Vũ Điệu Thiên Nga Truyện ngắn 10


Truyện ngắn 10
Cú sốc

Trời lạnh, gió rít qua khe cửa sổ, Tuyết vội kéo thêm ri-đô che cho bớt rét. Chợt có tiếng điện thoại reo. Hội nhìn vợ hỏi:

- Điện thoại của em chắc? Anh nhấc máy nhé!

- Vâng!

Nhà ít khi có điện thoại vào lúc đã gần nửa đêm. Tuyết ngạc nhiên nhìn về phía chồng vì thấy sau tiếng "Alô", chồng mình hỏi lại có vẻ nặng trịch:

- Anh còn muốn gì nữa đây?

Anh dập máy, rồi trừng mắt nhìn vợ:

- Em liên hệ với hắn ta à?

- Ai cơ?

Vừa lúc ấy tiếng chuông điện thoại lại vang lên. Tuyết chần chừ thì Hội nói:

- Gặp em đấy!

Tay Tuyết run run nhấc điện thoại:

- Alô! Tôi nghe.

 

- Thịnh đây! Anh muốn trình bày với vợ chồng


em một việc. Em chịu khó nghe, rồi nói chuyện với chồng em thông cảm cho anh. Vì anh không còn sống được bao lâu nữa.

Nghe thấy giọng Thịnh yếu ớt chậm rãi, Tuyết bồn chồn:

- Sao lại dại mồm thế?

- Đúng thế đó, anh bị ung thư cột sống... bác sĩ nói anh khó... qua khỏi... trong ít ngày nữa.

- Trời!

Tuyết thét lên và thấy choáng váng khi nghe tin dữ từ đầu dây bên kia.

Tiếng thét làm Hội giật mình vội đón lấy máy nghe:

- Alô! Tôi, Hội đây, anh nói gì mà ghê gớm thế.

- Đừng giận tôi nữa. Tôi xin anh đó. Tôi muốn vợ chồng anh...

Tiếng nói ở đầu dây bên kia như lịm đi và nghe như có tiếng rơi máy xuống đất. Hội vội vàng gọi với:

- Anh Thịnh! Anh Thịnh...

Hội đặt máy xuống nói với vợ:

- Có lẽ anh ta bị ngất. Gần đây em có liên hệ với anh ta không?

- Không! Em đã phải giải thích với anh bao lần rồi. Rằng mối tình vụng dại thời sinh viên ấy đã chết trong quên lãng rồi. Đã mười năm nay, anh ấy đi dạy học biền biệt ở vùng biên giới Lào Cai...

 

Hội thở dài:

- Vậy giờ đây, anh ta cần gì ở chúng ta chứ?

Tuyết nhìn chồng như muốn lấy lại niềm tin ở mình, rồi nói:

- Em xin anh hãy bình tĩnh nghe em nói nhé! Anh Thịnh bị ung thư sắp chết rồi, nên muốn chúng ta giúp đỡ việc gì đó.

Hội nhìn vợ một cách lạnh lùng:

- Giúp gì. Cứu sống anh ta chắc?

Tuyết biết chồng còn bực mình, nên im lặng không nói gì nữa mà lẳng lặng mắc màn đi ngủ. Hội quay lại bàn soạn giáo án và thở mạnh, phát ra những tiếng phì phì, như muốn trút những gì thấy bức bí trong lồng ngực mình.

Tuyết không sao chợp mắt được. Thấy chồng vẫn còn bực mình nên chị không dám nói thêm, mặc dù trong lòng vẫn còn nhiều áy náy về con người xấu số ấy. Người cao lớn khỏe mạnh như thế ai ngờ đổ bệnh. Tuyết nén tiếng thở mạnh và nhớ lại những kỷ niệm của một thời sinh viên đầy mơ mộng của mình. Hồi ở trường Đại học Sư phạm đứa nào chẳng phơi phới như hoa khôi. Tuyết nổi tiếng vì có làn da trắng và được nhiều bạn trai để ý. Thịnh là người luôn biết chăm sóc Tuyết. Là anh lính đi học nên Thịnh là người chững chạc, nghiêm chỉnh nhất lớp. Thịnh được bầu làm lớp trưởng vì lẽ đó. Tuyết thường được Thịnh rủ đi sinh hoạt công tác lớp nên thành thân nhau. Có lần Thịnh tâm sự:

 

- Sau này tốt nghiệp xong em sẽ đi đâu?

- Nhà trường phân công tỉnh nào em đi tỉnh ấy.

- Sao dại thế, ở Hà Nội có hơn không?

- Mình là gái nhà quê mà ở Hà Nội sao được, thế
còn anh?

Nghĩ một lát rồi Thịnh nói:

- Em đi đâu anh đi theo, được không?

- Xạo!

Bất ngờ Thịnh ôm chầm lấy Tuyết nói:

- Anh yêu em. Xin thề...

Mọi chuyện xảy ra hôm ấy rất nhanh. Thịnh hôn Tuyết lúc nào không biết nữa. Tuyết run hết cả người vì cảm xúc dâng trào đột ngột... Hình như có đứa trong lớp nhìn thấy, thế là um chuyện lên...

Nghĩ đến đây, Tuyết bỗng trào nước mắt vì thương con người "xấu số" đó giờ đây sắp phải đi xa. Mọi chuyện giữa hai người tuy ngắn ngủi, nhưng Tuyết nhớ như in vậy, thật khó mà phai nhòa. Tuyết cố ghìm cơn nấc cứ chực trào lên. Đúng lúc ấy tiếng chuông điện thoại lại vang lên. Tuyết định bật dậy thì Hội đã với lấy điện thoại:

- Sao lại phiền nhiễu thế nhỉ?

Bên kia đầu dây lặng đi một lát rồi giọng nói yếu ớt của Thịnh mới cất lên được:

- Anh Hội ạ, Thịnh đây! Xin anh nghe lời thỉnh cầu của một người sắp chết.

- Làm sao chúng tôi cứu anh thoát chết được đây.

 

Lại một khoảng im lặng như phút ngưng của hơi thở vậy. Thịnh nói thì thào:

- Tôi có một đứa con nuôi mười tuổi.

- Thì sao nào?

Hội rất khó chịu trong lòng nhưng không lẽ dập máy nên cố nghe:

- Tôi nhận nó ở bệnh viện từ khi mới lọt lòng. Nó đã bị mẹ nó bỏ lại ở bệnh viện. Nên nó sẽ chẳng có ai chăm nuôi nếu một mai tôi chết đi. Tôi muốn gửi...

- Sao, ông định gửi cho chúng tôi nuôi ư?

- Vâng!... Tôi không còn ai thân thích ở quê hương nữa... Vả lại tôi muốn nó được sống và học hành ở một nơi đáng tin cậy nhất...

Tiếng nói yếu ớt của Thịnh cứ ngắt quãng càng làm Hội khó xử bèn nói:

- Thôi, ông nói chuyện với Tuyết. Tôi chẳng thể làm gì được cho ông đâu. Thật rắc rối quá. Này!...

Đúng lúc ấy, Tuyết bước tới. Hội đưa điện thoại cho vợ, rồi cằn nhằn:

- Thật muốn quên đi mọi chuyện cũng không được. Mệt mỏi thế đấy.

Tuyết hồi hộp cầm lấy điện thoại, nhưng vừa lên tiếng thì đã thấy đầu dây bên kia có tiếng khóc thét lên gọi:

- Bố Thịnh ơi! Con đây mà! - Bố đừng chết bố ơi!

Qua máy điện thoại, Tuyết nghe thấy có một số người đang ồn ào bên cạnh, hình như có tiếng học sinh:

 

- Chúng em đây mà! Thầy tỉnh lại đi, thầy!

Có tiếng học trò hét lên làm Tuyết run bắn người. Thấy vợ đứng như cây gỗ mà chẳng nói năng gì, Hội quay lại hỏi:

- Xúc động đến thế kia ư?

- Im đi!

Bỗng nhiên Tuyết quát to với chồng, rồi buông
máy nói:

- Trước cái chết của một người đồng nghiệp mà sao anh nỡ cay nghiệt đến thế.

Hội không ngờ vợ mình lại giận dữ đến vậy, nên ngồi lặng đi. Tuyết hỏi chồng:

- Anh Thịnh trăng trối lại những gì vậy, anh?

- Sao lại trăng trối?

- Anh Thịnh đã mất. Em muốn biết anh ấy nói gì
với anh?

Sau giây lát suy nghĩ, Hội nói rõ cho vợ nghe:

- Thịnh nhờ vợ chồng mình dạy dỗ đứa con nuôi.
Ý em thế nào?

Tuyết lặng đi rồi nói:

- "Nghĩa tử là nghĩa tận" mà anh. Nuôi con bé cũng có cái hay. Thằng Dũng nhà mình có một chị gái cũng tốt
đấy chứ.

- Không được! Không thể có chuyện đó!

- Sao vậy, anh?

Hội ngập ngừng một lúc, nói:

 

- Anh không thể chịu được khi nhìn thấy con bé ấy lại nhớ đến những hình ảnh về tình yêu của hai người
trước đây.

Tuyết ngồi lặng đi không biết nói như thế nào nữa. Cả hai không nói gì. Đêm đầy sương. Một luồng không khí lạnh tràn vào phòng làm nỗi đau trong lòng Tuyết càng trỗi dậy mạnh mẽ. Bất ngờ Tuyết đứng dậy nói với chồng:

- Sớm mai em sẽ lên trên đó, trước hết viếng hương hồn người chết, rồi đón con bé về. Em thấy rất day dứt nếu không nuôi nó. Anh có hiểu cho em không? Chúng mình đều là những giáo viên...

Nói đến đây, Tuyết chợt dừng vì thấy nếu nói nữa sẽ thành thừa. Tuyết vào phòng sửa soạn chuẩn bị cho cuộc đi ngày mai. Hội ngồi bên bàn soạn giáo án mà trong lòng ngổn ngang bao điều. Thật khó nghĩ và khó xử với quyết định của vợ.

 

*

*         *

 

Sau khi thu xếp công việc ở nhà trường, Tuyết ra ga để lên Lào Cai, theo đúng dự định. Hội thầm lặng và không thể hình dung tâm trạng của mình sẽ ra sao khi vợ mình đưa con bé về. Mặc dù thân phận con bé thật đáng thương, nhưng còn những ký ức giữa Tuyết và Thịnh nữa chứ. Chúng sẽ luôn luôn sống dậy trong lòng mình. Đó là những cuộc dạo chơi tay ba. Đó là những nụ hôn trong đêm của hai người và cả những cuộc đánh lộn nữa. Mà rồi mọi chuyện tưởng đã bị chôn vùi sau mười năm xa cách, giờ lại hiện lên mồn một trước mắt làm Hội thấy bực bội và luôn luôn tự vấn mình. Không lẽ mình đang còn sống mà lại không bằng tình cảm của người đã chết. Cớ sao lại vậy, đó là tiếng gọi thiêng liêng của tình yêu ư? Nhưng đó là con người đã chết rồi mà. Thế đấy, trong lòng Hội cứ bị xáo trộn bởi bao ý nghĩ về tình yêu, tình bạn và tính cao thượng, sự đớn hèn. Vậy mình đứng ở quãng nào đây?
Hội không biết mình phải hành động và suy nghĩ như thế nào nữa.

 

*

*         *

 

Ba ngày sau Tuyết đưa con gái nuôi của Thịnh trở về. Con bé xinh xắn ngồi thu lu ở góc giường và tỏ ra sợ sệt. Thỉnh thoảng con bé cứ ngơ ngác đòi về với bố Thịnh. Mặc dù nó biết bố nó đã chết, nhưng suốt ngày cứ đòi ra ngồi bên mộ bố và gọi bố về. Nó gọi nghe thảm quá, nên Tuyết quyết định đưa nó về dưới nhà luôn. Tuyết hy vọng dần dần chồng mình sẽ nghĩ lại mọi chuyện. Hội từ trường trở về trong tâm trạng nặng nề. Anh nhìn con bé một lát, rồi quay vào phòng làm việc. Thái độ im lặng ấy làm nó sợ. Nhưng được thằng cu Dũng rất thích khi thấy có người chơi với mình nên cứ quấn lấy chị, đùa vui và cười khanh khách. Chúng vui làm Tuyết cũng thấy vui trong lòng. Bất ngờ có tiếng quát to từ phòng trong của Hội:

- Có im lặng không nào. Căn nhà này còn chưa thiếu ồn ào đâu. Cười mãi, cười mãi, vui lắm hả?

Tuyết nghe chồng mình đang trút giận lên hai đứa trẻ. Nhưng biết làm sao được khi lương tâm Tuyết không thể từ chối một thân phận đáng thương của một đứa trẻ như thế, bị bỏ rơi và phải xa lìa người bố nuôi thân yêu nhất của mình. Không thể thấy người gặp hoạn nạn mà không ra tay giúp đỡ. Hơn thế nữa, đây lại là lời trăng trối của người đồng nghiệp, một người khốn khó trong đời. Tuyết hành động theo con tim mách bảo. Tuyết cầm cuốn sổ rồi gõ cửa phòng làm việc. Bước tới bên chồng, Tuyết đặt cuốn sổ lên bàn, nói:

- Anh Thịnh đã trao lại con cho chúng ta cuốn sổ nhật ký này. Mong anh xem và sẽ hiểu cho rằng việc em làm là đúng với lương tâm và trách nhiệm của một nhà giáo.

Thấy chồng vẫn im lặng như một pho tượng, Tuyết nói thêm:

- Em sẽ đưa nó về bên ngoại để đỡ phiền cho anh mỗi khi nhìn thấy nó.

Hội không nói năng gì, nhưng trong lòng thấy áy náy. Vì quả thật đứa bé ấy có tội lỗi gì đâu. Hội muốn xóa nhòa những ký ức xa xưa đi, nhưng không được. Bất chợt anh cầm cuốn sổ lên và giở từng trang nhật ký của Thịnh đã ghi từ những năm 90. Có trang anh trông thấy tên vợ và tên mình nên dừng lại để đọc.

"Sư phạm ngày 14- 02- 1992 (ngày Va- len- tin)

Mình đã nhiều lần ngỏ lời mà em chưa đồng ý. Con gái thành phố có khác. Kiêu sa thế đấy. Mà sao Tuyết lại yêu
Hội nhỉ. Rõ ràng trước khi vào viện, mình với Tuyết đã thân thiết nhau lắm rồi mà. Mình cứ ngỡ rằng đã được yêu. Nhưng không phải...

 

Sư phạm ngày 10- 5- 1992

Thế mới biết em chỉ yêu Hội, chẳng hề bận tâm gì đến mình nữa. Năm cuối rồi, coi như chấm dứt. Mình lại đổ bệnh nữa vì sao nhỉ? Cứ đau lưng suốt. Mình là người lính cơ mà. Hãy vững tâm..."

Đọc đến đây, Hội dừng lại và ngồi ngả hẳn vào ghế đi- văng, rồi ngửa mặt lên trần nhà. Nhớ lại những ngày cuối năm ấy, mình đã từng tiễn Thịnh lên đường thế nào. Đến ngày cưới của vợ chồng mình nữa chứ, bạn bè tứ xứ về thành phố cả, riêng Thịnh chỉ gọi điện nói sức khỏe yếu và lại bận con nhỏ nên không về dự đám cưới. Nghĩ đến đây Hội bình tĩnh dần và thấy mình quá ích kỷ. Cánh cửa khẽ mở, một luồng gió lạnh tràn vào. Hội trấn tĩnh lật thêm những trang nhật ký gần nhất và chợt dừng lại khi thấy hàng chữ có tên mình:

Lào Cai 2- 3- 2002

Phải gửi con mình về với Tuyết và Hội thôi. Ở trên này ai cũng khó khăn vất vả. Điều kiện học tập lại rất kém. Mình chẳng còn ai ở quê, bố mẹ mất sớm thiệt thế đấy. Mới có ý nghĩ thế thôi, không biết Hội và Tuyết có đồng ý không? Cứ nhớ đến con bé ngày còn đỏ hỏn bị vứt ở cửa bệnh viện mà thấy xót quá... Vậy mà đã mười năm rồi, mình quả là vui vì có con gái. Nó cứ hỏi về mẹ nó mà mình cứ phải dối quanh: Rằng mẹ nó đẹp lắm và đã được ông tiên trên núi đón về trời. Hồi bé thôi. Bây giờ thì lớn rồi chắc nó chẳng tin...

Nhưng không hiểu sao hai năm nay, nó không hề nhắc đến mẹ mà chỉ cắm cúi chăm chỉ học. Chắc nó đã biết chuyện nên chẳng quấy rầy mình nữa. Nó học giỏi và ngoan nhất lớp. Đúng là niềm tự hào của mình...

Mình sắp chết. Nghĩ lại thấy tội cho con. Những cơn đau cứ hành hạ mình. Cầu trời nó được Hội và Tuyết chấp nhận...

Không chịu được nữa, Hội đứng bật dậy. Anh bỗng thấy mình có lỗi vì nghĩ sai về Thịnh và đối xử không phải với Tuyết. Cần phải vượt qua thói đời ích kỷ này. Anh lấy điện thoại gọi về nhà bố mẹ vợ nhắn:

- Mẹ dặn Tuyết ở lại, con sẽ đến đón cháu bé về.

Nói rồi, Hội chẳng kịp ăn uống gì mà lấy xe ra đường. Gió lạnh nhưng anh vẫn tăng ga cho xe đi nhanh, trong lòng vui và nghĩ như vợ đã nói:

- Thằng cu Dũng nhà mình có chị gái cũng rất tốt
đấy chứ.

Nghĩ vậy, anh bật cười và nhớ đến hình ảnh hai chị em nó cùng đùa vui.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83729


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận