Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 29


Truyện ngắn 29
Đồng vọng

Mãi đến khi hai người đã ngồi trong chiếc chòi trên mặt hồ nhâm nhi từng lát cá gỏi, nàng vẫn chưa hiểu bằng cách nào, nàng lại nhận ra chàng nhanh thế.

Nàng nhớ khi ấy trong lòng nàng đang trống trải và buồn bực. Vì chuyến về Hải Phòng đã sang ngày thứ hai mà nàng đi đâu cũng chỉ một mình kẽo kẹt cái xe đạp han gỉ đi mượn. Đó là điều khi xưa nàng còn ở đất này đâu phải thế. Nàng đi đâu, đứng đâu cũng vè vè những gã đàn ông hiếu sắc đón đưa, mời chào, chứ có khi nào phải đi đứng một mình thế này. Hơn nữa, cái việc chính của nàng về Hải Phòng lần này là làm hồ sơ cho đứa con gái út thi vào đại học, thì sáng nay nàng đi rất sớm ra Ủy ban phường, không may lại đúng lúc người ta giao ban đầu giờ. Nàng đành chờ. Năm phút, bảy phút... Chán nản và buồn bực là cảnh đợi chờ. Nàng thẫn thờ trên mảnh sân hẹp trước cửa Ủy ban phường, nhìn vơ vẩn ra ngã năm nườm nượp người và xe đi lại. Bỗng nàng nhận ra chàng từ quán phở bên đường đi ra, một tay còn cầm cái tăm chọc chọc vào các kẽ răng, mà nàng biết chắc bộ răng bản cuốc của chàng giữa các khe đều hở hoác. Nàng mến yêu chàng một phần còn vì bộ răng to và thưa ấy. Ngày xưa, các cụ bảo: "Cái răng cái tóc là góc con người"; còn ngày nay, thầy tử vi xem cho nàng, phán: số nàng phải làm bạn với người đàn ông nào có bộ răng to và thưa, mới đầy tính cách đàn ông, không ki bo và vô cùng hào phóng. Cả ba cái đó đều là tiêu chuẩn hàng đầu để nàng chọn người đàn ông có thể gọi là chồng. Nhưng đấy là chuyện ngày xưa, hồi nàng còn ở tuổi phơi phới thanh xuân cơ. Còn bây giờ, nàng đã ở cái tuổi bốn tư thì một người đàn ông lý tưởng đối với nàng không phải là cái mẽ bề ngoài, hay tính cách đàn ông hào phóng, mà là tiền. Miễn là người đó có tiền, hoặc thấp hơn một chút là biết cách kiếm ra tiền, là nàng có thể say như điếu đổ. Bởi từ ngày bốn mẹ con nàng bị gã nhiếp ảnh đẩy ra cửa, thì mọi ước mơ văn chương nghệ thuật mà một thời nàng đắm say đều vất xó. Niềm khát khao cháy bỏng của nàng từ hôm ấy chỉ còn lại là tiền. Bằng mọi cách phải có nhiều tiền. Nàng nói một cách dứt khoát như vậy, khi gắp miếng gỏi cá đặt vào bát chàng. Bốn con mắt nhìn nhau mỉm cười. Chàng hỏi một câu, tỏ ra chàng hiểu khá kỹ về người chồng trước của nàng:

- Em có hỏi ý kiến Bỉnh khi quyết định cho con gái út thi đại


học không?

Nàng nói thẳng:

- Làm sao em phải hỏi. Vì trên thực tế hàng chục năm nay, có tháng nào hắn cho ba đứa con nổi trăm bạc.

Chàng như bị bất ngờ, vì lần đầu nghe mẩu thông tin ấy:

- Ơ, thế hồi em và Bỉnh chia tay, tòa án chả giải quyết cho Bỉnh nuôi hai đứa, em nuôi một đứa là gì.

Nàng xác nhận:

- Đúng. Nhưng em lên Hà Nội, sống với Hùng chưa bao lâu đã thấy nhớ con quá thể. đành liều về gặp Bỉnh, xin đưa cả ba đứa con đi nuôi. Cái phận đàn bà, các cụ đã bảo: "Cá chuối đắm đuối vì con", quả không sai, anh ạ. Hơn nữa, Bỉnh là người đàn ông đáng thương hơn là đáng giận. Anh ta có sức khoẻ, còn đẹp trai nữa là khác, nhưng nhu nhược. Anh ta dường như biết phận mình, nên nghe em nói: "Để tôi đưa cả ba đứa đi, cho nó quấn quýt lấy nhau", thì Bỉnh chẳng những không giữ, mà còn bảo: "Thôi thì cô cứ đưa cả đi".

Thế là nàng đưa cả ba đứa con lên Hà Nội, sống với gã nhiếp ảnh của một tờ báo ngành đã đưa nàng về nhà, sau buổi nàng nhận giải cuộc thi thơ ở tờ báo của gã. Nhưng bước ngoặt của nàng với Hùng - tên gã nhiếp ảnh - cũng khởi nguồn từ đó. Hay nói đúng hơn, nàng thân gái dặm trường vào Nam ra Bắc, trở thành một đầu nậu in ấn phẩm cũng từ bước ngoặt ấy. Nàng dẫn ba đứa con của nàng với người chồng trước, về ở với gã nhiếp ảnh hào phóng được đúng bảy bảy bốn chín ngày, thì đùng một tối gã đi đâu về với nét mặt phừng phừng. Sau khi vất tệch chiếc áo khoác lên thành ghế, gã đi vào phòng trong réo đúng tên nàng mà gầm:

- Diên, Diên đâu! Nghe nói đây: từ mai trở đi cô tự tìm lấy tiền chi tiêu hàng ngày cho bốn mẹ con và trả hai phần ba tiền nhà, điện, nước; còn tôi một phần ba!

Nàng bỗng như sét đánh mang tai, nhìn gã van vỉ:

- Anh Hùng! Chẳng lẽ vì ba đứa trẻ mà anh nỡ đối xử với em như thế sao?

Gã nói chẻ hoe, chứ không úp mở, vòng vo một tí nào:

- Tôi lấy cô, chứ không lấy con cô! - Rồi gã cưa đứt đục suốt - Hoặc là tôi, hoặc là con, cô chỉ được chọn một!

Nàng bịt chặt hai tai, giọng cũng không kém phần cả quyết:

- Đủ rồi! Anh viết ngay đơn ly hôn đi!

Nhưng đến đây thì lão phó nháy lại hềnh hệch cười:

- Tôi có bảo ly hôn đâu, chỉ bảo cô không nên đưa con về đây. Nhưng cô đã đưa cả ba dứa về thì mẹ con cô phải tự nuôi nhau, chứ tôi không nuôi báo cô một người nào đâu.

Nói thế thì thà bảo rằng chia tay nhau đi còn hơn. Nàng có thể bỏ chồng, nhưng không thể bỏ con. Thực ra, nàng đã một lần bỏ chồng ở Hải Phòng, nhưng con thì ngay từ đầu nàng đã bịn rịn. Sau vì quá thương nhớ con mà nàng phải xuống Hải Phòng chiềng mặt ra với Bỉnh để xin cả ba đứa con được đi với mẹ lên Hà Nội. Vậy mà giờ gã lại dám mở mồm ra nói câu ấy. Không nuôi báo cô, bỏ nhau
thì bỏ, đây cũng không nhờ người nào phải nuôi báo cô con của
mình đâu.

Thế là gã nhiếp ảnh ném trả nàng cũng đúng bảy bảy bốn triệu chín trăm nghìn đồng tiền "bồi thường tuổi xuân" những ngày gã được chung chạ với nàng. Cũng là "ngậm bồ hòn" đấy, nhưng biết sao, một khi đã không ở được với nhau thì tòa phán thế nào chả phải nghe. Bốn mẹ con nàng dắt díu nhau ra khỏi nhà gã nhiếp ảnh từ sau cái đêm ấy. Và, cái món tiền "bồi thường tuổi xuân" với người khác có khi chẳng đáng gì, nhưng với nàng lại có giá. Chỉ mấy ngày sau, nhờ bạn bè mai mối, nàng đã mua ngay được căn nhà lợp tôn xi măng hăm bốn mét vuông ở ngõ hẻm một khu phố sầm uất. Và cũng lại không ngờ, cuộc đời nàng lần nữa "lên tiên" cũng từ cái gian nhà hăm mốt mét vuông ấy.

Cho đến bây giờ, nàng vẫn đinh ninh rằng, những năm tháng nàng sống với Bỉnh dẫu có tới ba mặt con, cũng chưa khi nào nàng dám mơ được cầm trong tay hàng chục triệu đồng. Và dẫu đã chia tay thì nàng vẫn biết, nhờ có gã nhiếp ảnh mà nàng đã biết cách làm ra tiền, dẫu khó khăn cũng còn hơn ối người. Nàng rót chén rượu thuốc ra chiếc chén con, giục chàng uống, rồi bảo:

- Em rất biết ơn anh Hùng. Thực lòng, giờ em đang ngồi bên anh trên mặt hồ này đây, nhưng em vẫn thấy quý anh ấy.

