Mấy lần tôi định tung mền ngồi dậy, giở chân bước đến chỗ vợ. Khoảng cách rất gần, chỉ mấy bước chân.
Hai ngày trước, lúc vợ chồng tôi đến khách sạn ẩn mình dưới rặng thông này, mưa còn to hơn. Mưa xối ào ào khiến chúng tôi phải ngồi trong taxi, nhìn màn nước trắng xóa qua màn kính, đợi nhân viên khách sạn giương dù chạy ra đón.
Dù với loại dù tán rộng chuyên dùng của khách sạn, mưa vẫn táp vào phần dưới chiếc váy nàng mặc, còn ống quần và đôi giày tôi đẫm nước. Sau khi cởi bỏ những thứ ướt lướt thướt, chúng tôi chui vào chăn và ủ cho nhau... Khi rời ra sau giấc ngủ khá say, tôi bước lại cửa sổ, chỗ nàng đang đứng, mở cửa sổ, châm thuốc hút. Từ cửa sổ, dù vướng phải những tàn cây xanh thẫm dềnh dàng, cũng dễ dàng nhìn thấy con đường uốn lượn bên dưới và nhận ra phía bên kia đường thấp thoáng những ngôi biệt thự kiểu xưa, im lìm trong mưa.
Mưa làm cảnh vật mềm lả và thanh vắng, thỉnh thoảng mới nghe tiếng còi xe. Những tiếng còi thanh mảnh trượt dài theo sườn dốc, mất hút. Mưa khiến vợ chồng tôi ở rút trong phòng. Ăn sáng trưa chiều, kể cả mấy bông hồng vàng cắm trong lọ đặt trên bàn cũng được nhân viên phục vụ mang đến. Mưa như che lấp mọi thứ, kể cả mặt trời cũng lẩn khuất đâu đó sau trập trùng đồi núi nhưng mặt mũi vợ tôi thì tươi tỉnh hẳn lên.
Lâu lắm rồi tôi mới thấy vẻ rỡ ràng trên gương mặt vốn ảo não của vợ. Nàng tỏ ra thích thú trước những cơn mưa dai dẳng. Nàng nói: “Mưa vầy mới thích, em ghét kiểu mưa chợt đến chợt đi ráo hoảnh kiểu mưa Sài Gòn”. Vẻ mệt mỏi chán chường thường ngày của nàng như được những cơn mưa dai dẳng gột sạch. Như một ả mèo lười, nàng rúc vào chồng. Tôi ngỡ ngàng trước cử chỉ âu yếm mà đã lâu tôi không có được. Nàng ôm riết tôi: “Em yêu anh!”. Câu nói cũ xưa sáo mòn trong không gian tràn ngập sự nâng niu dịu dàng khiến tôi cảm động. Tôi dụi đầu vào ngực nàng, hít hà mùi thịt da quen thuộc, thấy xao xuyến như lần đầu tiên được nghe lời yêu đương bật ra từ môi nàng. Tôi hôn nàng. Rồi ghì chặt nàng. Tôi chợt thấy phút giây trọn vẹn dành cho nhau dường như chẳng được là bao dù đã sống bên nhau từng ấy năm. Thấy phí uổng những ngày dài tháng rộng, uổng cho những dự tính trên mây, thấy những ảo tưởng, những va chạm mài mòn cảm xúc, thấy thân thể nàng chưa bao giờ nồng nàn đến vậy.
Tuy nhiên, đến đêm thứ hai có gì đó trục trặc giữa chúng tôi. Lúc vờn nhau, tôi cù nách nàng. Nhột, nàng cười thành tiếng. Tiếng cười khanh khách của nàng khiến tôi cụt hứng và chút gì đó như tẽn tò, hờn dỗi. Thay vì kéo nàng sát lại, tiếp tục khúc dạo đầu dở dang, tôi lại đẩy nàng khỏi ngực mình, nằm ngãng ra. Nàng thở ra rõ tiếng và cũng quay lưng lại tôi. Đường cong, mùi hương thân thể nàng, cả sự hụt hẫng bất chợt từ nàng cũng không kéo tôi nhích lại gần hơn.
Mưa tiếp tục rơi đều đều trên mái ngói âm dương. Âm thanh đơn điệu ấy lại khiến tôi chú ý, ngăn trở sự tập trung vào việc mà bất kỳ thằng đàn ông nào cũng không thể lảng tránh, là yêu vợ bằng tất cả cơ thể khỏe mạnh của mình. Tôi nằm thẳng đuột, dỏng tai. Trong mưa, hình như có vô số cơn gió rượt đuổi. Và kéo theo những cơn gió rùng rùng là vô số âm thanh. Tiếng va chạm. Tiếng xô đẩy. Tiếng lào xào, rền rĩ. Hình như đâu đó xa xa có dòng suối hay ngọn thác đổ rầm rì. Rồi những tiếng rít kéo dài, rờn rợn, sau đó là tiếng rơi. Những tiếng rơi không trơn tru. Nó nhùng nhằng, vướng víu. Và đâu đó, lúc xa lúc gần, những âm thanh run rẩy giãy giụa của những vật thể có trọng lượng khác nhau mà tôi mường tượng là những vạt đất sụt lở, trái chín lìa cành, những chùm quả bị bứt rời, những cành cây bị bẻ gãy...
Vợ tôi bất ngờ dịch sát vào tôi. Nàng choàng tay qua người tôi, bấu vào sườn tôi. Tôi quay lại, ôm nàng. Tôi vỗ về và gắng sức chiều chuộng nàng trong tiếng mưa rả rích. Nhưng, nàng không còn là người đàn bà nồng nhiệt của đêm trước. Như kẻ dầm mưa quá lâu, nàng trở nên lạnh lẽo. Thân thể nàng đơ ra như một cành khô. Nàng lập cập thì thào “Em sợ!”. Cũng thành kẻ bị tạt mưa, tôi thấy lạnh. Cơn lạnh rân rân, từ thịt da chạy dọc theo sống lưng lần đến tứ chi. Hình như tôi cũng đang sợ. Sợ nỗi sợ của nàng. Nhìn nàng trơ lạnh, tôi rùng mình chợt nhận ra, dù tôi có đưa nàng lên tận cung trăng (chứ không chỉ tạm thời chạy trốn cái ồn ào nghẹt thở của thành thị) thì nỗi sợ vẫn bám theo nàng.
*
* *
Cho tới giờ, tôi cũng không rõ nỗi sợ trong nàng bắt đầu từ đâu và từ lúc nào. Như bóng tối, nó luôn lẩn khuất. Và cũng như bóng tối, nó không ngừng hiện diện. Thời gian đầu, tôi cho là nàng bày trò nhõng nhẽo và hành tôi bằng mớ tưởng tượng phong phú bất bình thường. Tôi thường gạt qua một bên những lời thủ thỉ kể lể của nàng. Nhiều lần tôi còn nổi giận, nặng lời. Nàng lặng lẽ khóc, lặng lẽ chịu đựng và lặng lẽ sợ.
Nỗi sợ đột ngột phình to khi nàng biết mình có thai. Nàng gần như không ăn không ngủ. Cho đến một hôm, tôi còn nhớ rõ, cũng là một chiều mưa tầm tã kéo dài hàng giờ, kèm theo âm thanh gầm rít của gió dông. Xe tôi tắt máy giữa đường, phải đẩy xe lội bì bõm qua bao đường phố ngập lênh bênh. Khi về được đến nhà, mở cửa vào, tôi thấy nàng ngồi rúm ró trong ngôi nhà mất điện. Nghe tiếng khóc, tôi cúi xuống nâng mặt nàng lên. Nàng ôm chân tôi, khóc ròng. Nàng vừa khóc vừa van xin tôi hãy bỏ cái thai đã hơn một tháng trong bụng. Nàng nói: “Em sợ” rồi nghẹn lời.
Khi bình tâm lại, nàng cho tôi biết là nàng có thai trong thời gian dùng thuốc ngủ. Tôi hết sức bất ngờ vì quả thật tôi không rõ nàng dùng thuốc ngủ khi nào, bởi chưa lần nào tôi nhìn thấy nàng bỏ viên thuốc vào miệng và cũng chưa nghe nàng ca cẩm về chứng khó ngủ. Tôi vẫn thấy nàng bình yên ngủ ngon bên tôi, nhiều khi tôi phải đánh thức nàng dậy vì sợ trễ giờ đi làm của tôi. Nhưng cũng lúc đó, tôi lại không thấy lo cho nàng hay cho đứa con đang tượng hình mà lại lo cho gã đàn ông làm chồng đang bị con đàn bà làm vợ qua mặt, hay ít ra cũng đang có nguy cơ đó.
Một ý nghĩ chợt đến: “Biết đâu... cái bào thai...”. Tuy nhiên, tôi cũng còn tỉnh táo để nhận ra mình vô lý, liền gạt bỏ ý nghĩ điên rồ thoáng đến. Nhìn vào đôi mắt sưng vù của nàng, tôi hỏi: “Còn điều gì anh không biết về em?”. Nàng không để ý câu hỏi xách mé gay gắt của chồng. Nàng bấu chặt cánh tay tôi: “Nhiều giấc mơ khiến em...”. Rồi khó nhọc lắm nàng mới cho tôi biết về những cơn mơ đầy ám ảnh. Thường là những hình ảnh vẹo vọ méo mó về đứa con tương lai. Cả tiếng khóc của nó nàng nghe cũng không bình thường. Thanh đới của nó hình như rách tả tơi, âm thanh cứ nghẽn lại. Tôi không chịu nổi: “Em dẹp ngay ba cái thứ mộng mị điên khùng đó đi!”. Nàng câm lặng một hồi rồi lên tiếng, lý giải về căn nguyên những giấc mơ.
Cách giải mã của nàng khác với những hiểu biết từ trải nghiệm, từ sách vở. Nàng chỉ dựa vào trực giác, vào linh cảm. Nàng nói đi nói lại rằng, nếu không dùng thuốc ngủ có lẽ nàng không mơ thấy những điềm gở. Nàng sợ thuốc ngủ sẽ khiến đứa con thiếu một con mắt hoặc không có mắt. Nàng nói: “Em không cam tâm nhìn con chịu cảnh mù lòa”. Tôi cố thuyết phục, cả những người thân và ông bạn bác sĩ đều cố thuyết phục nàng bằng những lập luận khoa học nhưng vô ích. Nàng đặt trước mặt tôi mấy lọ thuốc Seduxen rỗng ruột. Sau đó nàng chuẩn bị mọi thứ cần thiết bỏ vào một chiếc túi xách, rồi khăng khăng bảo tôi đưa đến bệnh viện. Tôi còn ngần ngừ thì nàng đã bấm điện thoại gọi taxi.
Lúc bước ra từ phòng sinh đẻ kế hoạch của bệnh viện phụ sản, nàng thất thần như một cái xác. Khi cơ thể bình phục, nàng trở nên trầm uất. Nàng lặng lẽ tự dằn vặt. Nàng tự tách mình, cách biệt, không chỉ đối với người thân mà còn với cả người đầu ấp tay gối. Nhiều lần ôm chặt chiếc gối vào lòng, nàng khóc nghẹn. Nàng bảo có thể đứa con đã mất của chúng tôi không khiếm khuyết, không tật nguyền. Có thể đứa bé đã chòi đạp trong bụng, đã làm nàng đau và nàng đã biết thế nào là nỗi đau chửa đẻ. Nàng nói: “Con mình giờ chắc đã nói bi bô, đã chập chững...”. Nàng có một chuỗi hình dung về dáng dấp điệu bộ, tiếng nói tiếng cười tiếng khóc của đứa con mà chúng tôi đã khước từ.
Qua cái cách nàng biểu đạt ngập ngừng, run run đầy xúc cảm, tôi lờ mờ đoán được một tình yêu đặc biệt lạ lùng mà nàng dành cho đứa con không còn nữa của mình. Và không thể có được điều mình muốn, đã khiến nàng rơi vào trạng thái bất an. Sự bất an đã đem cái ảo giác tai họa đang rình rập đâu đó. Có những đêm chỉ cần nghe tiếng còi xe cứu thương, cứu hỏa hay cuộc ẩu đả huyên náo dưới đường là nàng bật dậy, rời khỏi giường, sau đó đi đi lại lại và thức trắng.
Trong một thời gian dài, trí não nàng như được kéo căng quá mức, còn trái tim thì co bóp thất thường. Để bù đắp những hụt hẫng mất mát, tôi làm mọi cách để chia sẻ, gần gũi nàng. Nhưng từ nàng, trong nàng, có một phản lực nào đó hướng về tôi. Nàng nói: “Nhiều lúc em thấy con nằm giữa em và anh”. Tôi tìm cách đẩy nỗi ám ảnh đó ra khỏi giường ngủ bằng nỗ lực tìm một đứa con khác. Nhưng lần nào cũng vướng phải một sự cố bất thường nào đó. Lúc thì nàng lỡ uống thuốc nhức đầu hoặc viên cảm cúm, lúc thì tôi có bia rượu, hoặc chúng tôi ân ái một cách chiếu lệ, thiếu nồng nàn, mà nàng tin đứa con kết tinh trong tình huống như vậy sẽ không có bước chân vững chãi trên mặt đất, sẽ hờ hững với hết thảy.
Đứng bên cửa sổ trông nàng vẫn thật đẹp trong chiếc áo ngủ hở lưng màu đen. Mái tóc ngắn để lộ cái cổ trắng thanh, cái lưng thon, đôi vai mảnh, đôi chân dài nuột nà. Tôi nhớ tuần trăng mật, chúng tôi cũng ở trong khách sạn này nhưng không phải căn phòng này, cũng không phải trong không gian lạnh lẽo này, dù trời cũng lất phất mưa. Lúc đó chúng tôi ở trong một không gian tinh khôi, không vướng bận bất cứ gì, kể cả nếu trời có sập. Chúng tôi háo hức, đắm say. Nàng mặc chiếc áo ngủ màu thiên thanh, mỏng tanh. Nàng hớn hở hồn nhiên, mở tung cửa sổ, kéo tôi lại, chỉ tay về phía khóm hoa tim tím trên mặt đất mà tôi không rõ hoa gì. Khóm hoa nằm bên dưới cửa sổ, nằm bên trong mái ngói âm dương, vô sự trước mưa gió. Nàng kiễng chân lên: “Anh xem, em cũng giống hệt đám hoa dưới kia, có một mái che vững chãi là anh”. Nàng nói, rân rấn nước mắt. Tôi nhớ tôi đã nhấc bổng nàng lên. Tôi cũng còn nhớ cả cái cảm giác hạnh phúc của một thằng đàn ông khi được yêu thương và tin cậy.
*
* *
Nàng vẫn đứng bên cửa sổ, lùa tấm rèm lại rồi kéo dây cột thắt lại ở quãng giữa. Trời vẫn mưa. Những hạt nước bay xiên xiên. Không gian vẫn xám xịt mặc cho những cơn gió không ngừng vờn đuổi. Chợt nàng cúi chồm ra phía trước, đưa tay hứng mưa. Mưa ướt đẫm bàn tay, ướt cả cánh tay nàng, nhỏ ròng ròng từ chỗ cùi tay. Nhìn chếch từ sau lưng nàng, tôi không thấy được gương mặt nàng nhưng tôi biết, nàng đã vĩnh viễn mất đi sự thích thú khi nhìn mưa và cũng không còn được xúc cảm hồn nhiên để có thể tham gia vào trò chơi bất tận của đất trời, bởi cái điểm tựa yêu thương trong nàng dường như đã bật gốc, bổ nhào. Khoảnh khắc hồn nhiên nồng nàn còn sót lại trong nàng chỉ chợt lóe lên trong đêm mưa hôm trước rồi lịm tắt, mà tôi, một kẻ không có tấm lưng đủ dài, đôi vai đủ rộng để chở che, một kẻ yêu thương nửa vời, kẻ bước thấp bước cao trên mặt đất, kẻ hững hờ, vô tâm, đã hàm hồ dìm tắt.
Nàng vẫn chôn chân bên cửa sổ. Mưa vẫn bay xiên. Tiếng cành gãy nghe răng rắc. Gió vẫn vờn đuổi...
Chợt ngực nàng ưỡn về phía trước, đôi bàn tay khi úp khi ngửa, rồi nàng nhón gót kiễng chân lên...
Một giây, hai giây, rồi nhiều giây, nàng vẫn ở trong tư thế nhón gót và kiễng chân, như thể nàng muốn thoát ra, bất chấp những chấn song cửa sổ, bất chấp bên ngoài đang mưa dông. Tôi tung mền, muốn kéo nàng lại, muốn gọi nàng nhưng đôi chân tôi nặng như chì, không sao nhấc lên được, còn môi miệng thì khô khốc, không thốt ra lời.
Một hồi sau, tôi mới rời được giường ngủ, cầm bật lửa, rút một điếu thuốc. Tôi bật lửa liên tục mấy cái. Lưỡi lửa khè ra suýt bỏng mấy đầu ngón tay tôi. Tuy nhiên, tiếng bật lửa, tiếng rít thuốc, cả khói thuốc từng cuộn bay lên cũng không làm nàng bận tâm. Trong tư thế ấy, trong nỗi phấn khích lạ thường ấy, dường như không một tiếng động nào, kể cả khi tôi có bị sét đánh, lăn đùng ra sàn nhà giãy giụa cũng không chạm được nàng và không thể ngăn trở ước muốn được một mình, được khước từ, được dửng dưng với tất cả, ngoại trừ... hình ảnh về đứa con đã có thể bi bô gọi mẹ gọi cha.
Tôi dụi thuốc. Dù không bất ngờ nhưng vẫn chới với. Tôi rơi vào trạng thái tồi tệ của một kẻ bị bỏ mặc, một kẻ không cần cho ai, một kẻ vô dụng như bao kẻ vô dụng mà tôi vừa coi thường vừa thương hại. Trong một thoáng, tôi muốn tôi gạt phắt mớ tự ái vớ vẩn, mớ sĩ diện phù phiếm qua một bên, bước đến bên nàng, choàng tay ôm nàng hay chỉ lặng lẽ đứng bên cùng nàng nhìn mưa... Biết đâu có thể lấp được cái khoảng trống mênh mông trong tôi trong nàng.
Chỉ mấy bước chân...
*
* *
Nhưng khoảng cách giữa chúng tôi dường như không chỉ là mấy bước chân. Cũng không phải những đám khói thuốc vấn vít hay màn nước trắng xóa gió mưa mà là một vách ngăn vô hình. Cái vách ngăn không rõ hình hài đó đã khiến tôi không thể bước đến bên nàng và nàng cũng đang lạc mất tôi rồi.
Giữa chúng tôi còn có đứa con bị khước từ, đứa con chưa rõ hình hài nhưng có thể có đôi mắt thật sáng, một đôi mắt lóng lánh mưa...
Cả mấy bông hồng vàng mà nàng ưng ý dường như cũng chỉ còn hiện diện bằng mùi hương. Nhập nhòe, nhập nhòe... Bước chân tôi chệch về phía hương hoa, phía không có nàng. Phía không có tiếng bi bô...
Những bước chân khập khễnh trên sàn gỗ.
*
* *
Và nàng, có lẽ cũng không một lần quay về phía tôi. Trước mắt nàng, trong nàng, dường như chỉ có mưa.
Chỉ còn những chiêu dụ ma quái của mưa cùng nỗi sợ với những hình hài ẩn hiện.