Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 26


Truyện ngắn 26
Toản rời chiếc xe ôm cũ kỹ vừa đưa anh vượt qua đoạn đường xấu ơi là xấu, đặt được hai chân xuống mặt đường.

Móc túi trả tiền lái xe xong, tự nhiên có cảm giác như bước sang vùng khí hậu khác, ôn hòa, thoáng đãng, chứ không bức bối, ngột ngạt như khi còn ở trong căn nhà của vợ chồng anh khu tập thể cơ quan. Anh xách chiếc cặp men theo con đường chân núi ven biển, đi xuống bến cá tìm thuyền ra đảo. Được mấy bước, nghe như có tiếng người gọi phía sau. Một giọng nữ, nhẹ và dứt khoát:

- Anh gì ơi, có về ngoài đảo cho em thuê chung thuyền với?

Toản dừng chân, quay lại. Ai như cô Hà. Vào đất liền làm gì mà giờ này còn ra đảo. Cô gái bước bất chợt ré lên:

- Ối giời, anh Toản! Em lại cứ tưởng ai. Anh về trong này họp à? Sao không ở lại với chị và cháu mai hẵng ra. Lại vội ra đảo đêm hôm thế này, hả anh?

Hà nói liến thoắng, như để xả sự kìm nén suốt từ chập tối tới giờ ngồi một mình đợi thuyền bên bờ biển. Toản chưa kịp đáp lời, đã nghe Hà nói trong tiếng cười:

- Hay lại có con khỉ nào đến tháng, hả anh? Em nghe mấy đứa bên trại sang chơi, bảo ông Toản theo dõi đàn khỉ chặt lắm. Con nào đến tháng, được bao lâu rồi, khi nào đẻ, đều được ghi lại chính xác đến từng ngày từng giờ, phải không anh?

 

Toản định nói, cái đó cũng bình thường như người nuôi lợn nái ấy mà. Nhưng chợt nghĩ, với ai, chứ những người ở đảo này như Hà, chả nói cũng biết, mỗi con khỉ của trại còn quý hơn vàng. Toản ngoặt sang lối khác, hỏi:

- Cô Hà vào trong này có việc gì mà muộn thế này còn về


ngoài đó?

Hà vẫn lũn cũn đi sau, nói từ tốn chứ không bợm chợn như
khi nãy:

- Em vào tập huấn bệnh hô hấp cấp. Nhưng em trốn. Thật đấy. Chả là hôm em đi, nhà em đang sốt cao, những ba chín độ rưỡi. Mấy ngày ở trong này không có tin tức gì, sốt ruột quá. Xin nghỉ tranh thủ không được. Thế là chiều nay cơm xong, em trốn.

Hà nói xong khinh khích cười. Chả còn hiểu những điều cô nói là thật, hay chỉ là bịa cho. Dẫu sao cũng có người đồng hành trên chuyến thuyền về đảo đêm nay. Toản bất chợt quay lại nhìn Hà. Chợt nhận ra Hà còn rất trẻ, chỉ hăm bốn, hăm nhăm. Lại xinh. Một nét xinh đẹp do cha mẹ nặn ra. Dáng người thắt đáy lưng ong, mặt trái xoan, hoạt và tươi. Hà cũng bất chợt ngẩng lên nhìn Toản. Người cao ráo, nhỏ nhắn. Ở đảo lâu thế mà nước da nhìn dưới ánh trăng vẫn trắng trẻo, chứ không đen cháy như trai làng chài. Bỗng chốc, hai ánh nhìn gặp nhau như giao thoa. Rồi cả hai cùng cúi xuống, lặng lẽ bước những bước chậm rãi trên con đường cát mịn dẫn xuống bến cá. Chợt ngoài kia có ánh đèn pin lóe lên, huơ huơ về phía bờ. Tức thì, Hà lên tiếng:

- Ơ ơ ơ... thuyền!

Toản vội mở cặp lấy chiếc đèn pin luôn nằm gọn ở góc cặp. Vừa tra pin vào đèn, Toản vừa bảo Hà:

- Có đèn đây rồi. Em khỏi phải gọi.

