Thiên Long Bát Bộ Hồi 167

Cả bọn lập tức lùi ra mấy bước nhưng không chịu bỏ đi. Tiêu Phong nghĩ thầm: "Khu vực này chỗ nào cũng là đồng cỏ mênh mông, nếu mình thả thủ lãnh của chúng về, bọn họ cưỡi ngựa đuổi theo thì mình không thể nào chạy thoát được." Ông quay sang nói với người áo đỏ:

- Ngươi bảo chúng đem lại đây tám con ngựa.

Y theo đúng thế ra lệnh, các kỵ sĩ Khất Đan liền dắt đến tám con tuấn mã giao cho A Cốt Đả. A Cốt Đả căm hận bọn này giết đồng bọn mình, đấm một tên dắt ngựa nghe bình một tiếng khiến y lăn chòng chọc. Bọn Khất Đan tuy đông người nhưng không dám đánh trả. Tiêu Phong lại tiếp:

- Ngươi hạ lệnh bảo bọn chúng giết con ngựa đang cưỡi, không để sót con nào.

Người mặc hồng bào cực kỳ dứt khoát, không tranh biện lớn tiếng truyền lệnh:

- Mọi người xuống ngựa, giết ngay con ngựa của mình đi.

Tất cả các kỵ sĩ không ai chần chừ gì, lập tức nhảy xuống, kẻ dùng bội đao, kẻ dùng trường mâu giết ngay con ngựa của mình. Tiêu Phong không ngờ quân sĩ tuân lệnh lẹ làng đến thế, trong lòng ngầm bội phục nghĩ thầm: "Gã mặc áo đỏ này xem ra chức vị không phải là thấp, mở miệng nói ra một câu, các võ sĩ không ai dám trái lệnh. Quân lệnh của người Khất Đan nghiêm minh thật, thảo nào giao chiến với người Tống bao giờ cũng thắng nhiều thua ít." Ông bèn nói:

- Ngươi bảo tất cả quay trở về, không ai được đuổi theo. Nếu một người đuổi theo, ta chặt ngươi một cánh tay, hai người đuổi theo ta chặt hai cánh tay, bốn người đuổi theo thì tứ chi đều chặt hết.

Gã áo đỏ tức đến râu ria dựng ngược lên, nhưng bị kẹp chặt không thể làm gì khác chỉ đành truyền lệnh:

- Các ngươi quay trở về, điều động nhân mã kéo đến sào huyệt người Nữ Chân.

Các võ sĩ hô to:

- Tuân lệnh!

Tất cả cùng khom lưng hành lễ. Tiêu Phong quay đầu ngựa, đợi cho bọn A Cốt Đả sáu người lên yên rồi cả bọn theo đường cũ trở về. Đi được mấy dặm, Tiêu Phong thấy người Khất Đan quả nhiên không đuổi theo, bèn nhảy lên yên một con ngựa, để cho người áo đỏ cưỡi một mình một con. Tám con ngựa không dừng bước chạy thẳng về đại doanh, A Cốt Đả bẩm lại cho phụ thân Hòa Lý Bố việc gặp địch như thế nào, được Tiêu Phong cứu, bắt được thủ lãnh bọn Khất Đan ra sao. Hòa Lý Bố rất vui mừng nói:

- Hay lắm, đem tên chó Khất Đan lên đây ta xem.

Người áo đỏ bước vào trong trướng nhưng thần thái vẫn uy võ, đứng hiên ngang không chịu khuất phục. Hòa Lý Bố biết y là quí nhân của Khất Đan bèn hỏi:

- Ngươi tên gì? Tại nước Liêu làm chức quan chi?

Gã kia ương ngạnh đáp:

- Có phải ngươi bắt được ta đâu, làm gì có quyền hỏi ta?

Người Khất Đan và người Nữ Chân đều có tập quán, mỗi khi bắt được ai thì kẻ đó là nô lệ của mình. Hòa Lý Bố cười ha hả nói:

- Ngươi nói đúng lắm!

Người áo đỏ đi đến trước mặt Tiêu Phong, khuỵu chân phải, một bên gối quì xuống, tay phải để lên trán nói:

- Chủ nhân quả thực là anh hùng, ta đánh không lại ông, bên ta đông mà vẫn thua. Ta bị ông bắt được, không có điều gì oán hận, nếu ông chịu thả ta về, ta sẽ đền lại năm mươi lượng vàng, năm trăm lượng bạc, ba chục con tuấn mã.

Chú của A Cốt Đả là Phả Lạp Tô nói:

- Ngươi là đại quí nhân của Khất Đan, tiền chuộc bấy nhiêu ít quá. Tiêu huynh đệ, ngươi bảo y đem đến năm trăm lượng vàng, năm nghìn lượng bạc, ba trăm con tuấn mã.

Phả Lạp Tô là người lanh lợi khôn ngoan, đem giá cả tăng lên gấp mười, cốt để hai bên trả giá. Với lối sống giản dị của người Nữ Chân, cái giá năm mươi lượng vàng, năm trăm lượng bạc, ba chục con tuấn mã đã là một tài sản hãn hữu. Người Nữ Chân giao chiến với người Khất Đan mấy chục năm qua, chưa bao giờ có món tiền chuộc nào lớn đến thế, nếu người áo đỏ không chịu tăng thêm cứ theo đúng những gì y hứa trả đã là một món hoạnh tài khổng lồ.

Ngờ đâu người áo đỏ không cần suy nghĩ đáp ngay:

- Được rồi, cứ thế mà tính.

Những người Nữ Chân trong trướng nghe vậy không khỏi giật mình, tưởng như không tin ở tai mình nữa. Người Nữ Chân hay Khất Đan nói láo để đánh lừa nhau không phải là không có, thế nhưng trong giao dịch mua bán, hoặc đã hứa với ai điều gì thì một là một, hai là hai không bao giờ nuốt lời. Huống chi đang nói đây là tiền chuộc, một khi người Khất Đan không giao đủ, hoặc như nói rồi lại không muốn làm thì người áo đỏ không thể nào trở về bản tộc được thành thử có hứa cuội cũng vô ích.

Phả Lạp Tô sợ rằng y bị bắt rồi kinh hoảng mất trí, đầu óc rối loạn bèn nói:

- Này, ngươi đã nghe rõ chưa? Ta nói là hoàng kim năm trăm lượng, bạch ngân năm nghìn lượng, tuấn mã ba trăm con!

Người áo đỏ vẻ đầy kiêu ngạo, lạnh lùng nói:

- Hoàng kim năm trăm lượng, bạch ngân năm nghìn lượng, tuấn mã ba trăm con thì đã là bao? Nước Đại Liêu chúng ta giàu có bậc nhất thiên hạ, con số đó coi chẳng vào đâu.

Y quay sang nói với Tiêu Phong, đổi sắc mặt cung kính nói:

- Chủ nhân, ta chỉ nghe lệnh một mình ông thôi, người khác nói ta không thèm nghe đâu.

Phả Lạp Tô nói:

- Tiêu huynh đệ thử hỏi y xem y ở nước Liêu làm quan chức gì?

Tiêu Phong chưa kịp mở lời người kia đã nói:

- Chủ nhân nếu muốn hỏi thân thế lai lịch, ta sẽ đặt điều nói láo đánh lừa ông, ông cũng không biết thật hay giả. Thế nhưng ông là anh hùng hảo hán, ta cũng anh hùng hảo hán, ta không muốn lừa ông thành thử xin đừng hỏi làm gì.

Tiêu Phong tay trái lật một cái, rút phắt thanh đao đeo nơi hông, tay phải vỗ vào sống đao, nghe cạch một tiếng lưỡi đao đó liền cong lại, hầm hè quát:

- Ngươi lớn mật không nói chăng? Nếu bàn tay ta chém xuống đầu ngươi thì sẽ ra sao?

Người áo đỏ không tỏ vẻ gì sợ hãi, đưa ngón cái tay phải lên nói:

- Tài giỏi thật! Ghê gớm thật! Hôm nay ta được gặp đương thế đệ nhất anh hùng, quả không uổng! Tiêu anh hùng, nếu ông dùng lực uy hiếp muốn ta phải chịu khuất phục thì không xong đâu. Ông muốn giết cứ việc giết, người Khất Đan tuy đánh không lại nhưng cũng cứng cỏi không kém gì ông đâu.

Tiêu Phong cười ha hả nói:

- Giỏi, giỏi lắm! Ta không giết ngươi ở đây đâu. Nếu ta một đao giết ngươi, ngươi chắc không tâm phục. Chi bằng mình ra chỗ xa xa, ác đấu một trận nữa.

Hòa Lý Bố và Phả Lạp Tô cùng lên tiếng khuyên giải:

- Tiêu huynh đệ, người này giết đi thật uổng, chi bằng để y sống lấy tiền chuộc tốt hơn. Nếu như ngươi tức giận, chi bằng dùng gậy gỗ roi da đánh cho y một chập thật đau là được.

Tiêu Phong đáp:

- Không được! Y muốn cho mình là anh hùng hảo hán thì ta để cho y toại nguyện.

Ông quay sang mượn người Nữ Chân hai cây trường mâu, hai bộ cung tên, nắm tay người áo đỏ cùng ra khỏi trướng, nhảy lên ngựa ra lệnh:

- Lên ngựa mau!

Người mặc hồng bào không một chút sợ hãi, biết chắc đấu với Tiêu Phong thì chỉ có chết mà thôi, y đòi đấu thêm một trận nữa chẳng qua chỉ là mèo vờn chuột, muốn đùa rỡn một hồi rồi mới giết mình nhưng không sờn lòng lập tức lên ngựa chạy về hướng bắc.

Tiêu Phong theo sau, hai người chạy được mấy dặm, Tiêu Phong nói:

- Quay qua hướng tây!

Người áo đỏ đáp:

- Nơi đây phong cảnh tuyệt đẹp, ta muốn chết tại nơi đây.

Tiêu Phong nói:

- Tiếp lấy!

Ông cầm trường mâu và cung tên ném qua, người kia đều bắt được cả, lớn tiếng nói:

- Tiêu anh hùng, ta biết chắc không phải là đối thủ nhưng người Khất Đan thà chết không chịu khuất phục! Ta ra tay đây!

Tiêu Phong đáp:

- Hãy khoan! Tiếp lấy đã!

Ông lại cầm cây giáo và cung tên còn lại trên tay mình thẩy qua, chỉ còn hai tay không, môi nở một nụ cười khó hiểu. Người áo đỏ cực kỳ giận dữ, gầm lên:

- Hừ, ngươi định tay không đấu với ta, chẳng phải làm nhục ta quá lắm hay sao?

Tiêu Phong lắc đầu:

- Không phải thế! Tiêu mỗ bình sinh kính trọng bậc anh hùng, yêu thích người hảo hán. Võ công ngươi tuy không bằng ta thật nhưng là kẻ đại đại anh hùng, hảo hán, Tiêu mỗ muốn kết bạn với ngươi! Thôi ngươi trở về bộ tộc của mình đi.

Người áo đỏ hết sức kinh ngạc, hỏi lại: xem tại t_r.u.y.ệ.n.y_y

- Cái… cái gì?

Tiêu Phong mỉm cười đáp:

- Ta nói Tiêu mỗ coi ngươi là một hảo bằng hữu, để cho ngươi bình an quay trở về.

Người mặc hồng bào tưởng chết đến nơi lại bình yên vô sự, vui sướng không sao kể xiết hỏi lại:

- Có thực ngươi thả ta về chăng? Ngươi… chẳng hay ngươi… muốn gì? Ta về rồi sẽ đem tiền chuộc gấp mười, gửi sang cho ngươi.

Tiêu Phong hiên ngang đáp:

- Ta coi ngươi là bạn, sao ngươi lại không coi ta là bạn? Tiêu mỗ đường đường hán tử thế này, lẽ đâu lại còn tham ngoại thân tài vật hay sao?

Người áo đỏ đáp:

- Đúng thế!

Y ném binh khí đi, nhảy xuống ngựa, quì phục xuống đất vái lạy nói:

- Đa tạ ân công tha mạng!

Tiêu Phong quì xuống hoàn lễ đáp:

- Tiêu mỗ không giết bằng hữu, cũng không nhận bạn bè vái lạy. Còn như là phận nô lệ, thì dẫu có lạy lục Tiêu mỗ, Tiêu mỗ cũng chẳng tha đâu.

Người áo đỏ lại càng mừng hơn nữa, đứng lên nói:

- Tiêu anh hùng, ông luôn mồm nhận ta là bè bạn, vậy ta cùng ông kết làm anh em, nên chăng?

Tiêu Phong học nghệ xong liền gia nhập Cái Bang. Trong bang vai vế phân biệt thật nghiêm minh, từ bang chủ, phó bang chủ trở xuống, còn có Truyền Công, Chấp Pháp, tứ đại hộ pháp trưởng lão, rồi đến hương chủ các đà, xuống đến đệ tử tám túi, đệ tử bảy túi cho chí kẻ chưa được mang túi nào. Thế nhưng ông chỉ lo lập công để được thăng cấp, chưa từng giao bái anh em với ai, mãi đến sau này ở thành Vô Tích cùng Đoàn Dự đấu rượu với nhau, có lòng cảm mến bấy giờ mới kết nghĩa kim lan. Bây giờ nghe người mặc hồng bào nói như thế, nghĩ đến trước đây ở Trung Nguyên giao thiệp với đủ mọi loại anh hùng, hôm nay lưu lạc, ăn nhờ ở đậu nơi đất man di, quả thực thất thế biết bao. Bây giờ nghe đề cập đến chuyện này, ông không khỏi cảm khái, lại thấy người áo đỏ khí độ hào hùng, quả là một hảo hán liền đáp:

- Hay lắm! Hay lắm! Tại hạ Tiêu Phong, năm nay ba mươi mốt tuổi. Tôn huynh quí canh bao nhiêu?

Người kia cười đáp:

- Tại hạ là Gia Luật Cơ, so với ân công thì lớn hơn mười ba tuổi.

Tiêu Phong nói:

- Huynh trưởng sao vẫn còn gọi tiểu đệ là ân công? Huynh trưởng là đại ca, xin nhận một lạy của đệ.

Nói xong bèn phục xuống lạy, Gia Luật Cơ vội vàng hoàn lễ.

Hai người bèn lấy ba mũi tên cắm xuống đất, đốt cháy lông đuôi làm hương, hướng lên trời lạy tám lạy, kết làm anh em. Gia Luật Cơ trong lòng cực kỳ vui sướng nói:

- Huynh đệ họ Tiêu cũng chẳng khác gì người Khất Đan chúng ta.

Tiêu Phong đáp:

- Chẳng dấu gì huynh trưởng, tiểu đệ chính là gốc người Khất Đan.

Nói xong cởi áo ra, để lộ chiếc đầu sói xanh xâm trên ngực. Gia Luật Cơ vừa thấy thật mừng nói:

- Quả nhiên đúng vậy, ngươi thuộc về họ bên hoàng hậu Khất Đan. Huynh đệ, đất Nữ Chân lạnh lắm, chi bằng theo ta đi về Thượng Kinh, chung hưởng phú quí.

Tiêu Phong đáp:

- Đa tạ hảo ý của ca ca, có điều tiểu đệ trước nay nghèo hèn, xem ra không hợp đời sống giàu sang. Tiểu đệ sống với người Nữ Chân, săn bắn uống rượu thấy tiêu dao khoái hoạt hơn. Ngày sau nếu nhớ ca ca, thể nào cũng có lúc qua nước Liêu đi kiếm.

Ông xa cách A Tử cũng đã lâu, khắc khoải không hiểu thương thế nàng thế nào bèn nói:

- Ca ca nên sớm quay về để người nhà và bộ thuộc khỏi trông đợi.

Sau đó hai người hành lễ cáo biệt. Tiêu Phong quay ngược đầu ngựa đã thấy A Cốt Đả cùng hơn chục người nghênh tiếp. Thì ra A Cốt Đả thấy Tiêu Phong đi lâu không về, e ngại không biết có trúng phải ngụy kế của người áo đỏ hay chăng, trong bụng không an nên đến tiếp ứng. Tiêu Phong kể lại đã thả y trở về nước Liêu, A Cốt Đả là kẻ rất hiểu biết, rất anh hùng thấy Tiêu Phong khinh tài trọng nghĩa, khoan hồng đại lượng như thế lại càng thán phục.

Một ngày kia, Tiêu Phong nhàn rỗi nói chuyện chơi với A Cốt Đả, cho y hay sở dĩ A Tử thụ thương vì lỡ trúng phải chưởng lực của mình, tuy dùng nhân sâm có thể duy trì tính mạng nhưng đã lâu không thuyên giảm, hết sức buồn phiền. A Cốt Đả nói:

- Tiêu đại ca, thì ra cô em của đại ca bị ngoại thương, người Nữ Chân chúng tôi trị ngoại thương sai khớp xưa nay vẫn dùng ba vị thuốc gân hổ, xương hổ và mật gấu rất là hiệu nghiệm. Sao đại ca không thử xem thế nào?

Tiêu Phong mừng quá nói:

- Cái gì chứ gân hổ, xương hổ ở đây thiếu gì? Còn như mật gấu ư, ta sẽ cố gắng giết ít con là xong.

Ông hỏi kỹ cách dùng, lấy gân hổ, xương hổ nấu thành cao đút cho A Tử. Sáng hôm sau, Tiêu Phong một mình đi vào núi hoang, đầm lớn kiếm gấu. Ông đi một mình, có thể thi triển khinh công, so với cùng đi cả đoàn tiện hơn nhiều. Hôm đầu không thấy dấu vết gấu, hôm thứ hai săn được một con. Ông mổ lấy mật, chạy về nơi đóng doanh, đút cho A Tử uống. Gân hổ, xương hổ, mật gấu và nhân sâm lâu năm kiếm nơi rừng sâu núi thẳm đều là những dược phẩm cực kỳ trân quí dùng để trị thương, mật gấu tươi lại càng khó kiếm bội phần. Tiết Thần Y tuy nói là y đạo như thần nhưng không có thuốc thỉ cũng đành chịu, nếu phải dùng lão sơn sâm cho bệnh nhân dùng thay cơm thì ông cũng không thể nào làm nổi, còn như Tiêu Phong, cứ vài ngày đi đánh chết một con gấu lấy mật tươi cho A Tử uống thì càng khó hơn.(26.5)

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/thien-long-bat-bo/chuong-167/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận