Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 27


Truyện ngắn 27
Người quê ra phố

Xuống xe khách, ông Thường xách cái bao tải, trong có đôi gà mái tơ và mấy ống gạo nếp, đi thẳng về phía đường Quang Trung. Đường phố có từ thời Tây, dài nhưng không rộng, lòng đường dễ chỉ dăm, bảy mét, lại lòa xòa cây cối. Trên vỉa hè, những tấm vải nhựa, vải bạt chằng, buộc ngang cành cây, cột điện, nhìn lòng đường như hẹp lại. Lướt nhìn dọc phố, ông như thấy con đường dài hun hút. Nhưng không chút ngại ngần vì đường xa, xách nặng. Bởi đây không phải lần đầu ông Thường ra phố. Cũng không phải lần đầu ông đi trên dãy phố này. Cách đây mươi năm, cái hồi mua gạo, than, đậu phụ, mắm tôm còn đặt gạch xí chỗ xếp hàng từ rạng sáng, ông Thường đâu một, hai lần đã đi dọc phố này, đến chỗ cây cột điện to cao đằng kia, gặp con ngõ nhỏ, lát toàn đá núi xanh thẫm, rẽ vào, đi một đoạn nữa là đến nhà bà chị về đằng vợ, lấy chồng làm trên tỉnh, có nhà riêng trong ngõ đá. Ngỡ đã quen đường quen ngõ, ông Thường cứ thế xăm xăm bước.

Nhưng ông vừa đi được mấy bước, bỗng giật nảy người, khi thấy cái bao tải xách tay như có ai giằng hất ra, cùng một tiếng nói như quát bên tai:

- Ông đi gì đi thế! Hàng họ người ta bày thế này...

Không nhìn người đang xỉa xói, ông Thường cúi xuống dưới chân. Rõ là đôi chân ông đang đặt trên hè đường, được lát bằng những tấm xi măng vuông vắn. Nhưng chỉ cách đầu ngón chân cái ông dễ chưa đến gang tay đã ngổn ngang xô, chậu, rồi can nhựa, gáo nhựa xếp từng chồng, từng đống và không biết cơ man nào là giấy, trông mềm và trắng phau, đóng trong những túi nhựa to, nhỏ, lớn, bé đủ kiểu, đủ cỡ vuông tròn, dài, dẹt. Tất cả được bày, được xếp trên tấm vải bạt to tổ bố, trải dễ kín từ cửa nhà ra tận sát mép đường. Nhìn xuống chân, thâu vào tròng mắt tất cả những thứ ấy, ông lừa lựa có thể đặt bàn chân vào chỗ nào rồng rộng một tí ở đám xô chậu kia, để tiếp tục đi. Thì bỗng lại nghe một giọng băm bổ:

- Cái ông kia! Đã bảo thế mà cứ đi. Không nhìn thấy cái gì


đấy à?

Ông Thường đã đặt được cả hai chân bước qua gần hết tấm bạt bày hàng, hơi dừng bước, nhìn vào phía trong nhà, nơi có người đàn bà đang nửa nằm nửa ngồi trên chiếc ghế gấp đặt ngay ở cửa, từ
tốn bảo:

- Chị cứ yên tâm, tôi không bước lên hàng của chị đâu mà lo.

- Nhưng ông xuống dưới kia mà đi. - Chị ta chỉ tay xuống lòng đường - Đừng đi lên trên này thế. Không vào hàng nhà này cũng vào hàng nhà kia.

Nhưng ông Thường đã bước qua chỗ bày hàng đồ nhựa và giấy vệ sinh ở cửa hàng chị ta rồi. Ông như không bỏ vào tai lời chị ta nói nữa, cứ tự nhiên như nhiên bước đi trên vỉa hè lát bằng những tấm xi măng vuông vắn, như cách đây mấy mươi năm ông đã từng đi. Chỉ có khác, ngày ấy vỉa hè khúc khỉu, lồi lỏm, vì lớp xi măng láng lâu ngày đã hỏng nhiều, đi cứ tập tà tập tững, bước thấp bước cao, chứ không được nhẵm phẳng, dễ đi như bây giờ. Ông Thường cứ thản nhiên vừa đi, vừa đưa mắt nhìn phố xá. Lòng đường dưới kia vẫn dài rộng như mươi năm trước, mặt đường nhẵn bóng như mới được rải lớp nhựa phẳng lì. Phố xá sầm uất với những nhà tầng cao to, kiến trúc lạ mắt, nhìn vào chỗ nào cũng thấy cửa hàng, cửa hiệu bày bán không biết cơ man nào là hàng hóa. Ông Thường vừa đi vừa ngắm nhìn phố sá, bỗng nghe "cạch" một tiếng dưới chân, rồi một giọng đàn bà rất chua:

- Cái nhà ông kia, đi gì đi thế! Đổ hết cả ghế gổng người ta rồi.

Biết mình lỡ chân làm đổ cái ghế nhựa thấp thẹ để chỏng chơ bên cái bàn, cũng bằng nhựa thấp thẹ, của bà chủ quán canh bánh đa, ông Thường lẳng lặng cúi xuống dựng lại cái ghế, rồi nghiêng người, một tay nhấc bổng cái bao tải, lách qua đám hành khách đang ngồi ăn quà, tiếp tục đi. Nhưng mới được nửa bước, ông suýt ngã chổng vó, vì có người bất ngờ đẩy mạnh cái bao ông xách trên tay, làm ông bỗng dúi về phía trước. Ông chưa kịp hiểu ra lẽ gì, thì nghe một giọng nam khàn khàn như người nghiện, cáu bẳn:

 - Đi đứng thế à! Bao thì bao bẩn, quệt ráo cả vào người ta.

Ông chưa kịp có lời thanh minh vì đường đi lối lại chật chội quá nên tôi lỡ, thì đã nghe giọng chua loét của bà chủ quán canh bánh đa:

- Ông đi bộ, xuống dưới kia mà đi. Đây chỗ người ta bán hàng.

Nghe bà chủ quán canh bánh đa nói, ông quay lại trố mắt, hỏi:

- Bà bảo tôi đi xuống dưới kia là xuống đâu? Dưới lòng đường ư! Cho công an phạt tôi à.

Bà chủ quán canh bánh đa xem ra cũng là người hiểu biết, ít ra là kiểu cách đi đứng ở đoạn đường này, vừa chao cái môi vào nồi canh, vừa bảo:

- Gớm, ông cứ vẽ. Người ta vẫn đi dễ thường công an cũng phạt cả đấy.

Ông Thường đưa mắt nhìn xuống dưới đường. Đúng là có mấy thanh niên đang lững thững đi trên đường phố, có lúc thấy đàn bà, con gái đi xe qua còn đưa tay ra dứ dứ như dọa, như vời, làm một chị ngồi trên chiếc xe máy màu xanh rêu vội lạng xe ra giữa đường, tí lao vào chiếc ô tô con màu đen trũi. Ông Thường bỗng nhớ lời vợ con dặn đi dặn lại lúc ở nhà: "Ông ra ngoài phố có đi đâu, nhớ là phải đi trên vỉa hè. Đừng đi xuống dưới lòng đường là phạm luật giao thông, công an họ phạt đấy!". Phải rồi, cẩn tắc vô áy náy, ông Thường không xách cái bao dứa trên tay nữa, mà khoác cái bao lên vai cho không còn sợ va quệt vào người nào ngồi ăn quà, uống nước lổn nhổn trên vỉa hè ngổn ngang những hàng họ bày bán la liệt. Khoác cái bao lên vai, không phải xách mỏi tay, đôi chân ông như cũng nhẹ bớt, bước những bước chững chạc và chuẩn xác hơn. Ông xăm xăm bước đi như thế được chừng vài sải tay, thì một tiếng quát làm ông giật thột:

- Cái ông kia, dừng lại! Bước ráo cả vào quần áo người ta giờ.

Ông Thường sững người, nhìn xuống dưới chân. Đúng là từng xấp quần áo, toàn là quần bò, áo phông đóng trong những túi ni lông bóng, bày chật tấm vải bạt rộng dễ bằng cả gian nhà, trải ngang vỉa hè, suốt từ trong cửa nhà ra đến sát mép đường. Chưa hết, trên đầu ông còn lủng lẳng những dây, những móc treo toàn quần áo ngắn của chị em, với những chiếc xu chiêng, quần lót màu sắc lòe loẹt, mà bất cứ ai hễ đi trên vỉa hè là đều đi dưới những thứ ấy, chứ chẳng cứ gì ông. Nhưng ông chợt nhìn lại bỗng đỏ mặt tía tai, như vừa làm điều gì có lỗi, ít ra là với bà ấy ở nhà, vội đứng sững lại. Tiếng chị chủ sạp quần áo lại lộp cộp bên tai:

- Ông đi bộ đi xuống dưới kia kìa! Hàng họ người ta thế này, đi làm sao được mà cứ cố.

Ông Thường quay lại nhìn chị chủ sạp quần áo, nói:

- Chị bảo tôi đi xuống lòng đường để tôi phạm luật à!

Một anh đang đứng trong cửa hàng bán chăn ga gối đệm, cũng bày một dãy dài từ cửa nhà ra tận mép đường, quay nhìn ông Thường, bảo:

- Nhưng bác ơi, bao nhiêu người vẫn đi dưới lòng đường có ai phạm luật đâu, mà bác cứ đi trên vỉa hè để bước cả vào hàng họ của chúng em thôi.

Chị chủ sạp quần áo nghe ông bạn hàng nói ngon ngọt vậy, xăng xái bước ra, giọng cảm thông, vừa nói vừa như đẩy ông ra phía ngoài đường:

- Con dẫn ông ra lối này, để ông xuống lòng đường mà đi, chứ tội gì cứ chen vào đám hàng họ để người ta nói cho.

Bà hàng nước chè chén, với những chiếc ghế nhựa thấp thẹ để ngổn ngang bên gốc cây vỉa hè, cũng góp nhời:

- Đúng đấy, bác ạ! Cứ xuống dưới kia, đường ta ta cứ đi, tội gì chen lên trên này đi cho khổ.

Ông Thường buột miệng:

- Các người bảo tôi đi xuống dưới đường để công an họ phạt cho à!

Anh chủ cửa hàng chăn ga gối đệm vội lên tiếng:

- Ôi bố già ơi, bố nhìn kia, bao nhiêu người còn mạnh chân khỏe tay, nhanh nhẹn hoạt bát bằng mấy bố, mà đi dưới lòng đường đã ai làm sao. Huống hồ bố già nhà quê ra phố, ai người ta chấp.

Một chị ngồi trên cái ghế con trước cửa nhà, trước mặt không biết cơ man nào là ấm chén, bát đĩa sành sứ và cốc thủy tinh đủ loại to nhỏ, cao thấp xếp thành từng hàng dài ra tận phía ngoài đường, ngẩng lên nhìn ông Thường hối thúc:

- Đúng rồi! Ai người ta chấp ông già nhà quê. Bố cứ xuống dưới đường kia mà đi, chứ đi trên này, nhỡ va quệt chân tay, đổ vỡ hàng họ chúng con là đền bạc triệu đấy, bố ạ.

Năm người, mười nhời, chung quy lại ai cũng bảo ông xuống dưới lòng đường kia mà đi, chứ cứ đi trên vỉa hè thế này, nhỡ có sao liệu đền người ta được không. Nói đến tiền bạc đền bồi, nhỡ có sao, ông Thường lại bỗng nhớ ban sáng ở nhà đi, bà vợ lục lọi khắp mới đưa cho được vẻn vẹn năm mươi nghìn, thì tiền vé ô tô từ Chanh lên đây hết mười bảy nghìn, với hai nghìn vé phà là mười chín. Chỉ còn đúng ba mươi mốt nghìn, dành để hôm về, vé xe, vé phà, cũng phải có đồng quà tấm bánh cho bà cháu ở nhà nữa chứ. Ông Thường rờ rờ tay vào túi quần, rồi chậm chạp theo chị chủ sạp quần áo ra đến gần mép đường thì dừng lại. Trước khi quay vào, chị ta cười rất tươi, chào ngọt xớt, ông đi nhé!

Ông Thường đổi vai khoác, đưa cái bao tải từ bên phải sang bên trái cho đỡ mỏi, rồi mới quay nhìn đằng sau, lại ngước nhìn đằng trước, cẩn tắc vô áy náy, mới lững thững bước xuống đưới lòng đường. Đầu tiên ông còn bước từng bước, chậm chạp, dò dẫm. Chốc chốc lại quay về phía sau, ngơm ngớp nhìn. Có lúc ông ngẩng mặt lên, nhìn tận vào trong vỉa hè như săm soi người nào. Nhưng dường như không ai để ý tới ông già đầu đội mũ cát, mặc áo sơ mi màu cháo lòng, lõng thõng hai cái vạt áo dài chấm gần đầu gối, chiếc quần xanh đã bạc xám, đi đôi dép nhựa màu nâu có đủ cả quai hậu, kiểu dép những năm tám mươi thế kỷ trước còn tồn lại. Không ai để ý tới ông già đang cắm cúi đi bộ dưới lòng đường, kể cả người cảnh sát vận đồng phục đang đứng nói chuyện với cô gái đi chiếc xe máy màu đỏ tươi, vừa dừng lại ngay gần mé đường phía trên một quãng. Đúng như người đàn ông đứng trong cửa hàng chăn ga gối đệm vừa nói, bao nhiêu người đi dưới lòng đường có sao, huống hồ ông già nhà quê, ai người ta chấp. Ông Thường như vững thêm đôi chân xăm xăm bước đi trên đường phố ồn ã tiếng động cơ ô tô, xe máy cùng những hồi còi chói gắt đinh tai nhức óc.

Nhưng bỗng ông Thường mắt nảy hoa cà hoa cải đổ vật xuống lòng đường. Rồi tiếng người hối thúc, giữ lấy nó, các người ơi giữ lấy nó. Cái thằng giời đánh đâm xe vào người ta rồi bỏ chạy kìa! Nhưng chính những người kêu giữ lấy nó, giữ lấy nó vẫn cứ đâu ở đấy, người ngồi trong quán, kẻ đứng trên vỉa hè, kẻ vè vè xe máy phóng như bay giữa lòng đường. May sao vừa lúc có hai người đi xe đạp tới, vội vất xe chỏng chơ giữa đường, xúm vào nâng ông già từ chỗ vũng máu đỏ rọc lên, dìu vội vào vỉa hè. Bấy giờ người đàn ông ở cửa hàng chăn ga gối đệm, chị chủ sạp quần bò áo phông, bà bán bánh đa và chị bán ấm chén, bát đĩa sành sứ đứng trong vỉa hè mới ngáo ngác giục đưa ông già đi thôi, gọi xích lô mau lên, xích lô kìa.

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86042


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận