Jên Erơ Chương 21


Chương 21
Những linh cảm thật là điều kỳ lạ! Cũng như thần giao cách cảm và những điềm báo,

cả ba hợp thành một sự huyền bí mà nhân loại vẫn chưa giải thích nổi. Suốt đời tôi chưa bao giờ cười nhạo linh cảm, vì chính tôi đã từng có những linh cảm lạ kỳ. Tôi tin là thần giao cách cảm có thật (ví dụ, giữa những người ở rất xa nhau lâu ngày không gặp, họ hàng hoàn toàn chưa biết nhau, mặc dù đối với nhau xa lạ, nhưng vẫn khẳng định được là cùng một cội nguồn, cùng chung một gốc). Hoạt động của thần giao cách cảm vượt khỏi khả năng hiểu biết của con người. Còn những điềm báo, theo như chúng ta biết, có thể chỉ là sự giao cảm tự nhiên với con người.

Hồi tôi còn là một đứa con gái lên sáu, một đêm tôi nghe thấy chị Betxi Livơn bảo chị Macta Abôt rằng chị đã chiêm bao thấy một đứa trẻ nhỏ. Nằm mơ thấy trẻ nhỏ chắc chắn là một điềm gở, nếu không cho bản thân thì cũng là cho người thân thích; lời nói ấy hẳn là tôi có thể quên đi nếu tiếp theo không xảy ra ngay một trường hợp làm cho nó in sâu mãi vào trí óc tôi. Ngay ngày hôm sau chị Becxi được gọi về nhà vì đứa em gái vừa chết.

Gần đây tôi cứ luôn luôn nhớ lại lời nói và sự việc ấy, vì suốt tuần lễ qua, không mấy đêm là tôi không chiêm bao thấy một đứa trẻ, khi tôi bồng nó trên tay, khi tôi để nó dập dềnh trên đùi, đôi khi lại ngắm nó chơi với hoa cúc trắng trên bãi cỏ hoặc thấy nó đập đập tay xuống một dòng nước đang chảy. Đêm nay mơ thấy một đứa trẻ khóc, đêm sau lại mơ thấy một đứa trẻ cười, có lúc nó nép vào người tôi, có lúc nó lại chạy trốn tôi. Nhưng dù là mơ thấy thế nào đi nữa thì liên tiếp bảy đêm liền, hễ tôi nhắm mắt bắt đầu ngủ là nó lại hiện ra.

Một ý nghĩ cứ lặp lại, một hình ảnh cứ tái diễn lạ kỳ như vậy mãi, tôi thực sự không thích chút nào; và tôi đâm ra lo sợ khi gần đến giờ đi ngủ, giờ mà ảo ảnh kia sắp hiện ra. Chính trong lúc tôi đang mơ thấy con ma trẻ con đó thì tôi chợt thức dậy, trong cái đêm trăng sáng vằng vặc mà tôi nghe thấy có tiếng kêu; và buổi trưa hôm sau tôi được gọi xuống buồng bà Fefăc vì có người muốn gặp tôi ở đấy. Xuống nhà dưới, tôi thấy một người đàn ông đang chờ tôi; nom bề ngoài có vẻ là gia nhân của một nhà sang trọng. Anh ta mặc tang phục, chiếc mũ cầm ở tay có cuốn băng tang. Thấy tôi bước vào, anh đứng dậy nói:

- Chắc là cô không nhận ra tôi, tôi là Livơn đây. Tôi là người đánh xe ngựa cho bà Rit, hồi đó cô cũng ở Gatơhet, tám chín năm rồi còn gì; và hiện giờ tôi vẫn ở đấy với bà.

- A, Rôbơc! Anh mạnh giỏi chứ? Tôi quên anh thế nào được. Dạo ấy thỉnh thoảng anh vẫn cho tôi cưỡi con ngựa non của Giorgiana. Còn chị Betxi ra sao? Anh lấy chị Betxi phải không?

- Vâng, cảm ơn cô, nhà tôi vẫn mạnh. Hai tháng trước nhà tôi sinh thêm một cháu nữa - bây giờ chúng tôi có ba cháu cả thảy - và hai mẹ con nó đều mạnh giỏi cả.

- Anh Rôcbơ, thế còn gia đình bà chủ?

- Tôi rất buồn vì phải báo cho cô những tin không vui gì về gia đình ấy. Hiện giờ họ đang gặp tai họa lớn.

Tôi liếc nhìn bộ quần áo đen anh mặc, nói:

- Tôi mong rằng không có ai chết.

Anh ta cũng nhìn xuống chiếc băng tang quấn quanh.

- Cậu Jôn mất tại nhà cậu ấy ở Luân Đôn, đến hôm qua là được một tuần.

- Cậu Jôn?

- Vâng.

- Thế nghe tin ấy bà Rit ra sao?

- Cô biết không, cô Erơ, đây không phải là một chuyện bất hạnh thường. Cậu ấy đã sống một cách rất bừa bãi, ba năm gần đây cậu ấy lao vào đường ăn chơi kỳ lạ lắm; và cái chết của cậu ta cũng thực là bêu riếu.

- Tôi nghe thấy chị Betxi nói cậu ta hư hỏng.

- Hư hỏng! Cậu ta tồi tệ đến thế là cùng cực. Cậu ta hủy hoại sức khỏe, phung phí tiền của với những bọn đàn ông đàn bà đồi bại nhất. Nợ đìa ra, bị bỏ tù, mẹ chạy cho hai lần thoát tù tội, ấy thế mà vừa được tha chứng nào tật ấy, lại chơi với bọn bạn cũ, Jôn dễ bị lôi cuốn lắm, lũ bạn bè ấy lừa phỉnh cậu ta không thể nào tưởng tượng được. Jôn mò về Gatơhet cách đây độ ba tuần lễ và đòi mẹ đưa hết của cải cho mình. Bà Rit không nghe, của cải đã cạn từ lâu vì sự hủy hoại của cậu con trai; thế là Jôn lại bỏ đi, và sau đó có tin cậu ta chết. Còn chết ra sao, thì có trời biết! Người ta đồn là cậu tự tử.

Tôi im lặng, nghe những tin đó thực là khủng khiếp Rôcbơ Livơn lại nói tiếp:

- Có một dạo bà Rit không được khỏe, người bà phệ ra nhưng lại rất yếu; buồn vì mất của lại lo nghèo túng, nên bà đã quỵ hẳn. Tin Jôn chết và chết ra sao cũng đến bất ngờ quá, thật là một tiếng sét đánh. Ba ngày liền bà không nói được câu nào; hôm thứ ba vừa rồi, hình như bà khá hơn, bà có vẻ muốn nói điều gì, và cứ ra hiệu cho nhà tôi, miệng lắp bắp. Nhưng mãi đến sáng qua nhà tôi mới hiểu bà nhắc đến tên cô; cuối cùng bà thốt được ra câu: "Đưa Jên về đây, đi tìm Jên Erơ; tôi muốn nói với nó". Betxi cứ nghĩ là đầu óc bà không tỉnh táo chăng và cũng không hiểu rõ bà nói thế là có ý gì, nhưng Betxi nói chuyện với cô Rit và cô Giorgiana, khuyên các cô ấy đi tìm cô. Lúc đầu các cô ấy gạt đi, nhưng thấy bà mẹ cứ vật vã và luôn mồm gọi "Jên", "Jên", nên cuối cùng phải đồng ý. Tôi ở Gatơthet ra đi hôm qua, và có thể sẵn sàng thì tôi muốn sáng sớm mai tôi đưa cô về một thể.

- Được, anh Rôcbơ ạ, tôi sẵn sàng, tôi thấy có bổn phận phải đi.

- Tôi cũng nghĩ thế, cô ạ. Betxi quả quyết rằng cô sẽ không từ chối, nhưng tôi nghĩ cô còn phải xin phép ở đây đã chứ.

- Vâng, tôi xin phép bây giờ.

Sau khi dẫn anh vào phòng gia nhân, và nhờ vợ chồng bác Jôn tiếp đãi hộ, tôi đi tìm ông Rôchextơ.

Tìm khắp các buồng nhà dưới không thấy ông, cả ở ngoài sân, chuồng ngựa, và ngoài vườn nữa cũng không thấy. Tôi hỏi bà Fefăc xem có thấy ông đâu không; bà cho biết là ông đang chơi bi-a với cô Ingram. Tôi vội đến phòng bi-a. Tiếng người rì rầm và tiếng bi va nhau vang lên trong buồng, ông Rôchextơ, cô Ingram, hai chị em Extơn, và những người ngưỡng mộ cô đều đang chăm chú chơi. Tôi phải lấy can đảm với dám làm gián đoạn một cuộc chơi thú vị như vậy; nhưng việc của tôi không thể trì hoãn được, nên tôi tiến lại phía ông chủ lúc này đang đứng cạnh cô Ingram. Tôi tới gần thì cô quay lại và nhìn tôi với một vẻ kênh kiệu, đôi mắt như muốn hỏi: "Cái con sâu bọ này muốn cái gì thế?" và khi tôi khẽ nói: "Ông Rôchextơ", cô ta có một cử động như muốn đuổi tôi đi. Tôi nhớ hình dáng cô lúc ấy, trông thật duyên dáng và lộng lẫy, cô vận một chiếc áo dài buổi sáng bằng crêp màu thiên thanh, một dải băng da trời tết vào tóc. Cô đang chơi rất hào hứng và vẻ kiêu ngạo bực bội không làm giảm bớt những nét kênh kiệu trên mặt cô. Cô hỏi ông Rôchextơ:

- Có phải người này muốn hỏi ông không?

Ông Rôchextơ quay lại xem "người này" là ai. Ông nhăn mặt lại một cách kỳ lạ - một trong những vẻ lạ lùng khó hiểu của ông. Ông ném cái gậy chơi bi-a xuống và bước theo tôi ra khỏi phòng.

Tựa lưng vào cửa buồng học mà ông vừa đóng xong, ông hỏi:

- Gì đây, cô Jên?

- Nếu ông vui lòng, thưa ông, tôi xin phép được đi vắng độ một hoặc hai tuần.

- Đi làm gì?... Đi đâu?

- Đi thăm một bà đang ốm, bà ấy cho người đến gọi tôi.

- Bà nào đang ốm? Bà ấy ở đâu?

- Ở Gatơhet, thuộc quận...

- Quận...? Cách đây những một trăm dặm. Bà ấy là ai mà lại cho đi tìm người ở xa thế đến gặp mình vậy?

- Thưa ông, tên bà ấy là Rit... bà Rit.

- Rit ở Gatơhet? Có một người ở Gatơhet tên là Rit làm thẩm phán.

- Thưa ông, chính là bà vợ góa của ông ta?

- Thế cô có dính dáng gì với bà ta? Làm sao cô biết bà ta?

- Ông Rit là cậu tôi, em mẹ tôi.

- Quái thật! Trước không thấy cô đả động gì đến chuyện này, cô vẫn bảo rằng chẳng còn ai là họ hàng thân thích cơ mà.

- Thưa ông, chẳng còn người thân thích nào thiết nhìn nhận tôi nữa. Ông Rit đã mất, và vợ ông ấy đuổi tôi đi.

- Sao vậy?

- Vì tôi nghèo và là một gánh nặng cho bà ấy, vả lại bà ấy không ưa tôi.

- Nhưng ông Rit có con kia mà? Cô phải có anh chị em họ nữa chứ? Hôm qua ông Giorgiơ Lyn vừa nói chuyện về một người tên là Rit ở Gatơhet, ông ta bảo khắp tỉnh không có ai sa đọa, đểu cáng như hẳn. Cô Ingram cũng có nhắc đến một cô là Giorgiana Rit, cũng ở đấy, và bảo ở Luân Đôn một hai năm trước đây sắc đẹp của cô này được rất nhiều người ca tụng.

- Jôn Rit cũng chết rồi, thưa ông, nó đã tự phung phá hết và làm cho gia đình cũng gần khánh kiệt; người ta còn cho rằng nó đã tự tử. Tin ấy khiến bà mẹ xúc động đến nỗi bị trúng phong.

- Thế cô thì làm được cái gì cho bà ta chứ? Thật vô lý, cô Jên ạ? Tôi không bao giờ nghĩ việc đi hàng trăm dặm đường để đến thăm một bà già ốm, mà rất có thể là đến nơi thì bà ta đã chết rồi; hơn nữa, cô lại bảo bà ta đã đuổi cô đi cơ mà.

- Vâng, thưa ông, nhưng chuyện ấy đã lâu rồi, hồi ấy hoàn cảnh bà khác hẳn. Bây giờ tôi không thể dễ dàng bỏ qua lời yêu cầu của bà ấy.

- Cô định ở đấy bao lâu?

- Thưa ông, ở ít chừng nào hay chừng ấy.

- Cô hứa với tôi là chỉ ở lại một tuần thôi nhé.

- Tốt hơn là tôi không nên hứa trước, vì rất có thể tôi bắt buộc phải sai lời.

- Dù thế nào chăng nữa cô cũng phải trở về, cô sẽ không để cho bất cứ lý do gì lôi cuốn khiến cô ở lại mãi mãi với bà ta chứ?

- Ồ không! Chắc chắn thế nào tôi cũng trở về, nếu mọi chuyện đều ổn cả.

- Thế ai cùng đi với cô? Cô không thể nào một thân một mình đi hàng trăm dặm đường được.

- Không, thưa ông, bà ta đã cho một bác đánh xe ngựa đến tìm tôi.

- Một người đáng tin cậy chứ?

- Vâng, thưa ông, bác ta ở gia đình ấy đã mười năm trời.

Ông Rôchextơ trầm ngâm:

- Thế cô muốn đi vào lúc nào?

- Sáng sớm mai, thưa ông.

- Thôi được, nhưng cô phải có tiền tiêu chứ, cô không thể đi xa mà không có xu nào, và tôi dám nói là cô cũng chẳng có bao nhiêu, tôi đã trả lương cô đâu. Tất cả tài sản của cô có được bao nhiêu, cô Jên? Ông mỉm cười hỏi tôi.

Tôi rút tiền túi ra, nó nhẹ bỗng.

- Năm silinh, thưa ông.

Ông cầm lấy túi tiền, dốc cả vào lòng bàn tay và bật cười, hình như thích thú vì số tiền chẳng có là bao. Ông rút ví ra nói: "Đây", và đưa cho tôi một tờ giấy bạc, đó là một tờ năm mươi bảng, nhưng ông chỉ phải trả tôi có mười lăm bảng thôi. Tôi nói với ông rằng không có tiền trả lại.

- Tôi không cần tiền trả lại, cô biết đấy, cô cầm lấy, tiền lương của cô đó.

Tôi không chịu lấy quá số lương của mình, mới đầu ông cau mặt lại rồi như nhớ ra điều gì, ông nói:

- Phải, phải! Tốt hơn là bây giờ không nên đưa cả cho cô, nếu sẵn có năm mươi bảng, có thể cô sẽ ở lỳ đấy ba tháng cũng nên. Đây có mười bảng, như thế đủ không?

- Thưa ông, đủ, nhưng bây giờ ông lại thiếu tôi năm bảng.

- Vâng, thì cô quay về mà lấy nốt, tôi là người giữ quỹ cho cô bốn mươi bảng.

- Ông Rôchextơ, tôi muốn được nhân dịp nói với ông về một công việc khác nữa.

- Công việc à? Tôi tò mò muốn biết đấy.

- Ông đã nói rõ cho tôi biết ông sắp cưới vợ, có phải không ạ?

- Phải, thế sao?

- Như vậy thì, thưa ông, Ađen phải được gửi đến trường lưu trú, tôi chắc ông cũng nhận thấy cần phải thế.

- Để tránh cho Ađen khỏi vướng chân vợ tôi, nếu không vợ tôi có thể chà đạp lên nó. Ý kiến của cô có lý đấy; đúng thế, Ađen phải đến trường, như cô nói. Còn cô, dĩ nhiên cô sẽ tếch thẳng đến nơi quái quỷ nào chứ gì?

- Tôi mong không phải thế, thưa ông, nhưng tôi phải tìm một việc làm khác ở một nơi nào đó.

- Hẳn thế! - Ông kêu lên, dằn giọng, mặt cau lại một cách vừa lạ lùng vừa khôi hài. Ông nhìn tôi một lát rồi nói:

- Tôi đoán rằng cô sẽ cầu khẩn bà Rit hoặc mấy cô con gái bà kiếm việc cho cô chứ gì.

- Không, thưa ông, quan hệ giữa tôi và những người họ hàng ấy không tốt đến mức cho tôi nhờ vào họ như vậy được nhưng tôi sẽ đăng báo.

Ông càu nhàu:

- Cô sẽ leo lên đỉnh Kim tự tháp Ai Cập(1)! Đăng báo sẽ đưa cô đến chỗ thảm hại! Giá lúc nãy tôi chỉ đưa cho cô một đồng Anh kim thôi chứ không phải là mười bảng thì hay, cô trả lại tôi chín bảng đây cô Jên. Tôi cần đến chỗ tiền ấy.

- Thưa ông, tôi cũng cần, - tôi trả lời, hai tay cầm lấy túi tiền giấu ra sau lưng. - Tôi không thể rời chỗ tiền này bất cứ vì lý do gì.

- Cô bé biển lận! Mình hỏi mượn tiền mà cô ấy từ chối? Đưa cho tôi năm bảng, cô Jên.

- Thưa ông, năm silinh cũng không, mà năm penxơn cũng chẳng có đâu.

- Thế cô cho tôi nhìn chỗ tiền thôi vậy.

- Không, thưa ông, ông không đáng tin.

- Jên!

- Thưa ông?

- Hãy hứa với tôi một điều.

- Tôi sẽ hứa với ông điều gì mà tôi thấy có thể làm được,

- Cô đừng đăng báo, và hãy để tôi đảm nhiệm tìm việc làm cho cô. Tôi sẽ tìm được việc cho cô khi cần thiết.

- Vâng, tôi xin vui lòng hứa như vậy, nếu ngược lại ông cũng hứa với tôi rằng trước khi cô dâu về đây, tôi và Ađen sẽ chắc chắn đi khỏi nhà này rồi.

- Được lắm! Được lắm! Tôi xin hứa điều đó, thế ngày mai cô đi chứ?

- Vâng, thưa ông, đi sớm.

- Sau bữa chiều, cô có xuống phòng khách nữa không.

- Không, tôi phải sửa soạn cho cuộc hành trình.

- Vậy là cô và tôi phải từ biệt nhau, trong một thời gian ngắn à?

- Thưa ông, tôi nghĩ thế.

- Vậy người ta làm lễ tiễn biệt như thế nào nhỉ, cô Jên? Cô bảo cho tôi biết với, tôi không hiểu rõ lắm về việc ấy.

- Người ta nói "tạm biệt", hoặc bất cứ câu nào khác tùy ý thích.

- Vậy cô nói đi.

- Tạm biệt ông Rôchextơ, giờ hãy tạm biệt.

- Còn tôi phải nói thế nào?

- Cũng nói thế, nếu ông muốn.

- Tạm biệt cô Erơ, giờ hãy tạm biệt; chỉ có thế thôi à.

- Vâng.

- Theo ý tôi, như vậy còn dè sẻn, khô khan, và thiếu thân mật. Tôi muốn có một cái gi khác nữa, một chút gì thêm vào nghi thức ấy. Như bắt tay nhau chăng hạn, nhưng không, thế tôi cũng chưa bằng lòng. Thế cô chỉ nói được mỗi câu "tạm biệt" thôi à, cô Jên?

- Thế cũng đủ rồi thưa ông; chỉ một lời nói chân tình cũng bao hàm đủ nghĩa, nói nhiều cũng thế thôi.

- Có thể như thế lắm, nhưng câu nói trống rỗng, lạnh lùng làm sao... "tạm biệt".

Tôi tự nhủ: "Không biết ông ấy định đứng dựa cửa như vậy đến bao giờ? Tôi còn phải bắt đầu sửa soạn hành lý chứ?". Tiếng chuông báo giờ ăn chiều vang lên, và đột nhiên ông bỏ đi, không nói thêm một lời nào.

Suốt ngày hôm ấy tôi không gặp ông nữa, sáng hôm sau ông chưa ngủ dậy tôi đã ra đi.

Tôi đến Gatơhet vào quãng năm giờ chiều ngày mồng một tháng năm. Trước khi lên phòng lớn, tôi vào căn nhà xép của gia nhân. Gian nhà rất sạch sẽ ngăn nắp. Mấy cửa sổ trang trí đều buông những tấm màn nhỏ trắng toát, sàn nhà sạch như lau như ly, lò sưởi và những que cời lửa sáng bóng, trong lò lửa cháy sáng rực. Betxi ngồi bên lò, đang ru đứa con út, còn Rôcbơ và em gái nhỏ lặng lẽ chơi ở góc phòng.

Thấy tôi bước vào, chị Betxi reo lên.

- Chúa phù hộ cho cô!... Tôi biết thế nào cô cũng đến mà.

Sau khi ôm hôn chị, tôi nói:

- Vâng, Betxi ạ, và tôi tin là tôi không về quá muộn. Bà Rit ra sao? Tôi mong bà chưa mệnh hệ nào.

- Vâng, bà hãy còn sống, hồi này đã đỡ và tỉnh táo hơn. Thầy thuốc bảo bà còn có thể sống được thêm một hoặc hai tuần nữa, nhưng ông ta không tin là bà qua khỏi được.

- Gần đây bà ấy có nhắc đến tôi không?

- Bà vừa nhắc đến cô sáng nay xong, và vẫn đợi cô đến; nhưng hiện giờ thì bà đang ngủ hoặc mới ngủ được độ mười lăm phút, lúc tôi ở nhà trên. Thường thường bà nằm lịm đi, mê man suốt buổi chiều và cứ khoảng sáu giờ thì tỉnh dậy. Cô hãy nghỉ tạm ở đây độ một giờ, rồi tôi sẽ lên nhà cùng với cô nhé!

Rôcbơ bước vào, Betxi đặt đứa con đang ngủ vào nôi rồi ra đón chồng, sau đó chị cứ nài tôi bỏ mũ ra và uống trà, vì chị bảo trông tôi mệt mỏi, mặt tái đi. Tôi vui vẻ nhận sự tiếp đón của chị và cứ để yên cho chị cởi áo đi đường ra cho, cũng như vẫn quen cho chị thay áo cho tôi hồi còn nhỏ.

Nhìn chị loay hoay bận rộn, tôi hồi tưởng lại thời dĩ vãng, chị bày những chén sứ đẹp nhất của chị vào khay, cắt bánh, phết bơ, đồng thời, thỉnh thoảng lại phát nhẹ hoặc đẩy chú Rôcbơ và con bé Jên một cái, như hồi xưa chị vẫn thường phát và đẩy tôi. Chị Betxi vẫn giữ tính sôi nổi, dáng đi nhẹ nhàng và cái nhìn dễ ưa ngày trước.

Trà pha xong, tôi định bước lại chỗ bàn nhưng chị ra lệnh cho tôi cứ ngồi yên tại chỗ vẫn bằng cái giọng nghiêm nghị như hồi nào. Chị bảo tôi phải uống trà ngay bên cạnh lò sưởi; rồi chị đặt một chiếc bàn tròn nhỏ trước mặt tôi, trên để một chén trà và một đĩa bánh rán, y như trước kia chị vẫn đặt tôi ngồi ghế trong buồng trẻ và giấu giếm cho tôi kẹo bánh; tôi mỉm cười vâng theo chị như ngày xưa.

Chị muốn biết tôi ở lâu đài Thornơfin có được sung sướng không, bà chủ ở đấy là người thế nào. Khi tôi nói với chị rằng ở đấy chỉ có một mình ông chủ thôi, thì chị hỏi tôi ông có tốt không, và tôi có ưa ông ấy không. Tôi bảo ông chủ có phần xấu trai, nhưng là một người lịch sự; ông đối xử với tôi rất tốt, tôi rất hài lòng. Rồi tôi kể cho chị nghe chuyện bạn bè vui nhộn của ông chủ đến ở lâu đài. Chị lắng nghe những chi tiết ấy rất chăm chú, rõ ràng là chị ưa nghe loại chuyện này.

Trò chuyện như vậy, một giờ đi qua rất mau. Chị Betxi đưa mũ và các thứ cho tôi, rồi tôi theo chị rời nhà xép lên phòng lớn. Gần chín năm trước đây tôi cùng chị theo con đường này đi xuống, và bây giờ chúng tôi lại cùng nhau đi lên. Dạo ấy vào một buổi sáng tháng giêng mờ hơi sương trời âm u lạnh giá, tôi đã từ giã cái mái nhà đáng thù ghét này với một tâm trạng chán chường, xót xa - với cảm tưởng như một kẻ bị đọa đầy ruồng bỏ - để tìm đến Lôut, nơi ẩn náu lạnh lẽo quá xa xăm hẻo lánh kia. Cũng cái mái nhà đáng thù ghét ấy bây giờ lại hiện ra sừng sững trước mặt tôi; tương lai của tôi vẫn còn mù mịt và lòng tôi vẫn đau đớn. Tôi vẫn cảm thấy mình là một kẻ lang thang trên trái đất này; nhưng tôi có một niềm tin vững vàng hơn ở bản thân, ở sức mình và không lo sợ đến héo hon đi trước sự áp bức. Vết thương do những sai lầm cũ của tôi gây nên đã hoàn toàn kín miệng và ngọn lửa hận thù của tôi cũng đã tắt rồi. Chị Betxi trong lúc đi trước dẫn tôi đi qua phòng lớn, bảo tôi:

- Cô hãy vào buồng ăn trước đã. Các cô ấy sẽ đến đấy cả.

Lát sau tôi đã đứng trong buồng. Mọi đồ đạc vẫn y nguyên như buổi sáng tôi được giới thiệu lần đầu tiên với ông Brôckơn-hơc. Trước lò sưởi vẫn trải chính cái thảm trước kia ông ta đã đứng ở trên. Đưa mắt nhìn các ngăn sách, tôi thấy có thể nhận rõ hai cuốn Lịch sử các loài chim nước Anh của Bowich vẫn đặt nguyên chỗ cũ ở ngăn thứ ba cùng hai bộ truyện Những cuộc phiêu lưu của GulivơNgàn lẻ một đêm, vẫn xếp ở ngay bên trên. Các vật vô tri ấy không có gì thay đổi, song những con người thì đã biến chuyển quá nhiều, khó mà nhận được.

Hai cô thiếu nữ hiện ra trước mặt tôi; một cô cao lớn, cũng cao lớn gần bằng cô Ingram, nhưng cũng rất gầy, da mặt vàng nhợt, vẻ người khắc khổ. Trong dáng vẻ có một cái gì khổ hạnh, lại thêm sự giản dị quá đỗi của cái áo dài đen gấu thẳng với chiếc cổ áo hồ cứng nhắc, tóc chải vén lên để lộ hai thái dương, cô lại đeo chuỗi hạt huyền của nữ tu sĩ có đính một cây thánh giá nhỏ. Tôi chắc đó là Êlida, mặc dầu bây giờ khuôn mặt cô dài thuỗn và da nhợt nhạt không giống trước kia chút nào.

Còn cô kia chắc là Giorgiana, nhưng không phải Giorgiana xưa kia, một cô tiên mười tuổi mảnh khảnh. Đây là một thiếu nữ đang tuổi dậy thì, người đầy đặn như pho tượng bằng sáp nặn, với những nét thanh tú đều đặn, mắt xanh mơ màng, tóc vàng cuốn thành búp. Áo cô mặc cũng màu đen, nhưng kiểu may khác hẳn áo cô chị, rộng hơn và duyên dáng hơn nhiều. Áo cô chị giản dị bao nhiêu, áo cô em kiểu cách bấy nhiêu.

Mỗi cô đều có một nét giống mẹ, và chỉ có một nét thôi. Cô chị mảnh dẻ, da tai tái, giống mẹ ở đôi mắt vàng vàng. Còn cô em đang tuổi dậy thì sức sống, thì giống mẹ ở đường quai hàm và cái cằm - có phần nhẹ nhõm hơn, nhưng vẫn khiến cô có một vẻ khắc nghiệt khó tả; ngoài ra, trông cô thật mơn mởn và mũm mỉm.

Cả hai người thấy tôi bước vào đều đứng dậy đón, và cả hai cùng gọi tôi bằng cái tên "cô Erơ". Êlida không cười, chào tôi bằng giọng khô khan, cụt lủn, rồi lại ngồi xuống, đăm đăm nhìn ngọn lửa và hình như đã quên ngay tôi rồi. Sau câu thăm hỏi: "Cô vẫn mạnh chứ?", Giorgiana hỏi thăm tôi vài câu xã giao về cuộc hành trình, về thời tiết... Cô nói giọng hơi ề à kéo dài và mắt luôn luôn liếc nhìn tôi từ đầu đến chân, khi thì như xuyên qua những nếp xếp của cái áo choàng ngoài bằng vải sợi pha len, khi thì triền miên trên chiếc mũ giản dị của tôi. Hai cô có cái tài đặc biệt không nói ra lời mà khiến ta biết được rằng các cô cho ta là một đứa "quỷnh". Cái nhìn khinh khỉnh, thái độ lạnh nhạt, giọng nói hững hờ, cũng bộc lộ được đầy đủ tình cảm của họ, mà chẳng cần thể hiện ra một cách thô bạo rõ rệt bằng lời nói hoặc hành động.

Tuy nhiên cái mỉm cười nhạo báng dù kín đáo hay bộc lộ, lúc này chẳng còn tác dụng đối với tôi như xưa nữa. Tôi ngạc nhiên thấy mình thoải mái chừng nào trước mặt hai cô em họ, một cô hoàn toàn thờ ơ, còn một cô tỏ thái độ săn sóc gần như mỉa mai. Êlida, chẳng làm phật lòng tôi, mà Giorgiana cũng chẳng khiến tôi bực dọc. Sự thực là tôi có nhiều chuyện khác phải suy nghĩ. Mấy tháng gần đây tình cảm tôi đã được kích thích mạnh - những nỗi đau đớn và vui sướng của tôi còn mãnh liệt hơn những cảm xúc mà các cô có thể gây cho tôi - nên tôi dửng dưng với điệu bộ của các cô, dù là hay hoặc dở. Tôi thản nhiên nhìn Giorgiana và hỏi ngay:

- Bà Rit hiện giờ ra sao?

Cô ta cho rằng cần chặn ngay cách tôi hỏi thẳng như vậy và coi thế là hỗn xược.

- Bà Rit? À, cô muốn nói đến má tôi, má tôi hiện yếu lắm, không chắc cô có gặp má tôi tối nay được đâu.

Tôi nói:

- Nếu các cô vui lòng lên gác nói giúp với bà là tôi đã đến thì tôi cảm ơn lắm lắm.

Giorgiana gần như giật mình, trợn tròn mi mắt xanh dữ tợn lên. Tôi nói thêm:

- Tôi biết bà đặc biệt có ý muốn gặp tôi, nên tôi không muốn trì hoãn làm vui lòng bà lâu quá mức cần thiết.

Êlida nói:

- Buổi tối má không muốn bị quấy rầy.

Tôi đứng ngay dậy, không đợi ai mời, lặng lẽ bỏ mũ, tháo bao tay, và nói rằng chắc chị Betxi ở dưới bếp, tôi muốn xuống gặp chị nhờ hỏi cho rõ xem tối nay bà Rit có sẵn lòng cho tôi gặp hay không? Tôi bước ra, và sau khi đã gặp chị Betxi nhờ chị lên hỏi hộ, tôi lại suy nghĩ đắn đo xem mình nên làm gì. Từ trước tới nay tôi vẫn có thói quen hay chùn bước trước sự thô bạo của người khác, ví thử một năm trước đây mà bị tiếp đãi như hôm nay, thì hẳn tôi đã quyết định ra khỏi Gatơhet ngay sáng hôm sau rồi. Nhưng bây giờ tôi thấy rõ ngay như vậy là ngu ngốc. Tôi đã đi hàng trăm dặm đường để đến thăm một bà mợ, thì phải ở lại cho đến khi bà ta đỡ hẳn hoặc chết, còn cái thói kiêu ngạo điên rồ của các cô con gái bà, tôi phải gạt nó sang một bên, không nên quan tâm đến làm gì. Thế là tôi gọi người quản gia lên, bảo chị dọn cho tôi một căn buồng, và nói cho biết là có thể tôi sẽ ở lại một hay hai tuần, nhờ mang hành lý của tôi về buồng và tự tôi đi theo vào; tôi gặp chị Betxi ở đầu cầu thang. Chị bảo:

- Bà đang thức, tôi đã thưa với bà là cô đến rồi, thôi chúng ta vào gặp bà đi, xem bà còn nhận ra cô không?

Vẫn cái bàn trang điểm, chiếc ghế bành và chiếc ghế đẩu, trước kia tôi đã phải quỳ trên chiếc ghế này hàng trăm lần để xin tha cho những tội mà tôi không hề phạm. Tôi nhìn vào một góc nhà, như muốn tìm bóng dáng cây roi mà trước kia tôi rất sợ, nó thường ẩn ở đó chỉ chờ dịp nhảy xổ ra như một con quỷ để quật tới tấp vào bàn tay run rẩy, vào cái cổ co rụt lại của tôi. Tôi tiến đến bên giường, vén màn lên và cúi xuống chồng gối xếp cao.

Tôi nhớ rất rõ khuôn mặt bà Rit, và tôi muốn tìm lại hình ảnh quen thuộc ấy. Cũng may mà thời gian đã làm dịu lòng mong muốn trả thù và giảm bớt sự căm ghét. Trước đây tôi đã từ giã bà với tâm trạng chua xót hằn thù, giờ đây tôi lại quay về gặp bà, nhưng thấy bà đau đớn, tôi chỉ thấy xót thương, và lòng tôi rất muốn quên đi, gạt bỏ mọi thù hằn, nối lại tình xưa, và nắm lấy tay nhau trong tình thân ái.

Kia là bộ mặt quen thuộc, vẫn khắc nghiệt tàn nhẫn như bao giờ, vẫn con mắt đặc biệt không gì có thể làm cho nó trở thành dịu hiền, vẫn đôi mày hơi xếch và có thể hách dịch, độc đoán. Đã bao lần bộ mặt ấy gieo sự nạt nộ và thù ghét với tôi! Trong khi tôi nhìn lại những nét khắc khổ kia thì những nỗi hãi hùng và sầu khổ thời thơ ấu lại hiện lên rõ ràng trong ký ức. Tuy nhiên tôi vẫn cúi xuống hôn bà; bà ngước nhìn tôi hỏi:

- Có phải Jên Erơ đấy không?

- Vâng, mợ Rit ạ, mợ thân mến, mợ thấy người thế nào?

Trước đây tôi đã thề không bao giờ còn gọi bà Rit là mợ nữa, nhưng bây giờ tôi nghĩ quên lời thề cũ cũng không phải là một tội lỗi. Tôi nắm chặt lấy bàn tay thò ra ngoài chăn; giá bà thân ái siết tay tôi thì có lẽ trong giờ phút đó, tôi cảm thấy lòng thật tình sung sướng. Song những con người bản chất lạnh lùng không phải phút chốc dịu hiền đi được, và những mối ác cảm tự nhiên cũng không thể nào tuyệt gốc rễ nhanh đến thế. Bà Rit giật tay ra, hơi quay mặt đi, bảo rằng tối nay trời ấm ấp. Rồi bà lại nhìn tôi một cách lạnh nhạt đến nỗi tôi cảm thấy ngay ràng ý nghĩ của bà về tôi - tình cảm bà đối với tôi - vẫn chẳng có gì thay đổi, và chẳng thể nào thay đổi được. Nhìn đôi mắt lạnh lẽo như đá - mù tịt đối với tình thương vắt không ra nước mắt - tôi hiểu rằng bà vẫn coi tôi là kẻ tồi tệ nhất trên đời. Vì bà không thể nào có cái niềm vui rộng lượng để cho rằng là một người tốt được, như vậy chỉ gây cho bà một nỗi bực dọc thôi.

Tôi cảm thấy buồn rồi đâm ra giận, nhưng rồi tôi quyết định phải thắng bà, dù cho cái bản chất và ý muốn của bà là như thế. Y như hồi còn bé, tôi rưng rưng nước mắt, nhưng cương quyết không cho nó trào ra. Tôi bưng một chiếc ghế lại đầu giường, ngồi xuống và cúi xuống mặt gối.

- Mợ cho gọi cháu, cháu đã đến đây, cháu định sẽ ở lại cho đến khi mợ đỡ hẳn.

- Ồ, đúng vậy, thế cô đã gặp các con gái tôi chưa?

- Dạ, đã.

- Được, cô có thể bảo cho các con tôi biết rằng tôi muốn cô ở lại cho đến khi nói chuyện được với cô về vài điều tôi vẫn giữ trong lòng; tối nay thì muộn quá rồi, mà tôi cũng khó nhớ lại những điều đó. Nhưng có vài điều tôi muốn nói... để tôi xem...

Mắt bà lơ láo, giọng nói lạc hẳn đi, chứng tỏ cái cơ thể tráng kiện xưa kia nay đã tàn tạ lắm rồi. Bà run rẩy trở mình, kéo chăn quấn lấy người, nhưng khuỷu tay tôi chống xuống đệm giữ mất một góc chăn, thế là bà phát cáu ngay:

- Đứng dậy! Đừng có tì lên chăn làm người ta bực mình nữa; có phải cô là Jên Erơ.

- Vâng, cháu là Jên Erơ.

- Cái con bé này đã gây cho tôi bao nhiêu điều phiền muộn, không ai có thể ngờ được. Nó là một gánh nặng cho tôi; hàng ngày, hàng giờ, tôi rất bực mình với nó, vì tính nết nó khó hiểu, bất thường, lại có cái thói kỳ lạ cứ rình mò từng cử động của người ta! Tôi nói có một lần nó đối đáp với tôi như một con điên, một con quỷ, chưa từng thấy có đứa trẻ nào nói năng và nhìn người ta như nó bao giờ. Tống khứ được nó đi là tôi nhẹ cả người. Không hiểu ở Lôut người ta đối xử với nó ra sao? Ở đấy đã phát sinh bệnh thời khí học trò chết vô số.

Thế mà nó không chết đấy, nhưng tôi cứ bảo là nó chết - tôi ước gì nó chết quách đi rồi!

- Bà Rit, điều mong ước của bà thực lạ lùng, sao bà lại ghét cô ta đến thế?

- Xưa nay tôi vẫn ghét cái con mẹ nó, vì mụ ta là người chị ruột độc nhất của chồng tôi, và chồng tôi quý mụ lắm. Khi mụ ta lấy một người chồng không đăng đối, bị gia đình ruồng bỏ, thì chồng tôi đã bênh vực mụ, phản đối cả gia đình. Lúc được tin mụ chết, chồng tôi khóc sướt mướt như một anh ngốc. Chồng tôi đã nhất định cho đi tìm đứa con nhỏ của mụ về nuôi, mặc dầu tôi đã cố nài là nên để người khác nuôi nó và trả tiền công cho họ. Ngay từ phút đầu nhìn thấy con ranh con ấy quặt nghẹo, ốm o, khóc luôn mồm, tôi đã thấy ghét rồi. Suốt đêm nó ti tỉ trong nôi; nó không khóc váng lên như những đứa trẻ khác mà chỉ ấm ức rên rỉ. Ông Rit lại thương nó; ông thường ru nó, chăm nó như thể con đẻ. Thật ra ông còn săn sóc nó hơn chính cả con đẻ của ông, cùng tuổi với nó nữa. Ông thường tìm cách làm cho các con ông thân mật với cái con bé ăn mày ấy, bọn trẻ đáng yêu chịu không nổi, hễ chúng tỏ ra không ưa con bé là ông lại nổi nóng ngay. Trong trận ốm cuối cùng, ông cứ đòi phải bế nó đến cạnh giường luôn, và một giờ trước khi chết, ông lại bắt tôi thề phải trông nom con bé. Thà gánh lấy một đứa ranh con ở nhà tế bần còn hơn, nhưng ông ấy yếu đuối lắm, bản chất vốn yếu đuối. Tôi rất mừng là thằng Jôn không giống bố chút nào. Nó giống tôi và các anh tôi - nó thực là con cháu giòng họ Gibsơn. Ôi, ước gì nó đừng giày vò tôi với những lá thư xin tiền nữa! Tôi còn lấy đâu ra tiền mà cho nó. Gia đình túng quẫn, tôi đến phải thải bớt một nửa gia nhân, phải đóng cửa một phần nhà, hoặc bỏ nhà đi thôi. Xưa nay có đời nào tôi chịu như thế, nhưng biết làm thế nào được? Hai phần ba số lợi tức của tôi phải đổ vào tiền lãi cầm nhà đất. Jôn đam mê cờ bạc quá lắm, mà bao giờ cũng thua, tội nghiệp thằng bé! Nó giao du toàn với những quân lừa đảo; nó sa đọa rồi, trông nó mà phát sợ. Mỗi khi trông thấy Jôn, tôi xấu hổ vì nó.

Bà Rit mỗi lúc một thêm bị kích thích. Tôi bảo chị Betxi, lúc ấy vẫn đứng cạnh giường phía bên kia:

- Tôi nghĩ lúc này tôi nên tránh mặt bà thì tốt hơn.

- Có lẽ nên thế, cô ạ. Nhưng cứ đến tối thường bà vẫn nói sảng như vậy. Về sáng bà tỉnh táo hơn.

Tôi đứng dậy. Bà Rit kêu lên:

- Khoan đã! Tôi còn điều này muốn nói: Jôn cứ dọa tôi, lúc nào cũng mang chuỵện nó chết hoặc tôi chết ra để dọa tôi. Đôi khi tôi chiêm bao thấy nó nằm thẳng cẳng, một vết thương rộng toác ra ở cổ, hoặc mặt trương phì và đen xạm. Tôi đang ở trong một tình trạng bế tắc lạ lùng, tôi lo lắng vô cùng. Biết làm gì đây? Làm thế nào có tiền bây giờ.

Bet-xi phải cố gắng khuyên bà ta uống một liều thuốc giảm đau, khó khăn bà mới nghe lời. Lát sau bà Rit đã đỡ và bắt đầu thiu thiu ngủ, tôi bèn bước ra.

Hơn mười ngày trời qua, tôi không có dịp nào nói chuyện với bà. Bà vẫn luôn luôn mê sảng, nếu không thì lại mệt li bì, nên thầy thuốc bảo cấm không được để xảy ra việc gì có thể kích thích làm cho bà đau đớn. Trong thời gian đó, tôi cố hết sức sống hòa thuận với Giorgiana và Êlida. Thoạt tiên cả hai đều có thái độ lạnh nhạt đối với tôi. Êlida thường ngồi hàng nửa ngày khâu vá, đọc sách, hoặc viết lách, rất ít khi nói gì với tôi hoặc Giorgiana. Còn cô em thì luôn miệng nói chuyện vẩn vơ với con chim bạch yến hàng giờ đồng hồ, cũng chẳng để ý gì đến tôi. Nhưng tôi quyết tỏ ra mình cũng không thiếu việc làm hoặc giải trí, tôi đã mang theo các đồ dùng để vẽ; nhờ vậy tôi cũng có việc làm và thấy thích thú.

Thường thường tôi mang theo hộp bút chì và mấy tờ giấy ra ngồi gần cửa sổ, cách xa hai chị em Êlida, và hý hoáy vẽ, những cảnh biển khơi giữa hai hòn núi đá, một vầng trăng đang nhô lên và một con tàu cắt ngang vầng trăng tròn vành vạnh đó, một nữ thủy thần nhô lên giữa đám lau sậy đầu đội vòng hoa sẽ, một nàng tiên ngồi trong một tổ chim sẻ dưới một vòm hoa cẩm tú.

Một buổi sáng tôi vẽ một khuôn mặt: một khuôn mặt như thế nào, tôi không cần biết, không cần để ý. Tôi lấy một cây bút chì đen mềm, gọt đầu nó cho to và bắt đầu vẽ. Lát sau tôi đã phác ra trên giấy một vầng trán rộng mà dô, phía trước là một khuôn mặt vuông vức, đường viền khuôn mặt làm tôi thích thú, tôi hào hứng vẽ tiếp những nét mặt. Dưới vầng trán này phải vẽ một cặp lông mày ngang thật đậm nét, và tất nhiên tiếp theo là một cái mũi cao, sống mũi thẳng, lỗ mũi rộng, với cái miệng trông mềm mại mà cũng chẳng phải là nhỏ đâu, rồi cái cằm cương nghị có đường xẻ ở giữa, dĩ nhiên còn phải thêm bộ ria mép và mớ tóc đen rậm, bù xù ở hai bên thái dương, và lòa xòa trên trán nữa. Bây giờ đến lượt đôi mắt đây. Tôi vẽ mắt sau cùng, vì nó đòi hỏi phải vẽ rất cẩn thận. Tôi vẽ mắt to, đường nét rõ ràng, lông mi dài và đen, con người to sáng long lanh. "Được! Nhưng không hoàn toàn đúng", tôi nghĩ vậy trong lúc ngắm công trình của mình; "cần cho nó thêm sức mạnh và tinh thần", và tôi tô thêm cho nét đậm thêm, để cho ánh mắt sáng lên - Một hai nét thật khéo nữa thế là thành công. Và tôi đã có trước mắt khuôn mặt của một người bạn. Hai chị em Êlida lúc này quay mặt đi thì có nghĩa lý gì đối với tôi? Tôi nhìn bức vẽ; tôi mỉm cười vì thấy giống như hệt. Tôi chăm chú ngắm và rất hài lòng.

- Đấy là chân dung của một người cô quen phải không?

Êlida lên tiếng hỏi, cô đã tiến lại gần tôi lúc nào không biết. Tôi trả lời đó chỉ là một khuôn mặt tưởng tượng và tôi vội xếp ngay tấm hình xuống những tờ giấy vẽ khác. Tất nhiên tôi đã nói dối. Thật ra thì bức chân dung ấy giống hệt ông Rôchextơ. Nhưng ngoài tôi ra, điều ấy có quan hệ gì với Êlida, hoặc với bất cứ người nào khác? Giorgiana cũng bước lại gần xem. Cô rất thích những bức tranh khác, còn bức họa vừa rồi cô chê là "một gã xấu trai". Cả hai đều hình như ngạc nhiên trước tài vẽ của tôi. Tôi nhận vẽ chân dung cho hai người, và mỗi cô lần lượt ngồi cho tôi phác một bức họa bằng bút chì. Giorgiana đưa cho tôi xem cuốn anbum của cô. Tôi hứa sẽ vẽ cho cô một bức tranh thuốc nước, việc đó khiến cô ta vui vẻ hẳn lên. Cô rủ ngay tôi ra ngoài vườn đi dạo. Đi chơi với nhau chưa được hai giờ đồng hồ, chúng tôi đã bắt sâu và chuyện tâm tình. Giorgiana tả lại cho tôi nghe trước đây hai mùa hội, cô đã sống một mùa đông tươi vui ở Luân Đôn như thế nào - cô đã làm cho bao nhiêu kẻ ngưỡng mộ, theo đuổi ra sao - cô còn nói ý cho tôi là cô đã chinh phục được một trái tim trong giới thượng lưu. Trời càng về chiều và tối, những lời nói xa xôi càng rõ hơn, cô kể lại những lời tình tự nỉ non, những cảnh thực là tình cảm; tóm lại hôm ấy cô đã dựng lên cả một thiên tiểu thuyết về cuộc sống xa hoa cho tôi nghe. Hàng ngày chúng tôi vẫn tiếp tục trò chuyện với nhau, câu chuyện vẫn chỉ xoay quanh một đề tài - tức bản thân cô, những mối tình, và những nỗi đau khổ của cô. Có điều lạ là cô không một lần nào đả động đến bệnh tình của mẹ, đến cái chết của anh trai, hoặc đến viễn tượng đen tối của gia đinh. Tâm trí cô hình như đã hoàn toàn bận nghĩ đến kỷ niệm những thú vui đã qua và những khao khát ăn chơi trong tương lai. Mỗi ngày cô chỉ thoáng có mặt trong buồng bệnh của mẹ chừng dăm phút là cùng, không hơn.

Êlida vẫn ít nói, rõ ràng cô không có thì giờ để nói chuyện, tôi chưa hề thấy người nào có vẻ bận rộn như cô, tuy thế cũng khó nói được là cô bận rộn những việc gì, hoặc đúng hơn, cũng khó khám phá được kết quả những hoạt động của cô. Cô có một chiếc đồng hồ báo thức, sáng sáng nó đánh thức cô dậy sớm. Tôi không hiểu trước bữa ăn sáng cô làm những việc gì, nhưng sau bữa ăn cô phân chia thời giờ rất đều, và mỗi giờ cô làm một công việc nhất định. Mỗi ngày ba lần, cô giở một quyển sách con ra đọc, tôi ngó xem thấy là một quyển sách kinh bổn. Có lần tôi hỏi Êlida xem cô thích thú gì nhất trong cuốn sách đó, cô trả lời: "Luật điển"(1). Hàng ngày cô để ba tiếng đồng hồ thêu chỉ kim tuyến, viền một tấm dạ vuông vuông đỏ tía, rộng gần bằng tấm thảm. Tôi tò mò xem tấm thảm đó dùng làm gì, thì cô trả lời rằng dùng để phủ bàn thờ một thánh đường vừa được dựng lên gần Gatơhet. Cô còn dành hai tiếng đồng hồ để viết nhật ký, hai tiếng để lúi húi một mình vun tưới vườn rau, và một tiếng để tính toán các món chi tiêu. Hình như cô chẳng cần chuyện trò, bầu bạn với ai. Tôi cho rằng cô sung sướng theo quan niệm của cô, cô thấy thỏa mãn với nếp sống cổ hủ này, và không gì làm cho cô bực mình hơn là có sự gì xảy ra khiến cô phải thay đổi các nhịp sống đều đặn như máy đồng hồ ấy.

Một buổi tối, Êlida có vẻ cởi mở hơn mọi ngày; cô nói với tôi rằng hạnh kiểm của Jôn và cảnh gia đình bị đe dọa phá sản là nguyên nhân khiến cô vô cùng đau đớn, nhưng giờ đây cô đã ổn định tinh thần và đã có quyết định. Cô đã lo giấu kỹ một số vốn riêng, khi nào bà Rit mất đi rồi (cô thản nhiên nhận xét rằng bà khó lòng qua khỏi hoặc sống dai dẳng được lâu nữa), cô sẽ thực hiện điều cô dự định mà cô vẫn thiết tha ấp ủ từ lâu, cô sễ tìm đến một nơi ẩn tích, cách biệt hẳn với cuộc sống phù phiếm cùa người đời; nếp sống đều đặn của cô sẽ không bao giờ bị sự gì phá rối nữa. Tôi hỏi Giorgiana có đi theo cô không.

Dĩ nhiên là không, Giorgiana và Êlida không có điểm nào giống nhau cả, họ chưa bao giờ có điểm gì giống nhau. Cô sẽ không thể vì lý do gì mà đeo cái gánh nặng sống chung với Giorgiana. Giorgiana sẽ đi theo đường của Giorgiana; còn cô, Êlida, cô sẽ đi theo đường của cô.

Lúc nào không thổ lộ tâm can với tôi, thì Giorgiana lại nằm ườn trên ghế xô pha than phiền cảnh nhà buồn tẻ, chỉ ngong ngóng bà dì Gipxơri viết thư mời cô ra tỉnh chơi. Cô ta nói:

- Thật là tuyệt, nếu mình có thể đi khỏi chốn này độ một hoặc hai tháng, cho đến khi mọi chuyện xong xuôi.

Tôi không hỏi xem cô nói "mọi chuyện xong xuôi" nghĩa là thế nào, tôi cho là cô định nói đến cái chết của bà mẹ và tiếp theo là lễ an táng rầu rĩ. Êlida thường không để ý đến cái vẻ uể oải và những lời than vãn của cô em, coi như không có cái thần xác nằm ườn rên rỉ kia trước mắt cô. Vậy mà một hôm, lúc bỏ cuốn sổ tính toán xuống và giở đồ thêu ra, cô bỗng nhiên bảo cô em thế này:

- Giorgiana này, hẳn là không bao giờ có một con vật nào phù phiếm và vô nghĩa hơn cô mà lại được phép có mặt trên trái đất này làm gì cho nó thêm chật ra. Cô không có quyền được sinh ra đời, vì cô có sử dụng cuộc đời vào việc gì đâu. Lẽ ra phải sống cho mình, sống tự lực, sống với mình, như những người biết điều khác, thì cô lại chỉ biết tìm cách ràng buộc sự yếu hèn của cô vào sức mạnh của một kẻ khác. Nếu không thể tìm được người nào muốn gánh lấy cái con người nhạt nhẽo, bị thịt, yếu đuối, vô tích sự như cô, thì cô la tướng lên rằng mọi người bạc đãi cô, bỏ rơi cô, để cho cô khổ sở. Hơn nữa, đối với cô, cuộc sống phải là một cảnh luôn luôn thay đổi, luôn luôn kích thích, nếu không thì thế gian này chỉ là nơi ngục tối; cô phải được thờ phụng, cô phải được tán tỉnh, cô phải được nịnh nọt, cô phải có âm nhạc nhảy nhót và được đàn đúm, nếu không thì cô ủ rũ chết dần chết mòn. Cô không tìm nổi một cách nào khiến cô không bị phụ thuộc vào những cố gắng, những ý muốn của người khác sao? Cô hãy lấy một ngày, đem chia nó ra từng phần, cho mỗi phần một công việc, đừng để một khắc nào ngồi không, mười phút, năm phút cũng không để phí. Mỗi công việc, lần lượt làm cho nó có phương pháp thật đều đặn, nghiêm chỉnh. Ngày giờ sẽ trôi qua rất nhanh và cô tưởng chừng như nó mới bắt đầu. Cô sẽ chẳng cần đến ai giúp đỡ cho cô qua một khoảng thời gian trống rỗng; cô sẽ chẳng cần phải tìm ai bầu bạn, trò chuyện, trao đổi tâm tình hoặc chịu đựng. Tóm lại, cô sẽ sống như một người độc lập đáng phải sống. Hãy nhớ lấy lời khuyên này, đây là lời khuyên đầu tiên và cũng là lời khuyên cuối cùng của tôi; rồi cô sẽ không cần đến tôi cũng như bất cứ một người nào khác dù có xảy ra chuyện gì đi nữa. Nếu cô bỏ ngoài tai những lời khuyên đó, nghĩa là cứ việc tiếp tục sống như trước, van xin, rên rỉ, chây lười, thì cô sẽ phải gánh lấy hậu quả của sự ngu xuẩn ấy, dù nó tệ hại và khó chịu đựng đến thế nào chăng nữa. Tôi nói thẳng điều này cho cô biết; nghe cho kỹ, vì dù những điều tôi sắp nói đây, tôi sẽ không nhắc lại lần thứ hai nữa, tôi cũng sẽ cương quyết hành động đúng lời nói. Má mà mất đi rồi, tôi sẽ không nghĩ gì đến cô nữa đâu: sau ngày rước linh cữu của má vào nhà thờ Gatơhet, tôi và cô sẽ xa cách nhau như chưa hề bao giờ biết nhau. Cô đừng nghĩ rằng vì ngẫu nhiên chúng ta cùng một cha mẹ sinh ra mà tôi sẽ cứ phải chịu ràng buộc với cô dù là sự ràng buộc mong manh nhất. Tôi có thể nói cho cô biết điều này: nếu toàn thể nhân loại bị quét khỏi trái đất, mà chỉ còn trơ lại hai đứa chúng ta thôi, thì tôi sẽ bỏ cô ở lại thế giới cũ mà đi sang thế giới mới.

Êlida mím môi lại. Giorgiana trả lời:

- Chị chả phải bận tâm diễn thuyết dài dòng như vậy. Ai mà không biết chị là đồ ích kỷ nhẫn tâm nhất trên đời này nữa. Còn tôi, tôi thừa biết sự thù ghét tức tối của chị đối với tôi. Tôi đã có chứng cớ hiển nhiên khi chị giở ngón chơi tôi một vố về chuyện nam tước Êdwin; Virê, chị không thể chịu nổi, thấy tôi vươn lên hơn chị, thấy tôi có danh vị, được tiếp đón trong cái môi trường mà chị chẳng dám ló mặt tới, cho nên chị đã giở cái trò mật thám, chỉ điểm và vĩnh viễn phá hoại dự định của tôi. Nói đến đây, Giorgiana lấy khăn tay ra sỉ mũi mãi đến một tiếng đồng hồ. Êlida vẫn ngồi yên, thái độ lạnh lùng, chăm chú khâu.

Có những người rất ít coi trọng tình cảm khoan dung chân thực; nhưng đây là hai người vì thiếu tình cảm ấy mà trở thành, kẻ thì chua chát không sao chịu được, kẻ thì nhạt nhẽo đến mức đáng khinh. Tình cảm mà thiếu phán đoán thì chỉ là một chất nước vô vị, nhưng phán đoán mà thiếu tình cảm điều hòa thì cũng chỉ là một thứ đồ ăn cay đắng khô cứng đối với con người.

Chiều hôm ấy trời nổi gió, mưa lất phất, Giorgiana đọc một cuốn tiểu thuyết rồi lăn ra ngủ trên ghế xô pha. Êlida đến nhà thờ mới dựng dự lễ; về tôn giáo, cô ta rất coi trọng nghi thức; thời tiết nào cũng không ngăn được cô đi dự lễ thực đúng giờ, cô coi đó là bổn phận sùng tín. Chủ nhật nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, cô cũng đến nhà thờ ba lần, và trong tuần lễ, ngày nào có cầu kinh là cô có mặt.

Tôi nảy ra ý lên gác thăm người ốm "gần đất xa trời", bà nằm trơ ra đó, hầu như chẳng ai quan tâm đến, các gia nhân chỉ trông nom bà lấy lệ, người đàn bà thuê để trông nom người ốm, vì không ai để ý đến, nên hễ có dịp là chuồn ra khỏi buồng ngay. Có chị Betxi là trung thành, nhưng chị còn phải lo việc gia đình riêng nên thỉnh thoảng mới đến được. Tôi thấy phòng người ốm không có ai trông, đúng như tôi dự đoán, chẳng có chị người làm nào ở đấy; bệnh nhân nằm im lìm, hình như mê mệt, khuôn mặt nhợt nhạt dán xuống gối trong lò sưởi lửa sắp tắt lụi. Tôi thổi lửa lên, sửa lại khăn trải giường, ngó kỹ bà Rit một lát trong khi bà không còn ngó tôi được nữa, rồi tôi đi ra chỗ cửa sổ.

Mưa hắt lộp bộp vào cửa kính, gió thổi rít lên tơi bời. Tôi nghĩ thầm: "Có một người nằm kia sắp thoát ra ngoài vòng chiến đấu của những yếu tố trên thế gian này. Không biết cái linh hồn đang vật lộn để thoát khỏi cái thể xác của nó kia, khi cuối cùng được giải phóng, sẽ chơi vơi nơi đâu?".

Trong lúc suy nghĩ về cái điều huyền bí lớn lao ấy, tôi nhớ đến Hêlen Bơc, tôi nhớ lời cô trối trăng, nhớ lòng tín ngưỡng của cô, cái quan niệm của cô về sự bình đẳng giữa những linh hồn đã lìa khỏi thể xác. Trong tâm tưởng tôi còn đang lắng nghe giọng nói của Hêlen mà tôi vẫn nhớ rõ, còn đang hình dung ra cái vẻ người xanh xao, tinh anh, bộ mặ 303a t tiều tụy và cái nhìn cao cả của cô, lúc cô nằm trên giường bệnh âm thầm và thì thầm nói lên niềm ước mong được trở về với Chúa, thì bỗng một giọng nói yếu ớt thì thào từ cái giường sau lưng tôi:

- Ai đấy?

Tôi biết đã mấy ngày nay bà Rit không nói được; phải chăng bà đã lại sức? Tôi tiến đến bên giường:

- Cháu đây, thưa mợ.

- Ai, cháu nào? Cô là ai? - Bà ngạc nhiên nhìn tôi, hơi sợ hãi, nhưng không có vẻ dại nữa. - Tôi chẳng biết cô là ai cả, Betxi đâu rồi?

- Thưa mợ, chị ấy ở ngoài nhà xép.

Bà Rit nhắc lại:

- Mợ, ai gọi tôi là mợ thế? Cô không phải là một người trong họ Gipxơ; nhưng tôi có biết cô - khuộn mặt, đôi mắt và vầng trán kia tôi trông quen lắm. Trông cô giống... kìa, cô giống Jên Erơ!

Tôi không nói gì cả, sợ nói rõ mình là ai sẽ gây xúc động cho bệnh nhân. Bà nói tiếp:

- Nhưng tôi sợ mình lầm, ý nghĩ của tôi đánh lừa tôi. Tôi muốn gặp Jên Erơ, nên tưởng tượng ra là giống đấy thôi chứ làm gì có, với lại tám năm rồi còn gì, chắc chắn nó phải khác đi nhiều chứ.

Bây giờ tôi mới nhẹ nhàng nói cho bà tin rằng chính tôi là người bà đoán và đang muốn gặp. Vì thấy bà hiểu lời tôi và tâm trí bà lúc này đã tỉnh táo hẳn, tôi giải thích cho bà hiểu chị Betxi đã bảo chồng đến Thornơfin tìm tôi ra sao.

Bà nói ngay:

- Tôi biết tôi ốm nặng lắm, vừa rồi tôi cố giở mình mà chân tay không sao cử động nổi. Trước khi chết, tôi muốn tâm trí được thảnh thơi. Có những điều lúc khỏe mạnh ít khi nghĩ đến, nhưng trong lúc yếu như bây giờ thì sao mà nó đè nặng trĩu lên lòng thế. Chị người làm có ở đấy không? Hay ngoài cô ra không còn ai trong buồng này nữa!

Tôi nói cho bà yên tâm là chỉ có mình bà với tôi.

- Được, tôi đã hai lần đối xử sai trái với cô, lúc này tôi rất hối hận. Một là tôi đã không giữ lời hứa với nhà tôi là sẽ nuôi nấng cô như con đẻ, hai là... - bà ngừng lại. - Suy cho cùng, có lẽ điều này cũng không quan trọng lắm - bà lẩm bẩm một mình - có thể mình sẽ qua khỏi, mà tự hạ mình xuống như thế với con bé thì đau khổ lắm.

Bà cố gắng cựa mình nằm lại, nhưng không được, mặt bà biến sắc, hình như bà cảm thấy một sự biến chuyển gì trong người - có thể đấy là điềm báo trước phút hấp hối.

- Thôi, ta phải làm điều đó cho xong đi. Cõi vĩnh hằng đã ở trước mắt; ta nói cho nó biết là hơn... Cô hãy lại mở ngăn kéo bàn trang điểm của tôi, ở đấy có một phong thư, cô cầm lấy.

Tôi làm theo lời bà. Bà bảo:

- Đọc thư đi.

Bức thư ngắn, lời lẽ như sau:

Thưa bà,

Xin bà làm ơn cho tôi biết địa ch ca cháu gái tôi là Jên Erơ, xin bà cho biết cháu nó hiện nay ra sao. Tôi có ý định viết thư ngay cho cháu và muốn cháu đến Mađêra với tôi. Trời đã phù hộ cho công việc làm ăn ca tôi được may mắn. Tôi không lập gia đình, con cái không có, nên muốn nuôi cháu, đ khi tôi mất nó sẽ là người thừa kế gia sản ca tôi sau này.

Thưa bà, tôi xin v.v...

Jôn Erơ, Mađêra

Bức thư đề cách đây đã ba năm. Tôi hỏi:

- Sao cháu không hề được nghe biết chuyện này?

- Vì tôi ghét cô quá nên không muốn đưa tay ra giúp đỡ để cô trở nên giàu có. Tôi không thể nào quên thái độ đối xử của cô với tôi. Jên, tôi không thể quên được vẻ hung dữ của cô mỗi lần cô quay lại chống tôi; tôi không quên được giọng nói của cô lúc cô nói rằng cô ghê tởm tôi nhất trần đời; cái nhìn của cô chẳng có vẻ gì là trẻ thơ và giọng nói khi cô quả quyết rằng chỉ nghĩ đến tôi thôi cô cũng đủ phát ốm lên rồi, và cô lại bảo hẳn rằng tôi đối xử với cô thật là tàn ác khốn nạn. Tôi không thể quên được những cảm giác của chính tôi. Lúc cô chồm lên mà phun ra những lời nói độc địa. Tôi thấy khiếp đảm như khi đánh hoặc xua đuổi một con vật mà nó lại ngước mắt lên như mắt người nhìn lại và nguyền rủa mình bằng giọng nói của người thật... Rót nước cho tôi! Ôi, mau lên!

- Mợ Rit thân mến, - tôi nói, tay đưa nước cho bà, - mợ đừng nghĩ đến những chuyện cũ ấy làm gì nữa, xin mợ quên đi. Mợ hãy tha thứ cho những lời nói xốc nổi của cháu; hồi ấy cháu còn nhỏ, từ bấy đến nay đã tám chín năm rồi còn gì.

Bà không để ý đến lời tôi nói, nhưng khi đã uống một ngụm nước và lấy hơi, bà lại tiếp:

- Tôi bảo cô rằng tôi không thể quên được chuyện ấy, và tôi đã trả thù bởi vì nếu cô được chú Jôn Erơ của cô nuôi nấng được sống trong cảnh nhàn hạ sung sướng, thì tôi không sao chịu nổi. Tôi đã viết thư trả lời ông ta rằng tôi rất buồn vì không đạt ý nguyện. Jên Erơ đã chết về bệnh thời khí ở Lôut rồi. Thôi, bây giờ cô muốn làm gì tùy ý, cô viết thư bảo rằng tôi đã nói sai sự thật đi, trình bày rõ cả sự dối trá của tôi, nếu cô muốn. Tôi cho rằng cô sinh ra đời này là để làm khổ tôi; cho đến giờ phút lâm chung này tôi cũng vẫn còn bị hành hạ, vì nhớ lại một việc làm mà nếu không có cô thì tôi không phạm.

- Mợ ơi, giá mợ có thể quên điều đó đi, và nhìn cháu với một lòng khoan dung thương mến...

- Bản chất cô xấu lắm, cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi cô, làm thế nào mà ròng rã chín năm trời cô nhẫn nại được trước mọi cách đối xử, thế mà đến năm thứ mười sự hung dữ của cô đột nhiên bùng ra, tôi không sao hiểu được đấy.

- Bản chất cháu không đến nỗi xấu như mợ nghĩ đâu, cháu nóng nảy, nhưng không có tâm địa hằn thù. Hồi còn bé nhiều lần cháu rất muốn được yêu quý mợ nếu mợ cho phép. Và bây giờ cháu hết sức mong mỏi được làm lành với mợ, mợ ơi, mợ hôn cháu đi.

Tôi kề má sát lại môi bà, nhưng bà không hôn tôi, và bảo tôi cúi xuống giường như vậy đè cả lên người bà, rồi bà lại đòi uống nước. Trong lúc bà uống, tôi nâng bà dậy và giữ bà trong cánh tay tôi, khi đặt bà xuống giường, tôi lấy tay mình ủ lên bàn tay lạnh giá dính nhớp của bà; bà rút những ngón tay yếu đuối ra khỏi tay tôi, mắt đờ dại của bà lảng tránh mắt tôi. Sau cùng tôi nói với bà:

- Thôi, mợ yêu cháu, hay ghét cháu là tùy ý mợ, cháu hoàn toàn bỏ qua hết mọi chuyện cũ, bây giờ mợ hãy cầu xin Chúa tha thứ và để cho tâm hồn thư thái.

Người đàn bà đau khổ đáng thương! Bây giờ bà cố gắng thay đổi nếp suy nghĩ thì cũng quá muộn rồi. Lúc sống bà đã suốt đời thù ghét tôi, thì lúc chết nhất định bà vẫn thù ghét tôi.

Lúc ấy, chị người làm bước vào, theo sau là chị Betxi. Tuy thế tôi còn chần chừ ở lại nửa tiếng đồng hồ nữa, hy vọng được thấy một dấu hiệu thân ái nào đấy của bà, nhưng bà không tỏ dấu hiệu gì cả. Ngay sau đó bà lại mê man và không tỉnh lại nữa, đến mười hai giờ đêm hôm ấy bà mất. Tôi không có mặt ở đấy để vuốt mắt cho bà, cả hai cô con gái bà cũng vậy. Sớm hôm sau mọi người cho biết rằng công việc đã xong. Lúc ấy thi thể bà Rit được liệm. Êlida và tôi vào nhìn mặt bà, còn Giorgiana thì khóc ầm lên, nói rằng sợ không dám vào. Cái thân hình của bà Xara Rit trước kia vạm vỡ hoạt động, lúc này nằm lặng lẽ cứng đờ. Đôi mắt khắc nghiệt kia đã khép lại dưới vành mi giá lạnh; vừng trán và những nét mặt cứng cỏi còn ghi lại dấu vết của một tâm hồn nghiệt ngã. Đối với tôi, cái thi thể đó là một vật lạ lùng và trang trọng. Lòng rầu rĩ đau buồn, tôi im lặng ngắm xác bà, nó chẳng gợi được tình cảm gì êm đềm, dịu dàng thương cảm, hoặc hy vọng, hoặc chịu đựng; nó chỉ làm cho tôi hết sức buồn rầu trước những đau khổ của bà chứ không phải sự mất mát của tôi - và chỉ cảm thấy một nỗi sợ hãi âm u, không nhỏ được ra lấy giọt nước mắt trước cái chết như vậy.

Êlida bình tĩnh nhìn xác mẹ. Sau mấy phút yên lặng, cô nói:

- Với một thể chất như thế, đáng lẽ má còn sống lâu nữa; sầu não đã rút ngắn đời má.

Môi cô bị giật giật một lát, sau đó cô bước ra khỏi buồng, tôi cũng bước theo. Chúng tôi không ai nhỏ lấy một giọt nước mắt nào.



1. Cô đừng có làm thế (cách nói không lịch sự lắm) (NXB).

1. Trong sách kinh mực nói về những nghi tiết từng phần trong buổi lễ (NXB).

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86016


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận