lào xào tiếng ngũ cốc thưa dần rồi sau đó hoàn toàn yên tĩnh. Chỉ có làn bột mù mịt không một tiếng động rơi từ mái nhà và gác xép xuống đất, xuống những bao hứng, xuống chiếc cân bàn, đọng thành một lớp dày đến nửa ngón tay.

Các chủ cối xay khác, ít lương tâm hơn, đem thứ bột này bán cho người ta, riêng ông lão Prô-cốp thì bắt quét sạch để làm thức ăn cho bò và những con vật khác, vì vậy lũ bò, ngựa của ông cũng như đàn lợn, vịt, ngỗng và gà của mẹ A-ga-ta, đều núc ních no nê như được nuôi bằng thức ăn của Chúa.

Từ ba giờ chiều trở đi không còn việc gì ở cối xay nữa, và thường vào giờ này, ông lang An-tô-ni Kô-si-ba bắt đầu lên phố. Ông giũ cho sạch bột bám, mặc một chiếc sơ mi sạch, rửa kỹ mặt và tay bên cái gộc cây sát đầm nước, nơi xuống đầm tiện nhất, rồi đi Ra-đô-li-xki.

Mùa hè ít người ốm lui tới, có tới cũng chủ yếu là buổi chiều, sau lúc mặt trời lặn, khi ấy người ta rỗi rãi hơn.

Thời gian gần đây, tất cả người nhà, nhất là đám đàn bà, đều nhận thấy trong cung cách xử sự của thầy lang có những thay đổi đáng kể. Ông hình như bắt đầu chăm lo cho bản thân hơn, giày đánh xi bóng loáng, ông mua hai chiếc áo cánh vải màu, tỉa râu và tóc trước kia vẫn để dài phủ vai khiến ông giống như một cha cố chính giáo.

Nếu bàn về nguyên nhân của sự lịch sự kia, thì cô nàng Zô-nhia không hề còn một ảo tưởng nào hết. Đã từ lâu, bản năng đàn bà không bao giờ nhầm lẫn trong những chuyện kia đã mách bảo cô rằng chắc chắn cái ông An-tô-ni Kô-si-ba xưa nay vẫn thờ ơ lãnh đạm với cái duyên đàn bà đã tìm được cho mình một ả nào đó trong thị trấn rồi. Thoạt tiên, những nghi ngờ hướng vào bà Skốp-kô-va, chủ cửa hiệu, nhưng sau một cuộc điều tra ngắn ngủi, hóa ra là không chính xác. Ông An-tô-ni có lui tới cửa hiệu ấy thật nhưng chỉ để gặp gỡ một cô gái làm công trẻ măng ở chỗ bà Skốp-kô-va mà thôi.

Zô-nhia đã gặp cô gái ấy nhiều lần, chị vừa buồn vừa bực mình khi nghĩ đến cuộc tình kia.

- Này, ông lão kia ơi, - chị chàng vừa nói vừa nhìn ông thầy lang đang cọ rửa kỹ càng, - ông muốn gì nữa thế không biết? Con bé ấy có phải để cho ông đâu cơ chứ?... Gõ vào đâu thử đi ông ạ! Xí! Nó thì làm nổi việc gì kia chứ? Cứ việc mà tới lui thăm nom bằng thích thì thôi, nhưng hỏi được ích lợi gì không nào? Ông phải có một vợ lam làm khỏe mạnh, chứ không phải một con nhóc tay trắng kia đâu.

- Chứ sao! - Zô-nhia chống nạnh vẻ thách thức, - Tôi không chối. Tôi kém cạnh gì con bé ấy nào?... tôi không trẻ như nó hả?... Thế thì đã sao? An-tô-ni, ông hãy nghĩ kỹ lại đi, ông cần con bé trẻ măng ấy để làm gì?... Lại còn là dân thành thị nữa chứ! Đỏng đà đỏng đảnh. Mũ này mũ nọ. Chỉ tổ chuốc lấy tội vào thân thôi, ông ạ!

- Im đi, đồ ngốc! - rốt cuộc, ông thầy lang không chịu thấu, phải lên tiếng.

Và ông vừa bỏ đi vừa lẩm bẩm:

- Cái mụ ngốc ấy nghĩ gì không hiểu nữa chứ!...

Ông xem những điều mà Zô-nhia nói như đổ từ thùng không vào vại rỗng. Ông đâu có mơ màng gì đến chuyện vợ con, ông có ác cảm với phụ nữ, nguồn gốc của sự ác cảm đó ông cũng chưa bao giờ cân nhắc thử bao giờ, ông hơi sợ họ và phần nào coi khinh họ. Còn nếu nói về cô Ma-rư-sia ở trấn Ra-đô-li-xki thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Ma-rư-sia khác hẳn những người khác. Khác đến mức ông xem việc so sánh cô với đám đàn bà còn lại là chuyện hoàn toàn vớ vẩn. Bản thân ý nghĩ của Zô-nhia về cuộc hôn nhân giữa ông và Ma-rư-sia đã ngu xuẩn đến mức không đang phải nghĩ đến làm gì cho thêm bận. Nếu ông có nghĩ đến điều ấy chăng thì cũng chỉ là nghĩ xem tại sao và từ đâu cái ý nghĩ vớ vẩn thế kia lại có thể nẩy sinh trong cái đầu chật hẹp ấy.

Rằng ông hay tới cửa hiệu ư?... ừ thì hay lui tới đấy, nhưng thế đã sao? Rằng thi thoảng ông lại mang cho Ma-rư-sia chút quà ư?... Thế thì sao, ông không có quyền làm điều đó chắc? Rằng ông thích trò chuyện với cô ư?... Thật tội nghiệp một thiếu nữ, gần như hãy còn là một đứa trẻ, cô đơn, mồ côi mồ cút. Biểu lộ một chút tình với một người như thế thì có gì xấu?... Hơn nữa, đó lại là chút tình chân thành, không hề tính toán, không hề vụ lợi. Vả chăng ông cũng cảm thấy cô gái gắn bó với ông, cô cũng chân thành yêu mến ông. Nếu không, cô đã chẳng đón chào ông bao giờ cũng tràn trề niềm vui đến thế, nếu không cô đã chẳng giữ ông ngồi lại trong hiệu thật lâu đến thế, đã chẳng giữ ông ngồi lại trong hiệu thật lâu đến thế, đã chẳng thổ lộ cùng ông những lo buồn phiền não của cô.

Trong những ngày gần đây cô không thiếu chi những lo phiền ấy. Từ hôm thứ hai, nom cô đã u uẩn, nhưng khi ông đến vào thứ năm thì ông nhận ra ngay là cô vừa khóc.

- Sao thế, cô bé của bác, - ông hỏi, - những người xấu bụng lại không để yên cho cháu sống sao?

- Không, bác An-tô-ni! Không phải thế! Có điều chính qua cái vụ rắc rối này mà xảy ra chuyện chẳng lành.

- Cho ai? - ông lo lắng.

- Cho ông Vôi-đư-uô, cho ông thợ yên cương ấy ạ.

- Bất hạnh gì kia?

- Chắc hẳn cậu Trưn-xki được ai đó nói cho hay rằng gã cựu học sinh trường dòng đã sỉ nhục cháu và cả chuyện đánh nhau kia nữa! Thế là hôm qua, ông thợ yên cương cho một cái xe chở hàng đã làm xong đến Lu-đơ-vi-kốp, thì họ không giao hàng mới cho ông làm nữa. Trước đó, ông Mô-xte-rơ-giây không có mặt tại thị trấn. Ông ấy đi Vin-nô mãi hôm qua mới về. Khi thấy chiếc xe không quay lại, ông ấy hỏi:

- Thế hàng mới đâu?

Người đánh xe trả lời:

- Bà chủ Lu-đơ-vi-kốp bảo tôi nhắc lại cho ông biết rằng sẽ không giao việc cho chúng ta nữa.

- Sao lại không giao? Họ đóng cửa nhà máy à?

- Nhà máy thì họ không đóng, - người đánh xe nói, - nhưng vì cậu con ông xúc phạm đến cậu chủ của họ, nên họ không muốn mang việc đến cho ông làm nữa.

Thầy lang đằng hắng.

- Thế là không công bằng. Sao cha lại phải chịu trách nhiệm về việc làm của con kia chứ? Con là thằng vô lại, còn cha là một người ngay thẳng và không hề có lỗi gì cả.

- Thì đúng như thế, - Ma-rư-sia đồng tình. - Chính cháu cũng nói với ông ấy như thế.

- Ai kia?

- Ông Mô-xte-rơ-giây ấy ạ. Mãi đến khi nghe người đánh xe nói vậy, ông ấy mới tìm hiểu và mới được biết có chuyện gì xảy ra. Trước hết, ông ấy đến gặp anh Xô-bếch, bắt tay anh ta và chúc mừng anh ấy đã cư xử đúng mức với con trai ông, sau đó ông ấy đến gặp cháu.

- Ông ấy muốn gì?

- Thoạt đầu ông ấy nghiêm nghị rồi nói: - Tôi đến để xin lỗi về hành động của thằng Zê-nôn nhà tôi. Nó là một đứa xấu tính và ngu ngốc. Cái thằng vô công rồi nghề ấy đáng bị trừng trị, và những gì nó được anh Xô-bếch tặng cho cũng vẫn quá ít. Tôi hiểu, ông ấy bảo, nó không quyền xúc phạm đến cô, có nghĩa là đến cháu ấy. Cô làm gì là việc cô, không phải chuyện của nó. Bà Skốp-kô-va đỡ đầu cô, quyền là ở bà ấy, không phải ở cái thằng ăn hại kia. Giá như cô đến gặp tôi phàn nàn, thì nó sẽ nhận được lãnh đủ phần của nó. Thế nhưng, ông ấy nói, cô lại than phiền với cậu chủ ở Lu-đơ-vi-kốp, khiến cho giờ đây, tôi, già cả và vô tội, mà cũng dám bị vạ lây, bởi lẽ người ta rút đơn đặt hàng của tôi, có nghĩa là hơn hơn một nửa công việc của nhà tôi.

Thầy lang ngạc nhiên:

- Nhưng cháu có than phiền với cậu chủ đâu?!

- Chính thế. Cháu cũng có nói với ông ông Vôi-đư-uô như vậy, nhưng hình như ông ấy không tin.

- Nào, thế nhưng bác vẫn chưa thấy có chuyện gì không lành ở đây cả.

- Không lành là chuyện khác. Sáng hôm nay ông lão Vôi-đư-uô đã đuổi con trai ra khỏi nhà!

- Đuổi à?... Sao lại đuổi?! - Thầy lang ngạc nhiên.

- Ông ấy rất nghiêm khắc. Cả thị trấn bàn tán về việc ấy. Và ai cũng bảo rằng đó là tại cháu... Nhưng cháu có lỗi gì đâu cơ chứ?... cháu có làm điều gì xấu đâu?...

Giọng Ma-rư-sia run run, mắt cô ứa lệ.

- Cháu những muốn đích thân chạy đến gặp ông Vôi-đư-uô để van xin ông ấy tha cho Zê-nôn, nhưng cháu sợ... Vả chăng chắc ông ấy cũng chẳng để ý đến lời cầu xin của cháu. Cha xứ đứng về phía Zê-nôn, người bảo rằng y hư hỏng thật, nhưng một khi đã bị ném ra khỏi nhà, y sẽ đi vào con đường tồi tệ hơn nữa... Nhưng cũng không giúp được gì cả. Ông lão nói rằng cứ để mặc y chết rục trong tù ông ấy cũng chẳng động lòng, bởi vì, ông ấy bảo đó không những chỉ là một thằng lười, một kẻ vô công rồi nghề, mà lại còn đi cướp miếng bánh của cha anh nữa.

Thầy lang lắc đầu.

- Chuyện đáng buồn, nhưng cháu không có lỗi gì ở đây cả, cô bé ạ.

- Chuyện cháu không có lỗi cũng chẳng ích gì! - Cô vặn vẹo hai tay, - một khi mà mọi người ai cũng trỏ tay vào cháu như một con tội phạm... ai cũnng nhìn cháu gườm gườm... Ngay cả bà Skốp-kô-va cũng bị xúi giục chống lại cháu nữa. Chính tai cháu nghe một ông thợ mộc nói với bà Skốp-kô-va tại đây: - Bà giữ cái con bé tha phương ấy ở đây chỉ làm khổ mọi người và xúc phạm đến Chúa mà thôi.

Ma-rư-sia ôm mặt khóc òa lên.

- Cháu biết, cháu biết, - cô nức nở, - mọi chuyện rồi sẽ kết thúc ra sao... Họ sẽ cắn xé cháu... Họ tước mất việc làm của cháu... Mà cháu thì chỉ những muốn, chỉ những muốn mọi sự tốt đẹp... nếu cậu Lê-sếch đến, cháu sẽ quỳ xuống van xin cậu ấy tha tội cho Zê-nôn... Nhưng cậu ấy... cậu ấy không đến... Cậu ấy không báo tin tức gì cả. Cháu chỉ còn thiếu nước ấy nữa thôi... Ôi, lạy Chúa, lạy Chúa lòng lành!...

Ông An-tô-ni Kô-si-ba ngồi lặng, hai bàn tay to tướng bất lực buông xuôi. Mặt ông tái đi vì xúc động. Ông sẵn sàng hiến cả linh hồn để cô gái thân yêu kia được giải thoát khỏi mọi đau khổ và lo buồn. Trong ông giằng giật thay nhau, lúc thì giận đùng đùng và ý muốn hành động ngay tức khắc, lúc thì cảm giác về sự bất lực của mình.

Thậm chí không thể có lời nào để an ủi cô. Ông bèn đứng lên, ôm lấy cô, vuốt nhẹ bàn tay thô ráp, bàn tay nhọc nhằn lao động của ông lên tóc cô, mà nhắc đi nhắc lại:

- Nín đi, con bồ câu nhỏ, nín đi, con bồ câu!

Cô nép vào người ông, cả thân mình cô run lên trong cơn thổn thức. Một nỗi xót thương cô và thương thân choán ngợp cả tâm hồn ông, ông thương cho sự cô đơn và sự bất lực của cả hai, khiến lệ ông cũng bắt đầu lăn trên má, trên bộ râu nhuốm bạc, trên những ngón tay đang hết sức âu yếm vuốt mái tóc màu sáng của cô gái.

- Nín đi, con bồ câu nhỏ của bác, nín đi, nín đi cháu... - ông nói rất khẽ.

- Chỉ còn mỗi mình bác, bác An-tô-ni ơi... cháu chỉ còn mỗi mình bác trên đời này thôi... con bé tha phương...

- Cả hai chúng ta, cả hai chúng ta đều là kẻ tha phương giữa những người xa lạ, con bồ câu của bác ạ! Nhưng cháu đừng lo, cháu đừng khóc nữa. Bác sẽ không để người ta làm khổ cháu đâu. Bác già thật, nhưng bác còn đủ sức... Một khi bác chịu khó, chịu khổ, thì cháu, con bồ câu nhỏ ạ, sẽ có đầy đủ mọi thứ. Nín đi, nín đi cháu... nếu như người ta hành hạ cháu nhiều quá, hãy đến ở với bác, ở cối xay. Chỗ bác không đẹp đẽ cũng chẳng giàu có gì đâu, nhưng đói rét thì cháu không bao giờ phải chịu, không bao giờ cháu phải thiếu tình thương... ở đó rừng bao la, những đồng cỏ mênh mông, chúng ta sẽ cùng đi hái cây thuốc, cháu sẽ giúp bác chữa bệnh cho mọi người nhé, con bồ câu nhỏ của bác... không một miệng lưỡi ác độc nào dám động đến cháu nữa, không một lời bỉ báng nào... Chúng ta sẽ sống sung sướng biết bao nếu có nhau, hai kẻ tha phương... Nín đi, con bồ câu nhỏ, nín đi nào...

- Bác tốt quá, bác An-tô-ni ơi, bác tốt biết chừng nào, - dần dần Ma-rư-si-a bình tâm lại. - Cha đẻ có nhẽ cũng không thể tốt hơn bác... Sao cháu lại được hưởng tình thương ấy hở bác?

- Sao ư? - Thầy lang suy nghĩ. - Ai biết được? Thế bác đã làm gì để cháu nép người vào bác, con bồ câu của bác, để trái tim già nua của bác đây, trái tim chỉ còn đập vì thói quen chứ không phải vì cần thiết, lại ấm áp như được mặt trời sưởi ấm... Chỉ một mình Chúa họa mới hay, còn bác, dẫu không hay biết vì sao, bác xin cảm ơn Người vì điều đó và bác sẽ cảm ơn cho đến khi nhắm mắt xuôi tay..

Một chiếc xe song mã dừng lại trước cửa hiệu, lát sau một ông khách bước vào. Ông ta mua giấy màu làm đèn lồng, chắc là vì sắp đến ngày hội mùa. Ông ta chọn lựa rất lâu, mặc cả và kêu ca vì giá quá cao.

Khi rốt cuộc ông khách đã mang các gói hàng bước ra, thầy lang mới nói:

- Con bồ câu nhỏ của bác, cháu cho phép bác được nói thẳng những điều bác nghĩ chứ?

- Chính cháu cầu xin điều ấy, - cô mỉm cười nhưng không phải lo ngại sẽ được nghe những điều không dễ chịu sau lời giáo đầu ấy.

Và cô đã không nhầm: thầy lang bắt đầu nói về cậu Lê-sếch.

- Chính vì cậu ấy nên mới có tất cả những điều phiền toái và khổ sở này. Con bồ câu của bác, cháu cần gì ở cậu ta kia chứ?... Bác không bảo là cậu ta không tốt hay có hại, thậm chí mắt cậu ấy có cái nhìn trung thực nữa, nhưng cậu ấy còn trẻ quá, chưa chín chắn, một cái chong chóng mà thôi. Nhiều lần bác đã ngắm kỹ cậu ấy, cũng không ít lần bác thấy cậu ấy đến đây... Và rồi người ta xì xầm... Vì cậu ấy còn trẻ, còn lông bông quá, nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên là người ta nghĩ cậu ấy có những ý đồ không đẹp. Chính bác, có Chúa chứng giám, không hề tin những nghi ngờ đó! Bác sẵn dàng chịu chết, cốt sao những lời người ta bàn tán cũng giống như tiếng chó sủa mà thôi. Nhưng cháu thấy đấy, con bồ câu nhỏ ạ, họ nói cũng có lý của họ... Cháu không thể buộc lưỡi họ lại, không thể bịt mắt mọi người. Họ cứ nhìn và cứ nói. Nhưng cháu được gì ở những chuyện tán tỉnh ấy chứ? Chỉ có nguy hiểm mà thôi. Cháu còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, cháu dễ tin ở lời hứa.

- Anh ấy chưa bao giờ hứa hẹn điều gì với cháu cả. - Ma-rư-sia ngắt lời ông, đỏ mặt và bối rối.

- Không hứa hẹn à?... Thế cậu ấy muốn gì?... Cháu phải nhớ rằng cậu ấy là một ông chủ lớn, giàu có, quảng giao. Cháu là gì đối với cậu ấy?... Ôi, chỉ là một thứ đồ chơi. Nhưng trái tim thì sẽ quen dần. Thì như bây giờ chẳng hạn: thiếu cậu ấy là cháu đã thấy nặng nề.

- Đó là vì chuyện khác...

- Có thể vì chuyện khác mà cũng có thể vì chuyện này, - ông hiền hậu gật đầu. Nhưng lấy cháu thì hẳn là cậu ấy không lấy. Vậy thì để làm gì?...

Ma-rư-sia cụp mắt nhìn xuống.

- Cháu hoàn toàn chưa nghĩ đến chuyện ấy. Cháu chỉ thấy nói chuyện với anh ấy thật dễ chịu. Anh ấy đi nhiều biết rộng. Anh ấy kể chuyện rất hay...

- Cứ để cậu ấy kể cho những cô khác. Tại sao cậu ấy lại chọn đúng cháu mới được chứ?

- Bởi vì... anh ấy nói là anh ấy mến cháu.

- Lại còn không mến được sao? Cậu ấy có mù đâu.

- Cháu không nghĩ là bác, bác An-tô-ni ạ, bác cũng có thể thấy có gì đó không hay trong chuyện này.

Thầy lang lấy tay che mặt.

- Xin Chúa hãy gìn giữ! Xấu thì không xấu, nhưng không cần. Mọi người đâm ra không ưa cháu, rồi chuyện phiền phức cũng bắt nguồn từ đó, mà thì chẳng ai được lợi lộc gì. Bác không chê trách gì cậu ấy. Không. Nhưng giá cậu ấy là người hoàn toàn đứng đắn, thì cậu ấy đã không khiến cháu, con bồ câu nhỏ ạ, phải thành đầu đề cho người ta xì xầm, đã không làm đầu của cháu phải quay cuồng, đã không phải ngồi đây hàng buổi.

- Nhưng... nhưng cháu đâu thể mời anh ấy ra được, - Ma-rư-sia thử chống chế.

- Và cũng không cần. Nếu cháu muốn nghe một lời khuyên tốt, một lời khuyên chân thành, cháu nên nghe bác và đừng trò chuyện với cậu ta nữa. Thì rồi cậu ấy sẽ thôi lui tới đây. Nếu cháu không muốn thì bác cũng chẳng biết làm thế nào hơn được.

Ma-rư-sia suy nghĩ rất lung. Cô hiểu rằng lời khuyên của ông thầy lang vừa chân thành vừa rất đúng đắn. Dù sao đi nữa, dù chóng hay chầy, quan hệ giữa cô với cậu chủ Lê-sếch sẽ phải chấm dứt thôi. Hoặc cậu ấy lại bị một cơn đồng bóng nữa, hoặc cậu ấy cưới vợ. Thế là hết. Kéo dài quan hệ đó chẳng dẫn tới điều gì. Càng kéo dài lâu bao nhiêu, cô càng khó chia tay chàng bấy nhiêu và rồi nỗi nhớ nhung sẽ càng đau xót thêm bấy nhiêu mà thôi.

Chỉ mới vắng chàng có mấy hôm mà cuộc sống dường như là một nỗi cực hình... Nhưng mặt khác, phải chăng cô không sẵn sàng chịu đựng bao tháng năm tuyệt vọng để đánh đổi lấy, dù chỉ là vài tháng hạnh phúc được gặp chàng, được nhìn vào mắt chàng, được nghe lời chàng nói?...

Hồi ức về những niềm hạnh phúc ngắn ngủi sẽ lưu lại mãi mãi trong tâm hồn, cho đến chết. Liệu có nên từ bỏ kho báu ấy không? Hay nên từ giã chàng vì nỗi hãi hùng trước niềm khổ đau, để cam chịu sống một cuộc đời trống rỗng, vô vị, không chút nội dung?...

Thầy lang rất tốt bụng và thông minh, nhưng trong trường hợp này biết đâu ông chẳng lầm?

- Bác An-tô-ni, cháu sẽ suy nghĩ về lời khuyên của bác, - cuối cùng cô nghiêm trang nói. - Cháu sẽ suy nghĩ kỹ, mặc dù điều ấy có thể là không cần nữa, vì chắc cậu ấy chẳng bao giờ đến đây nữa đâu bác ạ.

Và quả thực nhiều ngày đã trôi qua mà không hề có ai nhìn thấy cậu chủ Trưn-xki trong thị trấn hoặc quanh vùng.

Trong khi đó, ở đây, tin đồn cứ sôi cả lên. Hành động khắc nghiệt của ông lão Mô-xte-rơ-giây bị một số người này phê phán thì lại được những người khác ca ngợi. Song tất cả mọi ý kiến đều thống nhất ở hai điểm: thứ nhất, có thể thấy trước là Zê-nôn Vôi-đư-uô sẽ gặp cái kết cục rất xấu; thứ hai, người ta cho rằng kẻ có lỗi chính là Ma-rư-sia.

Thậm chí cả những người trước kia chân thành chào hỏi cô, bây giờ khi đi ngang qua mặt cô cũng cố tình giả vờ không nhìn thấy. Còn những kẻ khác thì mỗi khi gặp dịp đều lớn tiếng trình bày quan điểm của họ, và không tiếc những lời quá quắt. Mà thậm chí họ cũng chẳng phải người xấu hay thâm hiểm gì. Chỉ đơn giản là trong đời sống thông thường ở tỉnh lẻ, người ta đã quen với một số phong tục nào đó, khi có gì không tuân thủ khuôn khổ của những phong tục ấy, họ đều thấy đáng phê phán kịch liệt. Một cô gái lao động nghèo hèn quan hệ với một cậu chủ giàu có, tất không thể mong gì kết thúc bằng nghĩa vợ chồng, vậy thì cô ấy muốn gì mới được kia chứ?...

Cái lô-gíc của cách suy nghĩ ấy đặc biệt thích hợp với những kẻ nhiệt tình ca ngợi ông thợ yên cương đã đuổi cậu con trai vô công rồi nghề và hay gây sự ra khỏi ngôi nhà ông cha. Nếu như đến tuổi này mà không nên người thì chẳng còn gì có thể giúp được nữa cả. Không vâng lời cha mẹ, bây giờ cứ mặc y muốn nghe ai thì nghe. Cứ mặc y lang thang trong cuộc đời này, chứ đừng mang thêm tai tiếng cho một gia đình tử tế nữa.

Nhưng rõ ràng là Zê-nôn không hề có ý định bỏ đi xa. Ngày thứ nhất hắn có biến đi đâu đó, nhưng ngày hôm sau hắn đã trở về và bằng hành động của mình, hắn đã chứng minh cho những ý nghĩ và những điều tiên đoán tồi tệ nhất. Hắn nốc ruợu say ở tửu quán ông Jut-ka, hết sạch cả tiền được cha cho, rồi sau đó hắn gây sự khắp phố cho đến tận khuya, gào tướng lên rằng sẽ đốt trụi nhà ông bố, sẽ bắn chết hết cả họ Trưn-xki, sẽ đập bể đầu con bé Ma-rư-sia lẳng lơ kia.

Rốt cuộc hắn xông vào tấn công một anh cảnh sát, giật đứt túi anh ta, rồi bị đưa đến đồn cảnh sát, hắn đập vỡ cửa sổ ở đó, phá gẫy cả bàn ghế. Người ta phải còng tay hắn lại, giam cho một ngày, sau đó lập biên bản, cái biên bản tất yếu dẫn đến việc xử án và tất nhiên kèm theo hai tháng tù giam.

Nhưng vừa được thả ra Zê-nôn lại biến mất khỏi thị trấn, người ta đồn rằng hắn vẫn chỉ quanh quẩn gần đâu đây.

Những sự việc kia không những chỉ làm chấn động dư luận thị trấn mà ở Lu-đơ-vi-kốp người ta cũng biết chuyện phu nhân Trưn-xka vội phái ngay một thằng bé đến gặp ông thợ làm yên cương báo cho ông biết rằng dù bà xem hình phạt của người cha đối với Zê-nôn là đúng đắn, song bà vẫn muốn cứu nó khỏi lăn vào vũng lầy, nên bà quyết định sẽ tiếp tục đặt hàng ở chỗ ông và hy vọng rằng ông Vôi-đư-uô tha lỗi cho cậu con trai.

Song ông lão thợ yên cương là một người sắt đá. Ông cảm ơn vì chuyện đặt hàng, nhưng ông tuyên bố rằng: điều gì một lần ông đã quyết thì sẽ không bao giờ thay đổi, ông không bao giờ muốn trông thấy mặt đứa con khốn nạn ấy nữa. Không thể nào thuyết phục nổi ông.

- Ông xem đấy, - sau đó phu nhân Trưn-xka bảo chồng, - ông hãy xem quan hệ của người cha với con trai là thế nào, nếu như người cha ấy có đầy đủ tính cách và nguyên tắc.

Ông Xta-nhi-xoáp vờ như không hiểu ý bóng gió này. Ông chỉ khẽ lầu bầu một câu gì đó rồi vẫn chìm đắm vào quyển sách đang đọc. Còn phu nhân E-lê-ô-no-ra thì đi đến kết luận rằng toàn bộ chuyện này có thể rút ra lợi ích về phương diện sư phạm đối với Lê-sếch, bà bèn bắt tay vào viết một bức thư rất dài gửi cậu con trai độc nhất, tường trình đầy đủ mọi chuyện ở đây, kèm theo rất nhiều giáo huấn mang đẫm tính sư phạm.

Nếu như Lê-sếch nhận được bức thư kia, hẳn nó sẽ có ảnh hưởng về phương diện đạo đức đến chàng. Tiếc thay, trong lúc thiên tuyệt phẩm của năng lực giáo huấn mẫu tử kia đang nằm trong toa thư của đoàn tàu lao mải miết về hướng Vac-sa-va, thì người nhận lại đang trăn trở trong một toa giường nằm của đoàn tàu đang phóng ngược về Lu-đơ-vi-kốp.

Chàng trăn trở không sao ngủ được bởi lẽ trong lòng chàng đầy những dằn vặt nội tâm, không thể dùng một cái cớ hay một điều dối trá quanh co nào đánh lừa để khoả lấp đi được. Tất nhiên, ở nhà chú, chàng buồn chán đến nẫu cả người, nhưng không phải buồn vì lý do khách quan. Bạn bè đông đảo, đáng yêu và vui vẻ, trò vui đủ loại và chẳng phút ngừng, phụ nữ đẹp tươi, đồ ăn tuyệt diệu, trời đẹp huy hoàng. Nguyên nhân của nỗi buồn chán ở ngay trong lòng chàng. Nói đơn giản là chàng nhớ.

Quả thực là xuẩn ngốc và thiếu đứng đắn khi một người đã trưởng thành, có lương tri tỉnh táo như chàng, lại nhớ nhớ nhung nhung hệt như một cậu học trò miệng còn hơi sữa, đến cô gái tóc vàng bán hàng ở một cửa hiệu tí teo tại một thị trấn tí teo, mặc dù đã tự thuyết phục mình một cách có hiệu quả nhất, bất chấp những lý lẽ không thể bác bỏ nổi, bất chấp ý chí và các quyết định của chàng. Khi ra đi, chàng đã quyết một lòng dứt bỏ những tình cảm vớ vẩn và mớ bòng bong của những chuyện vụn vặt, bẩn thỉu nẩy nòi từ những tình cảm kia. Nhưng chỉ vừa mới bắt đầu rời chân là đã có ngay những ý nghĩ hoàn toàn khác xuất hiện, chế ngự, vây hãm chàng, không để cho chàng lấy một phút yên lòng và ngơi nghỉ.

Thay vì nỗi chán ngán, không hào hứng, tâm tính chàng đột nhiên lại nẩy sinh trạng thái thương tiếc, âu yếm và hứng cảm, trí tưởng tượng làm hiện ra trước mắt chàng những cảnh tượng huyễn hoặc, trong đó chàng thấy Ma-rư-sia đang ở trong vòng tay của chàng hiệp sĩ mạo danh Xô-bếch kia, đang bị một đám tiện dân nhục mạ và chửi bới, hay đang bỏ về một phương trời vô định... trong chiếc áo khoác mỏng mảnh tồi tàn đã cũ bợt, đội chiếc mũ tí teo theo kiểu tỉnh lẻ đến buồn cười, với hành trang nghèo nàn của nàng đựng trong chiếc va-li tí tẹo sứt sát.

Cảnh tượng hiện ra rõ ràng khiến chàng kinh hoàng. Chàng bật dậy, mặc vội quần áo, gói ghém đồ đạc, bảo đánh thức ngay tài xế để đưa chàng về Vac-sa-va. Chàng để lại cho cô chú một bức thư giải thích rằng chàng chợt nhớ đến một chuyện vô cùng quan trọng phải làm ngay.

Tới Vac-sa-va còn hai tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ tàu khởi hành. Chàng lang thang vô mục đích trên phố Mac-sau-kốp-xka, rồi dừng chân trước một chiếc nhẫn rất đẹp bằng bạch kim có gắn mặt đá xa-phia màu lam nhạt.

- Đó chính là màu mắt nàng, chàng chợt xúc động nghĩ và không kịp suy nghĩ đến việc mình đang làm, chàng bước ngay vào hiệu.

Chiếc nhẫn không đắt tiền lắm, tuy nhiên cũng hút trọn số tiền còn lại trong túi Lê-sếch sau khi đã mua vé tàu.

Giờ đây, không tài nào ngủ nổi, chàng rút chiếc hộp nhỏ trong túi áo choàng ra và ngắm nghía chiếc nhẫn. Cho đến nay, chàng chưa hề tặng cho Ma-rư-sia một chút quà nào cả. Thậm chí chàng cũng không hiểu nàng có đồng ý nhận một chút quà gì đó hay chăng.

- Nàng sẽ nhận, - một ý nghĩ chợt bừng lên trong óc chàng, - nếu đây là nhẫn đính hôn

Đột nhiên chàng cảm thấy tim mình đập dồn.

Chàng giơ bàn tay mang nhẫn ra ngắm nghía ánh long lanh của viên đá ngọc.

- Đây chính là nhẫn đính hôn của ta, - chàng nói to thành tiếng.

Chàng ngẩng đầu, hằm hằm nhìn khắp cu-pê, dường như chờ đợi lời phản đối của một kẻ nào đó. Nhưng ngăn cu-pê trống rỗng, các bức vách lặng im, chỉ có tấm rèm cửa khẽ lắc lư theo nhịp bánh con tàu.

Chàng chìm đắm trong một cảm giác thanh thản mơ màng như giấc mộng. Giờ đây chàng đã hiểu hết, giờ đây chàng không còn một nghi ngờ nào nữa. Phải, chàng sẽ cưới nàng. Chàng sẽ có nàng, sẽ có nàng bên mình mãi mãi. Sẽ chấm hết nhớ nhung, chấm hết lo âu, chấm hết chia ly và chịu đựng.

Cứ mặc người ta gọi là điên! Bởi lẽ chính những kẻ gọi như thế không hề hiểu thế nào là điên khùng, một sự điên khùng vô vọng nhất, khi phải tự chống lại tình yêu của mình.

Và đó là một tội ác! Phải chăng con người được quyền dứt bỏ khỏi trái tim mình những tình cảm tốt đẹp nhất, cao quý nhất? Biết đâu có thể đó chẳng là tình cảm duy nhất biện minh cho sự tồn tại, tình cảm duy nhất là sự nở hoa kết trái của tâm hồn?... Chà đạp, tiêu diệt, từ chối nó được ư?... Vì cái lý gì mới được chứ?... Để được người đời thừa nhận à?... Ngu hết chỗ nói! Vì kẻ khác mà phải chịu chối bỏ ngay bản thân mình, chối bỏ cái nội dung chính yếu nhất của mình, nỗi khát khao hạnh phúc của mình!

Ôi, chàng hiểu rõ lắm những khó khăn trở ngại đang chồng chất trên con đường định đi. Không một giây phút nào chàng có ảo tưởng rằng cha mẹ chàng sẽ đồng ý một cuộc hôn nhân như thế. Chàng không nghi ngờ rằng họ sẽ làm tất cả để ngăn chàng không đạt đến đích. Rồi dư luận xã hội, tất cả những người quen, họ hàng, đều sẽ được huy động để chống lại Ma-rư-sia. Chàng cần chuẩn bị để đấu tranh quyết liệt.

Nhưng chàng không hề e sợ cuộc đấu tranh ấy. Ngược lại. Chàng phấn chấn bởi nghĩ rằng một mình chàng dám đứng ra chống lại tất cả bảo vệ hạnh phúc của mình, hạnh phúc của chàng và của Ma-rư-sia, chàng sẽ phá tung các trở ngại, sẽ giữ vững trước những cuộc tấn công, sẽ chiến thắng, bởi vì chàng nhất định phải chiến thắng.

Trong đầu óc chàng đã hiện hình kế hoạch của chiến dịch. Chàng đã trông thấy những kho vũ khí và những mưu chước sẽ được người ta dùng đến để chống chàng. Đó là việc đe dọa tước quyền thừa kế hoặc sẽ tước quyền thừa kế thực sự, những lời chế giễu cay độc và những lời thóa mạ đểu cáng, những nghịch cảnh khó chịu và những cuộc rầy la, những cơn động kinh và ngất xỉu, những lời van xin và đe dọa. Và sẽ được bắt đầu bằng việc khóa két. Với các mối quen biết của họ, cha mẹ chàng chẳng khó gì mà không ngăn nổi cậu con trai tìm được một chỗ làm nào đó.

- Cần phải lưu ý trước chuyện đó, - chàng suy nghĩ.

Không có gì dễ dàng hơn là bỏ mặt nạ đi khi bước vào cuộc đấu, để rồi,... chịu thất bại. Đây đâu phải chỉ có cuộc đấu là quan trọng, mà chiến thắng cũng quan trọng. Phải làm sao để vẫn được ở lại nhà. Thực tình chàng có thể bí mật bán dần đồ đạc riêng tư rồi cùng Ma-rư-sia trốn đến một nơi tận cùng của thế giới. Nàng vốn quen với cảnh bần hàn, rồi thì chàng cũng sẽ quen được. Chàng còn trẻ, chàng sẽ tìm được việc làm ở một nơi nào đó thôi. Nhưng một cuộc hạy trốn như thế không mang lại cho chàng điều gì đáng tự hào cả, và sẽ làm giảm đi niềm hạnh phúc giành được. Vì thế, ngay từ đầu phải loại bỏ nó.

Chàng có đầu óc đủ thực tế để gạt sang một bên những hành động kiểu Đôn Ki-hô-tê vẫn thường hấp dẫn chàng, một khi đứng trước những vấn đề quan trọng. Vì vậy, giờ đây chàng quyết định sẽ hành động thận trọng, phải nhìn xa trông rộng và phải hết sức bí mật.

Tạm thời chàng chưa muốn suy tính thật tỉ mỉ về chiến thuật sẽ dùng trong tương lai. Chàng đang say sưa với việc phát hiện những khát vọng đích thực của mình, chàng sung sướng khi lòng đã quyết, nên tất cả những thứ khác đều trở nên nhỏ bé, co lại, mất bớt ý nghĩa.

Việc cậu chủ Lê-sếch xuất hiện với vẻ mặt rạng rỡ, hết sức vui vẻ, đã gây nên một điều bất ngờ ở Lu-đơ-vi-kốp. Bởi lẽ trước hết người ta hoàn toàn không ngờ là chàng trở về, hai nữa, sự đổi thay ở chàng là hết sức rõ rệt. Sự cáu kỉnh trước đây, tính bất thần của các động tác, sự thờ ơ lãnh đạm đối với các vấn đề gia đình và tài sản, vẻ buồn chán xưa kia đều biến mất.

- Có điều gì xảy ra ở con thế, Lê-sếch? - phu nhân E-lê-ô-no-ra phải thừa nhận, hỏi con.

- Con đã thay đổi hoàn toàn, mẹ ạ. Con đã trở thành một người khác hẳn hay sao ấy.

- Mẹ rất muốn biết giai đoạn đáng mừng này có lâu bền không?

- Ồ, lâu chứ ạ. - Chàng mỉm cười đầy bí ẩn. - Con có cảm giác đây là giai đoạn cuối cùng trong sự trưởng thành của con. Cha mẹ thấy không, con đã suy nghĩ nhiều và đi đến kết luận rằng đã đến lúc phải bắt tay vào ổn định cuộc sống, bắt tay vào việc, sắp xếp lại mọi chuyện của bản thân cho ổn thỏa.

Ông Trưn-xki ngạc nhiên đến nỗi phải rời mắt khỏi tờ báo.

- Phải chăng điều đó có nghĩa là rốt cuộc con đã có ý định quan tâm đến nhà máy?

- Cha không nhầm đâu, thưa cha!

- Thế thì cha phải gửi điện cảm ơn đến chú mới được. Ở nhà chú con gặp được ai mà thay đổi hẳn như vậy? Hình như ở đó cũng khá đông người thì phải.

- Vâng, nhiều lắm ạ. Cả một đám đông, - chàng gật đầu sau một lúc suy nghĩ, chàng thêm: - Và chính trong đám đông đó, con đã bắt gặp... chính mình.

- À... Thế con có cảm tưởng gì qua cuộc gặp gỡ đó?

- Thoạt đầu khá khó chịu. Con đã được nghe nhiều lời phê phán không phải không có lý. Nhưng về sau rốt cuộc con hiểu rằng đã được gặp một người hiểu rõ điều anh ta muốn. Cả hai đều rất hài lòng vì chuyện đó.

Phu nhân E-lê-ô-no-ra cúi xuống hôn trán chàng.

- Xin chúc mừng cả hai cha con, tiện thể chúc mừng cả bản thân tôi nữa.

- Cảm ơn mẹ. Con xứng đáng được chúc mừng hơn là mẹ tưởng đấy, - chàng đáp lại vẻ trang nghiêm.

Cuộc trò chuyện ấy diễn ra vào buổi tối hôm sau khi ăn xong và đã khiến cho ông Trưn-xki nẩy sinh những hy vọng tốt lành nhất. Cũng vì thế họ ngạc nhiên vô cùng khi sáng hôm sau, lúc được hỏi là cậu chủ còn ngủ phải không, người hầu phòng trả lời:

- Cậu chủ bảo mang ô tô đến và đã đi về hướng Ra-đô-li-xki rồi ạ.

Nguồn: truyen8.mobi/t110657-thay-lang-znachor-chuong-10.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận