Chỉ Để Bay Qua Một Bình Minh Chương 11


Chương 11
Người đi bỏ mặc nhân gian

Có người bảo hắn ở bên kia sông. Người thì nói cứ dăm bữa nửa tháng lại gặp hắn ở dưới bến đò. Một thiếu nữ khẽ khàng kể lại rằng sáng nay đi bẻ ngô sớm ở cánh bãi đã gặp hắn đi lên từ phía bờ sông. Một đứa trẻ chín tuổi hào hứng khoe lúc trưa thấy ông ấy ngồi bệt ở dưới chân đê, mắt cứ nhìn trừng trừng về phía cánh đồng. Còn một thanh niên thì thầm ra chiều quan trọng: Tầm bốn rưỡi năm giờ thấy ông ta có biểu hiện khác thường, mắt đờ đi, mồm chảy dãi, hai tay cứ huơ lên phía mặt đê, như muốn gọi, muốn kêu điều gì đó... Ngay lập tức có một tiếng gắt: Tại sao khi ấy không giúp người ta để bây giờ đến nông nỗi này? Người thanh niên gắt trả: Thì ai biết đấy... Một câu hỏi xen vào: Phải làm thế nào bây giờ?... Đột nhiên tất cả đều im lặng. Hắn nằm co quắp trên cỏ. Mắt nhắm nghiền. Mồm chảy nhớt. Nhịp thở không đều. Xung quanh mọi người nhìn hắn chăm chú. Hắn không hề biết... Bất ngờ có người đề xuất đi báo xã. Vài tiếng lao xao hỏi báo cho ai được. "Cứ ra ủy ban. Gặp ai báo nấy”. Người thanh niên được ủy thác chạy vù đi. Có ai đó chạy xuống kênh xấp chiếc khăn đội đầu lên lau mặt cho hắn. Những tiếng chép miệng, những cái lắc đầu, những tiếng thở dài lo ngại.

 Hoàng hôn đã qua. Xóm làng lên điện. Hôm nay ít gió. Trời oi. Người ta có vẻ oải mệt. Cái vòng người vây quanh kẻ xấu số đã thưa dần. Nửa tiếng sau mới được bổ sung thêm.

 Phải mất ngót nghét một giờ đồng hồ mới có tiếng một ông xã vang lên: Bà con tránh ra nào. Cái vòng tròn dãn ra. Tiếng xì xào vẫn tiếp tục nổi lên. Ông xã một tay cầm đèn pin khom người cúi nhìn cho rõ kẻ lạ mặt. Không ai nói gì, đợi lời phán quyết của ông ta. Khoảng năm phút sau ông ta mới ngẩng lên thở dài một cái: Anh ta chưa chết. Nhưng đã mệt lắm rồi. Có lẽ sẽ không sống được bao lâu nữa. Mọi người im lặng. Ông xã đột ngột hỏi: Có ai biết tung tích người này không? Trong bóng tối, thảy đều lắc đầu. Ông xã ngán ngẩm: Thôi. Để tôi về bàn với anh em. Bà con, ai rảnh rỗi đứng đây coi anh ta một lát.

 Thời gian không chờ. Cũng không vì một kẻ nào đó mà phải dừng lại. Cho nên không gian bây giờ đen kịt. Sao nhấp nháy như tỷ con mắt sáng nhìn cõi nhân gian. Cuộc bàn bạc của mấy ông xã sao mà lâu quá thế? Làm nản lòng kẻ không kiên trì. Vậy nên bây giờ bên hắn, chỉ có một cụ già không nỡ bỏ đi. Bên cụ, may thay, kẻ nào đó để một chiếc đèn chạy bằng a - xít. Cụ ngồi bó gối, im lặng, dõi mắt vào đêm. Tiếng côn trùng rỉ rả sốt ruột. Bà cụ cứ liên tục cất tiếng thở dài... Cụ không biết rằng cách đó chừng hai cây số người ta đang tranh cãi gay gắt mà không tìm nổi một biện pháp giải quyết đối với kẻ xấu số. ý kiến đưa hắn về trạm y tế cứu chữa bị gạt phăng đi với lý do nhỡ anh ta chết thì sao? Thì chôn! Không đơn giản! Chôn người không rõ tung tích sẽ gặp phải bao điều phiền toái. Mà chôn thì cũng phải mất tiền mua ván, chi công... Biết lấy từ khoản nào? Chưa kể trên đất làng xã bỗng có một nấm mồ vô chủ - lành dữ ra sao? Thôi, cứ đưa hắn đi cho gọn. Đưa đi đâu?... Cuối cùng có một ý kiến “sắc sảo” đã được sự ủng hộ của mọi người: Thuê một cái xe bò chở anh ta đi, cho vào trạm xá D - T... Nếu không xong? Chở anh ta về chỗ ngã ba rẽ về ba xã. Nếu phải làm ma thì cả ba đều phải có trách nhiệm. Anh an ninh viên ở xóm bờ sông được phái đi làm nhiệm vụ...

 

*

*      *

 

 Mười một giờ đêm.

Ông xã cùng ba an ninh viên đi kèm một người đàn ông kéo xe bò đứng ở trên đê. Cụ già hỏi: Làm sao bây giờ ông xã? Bà yên trí. Chúng tôi tính toán cả rồi. Bây giờ đưa ông ta đi chữa đây. Cảm ơn bà đã trông nom anh ta. Thôi. Khuya rồi. Bà về ngủ đi.

Cụ già lặng lẽ chống gối đi lên đê. Ông xã sai khiến mấy thanh niên. Họ khiêng hắn lên đê. Đê vắng tanh vắng ngắt. Họ đặt hắn vào trong xe bò rồi phủ rơm lên. Xong xuôi ông xã nói: Nào. Bây giờ đến phần việc của anh. Ông cứ yên tâm. Tôi sẽ làm đúng lời các ông. Chỉ mong các ông thanh toán ngay cho. Ông xã vỗ vai dễ dãi: Không phải lo chuyện đó. Cứ xong việc là có tiền.

 

*

*      *

 

Hôm nay mình đi chở thuê cả ngày. Đang là mùa thu hoạch ngô ngoài cánh bãi. Ngô già cần nắng. Bà con thu hoạch rất vội. Phải chạy đua với thời gian. Trồng ngoài cánh bãi không thể nào chậm trễ được. Nước muộn nước sớm tùy năm. Không mau lẹ, nước lên sớm, thu hoạch vừa khổ mà hạt lại dễ bị mốc, bán sẽ mất giá.

 Cả ngày mình làm hầu như không nghỉ. Phải tranh thủ thôi. Ngày mùa bận rộn nhưng chẳng mấy tí. Mai kia rỗi rãi có đi gạ cũng chẳng có việc mà làm. Tính ra ngày công cao ra phết. Dân chạy xe công - nông biết được chắc hẳn phải ghen tị.

Nhưng mà mệt. Con bò già sủi cả bọt mép. Mình cũng run lẩy bẩy. Có lúc tưởng không bước nổi. Nhưng cứ phải cố. Mình đang cần tiền. Cả hai mẹ con nó đang ốm. Mà thuốc thì đắt quá. Thực phẩm cũng chẳng rẻ. Cả một đoàn tàu há mồm trông cả vào mình và con bò. Mình mà không cố thì cả nhà chết đói.

 Nhưng mình thấm mệt. Cả con bò cũng vậy. Nhưng mình rất vui. Ngày mai cả nhà sẽ có một bữa ăn tươi...

 Thời sung sức của mình chắc đã qua rồi. Tiếc thật. Trước đây mình đã vung phí bao nhiêu sức lực vào những trò vô ích. Nhưng cuộc đời chả biết thế nào. Làm nhiều lại tiêu nhiều. Kiếm dễ thì tiêu dễ. Ôi cái thời trẻ trai - cái thời dễ kiếm tiền đã qua rồi, qua thật rồi...

 Được cái các con mình rất ngoan. Thấy mình đi làm về mệt, chúng săn đón chào hỏi chăm sóc. Đứa lấy quần áo. Đứa cầm khăn mặt. Đứa mang đôi dép. Vợ mình cũng dịu dàng hơn mọi ngày. Đã lâu rồi mình mới được một lời nói ngọt. Vợ mình bảo mình đi tắm đi cho khỏi mệt rồi về ăn cơm kẻo đói. Vợ mình còn sai đứa nhỏ đi mua rượu... Ước gì không khí gia đình cứ được như thế mãi. Thì mình dù có mệt đến bao nhiêu cũng cố. Vợ mình ngày xưa cô ấy đẹp - đẹp lắm - lại ăn nói dịu dàng dễ nghe chứ đâu có như bây giờ.


Kể cũng tội. Chỉ tại chúng mình nghèo. Chỉ tại
đông con...

 Hắn vừa cặm cụi kéo xe vừa nghĩ ngợi miên man. Đêm thì đen mịt mùng. Thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng chó sủa. Sao đêm rụng dần. Một khuya tháng năm thanh vắng lạ thường. Đến gió cũng chỉ là gió mồ côi. Lưng áo hắn ướt đẫm. Mồ hôi trán vã ra, chảy cả vào mắt gây xót, khiến hắn có lúc phải dừng lại đưa vạt áo lên dụi dụi. Bánh xe bò khô dầu thỉnh thoảng lại rít lên khe khẽ...

Tối ăn cơm mình thấy ngon miệng. Vợ biết mình làm mệt đã tìm mua được mớ cá, chục đậu. Có chén rượu dẫn đường, mình ăn không biết no. Vợ mình cứ luôn tay gắp thức ăn cho mình. Mình đã phải gắt lên rằng mình và các con ăn đi sao cứ nhường tôi thế này. Vợ mình nhỏ nhẹ mình làm mệt mình ăn đi cho có sức mẹ con em chẳng làm gì ăn thế nào cũng được. Mình nhìn cô ấy thấy cô ấy nhìn mình mỉm cười. Mình đang cắn dở cái đầu cá đã phải dừng lại buông bát và chẳng hiểu sao mình lại khen cô ấy. Mình ạ, hôm nay tôi thấy mình đẹp biết bao, y như hồi mới yêu nhau ấy... Vợ mình đã khẽ lườm mình (mình biết là cô ấy lườm yêu lườm quí chứ không như mọi lần là sự chì chiết bực ghét), hứ một tiếng, nói lảng. Mình uống thêm cốc rượu nữa. Mà kì lạ, rượu hôm nay cũng ngọt quá, dễ uống quá, dễ say quá, mới có ba chén mà người cứ thấy lâng lâng rạo rực... 

 Rồi mình lên giường nằm. Cả một ngày làm việc mệt quá, lại có tí men, mình thiếp đi lúc nào không biết. Giá cứ như thế, không ai động đến mình, có lẽ mình đã làm một giấc đến sáng. Ai dè mình đang ngủ ngon thì vợ mình vào lay vai mình dậy. Mình càu nhàu vài tiếng gì đó. Vợ mình kiên nhẫn với mình, lấy giọng như ban tối bảo mình mấy anh ở xã có một món bở muốn thuê mình chở. Mình ngáp một cái khẽ nói giờ này khuya rồi còn chở chiếc gì nữa. Vợ mình bảo nhưng mà món bở lắm mình hãy cố gắng một tí. Mình hé mắt nhìn vợ hỏi bở là bao nhiêu. Chắc mắt vợ mình sáng lên, mình không thấy, chỉ nghe thấy tiếng thì thầm: Các anh ấy hứa sẽ trả cho mình hai trăm năm mươi nghìn vào ngay khi xong việc. Mình bật ngay dậy hỏi dồn, hả, cái gì mà trả những hai trăm rưởi? Vợ mình khẽ lắc đầu đáp tôi không biết nhưng chắc chẳng phải hàng lậu đâu mà lo. Thấy mình chần chừ vợ mình liền thuyết phục, thôi mình cố gắng một chút, tôi biết mình mệt rồi, đêm đã khuya mình cần ngủ để lấy lại sức, nhưng mà món này bở quá, không làm cũng phí, mình hãy cố, rồi sáng mai về ngủ bù, mai mình không đi chở ngô thuê nữa, mình nghỉ nửa ngày, có hai trăm rưởi rồi, đủ tiền thuốc cho con rồi, mình, mình nghe em...

 Chả mấy khi mình còn được nghe những lời ngọt như thế, vả lại vợ mình nói đúng cả, thế là mình xiêu theo. Mặc vội quần áo, đầu trần chân đất mình đi ra xe. Ra chuồng bò thấy bò nằm im chứ không mừng chủ như mọi lần. Chắc là cu cậu mệt rồi. Cả một ngày kéo xe quần quật còn gì. Mình động nhẹ. Nhưng chỉ thấy nó thở phì một cái. Cỏ non mà bỏ thừa quá nửa. Nghĩ cũng tội. Đêm tăm thế này còn phải đi nữa. Mình còn có con cá chén rượu rước sức chứ nó thì chỉ có nắm cỏ tươi. Làm thân con bò cực thật...

 Mình cởi thừng dắt bò. Nhưng con bò cứ nằm im không nhúc nhích, chỉ thấy miệng thở phì phò. Mình đâm ra lưỡng lự. Hay là thôi?... Mình quay ra sân bảo vợ, con bò nhà mình mệt lắm rồi, không kéo được nữa đâu. Vợ mình bảo mình cứ thúc nó dậy, để nó cố một tí, các anh ấy bảo nhẹ thôi mà, có khi một người kéo cũng nổi. Mình nghĩ một lúc rồi bảo vợ, thế thì để tôi đi kéo một mình cũng được, cho nó nghỉ một chút, cả ngày hôm nay kéo chục tấn hàng rồi, cần câu cơm của cả nhà mình đấy, nó mà gục thì treo miệng hết... Vợ mình bảo nhưng mình cũng mệt rồi, mình mình kéo làm sao được. Mình cúi xuống kéo xe. Vợ mình hỏi hay tôi đi với mình? Mình bảo không, mình ở nhà với thằng nhỏ, vả lại mình cũng đang ốm. Vợ mình hỏi, hay để tôi bảo thằng lớn đi với mình? Mình bảo thôi, để cho các con ngủ, mình tôi làm được, mình cứ yên tâm, vào với con đi kẻo nó thức bây giờ... Khi mình kéo xe đi mình nghe rõ tiếng vợ mình thở dài... Bất giác mình cũng thở dài... Cắm cúi kéo xe đến chỗ hẹn, cố gắng không nghĩ một cái gì cả. Mấy anh xã đợi mình đã mỏi, bảo mình ôm một ít rơm ven đường cho vào xe. Rồi mới nói cho mình rõ thứ mình phải chở...

 Xe đi vào ổ gà, khẽ chồm lên làm hắn cũng hơi loạng choạng. Rõ ràng là hắn vẫn mệt. Miệng hắn khẽ hộc một tiếng rồi hơi thở phì phò như trâu kéo ruộng giữa trưa hè. Hắn lại cong người, miết chân kéo cái xe chở người hấp hối. Vòng quay bánh xe hình như nhanh hơn một chút...

 Cái công việc này thật oái oăm phức tạp. Mình chưa gặp phải bao giờ. Nào là hãy chở người bệnh này lên trạm xá D. Nếu họ không nhận hãy chở lên trạm xá T. Nếu họ cũng không nhận thì chở tiếp lên bệnh viện N... Mình giãy nảy lên. Tôi không chở được dài và ngoắt ngoéo như thế đâu. Họ đành nhượng bộ. Thôi được. Nếu vậy thì trạm xá T là điểm cuối. Nếu họ không nhận hãy chở ngược lại, đến chỗ ngã ba đường giữa D - T và P thì vứt anh ta xuống rệ đường. Mình hỏi sao không chở về trạm xá P của mình có phải vừa nhanh, vừa gọn, lại có cơ may cứu được người ta? Rồi, làm sao khi không ở đâu nhận lại phải chở về đúng chỗ ngã ba giữa D - T và P? Sao không chở về chính nơi người ta bị ngất?... Họ bảo với mình rằng mình không hiểu gì cả và yêu cầu mình cũng không nên hiểu gì cả, cứ làm đúng theo ý họ rồi về nhận tiền, nếu không họ sẽ thuê người khác. Đến đây thì mình hiểu rõ luật của kẻ thuê và người làm thuê. Rằng, yêu cầu người ta đưa ra - số tiền công - nếu thực hiện được thì gật, không thì kéo xe về... Mình lại nghĩ đến vợ... Bây giờ mà về vợ mình sẽ giận và buồn lắm. Những hai trăm rưởi cơ mà? Miếng ăn đến mồm còn để tuột mất. Thôi thì nhắm mắt liều vậy...

 Mình liền đồng ý. Và bây giờ thì mình đang gò lưng kéo một cái thân xác xa lạ đang hấp hối đến một bệnh xá. Vì đồng tiền, vì miếng cơm manh áo cả thôi...

 

 *

 *      *

 

 Đêm vẫn đen. Gió vẫn kiệt. Bầy chó làng vẫn sủa lên inh ỏi theo mỗi bước hắn đi. Xe bò cũ thường ngày cứ rít ken két, nay như sợ chủ mình có gì khuất tất cần giấu giếm mà chỉ kêu thật khẽ, chỉ vừa đủ để đánh thức những con chó nhà. Hắn cùi cụi lầm lũi kéo xe. Cùi cụi lầm lũi như cam chịu như thỏa hiệp với số phận. Như con người hắn sinh ra là để cho kiếp kéo xe. Và để đêm nay kéo một con người hấp hối không hề biết gì tung tích đến một nơi nào mà thực sự hắn cũng chưa biết đích xác. Hắn không nguyền rủa ai cả. Cũng không nguyền rủa số phận. Hắn cho rằng hắn cần làm thế, cần kiếm ít tiền về cho vợ cho con. Một phần nhỏ nào - hắn còn cho rằng hắn cần cảm ơn kẻ hấp hối giữa đường đã cho hắn một cơ hội kiếm được nhiều tiền gấp năm gấp mười những ngày làm việc kiệt sức của hắn và con bò già. Khi có ý nghĩ ấy, miệng hắn hơi mỉm cười. Nếu mà trông rõ, hẳn sẽ thấy nó khá ngô nghê?...

 Anh ơi. Tôi không biết anh là ai, quê quán ở đâu. Một tiếng trước đây tôi và anh mù tịt - Gặp nhau giữa đường chắc sẽ dửng dưng lạnh lùng bước qua. Tôi chỉ thực sự biết anh kể từ khi bế anh lên xe bò này rồi kéo anh đi. Nhưng, kể từ phút ấy, tôi và anh chưa hề nói với nhau một câu nào. Anh cứ im lặng bền bỉ như số kiếp anh sinh ra là để cho sự im lặng vậy. Hay là anh khinh cõi đời này? Hay là anh khinh tôi? Ừ thì anh khinh cũng được. Cõi đời này theo tôi cũng chẳng ra gì. Còn tôi - một phận thằng người hèn mọn bao nhiêu sức lực trí khôn chỉ dốc vào mỗi mục đích là kiếm cái ăn cho mình, rồi cho vợ cho con. Hôm nay tôi mệt lắm rồi. Chẳng muốn nhận cái công việc kì quặc này đâu. Nhưng vì họ trả giá cao quá. Vợ tôi nó ham, nó tiếc - mà ham tiếc cũng phải thôi. Tôi thì không từ chối được lời dịu dàng của vợ. Đã thế tôi lại thấy vợ tôi nó đúng. Cho nên mệt thì cũng cố gắng vậy. Mệt nay thì nghỉ mai. Vợ tôi nó nói thế và tôi cũng đồng tình. Tôi đồng tình và tôi đi chở anh. Tôi với anh là hai kẻ xa lạ, chẳng ơn nghĩa cũng chẳng oán thù gì. Anh nằm chết ở đấy cũng không được. Vì anh đã là một con người thì anh phải chết - bắt buộc phải chết theo kiểu con người. Anh không được chết theo kiểu nào khác nữa. Anh mà đòi chết cách khác là anh có lỗi với đồng loại. Mà người ta - ở cái nơi anh định chết ấy - không muốn chôn cất cho anh. Cho nên họ bỏ ra hai trăm rưởi để thuê tôi chở anh đi chỗ khác. Hy vọng rằng chỗ khác người ta sẽ đón tiếp anh chu đáo niềm nở hơn chỗ chúng tôi. Anh đừng buồn làm gì. Nơi nào đón chào thì chúng ta ở lại. Nơi nào ruồng bỏ ta bỏ ta đi. Ta đi vào cõi khác với tấm lòng thanh thản, không oán ghét, không thù hằn. Ta sinh ra ắt ta phải chết đi. Chết sớm chết muộn rồi đều chết cả. Chết có nhà hay chết không nhà không cửa thì cũng đều là chết. Chết đường chết chợ, chết kiểu của chiến binh trên sa trường hay chết trong nhung lụa, chết trong vòng tay người đẹp, chết trong tình thương của con cái, bạn bè... vẫn chỉ là chết. Ta còn làm được gì khi ta đã chết? Làm oan hồn chắc? Như thế chỉ khổ ta thôi. Oan hồn yếu ớt lắm. Chả làm gì được ai đâu. Do vậy nếu có oan gì ta hãy cố gắng mà ngậm cười. Làm ma, ta hãy làm ma phiêu lãng đi bốn phương tám hướng ngắm trời mây sông núi cho thỏa, trêu cợt ai cũng vừa đủ để cười, đừng ác quá kẻo lại ân hận rồi khó chuộc lại được. Làm ma hay làm người? Ta cũng đừng bận tâm làm gì. Ma thì đã qua kiếp người nên chỉ ma hiểu được người. Còn là người chưa trải qua kiếp ma nên người chả hiểu ma đâu. Anh đừng bận lòng anh nhé. Tôi sẽ chở anh đi bệnh xá. Còn nước còn tát. Số mệnh anh cao ắt là qua khỏi. Số mệnh anh thấp, đã đến ngày, thì đành chịu thôi. Tôi không biết mình có thương anh không. Nếu tôi nói là thương anh thì có lẽ là tôi thương tôi trước đấy. Tôi thương tôi nếu tôi chết tôi là ma. Tôi thương tôi nếu tôi không là người - dù chỉ là người nhọc nhằn đau khổ. Vợ tôi nó từng rất xinh. Tôi cũng từng là kẻ số một. Các con tôi chúng cũng được. Tôi chỉ muốn sống ở cõi đời này trăm năm ngàn năm để hưởng tất mọi điều, xem nó hay dở ra sao? Có thể anh đi trước tôi. Có thể sau đây vài giờ. Thì cuộc hành trình này anh cứ coi như cuộc tiễn biệt lưu luyến đường trường. Cứ coi nhau là tri kỷ cho mai đây ấm một kiếp ma. Là đàn ông với nhau ta nên trung thực với từng suy nghĩ nhỏ. Mình biết là chẳng giấu được gì trước người hấp hối. Càng không thể giấu gì trước một con ma. Nên mình quyết định sống thật, nghĩ thật, bày tỏ thật. Anh ơi. Trước đây trong con mắt của mọi người, tôi từng là kẻ có học. Thời tôi, ở làng quê hẻo lánh mà học hết cấp ba đã là ghê lắm rồi. Tôi được tuyển đi học trung cấp sư phạm. Làm được thơ nữa đấy. Đã một lần được đăng trên báo Tỉnh. Ra trường, tôi dạy cấp một. Đời tôi mở ra một lối tưởng chẳng có chông gai. Ai dè... Cũng là tự tôi thôi. Cái tính kiêu căng tự cao tự đại. Tính anh hùng rơm, thích chơi trội, muốn tỏ ra hơn người trong mọi chuyện. Tôi lao vào sống buông thả. Từng trộm vặt. Từng đánh nhau chí tử, có một lần làm trọng thương một kẻ rồi bỏ trốn thành công, từng làm mang thai - phá trinh tiết - phá hỏng rất nhiều đời con gái, từng gây nước mắt từng gây oán hờn... Dần dần người ta ghét tôi, đặc biệt là những đồng nghiệp của tôi. Họ góp ý, phê phán. Tôi thường cãi phăng, đòi bằng chứng. Rồi tôi bị bắt quả tang và bị ghép tội “hủ hóa”. Với nghề dạy, tư cách người thầy không được chấp nhận, tôi bị đưa ra khỏi ngành. Trở về xóm bờ sông, tôi làm đủ nghề kiếm sống. Nung vôi. Đội cát. “Đánh quả” than. Rồi tôi lấy vợ. Một cô gái xinh đẹp nhất làng, nhưng ngặt nỗi là con hoang nghèo xơ nghèo xác. Vợ tôi ngoan hiền, lam làm, chỉ phải tội đẻ toàn vịt giời. Tôi thương cô ấy và quyết tu chí làm ăn. Thời buổi mỗi ngày một khó. Bây giờ tôi đành trụ lại ở cái nghề xe bò vất vả này đây... Còn anh - anh thế nào? Nhà cửa đâu không ở lại đi lang thang vạ vật để đến nông nỗi này? Anh có oán tôi không? Có khinh tôi không? Biết rõ tôi, anh có tha thứ cho tôi không?... Sao thế này? Mình không hiểu mình nữa rồi. Mình thấy hơi choáng váng. Hay là mình ngồi nghỉ một chút nhỉ? Ừ. Mình nên nghỉ. Trạm xá D kia rồi. Mình cần phải bình tĩnh trước khi vào thưa chuyện với người ta...

 

*

*      *

 

 Đã là mười hai giờ đêm. Vậy là hắn kéo người hấp hối trên đường đã được một tiếng tròn. Trong suốt thời gian đó hắn không hề gặp bất kì một ai. Chính hắn cũng lấy làm ngạc nhiên về điều này. Hắn ngạc nhiên nhưng hắn không tự hỏi. Hắn chỉ khẽ phì cười. Vì theo hắn, hình như trời đất đêm nay đồng lõa với hắn nên khiến tất cả mọi người đi ngủ sớm, lại còn ngủ rất say vì chó có gào to bao nhiêu người vẫn không thức dậy. Đêm còn tắt bớt những vì sao làm cho đen tối mịt mùng. Đêm như tặng hắn một công việc, một món tiền. Và biết đâu - một niềm vui đơn độc - một tri âm luôn luôn câm lặng - cho hắn những thời khắc quí giá để nhìn thấu tất cả - mà trước hết là với chính mình...

 Chỗ hắn ngồi nghỉ là một nghĩa trang liệt sĩ. Có cái tháp cao sừng sững trong đêm. Có bốn dãy mộ lờ nhờ trắng. Nghĩa trang cũng đơn độc và cũng câm lặng. Như một nỗi buồn.

 Đối diện bên kia qua con sông nhỏ là bãi tha ma. Nấm nhỏ nấm to trong đêm đen lù lù, thấp thoáng, cũng câm lặng, không hề biểu hiện gì có ma chơi
ma dạo.

 Bất giác hắn khẽ rùng mình như có một làn gió lạnh ùa qua. Hắn vội đứng lên. Đứng tấn như thời oanh liệt. Rồi cắn môi quyết giữ vững lí trí. Hắn cúi xuống nhấc càng xe. Lại lầm lũi lụi cụi kéo trong đêm. Chiếc xe trước khi chuyển mình cất một tiếng rít: "Két... ét... ".

 Được hai trăm mét hắn rẽ vào một cái cầu bê tông bắc qua con sông. Ở nơi ấy là trạm xá D.

 Khu trạm xá có một đèn nê-ông ngoài hiên phòng trực. Hắn kéo xe vào sân. Dừng lại. Băn khoăn. Gọi hay không gọi? Độ hai phút. Hắn quyết định
đập cửa.

 Trực ban hôm nay là một đàn ông cỡ tuổi hắn, béo tốt trong bộ pi-ja-ma kẻ sọc. Anh ta cau có mở cửa dụi mắt gắt khẽ: Cái gì? Hắn lắp bắp có người bệnh nặng. Thế thì cho vào. Không. Anh ta không đi được. Thì dìu anh ta vào. Không. Phải khiêng cơ. Thế thì khiêng vào? Không có người. Ô hay! Chẳng lẽ là tôi? Vâng. Bác sĩ giúp...

 Nhìn hắn lắp bắp, lại được hai từ " bác sĩ" làm mềm lòng, người đàn ông vận pi- ja-ma đi theo hắn ra xe bò. Trời ơi! Sao anh lại cho bệnh nhân nằm xe bò phủ rơm? Anh là ai? ở đâu? Sao tôi không quen anh?...

 Hắn ấp úng mãi. Tôi ở xa, mãi, mãi... Người này hấp hối... Tôi... tôi...

 "Bác sĩ" khám bằng tay vo rồi thốt lên. Không được rồi. Người ta sắp chết. Chúng tôi không cứu được đâu. Yêu cầu anh đưa ngay lên tuyến trên. Nhưng... Không "nhưng" gì cả. Đưa đi mau. Mà anh có phải là người ở đây đâu. Đi ngay kẻo tôi báo an ninh là phiền lắm đấy...

 Hắn cụp mắt xuống, chịu ngay lý lẽ của người đàn ông béo tốt. Thở dài một cái, không nói thêm câu gì, hắn cúi xuống nhấc càng quay xe, uể oải kéo ra con đường dẫn thẳng lên T. Hắn nhớ lại lời mấy anh thuê mướn: "D không nhận thì đưa lên T.". Hắn cho đó là cái lẽ tất yếu. Trước khi xe hắn qua cầu còn nghe giọng nói với theo: Phải gấp lên kẻo người ta chết. Hắn định buông một câu chửi nhưng kìm lại được. Cùi cụi cất bước nhằm hướng chính Đông.

 

 *

*      *

 

Con người sao khổ. Anh ta khổ. Mình cũng khổ. Khổ ăn khổ mặc khổ nói khổ cười khổ đi khổ đứng khổ chơi khổ ngủ. Bây giờ cả khổ ốm và khổ chết nữa. Chả biết chết rồi có khổ nữa không? Ôi chao là cái chứng tham tiền khoác vạ vào thân. Vợ ơi là vợ con ơi là con. Tôi ơi là tôi. Sao không chết quách cùng cái anh chàng này cho rảnh?...

Nhưng thôi. Tự trách làm chi. Mình đã thực hiện được một nửa công việc rồi. Chỉ còn một nửa nữa rồi nhận tiền về ngủ. Cấm nghĩ...

Hắn thực hiện ngay ý đồ "cấm nghĩ" bằng cách vừa kéo xe vừa huýt sáo nho nhỏ. Huýt sáo chán hắn chuyển sang hát. Nhưng chẳng hát bài nào cụ thể cả. Cứ há miệng ra, nảy lưỡi: là lá là la... là lá là la... la la
la la...

Đêm vẫn không đổi màu. Gió vẫn đặc như cháo. Mùi rơm mới bên đường ngột ngạt. Nước sông hắt tanh ngòm. Sao trời mất hẳn. Chó làng này không nhiều, lại dường như ngủ mệt hay sao mà chẳng thấy kêu lên một tiếng...

 

Thôi thế cũng tốt. Hắn lẩm bẩm như vậy rồi dồn sức kéo băng băng trên đường. Mặc dù đường mới rải nhựa, nhưng do xe cũ vẫn phát ra những tiếng ken két, khùng khục. Hắn không cần giấu giếm, cứ hùng hục kéo xe. Đi nhanh như một con bò.

Trạm xá T cách D đúng một cây số. Do hăng máu mà hắn kéo rất nhanh. Và cũng do dồn sức vào kéo mà hắn chẳng nghĩ ngợi gì. Hắn cũng không hề nghỉ giữa chừng. Kéo một mạch đến tận sân trạm 2cd8 xá mới dừng lại. Nghỉ ba phút cho khỏi mệt rồi mới vào gọi cửa.

 Lần này đón hắn là một cô gái độ tuổi ba mươi mặc bộ váy ngủ mỏng manh mát mẻ. Chị ta cáu hắn gắt hắn như cáu gắt một đứa trẻ con gây ra lỗi lầm. Hắn trổ tài ăn nói, thuyết phục. Chị ta ra xe xem. Vừa nhìn thấy đã giãy nảy lên. Sờ tay vào thì giật mình hoảng sợ, tru tréo lên. Sao thế này? Anh sờ vào mà xem? Bệnh nhân chỉ còn thí thóp thở thôi. Chân tay người ngợm lạnh toát cả rồi. Mà anh là kẻ dở người phải không? Ai lại đưa người nhà đi viện bằng xe bò lót rơm? Áo quần thì bẩn thỉu. Đáng lẽ người ta không chết mà hóa ra chết đấy... Hắn lúng túng một lát rồi bảo là bệnh nhân không phải người nhà hắn. Chẳng qua gặp ở bên đường thấy người ta cảm tôi bế lên xe cho đi cấp cứu. Thế anh ở đội nào, thôn nào? Gặp người này ở đâu? Tôi... Ở dưới P. Sao? Ở dưới P sao không đưa vào trạm xá P cho kịp thời lại còn đưa lên đây? Lẽ ra anh đã cứu được người rồi đấy. Một đoạn đường xa như thế, lại bằng phương tiện xe bò, cứu làm sao được?... Nhưng ở P người ta không nhận... A... Vậy là người ta không nhận thì anh đổ mắm thối cho chúng tôi đấy hả. Đã thế chúng tôi cũng không nhận. Đi. Anh kéo cái xác này đi ngay. Đi. Không tôi hô hoán lên bây giờ...

Cũng như lần trứơc, hắn chẳng phản ứng gì. Lại cùi cũi kéo cái xác ra con đường lớn. Lần này hắn kéo ngược trở về hướng P vì nhớ lời dặn: "Nếu cả D và T không nhận thì kéo về bỏ ở chỗ ngã ba giữa T - D - P ". Hắn coi đây là đoạn cuối của cuộc hành trình.
Đoạn đường này chỉ non một cây số. Hắn bỗng mừng thầm, vì ý nghĩ đã sắp chạm được tay vào số tiền lớn
ấy rồi...

Không còn vội nữa. Hắn thủng thẳng bước. Đầu hướng phương nam. Nơi ấy có dòng sông thân quen luôn luôn mang phù sa đỏ. Hắn tự nhủ rằng sau công việc này hắn sẽ lội ngay xuống sông để gột rửa tà khí, để được sảng khoái thanh thản, sau đó sẽ trở về giường làm một giấc hết cả ngày sau.

 

 

 

*

*      *

 

Anh ơi. Thế là đã hết cơ hội để cứu sống được anh. Không phải tôi muốn thế. Chính anh thấy đấy. Tôi rất muốn người ta cứu được anh. Tôi rất muốn. Nhưng tôi bất lực. Vì đến đâu người ta cũng từ chối quyết liệt. Vậy là anh không còn đường sống nữa rồi. Anh chỉ có mỗi một cách là chết mà thôi. Đừng trách gì tôi nhé. Tôi không có lỗi. Tôi không có khả năng cứu anh. Tôi cũng chỉ phận mỏng cánh chuồn. Chẳng hơn gì anh đâu. Biết đâu ngày sau tôi cũng sẽ như anh thế này. Cho nên tôi thương anh là thương thật đấy. Cũng là thương cho tôi. Xót cho tôi. Xót chung...

Đây rồi. Ngã ba đây rồi. Nào. Ta phải chia tay. Tôi bế anh lần cuối. Chao ôi. Lạnh quá. Anh thực sự đang hấp hối rồi. Rất tiếc tôi không thể ở bên anh đến phút cuối cùng. Mà cũng chẳng để làm gì. Nào. Anh nằm ven đường này nhé. Hồn có thoát thì trời nơi đây cũng rộng, cũng xa được một chút con người. Tôi đắp chỗ rơm này cho anh đỡ lạnh. Anh hãy yên giấc. Tôi phải về đây. Tôi phải về với vợ con tôi. Họ đang chờ tôi ở nhà. Họ còn cần tôi lắm, anh có hiểu không?...

 

Đột nhiên hắn bật lên một tiếng khóc rồi vội vã cầm lấy càng xe chạy băng băng như bị ma đuổi...

 

*

 *      *

 

 Trở về điểm hẹn nhận tiền, hắn được câu trả lời vợ hắn đã nhận đủ rồi. Hắn lặng lẽ kéo xe về nhà. Lặng lẽ cất xe. Cả nhà đã ngon giấc. Hắn lặng lẽ đi ra bờ sông. Gió bắt đầu nổi lên. Khe khẽ. Thì thào. Hắn ngồi im không nhúc nhích. Mặt sông loang những vệt đen. Trở nên trập trùng bí hiểm. Hắn khẽ rùng mình. Tưởng như có ai thè một cái lưỡi dài liếm vào một bên tai. Để xua đi cơn sợ, không hiểu sao, hắn lại để nguyên cả áo quần nhảy ào xuống nước. Gây một tiếng ùm. Rồi chính hắn lại giật mình trong dòng nước mát lạnh. Vẫn không hết. Hắn ngụp xuống. Rồi hắn lại nhô lên. Về sau hắn tìm ra cách hét vang một câu mà hắn chợt nghĩ ra: "Hãy cuốn trôi đi tất cả sông ơi."... Thời gian không biết trôi đi ra sao. Sau này cố nhớ lại, hắn vẫn không làm sao hiểu nổi hắn đã về nhà bằng cách nào. Duy có điều này thì hắn nhớ. Rằng hắn cứ để nguyên quần áo ướt sũng mà lên giường ngủ li bì. Giường của hắn cũng ướt sũng. Gầm giường nước đọng thành vũng. Vợ con hắn cũng không thức hắn dậy giữa chừng. Cứ để yên cho hắn ngủ đẫy ngày hôm sau. Trong cả một giấc dài như vậy, hắn không hề tỉnh lấy một lần. Và cơn mơ chỉ toàn lửa cháy. Lửa lan từ nhà hắn sang nhà hàng xóm. Rồi từ đó đốt cháy cả làng, cả P. Rồi cả D. Cả T... Cứ thế. Lửa cháy mãi không có điểm dừng...

 

 *

*      *

  

Hắn cũng không hề biết và không thể ngờ được rằng kẻ xấu số mà hắn vứt bên đường rồi phủ rơm lên, lúc hắn bỏ chạy vẫn còn thóp thở. Sau đó, quãng ba bốn giờ sáng tự nhiên bốc cháy. Một bà già ở cách đấy khoảng ba trăm mét dậy sớm nấu cám quả quyết rằng ngọn lửa bùng lên chừng mười lăm phút. Có người đoán trẻ con đi chơi đêm tưởng đống rơm bên đường nên đốt chơi rồi chạy. Người thì bảo kẻ đi soi ếch đã đốt. Người thì nói khách đi xe sớm hút thuốc đã vô tình quẳng mẩu vào đó. Kẻ lại đoan quyết nó tự bốc cháy... Chả biết nên tin ở giả thiết nào. Nhưng có một điều chắc chắn là người ta không thể tìm ra một que diêm, một bật lửa hay một mẩu thuốc, tàn than lạ nào...

 

Có một chị vốn mắc bệnh hở van tim sáng hôm sau đi chợ sớm, qua chỗ đó, đã giật mình kinh hoảng khi nhìn thấy một thi thể trần truồng xám xịt, có chỗ vàng sậm như da chó thui, tóc tai lông lá cháy rụi, miệng há hốc phô hàm răng vàng khè, đôi mắt bị nổ chảy ra một vệt như vệt mủ đen, sinh dục dị mọ, ở trên hai mông có vết mỡ chảy sánh vàng... Chị ta chỉ hét được một tiếng (không rõ là tiếng gì) rồi lăn ra
bất tỉnh...

 

*

*      *

 

Vì chỗ nạn nhân chết cháy lại ở đúng một cái ngã ba đấu đầu ba đoạn đường dẫn về T - D - P, cho nên an ninh D đã báo cho an ninh ở T và P biết. Cả ba họp nhau lại tại P và ngay lập tức diễn ra một cuộc tranh cãi quyết liệt. D và T kết tội P thiếu trách nhiệm định đổ thừa cho nơi khác trong khi nạn nhân hấp hối trên chính đất của mình. P cãi phăng, đòi bằng chứng. D và T đem hai người trực ban đêm ở trạm xá ra đối chất. P vẫn khăng khăng rằng không bắt tận tay không day tận trán thì không thể kết luận vội vàng. D và T cáu, gắt ỏm tỏi, dọa sẽ tố cáo lên trên. P thách. Cuộc họp sẽ tan nếu như không có cái nóng khủng khiếp làm những người cãi nhau mệt phờ râu trê. Trong khi ấy, nạn nhân cứ nằm tênh hênh trên một đám đất cháy đen, ruồi nhặng đánh hơi bay đến, bâu đầy xác. Ai đó động lòng mang một cái chiếu phủ kín. Mùi gây gây thum thủm bay xa khiến người qua lại nhăn nhó
mặt mày.

 Dân ba xã chẳng biết bằng cách nào mà biết rõ diễn tiến của cuộc tranh cãi kéo dài nọ. Kẻ chửi, người la, trẻ con rủ nhau đi xem hàng đàn như đi xem hội. Các chư già D - P - T gặp nhau và kéo đến cuộc họp ở P để kiến nghị. Nhờ có các cụ mà không khí cuộc họp dịu lại. Sau một hồi cãi cọ nữa rồi đi đến thỏa thuận: Cả ba xã cùng góp sức để lo một đám tang. Tiền mua ván P phải chịu. Chôn cất thuộc về D. Đất để mả dứt khoát là T, không thể khác.

Đám ma ấy kết thúc vào hồi bốn giờ chiều trong cái nóng ghê người. Ngoài đội chuyên tang của D ra, chẳng có một ai đưa tiễn cả. Không kèn. Không trống. Chỉ một bó hương nghi ngút trên nóc quan tài
màu vàng...

Dấu vết còn lại là một đám cháy rộng khoảng 1,5 mét, dài 2 mét, không một ngọn cỏ nào sống sót. Mùi khét cũng mau tan do nơi ấy là mênh mông chỉ có trời và đất, không có nhà cửa quán xá gì. Người ta bàn tán xôn xao ít lâu rồi cũng quên đi như quên một mùa gặt hoặc như quên một cơn lốc vừa mới đột ngột chạy qua vùng chiêm trũng nghèo khó này... 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86882


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận