Sau tang lễ tôi muốn trở về ngay, nhưng Giorgiana cứ khẩn khoản giữ tôi lại cho đến khi cô ta đi Luân Đôn, bây giờ cô đã được ông cậu Gipxơn mời lên kinh đô chơi; ông về đây để đưa đám bà chị và thu xếp việc gia đình. Giorgiana bảo rằng cô sợ phải ở lại một mình với Êlida; trong lúc buồn bã này cô chẳng tìm thấy chút thông cảm nào của cô chị. Êlida chẳng nâng đỡ cô trong giờ phút hãi hùng mà cũng chẳng đỡ đần gì cô trong việc sửa soạn cuộc hành trình. Tôi đành phải gắng chịu đựng những nỗi lòng chán nản yếu đuối ấy, và những lời than vãn ích kỷ của cô và tôi cũng cố gắng cố giúp cô trong việc khâu vá, sắp xếp áo sống cho cô. Tất nhiên trong lúc tôi làm giúp thì cô lại ngồi chơi, nên tôi nghĩ bụng: "Nếu trời bắt tôi phải sống chung với cô, cô em họ của tôi ạ, thì chúng ta sẽ bắt đầu cuộc đời một cách khác hẳn. Tôi sẽ không chịu ngoan ngoãn gánh lấy phần khó nhọc hộ cô đâu, tôi sẽ chỉ định phần việc cho cô, và bắt cô phải làm tròn, nếu không thì việc sẽ bỏ bễ. Tôi cũng sẽ yêu cầu cô im đi, giữ lại trong lòng những lời than vãn rầu rĩ giả dối của cô. Sở dĩ tôi vui lòng kiên nhẫn và dễ dãi như thế này là vì cuộc tiếp xúc giữa cô với tôi chỉ có tính cách tạm thời, và xảy đến trong hoàn cảnh tang tóc đặc biệt mà thôi".
Sau cùng Giorgiana đi Luân Đôn, nhưng bây giờ lại đến lượt Êlida nài tôi lại thêm tuần nữa. Cô bảo rằng chương trình của cô đòi hỏi cô tất cả thì giờ và mọi sự thận trọng, cô sắp đi đến một nơi xa xôi không ai biết. Suốt ngày cô cài chặt cửa buồng, ở lỳ trong đó đóng hòm xiểng, lôi hết các thứ trong ngăn kéo ra, đốt bỏ các giấy má và không chịu tiếp ai cả. Cô nhờ tôi trông nom nhà cửa, tiếp khách và trả lời những thư chia buồn.
Một buổi sáng, cô bảo tôi có thể trở về tùy ý, cô nói thêm:
- Và tôi cám ơn cô rất nhiều, vì sự giúp đỡ quý báu và thái độ kín đáo của cô. Giữa việc chung sống với một người như cô và chung sống với Giorgiana có điều khác nhau. Cô tự làm lấy phần việc của mình trong cuộc sống, không cần phiền lụy đến ai. Sáng mai - cô nói tiếp - tôi sẽ lên đường sang lục địa. Tôi sẽ nương náu ở nhà thờ Lixlơ - cô sẽ gọi đó là một tu viện. Ở đấy tôi sẽ sống một cuộc đời yên tĩnh, không lo bị ai quấy rầy. Tôi sẽ bỏ ra một thời gian tìm hiểu giáo lý của nhà thờ La Mã và sẽ nghiên cứu kỹ hệ thống của giáo lý ấy. Nếu tôi thấy rằng, quả đúng như tôi đã dự đoán, đó là hệ thống tốt nhất bảo đảm hành động của muôn vật một cách tốt đẹp và có nền nếp, thì tôi sẽ quy theo giáo lý La Mã và có lẽ còn khoác áo tu hành nữa.
Trước quyết định này, tôi không hề tỏ ra ngạc nhiên, mà cũng chẳng có ý can ngăn cô. Tôi nghĩ: "Khuynh hướng ấy hoàn toàn phù hợp với cô, cầu trời nó đem lại cho cô nhiều điều hay". Lúc chia tay, cô bảo tôi:
- Tạm biệt Jên Erơ, người chị họ của tôi, cầu chúc cho cô mọi sự tốt lành, cô cũng là người có đôi chút lương tri đấy.
Tôi trả lời:
- Êlida, cô cũng chẳng thiếu lương tri, nhưng tôi cho rằng chỉ trong một năm nữa, lương tri của cô sẽ bị chôn sống giữa bốn bức tường của một tu viện Pháp thôi. Dù sao, đó chẳng phải là việc của tôi, và nếu con đường ấy hợp với cô thì tôi cũng chẳng băn khoăn làm gì.
- Cô nói phải, Êlida đáp.
Nói vậy rồi chúng tôi mỗi người đi một ngã. Vì tôi không còn dịp nào để nhắc đến Êlida và em gái cô ta nữa nên tôi có thể nói ngay ở đây là Giorgiana lấy chồng khá, một tay giàu có, ăn chơi lọc lõi trên đời; còn Êlida thì đã khoác áo nhà tu, hiện giờ là bề trên cai quản cái tu viện mà cô đã qua thời kỳ tập sự ở đấy, và cô đã cúng cả tài sản của mình vào tu viện.
Người ta cảm thấy như thế nào khi trở về nhà, sau một thời gian xa nhà lâu hay chóng, tôi không biết. Tôi chưa hề có cảm tưởng ấy. Tôi cũng đã được biết cái cảm tưởng hồi còn thơ ấu, tôi bỏ đi chơi xa, trở về Gatơhet, bị mắng về tội lầm lầm lì lì, và sau đấy, tôi cũng được biết cái cảm tưởng mỗi khi từ nhà thờ trở về Lôut, tôi ao ước được một bữa no nê, được sưởi bên lò ấm ra sao, nhưng rồi sau cũng chẳng được ăn mà cũng không được sưởi. Những buổi trở về ấy chẳng thú vị và đáng mong ước gì. Chẳng có hòn nam châm nào hút tôi đến một nơi nhất định, khiến tôi càng lại gần thì sức hút của nó lại càng mạnh. Tuy nhiên tôi cũng cứ phải thử quay về Thornơfin xem sao.
Cuộc hành trình của tôi thật vô vị, một ngày đi năm mươi dặm, ngủ lại một đêm ở quán trọ, rồi hôm sau lại đi năm mươi dặm nữa. Suốt mười hai giờ đầu, tôi còn nghĩ đến giờ phút lâm chung của bà Rit. Tôi nhìn thấy mặt bà xám ngắt, nhăn nhúm, nghe thấy giọng nói của bà lạc hẳn đi. Tôi nghĩ đến ngày đưa đám, đến cỗ quan tài, đến chiếc xe tang, đến đám gia nhân và tá điền mặc đồ đen (số họ hàng thân thích đi đưa rất ít), vòm mồ mở rộng, ngôi nhà thờ lặng lễ; và buổi lễ cầu hồn trang nghiêm. Rồi tôi miên man nghĩ đến Êlida và Giorgiana, người thì là ngôi sao trong phòng khiêu vũ, người thì chỉ biết sống trong buồng tu kín. Và tôi phân tích sự khác biệt về con người và về tính tình giữa hai chị em. Buổi tối, về tới thành phố lớn... tư tưởng của tôi tản mạn đi, đêm đến khiến tôi nghĩ sang hướng khác. Đặt mình nằm trên giường quán trọ, tôi gạt những hồi ức để nghĩ đến tương lai.
Tôi đang quay về Thornơfin, nhưng không hiểu tôi còn ở lại đấy bao lâu nữa. Chẳng lâu đâu, điều ấy thì tôi biết chắc rồi. Trong khi tôi đi vắng, bà Fefăc có gửi thư cho tôi bảo rằng khách khứa ở lâu đài đi cả. Ông Rôchextơ đi Luân Đôn từ ba tuần lễ trước, nhưng chừng độ nửa tháng nữa ông sẽ trở về. Bà Fefăc đồ chừng ông đi như vậy để sửa soạn lễ cưới vì ông có nói sẽ mua một cỗ xe mới. Bà bảo bà vẫn lấy làm lạ về chuyện ông định cưới cô Ingram làm vợ, nhưng theo dư luận và như chính mắt bà được thấy thì có lẽ lễ cưới sắp được tổ chức đến nơi rồi. Tôi bụng bảo dạ: "Nếu còn nghi ngờ về chuyện cưới xin thì bà thực ngây thơ một cách lạ lùng, riêng tôi, tôi không nghi ngờ chuyện ấy".
Và tôi tự hỏi tiếp: "Mình biết đi đâu?" Suốt đêm tôi nằm mơ thấy cô Ingram, trong giấc mơ về gần sáng, tôi thấy cô đuổi tôi ra khỏi lâu đài Thornơfin, đóng sập cửa lại và chỉ cho tôi đi ra một con đường khác, còn ông Rôchextơ thì đứng khoanh tay trước ngực, nhìn cả hai chúng tôi mà mỉm cười chua chát.
Tôi không viết thư báo cho bà Fefăc rõ đích xác hôm nào tôi trở về, vì tôi chẳng muốn họ đem xe đến đón tôi ở Mincôt. Tôi định lặng lẽ đi bộ một mình trên chặng đường và sau khi đã gửi người chủ quán chiếc va li, tôi lặng lễ rời quán Giorgiơ. Lúc 6 giờ, vào một buổi chiều tháng sáu, và lại theo con đường cũ trở về Thornơfin. Phần lớn con đường này xuyên qua cánh đồng và hồi này rất vắng vẻ.
Buổi chiều mùa hạ ấy không huy hoàng chói chang nhưng đẹp và êm ả. Dọc đường vẫn còn những người cắt phơi cỏ. Tuy bầu trời vẫn mây nhưng vẫn hứa hẹn một thời tiết tốt, những chỗ không bị mây che, trời trong xanh. Phía trời tây cũng ấm áp ánh sáng không bị vẩn đục vì hơi nước - tưởng chừng nơi đó đốt lên một đám lửa, có một bàn thờ sáng chói ẩn sau tấm màn mây mờ đục như đá vân, và qua những kẽ hở lóe ra ánh sáng vàng chói.
Con đường trước mắt cứ rút ngắn dần đi, tôi thấy lòng vui vui, đến nỗi một lần tôi dừng lại, tự hỏi niềm vui đó có nghĩa gì, và thầm nhắc mình là nơi tôi đang tới đâu phải là nhà tôi, đâu phải là nơi ở cố định, nơi bạn bè thân mến mong ngóng đợi chờ. Tôi tự nhủ: "Hẳn bà Fefăc sẽ mỉm cười lặng lễ đón mình và con bé Ađen sẽ vỗ tay nhảy bổ đến với mình, nhưng mình cũng biết rõ là mình chỉ nghĩ đến một người khác thôi, mà người đó thì lại chẳng nghĩ gì đến mình".
Nhưng có cái gì bướng bỉnh như tuổi trẻ? Có cái gì mù quáng bằng sự thiếu kinh nghiệm? Cả hai đều khẳng định rằng: được đặc ân nhìn thấy ông Rôchextơ lần nữa là đủ vui rồi, dù ông ấy có nhìn đến mình hay không và chúng lại thúc giục tôi: "Mau lên! Mau lên! Trong khi còn có thể, hãy đến với ông ấy đi, vì chỉ vài ngày, hay vài tuần nữa là cùng, cô và ông ấy sẽ mãi mãi xa nhau. Tôi phải cố gạt bỏ nỗi đau buồn vừa chớm nở - một ý nghĩ lệch lạc mà chính bản thân tôi không thể nào công nhận và vun xới - tôi rảo cẳng chạy.
Trên cánh đồng Thornơfin, mọi người đang cắt rạ hoặc đúng hơn, những người làm ruộng vừa mới nghỉ việc, họ trở về nhà, bồ cào vác trên vai. Lúc này tôi sắp đến nơi rồi, chỉ còn phải qua một hoặc hai cánh đồng nữa là qua đường và đến cổng lâu đài. Hoa hồng nở rộ đầy hàng rào! Nhưng tôi cũng chẳng kịp hái vài bông, vì tôi muốn vào nhà ngay. Tôi đi qua một cây tường vi, cành lá sum suê nở đầy hoa, lả xuống ngang đường, rồi đến một con đường hẹp có những bực đá, tôi thấy... ông Rôchextơ ngồi đó, tay cầm một quyển sách và cây bút chì, ông đang hý hoáy viết.
Phải, ông không phải là một bóng ma, vậy mà sao gân cốt tôi rời cả ra, tôi mất hẳn tự chủ một lát. Thế là nghĩa làm sao? Tôi không hề nghĩ rằng khi trông thấy ông tôi lại run lên như thế, hoặc đờ cả người ra không nói được nên lời trước mặt ông. Ngay sau khi định thần lại được, tôi muốn lùi lại, tôi không nên để cho mình lố bịch. Tôi biết có thể đi vào trong nhà bằng một lối khác. Dù cho tôi có biết đến hai mươi lối đi nữa thì cũng thế thôi, vì ông Rôchextơ đã thấy tôi rồi.
- À, ông kêu lên, đặt sách và bút chì xuống. - Cô đây rồi, lại đây nào, cô.
Tôi nghĩ mình phải bước lại, mặc dù bước lại với dáng điệu như thế nào tôi cũng không rõ nữa, tôi khó biết được cử chỉ của mình lúc đó ra sao, tôi chỉ cố làm ra vẻ bình tĩnh, và nhất là cố kìm giữ những thớ thịt trên mặt đang giần giật phản lại ý muốn của tôi, cứ muốn biểu lộ rõ ra tất cả những điều tôi đã quyết định giấu kín. May tôi có tấm mạng mỏng che mặt... nó vẫn buông xuống, tuy thế tôi vẫn cố gắng để giữ vẻ bình thản đúng mức.
- Jên Erơ đấy phải không? Cô đi bộ từ Mincôt về đấy à? Thôi, đúng là một trò đùa của cô rồi, cô không bảo xe đi đón và không muốn trở về với tiếng xe lạo xạo trên đường như mọi người tầm thường khác, nhưng lại lẻn về nhà cùng với bóng hoàng hôn, đúng như một giấc mơ hay một cái bóng. Cả một tháng vừa rồi cô làm cái gì.
- Thưa ông, tôi ở với mợ tôi, bà ấy mất rồi.
- Thật đúng là một câu trả lời của cô Jên! Xin các vị thiên thần che chở cho tôi! Cô ta từ một thế giới khác về đây - từ nơi cư trú của những người đã chết, và cô ta nói với tôi như vậy khi gặp một mình tôi trong buổi tịch dương? Nếu tôi đủ can đảm, tôi sẽ chạm vào người cô, xem cô là người hay bóng, cô gái ma quái ạ? Nhưng tôi thấy ngay là mình chỉ nắm được cái ánh sáng xanh lè của ma trơi trong cánh đồng lầy thôi. Lang bạt! Lang bạt!
Ngừng một lát, ông lại nói tiếp:
- Xa tôi một tháng ròng, tất là cô quên hẳn tôi rồi, tôi cam đoan vậy!
Tôi biết mình sẽ vui mừng khi gặp lại ông chủ, mặc dù tôi vẫn nơm nớp sợ chẳng bao lâu nữa ông sẽ chẳng còn là ông chủ nữa, và tôi cũng chẳng có còn nghĩa lý gì đối với ông. Nhưng (ít nhất là theo ý tôi) ông Rôchextơ bao giờ cũng vẫn là một nguồn phong phú rắc gieo hạnh phúc, và chỉ nếm những mảnh bánh vụn ông vung ra cho những con chim lạc loài xa lạ như tôi, cũng đã là một bữa tiệc huy hoàng rồi. Những lời nói cuối cùng của ông đối với tôi là một liều thuốc quý, hình như nó ngụ ý tôi quên ông hay nhớ ông, điều đó cũng có phần quan trọng đối với ông. Và ông nói như Thornơfin chính là nhà của tôi - mà ước gì đây là nhà của tôi thực!
Ông vẫn ngồi nguyên trên bực thềm, tôi cũng không muốn xin phép ông để đi qua. Lát sau tôi hỏi xem ông có đi Luân Đôn không.
- Có, tôi đoán là cô biết chuyện đó là nhờ có phép thần thông.
- Bà Fefăc viết thư nói chuyện với tôi.
- Thế bà ấy có bảo cô là tôi đi làm gì không?
- Ồ, có, thưa ông! Mọi người đều biết việc ông làm.
- Cô Jên ạ cô phải đi xem cỗ xe mới được, và cho tôi biết nó có thực xứng đáng với bà Rôchextơ không, và khi bà Rôchextơ dựa lưng vào cái đệm xe màu đỏ chói ấy, liệu trông có giống nữ hoàng Bôđixêa(1) không. Cô Jên, tôi ước gì vẻ ngoài của tôi được tương xứng hơn một chút với nàng. Cô là một nàng tiên, cô hãy bảo cho tôi biết liệu cô có thể ban cho tôi chút bùa phép hay cái gì đại loại như vậy khiến tôi trở thành một người giỏi trai không.
- Điều này vượt khỏi sức mạnh của phép thần, thưa ông.
Và tôi nghĩ thầm: "Chỉ cần có cặp mắt nồng nàn là đủ sức quyến rũ rồi, đối với cặp mắt ấy ông đã đủ đẹp trai rồi, hoặc đúng hơn, những nét rắn rỏi của ông có một sức mạnh vượt xa cái đẹp".
Đôi khi ông Rôchextơ đọc được cả ý nghĩ của tôi với một sự tinh tường mà tôi không sao hiểu nổi. Lúc này ông không để ý đến câu đáp ngắn ngủi của tôi, nhưng ông mỉm cười với tôi, nụ cười ấy chỉ riêng ông mới có, nhưng rất ít khi ông dùng đến. Hình như ông cho rằng nó cao đẹp quá, không nên dành cho những mục đích tầm thường. Nó là ánh mặt trời của con tim, lúc này ông chiếu rọi ánh dương ấy vào tôi.
- Cô Jên, đi đi, - ông nói và nhường chỗ cho tôi qua bậc thềm, - cô hãy đi lên nhà, cho đôi chân bé nhỏ và lang thang mỏi mệt của cô được nghỉ ngơi trên ngưỡng của của một người bạn.
Bây giờ tôi chỉ còn có việc lặng lẽ vâng lời ông, tôi chẳng cần phải nói với ông thêm điều gì nữa. Tôi bước qua bậc thềm, không nói gì, và định từ giã ông một cách bình thản. Nhưng có một sự thôi thúc nào đó giữ tôi lại, một sức mạnh buộc tôi phải quay lại. Tôi nói - hay một cái gì trong người nói hộ tôi, và ngoài ý muốn của tôi.
- Cảm ơn lòng tốt của ông, ông Rôchextơ. Tôi rất lấy làm vui mừng được trở về với ông, và bất cứ ông ở đâu tôi cũng coi chỗ ấy như nhà của tôi, chỉ đấy mới là nhà tôi.
Tôi bước đi nhanh đến nỗi nếu ông có muốn giữ tôi lại cũng không kịp. Lúc trông thấy tôi, Ađen sướng đến điên người lên. Bà Fefăc đón tôi với mối thiện cảm mộc mạc như mọi khi. Còn Li thì mỉm cười và cả Xôphi cũng vui vẻ chào tôi "Bonsoir". Tôi thấy dễ chịu quá, còn gì sướng hơn là được mọi người xung quanh yêu mến, và cảm thấy sự có mặt của mình làm cho người khác thêm vui vẻ.
Chiều hôm ấy tôi nhất định nhắm mắt lại không nhìn vào tương lai, tôi bịt chặt tai để khỏi phải nghe tiếng nói báo trước buổi chia phôi, và nỗi đau lòng sắp tới. Sau khi uống trà xong, bà Fefăc cầm lấy đồ đan, tôi ngồi trên một chiếc ghế thấp bên cạnh bà, còn Ađen quỳ trên tấm thảm nép sát người vào tôi, một tình cảm yêu thương lẫn nhau hình như vây quanh chúng tôi trong một bầu không khí thanh bình quý báu; tôi thầm cầu nguyện cho chúng tôi không phải xa nhau dù sớm hay muộn. Nhưng chợt ông Rôchextơ bước vào, nhìn thấy chúng tôi ngồi như vậy, hình như ông rất hài lòng trước cảnh quây quần thân mật ấy. Ông nói, ông cho rằng bà Fefăc lúc này hẳn là vui mừng vì lại thấy cô gái nuôi, và ông nói thêm là ông thấy Ađen cũng: "prête à croquer sa petile maman Anglaise"(1). Tôi lại hơi có cái hy vọng táo bạo là, ngay cả sau khi đã cưới vợ rồi, ông Rôchextơ cũng sẽ để cho ba chúng tôi vẫn đoàn tụ ở một nơi nào đó, dưới sự che chở của ông, không đến nỗi phải hoàn toàn xa lánh tia nắng ấm của sự hiện diện của ông.
Suốt nửa tháng sau ngày tôi trở lại, lâu đài Thornơfin vẫn có vẻ lặng lẽ như không. Chẳng thấy ai đả động gì đến chuyện đám cưới của ông chủ, mà tôi cũng chẳng thấy có sự sửa soạn gì cho việc cưới xin. Hầu như ngày nào tôi cũng hỏi bà Fefăc xem bà có nghe thấy quyết định gì chăng, nhưng lần nào bà cũng trả lời không. Có một lần bà hỏi thẳng ông Rôchextơ xem bao giờ ông mới định đưa cô dâu về, nhưng ông chỉ trả lời bằng một câu nói đùa và nhìn bà bằng con mắt lạ lùng, vì thế bà cũng chẳng hiểu ý ông ra sao.
Có điều đặc biệt khiến tôi ngạc nhiên là không hề có một cuộc đi lại nào, cả đến những cuộc thăm viếng Ingram Park cũng không. Đã hẳn ràng nó cách Thornơfin những hai mươi dặm đường, ở ven một quận khác, nhưng đã yêu nhau thì "tam tứ núi cũng trèo" mới phải chứ. Đối với một tay kỵ sĩ lão luyện và dẻo dai như ông Rôchextơ thì chỉ đi mất một buổi sáng là cùng. Tôi bắt đầu vuốt ve cái hy vọng mà tôi không có quyền tin rằng cuộc hôn nhân đã tan vỡ, rằng dư luận đã hiểu lầm cả, rằng một bên hoặc cả hai cũng đã thay đổi ý kiến. Tôi thường quan sát nét mặt ông chủ tôi xem có vẻ gì bực bội hoặc buồn rầu không, nhưng tôi không hề thấy vẻ mặt ông tỏ ra u sầu hoặc khổ não. Nếu có những lúc tôi và Ađen gần bên ông mà tôi không vui hoặc chán nản thì ông lại tỏ ra vui vẻ. Chưa bao giờ ông lại hay gọi tôi đến bên ông như thế, chưa bao giờ ông biểu lộ lòng tốt đối với tôi hơn thế, và hỡi ôi, cũng chưa bao giờ tôi lại yêu ông đến thế.
1. Nữ hoàng Bôđixêa: hoàng hậu nước Anh nổi lên chống người La Mã ở thế kỷ đầu Công nguyên (NXB).
1. Sẵn sàng nhai gau gáu cái bà mẹ bé nhỏ người Anh của nó.