Nàng nói thế là thật lòng và tình nghĩa lắm đấy. Dẫu nàng đang ngồi bên chàng đây, nhưng khi nàng nói câu ấy, chàng cũng không hề thấy phật ý tí nào, mà chỉ thấy quý trọng nàng, một con người biết cư xử trước sau. Nàng đang nhớ tới gã. Mà nhớ tới gã là nàng không thể quên cái lần gã dắt nàng vào cuộc chơi lịch tờ năm "Con Lợn". Đấy là lần đầu tiên nàng biết thế nào là đầu nậu văn hóa phẩm.

Một tối, gã đem về nhà một tập phong bì to dày. Giở ra toàn các kiểu ảnh phong cảnh, kiến trúc, hoa hậu, cầu thủ, diễn viên xiếc, và còn những gì gì nữa nàng không đầu óc đâu nhớ hết. Gã nhiếp ảnh giải thích đấy là những mẫu lịch treo, do cơ quan Q, đơn vị Y, quận L, huyện X đặt hàng. Việc của gã, và cả nàng nữa chứ, là mua các giấy phép xuất bản lịch ở các nhà xuất bản gã quen thân, rồi mang in. Nói là làm, chỉ vài ngày sau gã đã đem về một mớ giấy phép xuất bản lịch; rồi dẫn nàng vù một cái vào thẳng thành phố Hồ Chí Minh. Và rồi còn bao nhiêu cái bất ngờ khác nối tiếp nhau đến với nàng, như những cơ sở in rất tân kỳ, hiện đại; những nhà sách sang trọng, lộng lẫy nàng mới thấy lần đầu. Chỗ nào cũng vồn vã đón tiếp gã nhiếp ảnh kiêm đầu nậu lịch sách, chỗ nào cũng xởi lởi nâng giá hoa hồng, hạ giá giao. Đêm cuối nằm ở khách sạn, gã cho nàng nếm đủ mùi vị các món ăn, các kiểu chơi ở nhà hàng, rồi hạ một câu xanh rờn: "Mai em về trước, anh ở lại vài hôm gom tiền rồi về sau". Thế là sớm hôm sau nàng một mình xách chiếc túi du lịch uể oải bước chân lên cầu thang máy bay để ra Hà Nội. Và đấy cũng là lần đầu tiên nàng biết thế nào là đi máy bay không có người quen - cô đơn, mệt mỏi và buồn tẻ đến cùng cực. Sau này nàng còn nhiều lần bay ra bay vào Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng nàng vẫn không quên cái chuyến bay một mình đầu tiên ấy. Lúc gã tiễn nàng lên phòng chờ bay, nàng lần đầu tiên hỏi xin gã tiền để về ngoài Bắc mấy mẹ con chi tiêu. Gã mở cặp, để lộ ra từng xếp tiền năm chục nghìn xanh kín hai ngăn cặp đen, nhưng lại nhẹ nhàng rút ra đúng bốn tờ năm mươi nghìn đồng đưa cho nàng với cái nhìn kẻ cả. Nàng thiếu một chút ném bốn tờ giấy xanh vào mặt gã, nhưng chợt nghĩ đến số tiền đóng học cho con tháng này, nàng nuốt nước miếng nhét tiền vào cạp quần. Nhưng cái để lại trong nàng về những ngày sống với gã nhiếp ảnh kiêm đầu nậu lịch sách không phải là thế, mà là khác kia. Vốn tính nhanh nhẹn, tháo vát nàng học được rất nhanh cái sắc sảo, láu lỉnh ở gã đầu nậu, nó tạo cho nàng hòa nhập nhanh vào cơ chế
thị trường, với những ngón láu cá của biết bao nhiêu trường phái buôn bán.

Thế nên, khi nàng cầm chai rượu rót vào chiếc chén con của chàng, giục chàng uống, còn nàng lại đi khen một người đàn ông khác trước mặt chàng, thì chàng hiểu là nàng rất thực lòng. Bởi, dù thế nào thì nàng cũng không phải là kẻ vô ơn. Ngược lại, nàng rất biết ơn gã nhiếp ảnh đầu nậu lịch sách. Cũng nhờ gã dẫn nàng vào Thành phố Hồ Chí Minh làm lịch Tết năm "Con Lợn" mà sau này, khi bốn mẹ con nàng dắt díu nhau ra khỏi nhà gã, nàng bỗng lại nhớ chốn phồn hoa đô thị ấy quá thể. Nhân có chuyến xe của một người quen làm ở Tổng Cục Thuế đi công tác vào thành phố Hồ chí Minh, nàng nhảy lên "Đi một chuyến đường dài Bắc - Nam cho biết đó biết đây", như nàng nói vui khi xách túi lên xe. Rồi lại có quý nhân phù trợ thế nào, nàng vào Thành phố Hồ Chí Minh lại gặp ngay người quen. Người đàn ông ấy cảm nàng vì sắc đẹp trời cho, gần bốn mươi vẫn còn tươi non roi rói. Còn nàng, ngay từ giây gặp đầu tiên đã nhìn thấy ở hắn ta sự hấp dẫn vì một cái gì rất khó diễn giải. Đến bữa ăn chiều hôm sau ở nhà hàng Thủy Tiên thì nàng hiểu, chỉ có hắn ta mới có thể giúp nàng kiếm ra tiền nuôi cả bốn mẹ con, không những đủ ăn mà còn dư dật như nàng thầm mơ ước. Nàng bỏ chuyến đi với người quen ở Tổng cục Thuế, nhờ hắn cho vay tiền mua vé máy bay vù thẳng ra Hà Nội, thu xếp cho ba đứa con tự trông coi nhau vài tháng cho mẹ đi kiếm tiền về nuôi chúng mày ăn học. Thằng con lớn bấy giờ đang học năm cuối cấp trung học phổ thông, nhìn mẹ rơm rớm nước mắt: "Mẹ đừng đi. Mẹ phải ở nhà với chúng con!". Nàng bảo thằng lớn mà như bảo cả ba đứa: "Mẹ tin các con vắng mẹ vẫn học hành tốt và cư xử với nhau tử tế". Cả ba đứa con đều ôm chầm lấy mẹ. Thằng con lớn bảo: "Mẹ vào trong ấy, chúng con chỉ lo cho mẹ nhỡ có làm sao...". Nàng một lúc ôm chặt cả ba đứa con vào lòng: "Không, không có chuyện gì xảy ra với mẹ được nữa. Vì các con, mẹ có thể làm được tất cả". Thằng lớn tỏ ra từng trải, nó nhìn thẳng vào đôi mắt ngấn lệ của mẹ, nói nhỏ: "Con xin mẹ hãy bảo trọng!". Suýt nữa thì nàng bật lên tiếng cười, vì câu nói thằng con mới học được ở phim Bao Thanh Thiên đang chiếu trên truyền hình thành phố.

Nàng trở lại Sài Gòn "nhập hội" với hắn ta được đúng hai tháng hăm ba ngày, thì đùng một hôm, hắn bảo: "Tôi định bỏ nghề in nhãn mác để chuyển sang đi làm pơ mu với mấy thằng bạn. Cô có đi với tôi thì thu xếp, còn không thì mai chia tay nhau ở nhà hàng Thủy Tiên". Bấy giờ, nghề buôn gỗ pơ mu đang phất nhanh, ở ngoài Bắc nàng đã đọc trên báo chí mấy vụ "tuột xích" vì buôn lậu gỗ pơ mu. Nàng bảo hắn: "Có lẽ duyên phận hai ta đến thế thôi, mình chia tay nhau luôn ở đây đi, anh ạ". "Cũng xong." - Hắn bảo - "Nhưng có điều nói trước cô thông cảm, hôm nay tôi chỉ mang có ngần này, cô cầm tạm". Vừa nói, hắn ta vừa móc túi rút ra hai mươi tờ giấy một trăm nghìn đưa cho nàng. Chờ hắn đếm xong tiền, nàng bảo: "Anh định trả công tôi gần ba tháng trời như thế đấy à?". Hắn cười, sấn lại phía nàng: "Em đừng nghĩ xấu về anh. Với em, anh lúc nào cũng vô tư!". Vừa nói, hắn vừa tháo chiếc nhẫn mặt ngọc ba chỉ đeo ở tay ra dúi vào tay nàng, và như thuận tay, hắn ghì chặt vai nàng áp vào ngực mình. Nàng bỗng như một người khác, rắn rỏi, kiên định và dứt khoát: "Anh buông tôi ra. Đồ đê tiện!". Cùng với lời nói là một cái tát đánh "bốp" vào bên má trái, làm hắn loạng choạng tí ngã. Nàng chia tay hắn cũng nhẹ như khi nàng quen hắn.

Nhưng, quả là đời nàng luôn có quý nhân phù trợ, vừa bị người này đẩy ra khỏi cửa, liền có người kia kéo luôn vào nhà. Nàng đang buồn bực và chán nản, định ra ga xem giờ tàu chạy suốt Bắc - Nam chuyến ngày mai, thì tình cờ gặp một chị cùng quê vào Thành phố Hồ Chí Minh làm ở một cơ sở in khá hiện đại. Lại in, dường như đấy là cái nghiệp chướng của nàng, không sao tránh khỏi. Chị kéo nàng về nhà, nói rất thật: "Nếu em chưa có chỗ làm thì cứ ở đây với chị, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo". Nói là nói thế, chứ nhà chị không đến nỗi nào. Hai mẹ con ở căn nhà khá rộng, tiện nghi đầy đủ. Trưa về nhà, thì chiều chị dẫn nàng đến cơ sở in, nơi chị làm việc, nói thẳng với giám đốc là em gái họ mới từ Hải Phòng vào. Giám đốc cũng là nữ, nên chị em dễ thông cảm nhau. Lại nữa, chỉ vài phút chuyện trò, tiếp xúc, nàng như có phép thôi miên đã cảm hóa được bà giám đốc trẻ. Từ đấy, chị bạn gần như nuôi hẳn nàng, ăn ở nhà chị có tới hàng tháng trời không phải nộp bất cứ một khoản tiền gì. Có lần lĩnh tiền thưởng, nàng mang về đưa cả cho chị năm trăm nghìn đồng. Chị dứt khoát không cầm, còn mắng: "Mày hai bàn tay làm, nuôi bốn cái miệng, thì đừng có sĩ, em ạ! Cầm cả lấy mà gửi ra ngoài Bắc cho con nó ăn học. Cốt là chúng nó ăn uống đầy đủ để còn có sức khỏe mà học là tao mừng cho mày". Nói đến con, nàng bỗng rơm rớm nước mắt, bảo: "Em cũng chỉ nghĩ thế, nên không dám tiêu pha gì. Nhưng sức dài vai rộng thế này mà cứ ăn bám chị mãi, cũng ngại". Chị lại mắng: "Thôi đi cô, tôi thương cô một, nhưng thương mấy đứa con cô mười. Cô cứ gom góp lấy tiền gửi đều đều ra cho mấy đứa ngoài đó ăn học là tôi mừng cho cô lắm rồi!". Sau vài tháng, không biết bằng cách nào, chị thu xếp cho nàng được làm đại diện cho cơ quan chị ở Hà Nội. Thế là nàng lại được về sống với ba đứa con, nên mới có dịp gặp gã nhiếp ảnh kiêm đầu nậu lịch sách năm xưa ở phố Nguyễn Đình Chiểu, mà nói với gã một câu nghe hài ra nước mắt: "Khi nào đến tuổi bảy mươi, ở một mình thấy buồn quá, anh có thể nhắn em đến ở cùng, thì em sẽ đến ngay". Nàng quả là người ăn ở biết điều, chứ không qua rõng cong đuôi như nhiều kẻ khác.

Bây giờ thì bốn mẹ con nàng đã qua cái thuở hàn vi, đang mon men vào cõi bồng lai - như nàng không giấu giếm nói với chàng. Mới cuối năm ngoái, nàng vừa lên tầng cái nhà hăm mốt mét vuông, xong, lại tậu được chiếc xe Drem mới cứng. Nhưng chưa hết. Cái làm nàng vui và cứ huyên thuyên với chàng từ nãy đến giờ là việc học hành đỗ đạt của ba đứa con của nàng kia. Này nhé, đứa con lớn hiện đang làm ở một cơ sở liên doanh với nước ngoài, tháng tháng lĩnh lương bằng đô; còn đứa thứ hai sang năm nữa là tốt nghiệp Đại học Y; duy đứa con nhỏ, nếu không có xác suất đáng kể, thì gì, chứ đại học kỳ thi này trúng là cái chắc. Nàng bật lên tiếng cười khanh lhách khi báo với chàng cái tin quan trọng ấy, và như có ý định thưởng cho chàng một cái hôn đắm đuối, hay ít ra thì cũng cái bẹo má, vuốt tai, nàng vội nhoài người định sang ngồi cạnh chàng ở phía bên này cái mâm gỏi cá, thì bỗng chuông điện thoại di động đỏ dồn. Nàng thò tay vào túi xách, lấy ra chiếc máy nhỏ bằng nửa bàn tay, áp lên tai: "Ừ, mẹ đây. Xong rồi. Ấy là mẹ nói hồ sơ của em Nguyệt phường họ chứng nhận cho xong rồi, chứ không phải chuyện của mẹ và bố. Ừ, mẹ sẽ gọi lại cho con sau". Nàng đóng máy, bỏ vào túi xách, quay lại nói: "Thằng con lớn của em đi công tác ngoài Quảng Ninh, gọi điện sang. Nãy em kể với anh đến đâu rồi nhỉ? À, cũng đang mạch về con cái. Đấy, thằng con lớn của em...". Nàng vẫn ngồi yên vị ở phía bên kia cái mâm. Chàng để ý khuôn mặt đẹp thánh thiện của nàng. Dường như lúc nào nói đến con, nàng cũng bần thần, thảng thốt như thế. Nhưng bây giờ còn hơn thế, nàng nói lửng với chàng câu ấy, rồi nhìn bâng khuâng ra mặt hồ lặng lẽ với mấy chiếc nhà chòi chỏng chơ trên mặt nước. Chàng chăm chăm nhìn nàng dò xét và như bỗng nhận ra, trong giọng nói điện thoại của nàng khi nãy, có cái gì như nghèn nghẹn khi nhắc lại trong máy câu: "Chuyện của mẹ và bố". Chàng nhìn nàng hỏi nhỏ: "Em về Hải Phòng lần này có ý định gặp Bỉnh không?". Nàng như vẫn còn thảng thốt về câu nói trong điện thoại của con, giờ lại nghe chàng hỏi một câu gần giống thế, chậm rãi: "Em cũng không biết nữa. Nhưng khi em đi, cả thằng anh lẫn con em đều bảo: "Mẹ về dưới đó lần này, cố đến chỗ bố con nhé". Em nghĩ từ hôm qua đến giờ nẫu cả ruột, đang muốn hỏi ý kiến anh đây". Chàng bỗng thấy bất ngờ trước câu nói của nàng. Bởi chàng chơi với cả hai vợ chồng Diên và Bỉnh trước đây. Giờ tuy họ đã chia tay, nhưng Bỉnh ở Hải Phòng thỉnh thoảng vẫn gặp nhau. Còn nàng dẫu lên Hà Nội, nhưng mỗi khi xuống Hải Phòng vẫn đến chỗ chàng chơi. Góp ý kiến với nàng về đường nào cũng rất thiên vị. Bảo nàng không nên đến gặp Bỉnh thì trong thâm tâm chàng không nỡ. Còn bảo nàng đến gặp Bỉnh có khi lại phật ý nàng. Chàng còn đang lưỡng lự, thì đã nghe nàng nói: "Thực tình, từ khi bỏ nhau, em không muốn nhìn mặt Bỉnh. Nhưng bây giờ, sau bao năm lăn lộn vất vả kiếm tiền nuôi con ăn học, nay có thể tạm nói là chúng nó đã trưởng thành, và thực lòng em cũng thấy mãn nguyện về con, thì bỗng nhiên em lại thấy cần phải cho chúng nó một người cha trong cuộc sống hàng ngày. Nên lúc nãy nói điện thoại với thằng lớn, nó có hỏi em về chuyện của mẹ và bố, là có ý muốn em mang lại cho chúng nó niềm vui ấy đấy, anh ạ". Chàng bỗng thấy chẳng còn điều gì góp ý với nàng, vội cầm chén rươu giơ lên: "Thôi nào, chúc mừng em!". Nàng cũng cụng chén, dốc một hơi, rồi đặt cạch cái chén xuống mâm, bước một bước như nhảy sang phía chàng. Bỗng chàng thấy tim mình đập rộn. Thì ngay lập tức, nàng đã ngồi lại chỗ cũ của mình, và thọc tay vào túi móc chiếc điện thoại di động áp lên tai. Quả là thời đại di động. Chàng nghĩ nhanh trong đầu và ngồi ngay đơ, như nghe lỏm những lời rè rè trong chiếc máy nàng đang cầm vọng loang ra.

 

Hải Phòng một ngày hè

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86044


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận