Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa Chương 27


Chương 27
Gió biển

Suốt ngày, mưa rơi và gió lạnh thổi từng cơn. Thời tiết như vậy thường có ở Matxcơva vào đầu tháng năm. Cái gì cũng xám trời, khói trên những mái nhà, cả đến không khí. Chỉ có con đường nhựa là bóng loáng như một dòng sông đen.

Một anh lính thủy trẻ tuổi tới nhà một bác sĩ già, cô độc, sống trong một ngôi nhà lớn bên bờ sông Matxcơva. Năm 1942 anh lính thủy bị thương nặng trong trận bao vây Xêvaxtôpôn và được đưa về hậu phương. Bác sĩ đã chữa cho anh trong một thời gian dài và cuối cùng họ trở thành bạn. Giờ anh lính thủy từ hạm đội Hắc Hải về đây vài ngày. Bác sĩ mời anh lại nhà uống rượu Kakhêtin và nghỉ đêm.



Nửa đêm, đài phát thanh báo tin quân đội Liên Xô đã chiếm lại được Xêvaxtôpôn. Pháo hoa sẽ bắn vào một giờ sáng - Vào cái giờ mà phố xá Matxcơva hoàn toàn vắng ngắt.

Trong khi chờ đợi pháo hoa, bác sĩ và anh lính thủy ngồi chuyện vãn trong căn phòng làm việc hơi tối.

- Cũng lạ - Bác sĩ vừa nói vừa uống nốt cốc rượu vang - Không hiểu khi bị thương nặng người ta nghĩ gì! Anh chẳng hạn, anh nghĩ gì lúc ở Xêvaxtôpôn?

- Tôi sợ nhất là đánh mất hộp thuốc lá Kadơbếch. - Anh lính thủy trả lời. Tất nhiên, ông biết đấy, trên nhãn hiệu của nó có in hình núi Kadơbếch phủ tuyết. Tôi bị thương lúc gần sáng. Đêm vừa qua đi còn mát rượi và trong sương mù mặt trời buổi sớm le lói, một ngày nóng bức nặng nề sắp đến. Tôi mất rất nhiều máu nhưng vẫn nghĩ đến cái hộp nọ và tuyết trắng trên núi Kadơbếch. Tôi thèm được người ta vùi vào tuyết. Tôi tin rằng như thế máu sẽ thôi chảy và thở sẽ dễ hơn, còn mặt trời thì cứ lên cao mãi. Tôi nằm trong bóng mát một hàng rào nát, nhưng rồi cái bóng mát ấy cứ mỗi phút một nhỏ dần. Cuối cùng mặt trời bắt đầu thiêu chân tôi, rồi tay tôi và tôi phải nâng cánh tay ấy lên, di chuyển nó rất lâu để dùng bàn tay che mắt cho khỏi chói. Lúc đó tôi không thấy đau lắm. Nhưng tôi nhớ rất rõ, rằng lúc nào tôi cũng băn khoăn vì cái hộp thuốc lá.

- Tại sao anh lại sợ mất nó đến thế?

- Biết nói với ông thế nào... Hầu hết những dân mới ra trận đều có một thói quen ngốc nghếch là viết địa chỉ những người thân thuộc trên tất cả những thứ gì họ mang theo: trên mặt nạ chống hơi độc, trên xà cột, trên vải lót mũ chào mào. Anh nào cũng tưởng rằng mình sẽ bị giết và không ai còn có thể tìm ra dấu vết gì nữa. Sau này, tất nhiên chuyện đó cũng bớt dần.

- Thế anh đã viết địa chỉ ai trên hộp thuốc lá? - Bác sĩ hỏi và nheo mắt một cách tinh quái.

Anh lính thủy đỏ mặt, không trả lời.

- Thôi được. - Bác sĩ nói một cách vội vàng - Gác chuyện ấy lại cái đã.

Giữa lúc đó có ai bấm chuông. Bác sĩ bước ra phòng ngoài mở cửa. Giọng một thiếu phụ trẻ hổn hển trong bóng tối:

- Pháo hoa sắp bắn bây giờ. Ông làm ơn cho phép tôi được đứng ở bao lơn nhà ông để xem pháo hoa nhé?

- Tất nhiên, mời bà! - Bác sĩ nói - Bà sao thế? Chạy từ tầng thứ ba lên tầng thứ tám à? Bà muốn làm hỏng tim hẳn. Tắt đèn đi, anh - Bác sĩ đứng ở gần cửa, bảo anh lính thủy - Ta ra bao lơn thôi. Nhưng mặc áo choàng vào. Chưa tạnh hẳn đâu.

Anh lính thủy đứng dậy, tắt đèn. Ở phòng ngoài, anh chào một người đàn bà lạ mặt. Những ngón tay họ chạm nhau trong bóng tối. Người đàn bà sờ soạng tìm thấy tay anh lính thủy và nhè nhẹ nắm lấy.

Họ đi ra bao lơn. Mùi mái sắt ướt và hương thu thoang thoảng. Đầu xuân thường giống thu.

- Này, - Bác sĩ rúm người lại vì nước mưa - rồi sau có chuyện gì xảy ra với cái hộp Kadơbếch của anh?

- Khi tôi tỉnh lại thì cái hộp đã biến mất. Chắc những người tải thương hoặc cô y tá băng bó cho tôi đã vứt nó đi. Nhưng có cái này là lạ.

- Gì vậy?

- Cô ấy... tức là người có địa chỉ ghi ở cái hộp, đã nhận được một bức thư báo tin tôi bị thương. Chính tôi không hề viết cho người đó.

- Chả có gì là lạ - Bác sĩ nói. - Một người nào đó nhặt được cái hộp, thấy địa chỉ, đã viết bức thư ấy. Một câu chuyện hết sức bình thường. Nhưng có lẽ anh thích gán cho việc đó một ý nghĩ thổi phồng.

- Không đâu, tại sao lại như vậy? - Anh lính bối rối - Nhưng nói chung, bức thư nói về tôi đến lúc ấy đã không còn cần thiết.

- Vì sao?

- Ông biết đấy. - Anh lính thủy trả lời sau một phút do dự - Tình yêu giống như gió thoảng. Ban ngày nó từ bờ thổi ra. Không phải hết thảy mọi người đều chung thủy và kiên nhẫn chờ đợi ta như ta muốn.

- Anh nói, như một nhà thơ chính cống. - Bác sĩ nhận xét với một vẻ hài hước.

- Trời! - Thiếu phụ kêu lên - Sao mà ông khô khan làm vậy, bác sĩ!

- Không đâu, thưa bà! - Bác sĩ bực mình.

Lúc đó loạt súng đầu tiên tung lên một ngọn lửa đỏ tươi. Tiếng gầm của đại bác lăn trên những mái nhà. Hàng trăm pháo sáng bay lên, xào xạc trong mưa, trên nền trời đục. Chúng soi sáng thành phố và cung Kremli bằng một ngọn lửa nhiều màu. Pháo sáng phản chiếu trên mặt nhựa đường.

Thành phố vùng thoát khỏi bóng tối trong giây phút. Tất cả những gì mà những người dân ở trên những ngôi nhà cao nhìn thấy hàng ngày vụt hiện ra: cung Kremli, những chiếc cầu rộng, những ngôi nhà thờ và nhà cửa khu phía nam thành phố trên hữu ngạn sông Matxcơva.

Nhưng những cái đó khác hẳn lúc ta thấy chúng ban ngày. Cung Kremli như treo lơ lửng trong không khí và rất nhẹ. Cái ánh loang loang trơn tuột của pháo sáng và mưa sương làm dịu đi những đường nét khắc khổ những ngôi nhà thờ của nó, những tháp thời nông nô và gác chuông Ivan Đại đế. Những tòa nhà đồ sộ mất trọng lượng. Chúng hiện ra như những ánh chớp trong khói thuốc của pháo sáng. Trông như chúng làm bằng đá trắng, được chiếu sáng từ bên trong bằng một thứ lửa hồng.

Khi một ánh chớp tắt đi thì những tòa nhà cũng tắt nốt, y như chính chúng là nguồn sáng của ngọn lửa bập bùng kia vậy.

- Đẹp tuyệt! - Thiếu phụ nói - Tiếc là pháo hoa chỉ có hai mươi bốn loạt chứ không phải một trăm hai mươi bốn loạt.

Thiếu phụ im lặng một chút rồi nói tiếp:

- Xêvaxtôpôn! Anh còn nhớ không, nước ở đấy mới xanh và mới trong làm sao! Nhất là dưới đuôi tàu. Và hương những cây keo khô bị bắn gãy.

- “Anh còn nhớ không” là nghĩa thế nào? - Bác sĩ nói - Bà hỏi ai vậy? Tôi chưa từng đến Xêvaxtôpôn.

Thiếu phụ không trả lời.

- Thế mà tôi thì lại nhớ những cái đó rất rõ. - Anh lính thủy nói - Chị đã ở Xêvaxtôpôn ư?

- Vào khoảng thời gian anh ở đó. - Thiếu phụ trả lời.

Pháo hoa đã hết. Thiếu phụ ra về, nhưng qua mấy phút chị trở lại, kêu nhức đầu, xin bác sĩ Piramiđông(1) rồi lại ra về sau khi bối rối từ biệt mọi người.

Giữa đêm anh lính thủy thức giấc nhìn ra ngoài cửa sổ. Mưa đã qua. Ở những chỗ mây đen bị rách có những vì sao lấp lánh. “Thời tiết thay đổi làm mình đâm ra khó ngủ”. Anh nghĩ. Rồi anh lại thiêm thiếp ngủ, nhưng cái giọng nói kéo dài lại thấy vang vang ngay bên cạnh: “Nước ở đấy mới trong làm sao!”. Và anh lính thủy tỉnh dậy, mở mắt. Tất nhiên, không có ai trong phòng.

Anh đưa tay với hộp thuốc lá trên ghế. Cái hộp rỗng. Anh nhớ ra là anh còn thuốc để trong túi áo choàng. Anh lính thủy ngồi dậy, khoác chiếc áo ngủ vắt trên thành ghế, đi ra phòng ngoài bật đèn. Trên chiếc bàn con, bên cạnh tấm gương, một hộp thuốc lá Kadơbếch rách nát và nhăn nhúm nằm trên chiếc mũ lưỡi trai thủy quân. Một vết đen xóa mất hình ngọn núi tuyết.

Anh lính thủy vẫn chưa hiểu gì hết, cầm lấy cái hộp và mở ra: trong hộp không có thuốc. Nhưng bên trong nắp hộp anh nhìn thấy một địa chỉ quen thuộc do chính tay mình viết. “Nó từ đâu lại đây thế này? - Anh lính thủy nghĩ - chẳng lẽ”. Không hiểu sao anh thấy sợ hãi, tắt ngay đèn và nắm chặt hộp thuốc lá trong tay, trở về phòng. Từ lúc ấy đến sáng anh không tài nào chợp được mắt.

Sáng dậy, anh lính thủy không nói gì với bác sĩ. Anh cạo mặt rất lâu, sau đó tắm nước lạnh và tay anh run bần bật. “Ngốc ____________________________

1. Thuốc cảm, nhức đầu.

thật! - Anh nghĩ - Thế là cái quái gì?”.

Sương mù đẫm nắng nằm trên Matxcơva. Mọi cửa sổ đều mở toang. Cái tươi mát của ban đêm ùa vào những khung cửa sổ ấy. Buổi sáng ra đời trong ánh lấp loáng ẩm ướt của trận mưa vừa qua. Trong buổi sáng này người ta đã cảm thấy trước một mùa hè dài, những cơn mưa rào ấm áp, những buổi hoàng hôn trong suốt, những cánh hoa đoạn bay dưới chân.

Không hiểu vì sao anh lính thủy tin chắc rằng buổi sáng ấy không thể nào khác thế được. Cái im lặng trong bình minh, rất hiếm có ở Matxcơva, không xoa dịu, ngược lại còn làm tăng thêm nỗi bối rối trong lòng anh.

- Thật ra thì thế là cái quái gì? - Anh lính thủy lẩm bẩm. - Nói cho cùng những trường hợp như vậy không phải là không có trong cuộc đời.

Anh đoán là thiếu phụ nọ chắc đã làm y tá ở Xêvaxtôpôn, người đầu tiên đã băng bó cho anh, thấy cái hộp có địa chỉ và đã viết bức thư cho cô ta, một người đàn bà khác, người đã quên anh thật là dễ dàng và nhanh chóng. Hôm qua chị nghe được câu chuyện của anh, nhận ra anh và cố ý mang cái hộp Kadơbếch đó tới.

“Ờ, nhưng chị ta giữ nó làm gì? Tại sao lại chẳng nói gì cả? Tại tuổi trẻ đây. - Anh quyết đoán như vậy - Chính mình cũng thích những điều bí ẩn kia mà. Thế nào cũng phải đến thăm chị ta và cám ơn mới được”. Nhưng cũng ngay lúc đó anh chợt hiểu rằng cần phải có một dũng cảm phi thường mới có thể ấn tay lên nút chuông điện ở cửa phòng thiếu phụ và chưa chắc anh đã dám làm chuyện đó.

Một giờ sau anh lính thủy từ biệt bác sĩ. Lúc xuống thang, anh đi rất chậm. Ở tầng thứ ba anh dừng lại. Có ba cánh cửa trông ra đầu cầu thang.

Anh lính thủy thấy nhẹ người khi nghĩ rằng anh đã không hỏi bác sĩ tên họ thiếu phụ và phòng ở của chị. Mà hỏi thế cũng không tiện. Còn bây giờ thì không thể nào bấm cả ba cái chuông liên tiếp để hỏi một người mà mình không biết tên.

Giữa lúc đó anh nghe thấy một giọng nói quen thuộc đằng sau một cánh cửa “Một giờ nữa tôi sẽ về, Masa à. Đêm qua tôi khó ngủ. Ở đây ngột ngạt quá. Tôi ra sông đây”.

Anh lính thủy chợt hiểu rằng, ngay bây giờ đây, ngay phút này thôi, thiếu phụ sẽ ra và sẽ bắt gặp anh ở đầu cầu thang. Anh lao lại cánh cửa và tim đập thình thình, anh bấm chuông.

Cánh cửa mở ra tức khắc. Sau cánh cửa là thiếu phụ hôm qua. Gió từ trong cửa thổi ra làm bay tà áo nhẹ của thiếu phụ và làn tóc của chị.

Anh lính thủy yên lặng. Thiếu phụ bước ra, đóng cửa lại, cầm lấy tay anh và nói:

- Ta đi thôi. Tôi sẽ tiễn anh.

- Tôi muốn tới cảm ơn chị - Anh lính thủy nói - Chị đã cứu tôi ở đó... ở Xêvaxtôpôn. Và chị đã gửi theo địa chỉ ấy một bức thư...

- Và hình như tôi đã làm một việc vô ích? - Thiếu phụ mỉm cười - Anh không giận tôi đấy chứ?

Họ xuống thang. Thiếu phụ buông tay anh lính thủy, sửa lại mái tóc.

- Vì sao kia? Anh lính thủy hỏi - tất cả những cái đó thật kỳ lạ. Và thật là tốt đẹp...

Thiếu phụ dừng lại, nhìn thẳng vào mắt anh.

- Đừng xúc động, anh - Chị nói khẽ - Dù tôi có nói gì cũng thế thôi. Chính tôi cũng xúc động chẳng kém gì anh.

Họ ra bờ sông và dừng lại bên cái lan can bằng gang. Cung Kremli với những bức tường màu hồng sáng lên trong sương mù buổi sớm.

Thiếu phụ lấy tay che mắt và nín lặng. Anh lính thủy nhìn bàn tay chị và nghĩ rằng có lẽ máu anh đã giây trên những ngón tay kia. Trên những ngón tay dịu dàng và nhỏ nhắn.

Thiếu phụ vẫn để nguyên tay trên mắt, nói:

- Không bao giờ em tin rằng cái đó lại đến... ngay tức khắc như vậy... , rằng em lại còn được gặp anh lần nữa, sau Xêvaxtôpôn.

Anh lính thủy cầm lấy tay chị. Anh hôn bàn tay nhỏ nhắn và khỏe mạnh đó, không chú ý gì đến những người đi qua. Họ đi ngang hai người, giả tảng như không trông thấy gì hết. Chỉ mãi sau khi đi đã xa, họ mới vụng trộm nhìn lại và mỉm cười ngượng nghịu.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87033


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận