Mãi đến khi lại nhìn thấy ông Rôchextơ, và nghe ông nhắc lại những lời yêu đương và hứa hẹn, tôi mới tin đó là chuyện thật.
Trong lúc chải đầu, ngắm mặt mình trong gương, tôi cảm thấy nhan sắc mình không tầm thường như trước nữa, mặt tôi ánh lên niềm hy vọng rạng rỡ và màu sắc của sức sống. Mắt tôi hình như đã được nhìn thấy dòng suối hân hoan và phản chiếu cái ánh sáng của mặt nước gợn sóng long lanh. Tôi thường không muốn nhìn mặt ông chủ, vì ngại ông không ưa cái nhìn của tôi, nhưng bây giờ thì tôi tin rằng có thể ngước mắt lên nhìn ông mà không sợ vẻ mặt mình làm nguội lạnh tình cảm của ông. Tôi mở ngăn kéo lấy ra một cái áo mùa hè sáng màu, giản dị nhưng sạch sẽ, mặc vào, hình như chưa bao giờ tôi mặc một chiếc áo nào phù họp với người tôi đến thế, vì chưa bao giờ tôi mặc một chiếc áo nào trong lúc tâm hồn tràn trề hạnh phúc như vậy. Chạy xuống phòng lớn dưới nhà tôi không ngạc nhiên khi thấy sau trận bão đêm qua là một buổi mai rạng rỡ tháng sáu, và cảm thấy làn gió thơm mát hiu hiu thổi qua khung cửa kính mở rộng. Nhất định tạo vật cũng tươi vui khi lòng tôi đang sung sướng như thế này. Có một người đàn bà ăn mày, dắt con trai nhỏ, cả hai cùng rách rưới xanh xao, đang tiến đến lối đi, tôi chạy xuống dốc túi ra, có đồng nào cho họ hết, độ ba hay bốn silinh gì đó, dù họ là người tốt hay xấu, họ cũng phải chia sẻ niềm vui với tôi. Bầy quạ cất tiếng kêu, chim chóc vui hơn líu lo hót, nhưng chẳng có gì rộn ràng và du dương bằng niềm vui sướng trong lòng tôi.
Bà Fefăc bất chợt thấy tôi khi bà ngó qua cửa sổ với vẻ mặt rầu rầu, và nghiêm trang bảo tôi:
- Cô Erơ, mời cô xơi điểm tâm chứ?
Suốt bữa, bà lạnh lùng, im lặng, nhưng tôi không thể nói cho bà hết hiểu lầm ngay lúc ấy. Tôi phải đợi ông Rôchextơ giải thích cho bà, và hẳn là bà cũng nghĩ vậy. Tôi cố ăn thực nhiều, rồi vội lên gác, thì vừa vặn gặp Ađen ở trong buồng học đi ra.
- Em đi đâu đấy? Đến giờ học rồi?
- Ông Rôchextơ bảo em đi xuống phòng trẻ.
- Thế ông ấy đâu?
- Ở trong kia.
Nó chỉ vào buồng học, tôi bước vào thấy ông đứng ở đấy.
- Lại đây và chào tôi đi, em - ông nói, tôi vui vẻ bước tới, bây giờ thì không phải chỉ là một lời chào nhạt nhẽo hay một cái bắt tay như trước kia nữa, mà ông ôm lấy tôi hôn. Cử chỉ ấy có vẻ tự nhiên thôi, song hình như tôi vẫn thấy sung sướng vô ngần vì được ông trìu mến vuốt ve.
- Jên, trông em mơn mởn, tươi tắn và xinh đẹp nữa, sáng nay em xinh đẹp thật. Có phải đây là cô tiên bé nhỏ xanh xao, là hạt cải sen của tôi không? Hỡi cô thiếu nữ nhỏ nhắn mặt mày rạng rỡ, má lúm đồng tiền với cặp môi hồng thắm, làn tóc màu hạt dẻ, óng mượt như satanh, và đôi mắt nâu sáng long lanh (thưa bạn đọc, thực ra đôi mắt tôi màu xanh, nhưng bạn hãy nên bỏ qua sự lầm lẫn đó, tôi cho rằng riêng đối với ông Rôchextơ, mắt tôi bỗng đã đổi màu rồi).
- Thưa ông, chính là Jên Erơ đấy.
- Sắp sửa là Jên Rôchextơ! - ông nói thêm. - Trong bốn tuần lễ nữa, Jên ạ, không quá một ngày nào đâu. Em nghe rõ chứ?
Tôi nghe rõ, nhưng không hiểu được hoàn toàn điều đó, nó làm cho tôi choáng váng. Lời tuyên bố gây cho tôi một xúc động quá mạnh, đánh át cả niềm vui, khiến tôi như bàng hoàng, sững sờ, tôi thấy gần như sợ hãi.
- Vừa rồi, em đỏ mặt, bây giờ em lại tái đi; sao thế, Jên?
- Vì ông vừa mới cho em một cái tên mới Jên Rôchextơ, em thấy nó lạ lùng làm sao ấy.
- Phải, bà Rôchextơ! - ông nói. - Bà Rôchextơ trẻ tuổi, người vợ trẻ sắp cưới của Fefăc Rôchextơ.
- Không bao giờ có thể như vậy, thưa ông, điều ấy có vẻ như không thực. Con người có bao giờ được hưởng hạnh phúc vẹn toàn trên đời này. Em sinh ra đâu phải là để nhận một số phận khác với những người đồng loại, tưởng tượng được hưởng sung sướng như vậy, thật là một chuyện thần tiên... một giấc mộng giữa ban ngày.
- Giấc mộng mà tôi có thể và nhất định sẽ thực hiện. Tôi bắt đầu ngay hôm nay. Sáng nay, tôi sẽ viết thư cho ngân hàng của tôi ở Luân Đôn, yêu cầu gửi cho tôi vài thứ nữ trang tôi lưu ký tại đó, tức là những di vật truyền đời của các phu nhân ở Thornơfin. Tôi hy vọng chỉ một vài hôm nữa là đã có thể đặt những vật trang sức ấy vào trong lòng em, vì em sẽ được hưởng mọi đặc quyền, mọi sự ân cần chăm sóc, cũng như lệnh nữ của một vị nguyên lão nếu như tôi định kết hôn với cô ta.
- Ồ, thưa ông! - Đừng nghĩ đến chuyện đồ nữ trang!
Em không muốn nghe nói đến những thứ đó. Những đồ nữ trang cho Jên Erơ, nghe thật không tự nhiên và lạ lùng quá. Em muốn không có những thứ đó thì hơn.
- Tôi muốn tự tay đeo chuỗi hạt kim cương vào cổ em, đặt kim miện lên đầu em, em sẽ xứng đáng với nó, Jên ạ, vì ít nhất tạo hóa cũng đã in lên trán em dấu ấn của sự cao quý. Tôi sẽ đeo các vòng xuyến vào đôi cổ tay thanh tú này và sẽ lồng thật nhiều nhẫn vào những búp tay tiên của em.
- Không, không, thưa ông! Xin ông hãy sang vấn đề khác và nói với em về những chuyện khác, bằng những lời lẽ khác. Đừng nói chuyện với em như thể em là một người đẹp; em chỉ là cô giáo dạy trẻ của ông thôi, tầm thường, như một tín đồ Quakơ(1) vậy.
- Đối với mắt tôi, em là một người đẹp, đúng như lòng tôi mong ước... mảnh dẻ thanh tú, nhẹ nhàng như không khí.
- Ông muốn nói là gầy yếu và vô nghĩa chứ gì. Ông đang mơ màng; thưa ông, hoặc ông đang chế giễu em chăng. Lạy chúa, thôi xin ông đừng mỉa mai nữa!
- Tôi còn muốn mọi người công nhận em là đẹp nữa kia. - Ông tiếp tục nói, trong khi tôi thực sự trở nên khó chịu vì những lời lẽ của ông; tôi cảm thấy hoặc ông đang tự lừa dối mình, hoặc đang cố lừa dối tôi - Tôi sẽ trang điểm cho Jên của tôi bằng satanh và đăngten, trên tóc em sẽ cài những bông hồng, và tôi phải choàng lên con người yêu quý nhất đời một tấm "voan" vô giá.
- Và đến lúc ấy ông sẽ không nhận ra em nữa, em sẽ không còn là Jên Erơ của ông, mà là một con khỉ mặc quần áo của một anh hề, một con "sáo mượn lông công"(1), ông Rôchextơ, giả thử em trông thấy ông ăn vận kiểu sân khấu, cũng như em ăn vận kiểu một bà mệnh phụ, em cũng sẽ không thể nào bảo ông là đẹp trai được, dù em yêu quý ông hết sức. Vì yêu quý ông quý nên em không thể nịnh ông được. Vậy ông cũng đừng nịnh em làm gì.
Tuy nhiên, ông vẫn cứ tiếp tục nói chuyện đó mãi, chẳng để ý gì đến lời yêu cầu của tôi.
- Ngay hôm nay, tôi sẽ đưa em đi Mincôt bằng xe ngựa, em phải chọn mua mấy bộ áo. Tôi đã bảo em rằng trong bốn tuần lễ nữa chúng ta sẽ làm lễ cưới. Hôn lễ sẽ được tổ chức lặng lẽ ở nhà thờ dưới kia, sau đấy tôi sẽ đưa ngay em ra tỉnh, ở đó một thời gian ngắn, rồi tôi sẽ mang báu vật của tôi đến những miền tràn đầy ánh nắng, đến những vườn nho trên đất Pháp và đồng Ý -đại-lợi; rồi em sẽ đi thăm những thắng cảnh nổi tiếng nhất thời xưa và thời nay; em sẽ nếm mùi vị cuộc sống tại các thành phố lớn, và cứ khách quan so sánh với những phụ nữ khác, em sẽ tự đánh giá được chính mình.
- Em sẽ đi du lịch ư? Và cùng với ông chứ?
- Em sẽ sống ở Pari, La-mã, Naplơ; em sẽ đến Flôrenxơ, Vơnidơ, và Viên; em sẽ đặt chân tới mọi nơi đã đi qua trong cuộc đời lang thang ngày trước. Nơi nào tôi đã dừng vó ngựa, nơi đó em sẽ in gót sen tiên nữ. Đã mười năm nay, tôi lang bạt khắp châu Âu, gần như điên dại, chỉ có sự ghê tởm, sự hằn thù, sự cuồng dại làm bạn đồng hành. Bây giờ tôi sẽ qua thăm lại châu Âu, nhưng tâm hồn lành mạnh và trong sạch, cùng với một vị thiên thần là người an ủi.
Tôi bật cười bảo ông:
- Em không phải là một vị thiên thần, cho đến chết em cũng chẳng bao giờ là thiên thần đâu, em cũng vẫn cứ là em thôi, ông Rôchextơ, ông đừng trông chờ, cũng đứng đòi hỏi ở em một sự gì thần thánh, vì ông sẽ không bao giờ thấy được, cũng như em chẳng thể thấy điều đó ở ông. Chuyện ấy em không bao giờ vọng tưởng.
- Vậy em chờ đợi gì ở tôi.
- Có thể trong một thời gian ngắn ông sẽ vẫn như bây giờ, - một thời gian rất ngắn, rồi ông sẽ thành lạnh lùng, rồi tính nết sẽ thất thường; rồi ông sẽ trở thành khắc khổ, và em sẽ phải cố gắng lắm mới làm vừa lòng ông được. Nhưng khi đã sống quen với em rồi, có thể ông sẽ lại ưa em - em nói là ưa, chứ không nói là yêu đâu. Em đoán chừng tình yêu của ông sẽ bồng bột trong khoảng nửa năm, có khi không đến thế. Trong các sách của nam giới viết, em đã nhận thấy rằng đó là khoảng thời gian tối đa cho tình ân ái mặn nồng của một người chồng. Tuy nhiên, rút cục, với tư cách một người bạn và người đồng hành trên đường đời, em ước mong sẽ không bao giờ trở nên hoàn toàn đáng ghét đối với ông chủ yêu quý của em.
- Đáng ghét! Và sẽ lại ưa em! Tôi chắc tôi sẽ ưa em mãi, ưa mãi mãi. Và tôi sẽ làm cho em phải thú nhận rằng không phải tôi chỉ ưa em mà tôi yêu em, với một tấm tình chân thành, đắm say, chung thủy.
- Nhưng tính nết ông không thất thường ư?
- Đối với những người đàn bà làm tôi vừa lòng chỉ nhờ có bộ mặt, một khi khám phá thấy họ chẳng có tâm hồn tình cảm, khi họ để lộ cho tôi thấy tầm thường, thô kệch, có thể là ngu xuẩn, thô lỗ và xấu tính xấu nết, thì tôi đúng là con quỷ dữ; nhưng đối với một đôi mắt trong sáng, một lời nói cảm động, một tâm hồn nồng cháy, một tính cách khiêm nhường nhưng không quỵ lụy, mềm mỏng nhưng vững vàng dễ dãi nhưng kiên định, thì bao giờ tôi cũng đối xử dịu dàng và chân thực.
- Ông đã có bao giờ gặp một tính cách như thế chưa, thưa ông? Ông đã yêu một người nào như thế bao giờ chưa?
- Tôi hiện đang yêu một người như vậy.
- Nhưng trước em kia, nếu như quả thật, về mặt nào đó, em xứng đáng thuộc loại người thỏa mãn được những điều kiện khó khăn của ông.
- Tôi chưa bao giờ được gặp người nào như em, Jên ạ, em khiến tôi ưa thích, và em đã làm chủ được tôi. Em có vẻ phục tùng và tôi rất ưa thái độ mềm mỏng của em. Trong khi tôi quấn sợi dây tơ mềm mại vào ngón tay, thì có cảm giác rung động truyền qua cánh tay tôi vào đến tận tim. Tôi đã bị ảnh hưởng, bị chinh phục, và cái ảnh hưởng ấy êm đềm hơn lời tôi có thể diễn tả, việc tôi bị chinh phục ấy có một ma lực làm tôi say sưa hơn bất cứ chiến thắng nào giành được. Tại sao em lại mỉm cười, Jên? Cái vẻ khó hiểu kỳ quặc kia của em nghĩa là thế nào.
- Em đang nghĩ đến, thưa ông (xin ông thứ lỗi cho, em bất giác nghĩ tới thôi) em đang nghĩ đến Hécquyn và Xamxơn(1) cùng những cô nàng đã mê hoặc họ.
- Cô tiên bé nhỏ ơi, cô đã là...
- Thôi xin đừng nói nữa, thưa ông. Lúc này lời nói của ông cũng chẳng khôn gì hơn hành động của hai nhân vật em vừa nói. Tuy nhiên, giả thử họ kết hôn vói nhau thì chắc chắn tính nghiêm khắc của người chồng sẽ thay thế cho tính dịu dàng của những kẻ yêu đương. Em e rằng ông cũng sẽ như vậy. Em không hiểu độ một năm nữa nếu em cầu xin ông một ân huệ gì mà ông không thích thú ông sẽ trả lời em ra sao.
- Thế bây giờ em hãy xin tôi một điều gì đi, Jên, một điều nhỏ nhặt gì; tôi muốn được em cầu khẩn.
- Hẳn thế, thưa ông, em sẽ xin, em đã có ý định sẵn rồi.
- Nói đi? Nhưng nếu em ngước nhìn lên với vẻ mặt và nụ cười như thế này, thì tôi xin thề là chưa biết em yêu cầu gì tôi cũng đã nhận lời tôi rồi, và điều đó sẽ khiến tôi trở thành một kẻ si ngốc mất.
- Dầu có thế, thưa ông em chỉ cầu xin ông có thế này, ông đừng viết thư bảo gửi đồ nữ trang và cũng đừng quấn lên đầu em những đóa hoa hồng, như thế chẳng khác gì ông viền kim tuyến chung quanh chiếc khăn tay tầm thường của ông kia.
- Chẳng khác gì "mạ thêm vàng lên vàng điệp". Tôi biết, vậy thì lời yêu cầu em được chấp nhận... ít nhất lần này. Tôi sẽ bỏ lệnh đã gửi cho nhà ngân hàng. Nhưng em chưa yêu cầu gì cả, em chỉ mới xin miễn một thứ quà tặng. Em thử yêu cầu lại đi.
- Vậy thì, thưa ông, xin ông hãy vui lòng cho em được thỏa chút tò mò, về một điểm.
Ông có vẻ bối rối, nói hấp tấp:
- Cái gì? Cái gì? Tò mò là một điều nguy hiểm, đấy cũng may là tôi đã không hứa thỏa mãn mọi yêu sách của em.
- Nhưng thỏa mãn điều này lại không có gì là nguy hiểm cả, thưa ông.
- Thì em nói đi, Jên. Nhưng tôi mong rằng đó không phải là một sự xoi mói có lẽ vào một điều bí mật, mà là một ao ước được hưởng một nửa gia sản của tôi thôi.
- Ồ, vua Ahaxuêrơx ơi! Em muốn một nửa gia sản của ông để làm gì chứ? Ông nghĩ em là một người Do Thái cho vay lãi cắt cổ muốn kiếm lợi về đất cát chăng? Em muốn được ông hoàn toàn tin cẩn em thì hơn. Nếu ông cho em được lọt vào trái tim ông thì ông sẽ tin cậy em chứ?
- Tôi sẽ thổ lộ với em tất cả những điều gì đáng thổ lộ Jên ạ. Như, lạy Chúa, em đừng ao ước mang một gánh nặng vô ích làm gì. Đừng khao khát thuốc độc, đừng trở thành nàng Evơ đối với tôi.
- Tại sao không, thưa ông? Ông vừa mới bảo em là ông thích bị chinh phục và ông rất sung sướng khi chịu ảnh hưởng của người khác, ông không cho rằng tốt nhất là em nên lợi dụng lời thú nhận đó, và bắt đầu phỉnh nịnh, van xin... có thể khóc lóc và hờn dỗi nữa, nếu cần, chỉ để thử xem cái mãnh lực của em đối với ông ra sao ư?
- Tôi đố em thí nghiệm điều ấy đấy. Cứ thử lạm dụng đi, tôi xin chịu thua ngay.
- Thật vậy ư? Ông sớm đầu hàng nhỉ. Lúc này trông ông khắc khổ làm sao! Lông mày của ông rậm thêm như ngón tay của em vậy, và vầng trán ông, như trong một bài thơ kỳ dị nào đó em đã đọc, giống "một thượng tầng kiến trúc âm thầm, dữ dội". Em đoán chừng khi làm lễ cưới ông sẽ có vẻ mặt như thế?
- Nếu đấy là vẻ mặt của em khi làm lễ cưới, thì tôi, một tín đồ Cơ đốc giáo, tôi sẽ phải từ bỏ ngay ý nghĩ chung sống với một yêu tinh hay một con rắn lửa. Nhưng em muốn yêu cầu gì nào, cô em bé? Nói ngay đi!
- Đấy, lúc này ông không quá lịch sự nữa rồi; em lại ưa thô bạo hơn là sự tán tụng rất nhiều. Em muốn là một "cô" hơn là một thiên thần. Đây là điều em muốn hỏi ông - Tại sao ông cứ phải tốn công phu đến thế để khiến em tin rằng ông muốn lấy cô Ingram?
- Có thế thôi ư! Lạy Chúa, điều em hỏi không có gì nguy hại cả! - Và lúc này cặp lông mày đen của ông không cau lại nữa, ông cúi xuống mỉm cười với tôi, vuốt tóc tôi, như vui sướng vì thấy thoát được một cơn nguy. Tôi thấy có thể thú thực với em được - ông nói tiếp - dù có thể làm em bực tức đôi chút, Jên ạ; và tôi đã được thấy em nóng nẩy đến thế nào khi em bực tức. Dưới ánh trăng lạnh đêm qua, em đã bốc lửa, lúc em vùng lên chống lại số phận, và đòi hỏi sự bình đẳng đối với tôi, Jên ạ, nhân tiện nói qua, chính em đã tỏ tình trước với tôi đấy nhé.
- Dĩ nhiên, đúng rồi. Nhưng xin ông hãy trở về chuyện cô Ingram.
- Phải, tôi vờ theo đuổi cô Ingram, vì tôi muốn làm cho em yêu tôi đến điên cuồng như tôi yêu em; và tôi biết ghen tuông là người đồng minh đắc lực nhất tôi có thể dựa vào để đạt tới mục đích ấy.
- Tuyệt! Bây giờ thì ông nhỏ quá, chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay em thôi. Hành động như thế thì thật là một điều xấu xa, đáng hổ thẹn. Thế ông không nghĩ đến tình cảm của cô Ingram sao.
- Tình cảm của cô chỉ tập trung ở một điểm là: Kiêu ngạo, và thói ấy cần được nếm mùi tủi nhục. Hồi ấy, em có ghen không, Jên?
- Đừng để ý đến chuyện ấy, ông Rôchextơ, ông tìm biết điều đó có lợi gì đâu. Ông hãy thành thực trả lời em một lần nữa. Ông có cho rằng cô Ingram sẽ không đau khổ vì sự tán tỉnh giả dối của ông không? Liệu cô ấy có cảm thấy mình bị bỏ rơi và cô đơn không?
- Làm gì có chuyện ấy! Tôi đã nói với em chính cô ta, trái lại, đã bỏ rơi tôi ra sao; ý nghĩ là tôi chẳng giàu có gì đã làm nguội lạnh; hoặc đúng hơn, làm tắt ngấm ngọn lửa tình của cô ta đối với tôi.
- Ông Rôchextơ, ông thực là kỳ quặc và đa mưu. Em e rằng những nguyên tắc của ông, về một số điểm khá ngược đời đấy.
- Những nguyên tắc của tôi không bao giờ được hướng dẫn, Jên ạ, có thể có phần nào lệch lạc vì thiếu sự quan tâm uốn nắn.
- Một lần nữa, em hỏi thực, liệu em có thể hưởng cái diễm phúc ông dành cho em, mà không sợ rằng có một người nào khác phải chịu đau đớn xót xa như em trước đây không?
- Em có thể, em bé hiền hậu của tôi ạ; trên đời này không ai có một tình yêu trong trắng đối với tôi như em. Tin tưởng vào tình yêu của em, Jên ạ, là một niềm an ủi rất êm đềm cho tâm hồn tôi.
Tôi áp môi lên bàn tay ông đặt trên vai tôi. Tôi yêu quý ông, yêu khôn xiết nói, yêu không lời nào tả nổi. Ông nói luôn:
- Em yêu cầu tôi một điều gì nữa đi; tôi vui sướng được em cầu xin và được chiều ý em.
Tôi đã lại có sẵn một thỉnh cầu.
- Ông hãy cho bà Fefăc biết rõ ý định của ông đi, đêm qua trông thấy ông và em ở phòng lớn, bà ấy sửng sốt lắm đấy. Ông hãy giải thích trước khi em gặp lại bà ta. Bị một người tốt bụng như bà hiểu lầm, thì khổ tâm cho em lắm.
- Em hãy về phòng và đội mũ vào, - ông trả lời. - Tôi muốn em theo tôi đi Mincôt sáng nay, trong lúc em sửa soạn, tôi sẽ nói chuyện cho bà lão hiểu. Liệu bà ấy có nghĩ rằng em đã hy sinh tất cả cho tình yêu mà không vướng tiếc gì không, Jên nhỉ?
- Em cho rằng bà ấy nghĩ cả ông lẫn em, mỗi người đều đã quên mất địa vị của mình rồi.
- Địa vị! Địa vị! Bây giờ và mãi mãi sau này, địa vị của em là ở trái tim tôi và trên đầu trên cổ những kẻ nào dám phỉ báng em. Thôi em đi đi.
Tôi mặc quần áo xong ngay, và khi nghe tiếng chân ông Rôchextơ rời khỏi buồng bà Fefăc, tôi vội vã xuống nhà. Bà lão đang đọc đoạn kinh buổi sáng, bài học hàng ngày của bà. Tập kinh thánh mở rộng trước mặt bà, trên đặt đôi mục kỉnh. Câu chuyện của ông Rôchextơ làm gián đoạn việc đọc kinh mà lúc này hình như bà đã quên đi mất; mắt bà đăm đăm nhìn vào mảng tường trắng đối diện để lộ vẻ ngỡ ngàng của một tâm hồn bình dị bị kích động bởi những tin kỳ lạ. Trông thấy tôi bà đứng dậy, gắng mỉm cười và nói vài lời chúc mừng, nhưng nụ cười tắt ngay và lời chúc mừng cũng ngưng lại nửa chừng. Bà đeo kính lên, gập quyển Kinh Thánh lại, và đẩy lùi chiếc ghế đang ngồi ra xa bàn. Bà bắt đầu nói:
- Tôi ngạc nhiên quá sức, không biết nói gì với cô bây giờ, cô Erơ ạ. Chắc là tôi không mơ chứ, có phải không. Đôi khi ngồi một mình, tôi cứ nửa tỉnh nửa mê, tưởng tượng những điều chưa hề bao giờ xảy ra. Hình như nhiều lần, trong lúc thiu thiu ngủ, tôi thấy nhà tôi, mất cách đây mười lăm năm, bước vào ngồi xuống bên tôi; và tôi còn nghe thấy ông ấy gọi đúng tên tục của tôi là Alixơ, như ông vẫn thường gọi ngày xưa. Thế cô có thể cho tôi biết có thực không ông Rôchextơ hỏi cô làm vợ không? Cô đừng cười tôi nhé. Chẳng là tôi nhớ cách đây năm phút ông ấy quả có bước vào đây, và bảo rằng trong vòng một tháng nữa cô sẽ là vợ ông ấy.
- Ông Rôchextơ cũng bảo tôi như thế.
- Ông ấy bảo!... Cô tin ông ấy không? Cô có nhận lời không?
- Có.
Bà ngẩn người ra nhìn tôi.
- Tôi không sao ngờ được đấy. Ông ấy là một người kiêu ngạo, tất cả những người thuộc dòng họ Rôchextơ đều kiêu ngạo. Và ít ra ông cụ thân sinh ra ông ấy cũng rất thích tiền, ông còn cũng vậy, thường vẫn tỏ ra là thận trọng, ông ấy có ý định lấy cô à?
- Ông ấy bảo tôi thế.
Bà ngó tôi suốt từ đầu đến chân, nhìn mắt bà, tôi thấy rõ là bà không tìm được trên người tôi một sức quyến rũ nào khả dĩ có thể giải thích nổi điều bí hiểm đó.
- Tôi chịu không hiểu nổi! - Bà nói tiếp. - Nhưng cô đã nói thì nhất định là đúng rồi. Chuyện này sẽ ra sao, tôi không thể nói được, quả thực là tôi không biết. Trong những trường hợp như thế này, nên có sự bình đẳng về địa vị và tiền tài thì hơn, mà hai người lại chênh lệch nhau đến hai chục tuổi đầu nữa chứ. Ông ấy gần như đáng tuổi sinh ra cô.
- Không đâu, bà Fefăc! - Tôi bực mình kêu lên. - Ông ấy đáng tuổi sinh ra tôi thế nào được! Chả có ai nhìn chúng tôi đi với nhau lại có thể nghĩ như vậy được. Trông ông Rôchextơ còn trẻ lắm, trẻ như một số người ở tuổi hăm nhăm.
- Có thật ông ấy lấy cô vì tình yêu không? Bà hỏi tôi.
Thấy bà có vẻ lạnh lùng và hoài nghi, tôi buồn bực đến trào nước mắt.
- Tôi rất ân hận làm cô buồn - bả quả phụ nói tiếp, nhưng cô còn trẻ quá, và ít tiếp xúc với đàn ông cho nên tôi muốn nhắc cô phải thận trọng. Có câu tục ngữ: "Những gì lóng lánh đều chẳng phải vàng" và trong trường hợp này tôi rất e có uẩn khúc gì đây, mà cả cô lẫn tôi đều không ngờ tới.
- Sao? Tôi có phải là một con quỷ chăng? - Tôi nói. Phải chăng ông Rôchextơ không thể nào có tình yêu chân thật đối với tôi?
- Không, cô xinh lắm, nhất là gần đây trông cô lại đẹp ra, còn ông Rôchextơ thì tôi có thể nói là rất mến cô. Tôi vẫn nhận thấy cô được ông quý mến lắm. Có những lúc, vì mến cô, tôi có phần lo ngại thấy cái tình cảm đặc biệt của ông đối với cô, và tôi muốn bảo cô nên coi chừng, nhưng tôi không muốn gợi ý về một điều không hay có thể xảy ra. Tôi biết nghĩ như thế có thể khiến cô phật ý, có lẽ xúc phạm đến cô nữa, mà cô thì là người hết sức kín đáo, khiêm tốn và nhạy cảm, tôi thầm mong tự cô có thể bảo vệ mình. Đêm qua tôi không sao nói cho cô rõ được tôi đau lòng đến thế nào, khi đi tìm khắp nhà mà không thấy cô, cũng chẳng thấy ông chủ đâu, thế rồi, mười hai giờ đêm, tôi bỗng thấy cô cùng ông ấy bước vào nhà.
- Thôi, bây giờ bà đừng quan tâm đến chuyện ấy nữa, - tôi sốt ruột ngắt lời bà. Biết rằng mọi chuyện đều êm đẹp cả, thế là đủ.
- Tôi cũng mong mọi sự êm đẹp cho đến phút cuối cùng, nhưng hãy nên tin lời cô, có thận trọng bao nhiêu cũng không là thừa đâu. Hãy coi chừng chính bản thân cô, và cả ông ấy nữa. Những người danh giá ở địa vị ông, thường không hay lấy cô giáo dạy trẻ của mình làm vợ đâu.
Lúc này tôi đã phát cáu thực sự rồi, may sao Ađen chạy vào kêu lên:
- Cho em đi... cho em đi Mincôt với! Ông Rôchextơ không muốn cho em đi, tuy xe còn rộng chỗ lắm. Cô nói giúp với ông cho em đi với, cô ơi!
- Được rồi, Ađen ạ.
Và tôi hấp tấp cùng Ađen bước ra ngoài, mừng vì thoát được cái bà giáo già chán ngắt của tôi. Người nhà đã đánh xe ngựa sẵn sàng ra đằng trước nhà; ông chủ của tôi đang đi đi lại lại trên hè, con Pilôt lăng xăng chạy theo sau.
- Có thể cho Ađen cùng đi với chúng ta được không, ông?
- Tôi đã bảo nó là không rồi. Tôi không thích có trẻ con! Tôi chỉ muốn mình em đi cùng thôi.
- Xin ông cho nó đi với, ông Rôchextơ, như vậy tốt hơn.
- Không, có nó chỉ thêm phiền.
Ông hết sức cương quyết trong vẻ nhìn cũng như giọng nói. Những lời báo trước lạnh lẽo và những nghi ngờ ảm đạm của bà Fefăc vẫn còn lại trong tâm trí tôi, có một cái vô hình và bất trắc ám ảnh hy vọng của tôi. Tôi mất hẳn một nửa lòng tin ở sức mạnh của mình đối với ông Rôchextơ. Tôi sắp sửa vâng lời ông như cái máy, không phản đối gì hơn nữa, nhưng khi đỡ tôi lên, ông bỗng nhìn vào mặt tôi, hỏi:
- Có điều gì vậy? Vẻ vui tươi của em biến đâu mất cả. Có phải em cứ muốn cho con bé đi cùng không? Nếu để nó ở lại thì em không thích ư?
- Em rất muốn cho nó đi, thưa ông.
- Vậy chạy đi lấy mũ và ra đây mau, nhanh lên đấy.
Ông bảo to với Ađen.
Nó vâng lời, chạy biến ngay đi.
- Thôi, chỉ mất một buổi sáng thì cũng chẳng sao - ông nói - trong khi tôi sắp đòi hỏi em suốt đời ở bên tôi, chỉ nói chuyện với tôi và dành cho tôi mọi ý nghĩ của em.
Được nhấc lên xe rồi. Ađen bắt đầu hôn tôi, để tỏ lòng biết ơn vì tôi đã can thiệp giúp nó, rồi nó bị ấn ngay vào góc xe phía bên kia ông Rôchextơ. Nó đưa mắt ngó trộm sang chỗ tôi. Ngồi bên ông láng giềng nghiêm nghị như thế, con bé cụt hứng. Thấy vẻ mặt ông khó đăm đăm, nó không dám ho he nhận xét, hỏi han gì cả.
- Cho nó sang đây với em, có thể nó sẽ làm phiền ông, phía bên này còn rộng chỗ lắm.
Ông nhấc bổng nó sang qua chỗ tôi như nhấc một con chó vậy.
- Rồi tôi sẽ gửi nó vào trường thôi - ông nói, nhưng bây giờ thì ông mỉm cười.
Nghe thấy thế, Ađen hỏi lại nó có phải vào trường mà sans mademoiselle(1) không?
- Phải, ông trả lời, nhất định là "sans mademoiselle" rồi; vì tao sẽ đem cô mày lên mặt trăng, và tao sẽ tìm một cái hang ở một trong những thung lũng trắng giữa cái núi lửa, và rồi cô mày sẽ sống ở đấy với tao và chỉ với một mình tao thôi.
Ađen nói:
- Thế thì lấy gì cho cô ăn; ông sẽ làm cho cô chết đói mất.
- Sớm tối tao sẽ đi kiếm bánh thánh cho cô, trên các cánh đồng và sườn núi ở mặt trăng trắng xóa những bánh thánh, Ađen ạ.
- Cô còn phải sưởi nữa chớ, cô sẽ lấy đâu ra lửa nào?
- Núi trên mặt trăng có lửa bốc ra; khi nào cô lạnh, tao sẽ bế cô lên đỉnh núi và đặt cô nằm trên miệng núi lửa.
- Oh, que’elle y sera mal - peu confortable!(1)
- Còn quần áo của cô nữa, nó phải rách chứ. Cô lấy đâu ra áo mới.
Ông Rôchextơ làm ra vẻ lúng túng.
- Hừ, thế mày sẽ làm thế nào, Ađen? Cố moi móc tìm ra một cái gì chứ. Lấy một đám mây trắng hay mây hồng làm áo nhé, mày nghĩ thế nào? Người ta còn có thể cắt một mảnh cầu vồng làm một chiếc khăn quàng khá đẹp cơ.
Nghĩ ngợi một lát, Ađen kết luận:
- Cứ nguyên như thế này, cô lại dễ chịu hơn nhiều. Vả lại ở mặt trăng với một mình ông thì rồi cô sẽ chán chết. Nếu cháu mà là cô, thì cháu chẳng bao giờ bằng lòng đi với ông.
- Cô đã bằng lòng đấy, cô đã hứa.
- Nhưng ông đem cô lên đấy thế nào được, làm gì có đường lên mặt trăng, toàn là không khí, mà cả ông lẫn cô đều không biết bay.
- Ađen, nhìn cánh rừng kìa.
Bấy giờ chúng tôi đã ra khỏi cổng trại Thornơfin; xe nhẹ bon trên đường êm ả đi Mincôt. Sau cơn giông tố trời không vẩn chút bụi, hai bên đường, các hàng rào thấp và những cây cao vút đượm mát nước mưa, xanh tươi mơn mởn.
- Trên cánh đồng này, Ađen ạ, cách đây khoảng nửa tháng, tao đi chơi vào một buổi chiều đã khá muộn - cái buổi chiều mày giúp tao đánh đống cỏ khô trong bãi cỏ vườn cây quả ấy mà; tao mệt vì vun cỏ, nên mới ngồi nghỉ trên một cái bậc, rồi tao lôi ra một quyển sổ tay và một chiếc bút chì, tao bắt đầu ghi; một câu chuyện không may xảy ra cho tao từ lâu lắm rồi, với ước vọng của tao mong những ngày tươi vui sẽ đến. Tao đang viết rất nhanh, vì ánh sáng đã nhạt dần trên trang giấy, thì bỗng có cái gì ở trên đường đi tới và dừng lại cách chỗ tao chừng hai bước. Tao ngẩng lên nhìn. Đó là một sinh vật bé nhỏ, đầu choàng một chiếc khoan voan mỏng teo. Tao ra hiệu bảo lại gần, người đó đến đứng ngay sát bên gọi tao, tao không nói gì với người ấy, mà người ấy cũng chẳng lên tiếng nói gì với tao, nhưng tao đọc được trong khóe mắt của người ấy, và người ấy cũng đọc trong mắt của tao, hai bên đều biết mỗi người nghĩ gì; cuộc nói chuyện không thành lời ấy diễn ra như thế này.
"Người ấy bảo rằng mình là một cô tiên từ chốn Bồng lai tới, chuyến này xuống trần là để đem hạnh phúc đến cho tao, tao phải đi theo cô tiên khỏi cái thế giới phàm tục này tới một nơi cô quạnh - như mặt trăng, chẳng hạn - cô tiên hất đầu về phía mảnh trăng lưỡi liềm đang nhô lên khỏi dãy đồi xóm Hây. Cô tiên kể với tao về cái hang bạch ngọc và cái thung lũng bạc, nơi cô và tao có thể chung sống với nhau. Tao bảo rất muốn đi, nhưng cũng nhắc cô tiên, tao không có cánh để bay như mày nói với tao.
Cô tiên trả lời: "Ồ, không hề gì cái đó! Đây là một lá bùa có thể phá bỏ mọi khó khăn trở ngại". Cô tiên giơ ra một chiếc nhẫn vàng, bảo tao: "Đeo nó vào ngón tay thứ tư của bàn tay trái em, thì em sẽ là của ông, và ông sẽ là của em, rồi đôi ta sẽ rời khỏi mặt đất, và sẽ lập bầu trời riêng của đôi ta ở bên kia". Cô lại hất đầu về phía mặt trăng. Ađen này, cái nhẫn còn ở trong túi quần tao đây, hiện giờ nó đã biến thành một đồng tiền vàng, nhưng tao lại sắp đem đánh nó ra thành chiếc nhẫn.
- Nhưng chuyện ấy thì có dính gì đến cô? Cháu mặc kệ cô tiên ấy; lúc nãy ông bảo ông sẽ đưa cô lên mặt trăng kia mà?
- Cô là một cô tiên đấy! - Ông thì thầm ra vẻ bí mật lắm.
Tôi bèn bảo Ađen đừng để ý đến chuyện bông đùa của ông làm gì, về phần con bé, nó cũng tỏ thái độ hoài nghi như một người Pháp chính cống, nó cho ông Rôchextơ là "un vrai minteur"(1) và quả quyết với ông Rôchextơ rằng nó chẳng tin những "contes de fée"(2) của ông tí nào, và bảo "du reste il n’y avait pas de fées, et quand même il y en avait"(3) thì nó cũng chắc rằng các cô tiên chẳng bao giờ hiện ra cho ông thấy, cũng chẳng bao giờ đem cho ông nhẫn, hoặc đề nghị chung sống với ông ở mặt trăng.
Tôi thấy khoảng thời gian ở Mincôt chán ngán thế nào. Ông Rôchextơ ép tôi đến một cửa hàng lụa nào đó, buộc tôi chọn mua một nửa tá áo. Tôi chẳng thích gì việc đó, tôi xin ông hãy để tôi thư thả, nhưng không... cứ phải mua ngay bây giờ cơ. Tôi thì thầm van nài hết sức mới được ông đồng ý cho bớt từ nửa tá áo xuống hai chiếc, nhưng ông lại đòi để chính ông chọn lấy. Tôi lo lắng nhìn ông đưa mắt lướt qua một thứ lụa bóng nhất, màu ngọc tím, và một thứ hàng satanh lộng lẫy màu hồng. Tôi lại thì thầm một hồi với ông rằng giá ông cứ mua ngay cho tôi một chiếc áo kim tuyến và một cái mũ bạc nữa đi, tôi cũng sẽ chẳng bao giờ dám mặc thứ áo hàng ông chọn đâu. Vì ông cứ trơ như đá, nên phải khó khăn vô cùng tôi mới khuyên được ông đổi lấy một thứ satanh màu đen nhã hơn, và một thứ lụa màu ngọc trai xám. Ông bảo: "Bây giờ hãy tạm thế cũng được, nhưng tôi muốn nhìn em lộng lẫy như một vườn hoa".
Tôi thấy nhẹ cả người khi lôi được ông ra khỏi hàng tơ lụa, và sau đấy là hiệu kim hoàn, ông càng mua sắm cho tôi, má tôi càng nóng bừng lên vì một cảm tưởng khó chịu và tủi hổ. Khi lại bước lên xe, tôi ngồi xuống người mệt bã như phát sốt, chợt nhớ ra rằng các chuyện vui buồn dồn dập làm tôi quên bẵng hẳn bức thư của cậu tôi là Jôn Erơ gửi cho bà Rit, dự định nhận tôi làm con nuôi và cho kế thừa gia sản. Tôi nghĩ bụng: "Quả thực nếu mình có chút của riêng, dù là rất ít, thì cũng dễ chịu, mình chẳng bao giờ có thể chịu được cảnh để cho ông Rôchextơ may mặc cho như một con búp bê, hoặc ngồi như một Đanaê(1) thứ hai, để ngày ngày mưa vàng giội xuống quanh mình, về đến nhà, mình sẽ viết thư gửi đi Mađêra ngay, báo cho cậu Jôn biết mình sắp lấy chồng và lấy ai. Nếu có hy vọng một ngày kia mình có của cải góp thêm vào tài sản của ông Rôchextơ, thì bây giờ mình chịu đựng cho ông chi tiêu vì mình cũng dễ dàng hơn". Ý nghĩ này khiến tôi thoải mái phần nào (và tôi đem thi hành ngay hôm đó). Một lần nữa tôi đánh bạo nhìn vào mặt ông chủ và cũng là người yêu của tôi, đôi mắt ấy cứ nhất định tìm mắt tôi, mặc dù tôi đã tránh không nhìn ông. Ông mỉm cười, tôi cho nụ cười của ông giống nụ cười của một quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ, trong một phút âu yếm khoái trá, ban cho một kẻ nô lệ vừa được mình ân tứ vàng bạc châu báu. Bàn tay ông luôn tìm tay tôi, tôi bóp mạnh nó và đẩy lại, đỏ nhừ vì cái xiết say sưa chặt chẽ.
- Ông đừng nhìn em như vậy, tôi nói, nếu không em sẽ chẳng mặc gì khác ngoài chiếc áo cũ của em ở Lôut cho đến ngày chót đấy, và hôm cưới em sẽ cứ mặc cái áo vải hoa cà này cho mà xem. Ông đem lụa cẩm thạch ra mà may áo ngủ, còn chỗ satanh đen thì đem mà may một loạt áo chẽn.
Ông xoa xoa hai bàn tay, khúc khích cười:
- Ồ, được nhìn và nghe nàng nói thật là tuyệt! Nàng mới độc đáo và ý nhị làm sao chứ? Tôi sẽ chẳng chịu đổi cô thiếu nữ Anh-cát-lợi bé nhỏ này lấy cả một hậu cung của quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ, với tất cả những đôi mắt huyền, những hình dáng tiên vương gì gì đi nữa.
Câu ẩn ý Đông phương ấy lại làm tôi phật lòng, tôi nói.
- Em sẽ không đời nào chịu thay thế một hậu cung cho ông đâu, vì thế ông cũng đừng coi em tương đương với một cung nữ; nếu ông có ý nghĩ muốn một thứ gì theo kiểu ấy, thì ông đi đi, đi ngay đến các cửa hàng ở Xtambun mà mua lấy hàng đống nô lệ về, bằng số tiền dành dụm mà hình như ở đây ông không biết tiêu gì cho thỏa được.
- Jên, thế em sẽ làm gì khi tôi mua về hàng tấn thịt tươi và hàng loạt những đôi mắt đen láy ấy?
- Thì em sẽ chuẩn bị đi làm một giáo sĩ tuyên truyền tự do cho những kẻ bị nô lệ hóa, kể cả những nô lệ trong hậu cung của ông. Em sẽ vào đó mà kích thích họ nổi loạn! Còn ông, dù cho ông có là vua Thổ Nhĩ Kỳ đi nữa, thì cũng chỉ trong nháy mắt ông sẽ bị chúng em trói gô lại, không một ai, và cả em nữa, lại bằng lòng cắt dây trói nếu ông chưa ký một đạo luật hết sức rộng rãi mà chưa hề có một bạo chúa nào chịu chấp thuận.
- Tôi sẽ chịu phục tùng em, Jên ạ.
- Em sẽ không khoan nhượng đâu, ông Rôchextơ ạ, nếu ông van xin với đôi mắt như thế kia. Ông nhìn như vậy, thì em chắc dù ông có bị bắt buộc phải ký đạo luật nào chăng nữa, một khi được tha, hành động đầu tiên của ông cũng sẽ là vi phạm những điều khoản của nó.
- Thế nào, Jên, em muốn gì? Tôi e em sẽ buộc tôi phải tổ chức một lễ cưới riêng ngoài hôn lễ trước bàn thờ Chúa. Xem chừng em sẽ đòi hỏi những điều kiện đặc biệt - nhưng điều kiện gì vậy.
- Em chỉ muốn có một tâm hồn thanh thản, thưa ông, không phải bận vì hàng đống những bổn phận gò bó. Ông còn nhớ những điều ông nói về Xêlin Varen không? Về những kim cương, khăn quàng Casơmi ông đã tặng cô ta? Em không muốn làm nàng Xêlin Varen Anh-cát-lợi của ông đâu. Em sẽ cứ tiếp tục làm cô giáo dạy Ađen, như vậy em sẽ vẫn tự kiếm được nơi ăn chốn ở, với số lương ba mươi bảng mỗi năm. Bằng số tiền ấy em sẽ tự may mặc cho mình, và ông sẽ chỉ cần cho em...
- Nào, chị cần gì?
- Lòng quý mến của ông; và nếu đền đáp lại, em cũng quý mến ông, thì như vậy là xong nợ.
- Hừ, về tính lạnh lùng trắng trợn và kiêu hãnh bầm sinh thì không ai bằng em.
Lúc ấy, chúng tôi đã đến gần Thornơfin. Khi xe vào qua cổng, ông hỏi tôi:
- Em có vui lòng cùng ăn cơm với tôi hôm nay không?
- Không, cám ơn ông.
- Tại sao lại nói: "Không, cảm ơn"? Tôi được phép hỏi em chứ?
- Thưa ông, em chưa bao giờ cùng ăn với ông, và bây giờ em không thấy có lý do gì để ngồi ăn như vậy, đợi cho đến khi nào...
- Cho đến khi nào? Em hay nói lửng lơ quá.
- Cho đến khi em bắt buộc phải cùng ăn với ông.
- Em nghĩ tôi ăn như một con yêu tinh, hoặc một con ma cà rồng, nên sợ không dám ngồi ăn với tôi chứ gì?
- Thưa ông, em không có ý nghĩ ấy! Nhưng em muốn cứ tiếp tục như bình thường trong một tháng nữa...
- Em sẽ chấm dứt ngay lập tức cái công việc khổ sai của cô giáo dạy trẻ.
- Sao lại thế, xin ông tha lỗi cho, em sẽ không làm thế đâu. Em cứ sống như cũ thôi. Em sẽ tránh không gặp ông suốt ngày, cũng như mọi khi ấy, tối đến ông có thể gọi cho em, nếu ông thấy muốn gặp em, và em sẽ đến, nhưng không phải bất cứ lúc nào.
- Thế này thì tôi phải hút một điếu xì gà, hoặc hít một dúm thuốc lá thì mới chịu được, "pour me donner une contenance"(1) như Ađen thường nói; nhưng không may tôi chẳng có hộp xì gà, mà bao thuốc hít cũng không có đây. Nhưng em hãy nghe này, bây giờ là thời của em, cô bé chuyên chế ạ, nhưng nay mai sẽ đến thời của tôi đấy, và một khi tóm được em hẳn hoi rồi, để giữ chắc lấy em, tôi đến phải trói em lại - theo nghĩa bóng bằng dây xích như cái dây này này (ông sờ vào sợi dây đeo đồng hồ), ừ, cô em bé nhỏ của tôi, "tôi sẽ mang em trong trái tim, sợ viên ngọc quý của tôi rơi mất"(2).
Ông vừa nói vừa đỡ tôi đến gặp ông như thường, tôi đã sắp đặt một công việc cho ông, vì tôi quyết định sẽ không ngồi trò chuyện tay đôi với ông suốt buổi tối. Tôi nhớ giọng ông hát rất hay tôi biết ông thích hát - những người hát hay vẫn thích thế. Bản thân tôi không hát được và theo sự nhận xét khó tính của ông, tôi cũng không có khiếu về âm nhạc, nhưng tôi lại rất ưa nghe những khúc nhạc hay.
Hoàng hôn, giờ phút lãng mạn ấy, vừa buông tấm màn xanh lơ điểm đầy sao xuống bên ngoài cửa sổ, thì tôi đã đứng dậy nắp dương cầm và nài ông hãy vì yêu bầu trời thơ mộng kia mà hát cho tôi nghe một bài. Ông bảo tôi là một mụ phù thủy trái thói, và muốn để đến lúc khác sẽ hát, nhưng; tôi nói chẳng có lúc nào thích hợp bây giờ. Ông nói:
- Em có thích nghe giọng tôi hát không?
- Em thích lắm.
Tôi vốn không thích thổi thêm vào tính tự phụ dễ bốc của ông; nhưng riêng lần này, muốn cho được việc, tôi đành phải dùng thủ đoạn mơn trớn và kích thích nó lên.
- Jên, thế thì em phải đệm dương cầm theo nhé.
- Được lắm, thưa ông, em sẽ thử...
Tôi thử đệm đàn, nhưng liền bị gạt ngay ra khỏi chiếc ghế đẩu và bị gọi là "cô bé vụng về", ông gạt phăng tôi sang một bên đó chính là điều tôi mong muốn, ông chiếm chỗ tôi, và bắt đầu tự đệm đàn lấy, vì ông chơi đàn cũng hay không kém gì hát. Tôi náu mình bên cửa sổ và trong khi tôi ngồi đó nhìn ra ngoài ngắm cây cối im lìm và thảm cỏ đã thẫm màu, thì ông cất giọng êm ấm theo một điệu nhạc du dương, ca lên khúc hát như sau:
Tình chân thật tim yêu bốc cháy
Thấm từng nguồn mạch máu trào dâng
Tình đến, ngày hy vọng càng tăng,
Tình ra đi, lòng ta ôi bi thiết
Những trở ngại làm tình ta chậm đến.
Khiến bao nguồn mạch máu đặc đông.
Ta mơ tình như hạnh phúc không tên,
Ta yêu và cũng được yêu trở lại.
Với tình yêu, ta yêu tê tái
Lao đầu vào mù quáng nhiệt cuồng,
Nhưng khoảng trống bao la chặn đứng đôi bên,
Giữa đôi ta, đầy hiểm nguy như đại dương ngầu bọt sóng,
Và bị ám ảnh như một con đường đầy thảo khấu
Qua chốn hoang vu hoặc rừng rậm muôn trùng
Vì sức mạnh quyền uy đau đớn cuồng hung
Đã ngăn cách đôi tâm hôn ta hai ngả,
Ta bắt chấp hiểm nguy coi khinh trở ngại,
Thách cả mọi điềm báo trước hung tin
Dù là nạt nộ giày vò đe dọa mông lung
Ta vượt hết, kiêu hùng dũng cảm.
Cầu vồng vụt trước mặt ta như chớp sáng,
Ta vụt bay như trong một giấc mơ.
Rồi hiện lên rực rỡ trước mắt ta.
Đứa con của mưa dông và ánh sáng;
Trên làn mây mù âm u đầy hoạn nạn;
Vẫn ngời niềm vui hùng vĩ êm đềm.
Giờ này đây ta chẳng chút bận tâm
Đến những khốc hại bên ta đầy rẫy
Ta chẳng ngại điều chi trong giờ này êm ái.
Dù bọn thù, ta đã từng đạp chân lên
Mọc cánh thêm hung hãn vụt tới bên
Để quyết chí mong phen này phục hận
Dù lòng căm ghét vênh vang muốn đạp giày ta xuống
Mặc quyền uy xét xử với sức mạnh nghiệt nghèo
Có cau mày hậm hực quyết theo
Luôn bên ta khăng khăng nuôi thù hận
Người yêu ta đã đặt bàn tay nhỏ nhắn
Lên tay ta với lòng tin quý vô vàn
Và nguyện rằng mối duyên thiêng sẽ thắt chặt bội phần
Hai chúng ta cùng nhau khăng khít
Vết chiếc hôn là dấu tình yêu tha thiết,
Một mối tình ta sống chết bên nhau
Cuối cùng ta đạt hạnh phúc không tên
Ta yêu và được nàng yêu lại...
Hát xong ông đímg dậy, tiến lại phía tôi, tôi thấy mặt ông bừng bừng, đôi mắt chim ưng sáng quắc, từng nét mặt biểu lộ một tình yêu đắm đuối. Lúc ấy tôi phát sợ, nhưng rồi trấn tĩnh được ngay. Tôi không muốn có cảnh tình tự êm ái và sự tỏ tình táo bạo chút nào, mà tôi thì đang bị cả hai thứ đe dọa. Cần phải sửa soạn vũ khí chống lại... tôi chuẩn bị sẵn câu hỏi hóc búa(1). Ông vừa đến sát gần, tôi hỏi đốp ngay một câu:
- Bây giờ ông định lấy ai đấy?
- Em Jên yêu quý mà lại hỏi tôi câu ấy thì thật là lạ.
- Thực đấy! Em cho hỏi như vậy là rất tự nhiên và cần thiết nữa. Ông nói rằng người vợ tương lai của ông sẽ cùng chết với ông. Sao ông lại có cái ý nghĩ tà đạo như vậy? Em không hề định cùng chết với ông, ông có thể yên trí như vậy.
- Ồ, tất cả điều tôi mong mỏi, tôi cầu nguyện, là có em cùng sống với tôi! Cái chết đâu phải là dành cho một người như em.
- Có chứ. Đến lúc chết thì em cũng có quyền được chết như ông, nhưng em sẽ chờ đợi giây phút đó, chứ không cần vội vàng tự thiêu mình chết theo chồng.
- Em có sẵn lòng tha thứ cho tôi ý nghĩ ích kỷ ấy, và chứng tỏ lòng khoan hồng của em bằng một cái hôn không?
- Không, em xin ông tha lỗi cho!
Đến đây, tôi thấy ông gọi tôi là "cô bé sắt đá", ông lại nói thêm: "Bất cứ người đàn bà nào khác được nghe những lời ca ngợi mình như vậy cũng phải cảm động đến mềm người đi rồi".
Tôi nói cho ông biết là tôi vốn sắt đá, và rồi ông sẽ còn thấy tôi như thế luôn, hơn nữa tôi còn quyết định sẽ bày cho ông thấy nhiều góc cạnh trong tính tình của tôi trong bốn tuần lễ tới, để ông thấy rõ ràng rằng ông sẽ lấy một con người như thế nào, trong khi vẫn còn đủ thời gian hủy bỏ cuộc hôn nhân.
- Em có muốn tĩnh tâm và nói năng chín chắn hơn chăng?
- Em sẽ tĩnh tâm, nếu ông muốn vậy, còn nói rằng chín chắn, thiết tưởng hiện giờ em vẫn đang nói năng chín chắn đấy chứ.
Ông đã tỏ vẻ bực bội, chép miệng, làu bàu. "Được lắm", tôi nghĩ thầm "ô 1634 ng cứ việc cáu kỉnh, cứ việc quậy tùy thích, nhưng em tin rằng cách xử sự với ông như vậy là tốt nhất. Em không thể diễn tả hết được bằng lời tình yêu của em đối với ông, nhưng em không thể để cho mình chìm đắm vào tình cảm thái quá; chính là bằng những câu trả lời sắc cạnh này mà em ngăn ông lại trên bờ vực thẳm, và hơn nữa, nhờ cách gay gắt đó mà giữ được một khoảng cách chỉ có lợi cho cả đôi ta sau này".
Cứ dần dần từng bước, tôi làm cho ông hết sức bực tức, rồi đến lúc ông cáu kỉnh lui về phía cuối buồng, tôi mới đứng dậy nói: "Em chúc ông ngủ ngon" với thái độ kính trọng tự nhiên thường ngày, rồi theo cửa bên nhẹ bước ra ngoài.
Tôi cứ tiếp tục theo kế hoạch này suốt trong thời gian thử thách, và đạt được kết quả mỹ mãn. Đã đành là ông có phần bực bội và tức giận. Nhưng đại thể tôi có thể thấy cứ để cho ông ở trong tâm trạng ấy là hơn cả. Thái độ ngoan ngoãn phục tùng như con cừu non và tính dễ xúc động như con bồ câu của tôi chỉ nuôi dưỡng thêm thói chuyên chế của ông mà ít làm thỏa trí phán đoán, ít thỏa mãn lương tri và cũng ít thích hợp với sở thích riêng của ông.
Trước mặt mọi người, tôi vẫn tỏ ra kính trọng và trầm lặng như trước, bất cứ thái độ nào khác cũng là không thích hợp, chỉ có trong những lúc trò chuyện buổi tối là tôi làm ông bực bội khó chịu như thế thôi. Cứ đúng vào lúc đồng hồ điểm bảy tiếng là ông lại cho gọi tôi, nhưng bây giờ, khi tôi đứng trước mặt, ông không nói những lời ngọt ngào như "tình yêu", "em yêu của tôi" nữa, mà những lời âu yếm nhất dành cho tôi lại là "con búp bê hay châm chọc", "con yêu ranh mãnh", "đồ quỷ con", "người trái tính"... Thay cho những cử chỉ vuốt ve, tôi được nhận những cái nhăn mặt, ông véo vào cánh tay tôi chứ không bắt tay nữa; đáng lẽ hôn lên má thì ông béo mạnh tai tôi. Như thế càng hay, bây giờ nhất định là tôi ưa những ân huệ thô bạo ấy hơn bất cứ sự dịu dàng nào khác. Tôi thấy bà Fefăc tán thành thái độ của tôi; nỗi lo lắng của bà về phần tôi không còn nữa, vì thế tôi tin chắc mình đã xử sự đúng. Trong khi đó, ông Rôchextơ bảo tôi là tôi giày vò ông đến mất ăn, mất ngủ, ông đe trong thời gian sắp tới ông sẽ trả thù khốc liệt cái lối cư xử hiện thời của tôi. Trước lời dọa dẫm đó tôi chỉ cười thầm và nghĩ bụng: "Bây giờ tôi có thể kìm giữ được ông rồi đó; và tôi tin chắc sau này cũng vậy; hoặc giả cách này mất hiệu lực, thì sẽ phải tìm cách khác thôi".
Tuy nhiên, công việc của tôi cũng không dễ dàng gì; nhiều khi tôi muốn làm ông vui lòng hơn là trêu chọc ông. Người chồng tương lai ấy đối với tôi đã trở thành tất cả thế giới của tôi, và còn hơn thế nữa, hầu như ông là niềm hy vọng được lên thiên đường của tôi. Ông xen vào giữa tôi, và mọi ý nghĩ về tôn giáo, như là nhật thực xen vào giữa con người và mặt trời. Trong những ngày ấy, tôi không thể thấy được Thượng đế, vì tôi đã chỉ nhìn thấy một sinh vật do Người tạo ra, tôi đã coi người ấy là một thần tượng.
1. Quakơ: một dòng tu ở nước Anh, tín đồ ưa sống đạm bạc, giản dị.
1. Nguyên văn: "Một con vẹt mượn lông loài chim khác", ý nói chuyện "Sáo mượn lông công", bài thơ ngụ ngôn của La Fôngten: Sáo mượn lông của công để vênh vang, bị các loài chim khác khinh ghét.
1. Hecquyn: dũng sĩ, trong thần thoại Hy Lạp, say mê nàng Ômphan (Ômphale), rời bỏ nhung phục, mặc xiêm y, và ngồi xe chỉ dưới chân nàng để chiều ý nàng. Xamxơn: Dũng sĩ trong truyền thuyết Do Thái, vì say mê Đalila bị nàng phản bội nên đã bị kẻ địch bắt được. Đây ý nói đến những kẻ si tình.
1. Không có cô.
1. Thế thì ở đấy cô sẽ khổ lắm, chẳng thoải mái đâu!
1. Một tay chuyên món nói dối.
2. Những câu chuyện tiên.
3. Vả lại làm gì có tiên, mà dẫu có đi chăng nữa...
1. Đanaê: một công chúa trong thần thoại Hy Lạp được thần Zơt, biến hình thành mưa vàng, đến thăm trong cung cấm. (NXB).
1. Để giả bộ bình tĩnh.
2. Nhắc lại lời thơ của Robert Burn (1759 -1796) (NXB).
1. Nguyên văn: mài lưỡi cho sắc.