Toản huơ huơ đèn pin lên trời. Ánh đèn chiếu thành một vòng sáng vàng vọt nhảy nhót trên thinh không. Thế cũng đủ người chủ thuyền nhận ra có người trên bờ đang chờ thuyền ra đảo, hoặc đến một tàu thuyền nào đó trên vùng biển này. Con thuyền từ từ quay mũi về phía bến. Toản bảo Hà: "Anh em mình đi thôi". Đoạn đưa tay ra định kéo Hà, nhưng nghĩ thế nào lại rụt tay lại. Hà bỗng một thoáng nhìn Toản. Trong lòng tự nhiên thấy chộn rộn thế nào. Nhưng chân lại bước nhanh xuống bến.

Người chủ thuyền nhận ngay ra Toản, khách quen từ bao năm nay của nhà thuyền. Nhưng còn cô gái đi với Toản, ông mới gặp lần đầu. Chờ hai người xuống thuyền ngồi yên vị, ông mới cất tiếng hỏi bâng quơ:

- Cô đây là...?

Toản vội lên tiếng:

- Dạ, là cô Hà, mới về công tác ở trạm y tế đảo đấy ạ!

Ông chủ thuyền à lên một tiếng, rồi cho thuyền quay mũi. Con thuyền lướt đi trên mặt biển trong đêm trăng lặng như tờ. Chỉ nghe tiếng mái chèo khỏa nước oàm oạp và tiếng động cơ máy thủy của con tàu đánh cá chạy từ đâu đó, rất xa, vọng lại. Khi con thuyền định được hướng ra đảo Rêu, ông chủ thuyền mới cất tiếng hỏi Toản:

- Đến mấy tháng mới thấy anh vào đất liền. Tưởng còn ở vài hôm, chứ lại ra ngay à?

Toản chưa kịp đáp, thì Hà đã nhanh miệng:

- Lúc gặp ở trên bến, cháu cũng bảo anh ấy, sao không ở nhà lại vội ra đảo đêm hôm thế này làm gì, nhưng anh ấy chỉ nói lảng thôi, bác ạ.

Ông già trải đời, mới thế đã như đi guốc trong bụng người khác:

- Biết thế tôi chả hỏi nữa xong.

- Không không. Không có gì đâu, bác ạ!

Toản vội lắp bắp mấy tiếng ấy. Rồi ngồi thừ người ra, hai tay ôm chiếc cặp ấp chặt vào ngực, như giữ cho nhịp tim đập bớt gấp gáp. Nhưng càng ấp chặt chiếc cặp thì lồng ngực đập càng nhanh, những li ti huyết quản trong người càng chuyển động gấp gáp. Bỗng chốc, Toản thấy người như hâm hấp nóng, kiểu nóng sốt những khi tiết trời thay đổi thất thường. Không đến mức nóng sốt ba mươi chín độ rưỡi như cô Hà kể lúc ở trên bến. Nhưng rõ ràng, trong giây phút tĩnh lặng trên con thuyền đang nhẹ trôi trên biển êm, Toản tự nhiên thấy nổi da gà, rồi người hâm hấp nóng. Nóng từ trong nóng ra.

Bấy giờ, cả nhà đang dở bữa cơm. Toản và đứa con gái ngồi phía bên này bàn, còn phía bên kia là Hải, vợ Toản, với người giúp việc. Đĩa chân giò luộc Toản mua trên đường từ Sở Khoa học - Công nghệ về, mới chỉ xoén mấy miếng. Cũng bởi có đĩa chân giò, nên Toản mới bê hũ rượu tắc kè mới ngâm ra, định uống xem có "tăng lực cực nhanh" như mấy cha bên trạm dược liệu rỉ tai, khi cho Toản đủ bộ năm con tắc kè hoa, sống tự nhiên ở vùng núi đá. Chứ bình thường, Toản cũng không hay uống rượu. Đến bia, có thì tợp một cốc, không thì thôi. Khi Toản chiêu xong ngụm rượu, chưa kịp cảm nhận cái loại rượu ngâm tắc kè khác rượu ngâm thuốc bắc thế nào, thì Hải đã đặt cạch bát cơm xuống mâm, làm con bé giúp việc vừa đưa đũa ra định gắp con tôm giật nẩy tay, vội rụt ngay lại. Cô ta nói như chỉ có hai người lớn với nhau:

- Uống thì uống, tối nay đây cũng đ. Ở nhà.

Vẫn biết có thể như thế, vì Hải cũng hay phải trực ca đêm trong bệnh viện. Nhưng Toản nghe vẫn thấy vừa bực lại vừa buồn cười. Chẳng lẽ loại đàn ông như Toản, năm nay chưa đến bốn mươi, cao một mét sáu bảy, nặng sáu ba ký, mà mỗi khi gần vợ lại phải tìm đến cái thứ kích thích rẻ tiền ấy. Nhưng lại dịu giọng, nói tuế toá:

- Nhầm! Đây không cần trợ sức bằng men đâu. Nhưng này, sao hôm nay cô ăn nói nghe lạ thế hả?

Hải liền chao chát:

- Còn lạ nữa, chứ không chỉ có thế!

Nói rồi, như có máu đàn bà bốc lên, Hải xô ghế đứng dậy, đi lại chỗ mắc áo có treo chiếc túi da, móc ngay tờ giấy chi chít chữ vi tính, quay lại, giơ ra trước mặt Toản:

 

- Tôi định để lát nữa mới đưa, nhưng đã thế này thì không cần. Ông xem đi. Rồi ký vào đây cho tôi nhờ!

Toản lướt nhanh tờ giấy vợ vừa giơ ra trước mặt, như không tin vào mắt mình. Chẳng lẽ lại thế! Có thật là Hải, hay ai kia. Nhưng không thể là ai khác trong cái nhà này, vào buổi tối nay. Đúng là cô gái đảo ngày nào, những đêm trăng sáng mung lung lại hẹn đợi anh trên bãi cát, rủ rỉ kể cho anh nghe chuyện nàng Tiên xinh đẹp, trước khi theo lệnh Ngọc Hoàng bay về trời còn kịp gửi chiếc guốc xuống trần gian cho chàng thuyền chài gặp hôm trước...

Ngày ấy, Toản mới được điều từ đất liền ra công tác ở trại chăn nuôi khỉ ngoài đảo Rêu. Còn Hải, vợ Toản bây giờ, đang làm y tá ở trạm y tế đảo. Trên hòn đảo nhỏ ngang dọc chưa đến một cây số, những chàng trai cô gái chẳng khó khăn gì khi muốn kết thân nhau. Toản và Hải cũng vậy. Từ kết bạn đến kết duyên, dường như Toản không có thời gian cân nhắc. Hải dồn dập và riết róng, như sóng thủy triều hết đợt này đến đợt khác xô Toản sõng soài trên bờ cát. Không biết bao nhiêu lần, Hải dẫn Toản ra khu bãi phía sau đảo. Hai người nằm dài trên cát mịn, nhìn nền trời trong xanh và những vì sao in xuống biển đêm lấp lánh, say sưa kể cho nhau nghe biết bao chuyện trên trời dưới biển. Nhưng chuyện gì thì chuyện, thể nào Hải cũng kết thúc bằng sự tích Hòn Guốc. Có một bầy Tiên nữ hạ giới xuống cõi trần. Đến hòn đảo xinh đẹp và thơ mộng này, các nàng vui thú, quyến luyến không muốn trở lại thiên cung. Ngọc Hoàng chờ lâu, phái người đi tìm. Mãi mới thấy các nàng rong chơi trên bãi biển cát trắng phau. Nghe truyền lệnh Ngọc Hoàng gọi về, các Tiên nữ vội bay ngay về trời. Chỉ còn cô chị cả, vì nặng lòng yêu thương một người con trai tuấn tú ở làng chài, nên nấn ná ở lại, có ý chờ chàng đi biển về. Nhưng chàng còn theo thuyền đánh cá ngoài khơi xa. Trên thượng giới, Ngọc Hoàng nhìn các nàng Tiên trở về thấy thiếu cô chị cả, liền nổi lôi đình, sai Thiên lôi đi triệu bằng được nàng về. Cô chị cả đành gạt nước mắt nhớ nhung từ biệt cõi trần. Nhưng vừa bay lên, nàng bỗng nghĩ phải gửi lại cho chàng vật gì làm tin, vội tháo chiếc guốc dưới chân buông rơi xuống cõi trần. Chính chỗ chiếc guốc nàng Tiên rơi xuống, giờ là hòn đá cao to như trái núi giữa biển, trông giống chiếc guốc kia, anh kìa.

Toản căng mắt nhìn theo tay Hải chỉ. Trước mặt, cách chỗ hai người ngồi không xa, Hòn Guốc nổi rõ từng đường viền màu
rêu thẫm.

Bây giờ, Hòn Guốc vẫn còn kia. Chỉ lát nữa thôi, con thuyền lượn qua phao đèn hải đăng là nhìn thấy Hòn Guốc.

Chỉ sau cái đêm hai người ngồi bên bờ cát, Hải kể cho Toản nghe về Hòn Guốc được mấy tháng, tuần trăng mật qua chưa lâu, thì Hải được cử vào đất liền dự lớp bồi dưỡng phòng chống sốt xuất huyết. Lớp học có một tuần, chính xác là năm ngày, còn là thời gian đi về. Vậy mà ngay đêm đầu tiên ở đất liền ra, sau những giây dâng hiến xuất thần, Hải một tay gối đầu chồng, một tay xỉa xỉa mái tóc dày cứng như rễ tre của Toản, thỏ thẻ:

- Em định bàn với anh một việc, chả biết anh có nghe.

- Việc gì mà em chưa nói đã biết anh không nghe. - Toản nói như hỏi.

- Vợ chồng mình xin chuyển vào đất liền đi!

- Cả hai cùng vào, chắc gì tổ chức họ giải quyết cho ngay.

 Toản vẫn nằm yên trong tư thế được vợ ôm ấp, nói thẳng đuồn đuột ý nghĩ của mình. Nhưng vợ lại ra chiều đã tính toán:

- Hay là thế này. Em vào trước. Anh ở lại khi nào có điều kiện thì xin chuyển vào sau.

Khi ấy, Toản cũng chỉ nghĩ lời nói đơn giản bày tỏ ước muốn của Hải, cũng là lẽ thường tình của người ở đảo lâu ngày. Chứ nếu thấy trước cái khúc gập ghềnh thế này, cũng không chạy chọt cho vợ chuyển vào bệnh viện tỉnh.

Toản vẫn ở lại đảo. Làm bạn với bầy khỉ sống nửa hoang dã, nửa nuôi thả trong cánh rừng bạt ngàn các loài cây xanh mướt. Thảng một vài tháng, có việc họp hành trong đất liền, hoặc áp tải khỉ về viện dược liệu, anh mới có dịp ghé thăm nhà. Còn không, có khi hàng năm không có việc gì Toản cũng không vào đất liền. Không khí yên tĩnh đến hoang dã của hòn đảo nhỏ, cảnh sống hồn nhiên của bầy khỉ được bàn tay con người nuôi dưỡng, thuần hóa như níu giữ anh ở lại với đảo.

Nhưng thói đời, nhiều khi sự ham mê của người này, lại như trêu ngươi kẻ khác.

Khi biết mười mươi Toản chưa thể vào được đất liền, Hải bỗng thay đổi tâm tính một cách khó hiểu. Có lần Toản vừa xách chiếc cặp về đến cửa, Hải làm cơm trong bếp vội lao ra ôm chầm lấy như phát rồ: "Anh về rồi à! Sao không điện cho em ra bến đón". Nhưng đêm đến, hễ Toản trở mình choàng tay lên ngực vợ xoa xoa nắn nắn, rồi cứ thế vuốt xuôi xuống vùng bụng là y như rằng, Hải lại hất tay chồng ra với một câu gắm gẳn: "Anh không cần tôi. Chỉ cần cái ấy thôi à". Thế là lòng tự trọng của thằng đàn ông bốc lên, Toản nằm quay lưng lại phía vợ cho đến sáng.

Đến lần này.

Dẫu không tin vào mắt mình, thì cuối cùng Toản vẫn nhận ra người giơ tờ giấy chi chít chữ vi tính ra trước mặt anh đây, đúng là cô gái đảo ngày nào kể cho anh nghe câu chuyện nàng Tiên xinh đẹp buông rơi chiếc guốc làm tin xuống cho người tình thật rồi. Lại cũng không biết do hiệu quả của loại rượu tắc kè "tăng lực cực nhanh", hay lòng tự trọng của thằng đàn ông trong đầu quá lớn, mà Toản đứng bật dậy, đến bên ngọn đèn chụp trên bàn học của con, ký roạt một cái lên góc trái tờ giấy. Anh vừa ngẩng lên, đã thấy Hải đứng bên từ lúc nào, nhếch miệng cười trêu ngươi:

- Anh cũng là người biết điều đấy!

Toản nén giận, nói nhỏ, như chỉ đủ hai người nghe:

- Toại nguyện rồi đấy. Cô đi đi không người ta chờ!

 

Toản cũng không ngờ mình lại buột ra cái câu bốc mùi ghen tuông thấp hèn ấy. Mấy tháng nay, Toản đã nghe bạn bè làm cùng với Hải, rỉ tai: "Khéo không mất vợ đấy. Tay Hân, trưởng khoa gây mê hồi sức, làm cô Hải nhà cậu mê mẩn với nó rồi. Có đêm anh chị cùng trực ca, đưa nhau vào phòng trưởng khoa "gây mê" luôn đến sáng". Nhưng Toản vẫn kìm nén. Chưa bao giờ để buột ra một lời, dù chỉ là bóng gió ghen tuông. Toản xưa nay vẫn cho rằng, cái tính ghen tuông, mà không ít kẻ ngợi ca là biểu hiện của tình yêu ấy, thực ra lại chứa đựng sự bất lực ở một phía, người chồng hoặc người vợ, chứ tình yêu gì, một khi chỉ còn lại sự ngờ vực nhau. Nhưng dẫu sao thì lời nói đã bay ra, không thể thu về. Mà làm sao phải thu về. Vu cáo không. Bịa đặt không. Chỉ nói ra sự thật mà bấy nay, với bản lĩnh một người làm khoa học và trách nhiệm một người làm cha, luôn nhắc anh kiên nhẫn. Nhưng kiên nhẫn quá cũng hóa nhu nhược. Mà nhu nhược trong bất kể trường hợp nào rồi cũng bị coi khinh. Làm thằng đàn ông mà để bị coi khinh thì thà...

Toản ngẩng lên, thấy Hải đang đứng gấp tờ giấy bỏ vào chiếc túi da ban nãy, liền nói:

- Cô không đi, còn đợi gì nữa?

Nhưng, trái với vẻ kìm nén của anh, Hải quăng cái túi lên bàn, quay lại chỉ vào mặt Toản:

- Chính anh mới là người phải đi khỏi cái nhà này!

Toản cố nén giận, nói đủ nghe, nhưng giọng vẫn rin rít:

- Cô... cô...!

Nhưng Hải đã ngắt lời, bằng một câu như được viết sẵn ra giấy:

- Đây là nhà bệnh viện phân cho tôi, chứ không phải nhà cơ quan anh.

Bỗng Toản thấy như con thuyền tròng trành chao đảo. Chưa kịp hiểu mình đang ở đâu trong miền sâu suy tưởng cứ ong ong trong đầu, thì nghe như có tiếng ai gấp gáp:

- Kia kia, kia kìa!

Toản chợt nhận ra một giọng con gái như giọng Hà, mà sao lại là Hà? Thì cùng lúc, lại như có tiếng ông chủ thuyền nói nhanh:

- Tôi thấy rồi!

Toản như vùng khỏi miền suy tưởng, hết nhìn Hà, lại nhìn ông chủ thuyền, hỏi dồn:

- Thấy thấy cái gì, hả bác?

- Con khỉ. Anh nhìn xem có đúng con khỉ đang bơi kia không?

Toản vội căng mắt nhìn theo tay ông chủ thuyền. Dưới ánh trăng mười sáu tròn vành vạnh, tỏa sáng mung lung trên mặt biển, Toản không khó khăn mấy đã nhận ra con khỉ đang nhô cao cái
đầu như cái gáo dừa nhấp nhô trên mặt nước. Anh vội bảo ông
chủ thuyền:

- Bác mau cho thuyền ra chặn đầu nó hộ cháu với!

- Tôi tưởng cứ để nó bơi sang bên kia chứ?

- Không, còn gần bờ, cứ cho nó quay lại, bác ạ!

Trong khi chiếc thuyền lướt nhanh trên mặt nước hướng về phía con khỉ đang bơi, thì Hà nhìn Toản, lo lắng:

- Liệu nó có sao không, hả anh?

- Chắc cũng không sao. Tháng trước cũng có hai con rủ nhau vượt biển thế này, mà không tàu thuyền nào gặp. Cuối cùng nó cũng vào tới bờ bên kia an toàn đấy.

Ông chủ thuyền cúi rạp người trên mái chèo, chậm rãi hỏi Toản:

- Trại mới tách đàn khỉ sang đảo Xanh, hả anh?

Toản vẫn dõi nhìn con khỉ đang bơi xa xa phía trước, nói:

- Hôm kia mới di chuyển sang bên ấy một đàn, bác ạ.

- Thảo nào. Hai ngày nay, lúc nào thuyền tôi qua cũng thấy một con khỉ lông màu nâu nhạt đứng lấp ló dưới gốc cây cao to đầu bãi kia, nhìn sang bên đảo Xanh.

Toản thiếu chút nữa mắng bâng quơ: "A, cô mày giỏi thật". Nhưng kịp nén, nói với ông chủ thuyền:

 

- Thế hả bác!

Ông chủ thuyền tỏ ra am hiểu đàn khỉ ở đảo Rêu, nói trong tiếng cười:

- Chắc là nhân tình nhân ngãi bị đưa sang đảo Xanh chăng.

Toản cũng khà khà cười, rồi bảo ông chủ thuyền:

- Bác chèo mau lên tí nữa hộ cháu với. Nếu đúng như bác nhìn thấy, thì con khỉ có bộ lông màu nâu nhạt ấy, gần đây hay đi với con khỉ đực có bộ lông màu vàng ngươm mới đưa từ Hà Giang xuống. Hai con bám riết nhau lắm. Nhưng hôm kia vẫn phải tách chúng ra, đưa con khỉ đực sang đảo Xanh. Vì loài khỉ có lông màu vàng ngươm hiện còn rất ít, nên phải đưa sang đảo Xanh để nhân đàn, cho phát triển lâu dài ở bên đó. Còn con khỉ cái kia thì không thể cho đi cùng đợt này được.

Ông chủ thuyền cũng là người vui tính, nghe Toản nói khùng khục cười:

- Tôi đoán không sai mà. Phải nhân tình nhân ngãi thế nào mới dám bơi qua biển đến với nhau thế chứ.

Hà bật lên tiếng cười:

- Gớm, bác cứ làm như khỉ cũng như người í.

- Ơ, thế cô quên khỉ là thủy tổ của loài người à.

Ngỡ như ông chủ thuyền và Hà còn lao sâu vào tranh luận về thủy tổ loài người, nếu như Toản không vội giục:

- Bác cho vát thuyền sang bên phải một tí. Thế. Thế. Nhẹ thôi, không nó hoảng.

Chiếc thuyền nhẹ nhàng lướt đi. Khoảng cách giữa chiếc thuyền và con khỉ dần ngắn lại. Dưới ánh trăng, Toản nhận ra đúng con khỉ màu nâu nhạt thường ngày vẫn bám riết con khỉ vàng rồi. Hôm đưa đàn khỉ sang đảo Xanh, chính nàng này táo tợn lần ra bến, lừa lúc không ai để ý đã lẻn lên thuyền chui vào sạp nằm. Nhưng khi mấy cô công nhân xếp ngô xuống thuyền đưa sang đảo Xanh làm thức ăn cho bầy khỉ, đã phát hiện ra. Một cô nóng tính cầm chiếc bê chèo đét cho mấy cái vào mông, đuổi lên bờ. Vậy mà giờ còn dám bơi qua biển sang với bạn tình thì giỏi thật.

Con khỉ như cũng nhận ra chiếc thuyền đang đến gần. Nó có vẻ như đuối sức, hay ngóng người, bơi như đứng lại, một tay giơ lên khỏi mặt nước vẫy vẫy, miệng phát ra tiếng "khẹc khẹc" gọi. Toản bảo ông lái thuyền dừng chèo, cho thuyền tự trôi, rồi bịt mũi, đổi giọng "khẹc khẹc...". Bỗng con khỉ như nhận ra tiếng người gọi bằng cái âm thanh mà chỉ có những con khỉ như nó, được con người thuần hóa, mới hiểu được thứ ngôn ngữ đặc biệt ấy. Nó liền quay đầu lại, giơ cả hai tay lên vẫy vẫy, khẹc khẹc rối rít. Toản vội hỏi ông
lái thuyền:

- Bác vẫn có cái vợt lưới đâu rồi?

- Ở dưới sạp thuyền, chỗ cô Hà ngồi đấy.

Hà vội quay người, nhổm dậy:

- Để em lấy cho.

Nhưng Hà không quen với những đồ nghề để dưới thuyền. Cứ lúng ta lúng túng mãi không lấy được cái vợt. Toản bước vội lại. Tay luồn xuống dưới sạp, lấy ra cái vợt lưới có tay cầm. Rồi quay lại bảo ông chủ thuyền:

- Giờ bác để ý giữ thuyền cho thăng bằng. Khi nào thuyền đến gần, cháu chụp ngay lấy nó, kéo lên. Thế nhá. Đừng để lệch thuyền, bác nhá.

Tiếng Hà tíu tít:

- Con khỉ bơi lại thuyền rồi, anh ơi!

- Bình tĩnh không nó sợ.

Khoảng cách rút ngắn.

Cả người trên thuyền và con khỉ dưới nước như thấy nhau
rất rõ.

Toản vội quay ra mạn thuyền, nhanh tay bổ cái vợt chụp lấy
con khỉ.

Bất ngờ, con khỉ quẫy mạnh. Rồi ngụp xuống.

Chiếc thuyền chao nghiêng.

Toản mất đà, rơi tùm xuống biển.

 

*

*      *

 

 Sáng hôm sau.

 Khi Toản còn nằm thiếp đi trong trạm y tế đảo, thì Hà, qua 1080, hỏi ra số điện thoại nhà anh trong đất liền.

- A lô! Chị là chị Hải, vợ anh Toản, đấy ạ.

- Cô ở đâu?

- Em là Hà, ở trạm y tế đảo Rêu đây mà.

- Cô cần gì, nói ngay đi.

- Em muốn báo cho chị một tin. Anh Toản tối qua ở đất liền ra bị ngã xuống biển. Giờ đang ở trạm y tế đảo... A lô! A lô...

Người đầu dây đằng kia đã dập máy tự lúc nào.

Hà hậm hực úp mạnh ống nghe lên bàn máy.

Khi Hà trở lại phòng điều trị, vẫn thấy con khỉ có bộ lông màu nâu nhạt ngồi phủ phục dưới chân giường Toản nằm, tay cầm miếng vỏ dưa gặm rấm rích.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86041


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận